Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Thời kỳ mạt pháp là thời kỳ được bắt đầu từ sau khi đức Phật nhập niết bàn 1500 năm, ...
-
“Thành công không do những cái đã nắm đặng ở trong tay; thất bại không do những cái đã vuột ...
-
Đức Chí Tôn đã ban cho nhân loại thuật ngữ "Cao Đài" để nhất quán đích điểm tiến hóa của ...
-
Trước hết, tôi xin giải nghĩa tám chữ " Diêu Trì Kim Mẫu, Vô Cực Từ Tôn" cho môn sanh ...
-
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam Tuất thời, 30 tháng Chạp Giáp Dần (10-02-1975) THI ĐÔ thành nhộn ...
-
Đời là một trường tiến hoá, người là một thí sinh, nhập môn là vịn thang, nhập tịnh là leo ...
-
Thiên Lý Đàn, Tý thời 29 rạng mùng 1 tháng Giêng Canh Tuất (5-2-1970) (Đàn Giao Thừa)
-
Điểm tô Đạo Trời về mặt hình tướng là làm sáng danh Thầy, danh Đạo về mặt hình thức bằng ...
-
ĐÔI ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ VIỆC CHUYỂN BIẾN TỪ TRUNG THÀNH THÁNH THẤT ĐẾN TRUNG TÔNG THÁNH TỊNH. Huệ Ý Cách đây 70 ...
-
Cứ mỗi lần có dịp qua vùng Quế Võ (Bắc Ninh), khi đi vào quãng đường quen thuộc, tôi không ...
-
Như chúng ta đã biết, ngã của thân tứ đại ngũ uẩn này vô thường sanh diệt, không có nghĩa ...
-
Vậy, để hội nhập thế giới trong kỷ nguyên Tam Kỳ Phổ Độ, người Cao Đài phải nhận định, nắm ...
Đạt Tường
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 11/01/2010
Tạo thế nhân hòa
Nói đến "Thiên thời- Địa lợi- Nhân hòa", người ta thường nhắc đến câu chuyện trong Tam Quốc Chí của Trung Hoa để minh chứng sự thành công của Lưu Bị trong việc xây dựng nghiệp đế là đã thực hiện được "thế nhân hòa". Trong buổi hội kiến đầu tiên với Khổng Minh sau ba lần tìm đến cầu hiền, Lưu Bị đã nhận được lời tham vấn của Khổng Minh:
-"Tào Tháo ở phía Bắc có Thiên thời, Tôn Quyền ở phía Đông có Địa lợi, Chúa Công ở giữa nên lấy Nhân hòa."
Câu nói này cho thấy Khổng Minh đã hiểu rất rõ con người của Lưu Bị, con người của Nhân Hòa. Một nhà nghiên cứu đã viết:
" Huyền Đức không những Nhân Hòa với hai em Quan, Trương, với ba quân thuộc hạ, mà còn nhân hòa được cả với Tào Tháo, Tôn Quyền. Dù nuôi chí bao trùm vũ trụ, nuốt cả trời đất, nhưng khi ở dưới trướng Tào Tháo thì ngày ngày cuốc đất trồng rau, khi Tháo hỏi đến anh hùng trong thiên hạ thì kể đến Viên Thuật, Viên Thiệu, Lưu Biểu, Tôn sách, Lưu Chương, Trương Tú, Trương Lỗ Hàn Toại mà tự giấu mình, ấy là vì có Nhân Hòa mà Lưu Bị lừa được Tào Tháo. Khi sang làm rể ở Đông Ngô, Lưu Bị nhờ hết mực tôn kính Quốc Lão, Quốc Thái, mà vừa được vợ lại vừa an thân, ấy là vì biết Nhân Hòa mà qua được Tôn Quyền.
Bởi có Nhân Hòa mà Lưu Bị có được dưới trướng những người hiền tài nhất trong thiên hạ như Khổng Minh, Vân Trường, TrươngPhi, Triệu Vân, Hoàng Trung, Khương Duy..." [1]
Nhân hòa của Lưu Bị được giải thích là sự thông cảm, biết người biết ta, biết tiến biết thoái để tạo nên một môi trường thuận lợi hầu đạt đến mục đích nào đó trong cuộc sống. Đó là ý nghĩa thông thường nhất của "Nhân hòa" trong cuộc sống nhân sinh.
Từ xưa đến nay, không thể phủ nhận, chừng nào xã hội loài người vẫn còn tranh giành, xâu xé, mạnh được yếu thua, Nhân Hòa vẫn là niềm khao khát, là cứu cánh của toàn thể nhân loại trên hành tinh này. Bởi vì suy cho cùng, mặc dù không đề cập thẳng đến hai chữ "Nhân Hòa" như là mục tiêu, nhưng các cuộc thương thuyết hội đàm giữa các quốc gia đã, đang và sẽ diễn ra mọi nơi, mọi lúc trên thế giới này dù ở lĩnh vực nào cũng đều nhằm đi tìm một sự thỏa thuận, hợp tác, để giải quyết những vấn đề mâu thuẫn, bất hòa đã gây nên những khó khăn, thiệt hại quyền lợi của nhau. Và sự thỏa thuận, kết quả của việc đàm phán chính là sự thể hiện của Nhân Hoà.
Đức Lê Đại Tiên đã xác nhận: "Hai chữ Nhân Hòa từ trước đến nay đã được nhiều người nhắc đến, nhất là khi xã hội có cuộc thăng trầm biến đổi thì danh từ Nhân Hòa lại được đem ra bàn thảo. Vậy ý nghĩa thiết thực của hai chữ Nhân Hòa là gì?"[2]
I-Ý nghĩa của danh từ Nhân Hoà theo giáo lý Cao Đài :
-Nhân: là con người; hiểu rộng ra là đời sống xã hội con người.
-Hòa: theo Đại tự điển Tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam
+Lẫn vào nhau đến mức không còn sự phân biệt nữa
+Không phân thắng bại: hòa nhau
+Không có mâu thuẫn xung đột: hòa giải, giảng hòa
+Đều, vừa phải: hòa ái, hòa hợp, thuận hòa...
+Không còn tranh chấp, kết thúc chiến tranh: hòa bình
Tổng hợp các ý nghĩa này, có thể hiểu một cách đơn giản: Nhân Hòa là sự hòa hiệp, hoà ái, cảm thông giữa người với người; là sự hòa hợp, thuận hòa, hòa bình trong cuộc sống xã hội con người.
Cũng trong ý nghĩa này, nhưng giáo lý Cao Đài mở rộng ý nghĩa của chữ "Hòa" lên một tầm cao, vượt khỏi thế giới hữu hình:
"Chữ Hòa quý báu biết bao,
Bao trùm võ trụ, thấp cao cũng hòa,
Đất Trời, do đó mà ra,
Phật Tiên do đó mới là siêu thăng." [3]
Đức Vân Hương Thánh Mẫu định nghĩa chữ Hòa như sau:
"Hòa là hòa ái, hòa hiệp, hòa đồng, với ai cũng hòa được hết. Hòa là cực điểm của tình thương, không hơn, không kém, không lệch lạc, không người, không ta, không màu da sắc tóc, không tôn phái, mà chỉ là một cứu cánh chung tối thượng để đem lại sự sinh tồn hạnh phúc an vui cho mọi người sống ở thế gian, không còn cách phân chủng tộc." [4]
Từ "cực điểm tình thương" nơi mỗi cá nhân, con người sẽ mở rộng tấm lòng ra để đối đãi với nhau, cảm thông nhau, tương trợ nhau, để không còn phân biệt, chia cách giữa người với người trong xã hội nhân sinh, phù hợp với nguyên lý căn bản của cái Hòa trong vạn hữu như lời Đức Vô Cực Từ Tôn : "Hòa là một tiềm lực sinh động tạo nên mọi sự mọi việc" [5]
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát giải thích rõ hơn:
"Đạo quý là tại hòa. Các em thử nghĩ mà coi. Tạo Thiên lập Địa cũng bởi âm dương hòa hiệp. Sanh hóa muôn loài, cũng bởi một chữ hòa. Đến đỗi như thân của người, có tạng có phủ: tạng phủ ấy, nếu chẳng hòa, thì con người chẳng hề sống bao giờ. Kịp đến tâm hồn bất hòa thì thất tình lục dục đều phát khởi, tranh ngôi với Thần Lương tâm; nếu kém lực, thì con người ấy duy có sanh hoạt trong vòng vật dục chớ chẳng hề biết thiên lý là gì. Các em thử nghĩ cái phẩm giá của kẻ ấy cao hèn là thế nào. Người chẳng có hòa là thế đó.
Còn gia đình chẳng hòa thì cha con mích nhau, chồng vợ lìa tan, anh em ly tán. Còn trong luân lý chẳng hòa, thì dân cư bất mục. Nước chẳng hòa thì sanh ly loạn; còn cả thế giới bất hòa thì nhơn loại đấu tranh." [6]
Qua lời dạy của các Đấng Thiêng Liêng, danh từ " Nhân Hòa" phải được hiểu môt cách rộng rãi rốt ráo, là sự hòa ái, tinh thần hòa hiệp, sự cảm thông, sự bao dung mà con người phải có, xuất phát từ tình thương cực điểm mà con người thừa hưởng từ đức háo sinh của Đấng Tạo Hóa. Trong ý nghĩa đó, Nhân Hòa không chỉ là hòa giữa người với người; mà còn giữa người với Trời Đất, với muôn loài; và nhất là hòa với chính bản thân mỗi người, bao gồm cả hòa trong phần thể xác và hòa trong linh hồn. Bởi vì:
"Hòa là lẽ sinh tồn muôn thuở,
Hòa là đường vận số thành công,
Từ nơi sâu thẳm cõi lòng,
Biểu dương ra đến đại đồng vạn linh." [7]
"Hòa là lẽ sinh tồn" của vạn loại, cho nên dù muốn dù không, con người vẫn đang cố gắng bằng nhiều cách để đạt được Nhân Hòa hầu giữ lại cho thế giới này một sự an bình hiện hữu. Những tổ chức quốc tế, những tổ chức phi chính phủ, những hiệp hội đa quốc gia.... thuộc nhiều lĩnh vực, với xu hướng toàn cầu hóa đã ra đời ngày càng nhiều nhằm mục đích nối kết các quốc gia ngồi lại với nhau, chính là những hình thức thể hiện Nhân Hòa, nhưng còn rất manh mún, bởi vì nền tảng được xây dựng chỉ mới dừng lại ở những sự thỏa thuận cân bằng quyền lợi chính trị, kinh tế, quân sự hoặc giải quyết ngăn chận tạm thời những vấn nạn mang tính cấp thiết. Do vậy, cho đến nay, thế giới này vẫn đang ở trong tình trạng bất ổn, và số phận nhân loại này vẫn đang rất mong manh bên bờ vực của sự hủy diệt, mặc dù những cuộc đàm phán, thương thuyết về nhiều vấn đề vẫn diễn ra khắp nơi mỗi ngày trên thế giới. Con đường tìm kiếm Nhân Hòa vẫn còn đang được tiếp tục trong màn đêm tâm thức nhân loại.
Trước những bế tắc của con người giữa cơ sàng sảy của thời mạt kiếp, Đức Chí Tôn Thượng Đế vì tình thương vô biên đối với con cái của mình, đã lâm phàm khai mở một nền tôn giáo làm nơi xiển dương đường lối tạo thế Nhân Hòa, để con người nương theo vận dụng giải quyết những vấn đề trong đời sống nhân sinh mà con người vẫn còn lúng túng đương đầu như con kiến bò quanh miệng chậu, chưa tìm thấy lối thoát hữu hiệu.
II- Đường lối "Tạo thế nhân hoà" của Đại ĐạoTam Kỳ Phổ Độ:
§ Thế nào là "Tạo thế nhân hòa"?
-Thế: uy lực, xu hướng sức mạnh biểu hiện ở bên ngoài; Kiểu dáng có vị trí che chắn, chống đỡ vững vàng có thể hiểu như là "mặt trận" để đối phó, đương đầu. "Thế Nhân Hòa" hàm chứa ý nghĩa dùng sự hòa ái, hòa hiệp nơi con người để làm thành sức mạnh che chắn, chống chỏi mọi tác động có nguy cơ đe dọa sự tồn tại, bình an trong đời sống con người, hay làm xoay chuyển, thay đổi một tình huống trong nhân sinh. Mặt khác, khái niệm "Thế" còn có ý nghĩa gắn liền "sự sai biệt" như trong lĩnhvực vật lý học hay hóa học như: điện thế, thế năng... Hàm chứa trong ý nghĩa này là một nội dung tinh tế của thế nhân hòa: sự hoà hiệp, hòa ái luôn bắt nguồn từ sự dị biệt vì trong cộng đồng loài người không bao giờ có sự bình đẳng về trình độ tiến hoá. Để xóa đi sự khác biệt, cách biệt lớn, phải khởi đầu từ những dị biệt rất nhỏ.
- Thánh giáo Cao Đài dạy rõ:
-"Tạo thế nhân hòa là làm thế nào lập một xã hội cải thiện mọi xã hội với 3 tiêu chuẩn: nhân bản, an lạc và tiến bộ" [8]
Có thể hiểu rộng ra:
- lập một xã hội: hình thành một phương cách kiểu mẫu chung trong đó có tập thể con người làm hạt nhân.
- cải thiện: giải quyết, sửa đổi, ổn định.
- mọi xã hội: mọi lĩnh vực nhân sinh: kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường...
- với 3 tiêu chuẩn: nhân bản, an lạc và tiến bộ: đây chính là nền tảng vững vàng trong thế chân vạc để hình thành một kiểu mẫu chung cho đường lối "tạo thế nhân hòa".
Đức Lê Đại Tiên khẳng định:
"Nhân bản, an lạc, và tiến bộ, 3 mục tiêu này là thế chân vạc để tiến tới nhân hòa. Ba mục tiêu này phải bổ sung nhau và đồng hành vì cùng giá trị quan trọng. Sự quân bình xã hội có được trong thế nhân hòa là phải đầy đủ ba yếu tố đó." [9]
Nói cách khác, để xây dựng được một xã hội kiểu mẫu Nhân Hòa, con người trong xã hội đó phải thiết lập được một nền tảng gồm 3 yếu tố có thuộc tính hỗ tương, ràng buộc lẫn nhau là: nhân bản, an lạc và tiến bộ.
§ Nền tảng của "thế nhân hòa" theo Giáo lý Đại Đạo:
1-Nhân bản:
Theo giáo lý Cao Đài, nhân bản chính là nguồn gốc con người. Nguồn gốc đó phát sinh từ Thượng Đế. Nhân Bản là điểm linh quang mà Thượng Đế ban phát cho mỗi con người khi xuống thế gian luôn ẩn tàng trong mỗi con người như là một vốn quý, sẽ giúp cho con người trở nên CON NGƯỜI thực sự đúng nghĩa. Nhân bản chính là Thiên tánh hay tình thương, còn gọi là Thượng Đế tính hay Phật tính để con người sử dụng trong suốt quá trình thực hiện sứ mạng vi nhân nơi cõi trần gian hữu hạn. Tình thương không chỉ giúp con người hành xử bổn phận làm người một cách trọn vẹn trong vai trò thay Trời cai quản muôn vật nơi chốn hữu hình, mà còn là điều kiện để con người hoàn thành công cuộc tiến hoá, trở lại bến khởi nguyên như lời Thánh giáo:
"Tình thương sẽ cứu chuộc mọi nguồn tội lỗi, sẽ là liều thuốc thần đơn trị lành mọi bệnh tình nhân loại. Tình thương là chìa khoá giải thoát con người ra khỏi biển trần tục lụy, là con đường đưa con người lên nấc thang tiến hoá. Ngôi vị chơn linh Tiên Phật được định giá bởi tình thương. Một tình thương cao thượng thiêng liêng sẽ giải quyết được vạn sự kiện của nhân sinh."[10]
-Trên phương diện nhân sinh, nhân bản có ý nghĩa là nguồn gốc gần nhất của con người. Đó là nguồn cội gia đình, dòng họ tổ tiên mà con người ý thức sẽ tạo nên tinh thần hoà hợp giữa các cá nhân cùng chung huyết thống và nối liền các thế hệ với nhau bằng một tình thương yêu chân thành của cội nguồn dòng họ.
Đức Đông Phương Chưởng Quản đã dạy: "Gốc cội của người mình là tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Khai sinh bởi cha mẹ tổ tiên thì người ta có bổn phận phải nhớ tưởng công ơn và sự nghiệp của chính người sinh thành ra mình. Đời sống có được ấm cúng thiêng liêng và ý nghĩa cũng nhờ bởi tinh thần hoài tưởng đến bực tổ tiên, đến người trưởng thượng. Vịn theo truyền thống tốt đẹp của người xưa để lại hầu tô điểm vào đời sống hiện hữu nơi mình. Ấy gọi là uống nước nhớ nguồn, hay người có tông chim có tổ ở chặng đường đầu tiên hạn hẹp."[11]
-Trên phương diện xã hội, Nhân bản có ý nghĩa là nguồn cội dân tộc giống dòng mà con người có bổn phận phải hoài niệm, ghi nhớ những công lao to lớn của các bậc anh hùng khai quốc đã làm nên lịch sử hào hùng cho cả dân tộc, đã đổ máu xương vun bồi cho tổ quốc giang sơn, để rồi tự ý thức bổn phận bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của tiền nhân để tạo dựng tinh thần hy sinh vì nước non dân tộc làm tiền đề cho sự hình thành ý niệm vong kỷ, xả thân vì tình thương đối với cộng đồng xã hội:
"Trải bao ngàn năm lăn lộn với cuộc sống đầy dẫy những đau khổ, những tương tranh, đổi lấy sự sống còn cho dòng giống, đồng thời những bực anh hùng khai quốc đều lưu lại những sự nghiệp vật chất và tinh thần rất hào hùng và vẻ vang cho hậu thế noi theo cùng thừa hưởng. Vậy là những người theo sau đều tự thấy có bổn phận phải bảo vệ và săn sóc tinh thần truyền thống cao đẹp của cha ông để lại, dù phải bách chiết thiên ma cũng bền lòng giữ vững tinh thần ấy để phát huy cho đoàn hậu thế."[12]
Hãy nghe lời thơ nhắn nhủ của Đức Công Thần Phan Thanh Giản:
"Vạn đóa hoa thơm một cội cành,
Nào người sứ mạng biết cho chăng?
Tình non đi với tình nhơn loại,
Nghĩa nước chung nguồn nghĩa chúng sanh" [13].
Đọc thêm: http://nhipcaugiaoly.googlepages.com/nhanhoa
[1]Trích bài viết "Lưu Bị và Nhân hoà" trên website www.dddn.com.vn
[2]Nam Thành Thánh thất, 14-2 Kỷ Dậu
[3]Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế- bài "Hòa hiệp", Đại Thừa Chơn Giáo
[4]Đức Vân Hương Thánh Mẫu- TGST 1968-1969, tr.18
[5]Huỳnh Quang Sắc, 07-8 Tân Hợi 1971
[6]Đức Quan Âm Như Lai- Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q.2
[7]Đức Đoàn Văn Bản- Nam Thành Thánh thất, 22-8 Tân Hợi 1971
[8]Đức Lê Đại Tiên- CQPTGL, 15-2 Canh Tuất 1970
[9]CQPTGLĐĐ, 15-2 Canh Tuất 1970
[10]Đạo Học Chỉ Nam CH. 4 Tiết 3 Mục 3
Đạt Tường
Trong đời sống xã hội, gia đình nào cũng kỳ vọng vào con cái. Cha mẹ thể hiện trách nhiệm qua việc chăm lo từ miếng ăn cái mặc, phương tiện vui chơi đi lại, học hành. Với những bậc phụ huynh đã từng trải trong đời, thấy rõ giá trị của việc học cho tương lai. Từ đó, cha mẹ dầu khổ cực cách mấy cũng ráng đầu tư tối đa vào việc học hành chữ nghĩa và nghề nghiệp cho con em.
Nhưng quả thật ít có gia đình, ngoài hai phần vừa kể trên, cha mẹ lại có thêm sự quan tâm đầu tư đúng mức về tinh thần và tâm linh cho con cháu. Nhân sinh đã như thế, đạo hữu cũng chưa có mấy người thoát được ra ngoài lối mòn thói quen suy nghĩ thông thường đó của con người trong đời sống.
May thay! Tín hữu Cao Đài có diễm phúc được tiếp nhận sự dắt dìu giáo huấn thiêng liêng về đạo đức nói chung và việc hướng dẫn đào tạo thế hệ kế thừa nói riêng. Gần 40 năm trước đây, một lần giáng đàn Đức Linh Quang Thổ Địa có dạy:
Nhìn thế sự rồi nhìn trong đạo,
Khắp đó đây hoài bão Đạo Trời,
Nhưng không mấy chỗ để lời,
Luyện rèn đào tạo lớp người tương lai.
Để khi quý vị chầu Thầy,
Có người kế nghiệp Cao Đài dựng xây.
Đó là kế hoạch rất hay,
Tre tàn măng mọc tiếp tay lưu truyền.
Bổn đạo chỉ biết tu hiền,
Ăn chay niệm Phật Thánh Tiên hằng ngày.
Mà không nghĩ việc tương lai,
Lớp người kế tiếp chung tay giúp đời.[1]
Tam Kỳ Phổ Độ, người tín hữu Cao Đài tu hành với sứ mạng phổ độ chúng sanh. Phổ độ là độ rộng khắp mọi đối tượng, độ toàn diện trên cả hai mặt nhân sinh và tâm linh. Một sứ mạng vô cùng trọng đại, đòi hỏi phải có nhiều thế hệ liên tục thực hiện việc "chung tay giúp đời".
1. Vai trò phụ huynh
Là tín đồ, cần ý thức lời dạy của Đức Vạn Hạnh:
"Mình đã chọn một con đường đạo lý để đặt đời mình vào đấy thì phải nhớ mà đào tạo đến lớp người khác để có người tiếp nối sự nghiệp đạo lý ấy. Vì đạo pháp là trường lưu mà đời người hữu hạn. Nếu muốn có lớp người kế tiếp sự nghiệp đạo lý, không ai dễ đào tạo hơn là con cái trong gia đình là những mầm non, những hột giống tốt đã thọ lãnh những tư tưởng, những phúc huệ của phụ mẫu ngay từ trong bào thai." [2]
Đức Mẹ khuyên dạy:
"Hỡi các con! Điều Mẹ giải dẫn hôm nay là để các con tự xét mình hay nhìn lại bản thân và tâm trí của mình để làm một tấm gương cho mai hậu của đoàn măng non mà chính các con đã gây tạo ra.
"(...) Mẹ khuyên các con phải tự giác và độ dẫn đoàn sau cũng như các con đã từng lãnh trách nhiệm trong Tam Kỳ Phổ Độ."
Sớm biết lo thân độ lấy thân,
Oan khiên nghiệp chướng cổi lần lần,
Gieo mầm đạo đức cho mai hậu,
Hột giống nguyên nhân được trọn phần.[3]
Vài thí dụ trong thánh giáo:
1. "Vậy giờ nay Thầy cho chơn linh Phan Văn Sử tá cơ để nhắn nhủ gia đình. Vì Sử ở thế có lòng tu chơn hành đạo, trọn đức tin với Thầy nhưng không độ được trong gia đình đó là thiếu bổn phận." [4]
2. Đức Hiển Thế Đạo Nhơn, nguyên là đầu họ đạo đầu tiên, dày công gầy dựng nên thánh tịnh Ngọc Minh Đài, nhắn nhủ gia nội vào đầu tháng 4 Kỷ Dậu:
"Hiền nương Diệu Hạnh! Sao hiền nương không dạy bảo con Lan và chồng của nó có mặt những ngày đàn để nhờ ân điển thiêng liêng chan rưới cho chúng nó. Dầu sao chúng nó cũng có căn xưa, nhưng vì tuổi trẻ còn đang tranh cạnh với đời. (…) Hiền nương có nhắc và khuyên, chúng nó mới nghe theo và lấy đà mà tiến tới." [5]
Đến cuối năm (30-01-1970), Đức Hiển Thế lại dặn dò tiếp:
"Điều cần yếu là con cái trong gia đình, hiền nương thay mặt Tệ Huynh có bổn phận để dìu dắt chúng nó kẻo tội nghiệp. (...) Vì còn dính líu chút bổn phận nên mới dặn dò. (…) Vì thương để lời nhắc nhở khuyến khích chớ không ai có thể gánh vác cho ai về phần nghiệp quả."
2. Vai trò Ban Cai Quản
Đức Cao Triều Phát dạy: "Đừng e ngại khó khăn, đừng e ngại không tài nguyên nhân sự, vì tài nguyên nhân sự trong đạo rất phong phú dồi dào, từ lâu chưa thành hình được là vì không ai nghĩ đến, không có chương trình thiết thực và liên tục cho thanh thiếu niên, vì thế không ai hưởng ứng. Vì giới này dường như bị lạc lõng giữa lớp đàn anh lớn tuổi đi mây về gió chốn thiên thai bồng đảo, cực lạc niết bàn."[6]
Thanh thiếu niên (đồng nhi, lễ sĩ) là mỏ tài nguyên nhân sự của mỗi thánh thất. Người lớn đã làm những gì để có thể khai thác tài nguyên nhân sự này hầu cung ứng cho nhu cầu phát triển ở tương lai?
Tại địa bàn Thành phố, những thánh thất, thánh tịnh đã có chương trình hướng dẫn kinh lễ, giáo lý, sinh hoạt cho các em như Ngọc Minh Đài, Ngọc Điện Huỳnh Hà, Huỳnh Quang Sắc, Tân Minh Quang, Trung Minh, Trung Hiền, Từ Vân, Bàu Sen, Liên Hoa Cửu Cung. Năm 2006 Minh Lý Thánh Hội mở một số cấp lớp. Mùa hè 2007 Tân Định cũng tập hợp các em lứa tuổi cấp 2 để dạy kinh lễ.
Đức Lý Giáo Tông dạy:
"Đa số lớp trẻ đi chùa thất tụng kinh làm đám nhưng có ai hỏi tại sao vào đạo thì chúng trả lời mỗi đứa khác nhau.
"Đứa thì vào đạo vì thấy trang lứa muốn vào cho vui. Đứa thì tại cha mẹ bảo không dám cãi. Đứa thì thấy cha mẹ làm thì bắt chước nhưng không biết để làm chi. Đứa thì vì sợ quỷ ma dẫn hồn xuống địa ngục nếu không cầu cạnh với Thiêng Liêng. Đứa thì sợ tai bay họa gởi. Đứa muốn được may mắn mọi sự trên đường đời nhờ có công đi chùa thất. Không nghe đứa nào nói đến nhiệm vụ giáo dân vi thiện hay hoàn thiện hóa bản thân, hay nhờ đạo đức hóa mọi nếp sinh hoạt xã hội quốc gia để an bình thạnh trị cho non sông tổ quốc.
"Đừng ai quy lỗi hoặc trách cứ tại sao chúng nghĩ vầy mà không nghĩ vậy. Vì tổ chức từ cấp lãnh đạo tinh thần thiếu sót khiến cha mẹ chúng chẳng có đường lối hoài bão hướng thượng rồi bảo sao chúng lại có được tinh thần ấy." [7]
Đức Cao Triều Phát nhắc nhở:
"Trong một đời người, tuổi thanh niên là mùa xuân, là phát huy, là sáng tạo. Do đó, thanh niên cần phải được vun quén, tổ chức, giáo dục, chăm sóc và thúc phát mọi mặt. Người đi trước phải dọn đường sửa lối cho kẻ theo sau, làm thế nào khai thác những bẩm sinh, những khả năng từ thuở thanh thiếu niên. Vì thanh thiếu niên là những gì đang chờ đợi kết quả ở tương lai.
"(...) Bất cứ một gia đình, quốc gia, xã hội và nhân loại nào, dầu ở quá khứ hiện tại hoặc vị lai, [đều] phải ý thức và kỳ vọng ở thanh thiếu niên. Chẳng khác nào [việc trồng] cây, đem hột đi ươm lên thân cây con. Tùy sự chăm sóc, kết quả của cây xấu hoặc tốt phần lớn do chủ vườn chăm sóc." [8]
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư đúc kết:
"Khi đã nêu lên một vấn đề như vậy thì tương lai cũng nên lập phương pháp tổ chức và thực hành vấn đề ấy. Xưa nay ít có cha mẹ nào bỏ công dạy dỗ con cái của mình cho đến nơi đến chốn.
"Một vấn đề thuần nhứt là muốn vậy phải có một tổ chức rõ ràng, một chương trình sinh hoạt đang đến và liên tục cho lứa tuổi đó. Đó cũng là thể thức đem đạo giúp đời." [9]
Ở cấp độ hội thánh, thực tế ngày nay và nhiều năm qua, những ai quan tâm đến vấn đề chuẩn bị lực lượng kế thừa phải nhìn nhận một thực trạng (vừa hy vọng vừa xen lẫn âu lo) là chỉ Hội Thánh Truyền Giáo mới có chủ trương, kế hoạch thật sự. Các thánh thất hằng tuần mỗi Chủ Nhật tập hợp con em đạo hữu lại để hướng dẫn đạo đức và sinh hoạt, trang bị hành trang vào đời cho các em. Còn lại các hội thánh lớn khác do hoàn cảnh riêng nên hầu như chỉ để cho các đơn vị trực thuộc tự phát tùy theo tầm nhìn và khả năng của mỗi nơi.
[1] Đức Linh Quang Thổ Địa, CQPTGL 18-01 Tân Hợi (1971).
[2] Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, Minh Lý Thánh Hội, 06-10 Kỷ Dậu (1969).
[3] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Ngọc Minh Đài, 15-10 Bính Ngọ (1966).
[4] Đức Chí Tôn, Thanh Liên Đàn, 14-12 Giáp Thìn (1965).
[5] Đức Hiển Thế Đạo Nhơn, Ngọc Minh Đài, 01-4 Kỷ Dậu (1969).
[6] Đức Cao Triều Phát, Ngọc Minh Đài, 08-7 Kỷ Dậu (1969).
[7] Đức Lý Giáo Tông, Ngọc Minh Đài, 15-01 Kỷ Dậu (1969).
[8] Đức Cao Triều Phát, Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ (1967).
[9] Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, Minh Lý Thánh Hội, 06-10 Kỷ Dậu (1969).