Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • TAM DƯƠNG KHAI THÁI / Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo

    THI Tam dương khai thới yến phi hồi, Đại Đạo phùng xuân nhứt tửu bôi, Thế thượng vô nan xuân bất tận, Ngô tâm ...


  • Thánh giáo dạy về "Đắc nhất" / Đức Chí Tôn và các Đấng

    . .Trong thế tam tài, Trời mà được Một thì đàng đạo yên ổn trong lành, soi sáng nuôi dưỡng ...


  • ĐẤNG TỪ BI QUAN THẾ ÂM / Giáo sĩ Kim Dung

    Nơi cõi thế gian này từ xưa cho đến nay danh xưng “QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT” đã ăn sâu ...


  • Cẩm nang tu học / Thánh giáo

    Tâm là nguồn gốc muôn vật, hễ nói đến Đạo là nói đến Tâm. Trên đời này có vô số ...


  • Tâm là cứu cánh / Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn

    Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 10 giờ đêm ngày 29 tháng 8 Quí Hợi (5.10.1983)


  • Trong kinh nhựt tụng Cao Đài, bài Tiên giáo Chí Tâm Quy Mạng Lễ, xưng tụng Đức Thái Thượng Đạo ...


  • Tổng quan về Đại Đạo tam kỳ phổ độ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là đại cuộc cứu độ nhân loại ...


  • TỔNG LUẬN VỂ KHAI ĐẠO CAO ĐÀI / CƠ QUAN PTGL ĐẠI ĐẠO

    Bài Tổng luận trích quyển "TÌM HIỂU TÔN GIÁO CAO ĐÀI" do CQPTGL xuất bản năm 2009, tái bản 2013


  • BỘ THIẾT GIÁP CỦA NGƯỜI TU Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, Thầy đã dạy như sau: "Bởi vậy cho ...


  • Bài viết này giới thiệu về tiền thân của đức Lý sống vào thời nhà Đường, Trung Hoa và ...


  • Thanh An Tự / Trích Lịch sử đạo Cao Đài I - CQPTGLĐĐ.

    Thanh An Tự là tên ngôi chùa của đàn Minh Thiện. Tọa lạc trên đường Hùng Vương, thị xã Thủ ...


  • Hôm nay chúng ta qui tụ về đây tham dự lễ kỷ niệm ngày tái thiết Vĩnh Nguyên Tự cùng ...


19/03/2024
Thiện Chí

TỪ BẢN THỂ ĐAI ĐÒNG DÂN TỘC ĐẾN TÍNH DÂN TỘC CỦA ĐẠO CAO ĐÀI

TÍNH DÂN TỘC CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
 
 I . TỪ BẢN THỂ ĐẠI ĐỒNG DÂN TỘC đến  TÍNH DÂN TỘC CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
Mỗi dân tộc trên thế giới, từ thời dựng nước, trải qua lịch sử thăng trầm giữ nước, xây dựng đời sống nhân dân no ấm phồn vinh, phát huy văn hóa dân tộc, phát triển văn minh là một chuỗi dài nỗ lực và hy sinh của nhiều thế hệ.
Mỗi dân tộc đều tự hào về di sản của ông cha và tiếp tục giữ gìn phát huy truyền thống tiền nhân để lại hầu bảo vệ xây dựng tổ quốc trường tồn, tiến bộ không ngừng.
Chính tình yêu nước thiêng liêng, ý chí quật cường, trí tuệ sáng tạo, lòng biết ơn tổ tiên, cộng với dân tộc tính, với bản sắc văn hóa đã đúc kết nên bản chất tiềm tàng trong mỗi người dân. . . Rồi truyền thụ từ thế hệ này sang thế hệ khác, thấm nhập giá trị nhân bản phổ quát đại đồng trong dân tộc và có khả năng tiến hóa hòa hợp với các dân tộc khác trên hế giới.
Với những đặc tính trên, có thể gọi "bản chất" ấy là BẢN THỂ ĐẠI ĐỐNG DÂN TỘC.

Trước khi tìm hiểu Bản Thể Đại Đồng Dân Tộc, cần định nghĩa hai chữ "bản thể", một danh từ triết học có ý nghĩa rất đặc biệT.
1.Theo các tự điển triết hoc Việt Nam và Anh ngữ thì Bản thể là thực tại tự thân ( reality in itself ), chỉ có thể tiếp cận bằng trí thức trực giác, không thể biết được bằng cảm quan.
2. Đại Động Chân Kinh viết: "Căn bản vốn tại Trung tâm... Suy cho cùng Bản thể vốn tại Trung tâm.Các hiện tượng bên ngoài đều bắt nguồn từ bên trong. Các ứng dụng hiển lộ ra bên ngoài cũng đều từ bên trong sinh xuất..." (Căn bản nguyên do Trung... Cứu kỳ căn bản thực do ư Trung. Hiển lộ ngoại giả, bản hồ nội. Chiêu hồ Dụng giả, do hồ Thể dã) ĐĐCK, q. hạ, tr. 11b. (Dẫn theo BS. Nguyễn Văn Thọ, Tinh Hoa Các Đạo Giáo, tr. 282.)
3. Thánh giáo Cao Đài viết: "Đạo là bản thể vũ trụ, tối cao tối thượng, mà Đạo cũng là nguồn sống của vạn vật chi linh. Do đó mà những bậc thánh triết hiền nhân quân tử mới dám xả thân cầu Đạo, đem sự tín ngưỡng, đem hành động nghĩa nhân đạo đức gây được uy tín trong nhân gian để đem họ hiệp về con đường Đạo là nguồn sống."
4.. Đạo Học Chỉ Nam viết: "Nguồn gốc vũ trụ, người vật, đông tây, nay và xưa, ai cũng công nhận trong kiền khôn thế giới, có một Bản nguyên chủ tể làm trung tâm điều lý. Người vật từ đó mà ra, vạn đức bởi đó mà vào..."

Cuối cùng, định nghĩa đạo học đã bổ sung định nghĩa triết học để cho chúng ta khái niệm tổng hợp sau:
Nếu chúng ta tư duy về vũ trụ thì vũ trụ bao hàm Bản thể và hiện tượng. Bản thể của vũ trụ là Cái-tự-nó hay thực tại tự thân, là nguyên thủy của vạn vật thuộc về hiện tượng. Vạn vật biến đổi không ngừng, nhưng luôn luôn còn tương quan với Bản thể. Bản thể bất biến nhưng vẫn luôn luôn tác động vào vạn vật.
Nếu Bản thể là Nguồn gốc, là Tuyệt đối thể bất biến của vạn vật thì Bản thể phải là thưc tại toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ. Đồng thời Bản thể cũng là cứu cánh tiến hóa của vạn vật. Nên tuy muôn loài vạn vật có vô số hình thức khác nhau nhưng cùng có chung một Bản thể. Chính Bản thể làm cho vạn vật có tính đại đồng tiềm ẩn.

Xét về mặt tiên thiên thì Bản thể của vũ trụ vạn vật là Vô cực – Thái cực – Đại linh quang. Con người thọ bẩm Tiểu linh quang từ Đại linh quang.
Xét về mặt hậu thiên thì nhân loại cùng có một Bản thể đại đồng, đó là Nhân bản, là bản vị đánh giá nấc thang tiến hóa làm người không phân biệt màu da sắc tóc.
Xét trong phạm vi một dân tộc, thì Bản thể đại đồng dân tộc còn được un đúc thêm vào Nhân bản những bản chất đặc thù của dân tộc đó, mà bất cứ người dân nào mang huyết thống giống nòi đều thừa hưởng Bản thể đại đồng ấy.
Vậy Bản thể đại đồng dân tộc của dân tộc Việt Nam là gì?
Đối với dân tộc Việt Nam, có thể nói các cơ cấu:

*TÂM THỨC GIỐNG NÒI;
*TÂM THỨC LƯỠNG HỢP ÂM DƯƠNG
*TÂM THỨC THIÊNG LIÊNG và VŨ TRỤ;
*ĐỊA LINH TỔ QUỐC;
*VĂN HÓA DUNG HỢP;
*LỊCH SỬ NƯỚC NHÀ
Tất cả kết thành Bản thể đại đồng dân tộc Việt Nam.

II. TÂM THỨC NÒI GIỐNG RỒNG TIÊN

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (phần ngoại kỷ) của Ngô Sĩ Liên (thời nhà Lê, thế kỷ 15), viết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam (dã sử) như sau:
Kỷ Hồng Bàng thị:
Kinh Dương Vương:
Kinh Dương Vương tên húy là Lộc Tục, con cháu Thần Nông thị. [...]
Thần Nông thị là Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Rồi Đế Minh đi tuần đến phương Nam, lấy con gái Vụ Tiên mà sinh ra Vua [Kinh Dương]. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi, Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi làm con nối ngôi trị phưong Bắc, phong cho Vua là Kinh Dương trị phương Nam, gọi nước là Xích Quỷ. Vua lấy con gái của Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân:
Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, con trai của Kinh Dương Vương.
Vua [Lạc Long Quân] lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh ra trăm trứng) là Tổ của Bách Việt. Một hôm Vua bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên... bèn chia 50 con theo mẹ về núi ở, 50 con theo cha về miền nam (có bản chép là về Nam Hải), phong con trưởng làm Hùng Vương nối ngôi. Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là nước Văn Lang (nước ấy phía đông giáp Nam Hải, phía tây đến Ba Thục, phía bắc đến hồ Động Đình, phía nam giáp nước Hồ Tôn, tức Chiêm Thành), đóng đô ở Châu Phong (nay là huyện Bạch Hạc) chia nước làm 15 bộ...

@ Chính do huyền thoại trên đây, ban đầu được truyền khẩu qua nhiều đời đã tạo cho dân tộc Việt Nam một tâm thức nòi giống Rồng Tiên, dần dần được ghi chép thành truyện, thành dã sử. Đã là dã sử thì không thể bàn chuyện thực hư; điều đáng quan tâm là tâm thức ấy đã biểu hiện ra trong đời sống dân tộc như thế nào, ảnh hưởng vào phong tục tập quán, văn hóa xã hội, đúc kết nên dân tộc tính đặc thù miên viễn.
@ Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Huế có công trình nghiên cứu điền dã, đi tìm hiểu thực tế những chứng tích về họ Hồng Bàng ở Bắc Ninh, đã viết như sau:

"Ở một bãi rộng của dòng sông Đuống thuộc xã Á Lữ vùng Luy Lâu xưa đã có lăng Kinh Dương Vương. Đó là một gò đất vuông vắn, cao ráo trên bãi bồi của một khúc sông Đuống. Lăng nhỏ nhưng nghiêm trang, có bia ghi sự tích rõ ràng, có hoành phi: Nhật trùng quang / Nam bang thủy tổ.
"Và các câu đối như: Lập thạch ký công Nam thánh tổ, / Phong phần tổ phận Bắc thần tôn.

[Ảnh đầu bài: Mộ Tổ Hùng Vương]

"Ở phía nam của Bắc Ninh, ngoài Á Lữ còn có 15 địa điểm thờ Lạc Long Quân, Âu Cơ và 56 địa điểm thờ các thần Bách Noãn. Trong số thần Bách Noãn được thờ thì có ba địa điểm thờ Hùng Vương (con trưởng) và 53 nơi thờ các vị khác...

@ Hội thờ Âu Cơ:
"Cùng với việc thờ Lạc Long Quân, nhân dân ở đây (và trong vùng) cũng thờ người mẹ khai sáng giống nòi là bà Âu Cơ.
"Khác với Lạc Long Quân, những công việc của bà mẹ Âu Cơ đã được cụ thể hóa thành những bà Dâu, bà Đậu, bà Dàn, bà Mẹ Nước, bà Phật Mẫu Man Nương, v.v... được kể và được thờ thành một hệ thống khắp trong vùng Thuận Thành, Gia Lương. Đó là những bà mẹ biết dạy dân làm những công việc khai sáng. Như bà Man Nương biết dạy dân đào giếng lấy nước chẳng hạn, bà Dâu biết dạy dân trồng dâu nuôi tằm, bà chúa Á dạy dân xe tơ tằm thành chỉ để dệt vải may quần áo mặc."

III. TÂM THỨC LƯỠNG HỢP ÂM DƯƠNG - TÂM THỨC THIÊNG LIÊNG VÀ VŨ TRỤ


[Hình 1:Trống đồng]

[Hình 2:Mặt trống đồng]

Các nhà khảo cổ học và dân tộc học nghiên cứu hoa văn trên trống đồng ở nước ta có niên đại từ khoảng thế kỷ VII trước CN, trùng với khung thời gian và khung không gian xã hội Văn Lang - Âu Lạc (vùng Bắc Việt Nam và khu vực Nam Hoa Nam Trung Quốc), đã nhận định rằng người Việt cổ từng thể hiện những tâm thức Âm Dương trong đời sống giữa thiên nhiên và tâm thức thiêng liêng tương quan giữa con người và trời đất.

1. Tâm thức Âm Dương hay Lưỡng phân – luỡng hợp:
Trong quyển "Trống Đông Sơn" do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1987 (nhiều tác giả) có viết: "Bằng tư duy liên tưởng, Bà P. Maspêrô đã nhìn đến ý nghĩa lưỡng hợp – lưỡng phân ở các biểu tượng của nền văn hóa Đông Nam Á, trong đó có các biểu tuợng trên trống đồng. Nhiều nhà nghiên cứu nước ta cũng đã thấy yếu tố âm dương thể hiện ở họa tiết hoa văn trên mặt trống: cánh sao tượng trưng yếu tố dương, hoa văn "lông công" xen kẻ giữa các cánh sao tượng trưng yếu tố âm. Các hoa văn chim, hươu đối lập với các hoa văn cá rắn..."-

2. Cộng với tâm thức lưỡng hợp là tâm thức thiêng liêng:
Nhiều học giả cho rằng các cảnh trên trống đồng có liên quan đến tục thờ mặt trời. Những hình ảnh hội đua thuyền, hội nước, với trống đồng có ý nghĩa cầu nuớc, cầu mưa vì tiếng trống liên quan đến tiếng sấm.
"Các tác giả cho rằng trống đồng là vật thiêng, làm trung gian giữa cõi sống và cõi chết, giữa con người và thần linh." (Sđd, tr. 237)
. Đồng thời có tín ngưỡng cổ sơ thờ Trời Đất, với tâm thức "cha Trời, Mẹ đất", "trời tròn, đất vuông". Vuông, tròn là khái niệm âm dương lúc sơ khai, đồng thời cũng mang ý nghĩa cầu mong sự tốt đẹp.
Tục thờ Bàn Thiên không biết phát sinh từ thời nào, nhưng rất phổ biến trong dân gian từ Bắc chí Nam, nhất là từ Huế trở vào. Bàn Thiên là một bệ thờ chừng 4-5 tấc vuông được đặt trên một trụ cao khoảng 1,50 m ở trước sân nhà. Trên bệ thờ chỉ có lễ vật đơn sơ: hoa, nhang, 3 chung nước, có khi thêm gạo, muối. Mỗi tối gia chủ thắp nhang trước Bàn Thiên khấn nguyện Trời Đất rồi xá bốn hướng. Tín ngưỡng cha Trời mẹ Đất còn mang mối quan hệ ba ngôi Tam tài (Tam hoàng): Thiên hoàng, Địa hoàng, Nhơn hoàng; con người ở giữa Trời và Đất phải thông thiên, đạt địa.

3. Tâm thức về vũ trụ:
"Cũng có ý kiến cho hoa văn trống Đông Sơn là biểu hiện của một mô hình vũ trụ theo quan niệm của người xưa: mặt trống thể hiện cõi trời, cõi đất, tang trống thể hiện cõi nước., lưng trống thể hiện cõi âm." […] "Có thể người xưa đã có ít nhiều khái niệm về vũ trụ. Trang trí mặt trời được đặt ở trung tâm mặt trống, các hoa văn người và động vật có hướng ngược chiều kim đồng hồ..."

IV. TÂM THỨC ĐỊA LINH TỔ QUỐC


:
                                                                       Ảnh Thiện Chí : cảnh nhìn từ núi Yên Tử

Ba núi thiêng vùng đất tổ

1. Lê Quí Đôn viết trong Kiến Văn Tiểu Lục (1723-1733): "Núi Tam Đảo thuộc huyện Tam Dương. Mạch núi này do khí thế cao cả của các núi ở các xã Ký Phú, Huân Chu và Cát Nê thuộc huyện Phú Lương và Đại Từ trấn Thái Nguyên kéo đến. Đến đây đột khởi ba ngọn cao vút đến tận mây xanh [...] ở giữa là ngọn Thiên Kim, cao chót vót, ghềnh đá không biết bao nhiêu mà kể. Sườn núi có chùa Tây Thiên, tre xanh thông tốt, cảnh sắc trang nhã.
Trên núi cao lại có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày..."

2. Cũng trong Kiến Văn Tiểu Lục, Lê Quí Đôn viết: "Núi Tản Viên , địa giới ở huyện Bất Bạt và Minh Nghĩa, mạch núi từ Mường Thanh liên tiếp chạy dài, đến đây thì nổi vọt ba ngọn thành hàng ở giữa hai sông Thao, Đà, cảnh sắc xinh tươi, hình thể cao cả, như trấn giữ đất nước. Ngọn giữa rất cao thờ thượng đẳng thần linh; đỉnh núi, sườn núi và chân núi có các đền thượng, trung và hạ, núi cao sát chân trời xanh, suốt ngày có mây mù bao phủ."

3. Còn núi Hùng , tương truyền là nơi xưa kia Hùng Vương dựng cung điện được Lê Hải Cương mô tả trong Địa Dư Chí như sau: "Mạch núi từ Tam Đảo bổ xuống... ở phía tây núi non la liệt, phía đông có nước sông Đà lượn quanh, lại có các ngọn nước tụ hội ở ngã ba sông, thật là bố cục lớn về phong thủy. Trên núi có miếu Hùng Vương, bên cạnh miếu có hai cột đá, lại có chùa Thiên Quang.
"Nếu lấy đền Hùng làm trung tâm với bán kính khoảng 20 cây số thì kinh đô Phong Châu xưa là một vùng rộng lớn, nơi hội tụ của trời đất, nước và con người. Những di chỉ khảo cổ trong vùng đã và đang minh chứng cho một bề dầy lịch sử hàng ngàn đời của vùng đất tổ
này."

V. VĂN HÓA DUNG HỢP

Nghiên cứu nền văn hóa nguyên thủy của người Giao Chỉ, các nhà khảo cổ học và dân tộc học cho rằng khởi đầu đó là những nét văn hóa phát sinh từ đời sống nông nghiệp. "Hoa văn trống đồng đã ghi lại những dấu vết của sinh hoạt thị tộc, những dấu vết của nghề săn bắn và những hình thức sớm của nghề trồng trọt với tính cách là những hình thức sản xuất chủ yếu, cùng với những hình thức tổ chức xã hội và và các thiết chế xã hội tương ứng... Những nghi lễ được ghi khắc trên đó, có từ thời cổ đại, qua suốt thời kỳ trung cổ và tồn tại mãi cho đến gần đây. Đó là cái mà nguời ta thường gọi là nghi lễ nông nghiệp với tục thờ sinh thực khí."

Từ đó người Việt cổ có tục thờ Man Nương (man: mưa), để rồi đến khi Đạo Giáo du nhập vào, thì Man Nương trở thành Mẫu Man Nương, vị nữ thần giúp dân có được mùa màng sung túc, đời sống ấm no; và tâm thức sùng bái thiên nhiên trời đất trở thành tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện).

Điểm đặc biệt hơn nữa là bên cạnh tín ngưỡng thờ Tứ pháp (tín ngưỡng tôn thờ thần linh thiên nhiên) dân tộc Việt Nam còn có tín ngưỡng thờ Tứ bất tử từ lâu đời. Đó là các tín ngưỡng:
_ Thần núi Tản Viên, tức Sơn Tinh_Nhà Lý đã phong Tản Viên là "Thượng đẳng tối linh thần" và "Đệ nhất phúc thần". Đền chính là Đền Thượng núi Ba Vì.
Thần Tản Viên Là biểu tượng của sức mạnh liên kết, liên kết giữa đất và núi, liên kết giữa các bộ lạc, liên kết giữa con người và thánh thần. . . .
_ Chử Đồng tử: Chữ Đồng Tử:Chử Đồng Tử đi vào tâm thức dân gian không chỉ là người con hiếu thảo, nhân ái, mà còn là biểu tượng của một chí hướng phát triển cộng đồng.
Chữ Đồng Tử theo truyền thuyết, còn gặp được chân sư, cùng với vợ là công chúaTiên Dung tu luyện thành tiên.
Chử Đồng Tử và phu nhân được thờ ở nhiều nơi thuộc tỉnh Hưng Yên như Đa Hoà, Dạ Trạch, v.v..., thuộc tỉnh Hà Tây như xã Tự Nhiên.
_ Thánh Gióng: Thánh Gióng:Tương truyền từ thời Hùng Vương, nhà vua đã lập đền thờ ở làng và tôn là Phù Đổng Thiên Vương. Về sau được các vua phong thần nhiều lần.
Thánh Gióng tượng trưng cho chí khí anh hùng bất khuất của dân tộc Rồng Tiên.

_ Thánh Mẫu Liểu Hạnh: [Hình 4:Công chúa liễu Hạnh (tranh dân gian)]
Tương truyền là tiên giáng trần nhiều kiếp để âm phò mặc trợ cho nhân dân và bảo vệ đất nước. . Trong tâm thức người Việt, Thánh mẫu LH thuộc về
tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng có cội nguồn lâu đời và độc đáo của Việt Nam.
Thánh mẫu Liễu Hạnh tượng trưng cho bản chất "nữ tướng tài thành" theo Khôn đạo của phụ nữ VN

Đạo Cao Đài đã minh chứng Thánh Mẫu Liễu Hạnh chính là Đức Vân Hương Thánh Mẫu mà trong thời TKPĐ nầy ngài đã thọ lệnh Đức Vô Cực Từ Tôn giáng linh điển trở về tổ quốc Việt Nam để thực hiện sứ mạng kỳ ba nói chung, và độ dẫn phụ nữ VN nói riêng. Những bài dạy đạo của Ngài luôn có khẩu khí của một vị thánh mẫu VN đầy tình thương dân mến nước và ưu ái truyề thống Rồng Tiên:

" Nhân thế rằng tiên trở gót hài,
Vì ai mà đến biết chăng ai ?
Lá cờ Việt nữ nghìn năm trước,
Giọng hát Nam Giao vạn thuở này;
Ào ạt tây phong hồn đã lạc,
Lờ mờ đông trúc nước đang say.
Lần ba là một lần chung kết,
Xây dựng cõi đời đạo thái lai."

Đến thế kỷ III, khi Sĩ Nhiếp được Hán đế phong làm thái thú Giao Châu, thì người Giao Chỉ được tiếp thu văn hóa
Tam Giáo từ phương Bắc và văn hóa Ấn do các đại sư truyền sang. Sử thần Ngô Sĩ Liên viết: "Nước ta được thông Thi Thư, tập Lễ Nhạc là một nước văn hiến bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không chỉ ở đương thời mà có thể tryền mãi đời sau, há chẳng lớn sao?"
Đền thờ Sĩ Nhiếp – Nam Giao học tổ, tuy bị hư hỏng nhiều nhưng vẫn còn trong thành Luy Lâu (vùng Kinh Bắc nước ta). Ông là người đã đem văn hóa Trung Quốc truyền vào Luy Lâu một cách mạnh mẽ, đàng hoàng và hệ thống, nhưng cũng là nguời có công tu tạo, tôn vinh, quy chuẩn phong tục bản địa. Ông là người đã mở trường dạy Luận Ngữ rồi đến Ngũ Kinh.
Ông cũng là người sai tạc tượng Tứ Pháp, lấy gỗ từ cây đa do Man Nương kéo từ dưới sông lên.
Phải chăng ông đã kết hợp được Nho, Phật, Đạo, phát triển được văn hóa dân gian nên tạo được cảnh hòa bình trong hơn 20 năm?

VI. TỪ BẢN THỂ ĐẠI ĐỒNG DÂN TỘC đến TAM KỲ PHỔ ĐỘ

Từ tâm thức giống nòi Rồng Tiên, đến tâm thức lưỡng hợp Âm Dương – một ước vọng phồn thịnh hóa cuộc sống; tâm thức đơn sơ về vũ trụ: người vật xoay chuyển chung quanh trung tâm mặt trời; trực nhận khí thiêng sông núi, địa linh đất tổ; bản năng dung hợp văn hóa; lòng yêu nước nồng nàn, tình đồng bào thắm thiết, niềm tin độc lập tự chủ với thiên hướng sùng bái thần linh, tín ngưỡng thờ Trời Đất... đã tổ hợp thành một Bản thể vô hình mà sở năng sở dụng có giá trị thống nhất tinh thần mỗi con dân nước Việt, để:

- Đoàn kết chiến thắng xâm lăng khi quốc biến,
- Xây dựng đất nước, phát huy văn hóa thuở hòa bình,
- Thăng hoa tâm linh trong cuộc sống nhân sinh an lạc.

Bản thể ấy không thấy được bởi biến hóa như con Rồng thiêng uy dũng, không sờ chạm được mà an nhiên, nhân ái do phẩm chất con Tiên. Nó bao hàm sức sống bất diệt lẫn tâm tâm linh siêu xuất. Những dấu ấn bốn ngàn năm lịch sử và thực tế trường tồn của dân tộc trên nền văn hiến huy hoàng sâu sắc, với khả năng thâu hóa dung hợp vân minh Đông Tây của thế giới, đã minh chứng Thực tại thiêng liêng ấy hay Bản thể đại đồng của dân tộc Việt Nam là di sản vô giá, là lẽ sống và năng lực tiến hóa vĩnh cửu.

Chính bởi dân tộc Việt Nam có một Bản thể như thế nên đã được Đức Chí Tôn ban trao sứ mạng hoằng khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ: "Các con là dân tộc Việt cũng như dân tộc khác sanh trưởng tại quả địa cầu này. Tình thương Tạo Hóa cũng ban đồng cho các con cũng như các con khác, nhưng dân tộc các con đã đau khổ quá nhiều, non sông tổ quốc các con đã bị dày xéo lâu đời. Nhưng các con trội hơn chúng về đức tin, lòng đạo đức ngưỡng mộ Thượng Đế và các Đấng trọn lành. Tình thương các con không thiếu, lòng hiếu hòa các con có thừa. Do đó, dân tộc các con mới hạnh ngộ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ" (Đức Chí Tôn, Thiên Lý Đàn, 19-12-1968)

Đức Từ Mẫu cũng nhấn mạnh vinh hạnh ấy của Việt Nam: "Luật định thiên nhiên, Tam nguơn vận chuyển, đến thời kỳ phải dùng tiểu quốc để khai Hội Niết Bàn nên muợn Việt Nam ban truyền chánh đạo."
Vậy "mượn Việt Nam ban truyền chánh đạo" không phải là một sự tình cờ, mà chính vì Việt Nam có khả năng tiếp nhận và phát huy chánh đạo.

Chánh đạo là Đại Đạo. Đại Đạo là Nhứt nguyên của Tam Giáo và nhứt lý của vạn giáo. Nhìn lại nền văn hóa đạo đức của dân tộc, nhen nhúm từ sơ khai, sáng chói thời Lý Trần, âm ỉ mãi về sau, giáo lý Tam Giáo đã được dung hợp và chuyển hóa sâu sắc trong tinh thần lãnh đạo quốc gia của các bậc minh quân, thấm nhuần trong tình yêu nước thương dân của các bậc công thần, thể hiện trong phong tục tập quán, trong sinh họat tâm linh của người dân Việt.
Vua Trần Thái Tông từng viết: "Nho điển thi nhân bố đức, Đạo kinh ái vật hiếu sinh, Phật duy giới sát thị trì." (Sách đạo Nho dạy thi nhân bố đức, Kinh đạo Lão bảo yêu thương mọi vật và tôn trọng sự sống, thì đạo Phật cũng chủ trương là hãy giữ giới sát đừng sát sinh hại vật.)

Từ năm 1237, vua Trần Thái Tông bắt đầu chấn hưng Quốc học trên nền tảng tinh thần Tam Giáo, cho nên mới có kỳ thi Tam Giáo vào năm 1247, mùa thu. Việt Sử Cương Mục chép:
"Trước đấy những nhà nho theo Nho Giáo, Thích Giáo, Đạo Giáo mà có con nối được nghiệp nhà đều cho vào thi. Nay lại thi những người thông cả ba khoa về ba tôn giáo." (Ch. b. VI.30)

Năm 1253, nhà vua lập Viện Quốc Học. Khi Viện xây xong, nhà vua bắt đắp tượng Chu Công, Khổng Tử và Mạnh Tử và vẽ 72 người hiền để thờ. Lại hạ chiếu cho học trò trong nước vào Viện Quốc Tử để giảng nghĩa lý Ngũ kinh, Tứ thư. Như thế đủ tỏ rằng nhà vua ngày càng tôn trọng Nho Giáo ngang hàng với Phật giáo và Lão giáo..."

[Hình 5:Lễ hội Đền Hùng]

Đức Trần Hưng Đạo cầm quân oai dũng đánh tan giặc Nguyên, trung quân ái quốc trọn đời, đến lúc lâm chung còn để lại tâm huyết với vua rằng: "Khoan thứ sức dân, lấy kế bền gốc sâu rễ là thượng sách giữ nước."

Nguyễn Trãi khi được vua sai định lễ nhạc đã tâu rằng: "Đời loạn thì dùng võ, thời bình thì dùng văn. Ngày nay định ra lễ nhạc là đúng lúc. Song không có gốc thì không thể đứng vững, không có văn thì không thể lưu hành... [...] Dám mong bệ hạ rủ lòng thương yêu và chăn nuôi muôn dân, khiến trong thôn cùng sớm vắng không còn một tiếng hờn giận oán sầu, đó là cái gốc của nhạc vậy."

Nên đến thời Tam Kỳ Phổ Độ, chơn linh bậc cao tăng đời Lý, đức Vạn Hạnh Thiền Sư còn thắp sáng lại truyền thống đạo đức dân tộc:

Chuỗi dài ý hệ cõi Nam giao,
Thánh Đạo Nho Tông những sắc màu,
Đã có trường thi Tam Giáo trước,
Nhịp cầu nối tiếp nhịp theo sau.
. . .
Đó là Tam Giáo được đồng nguyên,
Về với ông cha một chiếc thuyền,
Thuyền đạo đóng bằng tư tưởng đạo,
Cho tròn danh nghĩa đấng Cao Thiên.

Bản thể đại đồng dân tộc không chỉ đơn thuần mang tính tôn giáo, ngược lại có đủ bản chất nhân sinh lẫn tâm linh, nó đã đúc kết những tác năng có giá trị chân thiện mỹ làm thành cái HỒN VIỆT NAM, làm lẽ sống, làm nguyên lý tiến hóa bất diệt. Đó là bản chất Đại Đạo vừa thiên phú vừa tự xiển dương của dân tộc ta.
Thế nên bất cứ thời nào, hoàn cảnh nào, Việt Nam đều có thể vận dụng Bản thể ấy để tồn tại và phát triển:

Thiên hạ đua nhau kiếm đũa thần,
Để lo trị quốc với an dân,
Đũa mình sẵn có, cơm mình có,
Mượn chác làm chi nhục trí nhân.

Nếu các nhà dân tộc học cho rằng một trong những ý nghĩa của trống đồng Việt Nam là trung gian giữa con người và thần linh, thì ngày nay đạo Cao Đài có thể nói: Bản thể đại đồng dân tộc là gạch nối giữa dân tộc và anh linh tổ quốc. Bài kinh cúng chư thần Việt Nam trong đạo Cao Đài là một minh chứng:

Trời Nam đất Việt cao dày,
Hồng Bàng mở nước đến nay năm ngàn.
Âm dương tụ khí thanh chơn,
Non sông linh tú xuất sanh thánh thần.
Từ Hồng Lạc đến trào Trần,
Biết bao liệt sĩ chơn nhơn độ người.
Việt Nam linh cảm khắp nơi,
Nhiều người kinh quốc tế thời an dân.
Nhiều người khuê các xuất thân,
Hiển danh Thánh Mẫu rạng Thần Nữ Vương.
Oai linh Thiên cổ thanh chương,
Công tày biển rộng, đức dường núi cao.

Và tâm sự tiền nhân đã về cõi thiêng liêng hãy còn ôm ấp Hồn thiêng nước Việt:

Nước của mình, dân mình đấy nhé.
Ổ chim hồng sẻ đẻ sao đang,
Tiền nhân công nghiệp huy hoàng,
Dựng nên biển bạc non vàng ngày nay.
Giờ ta hãy chung tay góp sức,
Giờ ta toan nỗ lực hy sinh,
Hy sinh tự hữu chính mình.
Đắp xây nền tảng thái bình trời Nam.
. . .
Một dân tộc tinh thần tự chủ.
Mấy ngàn năm uy vũ kiêu hùng,
Nam phương góc đất vẫy vùng,
Non sông một giải muôn chung hải hồ.
Công tiền nhân cơ đồ tạo lập,
Cho cháu con bồi đắp giang san;
Giang san trên mãnh đất vàng,
Hai mươi mấy triệu Hồng Bàng còn đây.
. . .
Lần trang Việt sử mà xem,
Lạc Hồng văn hiến trước thềm đông phong.
Và:
Ngày nay Trời mở Đạo Nhà,
Cho hồn Nam Việt tinh ba kết thành.

Sở dĩ khi Đức Chí Tôn Thượng Đế khai đạo Cao Đài, gọi là "Trời mở Đạo Nhà", chính vì đó không phải là cái Đạo xa lạ đối với dân tộc Việt Nam, mà Đạo ấy vốn đã sẵn có trong tâm thức, trong tiềm thức người con dân nước Việt.
Nhưng Cao Đài chẳng những là Đạo Nhà mà còn là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ để cứu độ tòan thể nhân loại trong đức hiếu sinh của Thượng Đế.
Thế nên, từ Bản thể đại đồng Việt Nam phát huy lên đạo Cao Đài để Cao Đài Việt Nam làm gạch nối liền với Bản thể đại đồng nhân lọai, thực hiện Cơ cứu thế kỳ ba:
Muốn cứu mình, cứu nguy thiên hạ,
Vững niềm tin Tạo Hóa chí công;
Trở về nguồn cội Tổ tông,
Đó là cái Đạo ở trong mỗi trò
Từ "nguồn cội Tổ tông" là Bản thể của dân tộc, làm đầu mối thể nhập vào Đạo tại tâm, chính là Bản thể tự thân như lời dạy của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư:
"Hãy chấp tay hướng mắt vào bản thể của con người vạn thể tự tâm thể biến sanh, các tiểu linh quang hằng định vẫn có và hằng có. [...]
Tóm lại, cái chinh phục chiến thắng vĩ đại nhứt là cái chinh phục chiến thắng bản thể của con người. Đừng hàm hồ nhìn những gì to tát ngoài kia, thực sự những cái ấy đều tự chứa trong con người mà chính con người chẳng hay chẳng biết. Tự chủ được bản thể là tự chủ được thiên hạ. Chinh phục được con người hiện hữu là chinh phục được vũ trụ hằng tồn. Đừng lo cái không đáng lo, đừng nghĩ cái không đáng nghĩ, hãy bước thẳng và lặng nhìn vào Thiên tâm bản thể." ( Thánh ngôn)
Thiên tâm bản thể chính là nơi hội nhập cuối cùng huy hoàng nhất của:
_ Bản thể con người
_ Bản thể đại đồng dân tộc
_ Bản thể trời đất/ vũ trụ
VII. TÍNH DÂN TỘC CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
GÓP PHẦN PHÁT HUY VĂN HÓA DÂN TỘC
 Qua nghiên cứu lịch sử đạo Cao Đài, đồng thời thâm nhập nền giáo lý Đại Đạo, chúng ta có thể nhận định rằng tôn giáo Cao Đài có ba đặc tính phổ quát nhất là :
          - Cao Đài mang tính Nhân bản để trở nên một tôn giáo vị nhân sanh, là Đạo của Thượng Đế lập ra để khai cái Đạo trong con người. Với Đạo ấy, con người có nhân văn sáng sủa, có nhân tính cao đẹp và tiến hóa mãi đến chỗ đồng nhất với thiên tính.
 - Cao Đài mang tính hiện đại vì nó là hạt nhân của Đại Đạo, nghĩa là của thực thể cứu độ vượt lên trên tôn giáo mới có sức phổ độ cả nhân loại. Thế nên Cao Đài không thể đóng khung trong các giáo điều, để chỉ có nghi lễ, chỉ có giáo lý, chỉ có tu sĩ, chỉ có giáo sĩ, mà Cao Đài  phải sáng tạo, phải tiến bộ để đáp ứng  kịp đà tiến hóa của nhân sanh.
Nhưng cơ sở của tính nhân bản và tính hiện đại là Tính dân tộc. Không thể có nhân bản tách rời con người thừa kế quá trình phát triển của dân tộc. Nhân bản là hoa trái của nhựa sống vút lên từ tinh hoa dân tộc. Cái đại đồng của nhân loại là cái năng lực phát triển văn minh trên mọi mãnh đất quê hương, chớ không phải là sự gò ép con người theo một cái khuôn nhất định.
 Tính hiện đại là khả năng thúc đẩy con người tiến bộ không ngừng, nhưng không thể hiện đại hóa một cách vong bản vì nó sẽ làm cho con người không sống thực được bằng chính tim óc của mình vốn đã thấm nhuần bằng huyết thống cha ông ngàn đời. Bởi thế, đã nói đến tính nhân bản, tính hiện đại của Cao Đài thì không thể thiếu một lần nói về tính dân tộc của Cao Đài vậy.
 A. TÌNH VĂN HÓA DÂN TỘC
 Văn hóa là gì ?
Trước khi đi vào những yếu tố hình thành tính văn hóa dân tộc của Đạo Cao Đài chúng ta cần tìm hiểu văn hóa là gì và thế nào là văn hóa dân tộc.
 
Văn là vẻ đẹp, - Hóa là biến đổi.
Văn hóa nảy sinh do những ước mơ về Chân Thiện Mỹ và là nổ lực của Con Người để vươn lên cho tới Chân Thiện Mỹ, để thực hiện Chân Thiện Mỹ. –
 Văn hóa theo Thánh Giáo Cao Đài:
“Đừng nên hạn hẹp hai tiếng văn hóa trong khuôn khổ văn chương chữ nghĩa trong một số môn học đạo đức, mà phải quan niệm cho thật rộng, đúng nghĩa của nó “.
Văn hóa đạo đức có những gì tốt đẹp sâu sắc trong lãnh vực triết học, đạo lý, thần linh học, từ nhân sinh quan đến vũ trụ quan…
Văn hóa dân tộc nói lên được những gì cao quí tốt đẹp của một dân tộc từ văn học, triết học, nghệ thuật, phong tục tập quán, đến quốc hồn quốc túy của một dân tộc ấy”.
           1. Tính văn hóa dân tộc của đạo Cao Đài thể hiện qua phong tục tập quán
Chúng ta đều biết, phong tục tập quán là nếp sống, nếp nghĩ chung thể hiện cụ thể trong sinh hoạt hằng ngày của một dân tộc. Phong tục tập quán truyền qua nhiều đời, nhiều thế hệ, trở thành những sắc thái đặc biệt của mỗi dân tộc, tức là dân tộc tính. Phong tục tập quán dĩ nhiên là những gì cũ kỹ lâu đời, nhưng là những cái cũ kỹ mang được quốc hồn quốc túy.
 Ở lĩnh vực này, ngoài sự thừa kế các phong tục tập quán Việt Nam như những người Việt Nam có tôn giáo hay không tôn giáo khác, người Đạo Cao Đài duy trì và chú trọng phong tục thờ cúng tổ tiên, thờ kính và tri ân các vị anh hùng liệt nữ và các vị quốc tổ Việt Nam.
- Đạo Cao Đài có bài kinh Tế Lạc Long Tổ Miếu như sau (xin trích một đoạn)
Lạy cầu Việt quốc Minh Vương,
Mong ơn Thánh Chỉ chiến trường tiên gia.
Hồng Bàng tạo cảnh san hà,
             Mấy ngàn năm lẻ châu sa giọt hồng.
Tiên Vương Tổ quốc Lạc Long,
             Âu cơ Thánh Mẫu tỏ lòng thảo ngay…
 
Và sau đây là bài kinh cúng chư Thần Việt Nam :
Trời Nam đất Việt cao dày,
Hồng Bàng mở nước đến nay năm ngàn
Âm dương tụ khí thanh chơn,
Non sông linh tú xuất sanh thánh thần.
Từ Hồng Lạc đến trào Trần,
Biết bao liệt sĩ chơn nhơn độ người.
Ông Trần Văn Giàu viết trong quyển “Tư tưởng yêu nước” của nhà xuất bản “Văn nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh  1983” như sau :
Thờ Tổ Tiên, thờ Thần cứu nước trở thành một đặc điểm lớn của văn hóa dân tộc. Văn hóa dân tộc trở thành một vũ khí mạnh chống ách thống trị ngoại bang “
Thiển nghĩ, thừa kế và phát huy truyền thống trên đây, Đạo Cao Đài có tính dân tộc rất rõ nét.
 + Điểm thứ hai về phong tục tập quán, Đạo Cao Đài chọn quốc phục làm đạo phục. Chúng ta thử nghĩ, trong một cuộc họp tôn giáo quốc tế, người ta thấy một người mặc quốc phục  này, nếu họ chưa biết đây là người Cao Đài thì họ đã biết đây là người Việt Nam. Và ngược lại, nếu họ biết đây là người Cao Đài thị họ cũng biết đây là người Cao Đài Việt Nam. Có thể nói hễ Đạo Cao Đài còn thì quốc phục còn.
 Tính Văn Hóa Dân Tộc qua văn chương thơ phú, thơ ca :
 
a. Thơ ca : Khởi đầu của văn hóa Cao Đài có lẽ là loại thơ ca đượm đầy giai điệu nhạc dân tộc, mà hai bài “Khai xuất Thiên Hoàng” và bài “Hò xự xang” sau đây nghe rất lý thú với nhiều đạo vị :
 Khai xuất Thiên Hoàng, nghiệp hồng quang
     Tứ cảnh nhàn di ngộ tam quang
Thiên địa tuần hoàn ngọc ẩn san,
Thủy triêm hàng, thủy triêm hàng,
Bàn Cổ giang san, ý ỷ ỳ y.
Thương thay vận khiến là may
Muốn anh hùng gặp gió buồm bay
Thiệt là may, thiệt là may !
 HÒ XỰ XANG
 Hò xự xang du nhàn sơn thủy,
Tiếng tỳ bà thiện mỹ giáo dân
Thái bình bổn cảnh công thần
Phi vân lục quốc thôn lân tiếp trình,
…………..
Ứ liêu dĩ thả dĩ thâm
Hò xê khánh hĩ, Dịch tầm chiêu lai…..
 b. Thơ phú :
Có thể nói thơ phú Cao Đài là một kho tàng văn hóa dân tộc phong phú với đủ các thể loại, đủ hình thức, với những nội dung đạo lý hết sức sâu sắc, những văn chương, văn chất tuyệt vời. Từ những bài thơ ngũ ngôn đến tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, song thất lục bát, lục bát. Từ các điệu Động Đình Hồ, đến điệu Hoàng điểu qui sào. Từ các thể thi vô vi đến thi Thái Cực, lưỡng nghi, tứ tượng. Từ những bài phú lối văn đến phú cửu lưu . . .
Từ những nghệ thuật chiết tự, khoán thủ, khoán tâm đến nghệ thuật giáng vận liên hoàn khúc, rồi đến nghệ thuật “lục chuyển thất trùng bát tiếp” để làm một bài thơ trong bài thơ. Xin mời nghe một bài thất ngôn bát cú:
 “ĐẠI  đồng công dụng thế nhân hòa,
ĐẠO mạch trường lưu một hóa ba;
TIỀN hậu rọi soi đường sáng tối,
KHAI minh thông hiểu nẻo gần xa.
TÔN cao sứ mạng trên đường đạo,
LINH diệu thiên ân dựng đạo nhà;
LIỆT Thánh chứng tri tâm đại chúng,
VỊ ngôi dành sẵn tại Chương tòa.”
+ Xin nghe một bài Phú Cửu lưu :
 “Soi kim cổ noi gương hiền thánh triết,
 Học đạo đời hầu hiểu biết cuộc suy vong;
Cũng linh hồn, cũng thể xác, cũng non sông,
Cũng chí sĩ, cũng mày râu trong trời đất.
Xưa ai đã làm được Thánh, Hiền, Tiên, Phật
Nay người không tìm về bản chất linh căn.
Có khó gì đâu câu “Thế thượng vô nan”
c. Văn xuôi:
“…Con người mãi mê chạy đua nhau chói lòa ánh mắt trước yến sáng dục vọng. Mỗi một dục vọng được thỏa mãn là một dục vọng khác khởi sanh….Không có gì đứng yên, ngoại trừ chơn như bổn tánh…
“ Các hoa mai vừa hé nụ, từng lọat lá đã rụng rơi, rồi hoa lại úa tàn.nhụy hoa tan tác, để dành phần cho quả hạt tạo thành. Những tinh chất rượu phải rời khỏi bả nếp còn thừa sau một thời gian âm thầm sôi sục bốc hơi. Chính vì vậy mà ngày nay từng lọat cộng nghiệp đang diển bày, từng lớp người đang gục ngã trước bảo táp phủ phàngcủa bạo lực chiến tranh, của bạo lực bịnh họan sinh tồn, đó là những chiếc lá của cành hòang mai cuối đông, đó là nững bả nếp thừa, những cánh hoa, nhụy hoa tàn tạ.”
 3. Tính Văn hóa dân tộc qua Nhạc lễ Cao Đài :
 Ở Phương Đông chúng ta, từ ngàn xưa đã có quan niệm : Nhạc là luật điều hòa của Trời Đất. Lễ là phép trật tự của Trời Đất (Nhạc giả thiên địa chi hòa dã. Lễ giả thiên địa chi tự giã – Lễ Ký). Bởi thế nhạc lễ đối với phương Đông mang tính chất thiêng liêng dùng để tế tự.
Vậy nhạc nói chung thuộc về văn hóa, và nhạc lễ thuộc về đạo lý.
Ở nước ta,  dàn nhạc đã có từ lâu và vua Lê Thánh Tôn đã quy định luật âm nhạc bằng cách đặt ra bộ Đồng Văn và bộ Nhã Nhạc để hòa nhạc và xướng hát. Trong các cuộc tế lễ từ triều đình đến dân gian, bao giờ dàn nhạc cũng điều hòa nghi lễ (theo Toan Anh – Cầm ca Việt Nam). Nhạc Việt Nam vừa là thú tiêu khiển vừa gắn liền với phong tục tập quán của dân tộc. Từ Bắc chí Nam ở đâu chúng ta cũng thấy những cây đàn nhị (cò), cây nhật, cây nguyệt,(kìm), đàn tranh, cây sáo, tiêu….Các loại trống, kèn, phách….
 Đạo Cao Đài, ngay từ sơ khai (1926) đã lập nên nhạc lễ của Đạo. Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển có ghi : “Khởi nhạc thì phải đánh trống và đờn bảy bài cho đủ (- Xàng Xê, Ngũ đối thượng, - Ngũ đối hạ, - Long đăng, - Long ngâm, - Vạn giả, - Tiểu khúc). Chừng hiến lễ phải đờn “Nam Xuân” ba bài, vì lễ sanh phải hiến lễ bảy lái, đi chữ tâm. Tới khi thài (điệu hát của đồng nhi với tiếng ngân dài từng chữ các bài tứ tuyệt dâng lễ phẩm) thì đờn “Đảo ngũ cung” rồi (con) lại bắt đầu đờn lại cho môn đệ tụng kinh”.
 Vậy Nhạc Lễ Cao Đài chính là nhạc dân tộc.
Nhạc lễ còn có thể gọi là Nhạc Đạo. Đó là :
 
“Toan lo cho Đạo kịp thì,
Đở nâng nhân loại chung qui một trường,
Trong tám tiếng phân tường giai cấp,
Giọng cung thương, cao thấp tùy nhau.
Giốc chũy  vũ, hiệp thanh tao,
Lục căn, luật lữ phân sao cho điều.”
 B. TÍNH ĐẠO ĐỨC DÂN TỘC :
 1. Tôn giáo có tính đạo đức là lẽ đương nhiên. Nhưng ở đây chúng tôi muốn nói đến tính đạo đức dân tộc, là tính đạo đức rất nhơn bản bắt nguồn từ truyền thống của Tổ tiên, mọc rễ trong gia đình, đâm chồi trong dân gian và lưu truyền bất biến trong dòng lịch sử của đất nước.
 Có thể nói Đạo đức Cao Đài trước tiên là Đạo đức dân tộc, vì người Cao Đài luôn luôn nhắc nhở :
 “Lần trang việt sử  mà xem,
Lạc  Hồng văn hiến trước thềm đông phong”.
Và :
Ngày nay Trời mở Đạo nhà,
Cho hồn Nam Việt tinh ba kết thành”.
Trước  khi nói đến những giáo lý cao siêu, người Cao Đài phải nói đến đạo lý yêu nước, yêu đồng bào.
“Một dân tộc tinh thần tự chủ.
Mấy ngàn năm uy vũ kiêu hùng,
Nam phương góc đất vẫy vùng,
Non sông một dãy muôn chung hải hồ.
Công tiền nhân cơ đồ tạo lập,
Cho cháu con bồi đắp giang san;
Giang san trên mãnh đất vàng,
Hai mươi mấy triệu Hồng Bàng còn đây
Đó là đạo lý thiết thân nhất của mỗi người Việt Nam, thế nên Đức Giáo Tông Đại Đạo đã nói rõ :
 “Trở về nguồn cội tổ tông,
Đó là cái Đạo ở trong mỗi trò
2. Điểm thứ hai trong tính Đạo đức dân tộc của Đạo Cao Đài là phục hưng nền tảng đạo đức gia đình Việt Nam :
a. Nói đến đạo đức gia đình Việt Nam, thì vai trò người phụ nữ rất quan trọng. Đặc biệt còn thực hiện những quyển kinh riêng cho nữ phái mà căn bản là xây dựng đạo đức gia đình – Xin hãy nghe một đoạn kinh “Nhủ bạn  nữ nhi”.
Trao gương sáng gia đình Nam Việt,
Khêu đức tài gái liệt nhà Nam;
Chung đồng dội khắp kêu vang,
Danh kia chạm ngọc, khảm vàng, tiếng ghi.
* * *

Và một đoạn trong Huấn Nữ Chơn Kinh :
 Khuyên Chị em Đạo Trời khá giữ,
Cho đúng câu liệt nữ Nhà Nam;
Đạo mình chỉnh đốn vẹn kham;
Đạo ngoài xã hội mới làm đuốc minh.
 b. Tinh thần đạo đức dân tộc của Đạo Cao Đài đặt nền móng từ gia đình ra xã hội bằng các tiêu chuẩn Hiếu Để Trung Tín, Lễ Nghĩa Liêm Sĩ :
Trung ở đây là :
 Trung là ngay can trường lập chí,
Ngay thẳng lòng nuôi kỷ lý chân.
* * *
            Trung ấy được thủy chung như nhứt,
Trung để cho trọn chức vụ người;
Trung thành đượm vẻ thắm tươi,
               Quốc dân niềm nở vui cười thân yêu.
 
C. TÍNH TÔN GIÁO DÂN TỘC :
 1.Có thể nói một cách chắc chắn rằng, Đạo Cao Đài với đức tin thờ Trời, với giáo lý Tam Giáo đồng nguyên, tôn chỉ Tam giáo qui nguyên, là một tôn giáo dân tộc.
Thật vậy, lòng tin thờ Trời thoạt đầu là một tín ngưỡng dân gian, chất phác mà thành thực như ca dao :
 “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm”
* * *
Nhờ Trời hạ kế sang Đông
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi”
 Đến khi những bậc an bang cứu quốc muốn quật khởi tinh thần đấu tranh chống xâm lược của dân tộc cũng nêu lên đức tin đó :
Nam quốc sơn hà nam đế cư,”
“Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư.”
 Nhưng những tín ngưỡng có hệ thống giáo lý đã thâm nhập trong lòng nhân dân bằng Tam giáo đạo : đạo Phật, đạo Tiên, và đạo Nho.
 Vua Trần Thái Tông từng viết :
Nho điển thi nhân bố đức, Đạo kinh ái vật hiếu sinh, Phật duy giới sát thị trì “ (Sách Đạo Nho dạy thi nhân bố đức, Kinh Đạo Lão bảo yêu thương mọi vật và tôn trọng sự sống, thì Đạo Phật cũng chủ trương là hãy giữ giới sát đừng sát sinh hại vật)
Còn  Nho học đã đào tạo ra các bậc danh nho uyên bác trung chính kiên cường như Lê Quí Đôn, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ…
Thì ngày nay, Đạo Cao Đài là một tôn giáo tổng hợp giáo lý Tam giáo để nâng cao tín ngưỡng dân gian thờ Trời thành đức tin thờ Thượng Đế bằng giáo lý Đại Đạo, chứng tỏ là một tôn giáo dân tộc, nâng cao giá trị tinh thần Việt Nam lên một bước tiến hóa lớn lao : Nghĩa là từ Tam giáo Đạo trở về Đại Đạo.
 
“Đó là Tam giáo được đồng nguyên
Về với ông cha một chiếc thuyền
Thuyền đạo đóng bằng tư tưởng đạo,
Cho tròn danh nghĩa đấng Cao Thiên.
* * *
Chuỗi dài ý hệ cõi Nam giao,
Thánh Đạo Nho Tông những sắc màu,
Đã có trường thi Tam giáo trước
Nhịp cầu nối tiếp nhịp theo sau”.
 
2.Nối kết các tổ chức Cao Đài trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh:
Các Hội Thánh và các Tổ chức Đạo Cao Đài được thành lập khắp nơi, dưới hình thức cơ phổ dộ phù hợp với văn hóa của người dân Nam Bô, nên nền đạo được phát triển mạnh mẽ trong khoản thời gian ngắn có hàng nghìn người nhập môn vào đạo.
Một tôn giáo mới được khai sinh trên một đất nước dân tộc bị thống trị đô hộ của ngoại bang, với một nền giáo lý cứu khổ nhân sinh, công bình nhân loại, trước sự chia tách nhiều Hội Thánh trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh chia cắt, cần đoàn kết đạo đời, nên chức sắc các Hội Thánh kết  nối qua nhiều giai đoạn thành lập được Cao Đài Cứu Quốc 12 phái hiệp nhất, đến năm 1954, hoàn thành nhiệm vụ.
Năm 1955, trước tình hình cần bảo vệ nền đạo và đất nước,  các chức sắc Đạo Cao Đài thành lập tổ chức liên giao hành đạo, thành lập được Liên giao I ( Có 5 Hội Thánh) nắm, Liên giao II (có 18 Hội Thánh và Giáo hội) năm 1972.
 
3 .Các Hội Thánh và các tổ chức Cao Đài đoàn kết trong thời kỳ phát triển đất nước và hình thành Tổ chức Liên giao qua hơn 15 năm hoạt động.
 Năm 1975, đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, các Hội Thánh  lần lượt được Nhà nước cấp pháp nhân, hoạt động tôn giáo tự do tín ngưỡng theo Hiến chương riêng. Đất nước ngày càng phát triển trước sự hội nhập và trí tuệ thời kỳ công nghiệp hiện đại hóa của xã hội. Đạo Cao Đài cần phát triển gắn bó và giữ nét văn hóa Cao Đài, qua phát huy khối đoàn kết, thể hiện tình thương yêu của nền đạo.
 Năm 2008, Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo xin phép Ban Tôn Giáo Chính Phủ tổ chức Hội nghị Giao lưu các Tổ chức Hội Thánh và các tổ chức Cao Đài lần thứ I (có 8 Hội Thánh và 4 tổ chức) vào ngày 14/2/Mậu Tý (2008) tại Thánh Thất Thiên Cảnh Đàn thuộc Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo, qua Hội nghị giao lưu lần này đã thông qua Bản ghi nhớ gồm 5 điều thể hiện tình thương, đoàn kết, bình đẳng tôn trọng đặc điểm riêng của từng Hội Thánh và Tổ chức.
Các Hội Thánh và các Tổ chức Cao Đài thống nhất mỗi năm hộii nghị 1 lần
tuần tự các Hội Thánh đăng cai luân phiên tổ chức. (trích tham luận của HT. Minh Chơn Đạo tại Hội nghi các HT. Cao Đài lần XI )
 
 
VIII. TỔNG LUẬN
Từ "nguồn cội Tổ tông" là Bản thể của dân tộc, làm đầu mối thể nhập vào Đạo tại tâm, chính là Bản thể tự thân như lời dạy của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư:
"Hãy chấp tay hướng mắt vào bản thể của con người vạn thể tự tâm thể biến sanh, các tiểu linh quang hằng định vẫn có và hằng có. [...]
Tóm lại, cái chinh phục chiến thắng vĩ đại nhứt là cái chinh phục chiến thắng bản thể của con người. Đừng hàm hồ nhìn những gì to tát ngoài kia, thực sự những cái ấy đều tự chứa trong con người mà chính con người chẳng hay chẳng biết. Tự chủ được bản thể là tự chủ được thiên hạ. Chinh phục được con người hiện hữu là chinh phục được vũ trụ hằng tồn. Đừng lo cái không đáng lo, đừng nghĩ cái không đáng nghĩ, hãy bước thẳng và lặng nhìn vào Thiên tâm bản thể."
Thiên tâm bản thể chính là nơi hội nhập cuối cùng huy hoàng nhất của:
_ Bản thể con người
_ Bản thể đại đồng dân tộc
_ Bản thể trời đất/ vũ trụ
Bài phú sau đây của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo là một đúc kết cho những ý nghĩa của Bản thể đại đồng dân tộc:
Để minh họa TÍNH DÂN TỘC của Đạo Cao Đài, chúng tôi đã trình bày ba nét căn bản của TÍNH DÂN TỘC ấy  là :
+ Tính văn hóa dân tộc.
+ Tính đạo đức dân tộc.
+ Tính tôn giáo dân tộc.
 Qua ba nét ấy chúng ta có thể khẳng định Đạo Cao Đài có một sứ mạng to tát trong nền Văn hóa và đạo đức nước nhà. Đạo Cao Đài sanh ra trong cái nôi Việt Nam. Tiếng nói và chữ viết đầu tiên là ba tiếng “ A Ă Â “ của quốc ngữ Việt Nam
thì từ đầu thế kỷ 19 đến nay văn hóa Cao Đài đã cùng với tinh thần độc lập tự chủ của dân tộc, góp phần chuyển quốc ngữ la tinh thành quốc ngữ Việt Nam hiện đại làm một dòng thác mạnh mẽ của văn hóa nước nhà: dồi dào từ ngữ, phong phú âm điệu, hoạt bát văn chương, bao hàm đạo lý, súc tích tinh thần, đặc thù dân tộc. Thật là :
 
Nước của mình, tiếng mình thánh thót
Ổ chim hồng, sẻ đẻ sao đang ?
Thật vậy, bài học Việt Nam là một bài học muôn thuở cho thế nhân. Sức  sinh tồn của nó, sự bền bỉ của nó, văn hóa của nó đã hợp thành một nền văn minh độc đáo được chứng minh là vĩnh cửu bất biến. Nên Đức Thượng Đế Cao Đài đã phán rằng :
            “Trước xây đắp Cao Đài Thánh Đức,
  Dụng Nam Bang làm mức phóng khai;
  Dân Nam sứ mạng Cao Đài,
               Nam châu bốn bể hòa hài từ đây “∎
                     Bài phú sau đây của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo là một đúc kết cho những ý nghĩa của Bản thể đại đồng dân tộc:
PHÚ

Hỡi tu sĩ muốn hoằng dương nền chánh giáo,
Hỡi nhơn tài mong hoài bão được non sông,
Hỡi ai kia làm sao cho rạng rỡ giống Tiên Rồng,
Cho bốn biển năm châu cùng hạnh phúc.
Giữa dòng đời phải lóng trong hay gạn đục,
Trong đạo trường điều họa phúc phải cân phân;
Biết bao nhiêu người trí thức, bậc vĩ nhân,
Thiếu chi khách hùng anh cùng nữ liệt.
………………………………………….
Trí thức ôi!
tình nhân loại hãy mở cửa mà dung nạp,
Nhân tài ôi!
cảnh nguy vong đang tràn ngập khó phui pha,
Nắm tay nhau sửa dựng mối Đạo nhà,
Nên chung trí hầu lướt qua nơi biển khổ.
Kìa cuộc sống tạm thấy biết bao vạn khổ,
Chí hùng anh tìm đến chỗ vượt thang cao,
Nọ biển trần ai,dầu gặp phải lượn sóng ba đào,
Chí quả cảm anh thư nào thối bước,
Đạo Cao Đài là phương dược thoát trần mê,
Phải chung tâm hòa trí cho vẹn mọi bề,
Chi chi cũng trọn lời thề khi thuở trước.
Ba vạn sáu nghìn ngày thay lớp áo,
So ngàn xưa sử đạo cả Tây Đông,
Sao chẳng sớm gieo trồng mầm Nam Bắc?
Nguơn phản cổ đổi thay toàn vạn vật,
Hội Long Hoa gieo rắc mối chơn truyền,
Nay đến kỳ vạn giáo tổng đồng nguyên,
Thì tình nhơn loại không riêng nơi nào.
Rồi đây phải tính làm sao?
***
Tính sao cho được nghiệp nhà yên,
Mới định non sông mối chánh truyền . .
B ÀI Đ ỌC THÊM
(trích Từ điển địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam-Nguyễn Văn Tân-nxb. VHTT.HàNội-1999)

Núi Tam Đảo: Dãy núi ở Bắc Bộ, dài 50 km, ngăn cách 2 tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc; núi có 3 đỉnh: Phù Nghĩa, Thành Bàn, Thiên Thị (1585m) . . . . Ở độ cao 100m , có thác Bạc trên sườn núi dựng đứng. Cách Vĩnh yên 24 km, Hà Nội 86 km về phía Tây Bắc.

Núi Tản Viên: Núi ở xã Thủ Pháp, huyện Bất Bạt tỉnh Sơn Tây, nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, giáp tỉnh Hòa Bình; còn gọi là núi Ba Vì; núi có 3 đỉnh ( Ông, Bà, Chẹ ), đỉnh cao nhất 1281m, ngày đêm mây phủ, ngọn giữa có hòn thắt cổ bồng, trên tỏa ra như cái tán nên gọi làTản Viên. Tản Viên là danh sơn của nước Việt Nam cổ xưa, vì núi do thần Sơn Tinh giữ để chống nhau với Thủy Tinh.

Đền thần Tản Viên: Đền thờ thần núi Tản Viên ở núi Tản Viên, xã Ba Vì, huyện Ba vì, tỉnh Hà Tây. Ông tên thật là Nguyễn Tuấn (còn gọi là Tùng ), lấy công chúa Mị Nương, từng đánh dẹp vua Thục. Đời sau gọi thần núi Tản Viên là vị tổ của bách thần nước ta.

Đền Hùng: Đền Hùng là một di tích lớn được
dựng trên núi Nghĩa Lĩnh giữa đất Phong Châu, nay thuộc xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Theo sử sách, sau khi chọn Phong Châu là đế đô của nước Văn Lang 4000 năm trước, các vua Hùng đã chọn núi Nghĩa Lĩnh làm nơi tế trời đất, chủ thần và thiên cổ ( núi Nghĩa Lĩnh còn có tên là Hy Cương, Nghĩa Cương, Hùng Lĩnh, núi Hùng Cao 175m)
Cổng vào Đền Hùng xây theo kiểu tam quan, hai tầng. Cửa ra vào cao rộng ở chính giữa, trên có 4 chữ lớn "Cao sơn cảnh hàng" nghĩa là núi cao đường lớn. Qua cổng trèo 225 bậc đá lên đến đề Hạ. Ở đây có chùa Thiên Quang, (trước có cây thiên tuế 700 tuổi). Chùa có gác chuông khá bề thế. Từ đền Hạ xuống vài chục bậc đá đến đề Giếng, nơi thờ công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa, con vua hùng thứ 18. Từ đền Hạ lên 168 bậc thang thì đến đền Trung – nơi các vua Hùng thường đến bàn việc nước với quần thần. Đi tiến lên 102 bậc đá thì đến đền Thượng, nơi vua Hùng làm tế lễ Trời, Đất, Thần Núi, Thần Lúa. Đền có bức hoành phi lớn 4 chữ vàng "Nam Quốc Sơn Hà". Trước đền có cột đá dựng trên bệ cao gọi là "đá thề", nơi Thục Phán nguyện đời đời tế tự các vua Hùng và giữ gìn cơ nghiệp họ Hùng truyền lại. bênđền Thượng thấp hơn vài chục bậc là lăng Vua Hùng, tượng trưng cho mộ Tổ, xây dựng đầu thế kỷ này (XX). Toàn bộ khu di tích được trùng tu hoặc xây thêm cách đây non 100 năm; gần đây trên núi Hùng đã tìm thấy nhiều di vật của kiến trúc cổ từ thời Lý Trần trở về trước như gạch ngói cổ, thạp đất nung, cột đá . . .

Hàng năm, hội Đền Hùng mở vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, hội lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, tổ tiên của người Việt Nam.
 
Về. LỊCH SỬ NƯỚC NHÀ

Lịch sử nước nhà là chuỗi dài thời gian trong đó diễn ra những sự kiện, những biến cố tác động một cách tiêu cực hoặc tích cực vào quá trình tồn tại và phát triển của dân tộc trong quốc gia. Nói khác đi, lịch sử là những gì ghi nhận thành quả lao động, chiến đấu, tư tưởng trong quá trình xây dựng, bảo vệ đất nước và phát triển của một dân tộc.
Trên dòng lịch sử trải nhiều thế hệ, mỗi thế hệ thừa kế, phát huy tinh thần dân tộc của thế hệ trước, lại sáng tạo, xây dựng những kỳ công mới, tất cả un đúc thành bản chất đặc thù của dân tộc, thấm nhập trong tâm khảm và đời sống của mỗi con dân.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam, những thời đại uy hùng đã làm nên bản chất ấy, nhờ đó dân tộc ta tồn tại trên một lãnh thổ toàn vẹn, một nền văn hiến rực rỡ, một truyền thống đạo đức nhân bản.
* Thời đại Hùng Vương dựng nước Văn Lang với niềm tin con Rồng cháu Tiên, với tình đồng bào "một mẹ trăm con", với tinh thần quật cường thánh Gióng chống giặc.
* Thời đại Đại Việt , với tâm thức thiên mạng: Nam quốc sơn hà Nam đế cư, / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư; / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, / Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư.
* Rồi ý chí kiên cường, lòng tự tin sắt đá "Đầu hạ thần chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo" cộng với tinh thần dũng mãnh chống xâm lược của toàn dân qua tiếng thét đồng tâm "quyết chiến "của hội nghị Diên Hồng... tất cả đã làm nên giáp sắt cho dân tộc và thành đồng cho tổ quốc.
Đó là tinh thần độc lập tự chủ, là thiên bẩm thiêng liêng của con người, là quyền tự do của mọi dân tộc, khiến cho người dân "thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ". Đối với dân tộc Việt Nam, tinh thần đó càng không phải là tính hiếu chiến.
Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi là tuyên ngôn của Vua, là tâm huyết của toàn dân, tuy rất căm thù giặc Minh xâm lược "Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội; dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa hết mùi." Nhưng vẫn thể hiện tính nhân nghĩa, đức hiếu sinh là huyết thống ngàn đời của dân Nam: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, / Lấy chí nhân để thay cường bạo."
Và: "thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh."
Những thời kỳ đất nước thanh bình thịnh vượng, dân tộc ta vốn có bản năng dung hợp văn minh văn hóa các dân tộc khác từ phương Bắc xuống, từ Ấn Độ sang, từ Đông Nam Á đến, cộng với căn bản văn hóa và tín ngưỡng thời nguyên sơ trên đất tổ, đã sản sinh ra những bậc minh triết thượng thừa trong Tam Giáo đạo, những anh tài, thục nữ, những hàng tế thế an bang, những văn hào lỗi lạc... Tất cả đã góp phần xây dựng một nền văn hóa dân tộc, văn hóa đạo đức làm nền tảng cho đời sống nhân sinh an lạc và thiên hướng tâm linh dung hóa.
Đến thời cận kim, hiện đại, những thử thách lịch sử khốc liệt cũng không thể đánh mất tiền định "độc lập, tự chủ" của giống dòng Âu Lạc, mà còn minh chứng những giá trị tinh thần ngàn đời đã làm nên một Việt Nam bất diệt.
Thiện Chí









ĐINH VỊ CON NGƯỜI / Thiện Chí







Lý đạo là xuân / Thiện Chí

TANH MANG SONG TU / Thiện Chí

world cup Hòa Binh / Thiện Chí






NHAT KÝ ĐẦU NĂM / Thiện Chí

















NHAT KÝ CUỐI TUẦN / Thiện Chí

NHẬT KÝ CUỐI TUẦN / Thiện Chí




BẢN THỂ HỌC / Thiện Chí

CUỘC THÁCH ĐỐ / Thiện Chí






ƯỚC VỌNG VÀO XUÂN / Thiện Chí




















TÔI LÀ AI ? / Thiện Chí





TIỀM LỰC SÂU THẲM / THiện Chí




















TÂM VẬT BÌNH HÀNH / Thiện Chí

























Dòng thiên ân / Thiện Chí

Suy ngẫm đầu Xuân / Thiện Chí












Minh Lý Đạo Khai / Thiện Chí

Đức tin Cao Đài / Thiện Chí

Đức tin Cao Đài / Thiện Chí



Hãy tự biết mình / Thiện Chí





Ba Dấu Ấn ĐĐTKPĐ / Thiện Chí

Văn Hóa Đạo Đức / Thiện Chí

Chính Long Đức Trung / Thiện Chí





Khai Xuân Tiến Đức / Thiện Chí

Cơ đạo Kỳ Ba / Thiện Chí


Phục sinh / Thiện Chí

Sống tự nhiên / Thiện Chí


Tỳ Thổ / Thiện Chí






Thiên Nhãn / Thiện Chí

Tà thần thấy người đang dục vọng,
Đã tu hành còn mộng mị huyền,
Thừa cơ khuyến dụ rủ ren,
Thiêu thân đành phải vì đèn lụy thân.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây