Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
18/11/2008
Kim Trinh

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 07/01/2010

Có hòa rồi tát bể cũng vơi

Kể từ khi Đức Thượng Đế ban hồng ân khai mở Đại ĐạoTam Kỳ Phổ Độ, chọn nước Việt Nam làm Thánh Địa và dân tộc Việt được ban trao Sứ Mạng hoằng dương chánh giáo, người tin đồ Đại Đạo đã hòa mình vào tập thể để học Đạo, hành Đạo, từng bước tiến hóa với một ước mong tưởng chừng trong tầm vói của mình: đó là khi sống làm lợi ích cho nhơn quần xã hội và khi thoát xác được trở về với Thầy Mẹ. Nhưng đường tu hành nhiều cạm bẩy chông gai, khó khăn biết chừng nào, không phải ai cũng đạt thành ý nguyện vì chúng ta đang mang nhiều nghiệp quả từ tiền kiếp mà hiện kiếp thì có biết bao thử thách đang chờ đợi, vì vậy người tín đồ Đại Đạo cố gắng khép mình trong giới luật của Đạo Thầy.

Cái cảm giác phải tái kiếp làm người, trở vào vòng luân hồi sanh tử thật đáng sợ và không ai muốn cả nên cùng quyết tâm đi trên đường mình đã chọn.

Năm 1971, tại Nam Thành Thánh Thất, Tuất thời 25 – 5 Tân Hợi, Đức Mẹ dạy các con cái của Ngài về một chữ HÒA sau khi tổ chức Nữ Chung Hòa được thành lập.

"Có HÒA rồi tát bể cũng vơi"

Một chữ HÒA mà Mẹ đã ân cần dạy dỗ các con cái ngay từ những buổi đầu học Đạo đã khiến trong lòng chúng ta có biết bao điều suy nghĩ:

-  HÒA có sức mạnh diệu kỳ như thế nào mà tát bể cũng vơi (Có Hòa rồi tát bể cũng vơi).

-  HÒA có ảnh hưởng mạnh mẽ thế nào trong việc hoàn thành đại cuộc.

-  Và nếu tạo được chữ HÒA thì sẽ được những kết quả như thế nào cho cá nhân, cho tập thể trên đường tu hành.

Do đó hôm nay, chúng tôi xin học lời Mẹ dạy:

"Có Hòa rồi tát bể cũng vơi"

Một tập thể nhiều người nhờ có hòa mà nên việc lớn thì đành rồi, vậy mà trong dân gian người ta không cần đến nhiều người như vậy, họ chỉ cần có hai người thôi cũng đủ làm nên việc.

"Đồng vợ, đồng chồng tát bể Đông cũng cạn"

Chỉ có hai người thôi mà đạt được chữ HÒA thì đủ làm vơi cả đại dương.  Tuy nhiên, ai  cũng biết là trong dân gian người ta cường điệu đó thôi. Nhưng trong chiều sâu của vấn đề ai cũng phải nhìn nhận rằng giữa hai người HÒA nhau đã là khó rồi,  một tập thể mà muốn HÒA thì cái khó này nhân rộng ra, nhưng khi đã hòa thuận thương yêu nhau thì lần hồi việc gì cũng giải quyết được.

Trong gia đình, vợ chồng hòa thuận thì trong ngoài êm ấm, mọi việc sẽ dễ dàng đi đến thành công:  từ việc giáo dục con cái, đến việc làm ăn, gầy dựng sự nghiệp.  Các con nhờ đó được sống trong hạnh phúc bình yên.  Do tầm quan trọng của việc thực hiện chữ HÒA, Đức Mẹ đã dạy thêm yếu tố sau đây, đó là chữ HÒA phải đạt được ý nghĩa trọn vẹn Hòa Đồng Nhất Thể.  Có nghĩa là giữa hai người đã gọi là hòa nhau rồi thì không phải vì họ cùng cười vui, nắm tay nhau thân mật là đủ mà ý nghĩa của chữ HÒA phải nằm trong tư  tưởng của nhau, chấp nhận cái tương đồng và cả cái dị biệt của nhau, họ phải hiểu cho rằng Trời sanh ra không ai giống ai, mỗi người là một thế giới riêng, đừng bắt ai phải giống mình.  Chúng ta cùng nhìn nhau ở một điểm chung chân lý, cùng nhìn về một hướng và đặt trên cơ sở tình thương là chữ HÒA đã đạt ý nghĩa tốt đẹp rồi.

Vậy chúng ta thử tìm những hình ảnh cụ thể nào để làm thí dụ điển hình cho vấn đề "Hòa Đồng Nhất Thể" này.

Thí dụ:

1.  Chúng ta đi dự một buổi hòa nhạc.  Nhìn lên sân khấu thấy một giàn nhạc với nhiều nhạc cụ khác nhau:  đàn lớn, đàn nhỏ, kèn, trống… mỗi một nhạc cụ cho một âm thanh khác nhau, vậy mà khi giàn nhạc bắt đầu hòa tấu, tất cả các âm thanh khác nhau đó hòa quyện vào nhau tạo thành một khúc nhạc trầm bổng, du dương đưa người nghe vào một thế giới âm nhạc đầy màu sắc.

Nghe nhạc người ta có thể đoán được tâm trạng vui buồn của người gảy đàn hay cả cảnh vật bên ngoài nên một thi hào xưa đã tả tiếng đàn của một giai nhân trong truyện Kiều:

"Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời;
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa"


Từ đó, chúng ta đã hiểu được hai từ tri âm đẹp như thế nào.  Nghe tiếng đàn những người bạn gọi là tri âm có thể hiểu được tâm sự của bạn mình.  Do đó, đời nay còn được lưu truyền câu chuyện của hai người bạn Bá Nha – Tử Kỳ.

Đức Giáo Tông đã từng ví tập thể Đạo của chúng ta là một ban nhạc, và mỗi một thành viên trong tập thể này là một nhạc sĩ.  Ngài dạy rằng:

"Ví nhạc công ôm đàn nhấn phím,
So tơ đồng đúng điểm cung thương;
Dạo lên những khúc can trường,
Lòng thanh cao lẫn du dương bổng trầm"


Không những thế, Ngài lại còn muốn rằng mỗi chúng ta phải là một nhạc sĩ tài hoa để khi chúng ta dạo lên khúc nhạc nào, thì khúc nhạc đó phải đi sâu vào lòng người.  Là những tín đồ Đại Đạo, thừa mệnh Trời để hoằng giáo độ đời, có phải chăng chúng ta đang dạo lên một khúc nhạc bằng cả can trường thiết thạch, và bằng lòng son sắt thủy chung giúp người nghe tỉnh giấc ra khỏi bến mê. Đức Giáo Tông đã dạy về lý Đạo trong khúc nhạc của chúng ta:

"Hữu vô lý đạo phân minh,
Năm châu bốn bể thanh bình âu ca"


Ảnh hưởng của những khúc nhạc này sâu rộng, không giới hạn có thể tạo nên cảnh an lạc khắp cùng bốn bể, năm châu.  Ngược lại, nếu có sự bất hòa nào dù nhỏ, hay một hiện tượng trống đánh xuôi kèn thổi ngược nào thì sẽ hỏng hết mọi việc.  Do đó, khi nói đến nhạc là nói đến chữ HÒA, và khi nói đến LỄ là nói đến trật tự.  Kinh Lễ Nhạc nằm trong NGŨ KINH.

2.  Trường hợp khác:  bây giờ chúng ta có hai ly nước, chứa mỗi ly một nước màu xanh, nước màu đỏ khác nhau.  Để riêng ra thì chẳng có gì để nói, khi hòa chung lại với nhau, chúng ta có một dung dịch khác màu đồng nhất không thể tách rời hai màu xanh đỏ ra được.  Một hiện tượng Hòa đồng nhất thể rất là ấn tượng.

Chữ HÒA khi được khép với chữ nào cũng đều có ý nghĩa tốt đẹp cả.

Thí dụ:

Hòa ái, hòa bình, hòa hiệp…

Hòa ái:  hòa thuận yêu thương nhau.

Hòa bình:  bình yên, không chiến tranh

Hòa hiệp, Ơn Trên dạy:

o  Hòa mà không hiệp, trước sau gì cũng hiệp

o  Hiệp mà không hòa trước sau gì cũng tan rã.

o   

Đức Vân Hương:

"Hòa là hòa ái, hòa hiệp, hòa đồng, với ai cũng Hòa được hết, Hòa là cực điểm của tình thường không hơn không kém, không lệch lạc, không người không ta, không màu da sắc tóc, không tôn phái, chỉ là cứu cánh chung tối thượng, đem lại sự sinh tồn hạnh phúc an vui cho mọi người sống ở thế gian không còn cách phân chủng tộc".

Dịch Kinh quẻ Thái dạy: "Thiên Địa giao, Thái – Hậu dĩ tài thành Thiên Địa chi Đạo, phụ tướng Thiên Địa chi nghi."

Tài    :  nghĩa là cắt xén cho vừa vặn,

Thành:  thành tựu, vẹn tròn, khéo léo.

Tài thành là Đạo Trời Đất, Thánh nhân dạy phải xử sự cho mọi việc được trọn vẹn, như Âm Dương được hòa hợp thì vạn vật được sung mãn.  Sách dạy rằng:  "Nên thể theo lòng Trời mà sinh thành vạn vật, lo bổ cứu những chỗ khuyết điểm".

Trời có nóng, có lạnh thì đất có cao có thấp, nhưng tựu trung có thái quá có bất cập thời Thánh nhân mới theo đó mà cắt xén, khiến cho đâu đó được vuông tròn thành tựu.  Ấy là "Tài thành Thiên Địa chi Đạo".  Tỷ như mùa Xuân phát sanh vạn vật, mùa Thu tạo thành vạn vật, Thánh nhân cũng theo thời mà dạy con người mùa Xuân thì cày, mùa Thu thì gặt hái.

-  Nếu ta ví bổn phận người phụ nữ trong gia đình với vai trò của một vị tướng chỉ huy ba quân thì suy cho cùng có khác gì nhau đâu. Làm người chỉ huy phải có tài thao lược, biết rõ lòng dân, kế sách chiến lược, đề phòng địch quân từ mọi hướng.  Sai một ly, đi cả dặm đường, sai một ly thì mạng của tướng sĩ ba quân khó bảo toàn.

Người ta đã hết sức hữu ý khi gọi người phụ nữ là nội tướng vì họ cũng phải tả xông hữu đột:  nào lo hiếu Đạo hai bên gia đình, nào lo đói no, thiếu đủ, bổn phận với chồng, nuôi dạy các con, lúc nghèo biết hy sinh cần kiệm, khi giàu có không hề phung phí.

Ôi!  Vô số công việc không tên trong gia đình đã đặt nặng lên vài người phụ nữ.  Nếu sự quyết định sai lầm của một vị tướng soái làm ngửa nghiêng vận nước thì sự kém hiểu biết vụng về của người phụ nữ đủ làm mất hạnh phúc gia đình.

Nếu ta ví một nội tướng tài thành như một người thợ may khéo thì đây là hình ảnh đầy ấn tượng.  Dù mãnh vải to hay nhỏ thì dưới bàn tay khéo léo của người thợ may, mảnh vải sẽ trở thành chiếc áo dài hay ngắn vừa vặn mà không hề phí phạm.

-  Trong gia đình, Ơn Trên dạy:  "Phu thê hòa nên điệu sắc cầm"

Dù cuộc đời nhiều biến đổi, vợ chồng đồng lao cộng khổ, cùng cam chịu vượt khó thì dĩ nhiên một gánh hai người cùng gánh sẽ nhẹ bớt đi nhiều.  Các con cũng theo nếp nhà hòa thuận mà sống trong tình huynh đệ yêu thương, đồng tạo một tổ ấm có sức hấp dẫn các trẻ.  Phụ từ tử hiếu, hạnh phúc nối tiếp nhau qua nhiều thế hệ, tạo thành một khúc nhạc, một bản trường ca:

"Nhạc trùng dương trổi muôn dòng trùng dương"

Ngày nay, nền tảng đạo đức gia đình bị lung lay thường là do sự bất hòa của bậc làm cha mẹ.  Con cái không được sự dạy dỗ của cha, sự thương yêu chăm sóc của mẹ, trong lúc ngoài xã hội có nhiều cuộc vui quyến rủ.  Hơn nữa, ngày nay sự tiến bộ của xã hội đưa người phụ nữ được ngang hàng cùng nam giới, điều đó đem lại nhiều suy nghĩ lệch lạc về sự bình đẳng giới khiến nữ phái không chịu nằm trong mẫu mực của Đạo Tài thành.  Nữ phái ngày nay ra ngoài xã hội phát huy được tiềm lực của mình, có thể hoàn thành tốt mọi việc trong nhiều lãnh vực. Do đó, đối với phần lớn người phụ nữ, họ xem nhẹ việc gia đình, càng không xem Tam Tùng, Tứ Đức là quan trọng.  Nhưng đời Nhị nguyên có âm có dương, nữ phái thuộc về Khôn Đạo, đức là nhu thuận, là tùy thuộc không thể sánh với Đạo Kiền cương kiện mạnh mẽ.

Vì vậy, trong Đạo lẫn ngoài Đời, phần việc của nữ phái là tá trợ nam phái trong mọi lãnh vực.  Nhưng tuy là tá trợ đó, ở trong gia đình, sự tá trợ này lại định đoạt hạnh phúc, cả sự thành công của người chồng ngoài xã hội.  Trong môi trường Đạo, Ơn Trên dạy:

"Cuộc tiến hóa chu trình diễn tiến,
Tùy cơ duyên vận chuyển cơ mầu;
Cho dòng nước Đạo luân lưu,
Cậy tay nữ phái bắc cầu khai thông."


Do đó, Nữ Phái thời kỳ này mang một sứ mạng đặc biệt, sứ mạng bắc một nhịp cầu trong việc hoằng Đạo và tạo thế nhân hòa.

Cuộc sống ngày nay phải tranh đấu gắt gao làm cho con cái quên dần đạo hiếu, quên đi bổn phận làm con, cả tình huynh đệ cũng đánh mất đi rồi.

Sách xưa kể rằng:  Một gia đình kia đông con, cha mẹ vừa mất. Các người con họp lại đòi chia gia tài.  Họ dự định ngày hôm sau sẽ bán đi tất cả tài sản chia nhau rồi mỗi người một ngả. Trước nhà có một cây cổ thụ sống đã nhiều đời họ cũng định sáng hôm sau sẽ đốn và bán luôn.  Ngôi nhà mà anh em họ đã cùng chung sống với nhau qua nhiều năm tháng, cùng lớn lên trong tình thương của mẹ cha, cùng chung niềm vui nỗi buồn.  Đến khi cha mẹ không còn nữa, họ đã vội vàng ngoảnh mặt nhau.  Sáng hôm sau thức dậy, họ ngỡ ngàng khi thấy cây cổ thụ đã chết từ bao giờ, cành khô lá rủ. Trước cảnh tượng như vậy, ai cũng có cảm giác là ngay cả cỏ cây hoa lá cũng biết động lòng.  Trong giây phút bàng hoàng, họ đã hiểu được thế nào là "Đệ huynh nghĩa trọng tinh thâm".

Điều kỳ diệu là khi anh em biết thương yêu hòa thuận nhau thì cây cổ thụ trở nên xanh tươi như trước.

- Ở học đường, đây là nơi đào luyện cho các trẻ thành người, là chủ nhơn ông của nước nhà sau này. Cũng nơi đây, tinh thần Tôn Sư trọng Đạo được tôn vinh ở đỉnh cao, và tình bạn bè thân thiết là yếu tố cần thiết cho sự học hành mau tiến bộ. Là bạn với nhau, họ sẽ dễ dàng hỏi han, tâm sự gần gủi, việc học sẽ tiến bộ nhanh.

Học Thầy không tày học bạn.

Giữa bạn bè không có khoảng cách như giữa Thầy và trò. Tuổi trẻ thường xem trọng bạn bè. Nhưng suy cho cùng thì bạn tốt, bạn xấu thời nào cũng có. Nếu không may, trong môi trường học có những người bạn xấu quấy nhiễu thì quả là điều bất hạnh.

Điều làm cho chúng ta xúc động và tin tưởng vào tương lai đạo đức của nước non này, đó là khi thấy trên báo chí hình ảnh một học sinh cỏng bạn đi học. Người bạn nhỏ bị tật ở hai chân, hoàn cảnh khó khăn, cứ tưởng suốt đời mình không được đến trường. Là phụ huynh của các trẻ ngoan hiền tốt bụng, chắc hẳn quí vị sẽ hạnh phúc vô cùng.

Thời nay, việc tốt đẹp thì ít mà những việc đau lòng xảy ra do bạn bè bất hòa thì nhiều. Phần lớn hậu quả của sự bất hòa phải trả bằng một giá thật đắt vì thường không phải chỉ là sự thiệt thòi về tiền bạc, danh dự mà đôi khi bằng cả mạng sống con người. Các học sinh tuổi đời còn trẻ, háo thắng, không được giáo dục đúng hướng thường dễ mắc sai lầm. Các em không cần biết hậu quả của những hành động thiếu suy nghĩ của mình, nên có thể vì một lời thách thức, một cử chỉ, một cái liếc mắt đủ làm họ mất bình tỉnh hại mạng người. Đạo đức học đường ngày nay đang hồi báo động.

Trong gia đình, giữa anh em có sự ràng buộc bằng tình thâm huyết nhục, lại còn có đạo Hiếu tôn vinh bổn phận các con đối với bậc sanh thành, vậy mà sự bất hòa giữa nhau vẫn xảy ra. Đối với bậc làm cha mẹ, đây là điều bất hạnh lớn lao khi con cái không hòa thuận. Còn nơi học đường, tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo được xem là bài học đầu tiên cho các học sinh. Vậy mà sự bất hòa vẫn không tránh khỏi. Điều này làm đau đầu các nhà đạo đức học, các nhà xã hội học. Trên thế giới ngày nay, cảnh giết chóc nơi học đường xảy ra ngày càng nhiều.

Gia dình, học đường là những tập thể nhỏ, việc tạo hòa khí chỉ cần ở các thành viên trong đó có đầy đủ tình thương, sự hi sinh và biết nhẫn nhịn. Có tình thương, người ta mới có thể giúp đỡ nhau không vụ lợi, sẳn sàng tha thứ cho nhau. Đây là bài học đầu tiên Thầy đã dạy chúng ta khi mở Đạo, Đức Thượng Đế háo sanh nếu không vì thương nhân loại, thì với những tội ác của con người ngày nay gây ra cùng với sự suy đồi đạo đức đủ cho loài người bị tiêu diệt. Tình thương mà chúng ta vừa nói không có giới hạn như việc nhường cơm xẻ áo mà phải chan hòa rộng khắp cho mọi người mọi kẻ, không phân biệt chủng tộc, màu da sắc tóc… Có như thế chúng ta mới có thể hy sinh cho nhau, mới có thể nhẫn nhịn nhau được và chắc chắn đôi khi phải chịu thiệt thòi. Hy sinh tư hữu của mình đối với con người thời vật chất này thật là khó, chỉ có những hàng giác ngộ xem vật chất phù du mới có thể hi sinh vì người khác. Nhưng đức hi sinh cũng phải đúng thời, đúng lúc, đúng đối tượng thì mới có giá trị cao cả.

Mẹ dạy: “Nói đến đức hy sinh, Mẹ tưởng nó đã trở thành một định luật, một định luật mà tất cả vạn vật dưới Trời này đều phải chung chịu, từ loài cao nhất là loài người, đến loài thấp nhất là côn trùng thảo mộc cũng không tránh khỏi. Nhưng sự hy sinh có đúng đường đúng lúc hay không? Có giá trị cao cả hay không là do cách xử dụng của các con, vì hết thảy những chuyện thế gian đều có bề mặt, trái như con dao có hai sóng, nếu khéo léo thì ích lợi, bằng vụng về thì tai hại.”

Các bậc Thế Tôn, các hàng Giáo Chủ đã chẳng vì đời mà hy sinh đó sao? Đức Phật nhiều kiếp hy sinh khổ hạnh và đến kiếp sau cùng thì lại rời bỏ đời nhung lụa, hòa mình vào nhân thế để tìm được giải thoát cho chúng sanh, còn Đức Chúa đã chịu khổ hình trên Thập tự giá để chuộc lỗi cho nhân loại.

Đức Quan Thánh:“Chư nhu, chư muội, phế những cao lương mỹ vị tìm thú rau tương dưa muối cũng là một đức hy sinh. Hy sinh đó cho bao mạng sống, dành bao ngày giờ thụ hưởng vật chất xa hoa để sưu tầm giáo lý, nghiền ngẩm, tham thiền tìm lẽ Đạo của Đất Trời hầu phổ truyền cho sanh chúng cũng là một điều hy sinh, nhẫn nhục khoan dung với người tội lỗi, bướng bỉnh để tìm cảnh giác ngộ họ cũng là một đức hy sinh. Nhưng không phải hy sinh để phó mặc cho những tội lỗi tự tung, tự tác, hy sinh để cầu an hầu dung túng ký sinh trùng cho xã hội. Đó là lòng hy sinh không đúng chổ.

Chư nhu, chư muội nằm đêm suy xét, thực hành cho đúng để khỏi uổng cho một kiếp làm người, một diễm phúc căn xưa có tu nên ngày nay mới được nhận lãnh một hình hài mang những tánh linh hơn muôn vật.”

Còn nói đến sự nhẫn nhịn, thì bài học này cũng khó khăn không kém, cũng đòi hỏi hành giả phải dụng đến một công trình luyện kỷ cao độ vì chỉ một giây phút không dằn được cơn nóng giận, lòng tự ái nổi lên không kềm chế được là lửa giận đốt cháy bao nhiêu công trình bấy lâu nay gầy dựng. Người ta còn nhớ đến chuyện Ông Trương Công Nghệ đời Đường, chín đời nhà họ Trương sống chung với nhau hòa thuận vui vẻ. Tiếng lành đồn xa đến tai vua nhà Đường. Trong một lần ngự giá đi ngang qua nhà ông, vua ghé thăm, ban thưởng và hỏi ông bí quyết để được sống chung hòa thuận. Ông Trương Công Nghệ không nói gì, lấy giấy ra viết 100 chữ Nhẫn dâng lên vua. Nhà vua xem qua thán phục và đem làm bài học để dạy dân.

Đức Cao Triều dạy rằng: “Đời người có hai sự nghiệp: Một là sự nghiệp vật chất: nhà cửa, ruộng, trâu, ao cá… Một khi nhắm mắt lìa đời rồi, chắc chắn là không thể đem những vật đó theo được. Sự nghiệp thứ Hai là sự nghiệp đạo đức. Sự nghiệp này người gây tạo ra nó phải cần đến tình thương, lòng bác ái vị tha, hy sinh cái cá tính tư hữu của mình. Chỉ biết đem cho ra chớ không biết lấy lại. Người gây tạo sự nghiệp đạo đức chẳng những không có ác ý làm hại ai mà còn mưu sự có lợi cho người đời. Khi mưu sự có lợi cho người đời là được lòng người, được công quả, được phước đức, ắt đời người ấy hoặc thê nhi tử tôn hưởng hồng phước hoặc hiện tại hoặc trong mai hậu”

Như vậy, một con người đạo đức, mọi việc làm luôn vì người thì sẽ được lòng người, còn riêng bản thân mình sẽ được công quả phước đức.

Những đức tính kể trên là sự thương yêu, sự hy sinh nhẫn nhịn chỉ giúp con người giữ được hòa khí trong phạm vi nhỏ hẹp như gia đình, học đường … Nhưng ngoài xã hội, đến quốc gia, ra toàn nhơn sanh thì một người, một tập thể nhỏ làm sao tạo được thế nhơn hòa.

Chúng ta biết rằng mỗi con người là một tác phẩm của Đức Thượng Đế, phát sinh từ khối Đại Linh Quang đến hồng trần mang mãnh hình hài khác nhau, từ diện mạo, sở thích, tánh tình, dáng đi dáng đứng, tiếng nói, giọng cười… nói chung là không ai giống nhau một điểm nào cả về hình thể, nhưng khi đã vào cửa Đạo, cùng quyết chí tu thành, họ có cùng một đức tin, cùng nhìn nhận một Đấng Cha Trời và cùng một quyết tâm tu hành để trở về.

Đức Mẹ dạy thêm:

“Các con mỗi đứa tới giờ cúng đều niệm một danh Thầy, danh Mẹ, đồng một chí hướng là tu thân hành đạo lập công bồi đức, một kiếp làm người cho vẹn tròn công viên quả mãn, hầu ngày kia trở về cùng Thầy, cùng Mẹ, đồng một mục đích hoằng dương Đạo pháp phổ độ nhơn sanh để xây dựng đời Thượng Ngươn Thánh Đức trong Đất Thuấn Trời Nghiêu an lạc thái hòa, đồng một quan niệm xây dựng thế hệ con em mầm non tiếp nối sự nghiệp Đạo Đức theo luật tre tàn măng mọc, đồng nhìn nhận chủ thuyết “Vạn giáo đồng nguyên, vạn giáo nhất lý” đồng một ý thức giữ gìn giới luật, Tứ Đại Điều Qui và Ngũ Giới Cấm cũng như thực hành Bát Chánh Đạo, đồng thờ phượng một kiểu mẫu Thiên bàn, đồng tụng đọc những bài kinh nhật tụng, đồng mặc một đạo phục bạch y”.

Tất cả những cái cùng, cái đồng này đưa con người xích lại gần nhau, phá tan dần những rào cản do ganh ghét, tị hiềm. Từ đó chúng ta hiểu rằng chỉ có con đường đạo đức tâm linh mới có thể giải quyết những mâu thuẩn giữa con người với nhau, điều mà sức mạnh vật chất không làm được.

Nhân loại ngày càng đông đúc, cuộc sống càng trở nên phức tạp. Từ cả ngàn năm nay, những nhu cầu về cơm ăn, áo mặc, đất sống, những mối tranh chấp hơn thua về danh, lợi, quyền, những so đo khác biệt về ý thức, tư tưởng, những kỳ thị chủng tộc màu da, tôn giáo và cả những sự thiếu hiểu biết trong khi nhận định các vấn đề đã làm cho các mối quan hệ trong xã hội vốn đã gay gắt lại càng căng thẳng hơn và đã đưa con người đến những cuộc xung đột từng nhóm hay lan rộng đến toàn cầu.

Cho đến nay, tất cả những sức mạnh vật chất chỉ dùng để giải quyết những mâu thuẩn cục bộ mà không thể giải quyết được toàn bộ vấn đề và nhân loại vẫn chưa thật sự được bình an, hạnh phúc.

Toàn cảnh xã hội hiện nay chỉ là một màu đen tối cũng chỉ vì sự phát triển của nền văn minh nhân loại không giữ được sự quân bình giữa trí năng và đạo đức. Những thành tựu khoa học đem lại những tiện nghi vật chất có sức quyến rũ mãnh liệt, vì thế để đáp ứng nhu cầu sống ăn mặc ở, người ta chấp nhận mọi mưu mô thủ đoạn mà không cần quan tâm đến sự thiệt hại của người khác, sự đau khổ của đồng loại, và cả tương lai của chính mình. Giữa các nước, họ muốn bành trướng lãnh thổ có tham vọng xâm lăng các nước khác để làm bá chủ… Nhân loại thời kỳ này không có một ngày vui, một giây an lành.

Mẹ:“Đời các con toàn là bị ngoại cảnh chi phối, cuồn cuộn các lượt sóng tiếp nối, lay động các con mãi mãi. Chỉ một ngày thôi, từ sáng đến tối, các con đã trải qua biết bao lần buồn vui, thương ghét, bực bội, giận hờn và sợ hãi. Chính những trạng thái đó nào phải tự các con đâu? Nếu không phải tự các con, đó là các con chưa làm chủ nhơn ông của chính mình vậy.”

Con người không ngừng chạy theo dục vọng, tìm tòi khám phá các loại vũ khí có sức tàn phá mãnh liệt để đối phó nhau và chưa bao giờ loài người lại phải đối diện với những khủng bố tàn bạo như hiện nay.

Ơn Trên dạy:

“Các nhà bác học xuất chúng đem tài năng Thiên phú của mình để phụng sự cho đời đã bị lợi dụng, đem những sở học phát minh đó phục vụ cho lòng ích kỷ, bởi trí khôn vượt bực của nhân loại đã đưa các con ấy đến chỗ mưu mô xảo trá gay nên cảnh mạnh được yếu thua, khôn còn dại mất, đưa con người đến chỗ xa mất lương tri, gay ra bao nhiêu điều tội lỗi.”

Nỗi đau của nhân loại ngày nay sẽ không bao giờ dứt và chắc chắn sẽ đưa nhân loại đến chỗ diệt vong nếu con người không nhận ra những lỗi lầm để quay về với đạo lý, với lương tri nguồn cội của mình.

Dù không giống nhau về màu da, sắc tóc, không cùng phong tục tập quán, trình độ tiến hóa, không cùng một tín ngưỡng… nhưng con người có chung một nguồn cội Thiêng Liêng là Đức Thượng Đế, được phát xuất từ khối Đại Linh Quang.

Trong hoàn cảnh hiện tại, sức người không làm nổi việc cải tạo một xã hội về lành mà phải là một Đấng Toàn Tri Toàn Năng, là Thầy, là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế mới có đủ quyền năng cứu vớt toàn nhơn loại. Đó chính là lý do mà Đức Thượng Đế Háo sanh khai mở một nền Đạo mới tại miền Nam nước Việt, tạo nên một thực thể Đạo cứu thế với danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Không giống như các tôn giáo khác ra đời từ Nhứt kỳ Và Nhị kỳ phổ độ do các Đấng Giáo Chủ chứng ngộ chơn lý. Đạo Cao Đài do chính Đức Thượng Đế thống chưởng càn khôn vũ trụ thành lập. Sự lập giáo của Đức Cao Đài trong thời kỳ này là một sự hi hữu trong lịch sử nhơn loại mà những lời giáo huấn của Ngài không những mang tính giáo điều của một tôn giáo mà Ngài đến thế gian lập nên một cuộc cứu độ toàn nhân loại. Những lời dạy của Đức Thượng Đế đã hé lộ huyền vi Tạo Hóa khiến con người thấy được chân lý mà quay về nguồn cội, và công cuộc cứu độ vĩ đại này được sự tiếp tay của chư Thần, Thánh, Tiên Phật. Hạnh phúc cho đất nước này được Đức Thượng Đế chọn làm Thánh Địa và dân tộc này được Đức Thượng Đế ban cho Sứ mạng tạo thế nhơn hòa để đưa nhân loại đến mục đích cuối cùng là Thế Đạo Đại Đồng.

Từ lúc khai Đạo, Đức Thượng Đế đã dạy:

“Thầy đến lập Tam Kỳ Phổ Độ chỉ vụ một chữ HÒA”

Sức mạnh của chữ HÒA vô cùng to lớn giúp con người thoát khỏi những cơn khủng hoảng do mâu thuẩn giữa nhau và còn có khả năng đưa con người đến chỗ hiệp nhứt cùng Thượng Đế.

Nhân Hòa được thể hiện ở hai mặt nhân sinh và tâm linh dựa trên 3 yếu tố: Nhân bản, an lạc, tiến bộ. Ba yếu tố này tạo thành một thế chân vạc vững vàng. Thiếu một trong 3 yếu tố thì sẽ không đạt được sự hoàn hảo.

Ngày nay, con người phải đối diện với những cảnh giết chóc tàn sát nhau, làm mờ nhân tính và xa rời nhân bản, và chữ HÒA dần dần ở ngoài tầm tay của con người thời Hạ Ngươn nhưng Đức Mẹ đã an ủi chúng ta: “Dù đến đâu đi nữa, các con phải bước qua giai đoạn hiện thời, giai đoạn cần phải gần gũi hợp đoàn về cả bình diện tinh thần, mới có thể đương đầu trong những cơn gió lốc phủ phàng sắp đến và để tiếng nói vô thinh của Mẹ ngân vang, rung chuyển trong mọi lòng nhân thế, để họ tươi cười với nhau mà bắt tay nhau trong nguồn sống đạo đức mặe dầu họ là thù địch lẫn nhau ngày trước”

Mẹ dạy thêm: “Con HÒA được với cảnh, HÒA được với nhân tâm tự khắc con HÒA cùng Thiên lý. Bao nhiêu đó con sẽ thấy không còn nhơn, còn ngả, còn kỷ, còn cầu. Nếu không nhơn ngả, vô kỷ, vô cầu là con thực hiện đúng đạo lý, đúng chánh pháp Đại Đạo vậy.”

Việc Thầy mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ với hồng ân đại xá là Thiên ý và ở thời mạt kiếp chỉ có Đức Thượng Đế mới có đủ quyền năng cải tạo một xã hội bất ổn, đại loạn trở thành một xã hội Đại Đồng, thuần lương đạo đức. Cùng với Thầy, chư Thần Thánh Tiên Phật đồng lâm phàm.

Thánh Thần Tiên Phật nhộn nhàng,
Đồng vâng ngọc sắc cứu an cõi trần.


Thầy và các Đấng trong thế thiên nhân hiệp nhứt, cần đến những bàn tay đạo đức, những tấm lòng trung kiên, dũng mãnh. Việc phổ truyền giáo lý, phổ độ chúng sanh là sứ mạng chung của hàng Thiên Ân, không phân biệt nữ nam.

Em ơi nam nữ cũng chung đồng
Phải có danh gì với núi sông.


Việc ban trao sứ mạng cho nữ phái là một đặc ân của Đức Thượng Đế. Nữ phái bị ràng buộc, bị đóng khung ở Nhứt kỳ và Nhị kỳ phổ độ, ngày nay được Đức Thượng Đế mở cánh cửa Càn Khôn, ban đặc ân cho nữ phái được tu hành cùng nam phái. Nhưng để lãnh được sứ mạng này, nữ phái phải cố gắng san bằng khoảng cách mấy ngàn năm chịu thiệt thòi.

