Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Nói đến Giuđa Iscariốt, ai cũng biết, Oâng là kẻ phản bội Chúa Giêsu, là kẻ bán đứng Thầy mình. ...
-
Buổi đời mạt pháp, nhơn loại tập nhiễm thói hư nết xấu của Đời, từ vô thỉ dĩ lai chồng ...
-
Bồ Tát Hạnh thể hiện bằng tâm hạnh và công đức, từ lời nói, việc làm, tụng niệm . . ...
-
Hai anh A và B ở chung trong một nhà trọ. Anh A nói với anh B : Anh tức là ...
-
TÂM LINH TRÊN ĐƯỜNG TIẾN HÓA Những năm cuối của thế kỷ XX có nhiều nhà nghiên cứu đã tiên ...
-
Vol. XXXIII Part II 1970 BULLETIN OF THE SCHOOL OF ORIENTAL AND AFRICAN STUDIES UNIVERSITY OF LONDON Published by THE SCHOOL OF ORIENTAL AND AFRICAN STUDIES
-
Tư tưởng Đạo gia 道家思想 ● "Tư tưởng đạo gia" là những bài dịch Hán Văn từ những kinh sách ...
-
Trong thời quân Nguyên sang xâm chiếm nước ta, sau hội nghị quân sự ở Vạn Kiếp để bàn định ...
-
Tư liệu hoọc tập của Cơ Quan PTGLĐĐ THAM KHẢO THÁNH DỤ QUY ĐIỀU CƠ QUAN
-
Tìm hiểu cách thức chấm giải Nobel Văn học: Horace Engdahl: Chánh khảo văn chương quyền lực nhất thế giới Hàng năm, ...
-
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy: "Bần Đạo bảo chư Thiên ân đệ muội hãy ý thức về Tâm ...
-
Hai chữ “giao lưu” đem lại ấn tượng về những mối quan hệ đa phương nhắm đến sự thông cảm, ...
Thiện Chí
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 11/11/2013
ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC & HỘI NHẬP THẾ GIỚI
KHẢ NĂNG ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC
& HỘI NHẬP THẾ GIỚI CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
Bước qua kỷ nguyên những năm 2000, toàn thế giới trở nên rất sôi nổi với những cuộc vận động HỘI NHẬP QUỐC TẾ và TOÀN CẦU HÓA trên nhiều phương diện.
Với những tiến bộ gia tốc của thời đại, thế giới đã trở nên một mặt bằng chung của mọi quốc gia, trong đó những mối quan hệ phức tạp, cọ xát với nhau ngày càng mạnh mẽ, tốc hành, khiến cho không nước nào có thể đơn phương họat động quốc tế bằng kế họach chủ quan của mình.
Do đó, học thuyết “hội nhập quốc tế” ra đời, nhằm thành lập các tổ chức tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên đồng thuận với nhau trên nhiều lãnh vực để “làm ăn” có hiệu quả và đồng phát triển.
Tại Việt Nam, năm 2006 cũng là năm hết sức sôi nổi về những động thái “đồng hành” và “hội nhập” khi VN bước vào WTO, đồng thời tổ chức thành công Hội nghị APEC. Đây là những chuyển biến lạc quan khiến cho các nhà quan sát và bản thân giới lãnh đạo trong nước đều nhận định VN đang đứng trước “vận hội mới”.
Như thế, mọi thành phần xã hội, mọi đoàn thể, và ngay cả mỗi người VN không thể không quan tâm đến “vận hội mới” của đất nước để khẳng định vị trí của mình, đồng thời ý thức nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong vận hội đó.
Đạo Cao Đài là một tôn giáo dân tộc, khai sinh ngay trong lòng dân tộc, có tôn chỉ mục đích rất tích cực, cũng không thể đứng ngoài vận hội mới, mà trước tiên cần khẳng định khả năng “Đồng hành cùng dân tộc” và “Hội nhập thế giới” của Đạo.
I. KHẢ NĂNG ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC
Trướt hết, cần tìm hiểu hai chữ “đồng hành”.
Theo nghĩa hẹp, đồng hành là “cùng đi”, nhưng cùng đi trong tình huống nào ? Đi cùng một lúc hay cùng một đường, và có cùng đi đến một mục đích hay một địa điểm không ?
Nên đồng hành còn có nghĩa rộng rất quan trọng.
_ Trước nhất, những người đồng hành theo nghĩa rộng phải có mối quan hệ với nhau. Ví dụ câu “tam nhân đồng hành, tắc hữu ngã sư yên”, người xưa muốn dạy ta hãy tìm thấy mối liên hệ hữu ích và thân thiện trong giao tiếp xã hội.
_ Nhưng hơn thế nữa, phải có mối đồng cảm, đồng lý tưởng rồi mới đồng hành thật sự.
Và “dân tộc” ở đây cần hiểu là tổng thể những người dân có cùng nguồn gốc, lịch sử, văn hóa, truyền thống đã sống và đang sống trải qua nhiều thế hệ trên cùng một lãnh thổ, có chung một tình cảm đối với đồng bào và ý chí sinh tồn, phát triển hiện tại lẫn tương lai cho cộng đồng.
Lịch sử một dân tộc trải qua nhiều triều đại, nhiều nhà nước khác nhau, nhưng dân tộc tính, truyền thống hay nền văn hóa của dân tộc đó trước sau như một. Do đó, hai chữ “dân tộc” không đồng nghĩa với hai chữ “nhà nước”, mặc dù nhà nước và dân tộc đương nhiên có những tương quan cơ bản, mật thiết.
Vậy, muốn đồng hành cùng dân tộc, đối tượng phải có những mối tương quan, tương đồng từ nòi giống, tâm hồn đến tâm tư nguyện vọng, sự sống còn và tiến bộ của dân tộc.
Thế nên, đối với đạo Cao Đài, trên tổng thể, thử xét những mối tương quan-tương đồng đó trong dân tộc.
1. Đạo Cao Đài được xây dựng trên di sản truyền thống tín ngưỡng của dân tộc:
_ Truyền thống thờ Trời
_ Truyền thống Tam giáo đồng nguyên
_ Truyền thống thờ kính tổ tiên
_ Truyền thống tín ngưỡng dân gian
Đây là những truyền thống thuộc về nếp sinh họat tâm linh tiềm tàng lâu đời của dân tộc, đã ăn sâu vào cách sống, cách nghĩ của dân tộc, trở thành dân tộc tính đậm đà bản sắc.
2. Đạo Cao Đài có quan hệ đặc biệt với nhiều tôn giáo nội sinh hay ngọai nhập lâu đời tại VN.
Trong khi những truyền thống tín ngưỡng xa xưa đã thấm nhập bàng bạc vào tâm hồn người Việt nói chung, thì bên cạnh các tôn giáo khác, vào đầu thế kỷ 20, các đạo_ Minh Sư_Minh Đường_Minh Thiện_Minh Lý_Minh Tân đã định hình thành các tông phái có chùa chiềng, có cách thờ phượng đặc thù và hệ thống đạo pháp tu luyện cho môn đồ.
Nghiên cứu lịch sử lập giáo, ta thấy trên nền tư tưởng truyền thống Tam giáo đồng nguyên, đạo Cao Đài còn có nhiều mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với các tông phái nêu trên.Tiêu biểu nhất là nhị vị chân tu cao cấp của Minh Sư và Minh Đường là quí Ngài Trần Đạo Quang (phẩm Thái Lão Sư ) và Ngài Lê Văn Lịch (phẩm Dẫn Ân ) đã trở nên Chức sắc Thiên phong có công rất lớn trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ).
Như thế đạo Cao Đài đã được xây dựng trên di sản tín ngưỡng “dân gian”, tín ngưỡng truyền thống, lẫn “tín ngưỡng bác học” Việt Nam. Tức là về mặt tâm linh, Cao Đài hình thành trên nền tảng dân tộc một cách sâu sắc.
3. Đạo Cao Đài được xây dựng trên di sản tâm lý bao dung-cởi mở của người Việt
Về phương diện này, nhiều nhà nghiên cứu xã hội nhân văn đã chứng minh. Ở đây chỉ nêu lên một vài điển hình tâm lý ấy của đạo Cao Đài.
_ Đạo Cao Đài có tính cộng đồng và nhập thế rất khoáng đạt trong sinh họat tôn giáo như tương trợ đồng đạo, đồng bào trong hôn quan, tang, tế bằng đạo nghĩa chân tình, được hướng dẫn chu đáo trong phần thế đạo. Như các họat động từ thiện xã hội, các lễ hội, các hình thức liên giao đều có tính cộng đồng thân thiết.
_ Với tinh thần “vạn giáo nhất lý” đạo Cao Đài rất thân thiện, tương đắc với các tôn giáo bạn.
_ Nhất là với tâm lý bao dung-cởi mở, người đạo Cao Đài rất hiếu hòa. Đối với đồng đạo đồng bào lấy tình thương yêu làm gốc; đối với đời lấy chỗ “đạo đời tương đắc” để có quan hệ tốt đẹp.
Những năm gần đây, toàn đạo Cao Đài luôn luôn sẵn sàng cùng với các tôn giáo bạn tham gia các cuộc vận động cứu trợ thiên tai lên đến hàng vài chục tỉ đồng như cuộc vận động nối vòng tay lớn năm 2012. Ngoài ra hằng năm đều đóng góp xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa tại các địa phương, chăm sóc những gia đình khó khăn, cấp học bổng cho học sinh nghèo.
Đặc biệt, năm 2012, 7 Hội Thánh và Giáo hội, Tổ chức Cao Đài đã tham gia chuyến thăm Trường Sa cùng với các Tôn giáo bạn. Đoàn Cao Đài đã tặng Đảo biển tấm Bia lớn ghi tuyên ngôn bất hủ của anh hùng Lý Thường Kiệt (Nam Quốc sơ hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư; Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm; Nhử đẳng hành khang, thủ bại hư”. Ngoài ra còn ủng hộ đời sống đồng bào chiến sĩ Trường Sa 150 triệu đồng.
4. Đạo Cao Đài được xây dựng trên truyền thống yêu nước.
Bảo tồn và phát huy truyền thống yêu nước, đạo Cao Đài tôn thờ anh linh tổ quốc, tôn kính và noi gương chư Khai quốc công thần. Nơi các thánh sở Cao Đài đều có bàn thờ tổ quốc (ở điểm này, có câu nói bất hủ của Ngài Cao Triều Phát: “Bàn thờ tôn giáo có nhiều, bàn thờ tổ quốc chỉ có một.”)
Khi Đức Chí Tôn khai Tam kỳ phổ độ tại nước nhà, chơn linh các vị anh hùng trong lịch sử đã hiển thánh hiển thần tiếp tục hộ trì nòi giống Rồng Tiên.
Đơn cử như Thánh Nữ Trưng Vương (giáng cơ năm 1970)
Đức Lê Văn Duyệt (giáng cơ năm 1970)
Hay như Đức Thánh Hưng Đạo Vương ( giáng cơ năm 1947)
Và gần gũi hơn, như Đức Cao Triều Phát (giáng cơ năm 1967) .
Lòng yêu nước của người đạo Cao Đài vốn nằm trong “tiêu chí” đạo đức của người dân Việt: “ Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời đức hạnh là câu sửa mình.”.
5. Cụ thể hơn nữa, nhiều chức sắc và tín hữu Cao Đài từng tham gia hai cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước vừa qua.
Tiêu biểu như :
_Cụ Nguyễn Văn Ngợi
Ông Nguyễn Văn Ngợi sinh ngày 4/2/1900 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Năm 1946, các chức sắc Cao Đài thuộc phái Tiên Thiên mời ông ra giúp đạo. Năm 1947, ông Ngợi được Mặt trận Việt Minh giao trách nhiệm mở Đại hội đại biểu Cao Đài toàn tỉnh Vĩnh Long. Ông Ngợi đã đứng ra truyền đạt Thánh giáo, Thánh kinh kêu gọi chức sắc, tín đồ kháng chiến.
Năm 1949, ông Ngợi giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt.
Sau đó, Ban chấp hành Cao Đài cứu quốc được thành lập, ông Ngợi được bầu làm Hội trưởng tại Vĩnh Long.
Về phía đạo, năm 1958, ông được thọ phong Ngọc Đầu Sư, một chức sắc cao cấp của đạo Cao Đài.
_Cụ Cao Triều Phát: (nguồn: vi.wikipedia.org)
Ngày 30 tháng 4 năm 1932, dưới sự tiến dẫn của Giáo sư Nguyễn Kim Khuê và Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang, ông bắt đầu nhập giáo tại Thánh thất Thái Dương Minh (nay thuộc ấp Thạch Sau, xã Khánh Hòa, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng)
Năm 1934 ông cùng đại diện các tôn giáo bạn tổ chức Hội lý đạo công đồng giáo lý tại Bạc Liêu. Năm 1937, ông tham gia công cuộc truyền giáo Cao Đài tại tỉnh Quảng Nam. Năm 1941, Cao Triều Phát được cử giữ chức chủ tịch Cao Đài mười hai phái thống nhất ở miền Hậu Giang. Năm 1945, ông được bầu làm chủ tịch Cao Đài mười một phái hiệp nhất tại chùa Minh Tân. Trong thời gian truyền đạo ở Hậu Giang từ năm 1941, ông bị Pháp bắt giam tại khám lớn Sài Gòn rồi bị quản thúc tại Bạc Liêu.
Ngày toàn quốc kháng chiến, 19 tháng 12 năm 1946, ông tham gia kháng chiến trong cương vị một chức sắc Chi phái Minh Chơn Đạo. Ông là người thành lập Thanh niên đạo đức đoàn qui tụ các thanh niên theo đạo Cao Đài Chi phái Minh Chơn Đạo làm công tác xã hội, văn hóa trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Năm 1947 ông được bầu làm Hội trưởng Cao Đài Cứu quốc mười một phái hiệp nhất.
Thời gian ở miền Bắc ông giữ chức Chưởng quản Cửu Trùng Đài (tương đương Giáo tông) của Hội Thánh Cao Đài Duy Nhứt.
Ông từng là đại biểu quốc hội, cố vấn ủy ban kháng chiến Nam Bộ, ủy viên thường trực quốc hội, ủy viên ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam...
_Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt : Sinh ngày 15-9-1918 tại làng An Hội (nay là phường 5, thị xã Bến Tre) trong một gia đình thuộc tầng lớp trên. Cha là Nguyễn Ngọc Tương, một điền chủ, đốc phủ sứ, đồng thời là Giáo tông chi phái Cao đài Ban Chỉnh, được Chính phủ VNDCCH tặng thưởng Huân chương Kháng chiến vì những công lao đóng góp trong sự nghiệp chống Pháp 1945 – 1954.
Là một trí thức thuộc tầng lớp trên, được đào tạo và nuôi nấng trong môi trường xã hội tư sản với nhiều ưu đãi, Nguyễn Ngọc Nhựt vẫn giữ được dòng máu yêu nước trong người. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và dân tộc, ông đã từ bỏ cuộc sống tiện nghi, giàu có để gia nhập vào cuộc chiến đấu của toàn dân, giải phóng đất nước. Chân tình và giản dị trong cuộc sống, Nguyễn Ngọc Nhựt đã mang hết nhiệt tình và tri thức của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Khi bị sa vào tay giặc, trước mọi sự mua chuộc, dụ dỗ và khảo tra của kẻ thù, lòng trung thành tuyệt đối của ông đối với lý tưởng đã không hề suy suyển.
(Nguồn: Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bến Tre http://www.bentre.gov.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=230&Itemid=47)
6. Đạo Cao Đài được xây dựng trên di sản văn hóa Việt Nam
Trong hơn 80 năm qua, kinh điển, thánh ngôn, thánh giáo Cao Đài vừa là một phương tiện truyền đạo giáo dân, vừa bảo tồn, phát huy và phổ biến văn chương thi phú, ngôn ngữ Việt Nam vô cùng đắc lực và phong phú. Có thể nói văn học Cao Đài Việt Nam đã đạt đến tuyệt kỹ hàm xúc các giá trị chân thiện mỹ trong thời đại này.
Nghi lễ, lễ nhạc, lễ hội, lễ phục, kiến trúc Cao Đài thừa kế nghệ thuật và mỹ thuật Việt Nam để bày tỏ đạo lý một cách tinh vi, truyền cảm, có bản sắc văn hóa dân tộc rất độc đáo.
Những yếu tố trên đã khẳng định đạo Cao Đài là một tôn giáo dân tộc, hay nói với tình cảm thân thiết, là Đạo nhà.
“Ngày nay Trời mở Đạo nhà,
Cho hồn Nam Việt tinh ba kết thành.” (Đoàn Thị Điểm)
Như thế, có thể phác họa chân dung người tín hữu Cao Đài Việt Nam :
_ Về mặt tâm linh, có truyền thống tín ngưỡng hài hòa, dung hợp.
_ Về mặt tinh thần, có phẩm chất văn hóa VN,
_ Về mặt nhân sinh, có tính cộng đồng, bao dung, hiếu hòa.
_ Về mặt tình cảm, có lòng yêu nước, yêu quê hương dân tộc tha thiết
Bao nhiêu đặc tính đó cộng với đức tin nơi Thượng Đế khai đạo cứu độ nhân lọai thời Hạ nguơn trong mục đích “Thế đạo đại đồng , thiên đạo giải thoát.”trong khi toàn dân đang hướng đến mục tiêu “Nước giàu dân mạnh; xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”, đủ để xác định khả năng đồng hành cùng dân tộc của người tín hữu Cao Đài và của đạo Cao Đài.
II. KHẢ NĂNG HỘI NHẬP THẾ GIỚI CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
Đến đây, trước khi đi vào vấn đề, cũng cần phân tích kỹ ý nghĩa hai chữ “hội nhập”. Từ ngữ này khá mới, và gần đây được nhắc đến thường xuyên do những bước đột phá về kinh tế của nước ta trước xu thế kinh tế toàn cầu.
Trước hết, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa “hội nhập” trong ngữ cảnh “Hội nhập kinh tế quốc tế”. Theo Bách khoa tự diển Wikipedia thì :
“Hội nhập kinh tế quốc tế (international economic integration) là quá trình các doanh nghiệp của một quốc gia tham gia một cách chủ động, tích cực vào nền kinh tế thế giới.
Hội nhập kinh tế thế giới đã trở thành một xu thế khách quan trong thế giới ngày nay khi làn sóng toàn cầu hóa đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ.
Nếu như toàn cầu hoá luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực thì hội nhập kinh tế quốc tế luôn mang theo mình những cơ hội và thách thức to lớn. [. . .]”
Để hiểu rõ hơn, xin đối chiếu ý nghĩa từ ngữ “hội nhập” với cách giải thích của tự điển Anh ngữ : (The American Heritage Dictionary of English Language)
[Integrate ( hội nhập) :nội động từ: 1. làm thành một toàn thể bằng cách chuyển tất cả các thành phần vào nhau; hiệp nhất. . .]
Hội nhập kinh tế quốc tế và từ ngữ “hội nhập” có định nghĩa như thế; còn đối với tôn giáo, tôn giáo có xu hướng hội nhập vào cuộc diện thế giới không? Câu trả lời là có, bởi vì tôn giáo nào cũng có mục đích cứu thế, nên đều tìm cách đưa ảnh hưởng vào đời sống hoặc đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân lọai.
Vậy đạo Cao Đài có khả năng hội nhập đó như thế nào?
_ Trước hết đạo Cao Đài được trang bị bản thể luận “Đại linh quang – Tiểu linh quang” rút ra từ nguyên lý “Thiên địa vạn vật đồng nhất thể” để nhìn nhận toàn thể nhân lọai có cùng một Bản thể duy nhất hầu khơi dậy tình thương đồng loại, không kỳ thị dân tộc hay tôn giáo.
_ Kế đến, đạo Cao Đài thuộc về Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, có mục đích tận độ chúng sanh, và tự nhận có sứ mạng thực thi mục đích đó.
_ Thứ ba, đạo Cao Đài là tôn giáo vừa nhập thế vừa xuất thế , song hành thế đạo và thiên đạo, tổng hợp đường lối hành đạo của Tam giáo đạo để cứu độ toàn diện con người về mặt nhân sinh lẫn tâm linh. Nhưng tựu trung khả năng độc đáo của Cao Đài vẫn rút ra từ phẩm chất truyền thống đạo đức dân tộc và bản tính dung hòa, dung hợp của con người Việt Nam. Đức Thượng Đế đã vận dụng những đặc điểm đó để khai Tam Kỳ Phổ Độ (TKPĐ) tại Việt Nam, lập thành tôn giáo Nhân bản – Đại đồng.
Trở lại ý nghĩa lịch sử của công cuộc khai Đạo tại đất nước Việt Nam, sự chọn lựa nơi khai sinh Tam kỳ phổ độ không phải là một ngẫu nhiên. Đó là sự ban trao sứ mạng tiên phong cho một dân tộc “có một nền văn hóa huy hoàng từ ngàn xưa được cấu tạo trên một nền tảng văn minh nhân bản sớm nhất nhân loại” như nhận định của bậc Cao tăng Vạn Hạnh Thiền Sư
Chính tố chất nhân bản này là động năng phổ quát-trường cửu, là tình người, là tính người, là bản vị đánh giá từng nấc thang tiến hóa của nhân lọai đạt đến Chân Thiện Mỹ.
Ngay như trên mảnh đất ngàn năm văn hiến này, khi trải qua chặng đường lịch sử bị bế tắc, sự thức tỉnh vươn lên bao giờ cũng là giải pháp “về nguồn”. Cụ thể như công cuộc đổi mới trong thời gian gần đây đã đem lại cho Việt Nam một vị thế mới, được một nhà cách mạng lão thành đánh giá như sau:
“ . . .Sẽ không có những sự kiện này nếu không có “đổi mới”. (Võ Văn Kiệt, bài viết Vị thế mới Việt Nam, báoTuổi Trẻ, thứ ba 07-11-2006)
Đổi mới ở đây không có nghĩa là vay mượn một tính cách nào, một hình thức nào mà là tỉnh táo nhận thức đúng đắn thực lực Việt Nam và trào lưu tiến bộ của thế giới để chọn lựa vị thế ưu việt nhất. Nói cách khác là biết người, biết ta. Đó là cái kinh nghiệm “một dân tộc chỉ có thể thật sự “làm bạn được với tất cả” khi khẳng định được mục tiêu độc lập dân tộc mình.”.
Những thành công nóng hổi mà Việt Nam đạt được hôm nay chứng tỏ Việt Nam đã hướng đúng mục tiêu. Ở đây chúng ta lại phải đề cao nhận định của nhà bình luận khả kính nói trên rằng: “Một mục tiêu không có gì quan trọng hơn là đi tới tận cùng những giá trị nhân văn của nhân lọai và dân tộc.”
Với nhận định này và với bài học thực tiễn vừa qua, khiến người tín hữu Cao Đài nhớ lại thánh ngôn của Đức Trần Hưng Đạo Đại Vương: “Sứ mạng trọng đại của Đại Đạo là phục hưng tinh thần truyền thống cổ truyền của dân tộc dính liền với sự phục hưng văn minh nhân loại, để xây dựng một nguơn hội thái bình vĩnh cửu cho muôn người” (Thiên Lý Đàn 10-5-1965)
( Sứ mạng Đại Đạo cần hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là sứ mạng của tôn giáo Cao Đài. NV.)
III.Ý THỨC ĐỒNG HÀNH và HỘI NHẬP CỦA NGƯỜI CAO ĐÀI
Trên đây chúng ta đã xác định khả năng “Đồng hành cùng dân tộc và hội nhập thế giới” của đạo Cao Đài. Nhưng một câu hỏi được nêu ra là: Người Cao Đài cần có những ý thức gì để bước vào cuộc đồng hành và hội nhập này?
Cần xác định rằng, vấn đề nêu lên không phải là một động thái cơ hội. Bởi vì mục đích đại đồng của Đại Đạo TKPĐ đã có từ trước Là “Thế đạo đại đồng, thiên đạo giải thoát” và Phương châm hành đạo Là: “Phụng sự dân sanh, xương minh dân trí và hoàn thành dân đức”.
Nên người Cao Đài cần tự ý thức:
1. Không mê ngủ trong đức tin, đừng ảo vọng trong lý tưởng. Phải học hỏi rèn luyện không ngừng, vượt qua mọi thử thách mới có đủ bản lãnh đồng hành và hội nhập.
2. Không tự giam mình trong “tháp ngà” của đạo. Bởi vì Đại Đạo không phải chỉ là một Hội thánh, một Thánh thất, một Cơ Quan, thậm chí không phải chỉ là Cao Đài giáo..
3. Muốn đại đồng cùng thiên hạ phải đại đồng cùng dân tộc trước đã ( Nói cách khác, muốn hội nhập cùng thế giới, phải đồng hành cùng dân tộc trước đã.). Sống đời tức là sống đạo.
4. Và hơn nữa muốn đồng hành cùng dân tộc, phải đồng hành cùng toàn đạo trước đã. Như Ơn Trên từng dạy một cách sâu sắc mà dễ hiểu là “ Đừng ai lấy thúng mà úp cái Đạo” và “ Đùng ai nghĩ rằng có thể trồng cây Đại Đạo trong lòng bàn tay của mình”. “Quá khứ, hiện tại, vị lai, dòng sông muôn ngỏ rồi cũng quy về biển cả. .”
IV. KẾ SÁCH THỰC TIỂN TRƯỚC MẮT CHO MỤC TIÊU ĐỒNG HÀNH & HỘI NHẬP
1. Tổ chức Giao Lưu Các Hội Thánh và Tổ chức Cao Đài nổ lực thực hiện các chương trình đã và đang đề ra trong các Hội nghị Giao lưu hằng nămvề:
_ Đào tạo chức sắc chức việc và nâng cao trình độ giáo lý cho tín đồ toàn đạo.
_ Chú trọng giáo dục thế hệ trẻ hướng về nếp sống văn hóa, văn minh và truyền thống đạo đức dân tộc.
_Truyền bá giáo lý chơn chánh qua các phương tiện truyền thông, báo chí để góp phần xây dựng xã hội an lạc, tiến bộ.
_Nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc; đoàn kết nội bộ các Hội thánh Cao Đài hướng về Đấng Cha chung Thượng Đế Cao Đài và Tôn chỉ mục đích Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
_ Vận động toàn đạo tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, cứu trợ cùng với các tôn giáo bạn do chính quyền và các đoàn thể phát động.
_Tích cực ủng hộ các cuộc vận động xây dựng đất nước, bảo vệ tổ quốc.
2. Về hội nhập, trong tinh thần “Vạn giáo nhất lý”, quan hệ tốt với tôn giáo bạn trong và ngoài nước. Nghiên cứu giáo lý các tôn giáo, các sinh hoạt tôn giáo trong nước và quốc tế. Tham gia các hội nghị tôn giáo trong nước và quốc tế liên quan đến đời sống xã hội văn minh tiến bộ và sinh hoạt tâm linh hướng thượng. . . .
3. Đối với quốc tế, vận động tín đồ tìm hiểu, tham gia các chương trình bảo vệ môi trường xanh trong nước và thế giới; các chương trình sức khoẻ cộng đồng. Trao đổi văn hóa với các dân tộc trong và ngoài nước . . .
V. KẾT LUẬN
Đứng trước tình hình hiện nay của thế giới, một khi chúng ta nhận định rằng vận hội mới của đất nước gắn liền với thời cơ hội nhập cùng thế giới, thì người Cao Đài hơn ai hết, hãy nhớ lại thánh huấn của Đức Chí Tôn:
“ . . . Thầy đã đến chung cùng với các con, các con duy có tu mà đắc đạo; phải đoái lại bá thiên vạn ức nhơn-sanh còn phải trầm luân nơi khổ ải, chưa thoát khỏi luân hồi, để lòng từ bi mà độ rỗi.” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Tòa Thánh Tây Ninh, Q.I, Mercredi 4 Aout 1926)
Và:
“Dân Nam sứ mạng Cao Đài,
Năm châu bốn bể hòa hài từ đây.”
Hay:
“Quyền [Đạo] Thầy hiệp cả vạn sanh
Đông Tây kim cổ lập thành tương lai.”
“ Năm châu bốn bể hòa hài” và “Đông Tây kim cổ lập thành tương lai” rõ ràng là những dự phóng xóa tan ranh giới ngăn cách giữa các dân tộc, tổng hòa văn hóa văn minh kim cổ nhân loại bằng một công năng có giá trị phổ quát vượt không gian. Đối với dân tộc, đó chính là bản thể đại đồng dân tộc; đối với thế giới nhân loại là nhân bản hay giá trị nhân văn, là cốt tủy của văn minh đích thực của kỷ nguyên mới.
Thời kỳ nầy Đức Thượng Đế khai Đạo tại Việt Nam là một đặc ân cho dân tộc này và cho cả hành tinh. Chính Thượng Đế đã mở ra cơ hội ngàn năm một thuở để loài người hội nhập cùng nhau trong cõi đời Thánh đức và cả trong Bản thể tâm linh, thông qua cánh cửa ngôi Cao Đài nội tại mà ai cũng có từ khi chào đời. Chiếc chìa khóa Thượng Đế đang sẵn sàng ban trao, ai là người giác ngộ hãy đến nhận .◙