Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Cao Đài giáo ra đời từ năm 1925-1926, cho đến nay đã trải ...
-
Năm 1967, cách nay 40 năm, Đức Lý Thái Bạch là Đấng Thiêng Liêng đầu tiên đã ban ân hướng ...
-
“Xuân, xuân đến, muôn phần nô nức, Xuân là chi vạn vật đón chờ? Xuân về có rượu có thơ, Có câu chúc ...
-
Tu hành /
Chúng ta theo lẽ thường tình hay dùng từ Tu Hành để chỉ các vị chức sắc tôn giáo cùng ...
-
Vậy, để hội nhập thế giới trong kỷ nguyên Tam Kỳ Phổ Độ, người Cao Đài phải nhận định, nắm ...
-
"Ta gởi lời này cho tất cả nhân sinh trên cuộc đời đang có, từ dân tộc nghèo đói dốt ...
-
Các Đấng Giáo Chủ nhận thấy bản thể của Vũ Trụ : Nho Giáo gọi là Thiên hay Đế, Lão Giáo gọi ...
-
Trong đời sống hằng ngày, có lúc nào bạn chợt tự hỏi “ Tôi là ai ?”. Câu trả lời ...
-
Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) là anh hùng dân tộc, nhà văn hóa vĩ đại trong lịch sử Việt ...
-
"Thật sự thì tự ngàn xưa, bên cõi trời Đông, bên bờ sông Lạc Việt, bên lịch sử Tiên Rồng ...
-
Trong Phúc âm, Thánh Mathiơ viết : " Khi Đức Chúa Jesus đã sinh tại thành Belem, xứ Giu-đê, đang đời ...
-
Thời kỳ mạt pháp là thời kỳ được bắt đầu từ sau khi đức Phật nhập niết bàn 1500 năm, ...
Thiện Chí
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 20/02/2014
THIÊN QUAN TỨ PHƯỚC VÀ SỨ MẠNG THIÊN ÂN
TỪ THIÊN QUAN TỨ PHƯỚC đến SỨ MẠNG THIÊN ÂN
Ảnh bên: tượng Vua Lê Thánh Tông tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội)
Hôm nay, tuy là buổi thuyết đạo ngày rằm như thông lệ, nhưng đặc biệt, Rằm tháng Giêng là Lễ Thên Quan Tứ Phước, và đặc biệt hơn nữa, đồng thời Kỷ niệm ngày khai mạc Văn Phòng CQPTGL năm xưa (1965). Nên trước hết, xin đọc lại Thánh huấn của Thầy:
Thánh giáo:
“NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ KIM VIẾT CAO ĐÀI GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG - THẦY các con, Thầy mừng các con.
Hỡi các con ! Thầy đã chọn ngày Thiên Quan Tứ Phước mở Văn Phòng để các con nhờ hồng ân của Thầy mà lập công với Đạo. Thầy cho phép các con an tọa, nghe Thầy dạy đây :
Hỡi các con! Đời càng loạn, đạo càng phải trị, lấy tĩnh mà chế động. Đó là phương pháp của đạo cứu đời. Với cơ đạo hiện giờ, thử hỏi các con có việc làm nào để xứng đáng với chức vụ ấy chưa ?
Các con là những điểm linh quang của THƯỢNG ĐẾ phát sanh, đến ngày nay, bao nhiêu cuộc biến chuyển trước mắt các con, tức nhiên mỗi đứa đều phải có ý thức làm sống dậy trách nhiệm trước cơ đạo cũng như cơ đời.
[ . . .] Trước hiện tình đặc biệt ngày nay, nhiệm vụ các con rất cần hơn lúc nào hết. Con không còn tìm ăn những bánh vẽ và trao bánh vẽ cho kẻ khác cùng ăn;mà con phải ăn một thức ăn tinh thần và mọi người đều thọ hưởng thức ăn tinh thần ấy, để có đủ năng lực sáng suốt, ngõ hầu đối phó với mọi hoàn cảnh hiện tại và xây đắp lại nền tảng giáo lý vững chắc ở tương lai.
Thời gian không còn cho phép các con làm những bài thí nghiệm nữa”.
I. TÌM HIỂU Ý NGHĨA “THIÊN QUAN TỨ PHƯỚC”
A.-Từ ngữ:
天 THIÊN
1 : Bầu trời.
2 : Cái gì kết quả tự nhiên, sức người không thể làm được gọi là “thiên”. Như “thiên nhiên” 天然, “thiên sinh” 天生,v.v.
3 : Nhà tôn giáo gọi chỗ các thần linh ở là “thiên”. Như “thiên quốc” 天國, “thiên đường” 天當, v.v.
QUAN 官
1 : Chức quan, mỗi người giữ một việc gì để trị nước gọi là “quan”.
2 : Ngôi quan, chỗ ngồi làm việc ở trong triều đình gọi là “quan”.
8 : Công, cái gì thuộc về của công nhà nước gọi là “quan”, như “quan điền” 官田 ruộng công.
TỨ 賜
1 : Cho, trên cho dưới gọi là “tứ”.
2 : Ơn, như “dân đáo vu kim thụ kì tứ” 民到于今受其賜 (Luận ngữ 論語) dân đến bây giờ vẫn còn được chịu ơn.
PHƯỚC = PHÚC 福
1 : Phúc, những sự tốt lành đều gọi là “phúc”. Kinh Thi chia ra năm phúc : (1) Giàu có (Phú quý)(2) Yên lành (Khang ninh) (3) Trường thọ (4) Có đức tốt (Hảo đức) (5) Vui hết tuổi trời (Thiện chung).
Quan điểm “ngũ phúc” xuất phát từ sách cổ “Thượng thư-Hồng Phạm”.
Phúc thứ nhất là “trường thọ”, phúc thứ hai là “phú quý”, phúc thứ ba là “khang ninh”, phúc thứ tư là “hảo đức”, phúc thứ năm là “thiện chung”. Cũng tức là thọ, phú, khang ninh, hảo đức Quan điểm “ngũ phúc” xuất phát từ sách cổ “Thượng thư-Hồng Phạm”.
Trường thọ là không đoản mệnh chết yểu mà khoẻ mạnh sống lâu; Phú quý là tiền tài giàu có và địa vị tôn quý; Khang ninh là thân thể khoẻ mạnh và tâm linh an ninh; Hảo đức là tính tình nhân từ lương thiện và khoan hậu bình tĩnh; Thiện chung là khi sắp kết thúc sinh mệnh, không bị tai nạn, thân thể không đau đớn vì bệnh tật, trong lòng không lo lắng và phiền muộn, an tường tự tại rời xa cõi nhân gian.
B. Nguồn gốc 4 chữ “ THIÊN QUAN TỨ PHƯỚC”:
Trong bài TMGL tại Cơ Quan PTGL vào dịp Lễ TQTP, ĐT. Thiên Vương Tinh viết:
“Ngày rằm tháng Giêng cũng gọi là rằm Thượng Nguơn. (Phân biệt với rằm tháng Bảy và tháng Mười là rằm Trung Nguơn và Hạ Nguơn.)
Sách vở có khi gọi đầy đủ là Thượng Nguơn Tứ Phước Thiên Quan Đại Đế Thắng Hội. (Tứ Phước là ban phước. Thiên Quan là vị quan do Trời sai xuống. Đại Đế là tiếng tôn xưng một đấng thiêng liêng. Thắng Hội là lễ hội có tiếng hơn hết.)
Hay gọi là Thượng Nguơn Thiên Quan Thánh Đản. (Thánh Đản là ngày sinh, ngày vía một đấng thiêng liêng.)
Và thường gọi tắt là Thiên Quan Tứ Phước. (Vị quan nhà Trời xuống trần gian chăm lo cho dân, ban bố mọi sự tốt lành cho dân chúng sống ấm no, hạnh phúc.)
[Ảnh dưới: Đế Nghiêu, tranh lụa do họa sĩ Mã Lân thời nhà Tống thực hiện. Hiện còn lưu giữ ở Bảo tàng Cố cung Quốc lập, Đài Bắc.]
Vị quan nhà Trời đó, theo huyền sử, là vua Nghiêu (2357-2255 trước Công Nguyên). Ngài được xưng tụng là Thiên Quan Tứ Phước vì công đức Ngài ban rải cho chúng dân rất đỗi to tát. Sử chép rằng vua Nghiêu rất thương dân. Ngài nói: Thấy một người dân đói, ta thấy như là ta đói. Thấy một người dân rét, ta thấy như là ta rét. Thấy một người dân bị áp bức, ta thấy như là ta bị áp bức. Vua Nghiêu cho đặt trống và bảng trước triều đình. Hễ ai muốn can gián khuyến cáo nhà vua thì tới đó đánh trống xin vào triều kiến, hoặc là viết lời gián nghị dán lên bảng.
Đọc Nghiêu Điển (một thiên dài trong Kinh Thư ghi chép sự việc thời vua Nghiêu), ta thấy người xưa khen sáu đức Khâm, Minh, Văn, Tứ, Cung, Nhượng của vua Nghiêu đạt tới mức cực thịnh. Nghĩa là Ngài có tài trí, thông minh, sáng suốt, văn vẻ, đức hạnh, ý tứ, suy nghĩ sâu xa thấu lẽ, phân biệt chân giả, phân tách sự lý, thông hiểu được chí hướng của thiên hạ, làm nên việc cho thiên hạ, ban ơn đức rộng trùm bốn biển, cao thì lên tới tận trời, thấp thì trải khắp cùng mặt đất... » (Trích dẫn bài « Thiên Quan Tứ Phước » của ĐT. Thiên Vương Tinh)
[Kinh thư" chương nghiêu diễn: "Đế Nghiêu viết: phóng huân, khâm, minh, văn, tứ, an an, duẫn cung, khắc nhượng, quang bị tứ biểu...".
Nghĩa là: "Vua Nghêu xưa có công rất lớn, cung kính, thông minh, văn nhã, ý tứ, mềm mỏng, hay kính, hay nhường, đức sáng của Người tỏa khắp bốn cõi".
Đó là đoạn ca ngợi vua Nghêu, một ông vua huyền thoại cách nay trên 4000 năm trong lịch sử Trung Quốc]
Trong thư tịch cổ, Đường Nghiêu thường được ca tụng là một vị vua tài giỏi và đạo đức, lòng nhân từ và sự cần cù của ông được coi là kiểu mẫu cho mọi bậc Đế vương khác của Trung Quốc. Buổi ban đầu lịch sử Trung Hoa, ba gương mặt sáng suốt, Nghiêu, Thuấn và Vũ rất thường được đề cập tới
Theo truyền thuyết, Nghiêu lên ngôi khi 20 tuổi, qua đời ở tuổi 119 và ông truyền ngôi cho vua Thuấn, người được ông gả cho hai cô con gái từ trước. Trong nhiều cống hiến của mình, vua Nghiêu được cho là đã phát minh ra cờ vây.
Truyền thuyết “Sào Phủ Hứa Do” là một chuyện đời vua Nghiêu. Nhân vật Bành Tổ cũng được cho là một nhân vật của thời vua Nghiêu.
Việc Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn chứ không truyền ngôi cho con là Đan Chu thường được sử sách đời sau xem là tấm gương mẫu mực của việc chọn người tài đức chứ không vì lợi ích riêng tư của dòng họ.
Các vua Việt Nam cũng dùng Nghiêu Thuấn là mẫu mực cho việc cai trị. Bên trong điện Thái Hòa (thành nội Huế), ngay trên ngai vua có bài thơ:
Văn hiến ngàn năm dựng
Núi sông vạn dặm xa
Hồng Bàng thuở lập quốc
Nghiêu Thuấn vững sơn hà.
II. VUA LÊ THÁNH TÔNG, VỊ THIÊN QUAN CỦA VIỆT NAM
A. TIỂU SỬ: (Ảnh bên: Tượng thờ vua Lê Thánh Tông tại Văn Miếu Quốc tử Giám – Hà Nội)
Lê Thánh Tông (chữ Hán: 黎聖宗; 20 tháng 7[1] năm Nhâm Tuất 1442 – 30 tháng 1 năm Đinh Tỵ 1497)[1], là vị Hoàng đế thứ năm của nhà Hậu Lê (tính cả Lê Bang Cơ và Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân) trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1460 đến 1497. Ông tên thật là Lê Tư Thành (黎思誠), còn có tên khác là Lê Hạo (黎灝). Ông nổi tiếng là vị minh quân, là người đã đưa Đại Việt lên tới thời hoàng kim của chế độ phong kiến. Ông cũng được xem là một nhà văn hoá và một người coi trọng hiền tài.
Trong lúc trị vì, Lê Thánh Tông đã đề xuất nhiều cải cách trong hệ thống quân sự, hành chính, kinh tế, giáo dục và luật pháp. Ngoài ra, ông đã tiến hành công cuộc Nam tiến, mở mang bờ cõi Đại Việt bằng cách đánh chiếm kinh đô của vương quốc Chiêm Thành (1471), sáp nhập một phần lãnh thổ Chiêm Thành vào Đại Việt; đồng thời có cuộc hành quân về phía Tây đất nước vào năm 1479.
Thụy hiệu do người kế vị ông, Lê Hiến Tông truy tôn là "Sùng thiên Quảng vận Cao minh Quang chính Chí đức Đại công Thánh văn Thần vũ Đạt hiếu Thuần Hoàng đế"
B. ĐẠO NGƯỜI CỦA LÊ THÁNH TÔNG
Thế giới quan Nho giáo là cơ sở để Lê Thánh Tông trình bày những quan niệm về “Ðạo người”.
. . .Những phẩm chất con người được Lê Thánh Tông đề xuất, căn cứ đầu tiên vào phẩm chất kẻ sĩ. Ông tập trung vào một số phạm trù chính của Nho gia truyền thống để diễn đạt hệ thống đạo đức, bao gồm: Nhân, lễ, nghĩa, trí, dũng, trung, chính, trực, cung, khoan... Trong đó, vượt lên trên và bao trùm tất cả là đức Nhân. [ . . .]
Lê Thánh Tông quan niệm “Nhân” gần gũi với đời sống xã hội, với tâm hồn, tình cảm của người dân Đại Việt. Ông còn chủ trương xây dựng hệ thống pháp luật mà ở đó nguyên tắc nhân đạo cũng được tính đến như một nguyên tắc quan trọng.
Chẳng hạn đàn bà phạm tội không phải chịu “trượng hình”(đánh bằng trượng) mà chỉ phải chịu “xuy hình”(đánh bằng roi); đàn bà chịu tội “lưu hình”(đi đày) không phải đeo xiềng như đàn ông.(Điều 1, chương Danh lệ). Điều 16, 17, chương Danh lệ có những quy định khoan hồng với người già và trẻ em, người có hoàn cảnh đáng thương hoặc có tài năng đáng tiếc. Ngoài ra, nguyên tắc nhân đạo còn áp dụng đối với người phạm tội ra tự thú, được tha tội hoặc giảm tội, trừ những tội thập ác (Điều 18, 19, chương Danh lệ).
Với tư cách là vua một nước, ông còn làm riêng một bài thơ răn mình:
"Lòng vì thiên hạ những sơ âu
Thay việc trời, dám trễ đâu
Trống dời canh còn đọc sách
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu
Nhân khi cơ biến xem người biết
Chứa thuở kinh quyền xét lẽ màu
Mượn biểu áo vàng chăng có việc
Đã muôn sự nhiệm trước vào tâu".
(Tự thuật)
Lê Thánh Tông cho rằng dù đã học hết Tứ thư Ngũ kinh, thấu hiểu đạo lý rồi nhưng lòng chưa thành tâm thật ý, trước sau như một thì vẫn không thể hành đạo được: “Nghiền ngẫm chín kinh đã hiểu thấu đạo lý/ Sở dĩ thực hành được là ở lòng chí thành” (Giang hành ngẫu thành - kỳ nhị). Bên cạnh đó, “Cung, khoan, tín, mẫn, huệ” là những đức tính bổ trợ, có tác dụng làm cho mọi việc được trôi chảy, thông suốt. Đây là những phẩm chất cụ thể gắn liền với mỗi hành vi đạo đức của con người. Lê Thánh Tông viết: “Tiếp đãi kẻ dưới cung kính thì con đường đi sáng sủa hanh thông” (Văn minh cổ xuý thi tập bài thứ 5 [VMCX-5]). Ông tuy làm vua nhưng vẫn giữ được sự gần gũi với dân, thương dân; âu cũng thể hiện nếp khiêm nhường của đấng chí tôn và cũng là lòng nhân vậy.
Thấy dân rét mướt nghĩ mà thương,
Vậy phải lên ngôi gỡ mối giường.
Tay ngọc lần đưa thoi nhật nguyệt,
Gót vàng dận dạn máy âm dương.
(Dệt cửi)
Lê Thánh Tông là một ông vua đặc biệt yêu mến người hiền tài. Thân Nhân Trung, tác giả câu nói nổi tiếng " Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Câu nói nổi tiếng trên là của vị Tiến sĩ triều Lê, Phụng trực đại phu, Hàn lâm viện thừa chỉ, Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung vâng mệnh vua Lê Thánh Tông soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu, tại Quốc Tử giám, cách đây 530 năm (1484- 2014), đã khẳng định vai trò của nhân tài trong việc hưng thịnh đất nước :"Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí"
C. CÔNG ĐỨC LỚN CỦA LÊ THÁNH TÔNG:
I. Nhà văn hóa Lê Thánh Tông trên phương diện tự thân
Năm 1495 Hội Tao Đàn ra đời do đích thân Lê Thánh Tông làm nguyên súy, gồm 28 “ngôi sao thơ” (nhị thập bát tú) như: Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Ngô Luân, Ngô Hoán, Nguyễn Xung Xác…
II. Nhà văn hóa lớn Lê Thánh Tông trên cương vị một đệ nhất minh quân trị bình thiên hạ
1. Lựa chọn, xây đắp cho đất nước một học thuyết làm nền của sự phát triển
2. Sử dụng hiền tài trong công cuộc “Trị bình thiên hạ”
3. Chăm lo phát triển giáo dục và mở rộng kiện toàn chế độ thi cử
4. Chăm lo xây dựng luật pháp cho công cuộc trị bình thiên hạ
5. Bênh vực nữ quyền
6. Thành lập Hội Tao Đàn, tạo không khí văn chương cho đất nước
QUÂN SỰ
Hoàng đế Lê Thánh Tông ra sắc chỉ đầu tiên là chỉnh đốn lại quân đội, đôn đốc và thực hiện các bước để tăng cường các khả năng chiến đấu của các vệ quân năm đạo
Theo các sử gia, thì vũ khí quân sự dưới thời Lê Thánh Tông đã có những tiến bộ vượt bậc
HÀNH CHÍNH
Lên nắm triều chính, Lê Thánh Tông nhanh chóng chấm dứt tình trạng chia rẽ của triều đình. Ông làm việc không biết mệt mỏi, làm gương cho các quan lại. Lê Thánh Tông khẩn trương tổ chức củng cố và xây dựng nền hành chính Đại Việt mạnh mẽ, táo bạo.
Dưới thời Lê Thánh Tông, các quan chỉ được làm việc tối đa đến tuổi 65 và ông bãi bỏ luật cha truyền con nối cho các gia đình có công - công thần. Ông tôn trọng việc chọn quan phải là người có tài và đức
KINH TẾ
Hoàng đế Lê Thánh Tông còn đặc biệt quan tâm các chính sách nhằm phát triển kinh tế như: sửa đổi luật thuế khóa, điền địa, khuyến khích nông nghiệp, mở đồn điền,kêu gọi người phiêu tán về quê,đặt ra luật quân điền chia đều ruộng đất cho mọi người
Những nỗ lực nhằm xây dựng phát triển Đại Việt của Lê Thánh Tông đã được kiểm chứng qua các bài chiếu, chỉ dụ do ông trực tiếp chấp bút và ban bố, như Chiếu khuyến nông, Chiếu lập đồn điền, Chiếu định quan chế, v.v...
GIÁO DỤC
Cùng với việc xây dựng thiết chế mới, Lê Thánh Tông đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài. Ngoài Hàn lâm viện, Quốc sử viện, nhà Thái học, Quốc Tử Giám là những cơ quan văn hóa, giáo dục lớn, Lê Thánh Tông còn cho xây kho bí thư chứa sách, đặc biệt đã sáng lập Hội Tao Đàn bao gồm những nhà văn hóa có tiếng đương thời mà Lê Thánh Tông là Tao Đàn chủ soái.
Dưới thời ông, việc thi cử và học tập thường xuyên và rất nhiều tiến sĩ và trạng nguyên đỗ đạt và thành danh. Ông khởi xướng lập bia Tiến sĩ và tiến hành cho dựng để ghi danh, tôn vinh những người tài và đức của dân tộc Đại Việt ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám và các thế hệ, các triều đình sau này tiếp tục bổ sung các tấm bia vinh danh mới.
LUẬT PHÁP
Bộ Quốc triều hình luật của nhà Hậu Lê đã được hoàn thiện trong thời Lê Thánh Tông[4], nên còn được gọi là Luật Hồng Đức. Với bộ luật này, Đại Việt đã hình thành một nhà nước pháp quyền sơ khởi và thuộc loại sớm trên thế giới.
Lê Thánh Tông đã lấy những quan điểm của Nho giáo làm hệ tư tưởng, chỉ đạo việc biên soạn, ban hành luật pháp, nhằm thể chế hoá một nhà nước phong kiến Đại Việt, với truyền thống nhân nghĩa, lấy dân làm gốc.
Bộ luật Hồng Đức được lưu lại đến ngày nay bao gồm 13 chương với 700 điều
Thế nên, qua khảo cứu và nhận định của các nhà sử học , văn học, Nho học, chúng ta có thể tôn vinh Vua Lê Thánh Tông là một “Thiên quan tứ phước” của Đại Việt trước kia và Việt Nam ngày nay.
III. ĐỊNH HƯỚNG “THIÊN QUAN TỨ PHƯỚC” TRONG GIÁO LÝ ĐẠI ĐẠO
A. Đạo Học Chỉ Nam:
“Mọi sinh hoạt đều đưa con người vào đường Tiến hóa, mới chính là việc phải nghĩ đến trước hết,
_ Hạnh phúc có phải là cái yên vui riêng của bản thân con người?
_Đúng, trong câu nói hẹp hòi này sẽ đưa con người đến hố sâu tiêu diệt. Hạnh phúc vĩnh cửu là vô ưu vô phiền não. Chính trong cái vô ưu vô phền não sẽ chứa đựng như bầu trời bát ngát bao la. Những sự việc giả tạm, chỉ là lớp áo hạnh phúc, có chăng nữa cũng theo thời gian mà phôi pha đi mất.
[ . . .] Con người phải nhìn nhận chúng sanh là chính mình trong ý nghĩa đại thể và con người là nhân sinh cá biệt. Có như thế, sự quan sát nhân sinh sẽ không đi đến chỗ sai lầm và chủ quan thiên lệch.”
B.Đức Chí Tôn dạy: “Con ôi! Trên đời không có nỗi đau khổ nào bằng tay tự chặt lấy tay, mình tự hủy diệt mình. Muốn tránh nỗi khổ đó, các con hãy học lòng Tạo Hóa bao la vô biên, vô lượng mà ở đời. Từ ngôn ngữ, hành động, tư tưởng cố tránh được oan nghiệt, sự thưởng phạt đã có luật nhân quả thừa trừ chí công vô tư, các con đừng dại dột gây thêm nhân tạo thêm nghiệp nữa. Các con hàng Thiên ân trong Đại Đạo hãy dốc chí làm gương mẫu của sự thương yêu thì quyền pháp Đại Đạo mới trọn tay thực hiện được. Cộng với phu tu luyện của các con đó là tu chứng của kết quả sau cùng trong trường tiến hóa của các con.”
IV. TỪ THIÊN QUAN TỨ PHƯỚC đến SỨ MẠNG THIÊN ÂN
Sứ mạng Thiên ân: Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:
“Này chư hiền đệ hiền muội ! Những gì đã được ĐỨC THƯỢNG ĐẾ CHÍ TÔN cùng chư phật tiên thánh thần dạy từ mấy mươi năm qua, giờ đây đã diễn tiến và diễn tiến cho đến khi nào kết quả trước công cuộc xây dựng đời thánh đức Thượng nguơn. Chư hiền đệ hiền muội là những người Thiên ân chức sắc hướng đạo trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đối với cuộc đời, sứ mạng thiêng liêng cao cả đã gắn liền với người được gọi là con cái đã chọn của ĐỨC CHÍ TÔN, thì hơn bao giờ hết, người Thiên ân đã có quyền pháp đạo THƯỢNG ĐẾ bao trao để lèo lái thuyền từ qua biển khổ.”
_ Làm thế nào để nhận được Sứ mạng Thiên ân
Đức Giáo Tông dạy trong một đàn Xuân:
“ . . .Hỡi nhân thế hãy nghe lời Ta phán,
Dân ý thị Thiên ý, một bầu xán lạn giữa quần sanh;
Hãy đoạn trái oan thì tánh mạng được an lành,
Nhân dục thị thiên chi sở dục.
Lòng Bác ái, đức háo sanh ấy thuận Thiên thành Đại Đạo.
“Chư đệ muội có biết không ?
“ Trên quãng đường hành đạo, người được xếp vào hàng Thiên ân quyền pháp, muốn hoàn thành sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ phải vừa tự độ vừa độ tha. [ . . .] Nội tâm bình thản thì ngoại thể ung dung, có tác phong đạo hạnh để cảm hóa người đời. Hãy khắc kỷ phục lễ để nâng cao phẩm giá của người tu. Trải một thân mà muôn lòng được vui, đó là vừa tự độ, vừa độ tha.
Dức Đông Lâm Tiên Trưởng dạy:
“Mở cửa Nam Thiên độ khách trần,
Kỳ ba ân xá thoát mê tân;
Xây đời thánh đức người an lạc,
Trải lắm công phu mới vẹn phân.”
“Đạo là công cuộc vận hành từ trời đất đến vạn vật, từ hữu tướng đến vô hình. Chính con người là một cơ cấu trong mối đạo to tát ấy, nên chi con người được lãnh mạng Trời chấp chưởng vạn dân đắp xây nền móng cho xã hội an bình hạnh phúc, hay nhận lãnh sứ mạng giáo dân vi thiện, thoát vòng lục đạo để tạo cảnh đời an nhàn cực lạc, như các vị thánh xưa hay các nhà lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo tôn giáo xưa nay. Biết được như vậy thì cá thể cũng như gia đình, gia đình cũng như xã hội quốc gia, xã hội quốc gia cũng như vũ trụ, hình thức tuy có khác, nhưng luật tắc điều hành có khác chi.”
Thiên cơ thế sự dịnh phân rồi,
Chờ đợi con người đạo đức thôi;
Cội cả mưa xuân khoe sắc thắm,
Tàng cao nắng hạ vượt lưng trời.
Hộc hồng chắp cánh muôn phương lộng,
Kình ngạc vẫy vùng khắp biển khơi.
Sứ mạng Thiên ân tua gắn bó,
Nên ta, nên đạo, mới nên đời.
(Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo)
V. KÊT LUẬN:
Hôm nay, Rằm tháng Giêng Giáp Ngọ, với cảm hứng Khí Xuân hòa diệu, tình động đạo đồng sứ mạng ấm áp, xin mạn phép Đức Giáo Tông ngâm lại bài thơ khai bút “Đề bút khai Xuân của Ngài” để kết luận đồng thời là món quà Xuân kính tặng tất cả quý vị:
“Tân niên đề bút khai xuân,
Hồng ân chan rưới Thiên ân gội nhuần.
Ánh xuân quang trập trùng bủa khắp,
Hương xuân hòa vạn vật thắm tươi,
Hoa xuân vẫn nở nụ cười,
Thềm xuân rộn rã bước người Thiên ân.
Xuân là để canh tân thế đạo,
Xuân là mầm sáng tạo tương lai,
Thâu tàng sanh trưởng ngày ngày,
Phục nguyên đức cả an bài vạn linh. . .”
______________
Tài liệu Tham Khảo và trích đoạn trong bài viết:
_Thánh giáo CQPTGL Đại Đạo, Đức Chí Tôn, Đức Giáo Tông Đại Đạo, Đức ĐôngLâm Tuên Trưởng.
_Bài Thuyết minh giáo lý đề tài “Thiên Quan Tứ Phước” của Đạo Trưởng Thiên Vương Tinh (CQPTGL)
_Tiểu sử Lê Thánh Tông, vi.Wikipedia.org
_Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập (3 volumes)
_Thơ Nôm Lê Thánh Tông, Kiều Văn, http://newvietart.com/index4.924.html
_Đạo Người của Lê Thánh Tông, http://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/%27%C4%90%E1%BA%A1o_ng%C6%B0%E1%BB%9Di%27_trong_th%C6%A1_L%C3%AA_Th%C3%A1nh_T%C3%B4ng