Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
LTS:Tháng 10-2006, tại Hội nghị APEC diễn ra ở nước ta, 21 vị nguyên thủ quốc gia đã mặc ...
-
MỞ ĐẦU § Năng lượng tối (dark energy) là một chủ đề mang tính thời sự của vật lý thiên văn ...
-
Con thiết lễ Khai Minh Đại Đạo, Thầy giáng lâm chỉ giáo chơn cơ; Bấy lâu luống những đợi chờ, Chờ con cất ...
-
Trần gian là trường tiến hóa cho vạn linh sanh chúng, nhưng đồng thời cũng là nơi con người chịu ...
-
CUNG TÝ là cung khởi đầu, cho nên trong Dịch Học phân ra ngôi TAM TÀI như sau : THIÊN ...
-
"...Tôi không quen ghi chép sổ sách gì, nhưng nhớ. Đó là ngày 20 tháng Chạp năm Bính Dần. Hôm ...
-
TÂM LINH TRÊN ĐƯỜNG TIẾN HÓA Những năm cuối của thế kỷ XX có nhiều nhà nghiên cứu đã tiên ...
-
Người Chăm theo hai tôn giáo chính là Bà la môn và Hồi giáo. Trong Hồi giáo lại chia ra ...
-
Đạo Cao Đài là một tôn giáo mới, được Đức Chí Tôn khai sáng vào đầu thế kỷ XX tại ...
-
Chùa Bà Thiên Hậu tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi, Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, là ...
-
Ý nghĩa đầy đủ của TCH chính là ước muốn giao lưu, kết hợp giữa con người trên thế giới, ...
-
. . .Đại Đạo nói đây là “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”. Chính danh hiệu rất hàm súc, rất ...
Thiện Chí
XU HƯỚNG HÀNH ĐẠO CỦA ĐẠO CAO ĐÀI TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA, HỘI NHẬP QUỐC TẾ
XU HƯỚNG HÀNH ĐẠO CỦA ĐẠO CAO ĐÀI TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA, HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Thiện Chí
[Tham luận tại Hội thảo về TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠO CAO ĐÀI TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM]
Trước khi bàn về “Xu hướng hành đạo của đạo Cao Đài trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế”, chúng ta hãy thử đề ra những lãnh vực có xu hường toàn cầu hóa trên thế giới hiện nay.
1. Lãnh vực tôn giáo
2. Lãnh vực văn hóa và truyền thông
3. Lãnh vực môi trường
4. Lãnh vực hòa bình thế giới
* * *
I. Xu hướng hành đạo của đạo Cao Đài trong lãnh vực tôn giáo/đức tin
1. Về mặt tôn giáo, thế giới đang có xu hướng toàn cầu hóa để hóa giải mọi kỳ thị, tranh chấp hay bất hợp tác trong công cuộc xây dựng xã hội đạo đức và tình thương nhân loại.
Những động thái toàn cầu hóa tôn giáo trên thế giới đang được các tôn giáo và các cộng đồng ngoài tôn giáo hoan nghinh, đơn cử như:
_ Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc
Lịch sử Vesak: Vesak - tên gọi tháng thứ 4 trong năm theo lịch cổ của Ấn Độ, người Ấn Độ có tín ngưỡng Phật giáo xem tháng Vesak là tháng linh thiêng bởi vào ngày trăng tròn của tháng này đã diễn ra 3 sự kiện trùng lặp gắn liền với thân thế và sự nghiệp của Đức Phật: Phật đản sinh (ngày sinh của Đức Phật), Phật thành đạo (Đức Phật tu hành đắc đạo) và Phật Niết bàn (ngày Đức Phật qua đời).
Trước sự phát triển và ảnh hưởng của tôn giáo trên thế giới, nhiều sáng kiến đưa ra để lựa chọn một tôn giáo điển hình phù hợp với xu hướng phát triển của nhân loại tiến bộ. Sau nhiều năm xem xét,vào ngày 15 tháng 12 năm 1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc tại phiên hợp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức chấp nhận đề nghị của 34 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, chọn Phật giáo vì giá trị đạo đức, văn hóa và tư tưởng hòa bình bất bạo động của Đức Phật. Với Nghị quyết: Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên hợp quốc. Những họat động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York và các trung tâm của Liên hợp quốc trên toàn thế giới từ năm 2000 trở đi.
Năm 2001, Đại lễ Vesak được kỷ niệm lần đầu tiên tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ). Kể từ đó đến nay Đại lễ Vesak đã được tổ chức nhiều năm liền ở trụ sở Liên hợp quốc và ở các nước có Phật giáo đăng cai.i
_ Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thiết lập “TUẦN LỄ HÒA HỢP TÔN GIÁO TOÀN CẦU” vào tuần lễ đầu tháng Hai hàng năm, qua Nghị quyết GA 11013 ngày 20/10/2010.
_ Chủ trương liên tôn giáo của Cộng đồng Vatican II:1
Công đồng Vatican II hay Vaticanô II là công đồng đại kết (ecumenical council) của Giáo hội Công giáo Rôma, được Giáo hoàng Gioan XXIII triệu tập ngày 11 tháng 10 năm 1962 và Giáo hoàng Phaolô VI kết thúc ngày 8 tháng 12 năm 1965. Công đồng Vatican II đề cập đến khía cạnh tích cực của nhiều tôn giáo, nhìn nhận có yếu tố chân lý và thánh thiện, trong đó: “Giáo hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động, những lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng vẫn thường có ánh sáng của Chân lý vốn hằng chiếu soi cho hết mọi người” (NA, 2)(8) . Giáo hội Công giáo luôn cổ vũ việc xây dựng một cuộc sống chung hài hòa trong xã hội, mời gọi tín đồ của mình hợp tác với tín đồ các tôn giáo khác trong việc thăng tiến các giá trị tinh thần, luân lý cũng như văn hóa xã hộiii
_Ngoài ra từ cuối thế kỷ 19 đến thế kỷ 20-21 đã có nhiều hội nghị tôn giáo thế giới đã được tổ chức nhằm thống nhất tiếng nói chung về đoàn kết tôn giáo, nhất là về góp phần bảo vệ hòa bình trên hành tinh.
_ Tại Việt Nam, đầu TK 20, tôn giáo Cao Đài được chính thức thành lập, làm “Lễ Thánh Thất” trọng thể ra mắt nhân sanh trong nước và toàn thế giới vào năm 1926 với danh hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Tôn chỉ- Mục đích của nền đạo là “ Tam giáo quy nguyên, Ngũ chi phục nhất” và “Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát”.
Từ hơn 90 năm qua, Tôn chỉ mục đích trên đã và đang soi dẫn cho đường lối hành đạo của tất cả các Hội Thánh, Tổ chức đạo Cao Đài. Từ nguyên tắc “quy nguyên phục nhất”, Cao Đài hướng về nguồn gốc chung của tôn giáo là Đại Đạo vói ý nghĩa Đại Đạo không mang hình thức hay giáo điều tôn giáo mà là một Nguyên lý phổ quát duy nhất chính là cứu cánh duy nhất của mọi tôn giáo. Do đó, phương châm hành đạo của đạo Cao Đài giữa các tôn giáo là “vạn giáo nhất lý”, Cao Đài nhìn nhận và tôn trọng các tôn giáo khác nhau đồng hành trên đường giác ngộ chúng sinh và xây dựng xã hội đạo đức.
Đó là hệ quả “nhất lý” giữa tôn giáo về mặt sinh hoạt tâm linh. Còn giữa con người và con người, giữa xã hội, giữa các dân tộc, đối với xu thế toàn cầu hóa trên phương diện bình đẳng và nhân quyền, đạo Cao Đài ứng dụng mục đích “Thế đạo đại đồng”.
Thật ra, không phải chờ đến bối cảnh “hội nhập quốc tế” ngày nay, mà ngay khi khai đạo, Cao Đài đã chủ trương “bình đẳng giới”, “nữ nam trách nhiệm đồng” trong sinh hoạt tôn giáo và công cử chức sắc. Giữa các dân tộc, giữa con người với con người, chủ thuyết Đại linh quang-Tiểu linh quang của Cao Đài dạy người tín hữu xem mọi người, mọi dân tộc là anh em một cha. Bài học “Sự thương yêu” được truyền tụng từ đó: “Thầy thường nói với các con rằng Thầy là Cha của sự thương yêu.Do bởi thương yêu,Thầy mới tạo thành thế giới và sanh dưỡng các con.Vậy thì các con sản xuất nơi sự thương yêu,các con tức là cơ thể của sự thương yêu.
Ấy vậy,sự thương yêu là giềng bảo sanh của Càn Khôn Thế Giới.Bởi thương yêu mà vạn loại hòa bình, Càn Khôn an tịnh,mới không thù nghịch nhau, không thù nghịch nhau,mới không tàn hại nhau, không tàn hại nhau mới giữ bền cơ sanh hóa. . .” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Tòa Thánh Tây Ninh) iii
Đó là những điểm căn bản dẫn xuất từ Nhân sinh quan, Vũ trụ quan Cao Đài để hành đạo trên đường hội nhập vào các hoạt động phụng sự nhân sinh của các tôn giáo toàn cầu.
II. Xu hướng hành đạo của đạo Cao Đài trong lãnh vực hội nhập quốc tế về văn hóa và truyền thông.
_ Văn hóa đạo đức: Tuy đạo Cao Đài hình thành và phát triển chưa đến 100 năm nhưng đang có sẵn một kho tàng văn hóa rất đặc sắc vừa phát huy văn hóa dân tộc, vừa truyền tải văn hóa đạo đức của các tôn giáo lớn trên thế giới. Kinh Cao Đài viết:
“Thầy sắp cuộc dinh hoàn tái tạo,
Dụng huyền linh Đại Đạo vận hành;
Quyền Thầy hiệp cả vạn sanh,
Đông Tây, kim cổ lập thành tương lai.
Trước xây đắp Cao Đài thánh đức,
Dụng Nam Bang làm mức phóng khai,
Dân Nam sứ mạng Cao Đài,
Năm châu bốn bể hòa hài từ đây.”2
Đó là tinh thần toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế trên nền tảng “quy nguyên Tam giáo, vạn giáo nhất lý.”, mà động tác cụ thể là:
“ Tưới nước vun phân Nho Thích Lão,
Nâng cành sửa lá Pháp hòa Tăng”3
Do đó, công cuộc truyền bá giáo lý của đạo Cao Đài đang và sẽ mở rộng ra toàn cầu:
“ Phổ là khắp ra ngoài thế giới,
Thông là nguồn suốt tới muôn phương;
Giáo là dạy nẻo chỉ đường,
Lý là lẽ thật chủ trương thái bình.”iv
Cho nên, đem đạo vào đời, người hành đạo đươc hướng dẫn cặn kẽ : “Phổ thông giáo lý không phải hiểu đơn thuần làm cho mọi người hiểu đạo là đủ, mà phải làm cho cơ đạo được thống nhất tinh thần, thông suốt mọi dân tộc, mọi lý thuyết và mọi hoàn cảnh.”v
Với hằng vạn kinh điển truyền tải văn hóa đạo đức hàm súc văn chương tuyệt tác, với những công trình nghiên cứu đặc sắc về đạo Cao Đài của nhiều nhân sĩ trí thức, tín hữu Cao Đài trong ngoài nước và học giả quốc tế, xu hướng hành đạo của Cao Đài có đủ hành trang hội nhập công cuộc phát triển văn hóa toàn cầu.
_ Giữa đà phát triển mạnh mẽ và rộng khắp của công nghệ thông tin và truyền thông, các Hội Thánh, các tổ chức thuộc tôn giáo Cao Đài không bỏ qua thời cơ phổ truyền sâu rộng khắp thế giới về mọi sinh hoạt tâm linh, về giáo lý Đại Đạo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tìm hiểu mọi phương diện của nền Đạo. Người ta có thể kể ra hàng vài chục trang web thuộc đạo Cao Đài trong ngoài nước, bao gồm cả các trang sinh ngữ Anh, Pháp, Đức; chưa kể các hình thức thông tin cá nhân khác.
III. Xu hướng hành đạo của đạo Cao Đài trong hoàn cảnh toàn cầu hóa về môi trường.
Giáo lý Cao Đài vận dụng nguyên lý “Thiên địa vạn vật nhất thể”, quan niệm muôn loài (kể cả loài người) đều có chung một Bản thể , trong đó sự sống và tiến hóa do các quy luật tự nhiên của vũ trụ điều hòa thế nào giữ cho môi trường sống luôn luôn đạt thế quân bình để mọi cá thể tồn tại và phát triển đúng theo chu trình tiến hóa tiếp diễn không ngừng.
Kinh Đạo Học Chỉ Nam viết:
Trong Trời đất cơ đoan có một,
Giữa Kiền Khôn trụ cốt không hai;
Hóa công diệu hữu sắp bày,
Huyền huyền nhứt khí chuyển xoay vận hành.
Từ thảo mộc, phi cầm, tẩu thú,
Từ sơn xuyên, phong vũ, hàn ôn;
Háo sinh đức cả vô cùng,
Linh quang một khối, trần hồng hóa phân.
Quyền tối trọng nguyên nhân vạn vật,
Máy tối linh phẩm chất Thiên lương;
Bao la gấm vóc phi thường,
Ngũ hành phối hiệp, âm dương điều hòa.4
Nếu con người, vô tình hay hữu ý phá vỡ thế quân bình của sự sống thì lập tức môi trường sống trên hành tinh bị tổn thương, muôn loài phải chịu hoại diệt.
Do đó Liên Hiệp Quốc và các nước trên thế giới đã báo động tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải , khí thải do các loại công kỹ nghệ và nhu cầu tiêu dùng của xã hội ngày càng tăng. Mọi thành phần quần chúng, kể cả tín đồ các tôn giáo đều được phổ biến nguy cơ tác hại sức khỏe của môi trường ô nhiểm, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ môi trường xanh, sạch cho cộng đồng xã hội.
Gần đây, tại Việt Nam các tôn giáo trong đó có tôn giáo Cao Đài đều được mời dự các hội nghị về mội trường và tự nguyện cam kết chống ô nhiểm môi trường bằng cách giáo dục quần chúng trong địa hạt mình các kiến thức về mặt sản xuất và tiêu dùng sao cho an toàn sức khỏe.
Thật ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa bảo vệ môi trường trên đây, đạo Cao Đài đã được trang bị căn bản giáo lý “linh quang một khối”, không đợi đến lúc được cảnh báo hay cam kết, người tín hữu vẫn có ý thức gìn giữ sự quân bình của môi trường hành tinh. Rừng xanh, hoa cỏ xinh tươi, đất đai phì nhiêu, muôn thú sinh sôi, không khí trong lành, đối với người đạo Cao Đài tất cả tổng hợp thành Mẹ thiên nhiên rất thân thương.
III. Xu hướng hành đạo của đạo Cao Đài trong bối cảnh xây dựng và bảo vệ hòa bình thế giới.
Thánh giáo Cao Đài có câu: “ Tấm lòng của nhân loại là nơi chân lý cứu rỗi phát sinh tạo thế an bình cho xã hội.”vi Và Đức Chí Tôn từng phán rằng: “ Các con đã sanh trong Đại Đạo, hãy noi theo Đại Đạo mà thành về cõi thượng thiên Vô Cực”vii
Như thế, giáo lý Cao Đài đã chỉ rõ nguyên lý xây dựng hòa bình nhân loại chẳng ở đâu xa mà ở ngay trong tâm đạo thuần chánh của con người:
“Trở lại long mình hỡi thế nhân,
Quay về Thượng Đế tính đơn thuần;
Không gây tham vọng không oan trái,
Nước mạnh nhà yên bởi hợp quần.”viii
Trong những thập kỷ qua, các tôn giáo đã từng tham dự nhiều hội nghị về vai trò tôn giáo đối với hòa bình thế giới, đó là những cơ hội để đại diện đạo Cao Đài nêu lên nguyện vọng hòa bình và giải pháp bảo vệ hòa bình.
Thế giới hòa bình, Cao Đài gọi là đời Thánh đức. Muốn lập đời Thánh đức cần có con người Thánh đức. Đó là con người hoàn toàn thể hiện Nhân bản. Nhân bản là bản vị của con người ngang hàng với trời đất. “Nhân bản có sáng chói con người mới thật sự là con người”. Chính con người ấy mới tạo được “Thế nhân hòa” đem lại hòa bình chốn thế gian. “Mục đích của chủ thuyết nhân hòa trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là làm thế nào lập một xã hội cải thiện mọi xã hội với ba tiêu chuẩn: nhân bản, an lạc, tiến bộ. Sự quân bình xã hội có được trong thế nhân hòa là phải đầy đủ ba yếu tố đó.”ix
Thiễn nghĩ đó là xu hướng hành đạo của đạo Cao Đài trước vấn nạn xây dựng hòa bình thế giới.
IV. KẾT LUẬN
Trong bối cảnh toàn cầu hóa nhiều lãnh vực trên thế giới hiện nay, toàn đạo Cao Đài cần trang bị sẵn sàng những điều kiện để hành đạo hội nhập quốc tế theo tôn chỉ mục đích của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ:
1. Không mê ngủ trong đức tin, đừng ảo vọng trong lý tưởng. Phải học hỏi rèn luyện không ngừng, vượt qua mọi thử thách mới có đủ bản lãnh hội nhập.
2.Muốn đại đồng cùng thiên hạ phải đại đồng cùng dân tộc trước đã ( Nói cách khác, muốn hội nhập cùng thế giới, phải hội nhập cùng dân tộc trước đã.)
3.Trong tinh thần “Vạn giáo nhất lý”, quan hệ tốt với tôn giáo bạn trong và ngoài nước. Nghiên cứu giáo lý các tôn giáo, các sinh hoạt tôn giáo trong nước và quốc tế. Tham gia các hội nghị tôn giáo trong nước và quốc tế liên quan đến đời sống xã hội văn minh tiến bộ và sinh hoạt tâm linh hướng thượng. .
4. Đối với quốc tế, vận động tín đồ tìm hiểu, tham gia các chương trình bảo vệ môi trường xanh trong nước và thế giới; các chương trình sức khoẻ cộng đồng. Trao đổi văn hóa với các dân tộc trong và ngoài nước . . .
Tài liệu tham khảo:
_ Trang Web Ban Tôn Giáo Chính Phủ
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/4917/Tim_hieu_Dai_le_Vesak_Lien_Hop_quoc_o_Viet_Nam
_ Wikipedia : https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_%C4%91%E1%BB%93ng_Vatican%C3%B4_II
_ Ngô Quốc Đông, Liên Tôn Giáo Công Đồn Vatican II, Tap chi nghien cuu TG)
_Thánh giáo sưu tập Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý
_ Kinh Đạo Học Chỉ Nam, Minh Lý Thánh Hội
_Thánh giáo tại Minh Lý Thánh Hội