Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Tôi thật sự tin rằng, con người cần trở về với đức tin, với tôn giáo, bởi không thể giải ...
-
Chữ Tâm /
CHỮ TÂM Huờn-Cung-Đàn, Tý thời, 14 rạng Rằm tháng 5 Ất-Tỵ (13-6-1965) Thiện-Tài Đồng-Tử, Tiểu-Thánh chào chư Thiên mạng, chào chư liệt ...
-
Khi xây dựng ngành Việt Nam học chắc chắn phải nói tới một "bộ phận" của ngành học mới mẻ ...
-
Ảnh : GS Nguyễn Thuyết Phong (giữa) chơi đàn kìm bên cạnh cô Ngọc Thủy đàn tranh, David Badagnani đàn ...
-
Vạn Hạnh (Hán tự: 萬行) (938 – 1025) là tên một vị thiền sư người Việt có nhiều đóng góp ...
-
Biết tiềm thức còn chôn đủ nghiệp, Khi móng lên mau kịp ngăn phòng; Ma ngoài hiệp với ma trong, Ngơ đi chớ ...
-
Phật Tiên Thần Thánh rộn ràng, Đồng vâng ngọc sắc cứu an cõi trần. Hiện diện trên cõi trần này, con người ...
-
Tại Thảo Lư: Thánh Đức Tổ Đình. Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô vi Ngày 15/10 Mậu Tý, ...
-
Vào đêm lễ Phục Sinh năm nay, 07-4-2012, khi Đức Giáo hoàng Benedict XVI thắp cây nến đầu tiên tại ...
-
hưa tiến sĩ Adler, Người ta luôn luôn viện dẫn kinh nghiệm, lý trí hoặc đức tin để hậu thuẫn cho ...
-
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy: “(. . .) Luận về trong lãnh vực tu học, nơi đây nói riêng, toàn ...
-
1. * Ngọc Trì là ai? Trong việc hành công, miệng con người không gọi là khẩu mà gọi là Ngọc ...
Thiện Chí
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 21/11/2010
ĐẠO LÀ CON ĐƯỜNG DUY NHẤT CỦA VẠN LINH SANH CHÚNG
Bài nói chuyện tại Hội trường Thuyết minh giáo lý Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo
ngày Rằm tháng 10 Canh Dần (20-11-2010).
Dẫn Nhập
Song song với lịch sử nhân loại, các tôn giáo lần lượt ra đời trên khắp thế giới do tín ngưỡng tự nhiên và đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người. Đối diện cuộc sống thực tế của thế gian trong những thời kỳ đen tối do chiến họa, thiên tai, thù hận, gây ra thống khổ cho nhân sanh, các bậc Giáo chủ động lòng từ bi, lập nên các giáo thuyết, truyền bá đạo lý hầu phục hồi lương tâm con người và chấn chỉnh kỹ cương xã hội.
Trước bao nhiêu nguy cơ đe dọa đời sống, con người đón nhận các tôn giáo như cứu tinh và suy tôn các Giáo chủ là Đấng cứu thế. Đó là lẽ đương nhiên, cũng là cơ hội để các tôn giáo cứu đời.
Tuy nhiên, với mặc cảm tội lỗi và tự ti trước thần quyền, người đời trở nên thụ động, tiêu cực, mãi lo cầu xin cứu độ mà vô tình đánh mất bản vị cao quí của mình trong trời đất. Thế nên, người tín hữu bình thường sẽ lẩn quẩn trong cái đạo nhất thời, không ý thức cái Đạo vĩnh cửu là con đường tiến hóa miên viễn của chúng sanh. Nên, đến Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn khai Đạo để chỉ cho chúng sanh con đường chánh đạo đó. Ngài dạy:
“Từ thuở khai Thiên tịch Địa sắp bày trần thế đến ngày nay, các con chỉ hiểu đạo khai trong những thời kỳ hỗn loạn để cứu thế, hay đạo khai trong cơ biến dịch đất trời. Đến ngày nay, Thầy đã dạy rất nhiều và rất rõ ràng cho các con từ mấy mươi năm qua, đạo là con đường duy nhứt của vạn linh sanh chúng, từ Thầy ban phát đến thế gian, và từ thế gian các con trở lại cùng Thầy. Thầy là Hư Vô Chi Khí thì Đạo cũng đồng nghĩa đó thôi”
I. Đạo khai trong những thời kỳ hỗn loạn để cứu thế, hay đạo khai trong cơ biến dịch đất trời.
Suy ngẫm kỹ câu thánh ngôn trên của Đức Chí Tôn, chúng ta hiểu Thầy ám chỉ nhận thức thông thường của người đời về “đạo” tức là tôn giáo. Trong lịch sử nhân loại, tôn giáo đã xuất hiện vào nhiều thời kỳ và mục đích chung của các tôn giáo là “cứu thế”.
- Trước hết cần ôn lại định nghĩa tôn giáo là gì? Tôn giáo có rất nhiều định nghĩa, ở đây chúng ta định nghĩa theo hướng “tôn giáo cứu thế”. Cứu thế là cứu đời, cứu người đời ra khỏi cuộc sống đau khổ do nhiều nguyên nhân, nói chung là do đạo đức suy đồi. Vậy cứu đời là xây dựng lại một xã hội đạo đức bằng cách dạy con người sống có đạo đức.
Thánh nhân lập giáo vì đời hỗn loạn, trị loạn bằng cách dạy con người gìn giữ tam cương ngũ thường, trị cái loạn của bản thân mình. Đó là cách cứu thế của đạo Nho.
Đức Phật lập đạo cứu khổ cho con người bằng cách dạy con người giác ngộ, diệt vô minh của bản tâm mình.
Đức Chúa mở đạo vì thế gian thiếu tình thương, đạo Chúa cứu thế bằng cách dạy con người đức hy sinh và đức tin nơi Thiên Chúa.
Do hoàn cảnh lịch sử xã hội, do đời sống thực tế có nhiều bất trắc khôn lường, con người xưa nay đón nhận các đạo giáo như cứu tinh đến an ủi tâm hồn và giải quyết nhu cầu tâm linh tại thế gian. Đó là lẽ đương nhiên tương đối mà con người hiểu đạo với trình độ tiến hóa hiện tiền của mình.
Bước qua Tam Kỳ Phổ Độ, sự xuất hiện một tôn giáo mới như đạo Cao Đài, nhân sanh đều nghĩ rằng đây là sự mở đạo cứu đời như nhiều đạo khác trước đây trong bối cảnh xã hội loạn lạc nhiễu nhương đầu thế kỷ 20 tại Việt Nam. Nhưng điều ít ai biết được là:
“Người những tưởng Cao Đài tôn giáo,
Nào hay đâu Đại Đạo hoằng dương!”
II. Đạo là con đường duy nhất của vạn linh sanh chúng.
Xưa nay hiểu đạo như trên không phải là sai, nhưng Thầy muốn nhân sanh hiểu đạo với ý nghĩa phổ quát hơn là đạo khai để đối trị những thời kỳ hỗn loạn hay đất trời biến dịch. Tuy các tôn giáo thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau nơi mỗi dân tộc, đất nước khác nhau, phong tục tập quán đa dạng, nhưng tựu trung đều nhằm giác ngộ tâm linh. Tâm linh là chỗ vượt ngoài đối đãi, sắc phái hay không gian thời gian. Tâm linh đồng nhất nơi mỗi chúng sanh. Nhưng giác ngộ không chỉ để nhận chân lẽ biến dịch vô thường tại thế gian; giác ngộ để thấy và đi trên con đường tiến hóa. Con đường tiến hóa này là con đường duy nhất nên nó là Đạo.
Thế nào là con đường duy nhất? Chúng sanh căn trí vô lượng, tôn giáo gồm vạn giáo, làm sao để đi trên con đường duy nhất? Con đường duy nhất ấy bắt đầu từ đâu và đích điểm là nơi nào?
III. “Con đường duy nhất từ Thầy ban phát đến thế gian, . . . ”
1. Rõ ràng con đường nầy là con đường tiến hóa tâm linh. Vì Thầy là Bản thể tâm linh của vũ trụ, là Bản thể Đại Linh Quang. Thầy “ban phát” ở đây là ban phát điểm linh quang cho chúng sanh. Cho nên từ ngay mức “khởi hành”, chúng sanh đã có sự đồng nhất nơi tự thể. Bất cứ pháp môn tu tập nào muốn đạt được cuộc tiến hóa tâm linh, phải vận dụng tự thể đồng nhất này có hiệu quả, vì không thể có tự thể nào khác hơn là tự thể do Thầy ban phát. Do đó, con đường tiến hóa đích thực đương nhiên là con đường duy nhất. Kinh điển, pháp môn các tôn giáo gọi là Chánh đạo hay Chánh pháp. Vì chánh chỉ có một, còn tà thì vô số.
Tuy nhiên, Chánh đạo chỉ được xác minh khi nào nó dẫn đến cứu cánh “trở lại cùng Thầy”. Vì nếu nó xuất phát từ Bản thể đồng nhất, nó phải là con đường duy nhất, cuối cùng mới kết chung nơi Bản thể từ khởi thủy.
2. Chỉ còn một nghi vấn nêu lên: liệu có tôn giáo nào không chấp nhận sự hiện hữu của “Thầy”- Đức Chí Tôn Thương Đế - thì dựa vào đâu làm cứ điểm cho “con đường duy nhất”? - Xin hãy an tâm, Thầy đã trả lời giúp chúng ta: “Thầy là Hư Vô Chi Khí, thì Đạo cũng đồng nghĩa đó thôi!”. Như thế Thầy đã tự đồng nhất với Bản thể hư vô, và Bản thể hư vô lại đồng nhất với Đạo.
3. Lại hỏi: Có phải Đạo vừa là “con đường ”, vừa là “Bản thể ”? - Thầy đã dạy tiếp: “Nên chi, trong thời kỳ Hạ Nguơn, chính mình Thầy dùng khí Hư Vô trực tiếp hữu hình đến thế gian để dẫn dắt thâu hồi những điểm linh quang Thầy đã cho đến trần gian trở về khối Đại linh quang.”
4. Nghiên cứu thánh ngôn trên, chúng ta thấy Thầy đã dạy rất rõ ràng sự đồng nhất giữa “đường Đạo” (Thầy dùng khí Hư Vô trực tiếp hữu hình đến thế gian để dẫn dắt thâu hồi những điểm linh quang Thầy đã cho đến trần gian) và “Bản thể ” (trở về khối Đại linh quang)
Tóm lại, giáo lý Đại Đạo đã xác minh Bản thể của Vũ trụ vạn vật là Đại linh quang, hàm tàng Thượng Đế hữu ngã, Thượng Đế vô ngã, Chúng sanh, Con đường tiến hóa tâm linh của chúng sanh. Nói chung là Đại Đạo.
IV. “Từ thế gian các con trở lại cùng Thầy” là Đắc Nhất
Theo thánh ngôn của Thầy, kết thúc con đường duy nhất của vạn linh sanh chúng là “trở lại cùng Thầy”. Câu nói tuy đơn giản, nhưng nó đã hoàn thành một qui luật, từ đó chỉ ra Nguyên lý nhất quán toàn bộ Cơ Tiến hóa trường lưu của vũ trụ vạn vật mà các Đấng gọi là Thiên cơ. Đó là Nguyên lý Đắc Nhất hay “Được Một”
- Khi Thầy gọi nhân sanh là “các con” tức đã nhìn nhận nhân sanh đồng một thể với Thầy. - Khi nói “trở lại” tức quay về nơi đã ra đi, vậy khởi thỉ, kết chung là Một - “cùng Thầy” tức hiệp Một với Thầy.
- Nguồn gốc là Thầy, cứu cánh cũng là Thầy, vậy Thầy là Duy nhất tối thượng vĩnh cửu.
- Bản thể Đại Linh Quang là Thầy, Thái cực hóa sanh là Thầy, “Thường thi thần giáo dĩ lợi sanh” là Thầy. Thầy là Bản thể, là Chủ thể sanh hóa dưỡng dục quần sanh. Thầy vừa Động, vừa Tịnh, vừa sanh hóa, vừa làm cho tiến hóa. Tất cả đều thuộc về một Ngôi, Hữu Ngã là Thái Cực Thánh Hoàng, Vô Ngã là Đạo. Đạo hay Đại Đạo chỉ có Một.
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
“Nầy chư đạo hữu! Tất cả các pháp biến hiện trên đời đều do vạn duyên mà khởi, từ cái to rộng bao la cho đến nhỏ như hạt vi trần cũng vẫn có nhân duyên để khởi sanh vạn pháp. Vì thế mà Đức Đạo Tổ Lão Quân chỉ dùng có hai chữ “Đắc nhứt” để thành đạo. Đức Thích Ca Như Lai chỉ dùng một câu “Phản Bổn Huờn Nguyên” để chứng kim thân chánh đẳng chánh giác. Hai bậc Đạo Tổ đã từng quán triệt chỗ hư linh để xả vạn duyên mà đắc pháp, đó cũng là thực sự chứng minh cho hậu thế tìm đường giải thoát “liễu tử siêu sinh”.
Vậy Đắc Nhất hay Được Một cũng là Nguyên lý để thực hành con đường Phản bổn hoàn nguyên, đồng thời là Nguyên lý của Sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
- Về con đường Phản bổn hoàn Nguyên, Thầy từng dạy:
“Các con, hay nói chung là nhân loại, những hột giống linh căn được chọn gieo vào vũ trụ, được ban phát quyền tạo hóa, để lập thành cuộc ngự trị cõi thế gian mà các con gọi là đời. Mọi sự vật trên đời, nguyên nhân là Lý, là Đại Đạo, là Thầy, là Cha chung của vạn loại.
Các con đã sanh trong Đại Đạo, hãy noi theo Đại Đạo mà thành về cõi Thượng Thiên Vô Cực. ”
- Về Sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Chư Tiền Bối lưỡng đài dạy:
Một ánh linh quang tỏa khắp cùng,
Khai Minh Đại Đạo gội nhuần chung,
Soi đường chánh giáo kỳ nguơn hạ,
Mở lối tiên thiên buổi cuối cùng.
Đem mảnh can trường làm đuốc tuệ,
Một dòng chơn lý định thời trung,
Dầu cho sứ mạng sau hay trước,
Hãy nhớ Thiên ân thuở chín trùng.
V. Sứ mạng của vạn linh đang đi trên con đường duy nhất
1. Sáng suốt tìm hiểu lẽ sống còn
“Hỡi các con! Hãy cố tìm sự sáng suốt Thầy đã ban cho mỗi trẻ từ Bạch Ngọc Kinh đến đây để suy đoán kiếp sanh tồn của con, và con nắm vững sự sáng suốt ấy để chầu Thầy hằng bữa đang ngự trị nơi lòng con, thì dầu cho bao nhiêu biến trạng cũng không làm con lạc đạo xa Thầy.”
[. . .]
2. Sửa mình tu tâm luyện tánh
“Các con tìm đến với Thầy để học đạo như hiện trước đây các con về chầu Thầy thì đạo ấy là Thầy và các con; các con cần nên sửa mình tu tâm luyện tánh, diệt hết lục dục thất tình, để yên lặng mà trông thấy đạo, mà hành đạo và trở lại Thầy, như Hạ, Thu, Đông đã mãn là mùa Xuân đến với các con.”
[. . .]
3.Thương người và độ người
“Thầy muốn thực hiện cho rõ lý đạo, Thầy phải nhờ nơi các con thay Thầy làm người đi trước để rước kẻ đến sau, và các con nên nhớ rằng: Nếu các con không thương được kẻ ghét mình thì khó mong gần gũi với Thầy, hay con hiểu đạo bằng một lối hiểu thường tình, ắt cũng phải trầm luân đọa lạc.”
4. Quay bánh xe đại thừa vào khắp chốn
“Con ôi! Con hãy dành tất cả tình thương cho đồng loại. Hãy quên mình vì cứu độ, quay bánh xe đại thừa vào khắp chốn, đừng buồn khi gặp những chướng ngại. Có vào lửa đỏ mới cứu được kẻ bị hỏa tai, có chịu sóng gió bão bùng mới vớt được người chết đuối, có hòa mình cùng nhân thế mới độ được thế nhân. Tùy khả năng, tùy duyên cứu độ, đó là đại lễ các con hiến dâng lên Mẹ mỗi độ Trung Thu.”
5. Dấn thân cầm giềng mối đạo
Tu hành để giải xong tiền nghiệp,
Hầu nhẹ nhàng mà tiếp Thiên ân,
Thiên ân khi đã gội nhuần,
Thênh thang thế lộ, Thánh Thần trợ duyên.
Khi dấn thân cầm giềng mối Đạo,
Tức là đang gỡ tháo tiền khiên,
Tức là tạo bát nhã thuyền,
Rước đưa khách tục vượt miền vô minh.
Thì trước phải dọn mình chân chính,
Quyết một lòng tâm hạnh nêu gương,
Ngôn từ hòa ái dễ thương,
Đại nhân, đại lượng, dẫn đường tha nhân.
6. Noi theo Trung Đạo
Con đường duy nhất trở về Thượng Đế hay Chánh Đạo phải là con đường không thiên lệch và bất biến. Không thiên lệch-bất biến chính là Đạo Trung Dung hay Trung Đạo.
Đức Mẹ dạy:
“Các Đấng Giáo Tổ hằng mong cho các con được đạt lý đạo để hóa hoằng chánh pháp cứu khổ nhơn sanh. Con ôi! Từ ngàn xưa các bậc Giáo Tổ thành đạo trên phương pháp thời trung, tùy thời để quy phục nhơn tâm giáo dân vi thiện, không thái quá, không bất cập, chỉ nhắm vào trung đạo tạo thế quân bình cho xã hội nhơn loài.”
Gìn lòng giữ dạ chớ phai mờ,
Trung đạo chặt gìn mối đạo cơ;
Đem hết tình thương cho mọi kẻ,
Diêu Cung Từ Mẫu mãi mong chờ.
VI. Ý nghĩa công cuộc Khai minh Đại Đạo
Đoạn thánh ngôn trên đây đã nhấn mạnh tính chất đặc biệt của công cuộc khai Đạo thời Hạ nguơn này do chính Đức Chí Tôn chủ sử. Đã đành Đạo khai để cứu thế, nhưng lần này Đạo khai để chúng sanh chủ động tự cứu, chủ động hội nhập vào quy trình tiến hóa trong trời đất. Vì Thầy đã dạy rõ:
“Các con nghĩ kỳ mà xem, chẳng một điều chi gọi là huyền bí cả. Nhưng lẽ huyền bí thiên nhiên vẫn đến với các con và ở nơi các con, mà các con đang nương theo lẽ huyền bí ấy để sanh trưởng cõi trần. Thầy dạy như thế để các con hiểu thêm chữ Đạo nhiều hơn. Con ôi! Luật Thiên Điều sáng tỏ, máy Trời đất vận hành, nên Thầy đã từng nói với các con: Sự thương yêu là cơ thể của Thầy. [. . .]
Hỡi các con! Hãy cố tìm sự sáng suốt Thầy đã ban cho mỗi trẻ từ Bạch Ngọc Kinh đến đây để suy đoán kiếp sanh tồn của con, và con nắm vững sự sáng suốt ấy để chầu Thầy hằng bữa đang ngự trị nơi lòng con, thì dầu cho bao nhiêu biến trạng cũng không làm con lạc đạo xa Thầy.”
Chúng ta hãy lắng lòng suy đoán kiếp sanh tồn của nhân sanh là gì? Nguyên nhân của sự sống và sự chết của con người là biết đi trên con đường tiến hóa duy nhất hay lạc bước ra ngoài do ngả nghiêng theo dục vọng. Thầy đã giải đáp cho chúng ta rằng:
“Sở dĩ nhân loại ngày nay đã chịu trong luật đào thải của Nguơn Hội xây vần và luôn luôn biến thiên khổ lụy, nào cơ cẩn điêu linh, nào thiên tai chiến họa. Con ôi! Từ Phụ vẫn là đức háo sanh, mà chính con lại tạo nên đường tận diệt. Bởi thế, Thầy phải đem hình thức Thánh Thể sắp bày nơi trần gian cũng như Thầy đã vạch rõ máy hành tàng vận chuyển sự sinh tồn của con ra trước mắt, để con tìm thấy sanh môn tử hộ, tìm thấy Thầy là các con, các con là Thầy. Tất nhiên không phải cầu cạnh huyền thuật cao siêu hay tìm ở lý trí xa xôi, tạo nên những gì để cơ cấu chịu đảo lộn, mà trần gian lại phải một phen luân chuyển điêu tàn.”
KẾT LUẬN
Đoạn thánh ngôn nêu trên như một thông điệp hi hữu trong lịch sử tôn giáo nhân loại, cho thấy Đức Chí Tôn Khai Minh Đại Đạo nhằm vừa soi sáng sự hiểu biết rất giới hạn của nhân sanh về vai trò của tôn giáo hay đạo cứu đời, vừa mở rộng tầm mắt của thế nhân trước ánh sáng Đại Đạo để chủ động tham gia vào cuộc vận hành của Thiên cơ (tức Đạo) trên quy trình tiến hóa.
Do đó, để giúp cho những người con tin của Thượng Đế nói riêng, cho nhân sanh nói chung, thấu hiểu vi ý của Thầy, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư đã đặt vấn đề đức tin của người tín hữu Đại Đạo như sau:
“Bần Tăng muốn chư đạo hữu tự hỏi lại lòng có khi nào lưu tâm đến cái lý xác thực trong việc thờ kính chiêm bái hằng ngày hay chăng? [ . . .]
Bần Tăng phân như vậy là muốn cho chư đạo hữu hãy tĩnh sát nội tâm để tu hành cho đắc quả. Thời kỳ này Đức Huyền Khung Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát đến với nhân loại bằng chiếc đàn không dây, bằng chiếc địch không lỗ để tái tạo dinh hoàn lập thượng nguơn thánh đức. Chỉ có một Thiên Nhãn trong sự sùng bái của dân tộc này dưới bảng hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Như vậy thì tất cả những người Thiên ân chức sắc tín đồ đạo hữu nhắm vào hình thức nào, ảnh hưởng nào, để biết được Đấng mà chư Thiên ân chức sắc tín đồ đạo hữu đặt niềm tin trọn vẹn với bao sự hy sinh cao cả từ buổi sơ khai? Trước tầm mắt được họa lên bằng giấy bút, không có đem đến cho nhân loại chúng sinh một gương mẫu giá trị nào cụ thể như Thích Ca Phật Tổ, như Khổng Thánh Tiên Sư, như Gia Tô Giáo Chủ, chư Thiên ân chức sắc tín đồ đạo hữu vịn vào lý do nào để đặt trọn niềm tin hiện tại mà quên mình hành đạo, có phải chăng do huyền nhiệm trên ngọn linh cơ hay trong vị đồng tử? Nếu niềm tin đặt như thế thì chưa hẳn là niềm tin chân lý của người giác ngộ tu hành.
[ . . .]
Tóm lại, Bần Tăng muốn bảo với chư liệt vị đạo hữu như thế này: Các hình thức phô bày trong vạn hữu, các pháp biến hiện ở trần gian đều do nhân duyên của mỗi con người cấu tạo. Cảnh và tâm là hai mà một, một mà muôn ngàn duyên nghiệp chủng tử hằng sa. Thì giờ đã điểm đúng với Thiên cơ, tất cả mọi cái giả sẽ trở về với vạn vật để chi phối mà tạo nhân duyên, còn lại, nếu người giác ngộ ắt nhận thấy cái thực để nắm giữ và dưỡng nuôi cho trở thành một hột giống trên cõi tối thượng Niết Bàn hay vào nơi vô sinh bất diệt. Đó mới chính thực là Đạo, là quyền năng sở hữu của Tạo Hóa ban cho con người, và con người là một trong tam tài có thể huyền đồng thiên địa như Lão Tử, Thích ca, v.v... ”
Giải đáp được vấn đề, chúng ta sẽ ý thức rằng: Đức Chí Tôn khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là mở ra cho nhân sanh con đường Đại Đạo để bước thêm một bước tiếp theo Nhất kỳ và Nhị kỳ, cũng là bước vĩ đại sau cùng đưa vạn linh sanh chúng lần lượt Phản Bổn Hoàn Nguyên!