Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • Trong quá trình tu học và truyền bá nền đạo, người tín hữu Cao Đài cần nắm vững những đặc ...


  • THƯỢNG ĐẾ HIỆN HỮU / Thiện Chí thuyết minh

    “ Thầy mong con biết Thầy hiểu Đạo, Cho thế gian cải tạo thanh bình; Lòng Thầy thương cả chúng sanh, Trong tình ...


  • Chúng sanh là Phật / Bạn đọc Hiệp An

    Tôi có cái tánh kỳ là hay quan sát ở việc mà ngẩm ra cái lý hay hoặc có cái ...


  • Dưới đây là một vài trích dẫn về phong trào xã hội hóa học thiền và tập dưỡng sinh tại ...


  • Nhạc Việt thời hội nhập / Tuổi Trẻ Online

    Ảnh : GS Nguyễn Thuyết Phong (giữa) chơi đàn kìm bên cạnh cô Ngọc Thủy đàn tranh, David Badagnani đàn ...


  • Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân / Tự Điển Cao Đài-Nguyễn Văn Hồng

    Đêm ấy trăng sáng, vừa mãn canh ba, bỗng nghe trên không có tiếng kêu lớn: Trả đầu cho ta. ...


  • Trịnh Công Sơn / Tuổi Trẻ Online

    Thứ Bảy, 14/04/2007, 05:01 (GMT+7) Thân phận, quê hương và tình yêu trong ca khúc Trịnh Công Sơn TTO - Trịnh Công Sơn ...


  • Hẹn ước với Xuân / Ban Biên Tập

    Lúc dương khí manh nha từ cuối Đông thì người nhạy cảm với tiết trời đã thấy mang máng một ...


  • Những năm cuối của thế kỷ XX có nhiều nhà nghiên cứu đã tiên đoán rằng thế kỷ XXI sẽ ...


  • Dân tộc Khmer / danangpt.com.vn

    Từ lâu và hiện nay, chùa Khmer là tụ điểm sinh hoạt văn hóa - xã hội của đồng bào. ...


  • Đức Chí Tôn và các hàng Phật Tiên Thánh Thần đồng giáng thế bằng linh điển, diễn giải những bí ...


  • 1. KHÁI QUÁT VỀ CÔNG TRÌNH Tam công trong đạo Cao Đài gồm công quả, công trình và công phu, là ...


28/07/2012
Thanh Long

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 28/07/2012

HAI ĐƯỜNG ĐI ĐẾN CÁI TÂM


HAI ĐƯỜNG ĐI ĐẾN CÁI TÂM
Phần 1: Hay sự tìm kiếm con đường để nhận biết Chơn Tâm

Chữ “tâm” là một đề tài muôn thuở của con người trong đời sống tinh thần và tâm linh. Đối với con người tinh thần, tức con người lấy cái lòng, sự suy nghĩ rốt ráo về cuộc sống nhân sinh, thì tâm đó cũng chính là lòng người đang suy tư về cuộc sống và thân phận của mình. Đối với con người tôn giáo, chữ tâm đó khởi đầu như thể là một yếu tố mang tính giả định mà người tu học thể nghiệm cho được sự giả định đó bằng những thực hành tâm linh. Để rồi từ những chứng nghiệm cụ thể, con người tu học phải trả lời cho được tâm là gì? Đạt đến chỗ thấy tâm là đến được điểm xuất phát chân thật của con đường giải thoát.
Chữ tâm đối với con người tu học, hay con người tôn giáo, là điểm khởi đầu cho hành trình dấn thân vào cõi giới tâm linh. Tuy vậy, điều đó cũng không hoàn toàn có nghĩa là ngay ở bước khởi đầu này con người đã có hay nói đúng hơn đã nhận biết một cách đầy đủ về cái tâm của mình. Vào thời điểm bắt đầu đó, niềm tin về sự hiện hữu của tâm và bản thân cái tâm là một, và là nhân duyên cho điểm sơ khởi đầy tính thiêng liêng đó của một thân phận. Cũng gần với con người tôn giáo, con người khoa học, chỉ những người làm khoa học cơ bản, cũng có cái tâm khi họ cống hiến công sức và trí tuệ vào những khám phá có giá trị cho sự tiến bộ của loài người. Cái khác là cái tâm của họ dừng lại ở chỗ của lý trí, đỉnh cao của năng lực con người như một thực thể hậu thiên. Trong khi đó, với con người như là một thực thể quyền năng đứng trong hàng tam tài sánh cùng trời đất, cái tâm con người còn có thể đi đến được cõi giới tâm linh vốn là vùng trời không có giới hạn cho suy tưởng và chứng nghiệm. Phải chăng đó mới là cái tâm mà con người tu học phải chứng nghiệm trong cuộc đời tu học của mình?
Có thể nói rằng con đường đi đến cái tâm của nhân loại dường như là hành trình qua ba cảnh giới: từ cảm tính đến lý tính; và rồi nếu có thể, con người sẽ vươn xa đến cảnh giới tâm linh. Trong thực tại của hậu thiên, con đường từ cảm tính đến lý tính, từ cảm giác đến suy tưởng là một con đường đầy chông gai và thử thách. Đó là con đường duy nhất và tất yếu để con người hậu thiên - kẻ “thấy” được mình là ai với tư cách là một hữu thể có khả năng suy tư, thực hiện sự tiến hóa trong trần gian. Ở đó, khoa học chính là công cụ và phương tiện của con người hậu thiên này. Từ thực tại của hậu thiên, con người còn có một con đường khác, thường được cho là con đường lớn nhưng ít khách bộ hành, dẫn lối con người vượt qua hạn hữu của không gian và thời gian, vượt lên sự hạn định của lý lẽ, khái niệm... để đặt chân vào một hành trình rất khác lạ và xa xăm hơn con đường trước đó đã từng đi. Như vậy, điều muốn nói là con đường của khoa học giúp con người đạt đến chiều dài của cõi hậu thiên; và có thể nói rằng con đường tâm linh giúp con người vươn đến tầm cao của cõi tiên thiên.
Cả khoa học và tôn giáo đều là những phương tiện của con người để đi trên hai hành trình khác nhau. Đã từ lâu, con người, bằng cách nào đó, đã khiến cho hai phương tiện này trở nên những vũ khí có thể chống lại với nhau, và vì thế, con người sử dụng chúng cũng đã trở thành đối thủ không muốn đội chung trời. Mà có lẽ, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ra đời đã đánh dấu sự thay đổi về căn bản của một ý niệm thù riêng kéo dài lê thê đó của lịch sử con người. Cả hai, chỉ sẽ là những con đường khác nhau của những con người khác nhau để song hành về cùng một chữ tâm. Và từ đây chữ tâm phải có một nội dung mới mà dù muốn dù không mỗi con đường đóng vai trò là một nửa hành trình đi đến một nửa cái tâm uyên nguyên, cái tâm bản thể vốn dĩ từng là một giả định cần được chứng nghiệm của con người nói chung.
Trời đất cũng chỉ có một tâm, nên con người không thể vì lý do nào đó lại phân chia cái tâm đó thành hai nửa mà gọi đó là cái tâm toàn bị. Thiên địa chi tâm chỉ một và là cái Một hoàn chỉnh. Con người muốn đến được cái tâm duy nhất tròn vẹn đó phải có khả năng thống nhất những ý niệm phân ly. Thực tại của cuộc sống, con người luôn bị phân ly giữa một bên là sự chuẩn xác có thể kiểm chứng và một bên là sự chiêm nghiệm có tính riêng tư. Khoa học dựa trên hữu thể để xác tín tính chân lý của mọi suy tưởng và tôn giáo dựa trên kinh nghiệm tâm linh để đi đến thực tại tối hậu của hậu thiên giới. Tưởng chừng như đó là hai con đường trái ngược nhau hoàn toàn. Nhưng có lẽ đằng sau dạng thức quá đỗi khác biệt của chúng, tự bên trong chúng có những sự tương đồng mà người Cao Đài, có lẽ chỉ có người Cao Đài nhận ra được rằng cả hai chỉ là những con đường đi đến một thực tại siêu việt và ở đó cả hai sẽ nhìn thấy nhau như phần bù trừ để đạt đến cái thấy với tính toàn vẹn như nó là.
Tuy vậy, không phải điều gì con người nhân danh khoa học hay tôn giáo đều có thể thực hiện được điều đó. Chỉ khi nào con người tận tâm với những phương tiện như thế để đạt đến cái tâm hướng về tính toàn thể, khi đó nó mới có thể là những con đường đi đến được cái Tâm. Thánh giáo Cao Đài dạy rằng “khoa học sẽ giúp con người đạt địa, đạo lý sẽ giúp con người thông thiên” . Đây chính là lời khẳng định cho hai con đường đi đến cái Tâm của trời đất.
Con đường bao gồm cả hai hành trình như thế thì rất to lớn , mỗi một con người đi trên nó có một kiểu thức riêng biệt. Có người thích dùng các loại phương tiện, có người lại muốn tự tại trì chí dùng cái thân mà đi. Có người, trong lúc đi lại thích dừng lại ven đường; cũng có người lại muốn hướng đích mà tiến, chỉ nghỉ khi cần. Có người thấy giá trị trên từng bước đi; có người lại lơ mơ chẳng hiểu vì sao mình đi và rồi sẽ đi đến đâu. Rất nhiều trạng huống trên mỗi một con đường. Nên thế, trong sự tiến hóa tâm linh, có nhiều phương pháp phù hợp với mỗi trạng huống của con người. “Pháp môn vô lượng” cũng muốn nói lên cái ý đó, chớ không có nghĩa là phải nhiều phương pháp thực hành thì mới tốt. Mỗi con người chỉ nên chọn một cách thức. Vì điều quan trọng hơn những cách thức đó chính là con đường nào mà họ đang chọn đi. Xét cho cùng, mỗi cách thức mà con người chọn lựa để đi không thể làm nên con đường, vốn là nguyên lý toàn thể và to lớn hơn cách thức mà con người thực hiện. Nếu ta lỡ gọi tên cách thức của ta là con đường, thì dường như ta nhầm Pháp với Đạo. Nếu ta thấy cách thức của ta, phù hợp với con đường, thì dường như ta đã theo Đạo mà hành đúng Pháp.
Cũng như vậy, nếu lấy đơn cử những phương pháp cụ thể rồi cho rằng đó là con đường đi đến cái Tâm, có lẽ sẽ là thiếu sót. Nhưng nếu có thể chọn lấy một trong những công cụ có tính căn bản và hợp lý để làm đại diện cho một hướng đi, có lẽ sẽ dễ dàng hơn. Thí dụ, trên con đường đi đến cái Tâm của con người khoa học thì khoa học tâm lý là một kiểu thức sẽ dẫn ta đến sự thấu hiểu và chia sẻ được với mọi người xung quanh. Con người khoa học chân chính, với phương thức đó, có thể nhận ra cái tâm thông qua việc nhìn thấy những dạng thức dị biệt của tâm nhân sinh. Đồng một lý như thế, con người tôn giáo có nhiều phương pháp để đến với tâm, nhưng phương pháp nhìn thẳng vào những hình thái của vọng tâm để trực nhận ra chơn tâm. Trên mỗi con đường, con người sẽ nhận ra rằng kết quả thu được của mỗi hành trình luôn có giá trị cho phần còn lại để từ biến đổi từ cái tâm giả định đến cái tâm được nhận thức tròn vẹn.

Tạm Kết
Con đường đi đến chỗ trực nhận cái tâm tuy muôn nghìn lối nẻo, song tựu trung lại chỉ có hai hướng chính mà thôi. Cũng phải nói thêm rằng, chỉ đến Tam Kỳ Phổ Độ con người mới thực sự được ban trao một khả năng mới không hạn định vào bất cứ phương cách chi tiết nào miễn sao việc đó nằm trong phạm vi của pháp môn Tam Công, đây chính là tổng pháp tông của người Cao Đài. Hai hướng mà con người có thể đến được chỗ nhận biết cái tâm chính là con đường vào đời tế chúng và rèn luyện tánh mạng. Đó cũng là bức tranh toàn cảnh của người đạo Cao Đài “Một sứ mạng Thầy dành hai ngõ. Một ra đi, một trở lại Thầy.”. Con đường ra đi không phải là hành trình rứt áo tha phương, nếu con người vẫn còn giữ được hoặc quay về lại được với căn nguyên của mình. Trên mỗi phương diện hành sự, bất cứ khi nào con người ứng xử và suy tư trên căn bản của đạo lý thì tức là con người đang thừa hành sứ mạng. Khoa học là phương tiện hữu hiệu để con người có thể đạt đến chỗ “nhận biết” một cái gì đó hợp lý tồn tại trong hậu thiên giới, tức cảnh trần gian. Vì thế, nếu con người dụng khoa học trên lập trường kẻ thừa hành sứ mạng thì nó sẽ giúp con người thấu đạt đến tận cùng của cuộc hiện sinh. Con đường trở lại tức là hành trình cởi bỏ những dị biệt và đa đoan để thu nhiếp vào bên trong mỗi tự thể để thấy bản nguyên đại thể hằng thường tự tại. Có thể nói, đó là hành trình quay về với nhân bản và an lạc, vốn là bản tính kế thừa từ tiên thiên giới cho vũ trụ hậu thiên.
Con đường thứ nhất là con đường đi đến với nhân sinh. Nhờ đó, ta hiểu nhân sinh một cách có phương pháp và cụ thể. Con đường thứ hai là con đường trở lại với tự thân trong mối liên hệ với căn nguyên tự thể. Nhờ đó ta có thể lần hồi để đến được tính bản thể của cái tâm. Cả hai con đường đều cần thiết để khiến cho người tu học nhận biết một cách chân xác về Tâm. Đức Mẹ cũng có lần giáng dạy như sau: “Vì khả năng giác quan của các con có giới hạn, vì khả năng lý trí của các con có giới hạn, nên các con chỉ biết một mà không biết hai. Các con chỉ biết những gì trong cõi dục giới mà các con không biết những gì trong cõi vô sắc giới. Thế nên sự giác ngộ là tối cần cho các con. Khi cần nhập thế giúp đời để làm bổn phận vi nhân thì con chạy ra thế giới bên ngoài hữu vi hữu tướng. Khi cần tự tu tự tiến con lại trở vào thế giới bên trong để nuôi dưỡng nguồn sống tâm linh. Chỉ có nguồn sống này mới khả dĩ giúp con thông thiên đạt địa, chứng quả bồ đề, siêu sinh liễu tử mà thôi” . Lời dạy của đức Mẹ cũng minh định về hai con đường của một cuộc tồn sinh. Mỗi cuộc tồn sinh đồng thời cũng chính là hành trình đến được cái tâm, căn đề cho mọi sứ mạng và trách vụ tại thế của con người tôn giáo. Khi ra thế giới bên ngoài, ta cần có đạo lý của thế giới hữu vi, vốn được phản ánh một phần qua những ngành khoa học cơ bản vị nhân sinh. Khi vào thế giới nội tại, ta cần xuất phát từ chỗ căn bản là sáu căn để đến được nguồn sống tâm linh thật sự. Muốn được như lời đức Mẹ dạy, có lẽ không gì khác hơn, ngay từ bây giờ mỗi người tu học cần chuẩn bị cho mình đầy đủ sự cẩn trọng để bước đi cả trên hai phương diện, hai hành trình đó.
Nhân viên CQPTGL chắc không phải lo toan nhiều, vì lẽ Lịch trình Hành đạo và Thánh dụ Quy điều đã định ra hai con đường đó. Một là thực hiện sứ mạng Đại Đạo, một là phải chuyên cần tu luyện thân tâm. Muốn thực hiện sứ mạng Đại Đạo, công cụ và phương tiện phù hợp không gì khác hơn là những giá trị khoa học. Muốn tu luyện thân tâm, chắc rằng ai cũng thừa nhận pháp môn Tam Công là công cụ trợ lực hữu hiệu. Công cụ này càng hữu hiệu hơn nếu ta đặt vào trong căn bản tính của con người nằm trong sáu căn.
*  *  *

HAI ĐƯỜNG ĐI ĐẾN CÁI TÂM
Phần 2: Hai công cụ cơ bản cho sự tìm kiếm con đường để nhận biết Chơn Tâm


Bài viết trước bàn về hai con đường mà con người có thể đi trên đó để đạt đến một nhận thức về cái Tâm. Thực tế, cả hai con đường đó đều đang tồn tại song hành với nhiều trạng huống khác nhau. Mỗi con đường là một thế giới rộng lớn khác nhau. Trên mỗi con đường đó, có nhiều dạng thức của các hành trình tùy vào nhận thức và khả năng của con người đi trên đó. Trong nhiều dạng thức như thế, ta chỉ nên tìm hiểu những công cụ nào đó, vừa gần gũi vừa cơ bản hướng ta đến cái tâm. Một là giúp ta đến được cái tâm của nhân sinh, hai là khiến ta có thể quay lại được với cái tâm bản nguyên.
Từ đây, hãy lấy điển hình từ khoa học tâm lý với công cụ MBTI và điển hình từ khoa học tâm linh với phương thức quán chiếu lục căn để thấy được những hình ảnh cụ thể của hai con đường này.

MBTI là gì?
Được xây dựng từ nhà phân tâm học C.Jung, sau đó tiếp tục được phát triển do hai nhà khoa học tâm lý Katharine Briggs và Isabel Myers.
MBTI là từ viết tắt của Myers-Briggs Type Indicator, có nghĩa là bộ định vị các kiểu tâm lý của Myers-Briggs. Công cụ này xác định tâm thể của con người thông qua 4 tiêu chí:
1. Nguồn năng lượng của tinh thần: trong cuộc sống hằng ngày, tâm của một cá nhân có thể thiên về nội tại (Introvertion) hoặc có thể thiên về ngoại tại (Extravertion).
2. Mối quan hệ với thế giới bên ngoài: Trong cuộc sống hằng ngày, khi tiếp cận một sự việc hay một vấn đề ta dùng các giác quan hữu quan để ghi nhận thông tin. Đó là kiểu Cảm giác (Sensing). Hoặc là ta ghi nhận một cái nhìn tổng thể về sự việc hay vấn đề thay vì đi vào quá chi tiết, quá nhiều thông tin. Đó là kiểu dùng đến Trực giác (IntuitioN) để ghi nhận thông tin về sự việc hay vấn đề.
3. Phương thức ra quyết định hay đánh giá: Hai phương thức mà một cá nhân có thể đưa ra trong quyết định hoặc đánh giá của cá nhân đối với một sự việc hay vấn đề là dựa vào luận lý (Thinking) hoặc những giá trị từ kinh nghiệm tự thân (Feeling).
4. Phương thức tổ chức đời sống: Cũng có hai cách thức mà một cá nhân sẽ thực hiện trong việc tổ chức sinh hoạt đời sống của mình. Nếu là người thuộc kiểu Đánh giá (Judging) thường sẽ tổ chức theo kế hoạch, tiến trình công việc. Người thuộc kiểu Lĩnh hội (Perceiving) thường có xu hướng chấp nhận thay đổi, không nhất định một kế hoạch nào, khả năng linh hoạt.
Như vậy, thông qua 4 tiêu chí về tâm thể khả dĩ của con người, MBTI định ra được 16 loại tâm thể có thể có trong cộng đồng người trên toàn thế giới. Mỗi một dạng thức của tâm thể trong MBTI là một khuynh hướng của một cá thể con người trong mối quan hệ với thế giới bên ngoài nó và với chính bản thân nó. ISTJ, ISFJ, INFJ, INTJ, ISTP, ISFP, INFP, INTP; ESTP, ESFP, ENFP, ENTP, ESTJ, ESFJ, ENFJ, ENTJ.
Có thể cho rằng MBTI đã phân định được cách thức mà tâm thức nhân sinh hiện hữu. Sự hiện hữu của 16 dạng thức tâm thức này không dựa trên cơ sở của bảy tình và sáu căn. Chúng cũng không do sự phân biệt với ngoại cảnh để hình thành. Chính xác, chúng dựa trên mối liên hệ căn bản nhất của con người với môi trường xung quanh. Hay nói cách khác, chúng là xu hướng cơ bản của con người để tồn tại và phát triển. Nhờ vào công cụ này, người ta có thể hiểu nhau, biết rõ về nhau hơn. Do đó mà công cụ MBTI được dùng nhiều trong xây dựng tổ chức (trong việc xây dựng đội nhóm làm việc cùng nhau, xây dựng phương thức kiến tạo môi trường cộng tác), xác định phương hướng học tập, hàn gắn xung đột, phát triển cá nhân … MBTI có thể được tìm hiểu và ứng dụng trong môi trường tu học như ở CQPTGL. Ngoài ra, nó còn nên được quan tâm như một công cụ khảo sát chữ Tâm theo hướng khoa học tâm lý cũng như các chuyên ngành tâm lý khác (kể cả lý thuyết và ứng dụng).

Lục Căn là gì?
Con đường thứ hai được lấy ví dụ có liên quan đến triết lý tôn giáo về tâm. Trong các nền tôn giáo thế giới, có một sự đồng tình rất lớn khi nhận định rằng Phật giáo là tôn giáo khoa học về lĩnh vực tâm lý học. Cũng dễ hiểu khi nhìn vào kho tàng tri thức của tôn giáo này với nhiều nghiên cứu và tài liệu về chữ tâm rất cao siêu và đầy tính lý luận. Từ xưa đến nay, giáo lý Phật giáo luôn luôn nhận được sự ngưỡng mộ của bậc trí thức và người tu hành chân chính.
Trong các bản kinh văn ghi chép lại, có lẽ kinh Thủ Lăng Nghiêm là bản kinh đặt ra nhiều vấn đề về chữ tâm nhất. Sau này, có nhiều bản luận về tâm như trong học phái Duy Thức là một thí dụ.
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, một bản kinh chuyên chú vào việc minh định chơn tâm thường tại, có rất nhiều lời dẫn dụ của đức Phật về tâm và cả lục căn, lục trần và lục thức. Bài học từ giáo lý Phật giáo, hay từ Thủ Lăng Nghiêm kinh về sáu căn là những cánh cửa để đi vào tâm của con người tu học. Do đó, việc tu tập cho sáu căn thanh tịnh chính là định hình một con đường nữa đi đến cái tâm của người tu học.
Sáu căn bao gồm: nhãn (mắt), nhĩ (tai), tỉ (mũi) , thiệt (lưỡi), thân và ý. Tâm nếu xét như là hữu thể, giả định này thuần túy là một giả định không đi đến bản chất của chơn tâm, chỉ như là một khối năng lực có các cơ năng chính của nó là sáu căn. Hình dung như thế chỉ muốn nói rằng sáu căn chính là chỗ vào ra cái tâm của con người. Khi sáu căn đi ra ngoài để đối diện với sáu trần và ở đó, cái tâm vì thế sẽ trở nên hư vọng như cảnh trần đó. Khi sáu căn thanh tịnh, tâm sẽ được minh định và sáng tỏ.
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, khi nói về tu tập các căn, đức Phật cũng cho thấy được tính căn bản của sáu căn:
“A Nan ! Ông muốn ngược dòng sanh tử hãy xét sáu căn ông hiện thọ dụng. Cái nào hợp, cái nào ly, căn nào sâu, căn nào cạn, căn nào viên thông, căn nào không viên thông. Nếu khai ngộ được một căn viên thông thì đảo ngược tất cả dòng nghiệp vô thỉ. Đối với hiệu quả tu hành, bấy giờ một ngày bằng một kiếp.
Tôi đã chỉ rõ cho ông: Sáu căn, căn nào cũng trong sáng và đều có số lượng công năng. Tùy ông chọn lựa. Thích hợp căn nào tôi sẽ hướng dẫn cho ông để ngày thêm tăng tiến.
Mười phương Như Lai, căn, trần, thức, 18 giới đều là công cụ để viên mãn vô thượng bồ đề. Căn cơ trí tuệ còn non nớt, ông cần đi sâu tu tập một căn. Một căn thanh tịnh thì sáu căn đồng thời được tháo mở hoàn toàn thanh thoát. ”
Mối liên quan giữa sáu căn và tâm có lẽ không có gì để bàn luận thêm. Tâm bị đảo điên mà mất đi bản chất thanh tịnh là do sáu căn đảo điên với cảnh trần, sanh nhiều vọng tưởng. Tâm có được thanh tịnh không bị đảo điên bởi cảnh trần là nhờ sáu căn thanh tịnh. Sáu căn như sáu cửa vào được bản tâm. Bởi thế để đi đến được tâm, con đường sáu căn là con đường nhanh nhất. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm có đoạn như sau:
“A Nan! Cái gút thắt khiến cho ông luân hồi sanh tử, chính là sáu căn của ông, chớ chẳng phải cái gì khác!
Ông lại cũng muốn biết, phải làm sao mau đến chỗ an lạc, giải thoát, tịch tĩnh vô thượng Bồ đề!
Này! A Nan! Thì cũng chính là sáu căn của ông đó, chớ chẳng phải cái gì khác.”
Qua đó, ta thấy được ý nghĩa của sáu căn trong việc nhận ra được đâu là cái tâm chân thật, đâu là cái tâm vọng tưởng. Khoan bàn đến pháp môn nào khác. Chỉ nói đến sáu căn của con người, ta cũng thấy ở đó có lối vào bản tâm của ta. Như cái thấy và cái nghe vẫn luôn thường tại nơi con người. Biết rằng chúng không phải là cảnh trần, nên biết rằng chúng thường tại. Biết rằng chúng là căn đề cho Niết Bàn, nên tu tập sáu căn để thánh hóa trí năng.
Trong Duy Thức, khi ở địa vị con người thế tục, sáu căn điên đảo sanh tâm vọng tưởng. Con người thế tục trầm luân ngay trong đời sống thường nhật, nên phiền não lại sanh phiền não. Khi sáu căn nhờ tu trì mà được thanh tịnh, tâm nhờ đó mà sáng, trí nhờ đó mà được thánh hóa, đoạn được luân hồi sanh tử, phiền não lại sanh được cội bồ đề. Quan niệm như thế thật đã làm rõ giá trị căn bản và trường tồn của sáu căn và cái tâm. Khi nào vẫn còn con người, khi đó vẫn còn phải suy niệm về tâm và căn.
Tương quan giữa MBTI và lý thuyết về Lục căn
Tạm đưa ra một đối chiếu để thấy sự khác biệt nhưng đồng thời cần thiết của hai công cụ và phương tiện để đạt đến chữ tâm trong thời đại mới mà Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đang triển khai sứ mạng đối với cuộc tiến hóa tâm linh của nhân sinh.
Mối tương quan của MBTI, một đại diện đơn cử của con đường khoa học và lý thuyết về sáu căn, đại diện cho con đường tâm linh là hai chiều kích của một cái tâm. Khi con người hướng đến xã hội, cộng đồng nhân sinh, khoa học là phương tiện hữu hiệu để xây dựng một cái tâm tổng thể mang tính nhân sinh để đặt nền tảng cho sự tiến bộ. Khi con người hướng về thế giới nội tại thì tôn giáo là phương tiện không thể thiếu để tìm đến một nguồn sống bất tận, một cái tâm tĩnh lặng thuần nhất để đặt nền tảng cho nhân bản và an lạc.
Tuy nhiên, cũng nên chia sẻ với nhau rằng cả MBTI và thuyết về sáu căn chỉ là hai đại diện cho hai con đường đến chữ Tâm. Ngoài chúng ra, ta còn nhiều kiểu cách khác nữa cũng đồng hành trên hai con đường đó.
Cũng nên nhắc lại điều quan trọng rằng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã đặt một hướng đi rộng lớn cho con người. Mức độ rộng lớn đó đã được Ơn Trên giáng dạy nhiều lần từ thuở khai đạo đến nay. Hướng đi đó phổ quát và cho nên bao hàm cả hai con đường đã được bàn trong bài viết này, Hai Đường Đi Đến Cái Tâm. Trên một phương diện nào đó, điều này khiến chúng ta sẽ suy tư và sớm nhận ra rằng Cao Đài là dòng tư tưởng hiện sinh siêu linh.

Thanh Long (Văn Hóa Vụ CQPTGL)
Thanh Long

Tâm con vốn bửu tòa Thầy ngự,
Hãy giúp người gìn giữ Thiên cơ,
Hoằng khai Đại Đạo Tam Kỳ,
Công bình, bác ái, từ bi đứng đầu.

Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, CQPTGL, Rằm tháng 10 Quý Sửu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây