Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
19/06/2013
Đạt Tường

VÀI ĐIỂM LÝ THÚ TRONG ĐẠI LỄ KHAI MINH



Đại Lễ Khai Minh Đại Đạo đã diễn ra tại Thiền Lâm Tự - Gò Kén Tây Ninh, sau khi hòan chỉnh ngôi Thánh thất đầu tiên.
Khi đó, một đạo sự trọng tâm trong việc “phổ độ” đã diễn ra liên tục hằng đêm tại Thiền Lâm: “Cơ Bút thâu nhận sanh linh … theo Thiên thơ.”
- Nhiều người Việt, người Hoa, người Miên, người Pháp, một số dân tộc thiểu số ở miệt biên giới như người Tà Mun v.v… đã được Ơn Trên thâu nhận qua các buổi đàn cơ. Trong những bài thơ điểm danh, chúng ta có thể học được vài ý Đạo.

Trong đàn ngày 23-10 Bính Dần, Thầy ban ơn để lời dạy dỗ:

“Phan Văn Võ:
Tai phân nạn trả lẽ thường thường,
Chớ tưởng mắt Trời ngó thiếu phương;
Non Thái dầu cao, cao hóa thấp,
Chậu kia dầu kín thấy thông thương. (Thâu)

Hồ Văn Cho:
Thông thương ngó rõ tánh lòng người,
Con chớ tưởng lầm tiếng nói chơi;
Ví thử Thầy cho con đặng phép,
Làm sao cho khuất bóng Thần ngươi. (Thâu)

Tr. Văn Giáo:
Thần ngươi xem khắp cả Càn Khôn,
Coi khắp nhơn sanh với giữ hồn;
Nếu trẻ biết quyền cầu khẩn thử,
Sang năm đổi số lạnh ra ôn. Thâu”

Ngày mùng 6 tháng 11 Bính Dần, Đức Chí Tôn dạy:

“Mi – Trừng nhãn kiến giữa không trung,
Chóan khắp càn khôn đã thấu lòng;
Đặng dạ nhơn sanh chưa phải dễ,
Đạo mầu khởi lập xuất nơi Đông. (Thâu)

Qua nội dung của các bài thơ tứ tuyệt cho thấy Đức Chí Tôn đã khéo chỉ dạy cho các tân tín đồ hiểu được một ý nghĩa căn bản của việc thờ Thiên Nhãn là phải nhớ rằng “Trời cao có mắt” qua những câu: “Chớ tưởng mắt Trời ngó thiếu phương” hay “Thần ngươi xem khắp cả Càn Khôn” v.v…

Tuy nhiên không phải ai xin đều cũng được thâu nhận. Thí dụ:
Bảy:
Bảy mươi chưa biết trọn mình lành,
Ðừng thị khi đời ỷ miệng lanh. ( Lui.)
Thay:
Thay đời chẳng phải một tên ngươi,
Thấy phách lối kia bắt nực cười. (Lui). (08-12 BD)

- Tình hình thâu nhập môn đệ sau một tháng Đại Lễ Khai Minh Đại Đạo rất khả quan. Vào cuối tháng 11 Bính Dần, một hôm, Thầy cho biết số lượng tín đồ được thâu qua cơ bút sắp “gần đủ số”:
“Vậy các con muốn cho chúng sanh cầu Đạo thì Thầy cho phép, song từ đây phải làm sớ như minh thệ mà xin nhập môn đặng có thế phổ độ cứu vớt chúng sanh thêm một chút ít nữa. Thầy cho các con hay trước rằng: Đại Đạo tại Nam Kỳ gần đủ số rồi, hễ đủ số rồi thì phải bế lại mà hành Đạo.(…) Thầy toàn thâu cả chúng sanh nam nữ.”

Thuở ấy người đến dự lễ và cầu đạo rất đông, Thánh thất không đủ chỗ chứa hết. Đàn ngày 19 tháng 11 Bính Dần 1926, Đức Lý Thái Bạch dạy:
“Thánh thất nhỏ há hiền hữu Thượng Trung Nhựt. Đáng lẽ đại điện nối vào trong mới phải. Hiền hữu sai kẻ làm song ly bao vòng, nới ra cho tới tượng Phật Tổ làm bái đình nghe. Cười. ”
Đọan Thánh ngôn ngày Mardi 8 Février 1927 (7.01 Ðinh Mão) cho thấy lượng người dự lễ trong đại điện và ngòai sân chật kín:
“Trung, con kêu hai người thông ngôn Thổ vào, để một đứa trước chùa, một đứa trong điện, Thầy nói thì nói lại nghe.(...) ”
- Có một người Hoa đã có công rất lớn trong việc phổ độ Đường nhơn (người Hoa) và Tần nhơn (người Miên). Đó là Ngài Vương Thành Tông, người đã hiếu kỳ theo những người Campuchia vượt qua biên giới vào đất Tây Ninh đến nơi để xem “Phật đã vào nước Nam”. Ngài Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt có nhắc:

“ Tôi xin bày tỏ lai lịch của Thượng Tông Thanh ngõ hầu ngày sau ghi trong Sử Đạo.
Hiền hữu Thượng Tông Thanh sanh trưởng Trung Huê, Quảng Đông tỉnh, Triều Châu phủ. Vì câu: Làm trai hồ thỉ tứ phương, nên thuở 18 tuổi trải qua Nam Việt, hồi buổi ban sơ theo người đồng hương ở Chợ Lớn lập thân lần đầu. Nhờ tánh tình siêng năng hay lo cần kiệm mới có tư bổn riêng, lên Soài Riêng khẩn đất sắm vườn lập nên cơ nghiệp.(…)
Tháng qua, ngày lụn tuổi sáu mươi dư, lòng thiết thiết tư tư muốn tầm chốn u nhàn, tu tâm dưỡng tánh. Nghe Gò Kén Thiền Lâm Trời khai Ðại Đạo, lúc Hạ ngươn năm Bính Dần, thiên hạ tứ phương dư ngàn cầu Đạo. Thầy giáng cơ kêu: “Trung, con mời Vương Thành Tông vô đây Thầy dạy việc”. Tôi cùng mấy môn đệ của Thầy hồi đó không biết kêu ai, nên tôi phải kêu lớn lên. Hiền hữu (Thượng) Tông (Thanh) mới vào đàn nội. Tôi biểu trình giấy thuế thân và tờ Sớ thì rõ như tên của Thầy giáng viết ra.”
Sau đó, ông được Đức Chí Tôn ân phong phẩm vị Phối Sư:
“Tông! Con phải lo phổ độ nhơn sanh Trung Huê và Cao Miên. Thầy phong cho con chức Phối Sư phái Thượng.”

- Mỗi đêm, số nhơn sanh được thâu nhận làm tín đồ Cao Đài lên đến mấy trăm người ! Đàn giao thừa Đinh Mão, Đức Chí Tôn đã cho biết số lượng tín đồ khi đó, sau 2 tháng rưởi ra mắt nhân sanh đã tăng vọt lên hơn 40 ngàn !

“Tây Ninh 1 Février 1927 01/1/(Đ.M)
(...) Trung, Cư, Tắc mấy con nhớ đêm nay năm rồi thể nào, còn nay ra thể nào chăng ? (…) Thầy lập Đạo năm rồi ngày nầy, thì môn đệ của Thầy chỉ có 12 đứa, (…) Thầy hỏi nếu chẳng phải quyền hành Thầy, dầu cho một vị Phật thiệt lớn giáng thế đi nữa, cũng chưa có phương chi mà độ hơn bốn muôn sanh linh, nhờ tay có 6 đứa môn đệ trong một năm cho đặng bao giờ.
Thầy vui mừng, Thầy khen tặng hết cả bốn muôn môn đệ của Thầy
(…). ”

Điều này cho thấy chỉ trong 2 tháng rưởi sau ngày ra mắt nhơn sanh, số lượng tín đồ thâu nhận được trong thời gian đại lễ là hơn 30 ngàn. Bình quân mỗi ngày có hơn 400 người xin gia nhập nền Đạo mới và được thâu nhận.
- Trong thời gian đại lễ đang diễn tiến, có một đạo hữu người Campuchia vì bảo vệ Đạo mà bị một người Campuchia khác sát hại. Ông này được Đức Chí Tôn ân phong “Thần vị’ và có hân hạnh được Thầy cho đặt bài vị ngay trên Thiên bàn. Đây là một trường hợp độc nhứt vô nhị!
Thái Bạch.(…) Thượng Trung Nhựt! Hiền hữu phải lập tức cấp một cái bài vị Long chỉ niên ngọat nhựt thời sanh tử của Noln Dinh để tại bàn Thánh dưới Khương Tử Nha. Nhớ làm rõ ràng là để phía sau rốt rằng: Tên Noln vì Đạo mà bị tên Mẹ Khum sát hại, có kiện tại tòa. Song phép công bình đời không đủ.
Ngọc Đế cho qui vị vào bậc Thần, (...). Nghe à và tuân mạng Lão
.”

Mùa Khai Minh Đại Đạo, nhắc lại một vài tích xưa để làm quà đức tin cho những dấu chân tiếp nối theo sau, nhất là những dấu chân của nam nữ thanh thiếu niên.
Đạt Tường

Thầy dành cho trẻ một mùa xuân,
Đi lại trần gian xóa khổ trần,
Như lý Đạo mầu đang cứu cánh,
Cho đời thuần túy nét thanh tân.

Đức Chí Tôn, Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ, 08-02-1967

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây