Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
26/04/2004
Thiện Chí

Sứ mạng Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ

Cách đây hơn 80 năm, khi Ðức Thượng Ðế hạ ngọn linh cơ lần đầu tiên tại Việt Nam, tức là đã đặt viên gạch đầu tiên cho Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ tại thế gian này. Từ đó tòa Cao Ðài được thiết lập đồng thời được ban trao sứ mạng Tam Kỳ Phổ Ðộ. Sứ mạng phổ độ nhân sanh kỳ thứ ba này được mệnh danh là sứ mạng Ðại Ðạo do bởi đặc ân của Thượng Ðế dành cho cơ cứu thế hạ nguơn tức là cơ cứu độ sau cùng trước khi kết thúc một đại chu kỳ vũ trụ.

I. NHỮNG TÍNH CHẤT ÐẠI ÐẠO CỦA SỨ MẠNG :

1. Ðích thân Ðức Thượng Ðế khai đạo lập đạo :

Chúng ta đều biết, khi Ðức Thượng Ðế khai đạo và lập đạo, Ngài xưng là "Cao Ðài Tiên Ông" và mối đạo Ngài lập ra gọi là "đạo Cao Ðài". Do đó theo ước lệ thế gian, có thể xưng tụng Ngài là Giáo chủ Ðạo Cao Ðài, nhưng đừng vô tình đồng hóa Ðấng Chúa Tể càn khôn, với ngôi giáo chủ; đồng thời đừng tôn giáo hóa, địa phương hóa cơ cứu thế đặc biệt lớn rộng chưa hề có.

Một cơ cứu thế do chính Ðức Chí Tôn hoằng hóa không thể xem như công cuộc truyền giáo thông thường như các tôn giáo xưa nay đã làm. Ðây là thời kỳ "hoằng khai Ðại Ðạo" là cuộc vận hành của thiên cơ. Cho nên sứ mạng này phải là Sứ mạng Ðại Ðạo.

Hai chữ "Ðại Ðạo" không phải để tự tôn, để đề cao mà do bởi những đặc tính hằng hữu bất biến, tính phổ quát và toàn diện của THIÊN ÐẠO (ÐẠO TRỜI).

Ðức Chí Tôn đã khẳng định điều đó khi Ngài dạy :

"Các con ôi ! Thầy là Chúa tể càn khôn sinh ra muôn loài vạn vật (qua) bao nhiêu cuộc tuần hoàn, dinh hư tiêu trưởng, đó là sự mầu nhiệm của Thầy đã định sẵn. Vì vậy mà đến buổi hạ nguơn, Thầy đến xứ Việt Nam này để khai đạo, kêu gọi các bậc nguyên nhân hãy sớm lập công bồi đức hướng dẫn toàn thể sanh linh sớm tĩnh tu để về cõi trường tồn chánh giác, hoặc hưởng đời Thượng nguơn Thánh đức"
(01.01. Ất Tỵ 1965)

2. Thực hiện cơ qui nguyên :

Thiên Ðạo vận hành theo qui luật tuần hoàn trong đó vạn vật vạn linh phát triển theo chu kỳ "dinh hư tiêu trưởng". Ðức Chí Tôn khai đạo kỳ ba là thực hiện cơ qui nguyên ở cuối chu kỳ tiến hóa. Do đó, cơ đạo Kỳ ba này là công cuộc thực hiện sứ mạng Ðại Ðạo bởi vì nó ứng hiện Thiên Ðạo, Thiên Luật mà Ðức Chí Tôn gọi là "sự mầu nhiệm của Thầy đã định sẵn". Hơn một lần Thầy đã xác định cơ qui nguyên ấy.

"Ðạo là con đường duy nhứt cho vạn linh sanh chúng từ Thầy ban phát đến thế gian và từ thế gian các con trở lại Thầy. Thầy là Hư vô chi khí thì Ðạo cũng đồng nghĩa đó thôi. Nên chi trong thời kỳ hạ nguơn chính mình Thầy dùng khí Hư Vô trực tiếp hữu hình đến thế gian để dẫn dắt thâu hồi những điểm linh quang Thầy đã cho xuống trần gian trở về Khối Ðại Linh Quang"
(Ngọc Minh Ðài, 29.12 Bính Ngọ, 02.02.1969)

3. Mục tiêu tận độ : Ðây cũng là một tính chất Ðại Ðạo :

Mục tiêu này rất lớn lao nhưng khả thi vào thời Tam Kỳ Phổ Ðộ do đặc ân đại ân xá của Ðức Thượng Ðế, do chánh pháp Thầy truyền, do tiến bộ của thế giới , "Nhân loại đã hiệp đồng, Càn Khôn dĩ tận thức", do khát vọng giải thoát của nhân sanh.

Ðức Giáo Tông Vô Vi Ðại Ðạo dạy : " Quyền pháp Ðạo thực thể cứu thế phải có trách nhiệm trên toàn thể nhân loại. Không phải chỉ giải quyết vấn đề tâm linh, chính là giải quyết toàn diện cá thể con người"

Như thế "tận độ" có nghĩa là cứu độ toàn diện cá thể con người và toàn thể nhân loại. Toàn diện tức gồm đủ hai mặt nhân sinh và tâm linh, toàn thể tức không bỏ sót một thành phần căn cơ nào.

Mục tiêu này được thực hiện bằng cách vận dụng quyền pháp của Ðại Ðạo hiệp nhứt vạn sanh tổng hợp tinh hoa cổ kim của nhân loại, đem lại thái hòa cho toàn thế giới.

Thế là : Thượng Ðế + Ðạo + vạn sanh + văn minh nhân loại
lập thành sức mạnh của Sứ Mạng Ðại Ðạo.

Nên Thầy đã dạy :
"Thầy sắp cuộc dinh hoàn tái tạo,
Dụng huyền linh Ðại Ðạo vận hành;
Quyền Thầy hiệp cả vạn sanh,
Ðông Tây Kim Cổ lập thành tương lai".(CQPTGL Đ Đ, 15.02.Quí Hợi; 29.03.1983)

II.NHỮNG TRỌNG ÐIỂM của SỨ MẠNG ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ.

1. Phục hồi Nhân bản, tạo thế Nhân hòa đi đến Ðại đồng nhân loại :

- Về mặt nhân sinh, Ðại đồng nhân loại là một lý tưởng của thế giới, một ước vọng của loài người mà cũng là mục tiêu của Sứ mạng Ðại Ðạo. Gọi là lý tưởng hẳn nhiên không thể đạt đến một cách dễ dàng. Tuy nhiên Ơn Trên đã nói không phải Ðức Chí Tôn cấy lúa trên tảng đá hay trao quyển binh thư cho người mù chữ. Bởi vì Ngài biết rằng con cái Ngài đã thừa hưởng được cái vốn liếng quí giá của Ngài từ lúc ra đi. Chỉ còn vấn đề là biết vận dụng, khai thác nó ra sao để mọi người đều có thể góp phần vào sự nghiệp chung của toàn cõi nhân sinh.

Vốn liếng ấy chính là Nhân bản.

Sứ mạng Tam Kỳ Phổ Ðộ chọn khâu đột phá để thực hiện "thế đạo đại đồng" là phục hồi Nhân bản bởi vì con người đã vô tình hay hữu ý đánh mất cái bản vị cao quí ấy. Do say sưa men đời, đắm chìm trong dục hải, hoặc ngây ngất trên ngôi hư danh ngã mạn.

Nên Ðức Giáo Tông Vô Vi Ðại Ðạo dạy : " Cái bản vị cao quý nhất của con người đối với vạn vật vạn linh cũng là cái rất quan trọng cới chính nó trong cuộc sống toàn diện, là sống theo đúng bản vị của con người trong ý nghĩa bất tử bất biến [...] nhưng chính nó đã biến thái rất nhiều trong màn đêm lục thức mà cứ ngỡ rằng vẫn còn rực rỡ huy hoàng đẹp đẻ như cánh bướm, như hoa tươi, trong muôn ngàn tiếng ngợi khen vô nghĩa hão huyền" (Cơ Quan, 15.4 Tân Dậu,1981)

Giáo lý Ðại Ðạo cảnh tỉnh con người trở về Nhân bản bằng cách :

- Nhắc nhở đẳng cấp tiến hóa của con người đứng trên vạn vật, vạn vật hiện sinh bằng bản năng và bằng thú tánh, nhưng con người có thêm trí năng và thiên lương (lương năng)

" Người xứng người đứng trong hoàn vũ,
Người nên người là chủ lấy thân;
Người là muôn mặt cân phân,
Lý tình gồm đủ, hình thần câu diêu. "
(Ðạo Học Chỉ Nam- Nhân sanh nhất quán)


- Con người là một chủ thể đã tiến hóa qua con đường gian khổ diệu vợi bằng vô lượng kiếp mới đạt đến địa vị gần với Trời, nhưng vẫn phải học hỏi, trau giồi, phụng sự để tiếp tục tiến hóa đến tận cuối đường là cõi thiêng liêng bất diệt. Thế gian chưa phải là giai đoạn cuối cùng của con đường tiến hóa. Nhưng cuộc sống thế gian là điều kiện để tiếp tục tiến hóa. Nếu tự mãn hay bất mãn ở cõi này đều bị trở ngại hoặc thoái hóa.

" Xét tình trạng nhân sanh xã hội,
Biết tùy thời thay đổi tiến tu;
Cùng nhau vẹt sạch áng mù,
Dắt dìu ra khỏi trần tù bất công."
(ÐHCN.- Nhân sanh nhất quán )

Ðức Quan Âm Bồ Tát có dạy : " Ðời là cõi tạm, thật vậy. Ðạo là sanh hóa, cũng thật vậy. Cũng trong luật tắc tài thành của Ðức hiếu sanh, đã ban phát cho nhân loại đầy đủ bộ máy tối linh để người giác ngộ biết đem tự thể sở sanh với vũ trụ tuần hoàn mà tìm hiểu đời sống, tức đạo lý [...] Tự tánh thiên nhiên không làm cho cuộc đời là giả tạm, mà chính chỗ dục vọng của con người mới biến đổi là tạm bợ mà thôi " (Trúc Lâm Thiền Ðiện, 20.10 Quí Sửu, 1973)

- Con người đương nhiên mang lấy sứ mạng vi nhân khi sanh ra làm người. Thật vậy, con người được Tạo Hóa un đúc, sinh thành là để góp phần chung tay sáng tạo tô điểm cuộc nhân sinh đồng thời hoàn thiện bản thân, phát huy Nhân bản đến mức chơn nhơn thánh thiện. Con người là một tuyệt tác của Tạo Hóa nhưng không phải là một pho tượng mỹ thuật để ngắùm nhìn, ngược lại giá trị kỳ diệu của nó ở chỗ nó vẫn tiếp tục tạo tác không ngừng để phụng sự cho cuộc tiến hóa chung của đồng loại và vạn vật.

Ðức Quan Âm Bồ Tát từng nhắc nhở :

"Con người vừa lọt lòng mẹ là đã thọ ơn của đất trời, của nhân loại. Nếu không làm hoặc để lại một sản nghiệp tinh thần tốt đẹp gọi là trả ơn đất trời, đáp nghĩa nhân loại, đó là hàng ký sinh trùng không hơn không kém, chớ còn chi gọi là hàng tối linh trong vạn vật" (Cơ Quan, 15.9 Quí Sửu, 1973)

Và Ðức Giáo Tông Vô Vi Ðại Ðạo cũng khẳng định sứ mạng vi nhân : "Mỗi người đều có sứ mạng riêng của mỗi người, tất cả nhân loại đều là sứ mạng trong trường tiến hóa này" (Cơ Quan, 18.01 Tân Hợi, 1971)

Người đời đang sống, đang hoạt động trong những lĩnh vực, hoàn cảnh khác nhau, nhưng sống và hoạt động mỗi mỗi đều với ý thức nghĩa vụ của một nhân sanh, là đang ở trên nhân bản.

- Nhưng điểm đặc biệt quan trọng nhứt trong sứ mạng phục hồi Nhân bản của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ là khai thông mối liên hệ giữa Người và Trời. Bởi vì Nhân bản không chỉ là trọng tâm của nhân tính mà tối yếu là hàm ẩn Thượng Ðế Tính trong con người. Cho nên Nhân bản là điểm nối kết của Tâm linh với Nhân sinh. Sứ mạng Ðại Ðạo dạy cho con người tìm ra chiếc chìa khóa khai thông ấy ở nội tâm, tâm trung thanh tịnh thuần khiết.

"Trở lại lòng mình hỡi thế nhân,
Quay về Thượng Ðế tính đơn thuần,
Không gây tham vọng không oan trái,
Nước mạnh nhà an bởi hợp quần
(Ðức Lê Ðại Tiên-TGST1970-71)

Ðức Vạn Hạnh Thiền Sư đã từng nhấn mạnh bí quyết tiến hóa của con người như sau:

"Con người, khi hiểu thông đạo lý, tìm được mấu chốt là chìa khóa liên hệ giữa người và Trời, thì con người sẽ tự tu, tự tạo, tự lập, tự tiến cho mình trở nên hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật dễ dàng". (Minh Lý Thánh Hội, 02.6 Canh Tuất, 1970)

2. Ðưa tôn giáo lên tầm vóc Ðại Ðạo, xây dựng thực thể Ðạo cứu thế :

Ðây là sứ mạng qui nguyên tôn giáo.

Các tôn giáo phát sinh từ Ðại Ðạo, trải qua lịch sử nhân loại trong mục đích cứu độ con người, đã chịu nhiều biến đổi làm xa cách chơn truyền của các bậc giáo tổ. Một khi đã phân hóa cùng cực, tôn giáo không thể thực hiện sứ mạng cứu rỗi nhân sanh nữa. Tôn giáo muốn giữ được bản chất nguyên thủy, đeo đuổi mục đích cứu độ thực tiễn và toàn diện, phải tùng theo qui luật qui nguyên phục nhứt, tức là phục hồi tinh thần Ðại Ðạo, nêu cao một giáo lý thuần nhứt dẫn dắt nhân sanh tiến hóa tại thế gian và giải thoát xuất thế gian, trở về nguồn gốc tâm linh là Ðại Linh Quang.

Do đó, Khai Ðại Ðạo tam Kỳ Phổ Ðộ, Thầy nêu lên tôn chỉ :

" Tam giáo qui nguyên, ngũ chi phục nhứt."

Trong Kinh Ðại Thừa Chơn Giáo, Thầy dạy :

" Ngày nay, Thầy đến đây đem ba nền tôn giáo hiệp nhất lại tạo thành một nền tôn giáo lớn lao để đời đời kiếp kiếp cho nhơn sanh nương vào đó mà lánh cơ nạn khổ thảm sầu" (Ðại Thừa Chơn Giáo, Trước tiết tàng thơ, 1956, trang 91)

Hiệp nhứt ba nền tôn giáo nói trên không có nghĩa là thống nhứt Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo thành một giáo hội là Cao Ðài Giáo. Nhưng đó là sự tổng hợp Thánh Ðạo, Tiên Ðạo, Phật Ðạo.

"Tam giáo qui nguyên" là sự biểu hiện một công cuộc hồi sinh chánh pháp của Ðức Chí Tôn. Qui nguyên được Tam giáo thì chánh pháp sáng tỏ, bởi vì chánh pháp thị hiện ra ở chỗ Ðắc nhứt của Tam giáo. Từ đó vạn giáo sẽ đều thấy sáng tỏ chánh pháp trong mỗi tôn giáo của mình để góp phần xây dựng con đường phản bổn hoàn nguyên cho nhân sanh.

Thế nên Thầy phán : " Thầy nhứt định qui nguyên phục nhứt"
(TNHT, Q1, Tây Ninh, 1973, tr.18)

"Chính mình Thầy đến chốn Nam bang,
Mượn đất đem gieo mối Ðạo Vàng;
Tưới nước vun phân Nho Thích Lão,
Nâng cành sửa lá Pháp hòa Tăng"

Ðường lối qui nguyên của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ là đặt một sứ mạng quyền pháp mở đầu cơ cứu độ kỳ ba : Sứ mạng Cao Ðài.

" Trước xây đắp Cao Ðài thánh đức,
Dụng Nam Bang làm mức phóng khai,
Dân Nam sứ mạng Cao Ðài,
Năm châu, bốn bể hòa hài từ đây"

Chính hai chữ "phóng khai" cho ta khái niệm đầu tiên về quyền pháp. Quyền pháp là động năng phóng phát, chuyển hóa, vận hành Ðạo vào tất cả các sở vật thực tại để thúc đẩy cơ tiến hóa tài thành từ vũ trụ vô biên đến vật loại tế vi.

Ðức Giáo Tông Vô Vi Ðại Ðạo định nghĩa một cách rốt ráo phổ quát " Quyền pháp là cơ, là lý, là phương định đưa tuyệt đối vào sở vật tương đối, chuyển vô thường giả tạm vào siêu nhiên bất diệt " (TGST 1968-1969, tr.88)

Cái "cơ" , cái "lý" có công năng thần diệu như thế không phải do cơ mưu hay lý trí, mà do quyền năng của tạo hóa đặt vào. Nên, Cao Ðài là động năng của cơ qui nguyên để cứu thế, là ân điển của Chí Tôn trong Tam Kỳ Phổ Ðộ. Như Ðức Giáo Tông đã xác định :

"Ðại Từ Phụ dựng Cao Ðài nơi vùng Ðông Nam Á này để làm Quyền pháp. Chính sứ mạng quyền pháp này thúc đẩy mọi sở vật thực tại Tôn giáo kết thành thực thể "Ðạo cứu thế" trong Tam Kỳ Phổ Ðộ" (TGST 1968-1969, tr.90)

Tóm lại, nếu trọng điểm thứ nhất của Sứ mạng đại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ là phục hồi nhân bản, là sứ mạng đối với con người nói riêng và đối với toàn thể nhân loại nói chung, thì trọng điểm thứ hai đối với vạn giáo là sứ mạng qui nguyên để đủ quyền pháp lập đời thánh đức bằng cách :" Khêu tỏ lý đồng nguyên và qui nguyên, khai sáng tâm linh, đưa con người tôn giáo lên tầm vóc Ðại Ðạo, ngước mắt nhìn lên bầu trời to rộng, vượt ra đại dương trời nước bao la, chấp cánh bay bỗng khắp bốn phương trời để phục vụ nhân loại, phụng sự thiên cơ, làm theo lòng Trời Ðất" (Ðức Giáo Tông Vô Vi Ðại Ðạo).


3. Phổ truyền chánh pháp Ðại Ðạo Ban trao sứ mạng Ðại Thừa.

Từ buổi ban sơ khai đạo, mục đích Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ đã nêu lên : " Thế đạo đại đồng, Thiên đạo giải thoát". Do đó trọng điểm thứ ba của Sứ mạng Ðại Ðạo, không thể thiếu được để lập thành cơ cứu độ toàn diện, từ xây đời Thánh đức đến giải thoát tâm linh, đó là sứ mạng phổ truyền Chánh pháp Ðại Ðạo.

Kể từ ngày mùng 1 tháng Giêng năm Tân Dậu (08.02.1921), khi Ðức Cao Ðài Tiên Ông gõ cơ ban lệnh cho người đệ tử đầu tiên: "Chiêu, tam niên trường trai" để được thọ truyền đạo pháp, thì chánh pháp Ðại Ðạo đã được mở đầu cho Tam Kỳ Phổ Ðộ rồi vậy.

Ðến đầu năm 1926 ( 25.2.1926) khi Ðức Chí Tôn giải thích ý nghĩa Thánh tượng Thiên nhãn cho chư Tiền khai Ðại Ðạo, có dạy về Chánh pháp Ðại Ðạo như sau :

"Lập "Tam Kỳ Phổ Ðộ" này, duy Thầy cho "Thần" hiệp cùng "Tinh Khí" đặng hiệp đủ "Tam bửu" là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập thánh ....[...]... Thầy đến đặng huờn nguyên Chơn Thần cho các con đặng đắc Ðạo. Con hiểu "Thần cư tại Nhãn" (TNHT, Q 1, 1973, tr.12)

Ðến ngày 07.4.1926 tại Vĩnh Nguyên Tự Thầy dạy Ngài Ðầu Sư Lê Văn Lịch như sau :

" ...Muốn trọn hai chữ phổ độ phải làm thế nào ? - Thầy hỏi - Phải bày bửu pháp chớ không đặng giấu nữa. Con phải luyện lại cho thành, nội trong tháng năm này về theo Trung đặng đi truyền Ðạo. Nghe và tuân theo" ( TNHT, 1973, tr.15)

Ðến cuối năm 1936 (01.10 Bính Tý), khi ban Kinh Ðại Thừa Chơn Giáo, là quyển kinh đầu tiên của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ về Ðạo pháp, Ðức Chí Tôn đã nêu Thánh Ý như sau :

" Ngày nay Ðạo đã trải qua "thời kỳ phổ thông" mà bước đến"thời kỳ giáo hóa" nên chi Thầy mới giáng một pho " Ðại Thừa Tâm pháp" để cho các con tầm lối băng về,noi theo giáo lý của Thầy đây, chắc là thoát khỏi bến mê bể khổ " (ÐTCG, Trước tiết tàng thơ, chương 24, tr.116)

Thầy lại dạy tiếp :" Vì con người đã quá trầm luân thống khổ, nên chính mình Thầy là Ngọc Hoàng Thượng Ðế đã động mối từ tâm, cũng vì tánh đức háo sanh mà chẳng nở để cho con người tiêu diệt, mới rọi lằn điển quang giáng cõi trần, cốt lập Tiên Thiên Ðại Ðạo, qui nguyên Tam giáo và dụng tâm pháp truyền chơn mà độ rỗi các con " (ÐTCG, ch.26,tr.124)

Như thế song song với cơ phổ độ công truyền thì cơ tâm truyền chánh pháp cũng được hoằng hóa để cứu độ nguyên nhân. Trong thời kỳ này Thầy giao chánh pháp cho tay phàm, tức Thầy là Chơn Sư tối cao, duy nhứt, nhưng Thầy cũng ban quyền pháp cho hàng thiên ân học tu thiên đạo để thọ nhận Sứ mạng đại thừa.

Thiên đạo đại thừa là pháp môn tự độ độ tha. Trong Thiên đạo giải thoát có sứ mạng đại thừa. Trong Sứ mạng đại thừa phải thực hành Thiên đạo.

"Thiên đạo trường lưu khắp vạn loài,
Chuyển cơ tiến hóa nhiệm mầu thay;
Ðại thừa sứ mạng hành thiên đạo,
Nào quản Hè Ðông nẻo dặm dài"
( Ðông Lâm Tiên Trưởng, 15.10 Ðinh Tỵ, 1977)

Ðức Ðông Phương Lão Tổ dạy rằng : " [...] Người tu học vào hàng Thiên Ðạo Ðại Thừa là đã lập tâm giải thoát, mà chỉ những con người biết giải thoát mới thấu hiểu Thiên Ðạo để chấp nhận sứ mạng Ðại Thừa" ( CQ, Rằm.6. Bính Thìn, 1976)

Tuy nhiên, trên mục tiêu tận độ tân pháp Cao Ðài được phổ truyền bằng Tam công để người tu mọi căn cơ đều có thể tu tiến toàn diện, Ðức Vô Cực Từ Tôn từng ưu ái dặn dò đàn con giác ngộ rằng :
" Nay Tam Kỳ Phổ Ðộ, Trời hé máy thiên cơ vạch đường chỉ lối cho tu, ráng tập luyện công trình, công quả, công phu, thì chắc chắn một kiếp sẽ được thành công đắc quả". (CQ, Rằm- 02 Ðinh Tỵ, 1977)

I. KẾT LUẬN :

Nói một cách khái quát, Sứ mạng Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ là sứ mạng cứu độ toàn diện cá thể con người và toàn thể nhân loại.

Nhằm thực hiện Sứ mạng ấy, Ðại Ðạo đã và đang tiến đến ba mục tiêu :

1.Phục hồi Nhân bản, tạo thế Nhân hòa, xây dựng đại đồng nhân loại.
2.Qui nguyên tôn giáo, lập thành thực thể Ðạo thuần chánh cứu thế.
3.Phổ truyền Chánh pháp, ban trao sứ mạng đại thừa.

Và ai là người thực hiện Sứ mạng Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ ?

- Ðức Thượng Ðế chăng ? _ Phải nhưng cũng không phải. Vì Ðức Thượng Ðế là Ðấng ban trao Sứ mạng , vận chuyển thiên cơ và đặt định tôn chỉ mục đích của Ðại Ðạo cho cơ cứu độ Kỳ Ba.

-Ðạo Cao Ðài chăng ? _ Ðương nhiên Cao Ðài có SMÐÐTKPÐ, nhưng không phải duy nhất Cao Ðài có sứ mạng nầy, vì trước tiên Cao Ðài là động năng Quyền pháp thúc đẩy tất cả những ai, những gì hữu ích cho công cuộc tái tạo dinh hoàn tham gia vào sứ mạng.

-Các bậc Thiên ân hướng đạo chăng ? - Phải nhưng không phải chỉ có các bậc hướng đạo, mà tất cả những người "biết Thầy hiểu Ðạo".

Chúng ta cần nhớ rằng, Sứ mạng Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ là Sứ mạng Thiên Nhân hiệp nhứt rất đặc biệt trong Tam Kỳ Phổ Ðộ. Nó không phải là sứ mạng của một tôn giáo, tại một địa phương để gieo truyền một đức tin làm thế tựa tâm linh đơn thuần.

Kể từ khi Thiên Nhãn thị hiện, rồi danh hiệu " Ngọc Hoàng Thượng Ðế Kim Viết Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát " được xưng ra tại thế gian lần đầu tiên và người đệ tử đầu tiên của Ðức Cao Ðài đắc đạo tại tiền, cái trục “Thiên nhơn hiệp nhứt” đã nối liền trung tâm vũ trụ với trung tâm con người để thi hành sứ mạng phổ độ kỳ ba.

Tất cả những nguồn năng lực cứu độ và những đối tượng được cứu độ sẽ qui về trục thần quang này. Ðó là trục vạn linh hiệp với Chí linh, chuyển nhân loại vào thế pháp tái tạo dinh hoàn, trong đó mỗi con người đã phục hồi Nhân bản thể hiện đầy đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín trở thành một gút lưới của toàn mạng lưới rung động không ngừng, "sửa loạn thành trị, đổi cùng thành thông, chuyển bỉ thành thới".

Do đó Tam Kỳ Phổ Ðộ không có giáo chủ hữu hình nhưng mỗi người con tin của Thượng Ðế nêu chưa là một Thích Ca, một Khổng Tử, một Jésus cũng phải là một Ca Diếp, một Nhan Hồi, một Pierre... Có như thế tôn chỉ mục đích và các trọng điểm sứ mạng kỳ ba mới có thể hoàn thành được.

Cho nên Ðức Thượng Ðế Khai Minh Ðại Ðạo đồng thời khai minh chân giá trị con người thực hiện sứ mạng vi nhân , nhận lãnh sứ mạng đại thừa, tham dự vào Thiên cơ, nhờ đó đại cuộc Tam Kỳ Phổ Ðộ có cái sức mạnh phi thường bao quát Thiên thượng và thiên hạ, cải hóa con người, tái lập cuộc đời, thúc đẩy tiến hóa tâm linh trở về cứu cánh.

" Một ánh linh quang tỏa khắp cùng,
Khai minh Ðại Ðạo gội nhuần chung;
Soi đường chánh giáo kỳ nguơn hạ,
Mở lối Tiên thiên buổi cuối cùng.
Ðem mảnh can trường làm đuốc tuệ,
Một dòng chơn lý định thời trung;
Dầu cho sứ mạng sau hay trước,
Hãy nhớ thiên ân thuở chín trùng."
( Hội Ðồng Tiền Bối Tiền Khai ÐÐ.- CQ, Rằm.10 Kỷ Mùi 1979)
Thiện Chí









ĐINH VỊ CON NGƯỜI / Thiện Chí







Lý đạo là xuân / Thiện Chí

TANH MANG SONG TU / Thiện Chí

world cup Hòa Binh / Thiện Chí






NHAT KÝ ĐẦU NĂM / Thiện Chí

















NHAT KÝ CUỐI TUẦN / Thiện Chí

NHẬT KÝ CUỐI TUẦN / Thiện Chí




BẢN THỂ HỌC / Thiện Chí

CUỘC THÁCH ĐỐ / Thiện Chí






ƯỚC VỌNG VÀO XUÂN / Thiện Chí




















TÔI LÀ AI ? / Thiện Chí





TIỀM LỰC SÂU THẲM / THiện Chí




















TÂM VẬT BÌNH HÀNH / Thiện Chí

























Dòng thiên ân / Thiện Chí

Suy ngẫm đầu Xuân / Thiện Chí












Minh Lý Đạo Khai / Thiện Chí

Đức tin Cao Đài / Thiện Chí

Đức tin Cao Đài / Thiện Chí



Hãy tự biết mình / Thiện Chí





Ba Dấu Ấn ĐĐTKPĐ / Thiện Chí

Văn Hóa Đạo Đức / Thiện Chí

Chính Long Đức Trung / Thiện Chí





Khai Xuân Tiến Đức / Thiện Chí

Cơ đạo Kỳ Ba / Thiện Chí


Phục sinh / Thiện Chí

Sống tự nhiên / Thiện Chí


Tỳ Thổ / Thiện Chí






Thiên Nhãn / Thiện Chí

Nên Người chẳng phải dễ gì đâu,
Nên Phật Thánh Tiên lại khó cầu,
Biết sửa một ly là đắc quả,
Con ôi Diêu Điện Mẹ đang sầu.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Thiên Lý Đàn, 01-02 Mậu Thân, 27-01-1968

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây