Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
05/07/2008
Thiện Chí

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 11/02/2010

Tâm linh trên đường tiến hóa

Những năm cuối của thế kỷ XX có nhiều nhà nghiên cứu đã tiên đoán rằng thế kỷ XXI sẽ mở sang một kỷ nguyên mới, đó là kỷ nguyên của tâm linh. Nếu đúng như thế, thật rất mừng, vì chúng ta là những người có đức tin, đang cố gắng rèn luyện tâm linh để được tiến hóa. Nhưng để được tự tin và đức tin được vững vàng, chúng ta tự hỏi đó có phải là những suy diễn hay những ảo tưởng vô căn cứ của một số nhà nghiên cứu không?

Thật ra, nếu xét kỹ lịch sử nhân loại cũng như lịch sử văn hóa, văn minh hay những chu kỳ tiến hóa của nhân loại thì luận cứ trên cũng không có gì mới lạ. Bởi vì "Vật cùng tất biến" và "Âm cực dương sinh". Hai câu nói ngắn ngủi ấy tuy đơn giản nhưng là những nguyên lý, những quy luật chi phối toàn thể vạn vật, vạn sự trong vũ trụ. Vũ trụ dịch biến, tinh thần và vật chất tất cả đều nằm trong quy luật ấy, lặp đi lặp lại theo thời gian bằng những chu kỳ không ngừng nghỉ, nghĩa là cùng rồi biến, biến rồi thông, tạo thành lịch sử, mà lịch sử là gì? _ Lịch sử là cuộc biến thiên, là hành trình tiến hóa của vạn vật chúng sanh.

Trước hết, người học Đạo đều biết rằng, Đức Chí Tôn Thượng Đế và các đấng Đạo Tổ khai Đạo tại thế gian là muốn chỉ dạy cho nhơn loại đường giải thoát, mà muốn giải thoát  phải có công trình, có nỗ lực của bản thân. Cho nên, giáo lý Đại Đạo xác nhận luật tiến hóa trong vũ trụ đã đặt nền tảng trên hai nguyên lý: nguyên lý thứ nhứt là "Thiên Địa vạn vật nhứt thể" và nguyên lý thứ hai là "Nhứt bổn tán vạn thù, vạn thù quy nhứt bổn".

Như vậy, vũ trụ bao gồm hai thực tại, hữu hình và vô hình; hai thực tại đó có cùng một bản thể (theo nguyên lý thứ nhứt). Nhưng vũ trụ không đứng yên mà vận động và biến hóa, cuộc biến hóa này làm cho vạn vật sinh ra, hủy diệt và tái sinh liên tục, tạo thành thiên hình vạn trạng tưởng chừng như hỗn độn, không có mục tiêu; nhưng thực sự nó tuân theo nguyên lý thứ hai nói trên nghĩa là "Nhất bổn tán vạn thù, vạn thù quy nhứt bổn".

Vậy theo giáo lý Đại Đạo, cuộc tiến hóa có một chu trình và chu trình ấy chính là con đường tiến hóa như sơ đồ ở trên chúng ta thấy: từ Thái Cực Đại linh quang phóng xuất ra những Tiểu linh quang. Lý Thái cực âm dương tác động vào trong bản thể của vũ trụ để hình thành ra những vật chất sơ khai tức là kim thạch, kế đến từ kim thạch có sức sống trở thành ra thảo mộc, rồi động vật. Trong quá trình này, theo kinh Đại Thừa Chơn Giáo, vạn vật tiến hóa từ chỗ giác hồn đến có sanh hồn, chừng nào vạn vật tiến hóa lên tới con người thì lúc đó mới có linh hồn. Do đó, trên vòng tiến hóa ta  không  nhấn mạnh về những hình ảnh của kim thạch, thảo mộc, động vật và con người; nhưng nhận thức sự tăng trưởng tâm linh từ giác hồn, sanh hồn lên đến linh hồn.


Nhìn lên sơ đồ, chúng ta lại có một suy nghĩ nữa là tại sao từ Đấng đầy đủ các sự tốt đẹp, toàn tri toàn năng lại sinh ra những vật thể đầu tiên là cát bụi, khoáng sản vô tri mà không phải là sinh ngay ra con người hay những bậc "con Trời" có năng lực va phẩm chất siêu việt? Để giải đáp, cần nhớ tới khái niệm vô hình, hữu hình và vô ngã, hữu ngã của vũ trụ luận Đại Đạo. Trong tổng thể vũ trụ, miền vô hình thuộc về khu vực phi vật chất, không có vật thể mà bao gồm vô lượng chủ thể Thiêng liêng đã và đang tiến hóa vượt khỏi miền hữu hình. Các Đấng ấy đã hữu ngã hóa, đã đắc Đạo từ bổn thể Đạo vô ngã và phụng sự cho thiên cơ của Đức Thượng Đế Chí Tôn, là Đại Linh Quang hay Thái Cực.


Cho nên những chủ thể Thiêng liêng đã tiến hóa cao trên miền vô hình, tùy theo cấp bậc có thể là chư Phật, Tiên, Thánh, Thần. . . . Vậy nếu chúng ta xét đơn thuần về mặt tạo dựng, thì các nguyên tố vật chất cát bụi, kim thạch được sanh ra trước tiên, nhưng nếu xét về mặt tiến hóa thì chúng ở ngoài biên cương của vũ trụ xa xôi, thuộc miền hữu hình chứ không phải ở trong miền vô hình, gần trung tâm Thái Cực Đại Linh Quang theo nấc thang tiến hóa.

Chúng ta có thể hình dung điều đó trên hai sơ đồ dưới đây:

Tuy nhiên, ngay trong miền hữu hình là một môi trường vô biên để vạn vật học hỏi, rèn luyện, phụng sự không ngừng để tiến hóa. Cuộc tiến hóa này sẽ thúc đẩy các cá thể thăng tiến hoàn thiện dần dần từ thể xác đến tinh thần. Phân biệt miền vô hình và miền hữu hình không có nghĩa là phủ nhận, không công nhận giá trị của miền hữu hình.

Tại thế gian, sự hoàn thiện đến hình thể con người là cao nhứt, nhưng về tinh thần sẽ thăng tiến từ sanh hồn lên giác hồn rồi linh hồn, nhưng nấc thang tiến hóa không dừng lại tại đây. Đăng trình tiến hóa vẫn còn tiếp diễn, mặc cho bao lần thay căn đổi kiếp trên chiều dài tiến hóa tâm linh. Trên đăng trình tiến hóa, không biết thời gian là bao lâu tùy theo mức độ, trình độ tiến hóa của mỗi cá thể hướng về đích điểm của mình chính là Thái Cực Đại Linh Quang.

Đến đây trước khi chúng ta nói đến con đường tiến hóa của tâm linh chúng ta, hãy tìm hiểu tâm linh là gì?


Các tôn giáo và các giáo lý thường đề cập đến tâm linh như “ đời sống tâm linh”, “tiến hóa tâm linh.” .Nói đến đời sống tâm linh là chỉ sinh hoạt nội tâm, và nói đến tiến hóa tâm linh là để chỉ quá trình phát triển năng lực tinh thần của chủ thể. Như Đức Lê Đại Tiên dạy rằng, “Tâm linh phải trong sạch sáng suốt và bình đẳng như nhiên ngõ hầu thể hiện thái độ hành vi hoàn toàn đạo đức”. Lê Đại Tiên, Ngọc Minh Đài, Tuất thời, mùng 9 tháng 5 Tân Hợi (2-6-71) Cho nên nếu chưa thể hiện thái độ hành vi hoàn toàn đạo đức thì chưa đánh giá được mức tiến hóa tâm linh mà mức tiến hóa tâm linh trước tiên được đánh giá bằng sự trong sạch, sáng suốt; tâm linh phải trong sạch sáng suốt nghĩa là nó không đương nhiên sáng suốt mà phải nỗ lực, rèn luyện. Tóm lại phải vong ngã, phá chấp mới được bình đẳng như nhiên. Và Đức Cao Triều Phát dạy rằng “Các em hãy củng cố lại tâm linh, tư tưởng của mình đi, để họp cùng bạn Đạo ở bốn phương lo xây dựng nền tảng Đại Đạo”. Như vậy, nếu không có nỗ lực, không có sự phấn đấu, không có công trình thì chủ thể mang mặc tâm linh đó, dầu muốn thực hiện sứ mạng cũng không thể thực hiện.


Kế đến, Đức An Hòa Thánh Nữ có nói “Thiên ân sứ mạng là nấc thang cửu phẩm tam thừa càng tu càng tiến, càng tiến càng tăng trưởng tâm linh giác huệ cho đến khi thoát nghiệp trần về cùng khối Đại Linh Quang chừng đó là hoàn tất ”.Văn Phòng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất 14.5.Canh Tuất (17.6.70)  Vậy tâm linh là gì? Tâm linh là ánh sáng phản chiếu của tâm xuyên qua lẽ sống và cuộc sống. Nếu sống không nhập thế, không độ đời, không hoàn thành sứ mạng vi nhân ở đời, không xuyên qua cuộc sống ở tại thế gian thì tâm linh không tiến hóa. Thế nên cuộc sống có ảnh hưởng đến tâm linh và ngược lại tâm linh có ảnh hưởng đến cuộc sống. Tâm là chơn không bất tăng bất giảm bất biến còn tâm linh là cái dụng của tâm, cái dụng đó sẽ đưa chủ thể đi vào trường biến thiên để bồi đắp công trình mà tiến hóa.


Cuộc tiến hóa là một quá trình thanh lọc tâm linh, là quá trình củng cố tâm linh. Thanh lọc, củng cố và tăng trưởng tâm linh trên suốt quãng đường trong kiếp sống của mình hiện tại và nếu chưa đủ thì tiếp theo những kiếp sau mới gọi là tiến hóa. Thước đo thành quả của quá trình ấy là gì? Là thái độ, hành vi hoàn toàn đạo đức, là tinh thần đại đồng, là sứ mạng, là trí huệ, là huệ giác. Cho nên, Phật nói: “Lìa thế gian không có Niết bàn”. Có nghĩa, thế gian như là một môi trường phát huy công dụng của tâm linh. Nếu không vận dụng được sứ mạng của mình ở tại thế gian, không vận dụng được ý nghĩa của cuộc đời mình ở tại thế gian thì không có Bồ đề mà cũng không có giải thoát hay Niết bàn. Để hiểu rõ công năng của tâm linh trên đường tiến hóa, ta hãy nghiên cứu thêm phạm trù Tánh, Tâm được lý giải trong Đạo Học Chỉ Nam.


Theo sách Đạo Học Chỉ Nam, Tánh tuyệt đối là cái khởi đầu, vô sanh bất diệt, là điểm tiến hóa cao nhất, gọi là tánh tuyệt đối; mà tánh là bản thể là căn bản của con người. Thực tại thường trụ, hồn nhiên, thiên lý vốn có một không hai là tánh tuyệt đối này. Tánh đó chơn thật và thiêng liêng ở Thánh không thêm, ở phàm không bớt. Nghĩa thứ hai là tánh tương đối, tánh tương đối là khi tánh gồm có hai chữ Tâm ( 心 ) và chữ Sanh ( 生) kết hợp lại thành chữ Tánh ( 性 ). Sanh hay Khí là sự sống, và Tâm hay Lý là lẽ thật. Như vậy, khi bắt đầu bước vào Tánh tương đối là đã có Tâm đi cùng với Sanh, tức Lý và Khí .

心 (lý) + 生 (khí) = 性 (tánh)


Như vậy, tu là gì? _ Tu là Hậu thiên trở về với Tiên thiên, cần khẳng định điều đó; nói cách khác, từ thiên hình vạn trạng trở lại nguyên lý tối sơ nghĩa là từ vạn thù quay về nhứt bổn. Nên có câu “Nhất bổn tán vạn thù, vạn thù quy nhất bổn”. Thành thử chữ tánh ban sơ vốn có một mà sau sinh ra làm hai là tâm và sanh hay là lý và khí, mỗi bên có phần Tiên thiên và Hậu thiên. Khi vào trong môi trường tương đối thì tánh gồm cả tánh Hậu thiên và Tiên thiên; Tâm cũng có Tâm Tiên thiên và Tâm Hậu thiên.Và Sanh là khí tức là sự sống, sự sống đó cũng có phần Tiên thiên và phần Hậu thiên.


Theo Đạo Học Chỉ Nam, Tâm Hậu thiên và Sanh Hậu thiên kết hợp gọi là Tánh Hậu thiên; còn Tâm Tiên Thiên và Sanh Tiên Thiên hợp lại gọi là Tánh Tiên thiên. Chính con người tu là để chuyển Hậu thiên trở lại Tiên Thiên ; trong cõi tương đối này khi chúng ta tu hành tiến bộ tức là chúng ta đi từ Tánh Hậu thiên đến Tánh tiên Thiên. Chính từ Tánh Tiên thiên này ta sẽ vận dụng được tâm linh để tiến hóa.


TÂM = > Tâm Tiên thiên - Tâm Hậu thiên

SANH => Sanh Tiên thiên – Sanh Hậu thiên

TÂM Tiên thiên + Sanh Tiên thiên = TÁNH Tiên thiên

TÂM Hậu thiên + Sanh Hậu thiên = TÁNH Hậu thiên


Tánh Tiên Thiên tương đối, theo Đạo Học Chỉ Nam,còn cần phải đôn đốc để cho bản tánh con người được phát huy, xuất hiện cho trọn vẹn hết khả năng làm người mà tiến vào cõi Thánh.. Như vậy, Tâm linh là Tánh Tiên Thiên tức là một thực thể, dưới thì làm chủ được tình thức, còn trên thì hiệp nhứt được với Trời, với Đạo với Tánh tuyệt đối. Do đó Thánh giáo có câu này:


“Tâm trải khắp tràn đầy lẽ sống,

Tâm nhiệm mầu luân động vạn năng;

Thường thường bất giảm bất tăng,

Bất thiên bất ỷ công bằng vô tư.” Đạo Học Chỉ Nam, CH.II, Tiết 3: Tánh là Nhân bản


Chúng ta đã tìm hiểu tâm linh là gì và có thể đưa tâm linh vào trong sơ đồ của những nấc thang tiến hóa tâm linh ở trong các cõi.


Theo Đại Thừa Chơn Giáo, vũ trụ từ vô hình đến hữu hình gồm có bảy cõi và linh hồn có bảy thể tương ứng. Bảy cõi ở trong vũ trụ nếu nói từ thấp đến cao gồm hạ giới, trung giới, thượng giới, cõi bồ đề, cõi tứ tượng, cõi lưỡng nghi, cõi Thái Cực và tương ứng với các cõi này thì các thể là thể xác, thể phách, thể vía, hạ trí, thượng trí, kim thân, Tiên thể, tới Tiên thể là cao nhứt.



1

Cõi Thái Cực


Tiên thể

2


Cõi Lưỡng nghi


Kim thân

3


Cõi Tứ tượng


Thượng trí

4


Cõi Bồ đề


Hạ trí

5


Cõi Thượng giới


Thể vía

6


Cõi Trung giới


Thể phách

7


Cõi Hạ giới


Thể xác


Qua bảng trên, nấc thang tiến hóa tâm linh tương ứng với cõi tứ tượng và thể thượng trí có thể nói đạt đến điểm chơn ngã và chơn tri, có ý thức đại đồng. Đó là chỗ rất quan trọng, từ đó chúng ta thực hành sứ mạng đại thừa, chúng ta thi hành Thiên Đạo và bắt đầu nhảy vượt để tiến hóa lên trên. Đây là bước tiến hóa quan trọng từ phàm nhân thành Thánh nhân.


Đối với giáo lý Đại Đạo, nấc thang này là nấc thang của bậc Nguyên nhân sứ mạng hay là của con người Đại Đạo. Bởi vì Đức Chí Tôn dạy rằng, “người mà theo lý thiên nhiên, biết dụng công phu, nghịch chuyển tinh khí giao cảm với Nguơn thần cho thành Tiên Phật, dứt bỏ hồng trần thì người ấy là bậc Nguyên nhân.” Đại Thừa Chơn Giáo, Cao Đài Đại Đạo-Chiếu Minh,Trước Tiết tàng Thơ, Thủ Thiêm-Gia Định. Phần thứ ba, Mục Lý Thiên Nhiên và Lý Tự Nhiên Đức Chí Tôn còn dạy một câu đơn giản hơn : “ Nguyên nhân là Nguyên khí chất Tiên thiên giáng sanh làm người.” Sđđ


Như vậy, nếu một bậc gọi là Nguyên nân đang hành đạo ở vị trí “nguyên nhân” thì bậc đó là sự kết tụ của nguyên khí chất Tiên thiên giáng sanh làm người. Giáng sanh làm người nhưng người đó hành Đạo bằng nguyên khí chất Tiên Thiên của mình. Không phải đương nhiên có sự kết tụ của nguyên khí chất Tiên thiên, nhưng đó là bậc đã tiến hóa đến mức kết tụ nguyên khí chất Tiên thiên để tiếp tục làm sứ mạng ở cõi trần gian này tức Con người Đại Đạo. Theo thông Thiên học gọi con người này là “L’ Homme éternel”(thuộc Thể Thượng trí, Corps mental supérieur, Higher Manas) Tham khảo: http://www.anandgholap.net/Seven_Principles_Of_Man-AB.htm là con người muôn thưở muôn phương. Con người Đại Đạo ở trong vị trí này là gì? Là “tự sáng chói điểm Đạo để phá tan những cái tối tăm dày đặc sai lầm phân ly” Chư Tiền Khai Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, Rằm 10 Kỷ Mùi (4-12-1979)


Và hơn nữa, chủ thể ở giai tầng này được ưu thế cảm ứng với những chủ thể tâm linh ở giai tầng trên để thọ bẩm cái tâm đắc nhất, bác ái, đại đồng. Thật ra con người Đại Đạo chưa hoàn toàn đắc nhất, bác ái, chưa hoàn toàn có tâm đại đồng. Chính vì nhờ cảm ứng với các chủ thể tâm linh tiến hóa cao hơn mà vận dụng được lòng bác ái, tâm đại đồng đó để hành xử, để xây dựng đời Thượng ngươn thánh đức. Nên Đức Giáo Tông gọi con người đó là “người làm cho kẻ thù nên thân, người ghét trở nên bạn”. Đức Lý Giáo Tông, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Tuất thời 14 tháng giêng Canh Thân ( 29-02-1980 ) Ấy là phẩm chất của con người Đại Đạo, là người thấy “chính mình là Đạo, phải thay Trời mà vận hành tự cường bất tức” Vân Hương Thánh Mẫu, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời 13 tháng 8 Kỷ Mùi (3-10-1979) Một câu rất đơn giản để chỉ người vận dụng được lòng bác ái và tâm đại đồng để thực hiện sứ mạng đối với nhơn sanh.


Đến đây chúng ta bước sang câu hỏi rằng “Làm thế nào để tâm linh chúng ta tiến hóa được?”


Trước khi giải đáp theo giáo lý Đại Đạo chúng ta khảo sát lại giáo lý của các tôn giáo trước trong Nhi kỳ Phổ Độ, như Lão Trang.Theo Lão Trang, muốn tiến hóa tâm linh thì thực hiện quá trình rèn luyện để tiến hóa, gồm các bước :

- Phải trị thân

- Phải tâm trai

- Phải huyền đồng


Thế thì “trị thân” là gì? _Là trong quá trình tu luyện,Lão Trang cho rằng trước hết phải chế ngự bản thân của mình, phải kềm chế giác quan khỏi bị ngoại cảnh cám dỗ, giai đoạn này Lão Tử gọi là « bảo phác », « phản phác »;còn Trang Tử gọi là “trị thân”.Trước khi nói chữ “trị thân” nên thử cắt nghĩa chữ bảo phác và phản phác, là gì? _Là quay trở lại giữ gìn bản tính thuần thành, mộc mạc và trừ bỏ những gì làm mệt mỏi thể xác và rối loạn tâm hồn. Chữ “phác” đó là thuần thành, là mộc mạc. Đạo Đức Kinh chương 12 Lão Tử viết “Thánh Nhân vị phúc bất vị mục”có nghĩa Thánh Nhân vì bụng mà không vì mắt, tức là “bất dục dĩ tịnh” nghĩa là “không ham muốn để cho lòng được yên tịnh”, còn ở trong Thiên Tại Hựu của Nam Hoa Kinh thì Trang Tử có viết một câu chuyện như thế này: “Hoàng Đế mới thưa cùng Quảng Thành Tử :Thưa Ngài, tôi nghe rằng Ngài đã đạt đến chí Đạo tức là Ngài đã đạt Đạo, thì dám hỏi phép trị thân của Ngài như thế nào và làm sao có thể trường cửu được? Quảng Thành Tử bèn vùng dậy mà nói:(chữ “vùng dậy” này rất là hay, nghĩa là ổng rất là tâm đắc, hỏi đúng ý ổng, ổng vùng dậy mà nói: “Câu hỏi rất hay, ngươi đừng nghe, đừng nhìn, lấy tĩnh lặng mà ôm ấp cái thần”.


Đừng nghe đừng nhìn tức là trị thân, tức là giới hạn lại cái phần hướng ra ngoài, mà phải quay vào trong, « lấy cái tĩnh lặng mà ôm ấp cái thần thì hình hài nhiên hậu sẽ hẳn hoi” đó là câu trả lời của Quảng Thành Tử. Bước qua giai đoạn thứ hai của quá trình rèn luyện tâm linh theo Lão Trang, là giai đoạn tâm trai hay là hư tâm.Đã làm chủ được ngũ quan, bảo tồn được thần khí, đạo gia đi đến giai đoạn hư tâm hay là tâm trai. Hư Tâm là vượt lên trên tri thức thông thường, không dựa vào hình tướng, vào đối tượng hay là suy luận phân biệt nữa. Trang Tử viết về tâm trai hay hư tâm như sau bằng một câu chuyện có tính cách ngụ ngôn giữa Nhan Hồi và Đức Khổng Tử:


Nhan Hồi hỏi thầy mình như thế này:


“Dám hỏi thầy, chay tịnh của lòng là như thế nào?

Thầy Trọng Ni, tức là Đức Khổng Tử đáp: hãy chuyên nhất cái trí của mi, không nghe bằng tai mà nghe bằng lòng; mà không nghe bằng lòng mà nghe bằng khí”


Chúng ta nhớ Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn nói hành Đạo bằng tâm không bằng hành đạo bằng trí, mà hành đạo bằng trí cũng chưa bằng hành đạo bằng khí; hành đạo bằng khí chưa thâm sâu bằng Thần. Cho nên, trong ngụ ngôn Đức Trọng Ni nói phải chuyên nhất cái trí, không nghe bằng tai mà nghe bằng lòng tức là bằng tâm thức, không nghe bằng tâm thức của mình mà phải nghe bằng khí, tức là bằng thần thức của mình. Chỉ có Đạo là hợp được với Hư không, và Hư không là phép chay tịnh của lòng. Như vậy, Tâm trai là phép chay tịnh của lòng; phải lắng lòng, phải yên tĩnh thì mới đạt được Tâm trai vậy.


Bước qua bước thứ ba, giai đoạn sau cùng, tức là huyền đồng với Trời Đất, cũng Trang Tử đặt ra câu chuyện Nhan Hồi hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy Trời và Người hợp nhất có nghĩa là gì?_Thầy Khổng Tử đáp rằng, người là Trời mà Trời cũng là người, sở dĩ người mà mất Trời là tại cá tính của mỗi người”.Mình lấy cá tính của mình mà che lấp đi thì đâu còn là người và Trời, nghĩa là người và Trời bị ngăn cách bởi cá tính. Cho nên, Thánh Nhân an nhiên, tất nhiên là không có cá tính, không có tư tâm để cho hồn hòa với đại thể, đại thể chính là Trời đất , vũ trụ hay là Trời.


Đã hiểu theo Lão Trang, thì trong Tam Kỳ Phổ Độ, pháp môn tiến hóa tâm linh của đạo Cao Đài dạy cũng không khác. Cao Đài dạy đi từ luyện kỷ, đến quy tâm, đến thực hành sứ mạng Đại Thừa. Luyện kỷ là muốn tìm đến chỗ chơn không vô ngã. Muốn đạt đến chỗ nắm máy Thiên cơ Tạo hóa riêng của mình thì phải luyện kỷ cho thuần thành, mà muốn luyện kỷ cho thuần thành thì phải trau dồi cho đầy đủ Thần lực.


Phải dẹp hết mọi vọng niệm, dục vọng và trừ mọi khảo đảo. Dẹp khảo đảo không phải là dẹp bỏ đối tượng. Như Huynh A khảo đảo tôi, tôi được loại trừ Huynh A, cấm Huynh A gặp tôi, nhưng tôi phải khắc phục chính tôi, có như vậy thì công phu luyện kỷ của chúng ta mới đi đến chỗ viên dung, như Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy. Ơn Trên giải thích : Kỷ là niệm thôi, như vậy luyện kỷ là khắc chế cái niệm hay là cái vọng niệm của mình. cho được thuần thành, phải trau dồi cho có thần lực để chế ngự mọi vọng thức.


Bước thứ hai là quy tâm, nếu muốn luyện kỷ mà ngó ra ngoài, muốn so đo, muốn trách móc, muốn háo thắng thì không thể luyện kỷ được mà phải hướng tâm, phải quy tâm tức là hướng nội, hướng về tâm linh, tức là từ Vạn hướng về Nhất. Thánh giáo có dạy:


“Còn một việc lòng ham mộ Đạo,

Muốn tìm ra cơ tạo huyền vi;

Dặn lòng hai chữ trí tri,

Hướng về tâm nội quy y đắc thành.

Đạo làm người hóa sanh đã đạt,

Đạo Phật Tiên nắm chắc trong tay;

Nhãn quang linh động hằng ngày,

Soi vào tâm nội nhận ngay Đạo Trời .”


Đó là quá trình quy tâm, chúng ta đi cúng, tịnh hằng ngày tức là “nhãn quang linh động hằng ngày, soi vào tâm nội nhận ngay Đạo Trời”. Dù không đến chùa thất, ngồi ở nhà, cũng nhãn quang soi rọi hằng ngày, tức là chúng ta tự quay vào trong, tự xem xét mình, tự ý thức chính mình, mình hiện nay là ai, mình là vọng thức hay là mình là chơn ngã. Quy tâm, quy nhất để đạt được lòng bao dung bác ái, cho nên quy tâm với tâm hạnh đại thừa chính là sứ mạng đại thừa tận độ chúng sanh. Do đó, Đức Vô Cực Từ Tôn dạy về sứ mạng Đại Thừa và Thiên Đạo Đại Thừa như sau :


“Đại Thừa pháp con ôi giản dị,

Do âm dương thần khí vận hành;

Trong cơn động tịnh khinh thanh,

Lắng lòng tư dục Đạo lần hoằng dương.

Tâm Đạo giữ lập trường Thiên Đạo,

Thiên Đạo là toàn hảo, toàn chơn;

Bao la trùm khắp vô ngần

Háo sanh đức cả tình thương vạn loài” Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý , Hợi thời 14.8 Tân Dậu (11.09.1981)


Đại thừa pháp là gì?_ Là lắng lòng tư dục, nhưng Đại thừa pháp hay là Tân pháp hay là Thiên Đạo chúng ta còn hiểu mông lung. Nên Đức Mẹ kết luận rằng phải đạt tới chỗ “Háo sanh đức cả tình thương vạn loài”. Cho nên quy tâm là để có lòng bao dung, để đạt đến tình thương vạn loài. Và tâm phải có sanh mà tâm- sanh đạt tới chỗ tâm-sanh Tiên thiên mới có tình thương. Lúc ấy tâm linh sẽ tiến hóa ; ngược lại, tâm không có đức thì không tiến hóa. Nên Ơn Trên còn dạy rằng, nếu tu vô niệm, không phản Hậu thiên trở lại Tiên thiên thì cũng không đạt mục đích., bởi vì khí Tiên Thiên là yếu tố sanh hóa ra tình thương.


Chúng tôi đã cố gắng trình bày với quý vị “Tâm linh trên đường tiến hóa” qua những các mục đường tiến hóa theo giáo lý của Đại Đạo, tìm hiểu tâm linh và làm thế nào để tâm linh tiến hóa. Tới đây xin tạm kết luận như thế này:


1. Thứ nhất, con đường tiến hóa tâm linh đi từ cõi hữu hình đến cõi vô hình. Ý này có vẻ tầm thường, nhưng chúng ta phải khẳng định: tiến hóa tâm linh là đi về đâu, tiến hóa tâm linh không chỉ ở tại thế gian này ; tiến hóa tâm linh phải nối tiếp từ hữu hình sang vô hình, phải bước sang cõi tâm linh thiêng liêng và không trở lại cõi hữu hình. Như vậy trong cõi hữu hình vẫn có tiến hóa nhưng cần khẳng định rằng tiến hóa là đi từ hữu hình tới vô hình. Tiến hóa tâm linh trong cõi hữu hình và tiếp diễn không ngừng trong cõi vô hình, chứ không phải tiến hóa từ hữu hình tới vô hình mà thôi.


2. Đích điểm tiến hóa chính là Thượng Đế. Và càng thô trọng, càng sai biệt, càng phức tạp, càng ô trọc, càng hiểm ác thì càng xa Thượng Đế. Còn càng thanh cao, càng đồng nhất, càng đơn giản, càng thiện lương thì càng gần Thượng Đế.


3. Điểm thứ ba chúng ta có thể rút ra trên con đường tiến hóa tâm linh là: quá trình tiến hóa sản sinh ra những chủ thể ngày càng hoàn hảo toàn diện và càng ngày càng tăng trưởng đạo đức, lòng bác ái, vị tha. Cho nên, chủ thể đó, hay là hành giả đó hay là con người đang cầu mong sự tiến hóa đó phải chứng tỏ sự tăng trưởng đạo đức và lòng bác ái vị tha. Nghĩa là mức độ tiến hóa luôn gắn liền với thái độ, hành vi đạo đức và gắn liền với giá trị thống hợp đại đồng.

Nếu mà chúng ta có thái độ, hành vi đạo đức trong khuôn viên của Cơ Quan, của Thánh Thất, của Hội Thánh chúng ta thôi mà việc làm từ thiện đó không đạt được giá trị thống hợp đại đồng với tất cả chúng sanh, tất cả các thực thể cứu thế kỳ ba trên thế gian này thì cũng chưa phải là tiến hóa tâm linh.


4. Điểm thứ tư, nói một cách khái quát, tiến hóa là Hậu thiên trở về với Tiên thiên. Chúng tôi lặp lại, Ơn Trên nói rằng “nếu chỉ tu vô niệm mà không trở về với khí Tiên Thiên thì không làm sao đạt được mục đích được”. Đạo Học Chỉ Nam, sđd. Khí Tiên Thiên diễn tả một thực tại mà chúng ta rất khó hiểu, rất mơ hồ. Nhưng nếu chúng ta biết rằng, từ khí Tiên Thiên này, người ta trở nên thanh cao hơn, người ta trở nên đại đồng hơn, người ta trở nên có tình thương bao la hơn thì đó là hệ quả của sự đạt đến khí Tiên Thiên viên mãn vậy.


5. Điểm cuối cùng cần nhấn mạnh là: con đường tiến hóa tâm linh là con đường quy nguyên mà cũng là con đường sứ mạng Nếu không có sứ mạng thì không thể quy nguyên; mà quy nguyên được, tiến hóa được thì cũng chính nhờ làm tròn sứ mạng. Bởi vậy, từ tánh tuyệt đối phóng xuất xuống tánh tương đối, tánh tương đối phải có tâm hiệp với sanh tức là phải có tâm Tiên thiên hiệp với sanh Tiên thiên nghĩa là phải có cuộc đời, phải có cuộc sống, phải có tình thương thì mới tiến hóa được vậy.


THIỆN CHÍ

Thuyết minh giáo lý tại CQPTGL - năm 2000.
Thiện Chí









ĐINH VỊ CON NGƯỜI / Thiện Chí







Lý đạo là xuân / Thiện Chí

TANH MANG SONG TU / Thiện Chí

world cup Hòa Binh / Thiện Chí






NHAT KÝ ĐẦU NĂM / Thiện Chí

















NHAT KÝ CUỐI TUẦN / Thiện Chí

NHẬT KÝ CUỐI TUẦN / Thiện Chí




BẢN THỂ HỌC / Thiện Chí

CUỘC THÁCH ĐỐ / Thiện Chí






ƯỚC VỌNG VÀO XUÂN / Thiện Chí




















TÔI LÀ AI ? / Thiện Chí





TIỀM LỰC SÂU THẲM / THiện Chí




















TÂM VẬT BÌNH HÀNH / Thiện Chí

























Dòng thiên ân / Thiện Chí

Suy ngẫm đầu Xuân / Thiện Chí












Minh Lý Đạo Khai / Thiện Chí

Đức tin Cao Đài / Thiện Chí

Đức tin Cao Đài / Thiện Chí



Hãy tự biết mình / Thiện Chí





Ba Dấu Ấn ĐĐTKPĐ / Thiện Chí

Văn Hóa Đạo Đức / Thiện Chí

Chính Long Đức Trung / Thiện Chí





Khai Xuân Tiến Đức / Thiện Chí

Cơ đạo Kỳ Ba / Thiện Chí


Phục sinh / Thiện Chí

Sống tự nhiên / Thiện Chí


Tỳ Thổ / Thiện Chí






Thiên Nhãn / Thiện Chí

Học đạo để nên người thánh thiện,
Tu hành cần rèn luyện thân tâm,
Có thân, thân chớ đọa trầm,
Có tâm, tâm chớ lạc lầm phàm phu.

Đức Đông Phương Lão Tổ, CQPTGL, 04-6 tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây