Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
21/05/2008
Lý Đại Tiên Trưởng

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 21/05/2008

Luật lệ Đạo

Luật lệ! - Hiện giờ Lão nhắc đến hai tiếng luật lệ, chi cho khỏi chư hiền ngẩn ngơ, kiếm tìm suy nghĩ; vì hai tiếng luật lệ chư hiền đang hằng ngày dùng cần tuân lịnh kia. Nào phải thiếu kém chi? Cười! Ớ chư hiền đệ! Thử liếc mắt xem cơ đạo hiện giờ từ tiền chí hậu luật lệ có giống nhau chăng? Ôi! Những qui tắc ấy toàn là do sự khai hóa của mỗi chi, còn bản luật buổi ban sơ đã chôn sâu vào những kho tàng cũ kỹ. Cách hành động lại sửa đổi theo thời gian đã qua, mà trôi đi mất. Đã đành rằng: Cơ chia rẽ là bước đường phổ thông của đại đa số nhân tâm, nhưng chia rẽ bằng mạng lịnh thiên cơ mới đáng là cây cờ hướng đạo. Nếu chia rẽ bằng lối tư tâm cạnh tranh đó là mưu chước tà thần xúi giục phân lìa cốt nhục[2], mà đắc tội với Chí Tôn. Kìa chư hiền thử xem như giáo lý đạo Phật, đã trải qua mấy ngàn năm khai hóa, tiếp độ[3] biết bao nhiêu nhân sanh thoát khổ; mà hiện nay, cái nền tảng to lớn kia đã phanh phui từ manh mún cũng vì Thần Tú là một đệ tử nhà Phật, mong làm giáo chủ của khoảng thời gian hiện tại và sẽ đến, mà đoạt những âm thinh sắc tướng hình thức đạo Phật, lại tưởng rằng chánh pháp để tuyên truyền. Nên chi đến Huệ Năng Lục Tổ, nay đã thất kỳ truyền, tuy tôn chỉ vẫn còn mà các tăng già đều tu hành khác nhau hết, cười…[4]

Ớ chư hiền! Thần Tú là một cái tiêu biểu dục vọng của chư hiền ngày nay vậy, chỉ trích thật rõ ràng thì lòng người chia rẽ là sự hại.

Hiện nay chư hiền hãy đồng hành một luật lệ, một khuôn mẫu, đã ban hành thuở khai đạo, thì dầu chư hiền xa khơi ngoài muôn dặm cũng dễ mưu cuộc qui nguyên. Nếu đặng thế, thì nhân sanh khỏi phải mất thì giờ biện bác, cho rối rắc óc tuỷ, thì có bao giờ trở ngại trình độ khai hoá cơ đạo đặng, chư hiền tìm hiểu…!

ĐỘNG ĐÌNH VĂN

Đông cây hợp nên khu rừng thăm thẳm,

Nhiều đá chồng thành trái núi cao cao.

Đá cây xanh rặt một màu,

Đồng hợp vào, mới nên rừng thẳm núi cao trong đời.

Chọn cơ thời.

Mở đạo Trời,

Độ người đời.

Đã nhuần gội chút ơn Trời ban bố,

Thì ngoại dung phải thi thố luật điều,

Một vùng Đông Á bao nhiêu?

Nhắc nhở nhiều, khuyên nên hợp chí dẫn dìu nhân sanh.

Luật lệ phân minh,

Tiền hậu chẳng in,

Làm sao kết tình,

Cho đạo phát minh?

Lòng hằng nguyện chữ hoà bình hiệp nhứt,

Thì Lão khuyên dụng luật đã ban hành,

Hiệp hoà phổ tế nhân sanh.

Lão ban ơn chư hiền. Thăng.

[ Trích Kinh ĐẠO NGUYÊN CHÁNH NGHĨA - Vĩnh Nguyên Tự 1939]


[1] Hết phân vân về cái «tôi» vốn có của mình.

[2]Cốt nhục 骨 肉 = xương và thịt; thường dùng ám chỉ quan hệ huyết thống, anh chị em với nhau, như nói: tình cốt nhục = tình anh chị em. Ở đây ý nói tín hữu Cao Đài cùng một cha Trời, nên là cốt nhục với nhau.

[3]Tiếp độ 接 度 = đón tiếp và cứu độ. Độ 度 (渡) = vượt qua (thí dụ: độ giang 度 江 = qua sông; độ nhật 度 日 = qua ngày). Cứu độ ai cũng giống như đưa họ vượt qua sông mê bể khổ.

[4]Bồ Đề Đạt Ma 菩 提 達 磨 (Bodhidharma, mất khoảng năm 536) đến Trung Quốc năm 520 nhằm đời vua Lương Vũ Đế 梁 武帝 (tức Tiêu Diễn 蕭衍, tại vị 502-549), khai sáng Thiền Tông Trung Quốc. Đạt Ma là sơ tổ, nhị tổ là Huệ Khả 慧可 (487-593), tam tổ là Tăng Xán 僧璨; (mất 606), tứ tổ là Đạo Tín 道信 (580-636), ngũ tổ là Hoằng Nhẫn 弘忍 (602-675). Đến đây, Thiền Tông chia làm hai nhánh Nam Tông 南宗 (của Huệ Năng 慧能 , 638-713) và Bắc Tông 北宗 (của Thần Tú 神秀, khoảng 600-706). Tín đồ mỗi tông đều xem Huệ Năng và Thần Tú là lục tổ. Ngoài hai tông Nam Bắc, còn có nhiều chi phái nhỏ khác. Đặc điểm của thiền Nam Tông là đốn ngộ 頓 悟 (chứng ngộ ngay tức khắc). Đặc điểm của thiền Bắc Tông là tiệm ngộ 漸 悟 (chứng ngộ từ từ), do đó có câu nói «Nam đốn Bắc tiệm» 南 頓 北 漸. Đệ tử Huệ Năng là Thần Hội 神 會 (686-760), quê ở Tương Dương đến Lĩnh Nam học Huệ Năng, sau đó đem cái học này tiến lên phương bắc để tấn công Bắc Tông, gây chấn động thời bấy giờ. Kết quả là Nam Tông trở thành chính thống của Thiền Tông Trung Quốc. Chỗ này, Đức Lý có ý nói tuy thiền đốn ngộ của Huệ Năng vẫn còn tôn chỉ (là chứng ngộ tức khắc), nhưng phép tu đã mất chân truyền, do đó các sư tu luyện khác nhau.
Lý Đại Tiên Trưởng
Luật lệ Đạo / Lý Đại Tiên Trưởng

Người giác ngộ vun bồi tánh đạo,
Bậc nguyên căn hoài bão ý Thiên,
Vào đời một chí nhẫn kiên,
Thực thi sứ mạng pháp quyền dựng xây.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, Rằm tháng Giêng Tân Dậu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây