Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Samedi 18 Septembre 1926 13 tháng 8 năm Bính Dần Ngọc-Hoàng Thượng-Ðế Viết Cao-Ðài Tiên Ông Ðại Bồ-Tát Ma-Ha-Tát Giáo Ðạo Nam Phương Các con, ...
-
“Đạo phụng sự đời” hay “Đạo cứu Đời” là vấn đề sanh tử của các tôn giáo. Tôn giáo có ...
-
Chư Môn-đệ nghe! Phần nhiều trong các con chẳng để lòng thờ kính Thầy, tưởng cho đem thờ Thầy vào ...
-
Từ Hà Nội xuôi về phía Nam 90 km là tỉnh Ninh Bình, nơi hội tụ nhiều di tích văn ...
-
Sau đây, chúng tôi sẽ có những lời giải thích về mục đích của tôi khi thành lập Thiền viện ...
-
Phương tiện kỹ thuật càng tinh xảo, con người càng dễ đi đến chỗ dối mình, dối người, hại mình, ...
-
"Dầu tôn giáo nào cũng đều giáo dân vi thiện, đều áp dụng giới luật quy điều, trì tâm tu ...
-
. . . . . Đã Chính Trung thì làm thế nào cho ra Chính, cho phải Trung? Nên “dung ...
-
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 11-8 Bính Dần (14-9-1986)
-
Quan niệm về Thận của Lãn Ông có thể nói được là hết sức độc đáo. Quan niệm này đã được ...
-
TỔNG QUAN VỀ VŨ TRỤ LUẬN ĐẠI ĐẠO 1. Nguồn gốc vũ trụ 1.1. Khái niệm về vũ trụ 1.2. Bản Thể Vũ ...
-
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ KIM VIẾT CAO ĐÀI GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG, Thầy các con ! Thầy mừng các con ! Thiên ...
Thiện Chí
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009
Đại Đạo mở cửa Càn-khôn
Lịch sử nhân loại đang đến thời Hạ nguơn, tức giáp một chu kỳ Tam nguơn. Theo thiên cơ, đã đến lúc thanh lọc để giữ lại những nguyên nhân tiến hóa, còn những hàng vô minh tội lỗi phải chịu sàng sảy tùy theo nghiệp quả, để tái lập đời Thượng nguơn thánh đức. Nhưng Đức Chí Tôn vì lòng đại từ đại bi, khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hầu khải ngộ thiên lý cho đàn con quay về chánh đạo.
Bởi thế, Thầy và các hàng Phật Tiên Thánh Thần đồng giáng thế bằng linh điển, diễn giải những bí ẩn của Càn-khôn vũ trụ, từ hữu vi đến vô hình để chúng sanh có đầy đủ đức tin nơi Thượng Đế và biết được con đường tiến hóa trên những nấc thang vũ trụ, hầu học đạo giải thoát, khỏi luân hồi vào những thế giới đọa đày đau khổ. Do đó có thể nói Đại Đạo đang mở cửa Càn-khôn để tận độ chúng sanh.
I. Càn-khôn là gì ?
1. Càn-khôn là danh từ kép để chỉ tổng thể vũ trụ. Càn hay Kiền là nguyên lý Dương; Khôn là nguyên lý Âm. Càn còn có nghĩa là "trời" (thiên), Khôn cũng có nghĩa là "đất" (địa).
2. Vậy Càn-khôn theo nghĩa Âm-dương là dùng cơ nguyên sinh hóa để chỉ vũ trụ. Càn-khôn theo nghĩa "trời-đất" là dùng không gian-thời gian để chỉ vũ trụ.
3. Càn-khôn trong kinh điển: Tìm hiểu hai chữ Càn Khôn trong kinh điển xưa, không gì bằng tra cứu Kinh Dịch.
-Soán truyện quẻ Càn có viết: "Soán viết, đại tai Càn nguyên, vạn vật tư thỉ, nải thống thiên ;" Nghĩa là: " Lớn vậy thay! Đức Nguyên của Càn, bao nhiêu sinh vật ở trong vũ trụ, tất thảy nhờ đức Nguyên ấy mà nảy nở ra; đức Nguyên ấy mới thực là thống quát hết thiên đạo." ( Phan Bội Châu, Chu Dịch, Quẻ Bát Thuần Càn, Soán truyện)
-Qua đó ta thấy chữ "Càn" có nghĩa là động năng sinh hóa nguyên thỉ trong vũ trụ. Cái đức của động năng đó gọi là Càn-nguyên mà Dịch tán thán là "đại tai", lớn vậy thay!
-Soán truyện quẻ Khôn viết: "Soán viết, chí tai Khôn nguyên, vạn vật tư sinh, nải thuận thừa thiên." Nghĩa là: "Đến nơi vậy thay! Đức Nguyên của Khôn, vạn vật nhờ đức Nguyên của Khôn mà sinh nở, mới là thuận thừa đức Nguyên của trời." ( Phan Bội Châu, Chu Dịch, Quẻ Bát Thuần Khôn, Soán truyện )
-Qua đó ta thấy chữ "Khôn" có nghĩa là công năng trưởng dưỡng vạn vật thuận theo động năng khởi phát của Trời. Cái đức của công năng này gọi là Khôn-nguyên, mà Dịch tán thán là "chí tai", đến nơi vậy thay! Đến nơi tức là Càn sinh đến đâu thì Khôn liền dưỡng đến đó, theo cái đạo lý "thừa thuận" là phẩm chất của Khôn đi đôi với Càn.
Vậy hai chữ "Càn-khôn", theo Dịch, có nghĩa là Đạo sinh hóa bảo tồn vạn vật trong vũ trụ, vừa có nghĩa tĩnh là thực tại vũ trụ, vừa có nghĩa động là cuộc vận hành không ngừng nghỉ của Đạo Âm Dương trong trời đất.
4. Trời đất vạn vật trong Càn-khôn luôn luôn có mối tương quan mật thiết từ hành động đến tư tưởng.
Thánh giáo có dạy: "Giữa loài người hay nói chung là chúng sinh cho đến Càn-khôn vũ trụ đều có liên hệ và rất liên hệ mật thiết với nhau vô cùng. Vì Đạo là sự sống của vạn vật, hay nói một cách khác, Đạo là bản thể của vũ trụ, trong ấy có Phật Tiên Thánh Thần cùng muôn loài vạn vật.
Đã nói là cùng chung, chẳng khác nào một cơ thể. Cơ thể nhỏ là thí dụ của thú cầm hoặc của loài người, v.v… Còn cơ thể lớn là vũ trụ. (….)
Nếu trong vũ trụ, một quốc gia nào có chiến tranh biến loạn thì toàn thể đều chịu ảnh hưởng chung, từ sự buồn vui giận ghét cho đến sự liên hệ về kinh tế, quân sự, giao thông, vận tải v.v… Do đó, là người tu học, đừng bao giờ nghĩ rằng việc mình mình biết, việc người người hay; họ khổ mặc họ, mình lo bảo thủ chu toàn cho xong phận mình là đủ ." Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, Thiên Lý Đàn, Tuất thời 12 tháng 02 Kỷ Dậu (29/3/1969)
II. Những thực tại trong Càn-khôn :
1. Bản thể của Càn-khôn: Vô cực
Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy dạy: "Trước khi chưa phân định Âm Dương, Càn-khôn thế giới, thì trong thời kỳ ấy, khí hồng mông đương hỗn độn, mờ mờ mịt mịt, lặng lẽ, vô vi, thanh trược hỗn hiệp kêu là: TiênThiên Hư Vô Chi Khí.
Trong khí Hư Vô ấy lại có phát hiện ra một vầng đại-quang-minh là Thái Cực. Đó kêu rằng Vô cực (một vòng tròn) sanh Thái Cực "không mà có". (Đại Thừa Chơn Giáo, Cơ ngẫu luận, Tiên Thiên cơ ngẫu.)
2. Động năng của Càn-khôn: Thái cực
"Vòng Hư Vô ấy lại có một điểm trung tâm thì Thái cực là cơ, mà hễ cơ là lẻ. Đã lẻ thì làm sao mà hóa sanh để tạo thành Càn-khôn thế giới, vạn vật muôn loài, côn trùng thảo mộc, thủy tú sơn xuyên? Nên cái lý đơn nhứt ấy mới phóng ra một vầng quang-minh phân định: khí khinh thanh thượng phù giả vi thiên; khí trọng trược ngưng giáng giả vi địa. Khí nhẹ nhàng bay bổng lên làm ngôi Càn. Càn là Thiên, tức là Nhứt Dương chi khí. Khí nặng nề ngưng giáng xuống làm Khôn. Khôn là Địa: Nhứt Âm chi khí." Sđd, Cơ ngẫu luận, Tiên Thiên cơ ngẫu.
3. Cơ nguyên sanh hóa của Càn-khôn: Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam,Tam sinh vạn vật.
Đạo Đức Kinh có viết:
"Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ Âm nhi bảo Dương, xung khí dĩ vi hòa" (Đạo Đức Kinh, Chương 42.). Nghĩa là: Đạo sinh ra Một, Một sinh ra Hai, Hai sinh ra Ba, Ba sinh vạn vật. Vạn vật đều cõng Âm mà ôm Dương, do xung khí đã hòa. ("Ba" chính là cái xung khí giữa Âm Dương đó)
Trong giáo lý Đại Đạo, Đức Chí Tôn cũng nêu lên cơ nguyên sinh hóa ấy:
"Đạo phân một, một hai ba,
Là ngôi Thái cực, Chúa Cha chưởng quyền.
Âm Dương hiệp với ngôi Thiên,
Hóa sanh vạn vật mối giềng chẳng xao," (ĐTCG,Trước Tiết Tàng Thơ, Đại Đạo luận)
4. Cơ nguyên tiến hóa của Càn-khôn: Qui nhất
"Một hai ba ấy lẽ nào,
Cho đi khắp chỗ cũng vào Một ngôi." ( ĐTCG- Đại Đạo luận.)
Và :
"Càn khôn trẻ muốn chung cư thất,
Thiên địa con toan động tác thành;
Ngưỡng cửa viên dung là chữ nhất,
Không tìm sao thất ở hình danh!" ( Đức Chí Tôn, TGST/CQPTGL)
III. Mở cửa Càn-khôn trong Tam kỳ phổ độ.
1. "Đại Đạo là cánh cửa Càn-khôn rộng mở":
-Từ thời Trung cổ loài người đã có những nhà thiên văn biết quan sát tinh tú trên trời, đặt tên cho các chòm sao hay những ngôi sao, định vị và định hướng các sao. Họ còn nghiên cứu những biến đổi trạng thái của tinh tú để tiên đoán thời tiết, thời cuộc hay ảnh hưởng giữa thiên văn với vận mệnh của các triều đại, của các nhân vật lịch sử. Tuy nhiên, do khoa học chưa tiến bộ, kiến thức thiên văn thời Trung cổ còn rất hạn hẹp. Đến ngày nay, các nhà khoa học đã có thể khảo sát từ dãy Ngân hà đến thái dương hệ, chụp ảnh các vì sao, đo đạt các khoảng cách giữa các hành tinh, định tinh… Nhưng thật ra tất cả những gì khoa học, khoa thiên văn khám phá được trong vũ trụ chỉ là hạt cát giữa biển khơi. Bởi vì vũ trụ không chỉbao hàm những thế giới, những thiên thể hữu hình, mà vũ trụ còn là một bầu năng lượng vô biên và là một thực tại tâm linh huyền bí, huyền nhiệm vô cùng.
Đến thời đại ngày nay, Đức Chí Tôn khai Tam kỳ phổ độ tức là mở cánh cửa ngăn cách giữa hai cõi hữu hình và vô hình để loài người biết mình đang ở đâu và sẽ đi về đâu. Nên thánh giáo dạy rằng:
"Đại Đạo là cánh cửa Càn Khôn rộng mở cho văn minh khoa học loài người đạt đến điểm cao vút
để nhìn thấy cơ vi mầu nhiệm của Tạo Hóa
mà thành tín trước Đức Háo Sanh mầu nhiệm
và Đức Từ Bi sáng tạo vô ngần của Thượng Đế.
Như vậy, Đại Đạo là con đường chân lý mà loài người phải vươn tới ." ( Cao Triều Phát Tiền bối , CQPTGL, Ất Sửu)
2. Đại Đạo đã mở cửa Càn-khôn ra sao?
2.1. Bắc nhịp cầu giữa hai cõi Sắc – Không.
Vào những năm 20 của thế kỷ 20, trước khi đạo Cao Đài xuất hiện, phong trào xây bàn cầu cơ trở nên rất phổ biến ở miền Nam Việt Nam. Trong đó có những đàn cầu cơ nổi tiếng như đàn Minh Thiện ở Thủ Dầu Một, đàn Minh Lý ở Tam Tông Miếu, đàn Cái Khế ở Cần Thơ... và nhiều đàn ở các tư gia. Các đấng Thiêng Liêng giáng đàn nhiều nơi để cho thuốc chữa bệnh, hoặc khuyến thiện, khuyến tu, dần dần đem đến đức tin về sự linh thiêng và sự hiện hữu của cõi vô hình. Đặc biệt, đức tin ấy đã dẫn dắt Ngài Ngô Văn Chiêu đến với Đức Cao Đài và "Nhóm xây bàn" ở phố Hàng dừa Sài gòn đến với Đức A Ă Â. Như thế, từ nhịp cầu bắc qua hai cõi Sắc Không đã trở thành nhịp cầu nối liền giữa Thượng Đế và thế gian qua các vị Tông đồ đầu tiên của Ngài.
2.2. Đức Thượng Đế thị hiện bằng thiên điển
Thế là cánh cửa Càn-khôn đã được mở. Và sự kiện có ý nghĩa nhất đối với lịch sử nhân loại, với cả vũ trụ nữa khi mở cửa Càn-khôn là sự thị hiện Thượng Đế:
"Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Đạo Nam Phương "
Đây là hồng danh đầy đủ của Thầy, lần đầu tiên tuyên xưng trong buổi lập đàn tại nhà Ngài Cao Quynh Cư vào đêm Noel (24-12-1925) nhằm mùng 09-11-năm Ất Sửu.Cũng là lần đầu tiên chư Tiền khai Đại Đạo biết được Đức A Ă Â chính là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, chư vị vừa bàng hoàng vừa vui mừng khôn xiết, nên Lục Nương Diêu Trì Cung đã giáng cho bài thi:
" Vui nhơn vui Đạo lại vui thiền,
Vui một bước đường một bước yên.
Vui bóng Cao Đài che khắp chốn,
Vui gương Ngọc Đế thấy như nhiên,
Vui ngàn thế giới răn nhơn sự,
Vui một màu Thiên đóng cửu tuyền.
Vui vớt sanh linh nơi bể khổ,
Vui Trời rưới khắp đủ ân Thiên"
(Xem thêm Lịch sử Đạo Cao Đài, q1-Khai Đạo, Từ khởi nguyên đến khai minh -CQPTGL, nxb Tôn giáo, xb.2005, tr.136-137.)
"Trước khi Đức CHÍ TÔN THƯỢNG ĐẾ lâm phàm khai Đại Đạo tại Việt Nam, trong khi đó Đại Đạo cũng vẫn có trong vũ trụ vạn vật. (….) Một Đấng Chúa Tể càn khôn vũ trụ Huyền Huyền Thượng Đế, tá danh Cao Đài Giáo Chủ Kỳ Ba, mở pháp lực để phổ độ mấy mươi ức nguyên nhân còn lạc lõng. Vì đó, Đức Cao Đài Giáo Chủ, Đức Đại Từ Phụ của vạn linh sanh chúng, mà chư Phật Tiên Thánh Thần đều là Thiên sứ của Ngài trong Tam Long Hoa Đại Hội, với ân oai vô lượng, tạo hóa vô biên, nên chư Phật Tiên Thánh Thần đến trần gian với nhiệm vụ, với Thiên chức độ đời, dẫn dắt đoàn em trở về cùng Thượng Phụ…" ( Đức Đông Phương Lão Tổ, Bát Nhã Tịnh Đường, Hợi thời 18 tháng 3 Nhâm Tý , 01.05.1972)
2.3. Thị hiện nguyên lý hóa sanh vũ trụ:
2.3.1. Thiên nhãn: Đức Thượng Đế không thị hiện hữu hình mà dùng thiên điển qua linh cơ diệu bút để dạy dỗ nhân sanh bằng ngôn ngữ hay văn tự. Tuy nhiên Ngài đã chọn Thiên nhãn để tượng trưng ngôi vị, quyền năng và giáo pháp của Ngài. Vậy "Thiên nhãn duy nhất trên quả Càn-khôn" dùng để làm chứng lý cho "Nguyên lý tuyệt đối trong vũ trụ". Đó là ánh sáng chân lý tỏ rõ nhất mà Đại Đạo đã mở cửa Càn-khôn cho nhân loại chứng ngộ và khám phá huyền vi của Tạo Hóa.
2.3.2. Thiên bàn: Ngoài Thiên nhãn là "tướng" ẩn dụ cái "thể" là Chí Tôn, là Đạo; cánh cửa Càn-khôn còn mở ra cho con người hiểu cái "dụng" của Đạo trong vũ trụ bằng sơ đồ thờ phượng trên thiên bàn. Đó là cơ nguyên sanh hóa và tiến hóa trong trời đất: Vô cực – Thái cực – Lưỡng nghi; Thần-Khí. Cơ nguyên này vừa là giải đáp vừa là đề thi muôn đời cho chúng sanh. Những ai là trí thức, bác học dù chưa có đức tin nơi Thượng Đế, càng dùng khoa học tiên tiến để thâm cứu vũ trụ sẽ càng sùng bái "cơ vi mầu nhiệm" của Đức Chí Tôn. Vì khoa học hiện đại chỉ mới khám phá một điểm chấm trong không gian bao la của vũ trụ vĩ mô, và sự vận động của một vi hạt trong nguyên tử mà đã thấy sự kỳ diệu của Tạo hóa, trong khi còn cả Càn-khôn vô cùng bí hiểm!
2.3.3. Tam đài: Thiên nhãn hay thiên bàn đã nêu lên được nguyên lý Thái cực – Lưỡng nghi và Lưỡng nghi – Thái cực. Nhưng phải có cấu trúc Tam đài của Thánh thất mới thể hiện được thánh thể của Đức Chí Tôn. Thánh thể ấy chính là một tổng thể mà Càn-khôn hàm súc, đồng thời tạo thành guồng máy vận động không ngừng của cơ sanh hóa và tiến hóa vạn vật-chúng sanh. Nên thánh giáo có viết:
"Thánh Thể của Đức Chí Tôn gồm có ba phần: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài. Ba đài hiệp lại thành một Thánh thể chung. Thánh thể hữu hình tượng trưng cho guồng máy Đại Đạo xoay vần trong càn khôn thế giới. Vì nếu hầu hết con người trên thế gian đều chấp nhận cái hình thức Thánh thể ấy để đạt được cái lý siêu nhiên của Trời, của Đạo, gìn giữ được những bửu vật cố hữu của con người muôn thuở, thì càn khôn sẽ được an tịnh, thế giới sẽ được an ninh, phong hòa võ thuận, thế giới an khương." Đức Đông Phương Chưởng Quản, Trúc Lâm Thiền Điện, Tý Thời 17 Rạng 18 tháng 7 Canh Tuất (18-8-1970)
2.4. Thị hiện nguyên lý bảo tồn của vũ trụ: Đức Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu vị Tiên nương
Phật Mẫu Chơn Kinh diễn giải Ngôi Vô Cực Diêu Trì Kim Mẫu là ngôi Bảo tồn trong Càn-khôn song song với Ngôi Thái Cực Thánh Hoàng là ngôi sanh hóa và vận hành vũ trụ:
Tạo Hóa Thiên Huyền Vi Thiên Hậu,
Chưởng Kim Bàn Kim Bàn Phật Mẫu Diêu Trì,
Sanh quang dưỡng dục quần nhi,
Chơn linh phối nhứt thân vi thánh hình.
Thiên cung xuất Vạn linh tùng pháp,
Hiệp Âm Dương hữu hạp biến sanh.
Càn Khôn sản xuất hữu hình,
Bát hồnvận chuyển hóa thành chúng sinh .
Chính Đức Vô Cực Từ Tôn đã xác minh quyền năng bảo tồn tối thượng của Ngài cũng là Bản thể Vô cực của Càn-khôn vậy:
VÔ vi chi khí dựng càn khôn,
CỰC điểm nguyên sanh Đạo bảo tồn;
TỪ Mẫu khuyên con tu phục vị,
TÔN danh chủ thể giữ chơn hồn .
( Thánh Thất Bình Hòa, Tuất thời 14 tháng 8 năm Nhâm Tý, 21.09.1972)
Đức Mẹ còn dạy nên thể hiện đúng lý đạo ấy trong công cuộc xây dựng các thánh sở của Đạo, không nhất thiết phải xây điện Diêu Trì song song với Thánh thất:
"Nhưng hỡi con! Nơi đâu có Thánh Thể của Thầy là đã có Mẹ bao vòng trong và ngoài ngôi Thánh Thể ấy, vì Mẹ là Vô Cực Vô Vi. Nên từ đây về sau, các con đừng có ý tạo ngôi Diêu Trì Bửu Điện song hành với ngôi Thánh thể là sai lý đạo nghe con." (Thánh thất Bình Hòa, Rằm tháng 8 năm Đinh Mùi, 1967)
3. Các thế giới trong Càn-khôn
Vào ngày 12-8-Bính Dần (Thứ sáu, 17-9-1926), chuẩn bị cho đại lễ Khai minh Đại Đạo, Đức Chí Tôn đã dạy chư Tiền khai Đại Đạo tạo một quả Càn-khôn như sau:
"(….) Thầy giao cho con lo một trái Càn-khôn. Con hiểu nghĩa gì không? …Cười … Một trái như trái đất, tròn quay, hiểu không? Bề kính tâm ba thước ba tấc, nghe con. Lớn quá mà phải vậy mới đặng, vì là cơ mầu nhiệm Tạo hóa trong ấy. Mà sơn màu xanh da trơi; cung Bắc Đẩu và tinh tú vẽ lên Càn-khôn ấy. Thầy kể tam thập lục thiên, tứ đại bộ châu ở không không trên không khí, tức là không phải tinh tú, còn lại, thất thập nhị địa và tam thiên thế giới thì đều là tinh tú; tính lại ba ngàn bảy mươi hai ngôi sao. Con phải biểu vẽ lên đó cho đủ." Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, 12-8-Bính Dần,17-9-1926, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển I)
Ngày nay chúng ta còn thấy ở Tòa thánh Tây Ninh và một số Tòa thánh khác còn thờ Thiên nhãn được họa trên quả Càn-khôn để tượng trưng cho Ngôi Thái Cực Thánh Hoàng chưởng quản Càn-khôn vũ trụ bao gồm cấu trúc như trên theo khải thị của Đức Chí Tôn. Nên trong kinh Ngọc Hoàng Bửu Cáo có những câu:
"Đại La Thiên Đế, Thái Cực Thánh Hoàng,
..................................................................
"Thượng chưởng tam thập lục thiên, tam thiên thế giới,
"Hạ ốc thất thập nhị địa, tứ đại bộ châu."
4. Các cõi và các giai tầng tiến hóa trong Càn-khôn
Trong kinh Đại Thừa Chơn Giáo, Đức Chí Tôn còn cho chúng ta biết các cõi trong Càn-khôn tương ứng với 7 thể theo giai tầng tiến hóa của linh hồn như sau:
1.Tiên thể: Cõi Thái cực
2.Kim thân : Cõi Lưỡng nghi
3.Thượng trí : Cõi Tứ tượng
4.Hạ trí : Cõi Bồ đề
5.Vía : Thượng giới
6.Phách :Trung giới
7.Xác phàm : Hạ giới
Thầy dạy tiếp: "Người nào hữu căn hữu kiếp, biết tỉnh ngộ tầm ra nguồn cội của loài người, thì phải mượn cơ pháp bí truyền mà tu luyện đặng mở bảy thể ấy rớt ra thì linh hồn mới đặng trở về ngôi vị. Bảy thể ấy muốn mở ra cũng như cổi bảy lớp áo vậy… Bảy thể ấy nếu không rời rã ra thì nó cứ trì kéo linh hồn xuống mãi. Ngày nào các con bỏ xác phàm này là ngày các con cổi bớt một cái áo của các con; rồi các con sanh qua Trung giái thì các con cắt lìa cái Phách ra, tức là cổi thêm một cái thể nữa. Đến Thượng giái thì bỏ cái Vía; đến Bồ đề thì bỏ cái Hạ trí; đến Tứ tượng bỏ cái Thượng trí; đến Lưỡng nghi bỏ Kim thân; đến Thái cực thì linh hồn được hiệp cùng Tạo hóa. " (Đức Nam Phương Giáo Chủ:Ngọc hoàng Thượng Đế - thánh giáo 22-9-Bính Tý (05-11-1936), Kinh Đại Thừa Chơn Giáo (Trước Tiết Tàng Thơ)
IV. Tương lai của văn minh khoa học loài người
1. Khoa học hiện đại đối với địa cầu của chúng ta được ca ngợi là đã và đang tiến bộ, đưa ra những ứng dụng cực kỳ siêu việt mà chỉ trong một hai thập kỷ trước không ai tưởng tượng nổi. Đó là nhờ những phát minh ngày càng đi vào chiều sâu của vật chất, chiều sâu của sự sống. Cơ học lượng tử đã khảo sát được cơ chế vận động của những vi hạt hạ nguyên tử, cho thấy sự biến hiện của vật chất tùy thuộc vào qui trình vận động và quá trình tăng giảm năng lượng của nó. Thiên văn học và vật lý học đã có khái niệm về sự dãn nở của vũ trụ.
Nhưng tất cả đều là sự theo đuôi Tạo hóa. Loài người chỉ có thể tìm hiểu những tạo vật đã sinh ra và những hiện tượng đang diễn ra, chứ chưa có thể hay không bao giờ có thể thay thế Tạo hóa trong công cuộc tạo dựng vạn vật và vận hành vũ trụ.
Trong đạo học, các bậc giáo tổ từng phát biểu nguyên lý hóa sanh vạn vật là "Một sanh Hai, Hai sanh Ba, Ba sanh vạn vật" Một được gọi là Thái cực, Hai là Lưỡng nghi, còn Ba là gì? Lưỡng nghi là Âm Dương, là hai năng lực có bản chất khác nhau phát sinh từ Thái cực. Chúng đun đẩy nhau mà lại tương cảm nhau, làm cho nảy sinh năng lực thứ ba. Năng lực thứ ba này sẽ vận động như thế nào để hóa sanh vạn loại? từ nhỏ nhất là hạt bụi, cỏ cây, sinh vật cho đến con người, đến vũ trụ bao la? Cánh cửa Càn-khôn đã mở, Thượng Đế đã khai minh Đại Đạo, chừng nào nhân loại chưa trực nhận được Nguyên lý siêu tuyệt của Đại Đạo hay "cơ vi mầu nhiệm của Thương Đế" thì chưa trả lời được câu hỏi bí hiểm ấy.
2. Hãy nhìn một cây cam hay một dây đậu nành. Dù cho trái cam chín, được hái đi hoặc khô cuống lìa cành, thì hạt cam vẫn là một tích lũy đầy đủ để tái sinh một cây cam mới. Dây đậu nành cũng vậy, cho đến khi dây leo đã tàn, lá đậu chết khô, trái đậu vẫn còn giữ được hạt đậu chứa trọn mầm sống để mọc lên cây đậu khác. Còn con người thì sao? Chúng ta đừng so sánh những hạt cam và những hạt đậu là con đàn cháu đống của chúng ta! Bởi vì con người có tầm kích vũ trụ, có những nấc thang tiến hóa trong Càn-khôn đi lên cõi Tiên thiên chứ không phải cố định tại địa cầu ở cõi Hậu thiên này!
Vậy Đại Đạo dạy con người phải làm thế nào để kết tụ được "hạt đậu" vô hình hay hạt đậu Tiên thiên để tiếp tục tiến hóa sau khi "dây đậu" thể xác này bị hủy hoại trong lòng đất?
Như thế "khoa học đạt đến điểm cao vút" phải là "khoa học tiên thiên". Nếu khoa học còn loay hoay mãi trong vũ trụ hậu thiên thì không bao giờ tìm thấy và chứng nghiệm được nguyên lý "tái sanh tiên thiên" mà Đại Đạo đã dùng Đạo pháp hé mở cánh cửa cho những người cầu tu thiên đạo.
Nhưng chúng ta đang đứng trước thời hạ nguơn mạt kiếp, không thể chờ đợi khoa học đạt đến mức tiến bộ siêu mầu. Và Đức Chí Tôn vì lòng đại từ đại bi không để cho chúng sanh bị tiêu diệt và luân hồi mãi trong cõi hậu thiên, nên đã khai minh Đại Đạo để ban trao chiếc chìa khóa thực hiện "nguồn năng lực thứ ba" bằng hai nguồn năng lực Âm (Khí) Dương (Thần) có sẵn trong thân tâm con người.
3. Nếu luận theo Đạo học, muốn thấu suốt được đạo lý vĩnh hằng của vũ trụ, con người không thể mò mẫm mãi trong thế giới hậu thiên là thế giới hiện tượng hữu hình, hữu vi chỉ là ngọn của Bản thể tiên thiên. Và cái phương tiện thiết thân hữu hiệu nhất, không phải là những khí cụ điện tử tinh vi đắt giá, mà chính là "Nhân bản hay Tánh tuyệt đối, là bản thể, là căn bản của con người, viên minh thường trụ, hồn nhiên thiên lý, vốn có một không hai, chơn thật thiêng liêng, ở Thánh không thêm, ở phàm không bớt." ( Đạo Học Chỉ Nam, Chương II: Nhân sanh nhứt quán, Tiết 3: Tánh là Nhân bản.)
Nhưng con người tại thế là cõi hậu thiên, chỉ sinh hoạt với cái tánh tương đối kết hợp bởi Tâm (Lý) hậu thiên và Khí (Sự sống) hậu thiên. Con đường chuyển hóa phải dùng Đạo pháp để chuyển Tâm và Khí hậu thiên thành Tâm và Khí tiên thiên mới đạt đến Tánh Tuyệt đối được. Thánh giáo đã xác nhận: "Chỉ khi nào người được dừng bước quay về với tâm mình, lấy công phu nội tỉnh mà rọi vào chơn tánh, dầu một kiếp một ngày, cũng có thể trực nhập cùng chân lý, thông suốt Bản thể chẳng sót mảy hào." (ĐCHN, Chương II, Tiết 3.)
Vậy con đường tắt để đi qua cửa Càn-khôn phải chăng là công phu nội tỉnh trên đây? Và phải chăng khoa học đỉnh cao để khám phá vũ trụ chính là khoa học khám phá công năng siêu mầu của tiểu vũ trụ con người toàn diện tâm linh và nhân sinh?
4. Cuối cùng, nếu nói "Đại Đạo là chân lý mà loài người phải vươn tới" và nếu loài người sở cậy nơi khoa học để tiến bộ, tiến hóa, thì khoa học phải vươn tới Đại Đạo!
V.KẾT LUẬN
Đại Đạo mở cửa Càn-khôn là để phát huy mối liên hệ giữa con người và vũ trụ, liên hệ giữa người và Trời hầu thực hiện cuộc tiến hóa tâm linh đạt đến cứu cánh là hiệp nhất với Thái cực Đại linh quang cũng chính là Bản thể của Càn khôn vậy.
____________
Chú giải:
Tạo Hóa Thiên : từng trời sanh hóa vũ trụ vạn vật, là từng trời thứ 9 trong Cửu trùng thiên, do Đức Phật Mẫu chưởng quản, có Cửu vị Tiên Nương và chư vị Phật phục lịnh. Thiên Hậu : một trong những danh hiệu của Đức Phật Mẫu.
Kim Bàn hay Kim Bồn : cái chậu vàng chứa nguyên chất tạo nên Chơn thần cho Vạn linh.
Diêu Trì hay Dao Trì : Diêu /Dao là loài ngọc quí. Trì: cái ao. Diêu Trì là ao ngọc quí trong cung Đức Phật Mẫu, nên cung này còn gọi là Diêu Trì Cung..
Bát hồn : Tám phẩm chơn hồn, tám đẳng cấp tiến hóa của linh hồn. Bát hồn gồm:
Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn.
Hình 1&2 : Ngân hà trong vũ trụ
Hình 3 : Quả Càn-khôn trong thánh thất Cao Đài