Mẹ dạy: “Từ đây các con mỗi đứa một nhiệm vụ, tập rèn hành sự, tu học chân chính, cho gương nữ nhi sáng tỏ mới soi được đàng sau. Các con đừng tưởng như những việc nô đùa hay cầu vui mà bê trể nghe. Vì lời xưa có nói “Tánh đạo biệt vô nam nữ tướng” vì ngoài cái vỏ quần thoa của con, thì linh hồn đồng đẳng chỉ tại các con không chủ định, không sáng suốt hay ỷ lại, biếng nhác sụt sè nên con phải chịu thua sút bên nam giới mà thôi. Lời Mẹ dạy các con ghi nhớ hầu hành sự cho đúng theo trách vụ trong cơn sàng sảy kẻo rồi con hối hận tu không kết quả. Đây là cơ hội cho con góp tàn lực của đời bạc phước con để lập công quả kỳ chót mà thôi”.

Nữ phái dù phải nặng mang nhiều trách nhiệm nhưng tổ chức Nữ Chung Hòa đã kết hợp những tâm hồn giác ngộ, vì Thầy vì Đạo quyết tâm một kiếp tu hành. Nhưng nơi Nữ Phái, bản chất âm nhu, những tị hiềm nho nhỏ dễ gây những đổ vỡ lớn nên Đức mẹ thường dạy:

“Con ôi! Phụ nữ đời gọi là phái yếu thì tất cả mọi sự đều yếu, nhứt là nhẹ dạ non lòng nghe đây nghe đó, rồi không định được bổn phận tu hành để lỗi đạo với gia đình, lỗi niềm cốt nhục!

Mẹ dạy tiếp: “Khó lắm các con ôi! Nhưng đừng vị cái khó đó mà lơi lòng nản chí. Những gì người xưa làm nên cho thiên hạ được nhờ qua công trình to lớn về tinh thần, thì nay lẽ nào các con chẳng làm được như họ hoặc hơn sao? Mẹ tưởng hiện nay các con đủ phương tiện để hành đạo độ đời, truyền bá tình thương của Mẹ cho đại chúng hơn ngày xưa, nhưng chỉ còn trở ngại bởi nhân tâm điên đảo, mà chính tâm của con điên đảo mà thôi.”

Chữ HÒA đối với tập thể nữ không đơn giản chút nào và khi đặt tên cho tổ chức Nữ Phái này là Nữ Chung Hòa ắt hẳn Đức Mẹ muốn rằng Nữ Phái Đại Đạo hãy vứt bỏ những tâm thường để trở nên phi thường, cùng nắm tay nhau nối vòng tay lớn:

Một tầm tay vói chẳng xa,
Nhiều tay kết lại giăng ra đại đồng.


Thưa,

Chữ HÒA có ý nghĩa đẹp như vậy. Đem chữ Hòa đặt ở nơi nào thì nơi đó được tốt đẹp an lành: gia đình hòa thuận hạnh phúc, bằng hữu hữu tín, đệ huynh tương thân, xã hội an lạc tiến bộ, quốc gia thái bình thịnh trị, nhân loại Đại Đồng.

Ơn Trên dạy: “Hòa là tiềm lực sinh động để tạo nên mọi sự việc”

Thưa,

Chúng ta tự hỏi: Có khi nào, có hoàn cảnh nào, chúng ta bắt buộc phải không được Hòa hay không? Có chứ. Bởi vì ở trường hợp đó nếu Hòa thì chúng ta sẽ không tồn tại, sẽ bị diệt vong.

Đó là trường hợp vào Triều đại nhà Trần, giặc Nguyên đem 50 vạn quân xâm lăng nước ta, gây bao nhiêu thống khổ cho dân. Thật khó khăn cho các vua quan đời nhà Trần. Hòa với giặc ư? Chắc chắn dân ta sẽ không yên, không tồn tại, rồi sẽ bị diệt vong đồng hóa. Còn không Hòa ư? Với sức quân ta làm sao địch nổi giặc xâm lăng.

Vua Trần Nhân Tông họp Hội Nghị Diên Hồng hỏi ý kiến các bô lão “Nên Hòa hay Chiến?”. “Trước nhục nước nên Hòa hay nên Chiến?” “Quyết Chiến!” Đó là ý kiến của các bô lão đại diện cho toàn dân.

Nhà Trần có các bậc trung thần, có sức mạnh toàn dân nên việc dân ta chiến thắng được giặc Nguyên một cách thần kỳ là do dân ta đã thực hiện được chữ HÒA đúng nghĩa.

Tóm lại chúng ta HÒA với những gì hợp đạo lý, nghĩa nhân và sẽ không hòa, không hợp tác với những ai trái đạo, ác tâm.

Để kết luận phần trình bày hôm nay, chúng tôi xin đọc lời Mẹ dạy:

“Hãy đồng tâm nguyện CHUNG HÒA với nhau tu thân lập đức hầu tránh khỏi nạn tai, để giúp đời học Đạo cho kiếp nhi nữ được tiến hóa lên hàng cửu phẩm tam thừa như các bậc Tiên Nương Thánh Nữ”

Thu Mậu Tý 2008
Kim Trinh

Tà thần thấy người đang dục vọng,
Đã tu hành còn mộng mị huyền,
Thừa cơ khuyến dụ rủ ren,
Thiêu thân đành phải vì đèn lụy thân.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây