Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
10/03/2010
Đại Bác (Minh Lý Đạo)

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 01/04/2010

LƯỢC THUẬT VÀ CẢM NGHĨ VỀ ĐẠI HỘI TÔN GIÁO THẾ GIỚI 2009

Các Đạo Hữu Minh Lý tại Gian Hàng Lưu Niệm
Nghệ Thuật Tây Tạng

Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới trong những thập niên gần đây được tổ chức khoảng năm năm một lần, đã diễn tiến lần thứ 5 từ ngày 3 đến ngày 9 tháng 12 năm 2009 tại Melbourne, Úc. Đại hội nầy đã tạo một dịp để các thành viên của mọi tổ chức tôn giáo và tâm linh toàn cầu chia sẻ về truyền thống của mình, tìm hiểu về các truyền thống tôn giáo và tâm linh khác, đối diện đàm thoại và kết nối với các thân hữu có những mối quan tâm chung.
Chủ đề của Đại Hội lần nầy là “Xây Dựng Một Thế Giới Đổi Mới: Lắng Nghe Lẫn Nhau, Chữa Lành Quả Địa Cầu”, đã phản ảnh sự cần thiết cấp bách cho các cộng đồng tôn giáo và tâm linh, cùng tất cả những người thành tâm thiện chí để hành động do những ưu tư về môi sinh, hòa bình, chống nạn nghèo đói, v.v…, và nhận trách nhiệm để vun bồi ý thức về sự liên kết toàn cầu của loài người. Đại Hội nầy cũng chú ý đến việc khắc phục khó khăn và đời sống tâm linh của các dân tộc bản địa khắp nơi trên địa cầu, đặc biệt là các cộng đồng dân tộc bản địa tại Úc. Khoảng năm ngàn người trên toàn thế giới đã tụ họp cùng nhau để tiếp nối công cuộc xây dựng một tương lai tốt đẹp cho chúng sanh trên hành tinh nầy.
Đây là sự hợp tác giữa Hội đồng Vận động Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới có trụ sở tại Chicago và Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới của thành phố Melbourne, cả hai đều có ban giám đốc và ban cố vấn rộng rãi, mang lại sự sáng suốt của các cộng đồng đa dạng trên thế giới.
Melbourne là một thành phố xinh đẹp và đầy sức sống cho sự đa dạng văn hóa và tôn giáo, cũng là một địa điểm rất thích hợp cho Đại Hội nầy.
Chương trình Đại Hội được khai mạc bắt đầu bằng những tiếng thổi tù và của một đại diện dân tộc bản địa Úc tay cầm nhạc cụ biểu hiện của nước Úc làm bằng một ống hơi cong dài hơn 1 mét và một dụng cụ đi săn gọi là boomerang.
Sau đó là các nghi lễ Cầu nguyện phước lành do các tôn giáo như: Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Bái hỏa giáo, Hồi giáo, Do thái giáo, Ấn độ giáo, Đạo Jain, Đạo Sikh, Thần Đạo Bản địa Úc, Thần Đạo Nhật Bản (Shinto), Đạo Baha’i. Mỗi tôn giáo cử hành nghi lễ riêng của mình, nhưng cũng đồng một vẻ trang trọng, thành tâm và cùng một chủ đích. Đại diện cho Phật giáo là Hòa Thượng Thích Phước Tấn ở Úc lên phát biểu kèm theo điệu vũ “Quan Âm Ngàn Tay” của đoàn Phật tử với nhạc và lời tiếng Anh.

Các tiểu chủ đề của Đại Hội gồm có:
Chửa Lành Quả Địa Cầu với Sự Chăm Sóc và Âu Lo
Các Dân Tộc Bản Địa
Khắc Phục Nghèo Đói trong một Thế Giới Không Bình Đẳng
Bảo Đảm An Toàn Thực Phẩm và Nước Uống cho Mọi Người
Xây Dựng Hòa Bình trong Mưu Cầu Công Chính
Tạo Dựng sự Liên Kết Xã Hội trong Thành Thị và Xã Ấp
Chia Sẻ những Thể Nghiệm trong Công Phu Thiền Định
Chương trình hằng ngày được diễn tiến trong 30 phòng họp khác nhau gồm có:
8:00 - 9:00 : Các nghi lễ cầu nguyện của các tôn giáo và các pháp môn
thiền định
9:30 - 11:00 : Hội thảo nội bộ giữa các hệ phái trong mỗi tôn giáo
11:30 - 13:00 : Đối thoại để cảm thông giữa hai hoặc nhiều tôn giáo
14:30 - 16:00 : Hội thảo để tìm cách giải quyết những vấn đề quan yếu
16:30 - 18:00 : Các cuộc đạo đàm từng nhóm
19:30 - 21:00 : Thuyết trình, cầu nguyện, văn nghệ

Trong suốt thời gian hội họp, mọi người có thể nhận được những kinh sách, giáo lý, thông tin của hằng trăm tổ chức tôn giáo, văn hóa và xã hội trên toàn cầu trong một phòng lớn có vài chục gian hàng triển lãm. Các sách song ngữ Việt-Anh về Đạo Cao Đài: Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Văn Hóa Mở Đạo Cao Đài, Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Pháp Lý Mở Đạo Cao Đài, Ngô Văn Chiêu - Người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên của tác giả Huệ Khải và những trang tóm lược về Minh Lý Đạo cũng được phổ biến cho những người muốn tìm hiểu.

Trong Đại Hội cũng có những cuộc thảo luận giữa các thành viên của Hội Nghị Thế Giới về Tôn Giáo và Hòa Bình cùng với Hội Nghị Á Châu về Tôn Giáo và Hòa Bình. Nhóm hội nghị nầy phúc trình thành quả đã qua và cũng có đề nghị thành lập một tổ chức liên hiệp các tôn giáo toàn cầu có trụ sở tại Liên Hiệp Quốc làm cố vấn về mặt tinh thần để kịp thời giải quyết những khủng hoảng, xung đột và mâu thuẩn trong mọi mặt trên thế giới.
Trong buổi lễ bế mạc, chúng tôi nhận thấy cái không khí đại đồng hòa hiệp là đây, đại đồng không phải cùng một sắc áo, cùng một nghi lễ, cùng một chủng tộc, cùng một ngôn ngữ. Sự khác nhau về những điều ấy cũng giống như hoa cỏ của một cánh rừng có nhiều màu sắc khác nhau sẽ làm thêm rực rỡ, tăng vẽ đẹp của rừng, chỉ cần một lòng thương yêu hòa ái muốn hợp tác với nhau là đủ rồi. Cái cảm nghĩ đại đồng hòa hiệp ấy cũng tăng lên khi vị tân chủ tịch Hội đồng Vận động Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới kêu gọi hợp tác, liên lạc với nhau thường xuyên hơn, cần gì đợi đến năm năm sau mới hội họp một lần, qua địa chỉ mạng peacenext.org, và được hội trường nhiệt tình hưởng ứng. Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma xuất hiện, mọi người đều đứng lên để chào mừng và tỏ lòng tôn kính một vị lảnh đạo tinh thần đã được giải thưởng Nobel về Hòa Bình. Ngài nói chuyện rất giản dị, dễ nghe, dễ hiểu trong phong thái tự nhiên và nhắc đến lòng từ bi bác ái trong các tôn giáo, cùng sự hòa ái, hợp tác. Ngài cũng nói Phật giáo và Thiên Chúa giáo có nhiều điểm tương đồng. Có nhiều vị lên đọc những diễn từ đúc kết, tạm biệt, bế mạc Đại Hội, có xen lẫn nhiều màn văn nghệ đa văn hóa của nhiều truyền thống.

Dân tộc Việt Nam đã được sống trong hòa bình, nhưng rất nhiều dân tộc khác kể cả người dân của nhiều nước được gọi là văn minh tân tiến vẫn ao ước có cảnh thái bình an lạc. Những cuộc vận động cho hòa binh thế giới hiện nay đều nằm trong Thiên cơ như trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Đức Ngọc Hoàng Thương Đế tá danh Cao Đài đã dạy ngày 8/6/1926 như sau:

“. . . Giáo lý ấy đáng lẽ phải đem lại hòa bình và tương ái cho loài người, nhưng trái lại nó gây mầm chia rẽ và chiến tranh.
Bởi thế, nên nay chính Thầy phải đến để đem lại cho các con nền hòa bình đã từng hứa hẹn.
Rồi đây Chúa Cứu Thế sẽ trở xuống sau
.”

Sự hòa hiệp trong đa dạng theo như tinh thần của Đại Hội đã được Đức Âu Minh Chánh đắc quả vị Giám Đàn Chơn Quân giáng dạy ngày 8/7/1965 tại Tam Tông Miếu như sau:

Thần Tiên muốn thấy ngày tương lai của thế giới nên trông vào mầm non mới tượng còn tiềm ẩn bên trong màn xáo trộn hiện thời. Mầm non đó là sự khôi phục đạo đức ngay ở nền Minh Lý của chúng ta và các tân pháp hiện sinh ở nhiều nơi mà nhất là Việt Nam bản quốc.
Việt Nam là một sân khấu để cho các tông giáo, học thuyết trình diễn đủ các màu sắc, phát âm trong kỳ thi sắp đến. Các màu sắc tuy khác nhau nhưng cũng được chọn lấy, để cho mọi người tô vẽ thành một bức tranh xảo diệu. Nếu ai là người có óc mỹ thuật, biết pha màu điểm sắc đúng mức, phải chỗ, thì bức tranh ấy được đưa ra cống hiến cho thế giới ngày mai, để họ biết rằng những nhân vật kỳ tài kia chính đương chủ trì các lãnh vực tân truyền, vì họ sẵn có óc dung hòa, đồng nhứt nên không có bị vật gì ngăn ngại họ được.


Ơn Trên đã hộ trì các cuộc Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới như lời dạy của Đức Thánh Trần Hưng Đạo như sau:

“. . . Đại Hội TG.Thế Giới mang lại cho nhơn loại một bước tiến gần về thể hiện tánh đại đồng hợp tác chung của các chi phái đạo toàn cầu. Trong mặt vô vi thấu suốt cuộc lễ trọng đại nầy một tinh thần đại đồng xóa đi những hố sâu ngăn cách, vì con người còn mang nặng thành kiến của bản sắc dân tộc, và tạo nên một luồng hạo nhiên bao phủ rộng khắp. Thiêng Liêng chứng giám và ban ơn lành cho toàn cầu bớt phần ác khí trược nhơ do tư tưởng của con người tạo ra làm cho bầu khí quyển trọng trược vô cùng. Chúng ta là bậc sứ mạng phải có bổn phận góp sức thanh lọc bằng thời tịnh công phu, trước là luyện lọc cho bản thân mình, sau đó hồi hướng cho bầu trời chung.

Theo cảm nghĩ của chúng tôi, các Đại hội Tôn giáo Toàn cầu như thế nầy là những đại hội để chuẩn bị tinh thần Đại Đồng cho một Đại Hội Long Hoa do Thiên cơ đã hé lộ từ bao ngàn năm, khi mà thời điểm thuận lợi sẽ đến trong tương lai không xa. Đó là lúc Chúa Cứu Thế trở xuống, mà Đấng nầy cũng là Phật Di Lạc xuất hiện chớ không thể có hai Đấng Cứu Thế trên một hành tinh quá nhỏ bé trong giai đoạn gần kề tận diệt nầy của Ngày Phán Xét .
Đại Bác (Minh Lý Đạo)

Thập tam ma khuyên đừng lấp lửng,
Gươm huệ cầm cho vững diệt trừ,
Tịnh lòng hầu thấy chơn như,
Thoát trần sẵn có thuyền từ rước đưa.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây