Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Ngày 17-5-Bính Dần, Ngài được Ơn Trên phong phẩm Phối Sư phái Thượng (Thượng Tương Thanh), đến 3-7-Bính Dần Ngài ...
-
Đức Chí Tôn dạy : “Con dừng chân nghe tiếng gọi sau lưng để trở về với Đạo. Đạo là yên ...
-
Những năm cuối của thế kỷ XX có nhiều nhà nghiên cứu đã tiên đoán rằng thế kỷ XXI sẽ ...
-
Cao Đài – nguyên lý về tính nhất thể trong tôn giáo Cao Hoàng Phong, Võ Văn Tâm, Nguyễn Quang Thoại Là ...
-
HỘI THOẠI TỰ TRI GIẢ MINH Thời Mạt Pháp : Trước diễn biến bất nhân vô đạo, sức phá tán ...
-
Thời gian là dòng sông vĩnh cửu, nhưng nếu không có bốn mùa thì lấy chi để đánh dấu thời ...
-
Hôm nay, tôi xin được phép dùng nội dung “Cảm ứng luận” để trình bày phần nói về cái nghĩa ...
-
Tư tưởng Đạo gia ● Lê Anh Minh dịch 18. CHUNG THỦY 終 始 – HỮU VÔ 有 無 424. Thiên ...
-
Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy tại Thiên Lý Đàn vào lúc Tý thời 29 rạng mùng 1 tháng 01 ...
-
Nếu phải tìm 1 từ nào có thể diễn tả tâm trạng chung của nhân loại lúc nầy thì từ ...
-
Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo – Tòa Thánh Bến Tre Lược ghi một số sự kiện lịch sử
-
Xuân là mùa hội tụ tinh hoa, hương sắc đất trời ; xuân mang nét thanh tân, hương vị ngạt ...
Thiện Chí
Đạo gia Nhập thế và Xuất thế
"Tiên Thiên khí hóa
Thái Thượng Đạo Quân
Thánh bất khả tri
Công bất khả nghị
Vô vi cư Thái Cực chi tiền
Hữu thỉ siêu quần chơn chi thượng
Đạo cao nhứt khí
Diệu hóa Tam Thanh
Đức hoán hư linh
Pháp siêu quần Thánh
Nhị ngoạt thập ngũ, phân tánh giáng sanh.
Nhứt thân ức vạn, diệu huyền thần biến ...
Và chính Ngài đã giáng cơ trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ như sau :
"Giáo đạo huyền thâm pháp diệu mầu,
Chủ tâm chế ngự, ý lần thâu;
Vô thinh vô sắc vô âm tướng,
Vi thiện vi nhân thoát cảnh sầu.
Thái hệ nhiều cơn còn biến loạn,
Thượng nguơn dựng lập khắp năm châu;
Đạo đời chung hưởng trời Nghiêu Thuấn,
Tổ nghiệp nhà Nam rạng một màu"
(TNHT,Q1) tr.213
Nhưng không phải đến thời Tam Kỳ Phổ Độ người ta mới biết đến danh hiệu và giáo thuyết Ngài, vì Ngài đã giáng sanh rất nhiều kiếp để dạy đạo.
"Nhị ngoạt giáng sanh tại cõi trần,
Tái sanh hà xứ biết bao lần;
Dốc đem đạo pháp cho nhân loại,
Tu tánh luyện hồn đắc pháp thân
(CQPTGL,27.3.75)
Và một trong những kiếp đó là Đức Lão Tử, sinh ở nước Lỗ vào thế kỷ VI trước CN (-571), tên thật là Lý Nhĩ, tự là Đam nên còn gọi là Lão Đam. Thánh giáo Cao Đài cũng xác nhận Đức Đạo Tổ là Lão Đam :
"Nên thân Bồ Tát bỏ thân phàm,
Về chốn Cung Đâu gặp Lão Đam;
Có lắm Kim đơn và Cúc tửu,
Trường sanh bất diệt cõi Trời Nam".
(Đông Phương Chưởng Quản, BNTĐ,9.5.1973)
Xưa nay khi nói đến Lão giáo hay đề cập đến đạo gia người ta thường nghĩ đến Tiên đạo, như một đạo yếm thế, chán đời, xuất thế ẩn dật.
Nhưng nếu nghiên cứu kỹ Đạo Đức Kinh của Đức Lão Tử, kinh điển của các Đấng trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nhứt là Thánh giáo của Đức Thái Thượng Lão Quân, chúng ta sẽ thấy Tiên gia hay Đạo gia không tu hành một cách cực đoan hay huyền hoặc.
Ngược lại đạo gia sống giữa xã hội rất thực tế, chọn một cách sống vừa an lành, vừa ích nhơn lợi vật, đồng thời biết vận dụng lẽ đạo để dưỡng sinh tánh mạng và thoát hóa tâm linh.
Cách sống đạo của đạo gia vừa nhập thế vừa xuất thế, mãi cho đến khi đắc đạo cũng không lìa bỏ chúng sanh mà còn đem Đạo cứu đời, tự lãnh sứ mạng truyền thừa đạo pháp, mở đường tận độ.
A. NHẬP THẾ
Đạo gia nhập thế có ba phương diện phải thường hành là xử kỉ, tiếp vật, và tu dưỡng (dưỡng sinh)
1. Xử kỉ: Phải xem xét lại bản thân để chọn một lối sống khỏe mạnh, chân chính, an nhàn.
a. Tiết dục:
Đức Lão Tử viết :
"Ngũ sắc làm cho người ta mờ mắt; ngũ âm làm cho người ta ù tai; ngũ vị làm cho người ta tê lưỡi; ruỗi ngựa săn bắn làm cho hành vi người ta đồi bai".
Cho nên Thánh nhân cầu no bụng mà không cầu vui mắt; bỏ cái này (xa xỉ, đa dục) mà lựa cái kia (chất phác, vô dục) (ĐĐK, Ch.12)
Qua câu này ta thấy đạo gia rất dứt khoát trong cách chọn lối sống bình thường, xa lánh những hình thức xa hoa, sôi nổi, bởi vì không chỉ là xa xỉ mà còn phương hại đến thân tâm và đạo lý.
Nhưng đời xưa cách đây hơn 2500 năm đã mấy ai dám "bỏ cái này mà lựa cái kia" như Đức Lão Tử, huống chi đời nay, người ta sẽ bảo dại gì mà không thụ hưởng. Thật vậy, Lão Tử cũng nhìn nhận rằng : (Ch.20, ĐĐK)
"Mọi người đều có thừa, riêng ta như thiếu thốn; lòng ta ngu muội, đần độn thay!"
Ngài nhìn nhận như thế vì biết mình sống ngược đời. Đời quá tranh đua tìm kiếm miếng ngon vật lạ, đời mãi say mê vui thú giàu sang. Đó là cái khôn ngoan nhứt thời của đời. Nhưng lòng tham dục của người đời không bao giờ dừng lại, nó sẽ dẫn đến tai họa và nguy nan.
- Ch.9 ĐĐK, Ngài viết : "Giàu sang mà kiêu là tự rước lấy họa. Công thành rồi thì nên lui về, đó là đạo trời". (Công thành thân thoái, thiên chi đạo)
- Ch.44, Ngài lại nói : "Danh tiếng với sinh mệnh cái nào quí ? Sinh mệnh với của cải cái nào quan trọng ? Được danh lợi mà mất sinh mệnh, cái nào hại ? Cho nên ham danh quá thì phải hao tổn nhiều, chứa của cải nhiều thì mất nhiều".
Đến đây, ta thấy cái dại của Ngài là dại khôn, còn cái khôn của người đời là khôn dại.
Cái khôn của Lão Tử, của đạo gia là cái khôn "thiểu tư, quả dục" (giảm tư tâm bớt dục vọng). Vậy nếu người đời không "vô dục" được như Thánh nhân, thì hãy nên tiết dục.
B. Tri túc:
Làm thế nào để tiết dục ?
Phải "tri túc", biết thế nào là đủ. ĐĐK, Ch.44 viết : "Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi" (Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên ngừng thì không nguy).
Lại nói : "Họa không gì lớn bằng không biết thế nào là đủ, hại không gì bằng ham muốn cho được nhiều. Biết thế nào là đủ và thỏa mãn về cái đủ đó thì mới luôn luôn thấy đủ" (Tri túc chi túc thường túc hĩ) (Ch.46)
Tóm lại, nguyên tắc là không bao giờ đi vào sự thái quá (khứ thậm, khứ xa, khứ thái – Ch.29). Nhưng cuộc sống ở đời theo đạo gia, ngoài "quả dục", "tri túc" của phép xử kỉ còn phải "khiêm, nhu" bất tranh trong lối tiếp vật hay tiếp nhân xử thế với xã hội.
2. Tiếp vật : (Tiếp nhân xử thế)
a. Khiêm: Trong mối quan hệ xã hội, Lão Tử dùng đức Khiêm làm nhân cách, và chính đức Khiêm sẽ làm cho thiên hạ quí trọng mình nếu thật sự mình là người tài đức. Mà đức Khiêm cũng sẽ giúp mình tránh được tai vạ. Ch.22 ĐĐK, Ngài viết :
"Không tự biểu hiện cho nên mới sáng tỏ, không tự cho là phải, cho nên mới chói lọi, không tự kể công cho nên mới có công, không tự phụ cho nên mới trường cửu".
Người có đức cao, bực thượng thiên không ham ở địa vị cao, lại còn hòa mình với mọi người, không phân biệt quí tiện để làm việc hữu ích cho xã hội. Ch.8 ĐĐK viết :
"Thượng thiên nhược thủy, Thủy thiên lợi vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ vi đạo"
(Người có đức cao thì như nước. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người chê ( chỗ thấp) cho nên gần với đạo)
Khiêm, theo Lão Tử không phải là hạ mình hay tiêu cực, mà là đức tính của người có bản lĩnh và đắc lực.
Ngài viết tiếp : "Địa vị thì khéo lựa chỗ khiêm nhường, lòng thì khéo giữ cho thâm trầm, cư xử với người thì khéo dùng lòng nhân, nói thì khéo giữ lời, trị dân thì giỏi, làm việc thì có hiệu quả, hành động thì hợp thời cơ".
Do vậy trong Dịch, quẻ Địa Sơn Khiêm có tượng là : đất thấp mà ở trên, núi cao mà chịu ở dưới, và toàn quẻ chỗ nào cũng bình Khiêm là Hanh, Cát, Lợi.
b. Nhu :
Trong việc ứng xử với người khác, nếu phải đối phó với mọi áp lực để giữ lẽ phải thì Lão Tử chọn phương châm "Nhu nhược thắng cương cường" (Ch.37) hay "nhược thắng cường, nhu thắng cương" (Ch 78). Ngài giải thích thêm :"Trong thiên hạ cái cực mềm (như nước) chế ngự được cái cực cứng (như đá)…" (Ch.43)
Ngài còn cho rằng cứng mạnh là dấu hiệu của sự chết, mềm mại là dấu hiệu của sự sống (Kiên cường giả tử chi đồ, nhu nhược giả sinh chi đồ – Ch.76)
Dạy như thế không phải Ngài đem cá tính của Ngài áp đặt cho chúng ta. Thật ra Ngài chỉ dạy người đời biết bắt chước theo Đạo Trời để tự bảo thân và giúp đời thành công. Ch.78, Ngài viết :
"Đạo Trời không tranh mà khéo thắng, không nói mà khéo đáp, không gọi mà vạn vật tự tới, bình thản vô tâm mà khéo tính mọi việc".
Lão Tử cũng phát hiện những qui luật của vũ trụ, tức đạo, để dạy người ta biết dưỡng sinh, bảo tồn tính mệnh lâu dài.
3. Dưỡng sinh tánh mạng.
ĐĐK, Ch.16 Ngài viết : "Phù vật vân vân, các qui kỳ căn. Qui căn viết tĩnh, thị vị phục mệnh" - (Vạn vật đều trở về căn nguyên của chúng. Trở về căn nguyên thì tĩnh, tức trở về mệnh). Và : "Phục mệnh viết thường" (Trở về mệnh là thường còn)
Vậy nguyên tắc dưỡng sinh là trở về gốc của con người, tìm thấy trong trạng thái "tĩnh" và trở về gốc đó được gọi là "phục mệnh".
Lão Tử mô tả kết quả của người phục mệnh bằng cách đặt ra những câu hỏi liên tiếp như sau :
"Cho hồn phách thuần nhất, không rời đạo được không ? Cho cái khí tụ lại, mềm mại như đứa trẻ sơ sinh được không ? Gột rửa tâm linh cho nó không còn chút bợn được không?" (Ch.10)
Đứa trẻ sơ sinh tiêu biểu cho con người vô tư vô dục, chân khí đủ đầy và tâm linh thanh khiết. Muốn được vậy, con người phải sống có tiết độ và quân bình được thân tâm.
a. Sinh hoạt có tiết độ :
Trong phép dưỡng sinh Đức Thái Thượng Đạo Tổ dạy người học đạo phải sống có tiết độ, sinh hoạt cần tránh 10 điều tổn hại như sau :
Tu trau phần xác phần hồn,
Xác được thanh khiết thì hồn thanh cao;
Mười điều tổn hại dạy trao,
Nhớ ghi hành đúng cho xao lãng lòng.
1. Đi nhiều tổn hại gân trong,
2. Đứng nhiều tổn hại, bộ xương bội phần;
3. Ngồi nhiều tổn hại huyết lần,
4. Ngủ nhiều tổn mạch, hại Thần cơ linh
5. Nghe nhiều tổn hại đến "Tinh",
6. Xem nhiều tổn hại trong mình "Thần" hao;
7. Nói nhiều tổn khí càng cao,
8. Lo nhiều tổn hại tâm bào, tâm trung.
9. Ăn nhiều tổn hại Tỳ Can,
10. Dâm nhiều tổn hại vô cùng mạng linh.
(THHT, Q1, tr.176)
b. Quân bình hóa thân tâm :
Ngày nay người tu trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cũng được học phương pháp dưỡng sinh trước khi thọ pháp bước vào công phu thiền định. Ơn Trên dạy :
"Trước hết là dạy về phương điều nhiếp dưỡng sanh, tiêu trừ tật bệnh. Phải quân bình cho được bộ phận trong cơ thể, về ngũ tạng lục phủ, khí huyết tứ chi, quân bình để cho cơ thể điều hòa, sức khỏe trợ lực cho tinh thần thì tu không chán, người không mõi, học không thôi. Quân bì nh thể chất và quân bình tinh thần, quân bình giữa ý niệm tập quán từ xưa còn lưu ứ nơi lòng; giữa thể xác tinh thần phải tương trợ lẫn nhau…" "Phải ý thức cho được bịnh thể nơi mình. Phải vệ sinh, tập làm lao động cho xương gân mạnh mẽ, cho khí huyết lưu thông…" (Thiên Lý Đàn, 27.2.1968, Di Lạc Thiên Tôn).
Vậy dưỡng sinh của đạo gia là phương pháp thực hiện thế quân bình cho thân tâm người học đạo. Quân bình và điều hòa cũng là những đức tính của trời đất, thiên nhiên, giúp cho vạn vật sinh trưởng thâu tàng, luân lưu lẽ sống không ngừng. Nên giáo lý Đại Đạo có dạy :
"Trời đất vốn một bầu phúc tải,
Nhân vật đều tiểu đại bì phu;
Am dương, nhơn nghĩa, cang nhu,
Tam tài lý tánh vạn thù tán phân.
Trời nhật nguyệt chuyển luân nhật dạ,
Người âm dương soi cả trong ngoài;
Châu thiên độ số vần xoay,
(Đông Phương Chưởng Quản, NMĐ,12.6.1966)
B.XUẤT THẾ :
Trên đường hành đạo của đạo gia, giai đoạn xuất thế là giai đoạn hướng nội, qui tâm, rời bỏ lối sống (hữu vi) hạn hẹp để sống (vô vi) dung hợp vô biên.
a. Thân thanh tịnh: Trước nhứt muốn hướng nội, phải giữ cho sáu căn được thanh tịnh.
" Mắt chớ hay nhìn thì hồn ở Can không theo mắt mà lậu.
- Tai chớ lóng nghe hơi tiếng thì tinh còn tại Thận, không theo tai mà lậu.
- Mũi chớ ngữi mùi này vị nọ thì phách còn tại Phế không theo mũi mà lậu.
- Miệng lưỡi chớ thâu nạp đồ ngon béo thì ý còn tại Tỳ không theo miệng lưỡi mà lậu.
- Tâm không vọng niệm thì Thần trụ mà không theo tứ chi tẩu lậu.
Sáu căn được thanh tịnh rồi thì ngũ trược các thể sẽ được lóng thanh. Tinh thần hồn phách qui trung hóa thành một khí thuần toàn châu lưu tiến chuyển" ( Đức Đông Phương Lão Tổ, BHTT, 22.11.78)
Vậy hướng nội phải khắc trị vọng tâm, vọng ý đề phòng các cửa ải có giặc xông vào làm tổn thương tinh thần hồn phách.
b. Tâm thanh tịnh: Giữ cho thân thanh tịnh để đạt đến tâm thanh tịnh là bước đầu thanh lọc thân phàm tánh tục, hành giả cũng phải lắm công phu rèn luyện. Nên Thánh giáo có dạy :
"Cũng nước, nước nguồn, nước suối. Nước nơi sông rạch, dòng nước uốn lượn theo lối quanh co khúc khuỷu, lôi cuốn cuồn cuộn những gì nhơ bẩn tanh hôi.
Cũng nước, nước nơi trùng dương, khi phẳng lặng như tờ giấy trãi, khi gào thét khuấy động, rất đổi tàn phá những gì làm chướng ngại vật, cản trở dòng nước đang dâng.
Nhìn dòng nước đem so lại với tâm người, một khi tâm khuấy động, bao thất tình lục dục cặn cáo nổi lên, mặt phừng phừng đỏ, chuyển động cả tứ chi, đụng đâu phá đó, có thể một giây cuồng loạn tiêu diệt cả quả địa cầu". (Quan Am Bồ Tát,HCĐ, 19.6.1965)
"Hỡi chư hiền sĩ , hiền muội ! Nhìn một khối nước chứa trong hồ, nước yên lặng, lóng trong nhìn vào thấy bóng, chẳng khác gương soi. Đó là tâm thanh tịnh, mà bóng đó là các Đấng nơi cõi vô hình" (Quan Âm Bồ Tát, như trên)
Chính trong tâm thanh tịnh hay hư tâm là nơi chứa đựng giữ gìn bản thể linh quang của người tu ở giữa cuộc đời đảo điên nhân tâm ly loạn này. Như Đức Lão Tổ dạy :
"Ta sẽ lựa hồ không để chứa,
Chứa linh đơn muôn thuở của đất trời;
Bởi thiên cơ hay bởi lòng người,
Khiến cho cuộc thế đổi dời biển dâu.
Ta sẽ chọn hồ không thể chất,
Chứa linh quang sáng rực ở muôn đời;
Vì nhơn tâm quá đổi dời,
Khiến cho cuộc thế tơi bời đảo điên.
Ta sẽ chọn hồ không thực thể,
Cất mâu ni bốn bể vào đây;
Xét xem nơi cõi trần này,
Hồ không sẽ có sau ngày Long Hoa ?
(Đông Phương Chưởng Quản, BNTĐ, 15.12.1973)
c. Trở lại sự thuần phác: Như thế đạo gia xuất thế là đi ngược chiều với thị hiếu của thiên hạ, trừ bỏ hình thức đa tạp (hữu vi) để trở lại trạng thái thuần phác đơn giản, đạt đến thanh tịnh vô vi. Đức Lão Tử gọi là "Qui ư phác" (Ch.28) hay là "hiện tố bão phác" (Ch.19). Ngoài thì biểu hiện sự mộc mạc, trong thì giữ sự chất phác. Nguyên tắc là:
"Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn" - (học đời thì ngày một tăng, học đạo thì ngày một giảm đó là dục vọng).
Vậy là bắt đầu một qui trình mới mà Lão Tử nói : "Ngô dĩ quan phục" (ta thấy nó quay về) và Kinh Dịch gọi là "Phản phục" khởi sự cuộc tiến hóa tâm linh của hành giả.
Kinh Dịch, quẻ Phục, Thoán truyện viết : "phục kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ !" Kiến thiên địa chi tâm chính là thấy bóng của chơn nhơn hiện ra trong hồ nước yên lặng, lắng trong như Thánh giáo đã nói trên đây.
d. Thiên đạo: Vậy đạo gia xuất thế cũng chính là dụng thiên tâm thực hành thiên đạo tại thế gian. Thiên đạo không phải là tôn giáo này hay tôn giáo khác mà đó là đường lối tiến hóa theo qui luật của trời đất. Theo đúng thì thành bậc siêu phàm, làm sai thì mãi là tục tử.
"Muốn vào Thiên đạo khó chi đâu,
Nhẹ kiếp phàm phu khỏi đáo đầu;
Vật chất tinh thần chung bản thể,
Thiên tiên tục tử khác cơ cầu.
Nguơn Thần thường trụ muôn phương dứt,
Chơn tánh vững cầm sáu nẽo thâu;
Giác ngộ một câu thành chánh quả,
Ra vào bạn lữ chốn Cung Đâu".
(Đông Phương Chưởng Quản,NMĐ,19.12.1967)
Siêu phàm mới nhập thánh, lúc ấy Trời người là một, Lão Tử gọi là huyền đồng. Đạo gia sẽ cảm thấy mình là mọi người, mọi người là mình, nên xuất thế mà không lìa bỏ chúng sanh.
Đó là đức bác ái của Đạo gia :
"Chèo thuyền Bát Nhã đến trần gian,
Ai quá giang thì kíp trẩy sang;
Ta chẳng tính công cùng sở phí,
Chỉ cần trí định với tâm an".
(Đông Phương Chưởng Quản, BNTĐ, 13.1.72)
Cũng chính là sứ mạng đại thừa :
"Nắm máy huyền linh hiệp chí linh,
Thoát vòng sanh tử ấy trường sinh;
Đại thừa chánh pháp hành Thiên đạo,
Chín cõi mười phương vốn một tình"
( Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, CQOTGL,26.5.1979)
C. KẾT LUẬN
Tóm lại cuộc sống đạo – hành đạo tuy có nhập thế, có xuất thế nhưng là một tiến trình nhứt quán trước sau, một nguyên tắc nghịch hành phản bổn.
- Tiến trình ấy lúc nhập thế thì TIẾT DỤC để thân được an, lúc xuất thế BÃO PHÁC cho tâm được tịnh. Đó là tiến trình từ hữu vi đến vô vi.
- Nguyên tắc nghịch hành là người đời hướng ngoại thì đạo gia hướng nội, người đời phân biệt chi li thì đạo gia dung hợp đại đồng.
Nhưng tựu trung, dù đạo pháp được bày tỏ dưới hình thức nào, qua tôn giáo nào thì đều cũng ứng dụng chân lý muôn đời của vũ trụ đem lại thế quân bình cho vạn vật và thúc đẩy chu trình tiến hóa cho vạn sanh. Bởi vậy Đức Lão Tử mới phát biểu một câu bất hủ:" Trong vũ trụ có bốn cái lớn mà người là một. Người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước đạo, đạo bắt chước tự nhiên" (Vực trung hữu tứ đại, nhi vương (nhân) cư kỳ nhất yên. Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên. ĐĐK, Ch.25)
Con người là một cái lớn vì đạo cũng có ở trong con người. Mà ‘Đạo" cũng chính là nguyên lý của tự nhiên, của vũ trụ.
Vậy, người đời lầm tưởng đạo gia lập dị hay mê muội nhưng thật ra họ là người sáng suốt biết con người là gì, biết khám phá cái sở đắc của con người và vận dụng nó để tiến hóa theo nhịp tiến hóa của vũ trụ không phải chỉ trong một đời mà trường cửu.
Để kết thúc bài tham luận này, xin cống hiến quí vị bài Thánh thi của Đức Thái Thượng Đạo Tổ :
"Điểm linh quang ban từ thượng giới,
Vào nhục thân vun xới cội lành;
Am dương động tịnh trược thanh,
Thần hình tương ý tương sanh đó là.
Lặng lẽ nhìn Trời Ta vốn một,
Máy hữu hình then chốt như nhau;
Thanh đó là trược nguồn đầu,
Động cùng nên tịnh diệu mầu lắm thay !
Là thượng đức hòa hài muôn vật,
Không ngã nhân đắc thất vong tồn;
Thân thiên hạ, Đạo linh hồn,
Vui tình tạo hóa, bão tồn vạn sanh.
Đức đã tột thần hình hòa diệu,
Đạo chói ngời quang khiếu giao thông;
Dù còn ở chốn trần hồng,
Như non vời vợi, như dòng luân lưu"
(Đức Thái Thượng Đạo Tổ – CQPTGL,18.3.1973).