Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Mùa Xuân lại đến. Nếu người thế gian, theo cổ lệ, đón Xuân với những : " Thịt mỡ, dưa hành, ...
-
Cận kề di hài con thơ tròn 12 tuổi, thân phụ Ahmad vốn là thợ cơ khí dằn vặt: thù ...
-
Lúc ra đi, Mẹ đã trang bị cho mỗi đứa con một cái túi “ VẠN BỬU NAN” đựng 8 ...
-
Mỗi độ Xuân về, thiên nhiên trào dâng sức sống, vạn vật chuyển mình khởi đầu lại một chu kỳ ...
-
Đạo Cao Đài là một tôn giáo nội sinh tại Việt Nam, được khai sáng vào đầu thế kỷ XX ...
-
Khai Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn phán rằng : "Thầy sắp cuộc dinh hoàn tái tạo, Dụng huyền linh Đại ...
-
"Thật sự thì tự ngàn xưa, bên cõi trời Đông, bên bờ sông Lạc Việt, bên lịch sử Tiên Rồng ...
-
Nhìn lại lịch sử nhân loại song song với lịch sử các tôn giáo, ta thấy chỉ trong thời Tam ...
-
Điều thứ hai mươi của Tân Luật có qui định Chức sắc giữ Thánh thất mỗi ngày phải làm tiểu ...
-
Mỗi mùa tu vào ngày nhập khoá, chúng ta đều có dâng sớ trình danh sách tịnh viên nam nữ ...
-
“Ta là ánh sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong ...
-
9. TU KỶ 修 己 – ĐÃI NHÂN 待 人 191. Xí giả bất lập, khóa giả bất hành. Tự hiện ...
Kim Trinh
Công quả là đường đến Ngọc Kinh
Thương người như thể thương thân,
Thương người đói rét lầm than cơ hàn.
Thấy ai đói rét thì thương,
Rét thường cho mặc đói thường cho ăn.
Cùng lúc đó, gia đình cũng góp phần vào việc dạy dỗ các trẻ về cách cho hơn của đem cho, làm thế nào khi giúp đỡ người lỡ bước, ta không làm cho họ tủi thân. Lần hồi, gia đình và học đường giúp trẻ hình thành nhân cách và việc giúp đỡ người cơ hàn lỡ bước bằng tình thương đã trở thành một phản xạ tự nhiên đối với các trẻ.
Đến khi chúng ta đọc được Thánh Kinh Hiền Truyện, Thánh nhân cũng đã dạy rằng:
Vi thiện giả Thiên báo chi dĩ phước,
Vi bất thiện giả, Thiên báo chi dĩ họa.
Có nghĩa là hễ làm điều thiện, Trời sẽ ban phước lành và hễ làm ác thì tai họa sẽ đến.
Khi bước vào đời, va chạm nhiều phiền lụy, chúng ta thấy vô số chuyện ngoài đời không giống như trong sách vở. Có quá nhiều nghịch lý trong cuộc đời đến nỗi ta không tìm được lời giải đáp.
Sách xưa kể chuyện về vua Lương Võ Đế thời Nam triều nước Lương. Trước Lương Võ Đế theo Đạo giáo, sau sùng đạo Phật. Ông cho dựng trên 80 cảnh chùa rất được người thời bấy giờ ca tụng nhưng rốt cuộc cuối đời phải bị giặc bao vây, chịu đói rét và chết trong ngục lạnh.
Xưa nay chùa thất được xem như là thuyền Bát Nhã, nhơn sanh nương vào đây mà tu hành thoát tục. Người xây chùa thất là người tạo ra công đức vô lượng và với hơn 80 cảnh chùa đã xây, Lương Võ Đế vẫn phải chịu cảnh bi thảm ở cuối đời. Chúng ta sẽ giải thích như thế nào đây?
Trong khi đó, chuyện một ông thủ tự ở một ngôi chùa nọ, ông thật nghèo khó cô đơn được nhà chùa giao cho việc quét rác tưới cây. Ông thành tâm ngày ngày làm tròn bổn phận đốt nhang, niệm Phật, ông sống bằng vỏ bầu vỏ bí của khách thập phương bá tánh bỏ ra. Vậy mà khi thoát xác ông lại đắc quả vị và được Ơn Trên giao cho việc hộ trì vô vi cho chùa này.
Vậy phải chăng, điều làm cho người đời hoang mang và mất niềm tin đó là:
1. Có những người hiền lành, thiện lương, hết sức tốt bụng mà suốt đời phải chịu nhiều thiệt thòi cay đắng.
2. Lại có kẻ tàn bạo gian ác, suốt đời chỉ biết hại người thì lại được sung sướng, lắm bạc nhiều tiền.
Đến khi may duyên gặp Tam Kỳ Phổ Độ, được hồng ân thọ nhận Tân Pháp Cao Đài, học được giáo lý của Thầy Mẹ và các Đấng dạy dỗ, chúng ta đã hiểu được luật nhân quả, luật cảm ứng và sự luân hồi chuyển kiếp… Những gì ta hưởng hay chịu khổ ở kiếp này đều là kết quả của những gì ta làm ở tiền kiếp như lời Mẹ dạy:
Sách có câu: Dục tri tiền kiếp,
Thì hãy trông duyên nghiệp kiếp này.
Tân Pháp Cao Đài dạy người tu phải hội đủ Tam Công.
1. Nếu Công Trình luyện kỷ giúp con người hoàn hảo hóa bản thân.
2. Và Công Phu đạo pháp giúp con người thoát vòng luân hồi sanh tử.
3. Thì chính Công Quả làm nền tảng cho công trình và công phu được vững bền.
Ơn Trên dạy rằng:
Công trình, Công quả, Công phu,
Ba Công hội đủ đường tu vững vàng.
- Công quả giải được nghiệp tiền kiếp;
- Là hành trang khi ta trở về Thầy.
Con người không thể trở về cõi nhứt nguyên với một hành trang chứa đầy nợ nần oan trái, mà hành trang phải là công đức của một đời tu hành học Đạo.Và trong suốt quá trình tu học, công quả là con đường đưa ta về bến giác như lời Đức Mẹ dạy:
Có thương con mới dày công quả,
Công quả là đường đến Ngọc Kinh.
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thầy đã dạy rằng:
"Thầy hằng nói cùng các con rằng: Một trường thi công quả các con muốn đến nơi cực lạc thì phải đi tại cửa này mà thôi."
Như vậy, trong Tam Kỳ Phổ Độ, không có Công quả thì khó hồi cựu vị.
Đức Mẹ dạy:
"Các con hãy xem, rất đổi các Đấng Phật Tiên Thần Thánh còn phải xuống trần bất luận ngày đêm để lập thêm công, bồi thêm đức. Huống chi các con, chớ nên tự mãn, hãy cố gắng thêm lên. Hãy thắng mọi sở thích của thể xác và chơn thần mới hành được nghĩa vụ trọng đại này."
Vậy, vấn đề đặt ra là:
- Chúng ta phải làm những việc gì trong hiện kiếp để được gọi là công quả? được gọi là âm chất?
- Và ta phải làm công quả đó như thế nào để khỏi bị lâm vào trường hợp của Lương Võ Đế ngày xưa, làm thì nhiều mà kết quả có được gì đâu?
Vì lẽ đó, Đức Quan Âm đã từng lo sợ cho chúng ta:
Tu một mà con tạo nghiệp hai,
Thế nên phá sản chốn Thiên Đài.
Điều này có nghĩa là của cải tiết kiệm của ta chưa có được bao nhiêu mà đã vội tiêu xài phung phí thì việc phá sản chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Đức An Hòa:
"Danh từ Công Quả rất thường nghe trên vành môi khóe miệng của mỗi người trong các đạo giáo hằng ngày. Cũng rất thường như những danh từ khác. Nhưng về quan niệm ý nghĩa sâu sắc của nó không phải tầm thường như những danh từ bị lợi dụng.
"Hỡi chư hướng đạo! Hỡi chư đạo tâm nam nữ. Việc làm công quả không chỉ phô trương trên hình thức rườm rà, vì nể nhau, hoặc vì muốn làm cho xong để khỏi tai tiếng với người đời rằng người tu sao nở điềm nhiên tọa thị trước cái khổ của người khác."
Điều này có nghĩa là có nhiều người làm công quả chỉ vì sợ mang tiếng dửng dưng trước cái khổ của người khác:
"Nếu quan niệm như vậy thì chưa phải là làm công quả, vì mình chưa hiểu mình, chưa biết mình là ai, chưa hiểu đúng nghĩa công quả là gì, và chưa biết làm thế nào mới đúng danh là công quả, cũng không tự chủ lấy mình, làm chỉ làm với áp lực ngoại cảnh mà thôi."
Ngài nhấn mạnh rằng:
"Công quả muốn được chánh danh và đúng nghĩa của nó, đúng giá trị của nó và đáng ghi phần âm chất phải là công quả xuất phát từ lòng tự giác, tự nguyện và thiết tha với nó, xem nó là nguồn sống của đời người như cơm ăn, nước uống, hơi thở, áo mặc, nhà ở và như lương dược trị bịnh."
Cần thiết như vậy, vì rằng:
"Hơi thở phải luôn luôn đều đặn nhịp nhàng theo buồng phổi, theo trái tim, nếu gián đoạn giây phút là sự chết đến liền. Công quả cũng vậy. Nếu làm theo giai đoạn, làm theo sở thích, làm theo ngoại cảnh hay một động lực nào, đó là công quả nhất thời mà hễ nhất thời, giai đoạn là phải xáo trộn, sẽ đưa đến bắt đầu của cái bắt đầu."
Đức An Hòa còn dạy thêm:
"Thường thấy nơi cõi trần gian này cũng có thứ công quả mà người có tiền mượn làm và người không có tiền đi làm dùm."
Công quả có giá trị là ở tự tận đáy lòng thiết tha phát khởi mà làm, dầu có phương tiện như hoàn cảnh của cải, tiền bạc, hay dù trong cảnh nghèo nàn túng rối mà tận đáy lòng thiết tha với công quả, vẫn có giá trị muôn đời.
Gần đây, qua báo chí người ta được biết một câu chuyện thật cảm động: "Hai bà cụ già đơn chiếc sống nghèo nàn trong một mảnh vườn của cha mẹ để lại. Tuổi già sức yếu, hai bà chỉ trông cậy vào vài cây trái trong vườn. Trong vùng có nhiều gia đình khó khăn neo đơn nên chính quyền đến gợi ý hai bà hiến đất để cất nhà tình thương. Hai bà rất vui lòng hiến đất để cất một nhà, hai nhà rồi ba, bốn nhà. Kết cuộc hai bà chỉ còn vỏn vẹn một mái nhà tranh nghèo nàn.Đến khi làm lễ bàn giao nhà tình thương cho các gia đình khó khăn, trong lúc mọi người mừng nhà mới, có ai thấy được cảnh hai cụ già tốt bụng cười hiền hòa chung vui với mọi người trong mái nhà tranh rách nát của mình."
Chuyện về sau, chúng ta không biết thế nào nhưng chắc chắn rằng những kẻ có lòng sẽ được đền bù xứng đáng. Như vậy, làm công quả đúng mức để được gọi là âm chất:
(1) Thì phải không phô trương hình thức rườm rà, hay sợ mang tai tiếng, mà làm.
(2) Công quả phải phát xuất tận đáy lòng thì giá trị sẽ vĩnh cửu.
Qua hai điều này chúng ta đã hiểu rõ tại sao Lương Võ Đế xây nhiều cảnh chùa mà không tạo được phần âm chất cho mình. Sử sách còn ghi rõ thêm rằng: "Phần lớn các ngôi chùa đã xây được dành cho cha mẹ nhà vua đến cúng bái, cho các phi tần, hoàng thân quốc thích. Nhà vua còn bắt buộc dân chúng nhường đất để xây chùa. Lương Võ Đế còn cho đúc nhiều tượng Phật bằng đồng quý giá. Tất cả các công trình trên đều được xây dựng bằng công quỹ quốc gia." Người ta không phủ nhận việc sùng đạo của Lương Võ Đế và cũng nhìn nhận tài năng của nhà vua qua những công trình sáng tác về Dịch học, kinh sử, văn chương … Nhưng ai cũng nhìn nhận là Lương Võ Đế rất muốn người đời sau biết đến mình, muốn được người đời tôn sùng. Với hậu ý như vậy, phần công quả của Lương Võ Đế đã mất đi nhiều ý nghĩa.
(3) Cũng không thể nhất thời giai đoạn mà là điều tâm niệm khắc ghi mãi mãi suốt đời tu hành.
(4) Đây là một quan niệm về nhân sinh thế đạo, không chỉ gò bó trong phạm vi chùa thất, Hội Thánh, Tòa Thánh.
Đức Quan Âm:
"Công quả nơi đây đừng quan niệm gò bó trong phạm vi chùa thất, Hội Thánh, Tòa Thánh mà gọi là công quả cho Thiêng Liêng để đổi phần cứu rỗi… Công quả lo giúp đời trên mọi phương diện trong đời sống thường nhật, lo cho người tức là lo cho mình, giúp người đời tức là giúp cho mình." (5)
Chúng ta làm không nệ khó khăn, càng không vì việc lành nhỏ mà không làm.
Ơn Trên dạy:
Bòn công quả như người bòn ngọc,
Mót công phu khó nhọc rán làm.
Đức Hiển Thế Đạo Nhơn:
"Sự thiện nhỏ nhặt nếu các em khinh thường mà không làm thì cũng uổng cho những điều lớn sau này. Việc xằng bậy dù nhỏ nhặt tới đâu, nếu các em nín thở mà làm, nhiều ngày kết tụ có thể phương hại đến thói quen của các em.
"Ở đời có biết bao nhiêu người không làm những điều dữ, nhưng lại chẳng làm một sự lành, thì nào có phước đâu, lâu ngày lại nảy sinh những điều không hay."
Việc thiện đừng chê dù lớn bé,
Lâu ngày đầy đủ mới nhờ siêng.
Bao nhiêu khổ cực bao nhiêu điểm,
Rửa hết phàm tâm được chở che.
Như vậy, chúng ta đã hiểu người tu hành phải làm công quả như thế nào để gọi là âm chất, đã hiểu rõ trường hợp của Lương Võ Đế và sự cần thiết khẩn trương của việc tu thân hành đạo làm công quả, bởi vì: "Nếu để trễ quá, không bao giờ cơ hội ấy trở lại hoặc được trở lại cũng phải mất mấy chục vạn năm trời."
Chúng ta, những người tu trong Tam Kỳ Phổ Độ thật vô cùng hạnh phúc được Thầy Mẹ và các Đấng chỉ rõ con đường trở về, đó là con đường công quả, một trường thi công quả tựa như một thí sinh đi thi sẵn có đề thi, có đáp án. Chúng ta chỉ việc siêng năng chép lại mà thôi.
Vậy mà ta còn chểnh mảng, còn đổ thừa tại, bị, để khi cơ hội qua rồi thì cuộc đời còn lại chỉ là những chuỗi ngày đầy tiếc nuối.
Đức Như Ý dạy:
"Con đường lập công bồi đức, lập ngôi vị thiêng liêng cũng giống như con đường lên non thần. Đi lên rất khó, trở xuống thì dễ lắm. Tuy đi lên bị động lực kéo trì, nhưng khi trở xuống, chẳng những không bị động lực nào kéo trì trở lại mà còn có động lực xô đẩy cho tuột dốc."
Những ai đã từng leo núi tất sẽ hiểu được cảm giác của người leo núi khó khăn và mệt nhọc đến chừng nào.
Khó khăn như vậy, nhưng quyết chí ta vẫn làm được, bởi vì trong tất cả mọi trường hợp, chúng ta còn có tình thương. Có tình thương ta mới có thể hy sinh: hy sinh tiền của, công sức, thời gian… Hy sinh mọi thứ sở hữu vì hạnh phúc của tha nhân.
Đức Như Ý:
"Người hành giả đăng sơn có lao khổ khó nhọc nhưng cũng được đền bù xứng đáng là niềm tin và hy vọng ở tương lai."
Bởi vì người tu hành chân chính, nguyện suốt đời vì tha nhân mà tô bồi âm chất, chắc chắn sẽ được đền bù. Sự đền bù đó là gì?
1. Công quả giúp ta trả nợ tiền khiên đã vay từ vô lượng kiếp trước. Nợ vay quá nhiều mà phải trả cho xong trong một kiếp nên người tu phải chịu nhiều khảo đảo. Về với Thầy Mẹ, dứt khoát chúng ta phải trả cho hết nghiệp. Và còn nữa, không lẽ chúng ta trở về mà hành trang đạo đức chẳng có gì hay sao?
Phải có dư thừa một chút gì đó để còn gởi vào nhà băng thượng giới mà chắc chắn rằng lãi suất thật là cao mà chẳng sợ mất mát hay trộm cắp.
Thân tu để trả nợ tiền khiên,
Nghiệp chướng oan gia với não phiền.
Lập đức lập công cùng lập vị,
Nếu chưa đắc Phật cũng thành Tiên.
2. Công quả còn cứu được gia quyến, cửu huyền thất tổ.
Đức Như Ý dạy: "Các cháu phải cố gắng tô bồi công quả hành đạo để có nhiều âm chất, trước là cứu độ gia quyến thoát khỏi nạn tai trong hồi loạn lạc, kế đó là cứu độ cửu huyền thất tổ, cũng là phương tiện giúp cho chơn linh mình được siêu thoát sau ngày rủ bỏ phần nhục thể. Đừng bao giờ quan niệm rằng mình hành đạo là để giúp cho người này hay người khác mà tốn công tốn của. Phải hiểu rằng hành đạo cho chính mình, cho gia đình quyến thuộc mình. Tô bồi âm chất là của quí đem gởi nhà băng thượng giới, trộm cướp không lấy được, chiến tranh không tàn phá được tài sản quí vô giá đó."
Đức Quan Âm:
Lo bồi công quả thêm nhiều nữa
Để đám hậu lai được vững vàng.
Công quả phải còn có dư mới để lại cho con cháu.
3. Công quả giúp gia đình được yên ổn.
Ơn Trên: "Trong thời đao binh chiến họa, loạn lạc nhiều nhưng, lòng người điên đảo, đạo đức bị xem thường. Vậy nên Bản Thần khuyên những ai muốn thân mình được yên ổn, gia đình mình được may mắn, hạnh phúc thì công quả âm chất dọn mình trong sạch để được Thần Thánh Tiên Phật gần gũi giúp đỡ, hộ trì cứu an.
"Mọi việc họa phước ở đời đều do sự dữ lành của mình tạo nên."
Đức Mẹ dạy: "Mẹ sẵn dành cho các con một khoảng trống an lành trong cơ cộng nghiệp."
Như vậy, làm công quả để được Ơn Trên gần gũi, giúp đỡ,hộ trì, cứu an và nhận được khoảng trống an lành trong cơ cộng nghiệp.
4. Công quả giúp thân tâm an lạc. Tất cả những lo âu phiền muộn trong đời đều do ta vô tình hay cố ý tạo nghiệp thì chính công quả giúp ta vơi đi điều lo nghĩ và sẽ được yên vui. Điều này cũng giống như ở đời thường, ta khổ sở vì nợ nần như thế nào thì khi trả hết nợ ta được an vui như trút được gánh nặng ngàn cân.
Đức Đông Phương:
Những điều âm chất gia công,
Mót bòn ngày tháng cho lòng yên vui.
5. Xây dựng ngôi phẩm vị thiêng liêng.
Tam Trấn: "Công quả âm đức được đầy đủ sẽ giải trừ được những nghiệp xấu cũ và xây dựng ngôi phẩm vị thiêng liêng ở những kiếp sống hậu lai trong vĩnh cửu bất diệt trường tồn."
6. Làm gương tốt cho con, các con sẽ noi theo gương mẹ cha mà nối tiếp truyền thống đạo đức, đạo mạch được trường lưu.
Đức Vạn Hạnh:
"Về mặt âm chất, cha mẹ đã tu, lập công bồi đức dựng gầy âm chất, đám con cái cùng tu, sẽ giúp cho sự tiến hóa tăng trưởng mau lẹ đến ngày đạt Đạo.
"Ví như mặt vật chất, nếu cha mẹ gia công hôm sớm tảo tần tìm kiếm bạc tiền, trong lúc đó con cái trong nhà ăn chơi tiêu xài phung phí, hỏi đến bao giờ sự nghiệp vật chất mới được phú túc đủ đầy.
"Về mặt âm chất cũng tương tự như thế. Một khi chúng nó biết đạo, tu thân hành đạo, sẽ hỗ tương cha mẹ phấn chấn tinh thần làm thay đổi cuộc diện nếp sống trong gia đình càng thêm đầm ấm vui vẻ."
6. Công quả âm chất mới chính là hành trang đích thực mà ta có thể đem theo khi về chầu Thầy Mẹ.
Đức Vạn Hạnh dạy rằng:
Bao nhiêu hành lý xin chừa lại,
Chỉ chở Hà Đồ với Lạc Thơ.
Và còn nữa, còn rất nhiều phần thưởng vô vi dành cho những người suốt đời tâm thành sự đạo.
Những điều kể trên là những điều mà người tu hành chân chính xứng đáng được hạnh hưởng. Giờ đây, chúng ta đã biết công quả cần thiết cho người tu hành như thế nào rồi? Nhưng làm công quả, làm âm chất, là ta phải làm những gì đây để được hưởng những điều kể trên?
Thường nói đến công quả, người ta nghĩ ngay đến việc dùng tiền bạc, của cải để giúp đỡ người khác. Nhưng thật ra tất cả những việc gì ta làm cho người khác được hạnh phúc, được yên ổn, được vui vẻ, thoát khỏi những cơn nguy khốn trong đời đều là công quả cả, cho dù ta phải đánh đổi bằng công sức, bằng tiền bạc, bằng thời gian chúng ta cũng vẫn vui.
Những việc làm ích lợi này có thể là lời nói, việc làm, tiền bạc (tài thí) và cao cả hơn nữa là ta đem giáo lý Đạo Thầy phổ độ nhơn sanh, giúp người đời cải ác về lành để cùng nhau đi trên con đường Đại Đạo (pháp thí).
a. Về lời nói còn gọi là Đức Ngôn
Ngôn là nên nói những điều hay,
Nói đạo nói chơn chớ nói tà.
Một lời nói thuần lương đạo đức giúp người vui sống, giúp người cải ác về lành. Lời nói của bậc trung thần cứu nguy được vận nước ngửa nghiêng. Ngày xưa vua Trần, vì thương dân lúc giặc Nguyên xâm lăng định ra hàng giặc. Các bậc công thần đồng thề nguyền hy sinh để giữ nước. Một lời thề đã được ghi vào sử sách: "Chừng nào đầu kẻ hạ thần rơi thì bệ hạ mới hàng." Sự đoàn kết của toàn dân đã đưa nước nhà thoát khỏi cảnh diệt vong.
Ngược lại, lời sàm tấu của nịnh thần, lời nỉ non của mỹ nhân sẽ đưa nước nhà đến chỗ suy vong.
Đức Khổng Tử dạy:
"Đối với việc hiện tại, chư hiền đồ chưa rõ sự sát sanh như thế nào.
"Sát sanh là gì?
"Là giết sự sống, từ lời nói đến hành động, đều có thể gọi là sát sanh. Nếu lời nói sai làm người phiền lụy, hành động quấy làm cho người đau khổ cũng gọi là sát sanh. Chẳng phải giết loài vật để mà dưỡng thân mới gọi là sát sanh. Như vậy, một lời nói làm người khác điêu đứng, lời vu cáo làm hại mạng người đều gọi là sát sanh.
"Nhứt ngôn thất đức thiên niên đọa."
Đức Thái Thượng dạy:
"Này chư môn đồ có câu: "Văn thiện ngôn tắc bái" nghĩa là nghe lời lành phải lạy mới được."
"Huống chi trong thời Hạ nguơn mạt pháp này, Đức Thượng Đế lâm phàm dạy Đạo cùng Phật Tiên Thánh Thần thảy đều giáng điển khuyến giáo nhơn sanh thì không nên khinh thường lời châu tiếng ngọc."
Ơn Trên thường dạy rằng lời Tiên Phật làm cho cỏ cây rung động.
Thầy dạy:
"Lời nói chơn chánh đạo đức, làm lành, làm phải ấy là lời Thầy.
"Các con biết và hành động thiện cho hoàn toàn thì các con thấy sự thành tựu.
"Mặc dù các con chưa làm được lành, nhưng các con thốt lời lành và có tư tưởng lành cũng như các con trở nên gần lành.
"Mặc dù các con chưa làm việc dữ, nhưng thốt lời dữ và có tư tưởng dữ, cũng dường như kẻ dữ vậy."
b. Việc làm: đem công sức mình ra hành thiện giúp đỡ nhân sanh. Việc làm này thật đáng trân trọng. Nhỏ nhất như việc một đứa trẻ nắm tay một cụ già qua đường, hình ảnh này thật dễ thương. Được khích lệ, được khen tặng, chắc chắn chúng sẽ phát huy những tình cảm tốt đẹp này.
Chúng ta đi cứu trợ, đi thăm trẻ mồ côi, thăm các cụ già ở các trại dưỡng lão, đi khám bịnh phước thiện… Tất cả đều là những việc thiện đáng được biểu dương. Còn các nữ tu mà cuộc đời thánh thiện, tâm hồn thật trong sáng, đã hiến trọn đời mình trong các bịnh viện, các trại phong đã để lại trong lòng ta những cảm giác gì khi nghĩ đến họ? Có phải chăng là sự quí trọng, sự thán phục vô bờ. Họ đã làm những việc mà ta chưa làm được và không biết bao giờ mới làm được như họ.
Tại các bịnh viện ngày nay, có các tổ chức từ thiện, nấu cơm miễn phí cho các bịnh nhân neo đơn. Việc làm tốt đẹp này đang được nhân rộng ra và thật ích lợi cho nhiều người.
Ơn Trên đã dạy về việc xã hội từ thiện này:
"Của một đồng, công một lượng ."
Hay:
"Làm một ngày đức hưởng một năm."
Ơn Trên đã ban cho phước lành thật to lớn cho những ai vì đời mà hy sinh.
Chúng ta giờ đây đã hiểu rồi sự Đại Ân xá, đức háo sanh của Đức Chí Tôn, chúng ta làm chưa được gì đáng kể mà phần thưởng Ơn Trên ban cho thật quá lớn lao.
c. Công quả thường thấy nhất là bằng tiền bạc.
Đức Vạn Hạnh:
"Những của cải tiền tài vật chất đem sử dụng vào lãnh vực xã hội từ thiện đạo đức rất có ích lắm chư đạo hữu. Đó là của cải đem gởi nhà băng trên thượng giới, trộm không cắp, cướp không giựt được, hỏa hoạn bom rơi không thiêu hủy được. Đã vậy, mà một vốn đến trăm ngàn lần lãi suất. Những của cải vật chất có ích ở các lãnh vực sau đây:
- Là có cơ hội may duyên để trả bớt lần những món nợ tiền khiên mình đã thiếu.
- Là dùng vật chất để tạo điều âm chất, dùng để cho kiếp lai sinh.
- Và nếu của ấy giúp cho người trong cơn khốn khổ về vật chất, cái âm đức ấy đã khiến kẻ thụ hưởng cảm động hằng hộ niệm cho sở thí chủ được tăng trưởng phước đức, sớm trừ bớt nghiệp tiền khiên.
- Là nếu của cải ấy sử dụng đúng với tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ vì phát tâm hành thiện thì sẽ là tài sản sự nghiệp để dành cho kiếp lai sinh, nếu còn đầu thai tái thế sẽ được hưởng cảnh phú quí vinh hoa hoặc nhiều hoặc ít do hiện kiếp biết để dành trong hành thiện …
"Nhìn hiện kiếp của một người nào đó sẽ hiểu được quá khứ kiếp hoặc vị lai kiếp của họ. Nhưng tiếc thay! Có người hiện kiếp đang hưởng phú quí vinh hoa, tưởng rằng do tài năng của mình tạo ra hoặc của phụ ấm để lại mà không hiểu cái nhân của nó. Thế nên người đời thường mỉa mai rằng: Tại sao những kẻ tham tàn độc ác vẫn giàu có phây phây, còn người chí công tu niệm hành đạo suốt đời lại bị nạn nọ tai kia?"
Lời dạy của Đức Vạn Hạnh cho ta hiểu tại sao kẻ ác vẫn còn giàu mà kẻ hiền lương vẫn chịu khổ suốt đời. Do đó, Đức Vạn Hạnh dạy tiếp:
"Chư đạo hữu ý thức được điều này, nên lấy đó làm phương tiện để an ủi vỗ về nhắc nhở, khuyến khích hoặc giúp đỡ những người bạn đạo trong cảnh ấy, đang trả quả, để ngăn chặn sự sa sút đức tin, phế đạo rồi bỏ lỡ cơ hội được trả bớt nghiệp tiền khiên quá nặng.
"Thời gian vật chất, tiền bạc rất được xem trọng. Tiền bạc hầu như ngự trị gần hết các lãnh vực trong đời sống. Người ta có thể vì tiền mà đánh đổi bao nhiêu vốn quí trong đời: sanh mạng, danh dự, sức khỏe."
Ơn Trên: "Thử nghĩ lại mà xem. Trong đời người thế thường ai cũng muốn gây dựng, tạo lập một sự nghiệp hữu thể cho mình để lại vợ con chung hưởng. Có người cũng dành đôi phần sự nghiệp hữu chất đó ra hành việc thiện như lập chùa, mở trường, xây cất bịnh viện, nhà nuôi trẻ mồ côi… Có mấy ai dám chiết phân nửa số mình có để làm việc thiện. Nhưng việc đến đã đến và đã qua rồi, chỉ trong phút chốc bao nhiêu sự nghiệp đều tan theo gió bụi. Rồi giờ đây tiếc việc cũng đã rồi. Tiếc rằng phải chi hồi trước mình biết dùng của ấy để vào việc hữu ích cho đạo lý, cho nhơn loại thì giờ này chắc mình không đau khổ và hối tiếc.
"Chư hiền đệ hiền muội ôi! Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ rồi, vì hữu hình là hữu hoại hoặc sớm hoặc muộn."
Nhớ lời Phật Tiên Thánh Thần đã cho biết từ mấy mươi năm trước rằng: "Vật chất tiêu tan mới rõ Thầy. Không phải chỉ chừng ấy thôi đâu, nó sẽ còn tiêu tan nhiều hơn nữa kìa."
d. Và cũng thật cao quý vì có những người hy sinh cả thân mình để cứu nguy cho người khác.
Họ là những anh hùng vô danh đã vì an nguy của quốc gia dân tộc mà hy sinh đền nợ nước, được sử sách ngàn năm ghi đậm nét:
Họ là những anh hùng ngàn thu trước,
Đem tấm thân bảy thước chống san hà;
Mảng lo đền nợ nước nhẹ tình nhà,
Trong tâm khảm nặng tình yêu tổ quốc.
Chúng ta làm thế nào quên được một Lê Lai hy sinh cứu chúa, một Trần Bình Trọng vì nước quên mình và các bậc anh thư liệt nữ Bà Trưng, Bà Triệu vị quốc vong thân vì sự an nguy của dân tộc. Làm người dân trong một nước, thừa hưởng sự nghiệp của tiền nhân, chúng ta mãi mãi mang nặng tứ ân.
Và rải rác trên báo chí có biết bao nhiêu tấm gương hy sinh để cứu người. Rất đáng khâm phục là trường hợp các em nhỏ liều thân cứu các bạn chết đuối để rồi kiệt sức chết theo bạn mình.
e. Và cao trọng hơn hết là pháp thí, đem lời đạo lý để thuyết đạo cải hóa con người trở về lành, đưa nhơn sanh đi trên đường Đại Đạo. Chúng ta dùng lời nói, công sức, tiền bạc ... để giúp đỡ tha nhân thì những việc làm này thật tốt, thật ích lợi nhưng chỉ giúp được một người hay một tập thể nhỏ còn việc đem giáo lý độ chúng sanh qua những giờ thuyết giáo, giảng đạo, giảng pháp môn … là ta đã độ được nhơn sanh. Và từ đó việc độ tha sẽ theo cấp số nhân mà lan rộng.
Trong các giờ công phu thiền định, giây phút tập trung điển lực hồi hướng cho nhơn sanh vô cùng quan trọng… Điều mà trong bài kệ Hồi hướng đã dạy:
Công đức tọa thiền lớn biết bao...
Thầy thường dạy: "Đạo khai trễ một ngày là nhơn sanh khổ một ngày." Và Thầy đã trao sứ mạng cao cả này cho các con cái của Thầy:
"Thầy đã lấy từ bi mà dìu dắt từ bước đường, hôm nay các con đặng lấy chí thành của Thầy đã un đúc mà dìu dắt lại sanh linh."
Vì đời quá nhiều đau khổ nên:
Thầy không nở ngồi yên Bạch Ngọc,
Nhìn các con cười khóc hồng trần.
Hồng trần là chỗ cát bay đá chạy mịt mù, nhân sanh chịu cộng nghiệp. Chúng ta may duyên gặp được Đạo Thầy:
"Thầy cùng các Đấng đã vì chúng sanh mà lâm trần giáo đạo. Chúng ta mang sứ mạng vi nhân hãy vâng lịnh Thầy mà hoằng giáo độ đời, đem giáo lý đạo Thầy mà đưa chúng sanh đi trên đường Đại Đạo.
Các bậc Thế Tôn, các vị Giáo Chủ đã chẳng vì nhơn sanh mà lìa bỏ ngai vàng đó sao? Đã chẳng vì cái khổ của thế gian mà chịu đổ máu đào trên thập tự giá đó sao?
Giọt huyết đổ dầm dề Thánh giá,
Đem đóng đinh dựng ngã ba đường.
Chịu khổ hạnh Bồ Đề tịnh tọa,
Đem huyễn thân túc xá kim thân
Tây Phương giải thoát nhơn quần,
Nghìn năm lịch sử trọng phần Thế Tôn.
Và chúng ta sẽ xúc động đến ngần nào khi nghe lời Đại Nguyện của Thầy.
Thầy hứa trước nơi đây nam nữ,
Hứa cùng con danh dự lời này;
Ngọc Hoàng Thượng Đế là Thầy,
Nếu không thành Đạo, Thầy đây không về.
Chúng ta đã hiểu rồi việc làm công quả, làm điều thiện hay nói chung là làm những gì ích lợi cho nhân quần xã hội đều được coi như là hơi thở của mình. Do đó, những việc làm này không được ngừng nghỉ mà phải trường lưu bất tận. Và điều này cũng không dành riêng cho một ai.
Điều mà chúng ta đây đồng nhìn nhận là tất cả những việc làm tốt đẹp cho mọi người đều được xây dựng trên căn bản tình thương. Một tình thương bao la vô tận của Đức Thượng Đế đối với nhân sanh, lòng từ bi, bác ái của Đức Phật, Đức Chúa, tình đồng đạo, nghĩa đồng bào, tình huynh đệ, tình bằng hữu... Chúng ta sống trong cõi nhị nguyên đầy khổ đau nhân quả nhưng cùng lúc chúng ta cũng sống trong tình thương của quá nhiều người dành cho ta. Vậy, chúng ta phải vì đời mà đem tình thương gieo rải khắp nhơn sanh. Có như thế thì quảng đời còn lại của chúng ta mới thật sự có ý nghĩa, bởi vì Đức Mẹ đã khẳng định:
Có thương con mới dày công quả,
Công quả là đường đến Ngọc Kinh.
___________
Đọc thêm: http://nhipcaugiaoly.googlepages.com/hanhphuc
Nhịp cầu giáo lý > Thông Tin > Huân Chương MBE
Nhịp cầu giáo lý > Bài Viết > Tham Luận > Tam Qui