Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • Câu thần chú Có một nhà thông thái, lúc biết mình sắp ra đi theo tổ tiên, liền gọi các con ...


  • Mười Điều Tâm Yếu / Tường Như sưu tầm

    Mười điều tâm yếu hướng về ngày thành đạo của Đức Phật Thích Ca (08 - 10 - Canh Dần) 1/- ...


  •  Thánh giáo Cao Đài đã viết : "Nguyên thỉ con người không tự có tôn giáo, vì tự trong sâu ...


  • Cao Đài Giáo hướng dẫn nhân sinh giải quyết cùng một lúc hai mặt Thế Đạo và Thiên Đạo trong ...


  • Trong Tin mừng Thánh Mát-thêu kể lại có một người đến thưa cùng Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, tôi ...


  • Nhìn lại lịch sử nhân loại song song với lịch sử các tôn giáo, ta thấy chỉ trong thời Tam ...


  • Trước khi Lão muốn chỉ đường vẽ lối cho các phận sự Ngọc Minh Đài, Lão muốn nói với toàn ...


  • "Văn hóa là tất cả những cố gắng của con người để cải thiện nội tâm, gia đình, quốc gia, ...


  • Chu Dịch với Nguyễn Bỉnh Khiêm / Phó giáo sư Nguyễn Tài Thư

    Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1586) là bậc "Muôn chương đọc khắp, học tài chẳng kém Âu, Tô, bảy bước thành thơ, ...


  • Cảm ứng / Thiện Hạnh

    "Một trong những tinh hoa của Thái Thượng Lão Quân hay Lão Tử, đó là cảm ứng. Chỉ có hai ...


  • Ấn giáo nêu lên bốn phương pháp giải thoát (moksha) gọi là yoga hay mârga.


  • Họa thơ Xuân / Nguyễn Phúc Đạt &Nguyễn Vô Cùng

    NCBL giới thiệu  bài thơ Xuân "Xuân tha phương" và bài họa "Xuân quê cũ" trước thềm Xuân Mậu Tý ...


11/05/2004
Lê Anh Dũng

Văn học dân gian Việt Nam phản ánh tín ngưỡng tổng hợp cùa người Việt

Tam giáo Việt Nam đã có một lịch sử lâu dài, kể từ thế kỷ I, II trở đi, cho nên dễ hiểu vì sao Tam giáo đã có ảnh hưởng sâu sắc không phải chỉ trong tầng lớp trí thức giỏi chữ Hán mà còn gieo được tư tưởng đạo đức trong quần chúng bình dân không biết chữ Hán. Văn học dân gian (hay văn chương truyền khẩu) qua các loại hình cổ tích, dân ca, ca dao, tục ngữ... là những bằng chứng rõ ràng cho thấy dấu ấn Tam giáo trong văn hóa đạo đức của dân tộc Việt. Các vị tiên, phật luôn luôn có mặt trong các câu chuyện cổ tích khuyến thiện để giáo dục con người tu nhân tích đức, làm lành lánh dữ.

1. DẤU ẤN CỦA LÃO GIÁO

Vũ trụ luận Lão Trang cho Đạo là nguyên lý tối sơ, là tuyệt đối thể, và Đức là sự thể hiện cái Đạo nơi con người. Triết lý đó có thể hơi quá trừu tượng đối với cách suy nghĩ của quần chúng bình dân. Tuy nhiên, không biết từ bao giờ, hai chữ đạo đức đã là dụng ngữ quen thuộc trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của mọi người. Theo đó, đạo hiểu giản dị là lẽ phải trong cách sống giữa người với người. Thế nên, người Việt bảo nhau hãy biết ăn ở cho phải đạo, rồi từ đó mà có đạo làm người, đạo vợ chồng, đạo thầy trò, đạo làm con…

Đạo làm con chớ hững hờ,
Phải đem hiếu kính mà thờ mẹ cha.

Biết đạo đối với người Việt là biết cư xử đúng đắn trong mọi quan hệ giữa bản thân với gia đình, thân tộc, xóm giềng, xã hội, đất nước. Một chàng trai quê chân lấm tay bùn khi kén bạn đời cũng biết trân trọng giá trị của người biết đạo, nên đã tỏ lời:

Hột thủy tinh,
Đây nhìn sáng rỡ.
Để dành từ thuở,
Làm nhẫn đeo tay.
Dầu ai năn nỉ hỏi nài,
Đợi người biết đạo, của này sẽ trao.

Những kẻ sống trái lẽ phải có thể bị mắng là vô đạo, thất đức. Ngược lại, người tốt, biết đạo thì được khen là ăn ở có đức. Chữ đức còn là tiếng xưng hô cao quý nhất những cho những vị, những đấng mà nhân dân sùng kính, như: Đức Chí tôn, Đức Mẹ, Đức Chúa, Đức thánh Trần, Đức Bồ tát…

Đức trở nên giá trị tinh thần có huyền lực siêu nhiên để nâng đỡ cuộc sống con người. Gia đình biết đạo không cho rằng của cải thế gian là tài sản bền vững truyền lại cho cháu con; ngược lại, chỉ có đức tuy vô hình (vì là âm đức), nhưng mới thực đáng dành cho mai hậu. Thế nên:

Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Người trồng cây hạnh người chơi,
Ta trồng cây đức để đời mai sau.

Khi ví đức với cây xanh, lá xanh, rõ ràng người Việt coi đức là một thực hữu, nghĩa là một cái gì cụ thể, có thể nuôi lớn, chăm bón cho xum xuê, để cho đức sẽ nảy nở, đơm hoa kết quả. Nhờ thế, đức ngày một dày, và lâu bền mãi mãi. Hiểu và thực hành chữ đức một cách linh hoạt, tài tình như thế chính là nét độc đáo nổi bật của dân tộc Việt Nam.

2. DẤU ẤN CỦA NHO GIÁO

Về phần phần đạo Nho, các phạm trù đạo đức như tam cương (quân thần, phụ tử, phu thê) và ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tính) cũng được Việt hoá, trở thành lời ca tiếng hát mộc mạc giữa chốn hương đồng cỏ nội:

Anh làm trai học đạo thánh hiền,
Năm hằng chẳng trễ, ba giềng chớ sai.
Làm trai giữ trọn ba giềng,
Thảo cha, ngay chúa, vợ hiền chớ vong.

Ngũ luân (quân thần, phụ tử, phu thê, huynh đệ, bằng hữu) và ngũ thường cũng được gọi cho gọn là luân thường, hay luân thường đạo lý. Trong các mối quan hệ ấy, đạo làm con đối với cha mẹ là lấy chữ hiếu làm đầu, còn phận làm em đối với anh chị hay phận kẻ nhỏ đối với các bậc vai vế lớn phải lấy chữ đễ. Hiếu đễ được giải thích như sau:

Thờ cha mẹ ở hết lòng,
Ấy là chữ hiếu ở trong luân thường.
Chữ đễ có nghĩa là nhường,
Nhường anh, nhường chị, lại nhường người trên.
Ghi lòng, tạc dạ chớ quên,
Con em phải giữ lấy nền con em.

Câu chữ Hán của Thầy Tăng tử "Hiếu giả bách hạnh chi tiên" (Hiếu đứng đầu trong trăm hạnh tốt) khi thoát ra khỏi trang sách Nho sĩ đã được ca dao diễn đạt tài tình:

Làm con nết đủ trăm đường,
Trước tiên điều hiếu đạo thường xưa nay.
Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên,
Chữ rằng mộc bổn thủy nguyên,
Làm người phải biết tổ tiên ông bà.

Câu chữ Hán "Thần tỉnh mộ khang" (Sớm thăm tối viếng) từ trong trang sách nhà Nho cũng được chuyển qua ca dao và gắn liền với đạo hiếu của con với mẹ:

Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.

Nếu nói nhờ có đạo Nho mà người Việt mới biết nêu cao đạo hiếu thì rất sai lầm. Là một dân tộc có truyền thống đạo đức tốt đẹp, người Việt tự nhiên cũng biết tôn thờ chữ hiếu, tuy nhiên, với sự du nhập của đạo Nho, những giáo lý tốt đẹp của Nho giáo phù hợp với tình cảm trong sáng của dân Việt đã có môi trường thuận lợi để phát triển, nảy nở, và người Việt bằng ca dao đã dành một nội dung phong phú để nhấn mạnh đến tình cảm thiêng liêng này:

Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.
Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.

Như vậy, hiếu cũng là phép tu thân. Mệnh đề tu thân tề gia được nói tới ở đầu sách Đại học: "Thân tu nhi hậu gia tề." Người Việt chuyển hóa ý đó thành ca dao như sau:

Tu thân rồi mới tề gia,
Lòng ngay nói vạy, gian tà mặc ai.

3. DẤU ẤN CỦA PHẬT GIÁO

Ảnh hưởng Phật giáo trong đời sống nhân dân rất sâu đậm, nhất là đức tin về nghiệp báo, luân hồi nhân quả. Triết lý về nghiệp (karma) được diễn tả:

Lênh đênh qua cửa Thần Phù,
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.

Cửa sông Thần Phù là chỗ sông Chính Đại đổ ra vịnh Bắc Bộ, thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Cuối đời Lê cửa sông bị cát bồi lấp mất và trở thành đất liền. Một địa danh không còn, nhưng câu ca dao còn mãi.

Tư tưởng nhân bản của đạo Phật cũng thấm nhuần tình cảm, đạo đức người Việt. kinh Lăng nghiêm có câu: "Tương thử tâm thân phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân." Ngụ ý nói rằng: Ai dốc lòng phụng sự cõi thế gian (trần sát), tức là đã đền đáp, báo ân Phật.

Ca dao Việt có câu tương tự: xây bảo tháp (phù đồ) thờ Phật, cũng chưa bằng cứu giúp cho con người thế gian trước đã.

Dù xây chín bậc phù đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một người.

Dấu ấn của Tam giáo còn nhiều. Những dẫn chứng nêu trên chỉ mới tạm coi là một vài điển hình, tiêu biểu, có tính cách minh họa. Điều cần lưu ý, đó là bên cạnh ảnh hưởng của Tam giáo, còn có bản sắc tín ngưỡng riêng của người Việt.

4. TAM GIÁO VÀ TÍN NGƯỠNG THỜ TRỜI

Ngoài Tam giáo lại còn có đức tin ở Trời và tín ngưỡng thờ Trời của người Việt. Một cô gái quê cắc cớ hỏi bí người bạn trai:

Thấy anh hay chữ,
Em hỏi thử đôi lời.
Thuở tạo thiên lập địa,
Ông Trời tròn ai xây?

Dĩ nhiên hỏi lắt léo như vậy ai mà trả lời được! Tuy không biết Trời có từ bao giờ, Trời từ đâu sinh ra, nhưng ai cũng kính Trời vì hiểu rằng có ta đây vì có Trời. Người Việt nói: Trời cho ai nấy hưởng. Trời kêu ai nấy dạ.

Trong bối cảnh xã hội nông nghiệp, lòng tin Trời gắn liền với sinh hoạt của con người:

Nhờ Trời mưa thuận gió hòa,
Nào cày nào cấy trẻ già đua nhau.
Nhờ Trời hạ kế sang đông,
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi.
Lạy Trời mưa thuận gió đều,
Cho đồng lúa tốt cho chìu lòng em.

Người Việt tin Trời là đấng cầm cân nảy mực công bằng, nên bảo nhau:

Ở hiền thì gặp lành,
Những người nhân đức Trời dành phúc cho.

Tin Trời, tin vào vận mệnh trường cửu của đất nước non sông, cho nên dù gặp lúc chiến tranh phân cắt, người Việt vẫn vững lòng chặt dạ một đức tin mãnh liệt rằng:

Nước non là nước non Trời,
Ai chia được nước, ai dời được non.

Đạo làm con cũng lồng vào đức tin kính Trời qua cái bàn Thiên ngoài sân, người con hiếu thảo từng đêm đến đó khấn nguyện:

Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Tín ngưỡng thờ Trời không có một cách bức nào đối với tín ngưỡng Tam giáo. Cho nên nếu có bước vô chùa mà lòng tưởng Phật lẫn Trời cũng không có gì lạ:

Vô chùa thắp một nén nhang,
Miệng nam mô A-di-đà phật,
Nguyện cùng Trời chùa chật cũng tu.

Trời và Phật trong quan niệm người Việt không có ranh giới phân biệt. Khi hoạn nạn, Phật và Trời đều là nơi con người hướng vọng cầu xin sự tế độ từ bi:

Nghiêng vai ngửa vái Phật Trời,
Đang cơn hoạn nạn độ người trầm luân.

Nói về biểu hiện của tinh thần bao dung tôn giáo (religious tolerance) của người bình dân Việt Nam thì không những chỉ tìm thấy ở ca dao hay tục ngữ, mà còn tìm thấy cả trong cách thờ phượng. Chùa ở Việt Nam không hẳn chỉ là nơi thờ Phật. Có chùa thờ cả Quan thánh Đế quân. Ngoài Bắc, ở làng Kim Bảng (Vụ Bản, Nam Định) có chùa Tam giáo, tức là thờ cả Tam giáo Tổ sư (Thích-ca, Khổng tử, Lão tử). Trong Nam, đường Cao Thắng, quận 3, Sài Gòn, có chùa Tam tông miếu (Minh Lý Thánh hội). Trong quyển Tam giáo kinh lưu hành ở Việt Nam một nghệ nhân nào đó đã khắc gỗ thành một bức tranh tài tình minh họa một tòa sen lớn, cùng ngồi chung trên đó là Đức Phật Thích-ca (ở giữa), Đức Lão tử (bên trái), Đức Khổng tử (bên phải). Ba vị bằng nhau, ba vầng hào quang như nhau. Bên dưới là một bình hương nghi ngút. Khổng, Lão mà ngồi tòa sen, người Việt Nam nghĩ ra được hình tượng ấy mới là độc đáo.

5. TAM GIÁO TRONG TRUYỆN PHẬT BÀ CHÙA HƯƠNG

Trong kho tàng văn chương bình dân Việt Nam có một truyện thơ thường được gọi là: Phật Bà Quan Âm diễn ca, Nam Hải Quan Thế Âm sự tích diễn ca, hay là Truyện Phật Bà chùa Hương… Theo bản in của nhà in Phúc Chi (Hà Nội, 1950), truyện dài 1.424 câu lục bát.

Truyện này thể hiện một tín ngưỡng tổng hợp của người Việt, ở đây đức tin Trời, đạo Phật, Nho, Lão không hề phân chia ranh giới, mà hòa điệu với tín ngưỡng của giới bình dân. Cho nên các hình ảnh, các nhân vật của Tam giáo đều đầy đủ. Nào là triều đình, thủy phủ, Thiên cung, Phong đô địa ngục, có cả cung Diêu Trì với Hội yến Bàn đào. Nào là Ngọc Hoàng Thượng đế, Phật tổ Như lai, Quan Âm, Văn Thù, Phổ Hiền, Thiện Tài Đồng tử, Long nữ, Thái Bạch Kim tinh, Long vương, Diêm vương, Thiên tướng, Thổ địa, Sơn thần, Công đồng Tam phủ, Nam tào, thần Ngũ lôi, thần Du địch, thần Ôn hoàng, thần Lục đinh…

Về mặt tư tưởng, truyện đã giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, bao gồm việc tự độ là giải thoát thành Phật (tức phần cá nhân), và việc độ tha (khía cạnh xã hội) là chữ hiếu với gia đình, chữ trung với nước và chữ nhân với chúng sanh. Ngay từ khi vào truyện tác giả khuyết danh đã nhấn mạnh:

Chân như đạo Phật rất mâu,
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân.
(câu 1-2)

Tác giả định nghĩa:

Hiếu là độ được đấng thân,
Nhân là độ được trầm luân mọi loài.
(câu 3-4)

Trên thì hiếu báo sinh thành,
Dưới thì nhân cứu chúng sanh ta bà.
(câu 1397-1398)

Tác giả đã gắn liền Đạo pháp với dân tộc:
Thân này thành Phật may ra,
Hộ nước hộ nhà thì mới có phương.
(câu 315-316)

Tư tưởng tích cực đó rất gần gũi với dân tộc Việt Nam, và đã có những tấm gương sáng trong lịch sử, trải qua các đời Đinh, Lê, Lý, Trần…

Lòng tin Trời và luật nhân quả báo ứng được thể hiện qua lời Hoàng hậu tâu cùng Vua: "Trong cơ báo ứng đạo Trời ở trong". (câu 24). Tin Phật mà cũng kính Trời, thế nên nhà vua đã thốt: "Trẫm nay ơn Bụt (Phật), ơn Trời…" (câu 1335). Và cũng với đức tin vô phân biệt ấy cho nên lúc công chúa phát đại nguyện xuất gia tu Phật thì lại khấn Trời:

Nói thôi ngửa mặt khấn Trời,
Chứng minh xin chớ để sai lòng này.
(câu 345-346)

Nhân vật chính trong truyện là Chúa Ba, tu Phật, đắc quả, được gọi là Bồ tát, là Phật Bà, mà cũng rất nhiều lần được gọi là Tiên nga (các câu 937, 946, 949, 1049, 1054…) Điều này không nên đánh giá cạn cợt là tác giả thiếu nhất trí. Trái lại, cần thấy sự kiện đó phản ảnh tâm lý bình đẳng tín ngưỡng có từ lâu đời, và đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt. [1]

6. TAM GIÁO TRONG TRUYỆN LÂM TUYỀN KỲ NGỘ (BẠCH VIÊN TÔN CÁC)

Một tác phẩm khuyết danh tác giả nữa là Lâm tuyền kỳ ngộ (sự gặp gỡ lạ lùng giữa chốn suối rừng) với hai nhân vật chánh là Bạch viên (con vượn cái lông trắng) và chàng Nho sĩ Tôn Các.

Bạch viên tiền kiếp là tiên nga, bị đày xuống trần gian làm thân vượn cái lông trắng. Bạch viên tự thuật:

Tiện thiếp từ tu ở cõi tiên,
Chưa hề bén lụy cõi trần duyên.
(Viên thị tự tâm sự)
Vốn thiếp xưa thân cửa Đế Thiên,
Vì duyên cho phải lụy trần duyên.
(Viên thị biệt Tôn sinh)
Tiện thiếp thân xưa khách Quảng Hàn,
Thác sinh đày xuống cõi trần gian.
(Viên thị kiến Huyền Trang)

Do căn tiên nên Bạch viên biết giác ngộ tu hành, tìm đến chùa Phi Lai học đạo Phật với Thiền sư Huyền Trang.

Đêm thanh náu gót ngoài tăng viện,
Ngày vắng dâng hương trước Phật đài.
(Bạch viên nhập tự thính kinh)
Theo đường Phật giáo mong cầu phúc,
Đội đức Thiền sư cứu khỏi nàn.
(Viên thị kiến Huyền Trang)

Do phép lực của Phật, Bạch viên lại cởi bỏ lốt vượn, hóa thành thiếu nữ xinh đẹp. Thế rồi Bạch viên kết duyên cùng chàng Nho sinh Tôn Các, sinh được hai con trai. Nhưng Bạch viên phải tuân lệnh Thiên đình, mãn số ở trần gian, từ giã chồng con về cõi tiên.

Trăm lạy giã chàng còn ở thế,
Năm mây xin thiếp lại lên tiên.
(Viên thị biệt Tôn sinh)

Tôn Các ở lại trần gian, đi thi được chấm đậu, vua ban áo mão vinh quy. Tôn Các vốn cũng là tiên thượng giới, nguyên là sao Tử Vi.

Tôn Các nay tuy người hạ giới,
Tử Vi xưa cũng khách Thiên tào.
(Thượng đế chiếu hứa Bạch viên tái hợp)

Ngọc Hoàng Thượng đế thương tình hai người ly biệt nên lại theo lời xin của Bạch viên cho phép Bạch viên xuống trần lần nữa tái hợp cùng Tôn Các để trọn đạo phu thê.

Lại ban sum họp duyên hương lửa,
Cho đấng anh Nho sánh má đào.
(Thượng đế chiếu hứa Bạch viên tái hợp)

Và sau rốt Bạch viên, Tôn Các khi số trần đã mãn, lại cùng nhau trở về Thượng giới.
Duyên nợ oan tình đền kiếp trước,
Về sau hương lửa rạng rừng thiền.

Cũng giống như truyện Phật Bà chùa Hương, truyện Lâm tuyền kỳ ngộ mang đầy đủ dấu ấn của Nho, Thích, Lão. Với Nho, đó là đạo phu thê, đạo cha con, đạo quân thần, phải nhập thế giúp đời. Với Thích, là giáo lý giải thoát khỏi nghiệp chướng thế gian (Bạch viên cởi lốt). Với Lão là vai trò cầm luật Thiên tào của Thượng đế, là kiếp trích tiên ở chốn thế gian của Bạch viên, Tôn Các… [2]

Tóm lại, kho tàng văn học dân gian Việt Nam, từ ca dao, tục ngữ, đến truyện thơ, đã có những bằng chứng cho thấy nét văn hóa đạo đức truyền thống của người Việt, đó là lòng bình đẳng trước mọi tôn giáo, và khả năng tiếp thu, chuyển hóa Tam giáo cho hòa hợp với văn hóa bản địa, tạo thành một tín ngưỡng tổng hợp trên đất nước Việt Nam. Tín ngưỡng tổng hợp đó gồm Nho, Thích, Lão, và tín ngưỡng thờ Trời vậy.


Chú thích :

[1] Về truyện Phật Bà chùa Hương, ngoài bản in Phúc Chi (Hà Nội, 1950), còn có thể xem Truyện Bà chúa Ba (Nam Hải Quan Thế Âm), Nxb Khoa học Xã hội (Hà Nội, 1991).

[2] Về truyện Lâm tuyền kỳ ngộ có thể tìm bản rô-nê-ô năm 1960 của Phòng Nghiên cứu Văn học sử và Văn chương Việt Nam thuộc Đại học Sư phạm Huế. Hoặc đọc trong Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập 6, của Nguyễn Đăng Thục, Nxb Tp.HCM, 1992, tr. 257-272.
Lê Anh Dũng

Đạt đạo nhờ tâm chẳng vọng tâm,
Muôn đường ngàn nẻo cũng do tâm.
Hỡi ai giữ được tâm chuyên nhứt,
Sẽ dứt phàm tâm lộ thánh tâm.

Đức Bảo Pháp Chơn Quân, CQPTGL, 13-5 Tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây