Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Hội Yến Diêu Trì là một trong những sự kiện trọng đại của thời kỳ tiềm ẩn trong lịch sử ...
-
Các Hội Thánh Cao Đài nay gồm: I-Tòa Thánh Tây Ninh , II-Tòa Thánh Chơn Lý, III- Tòa Thánh Bến Tre (HT.Ban ...
-
Không chỉ mang tính kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, Lễ hội Trung Thu Cao Đài còn ...
-
Ảnh hưởng của Ấn Độ đối với văn hóa Chăm phát huy mạnh mẽ trong khoảng từ tk.VII đến hết ...
-
Nguyễn Trãi 阮薦 (1380–1442) hiệu là Ức Trai, là một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế ...
-
“Bởi quyền Đạo còn yếu nên thế quyền mới lấn được; dầu phải thế quyền cao rộng đến bao nhiêu ...
-
Giáo lý Cao Đài dựa trên căn bản nào ? Giáo lý Cao Đài xây dựng dựa trên hai nguyên ...
-
TÓC CÀI HOA SỨ ...
-
Luật lệ Đức Lý Đại Tiên Trưởng Lý Thái Bạch, Lão mừng chư độ hoằng khai Đại Đạo, đều phải đồng một ...
-
NGÀI TRẦN THANH NHÀN (Thái Lão Sư TRẦN ĐẠO QUANG) (1870 - 1946) Ngài Trần Đạo Quang tên tục là Trần Thanh ...
-
TÂM KINH BÁT NHÃ Quán-tự-tại Bồ-tát, hành thâm Bát-nhã Ba-la mật-đa thời chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ...
-
“Thành công không do những cái đã nắm đặng ở trong tay; thất bại không do những cái đã vuột ...
PGS.TS Đoàn Thị Thu Vân
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 11/06/2012
Ý thức phản tỉnh - Một nét đẹp nhân văn trong thơ thời Trần
Ý thức phản tỉnh - Một nét đẹp nhân văn trong thơ thời Trần
Ảnh: đường lên núi Yên Tử (ảnh tư liệu/ internet)
Trong thơ thời Trần có thể bắt gặp một con người thường xuyên tự phản tỉnh. Phản tỉnh để ý thức được hết những cái đẹp, cái quý, cái cao cả của con người đồng thời cả những giới hạn và bi kịch của đời người.
Con người ấy có khi hướng nội để tự xem xét về ý nghĩa của kiếp người, sự tồn tại của đời người. Đó là sự phản tỉnh ở cấp độ con người – nhân loại mang ý nghĩa triết học. Cũng có khi con người ấy hướng nội để tự soi xét hành vi của bản thân, để biết mình đã làm được gì, chưa làm được gì trong cuộc đời, để đánh giá chính mình, công minh và khách quan, và quan trọng hơn cả, để tự hiểu mình. Đó là sự phản tỉnh ở cấp độ con người – cá thể mang ý nghĩa nhân sinh.
Ở cấp độ con người – nhân loại, hơn ai hết, Trần Thái Tông luôn thể hiện sự trăn trở về thân phận con người. Quan niệm “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô” được nhà thơ ngẫm nghiệm và cảm nhận bằng nhiều hình ảnh, khi thì “Thân như băng gặp nắng trời, Mệnh tựa ngọn đèn trước gió”[1], khi thì “Kiếp người như cây nấm cứ tuần tự hết thịnh rồi suy”[2], và trong cảnh “bóng ngả nương dâu chiều sắp muộn”[2], thân người mới mong manh, đời người mới ngắn ngủi làm sao, chẳng khác “cỏ bồ, tơ liễu tạm bợ qua mùa thu”[3]. Từ đó, nhà thơ cảm thương cho con người cứ “suốt đời làm người khách phiêu lạc trong gió bụi, ngày càng xa cách quê nhà ngàn vạn dặm”[2]. Đành rằng đó là cảm nhận xuất phát từ góc độ Phật giáo, nhưng nó vẫn mang ý nghĩa nhân văn ở chỗ nhắc nhở mọi người quay đầu nhìn lại để sống thế nào cho có ý nghĩa, tránh lãng phí cuộc đời với những thứ phù du. Tuệ Trung thượng sĩ, dù đã luyện được một tâm thiền như “sen trong lò lửa” vẫn không tránh khỏi thốt lên lời cảm khái:
“Đốt đốt phù vân hề, phú quý!
Hu hu quá khích hề, niên quang!”
(Phóng cuồng ngâm)
(Chà chà, giàu sang như áng mây nổi!
Chao ôi, năm tháng như bóng ngựa chạy qua khe cửa!)
(Bài ngâm cuồng phóng)
Trần Thánh Tông thì nói về sự thể nghiệm chân lý cuộc đời của chính bản thân mình: “Tự mình đã thấu được nghĩa lý của năm điều huyền diệu, Mặc sức tung hoành trên con đường bốn ngả”[4], vì thế có thể đạt đến tự do “Động như gió vang trong hang trống, Tĩnh như trăng lọt xuống đầm lạnh”[5]. Nhưng khúc nhạc huyền diệu trong lòng ấy cũng chỉ mình mình biết, mình mình hay:
“Cá trung khúc phá vô nhân hội,
Duy hữu tùng phong họa thử âm”.
(Tự thuật)
(Khúc nhạc trong lòng ta đã thành hình mà không ai hay biết,
Chỉ có gió trên cây tùng là hòa được âm thanh ấy)
Trần Nhân Tông, trong một lần lên thăm núi Bảo Đài, trước thiên nhiên tịch mịch vừa hiện hữu ngay trước mắt vừa xa vắng như tự ngàn xưa – “Vân sơn tương viễn cận, Hoa kính bán tình âm”[6] – đã thể nghiệm một nỗi cô đơn thẳm sâu không bờ bến:
“Vạn sự thủy lưu thủy,
Bách niên tâm ngữ tâm”.
(Đăng Bảo Đài sơn)
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông
“Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm tại bách hoa trung.
Như kim khám phá Đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng”.
(Tuổi trẻ chưa từng hiểu rõ lẽ sắc không,
Mỗi lần xuân đến vẫn gửi lòng nơi trăm hoa.
Ngày nay khám phá ra bộ mặt thật của chúa xuân,
Ngồi trên đệm cỏ giữa tấm phản nhà chùa ngắm cánh hoa rụng)
Con người ấy thời tuổi trẻ lầm tưởng thế gian là vĩnh cửu nên lòng xao xuyến mừng vui khi xuân về hoa nở, xót xa tiếc nuối khi xuân đi hoa tàn, giờ đây hiểu được lẽ thật của cuộc đời nên có thể an nhiên nhìn sự vật vần xoay. Cái lớn của nhà thơ là nhận thức sự hữu hạn của đời người không phải để mang nặng bi kịch trong tâm tư mà là để chấp nhận nó như một thực tế tự nhiên và có thể vui sống hết mình những thời khắc hiện tại. Giống như khi Trần Quang Khải trở lại bến đò Lưu Gia từng in dấu kỷ niệm thời trai trẻ, soi bóng xuống dòng sông năm nào thấy mái tóc xanh đã thay màu bạc trắng, vẫn giữ được sự thư thái và thanh thoát của tâm hồn vì không hối tiếc với những gì mình đang sống:
“Thi khách trùng lai đầu phát bạch,
Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên”.
(Lưu Gia độ)
(Khách thơ trở lại mái đầu đã bạc,
Hoa mai trắng như tuyết soi bóng xuống dòng sông trong tạnh)
(Bến đò Lưu Gia)
Một bài thơ có tính chất ghi lại sự việc nhưng khá đáng chú ý là Tây chinh đạo trung của Trần Nhân Tông. Bài thơ làm trên đường hành quân về biên giới phía Tây bộc lộ tâm trạng và cảm nghĩ rất chân thật của nhà thơ. Ở đây là một ông vua, người lãnh đạo quốc gia, nắm quyền lực cao nhất, nhưng tâm trạng và cảm nghĩ đó lại là của một con người đời thường. Đi “chinh phạt” chẳng qua chỉ là bất đắc dĩ, vì chẳng đặng đừng, đó không phải là lòng ham muốn, là sự hăm hở, niềm đam mê chinh phục. Bài thơ rất lạ ở chỗ viết về chuyện đi đánh giặc, và là người trực tiếp cầm quân, chỉ đạo đánh giặc, lại bộc lộ sự chán ghét chiến tranh và lòng hướng về hòa bình:
“Thê lương hành sắc thiêm cung mộng,
Liêu loạn nhàn sầu đáo tửu bôi.
Hán Vũ phiên chiêu cùng độc báng,
Nam nhi cấp cấp nhược vi tai?”
(Tây chinh đạo trung)
(Cảnh đi đường lạnh lẽo lại thêm vương vấn giấc mơ cung nội,
Mối sầu ngổn ngang mượn đến chén rượu.
Hán Vũ Đế đã chuốc lấy lời chê “cùng binh độc vũ”
Thế thì kẻ làm trai vội vã về việc chinh chiến để làm gì?)
(Trên đường đi chinh phạt phía Tây)
Giấc mộng về nơi cung nội còn gì khác hơn lòng thương nhớ vợ con, nỗi sầu mượn chén rượu làm khuây chẳng lẽ lại không phải là nỗi sầu xa cách quê nhà? Tâm trạng một ông vua cũng đâu khác gì tâm trạng một người lính. Vì thế câu hỏi “Kẻ làm trai cứ phải vội vã về việc chinh chiến để làm gì?” thể hiện một sự phản tỉnh sâu sắc. Cầm quân đi chinh chiến mà lại tự hỏi về ý nghĩa của việc chiến chinh. Đừng vội kết luận nhà vua không vững lập trường, sợ sệt, chùn nhụt, hay cho rằng nhà vua nhận thức cuộc chinh phạt của mình là phi nghĩa. Chinh chiến là việc không thể không làm khi cần thiết, để bảo vệ cõi bờ, lãnh thổ, dù người cầm vũ khí tha thiết yêu hòa bình. Vua quan, tướng lĩnh và quân dân thời Trần đã làm như thế, dũng cảm, hết mình, không tiếc máu xương. Nên những con người ấy mới dám đường hoàng bộc lộ quan điểm của mình về chiến tranh như vậy. Câu hỏi Trần Nhân Tông đặt ra cũng lạ như Trần Quốc Tuấn khi viết hịch kêu gọi các tướng đánh giặc lại dám nêu những gương trung thần nghĩa sĩ từ phía đối phương. Ranh giới giữa mặt phải và mặt trái vấn đề nhiều khi chỉ xê xích nhau sợi tóc. Nếu không có cái tâm vững vàng, trong sáng, con người hẳn không làm được điều phi thường đó, tự do trong nhận thức và hành động mà vẫn không sợ đi sai đường.
Ở cấp độ con người – cá thể, tiêu biểu cho ý thức phản tỉnh, không thể không nhắc đến Trần Minh Tông với bài thơ khá đặc biệt – Dạ vũ (Mưa đêm).
Đêm mưa, đặc biệt đêm mưa thu, là đề tài thường gặp trong thơ trung đại. Phần nhiều đó là những đêm mưa thu trên đất khách, quê người, và người trong cảnh thường là kẻ phiêu dạt, long đong nơi “thiên nhai hải giác”. Người đã buồn, cảnh càng làm tăng nỗi buồn, nhớ và cô đơn đến phải bật lên tiếng thơ để giải tỏa nỗi niềm. Nhưng cảnh ngộ của Trần Minh Tông trong bài thơ Dạ vũ thật khác. Nhà thơ không xa quê quán, không nhớ đến người thân mà đang ở ngay tại quê nhà mình, trong chăn êm nệm ấm, không phải là kẻ thất chí, lỡ vận, mà là một vị hoàng đế quyền uy tối thượng. Cũng không mang nỗi buồn thời thế, vì đất nước đang thanh bình, yên ổn. Vậy mà mưa đêm đã để lại cho đời một tuyệt tác thấm đẫm nỗi buồn rất riêng của một ông vua – thi sĩ đủ làm lay động trái tim nhiều thế hệ đi sau.
Thu khí hòa đăng thất thự minh
Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh
Tự tri tam thập niên tiền thác
Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh.
Dịch nghĩa:
Hơi thu hòa vào ngọn đèn làm mờ đi ánh sáng ban mai,
Giọt mưa trên tàu chuối xanh ngoài cửa sổ tiễn canh tàn.
Tự biết sai lầm của mình ba mươi năm trước,
Đành ôm nỗi sầu ngồi nghe mưa rơi
Hơi thu hiu hắt hòa vào ngọn đèn lấn át cả ánh sáng buổi bình minh. Mở đầu bài thơ như có một nỗi buồn nào đó đang lẫn khuất trong không gian, nó làm cho đêm cứ muốn kéo dài thêm và ngày không sáng được. Ngọn đèn chưa tắt, có lẽ người thao thức suốt đêm chăng? Thì đây, câu thơ tiếp theo đã xác nhận điều đó – “Tàu chuối ngoài song cửa điểm giọt canh tàn”. Những giọt mưa đọng trên tàu chuối đã rơi rả rích suốt đêm đến lúc tàn canh như chiếc đồng hồ báo thời gian. Con người đã thức trắng để nghe nhịp thời gian đi, đều đặn liên tục. Có gì khác lạ ở đây chăng? Tiếng giọt mưa tàu chuối điểm tí tách trên sân hay trên những tàu lá thấp hơn hẳn là rất khẽ, vậy mà người nằm bên song cửa đã nghe rõ từng giọt một. Quả là người ấy đang hoàn toàn tỉnh thức để một mình đối diện với đêm dài. Với một tâm trí đang thanh thản, những âm thanh đều đặn khe khẽ đó chắc hẳn sẽ dễ đưa con người vào giấc ngủ ngon lành. Nhưng nếu có điều gì đó đang vướng bận tâm tư làm khó ngủ thì hẳn là cái nhịp thời gian đều đặn kia phải khiến cho con người sốt ruột lắm, và cảm thấy bức bối như mình là kẻ tù nhân đang bị một khung lưới vô hình nào đó vây hãm không thể thoát ra. Câu thơ thứ ba và thứ tư đến với người đọc vừa như một sự tiếp nối hiển nhiên, vừa cũng thật bất ngờ – “Tự tri tam thập niên tiền thác, Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh”. Hiển nhiên, vì người đọc hiểu cảnh ấy tất phải có tình này. Người thức cả đêm nghe tiếng mưa rơi hẳn phải có một nỗi niềm gì u uẩn lắm. Nhưng bất ngờ, vì nỗi niềm ấy là một sự tự nhận thức và hối tiếc sâu sắc về lỗi lầm của một ông vua. Ba muơi năm về trước, lúc còn tuổi trẻ, nhà vua đã có lần nghe lầm lời cáo gian, giết oan một người vô tội. Giờ đây tất cả đều đã muộn. Quyền uy thiên tử cũng đành bất lực trước thời gian. Lời hối tiếc của nhà vua sao mà xót xa! Đến đây người đọc càng thấm thía hơn cái nhịp thời gian của giọt mưa tàu chuối. Nó đều đặn, không ngừng, nhắc cho nhà vua luôn nhớ, luôn đối diện trước một hiện thực phũ phàng khắc nghiệt: thời gian vẫn không ngừng trôi đi và không ai có thể bước lùi trở lại. Ba mươi năm qua, không biết bao đêm Minh Tông đã thao thức đếm giọt mưa tàu chuối để làm tội nhân của chính lương tâm mình, làm tù nhân trong vòng vây của thời gian và sự phản tỉnh bắt buộc mình phải đối diện với một sự nuối tiếc muộn màng vô bổ để rồi tự xót xa dày vò khôn nguôi. “Đành ngồi ôm mối sầu nhàn mà nghe tiếng mưa rơi” là một hình phạt tinh thần nặng nề mà nhà thơ đã tự dành cho mình. Khi đậu thuyền bên hồ Vịnh Sơn vào một đêm đông, Minh Tông cũng mang cả vào lòng cái lạnh của hoa núi, của trăng soi để rồi suốt đêm không ngủ được, dõi nhìn bất lực vào “việc đã qua như trong khoảnh khắc”[7] mà mình “nên người thì đã ba mươi năm”. Và khi chợt tỉnh chỉ còn biết “tái tê ngồi lặng trước bếp lò” buổi sáng. Đáng thương và cũng đáng phục biết bao. Một ông vua đã dũng cảm nhận lỗi và dũng cảm nhận lấy sự trừng phạt của lương tâm: không lúc nào cho phép mình có thể thanh thản tâm tư được nữa. Lời tự thú về sai lầm của một vị vua trong Dạ vũ quả là một thanh âm đặc biệt của làng thơ. Nó nâng bài thơ lên một tầm cao nhân văn xứng với thời đại – một thời đại của hào khí Đông A sản sinh ra những con người thực sự vĩ đại không chỉ về tài năng mà còn về nhân cách.
Dưới thời phong kiến, những lỗi lầm của một vị hoàng đế trong quá trình cầm quyền không phải là ít nhưng sự nhận ra, và quan trọng hơn, dũng cảm thừa nhận và ăn năn về những lỗi lầm đó lại không phải là nhiều, nếu không muốn nói là rất hiếm. Trần Minh Tông là một ông vua đã làm được điều lớn lao đó, đặt lương tâm con người lên trên lòng tự tôn và quyền lực của một vị quân vương để tự trói mình trong nỗi đau suốt đời. “Đối diện tiếng mưa rơi” là đối diện với bước đi thời gian không quay trở lại. Tâm trạng “nhàn sầu” đối lập với ngoại cảnh “vũ thanh”. Tiếng mưa càng rơi là thời gian càng chồng chất và nỗi sầu không phai nhạt đi theo thời gian mà càng day dứt thêm lên. Lòng sầu đến thế thảo nào chẳng cảm nhận hơi thu át cả ánh sáng ban ngày và đêm sao như cứ dài ra mãi. Đầu và cuối bài thơ đã có sự hô ứng về ý thơ thật chặt chẽ.
Cùng nghe mưa đêm, lòng buồn, thao thức, nhưng ở Thính vũ của Nguyễn Trãi, những giọt mưa cứ đứt nối cho đến trời sáng thể hiện sự thôi thúc bên trong hướng về tương lai, mong sớm làm được điều gì đó đạt thành chí nguyện. Còn ở Dạ vũ của nhà vua đời Trần những giọt điểm canh tàn lại gợi về quá khứ sau bao năm dài vẫn chưa ngủ yên dưới lớp bụi thời gian. Tiếng mưa bên ngoài có lẽ đến một lúc nào đó đã ngừng hẳn, nhưng âm thanh của nó vẫn vang trong lòng tác giả như một nỗi ám ảnh. Tiếng mưa ở cuối bài có thể chỉ là cái dư hưởng bên trong đó, nó là sự nhắc nhở không thôi của lương tri, sự phân thân, nhị hóa để không ngừng tự phán xét mình. Tiếng mưa đêm trong lòng ấy đã trở thành một hình tượng thẩm mỹ đặc biệt khác với tiếng mưa đêm trong bất kỳ bài thơ nào khác, nó làm cho Dạ vũ mang vẻ đẹp riêng với một sức ám ảnh thâm trầm nhưng thật da diết khó quên.
Cuối thời Trần, chính sự không còn được như xưa. Trên thi đàn xuất hiện tiếng thơ ưu thời mẫn thế thể hiện tấm lòng của những người trí thức chân chính trước thời cuộc, trước vận nước, đặc biệt là đối với số phận của người dân. Cùng một tấm lòng “lo trước” nhưng mỗi nhà thơ một phong cách khác nhau. Ở Trần Nguyên Đán, phản tỉnh tự vấn và tự thẹn là một cảm hứng khá nổi bật, mặc dù nhà thơ từng đóng góp công sức không nhỏ cho triều đại và cho đất nước. Trong thơ ông, người đọc thường gặp nỗi ray rứt khi tự soi rọi bản thân, để từ đó toát lên lời tự bạch chân thành, thẳng thắn về cái thẹn của mình, thẹn vì sở học một đời không giúp ích thiết thực được cho dân đang cơ cực, và thẹn với chính mình đã không hoàn thành được hoài bão an dân bình sinh từng ấp ủ:
“Niên lai hạ hạn hựu thu lâm,
Hòa cảo miêu thương hại chuyển thâm.
Tam vạn quyển thư vô dụng xứ,
Bạch đầu không phụ ái dân tâm”.
(Nhâm Dần lục nguyệt tác)
(Năm nay mùa hè bị hạn, mùa thu lại bị lụt.
Lúa khô, mạ thối, tai hại càng nhiều.
Đọc ba vạn cuốn sách mà thành vô dụng,
Bạc đầu luống phụ tấm lòng yêu dân)
(Thơ làm vào tháng sáu năm Nhâm Dần)
Không ít lần nhà thơ nói đến cái thẹn, khi thì thẹn vì mình đã già yếu mà còn giữ chức quan cao:
“Lãm kính tự tàm duy nhất sự,
Lực phù suy bệnh tác Tam công”.
(Ngẫu đề)
(Soi gương tự thẹn chỉ có một việc,
Đó là cố chống đỡ với già bệnh để giữ chức Tam công
(Ngẫu hứng đề thơ)
khi thì thẹn với người đạo sĩ lánh đời:
“Trần ai lục thập tải,
Hồi thủ quý hoàng quan”.
(Đề Huyền Thiên quán)
(Sáu mươi năm sống trong cõi trần,
Quay đầu nhìn lại luống thẹn với người đội mũ vàng)
(Đề quán Huyền Thiên)
khi lại thẹn mình bất lực, khư khư ôm một tấm lòng son đến bạc đầu mà chưa làm nên việc gì, không được như người xưa sớm lui về ẩn dật:
Tam phần đầu bạch thốn tâm đan,
Thế thượng phân phân vạn sự nan.
Tự tiếu bất như Tiền Nhược Thủy,
Niên tài tứ thập tiện hưu quan”.
(Mậu Thân chính nguyệt tác)
(Ba phần tóc trên đầu đã bạc, vẫn tấc lòng son,
Sự đời bối rối, muôn việc khó khăn.
Tự cười mình không bằng ông Tiền Nhược Thủy,
Tuổi mới bốn mươi đã cáo quan về hưu
(Thơ làm vào tháng giêng năm Mậu Thân)
có lúc lại thẹn mình chỉ như “bộ xương ốm yếu lênh đênh” theo năm tháng, “tự cười mình chìm nổi, chẳng có kế thuật gì”[8].
Nơi Trần Nguyên Đán thường xuyên có sự giằng co giữa “ở” và “về”, nhà thơ khao khát “nơi cửa sổ phía nam đặt chiếc gối ngọc làm bạn cùng chiếu trúc”[9] để nhìn “mây tụ trước hiên”, nghe “suối reo bên gối”[10], nhưng trước cảnh “cuộc sống của dân như cá trong vạc nước sôi” thì “trên chiếc thuyền về, tấm lòng chưa yên giấc mộng giang hồ”[11]. Vì thế, ngoài những bài thơ thù tạc với bạn bè, những bài thơ của riêng mình thường được ông viết về ban đêm, những đêm thao thức nghe “gió thu trong đêm vắng thổi vi vu, Buồn bã ngồi trước ngọn đèn tàn”, muốn “ngủ đi cho quên hết duyên nợ cuộc đời”[12] nhưng lại không ngủ được, “nơi quan xá, trong sương thu, nghe giọt đồng hồ nhỏ chậm”, vừa nhớ về “tùng cúc vườn xưa ở tận chân trời xa” vừa lo lắng vì “trước mắt toàn là những việc phải quan tâm” nên “bệnh khỏi không bằng khi còn bệnh”[13]. Nếu chọn cách vứt bỏ hết việc đời phiền toái để quay về vui thú an nhàn thảnh thơi thì đã dễ. Hoặc chọn chốn quan trường để được danh cao lộc trọng mà không cần lẩn thẩn buộc mình tự vấn và tự thẹn thì lại càng dễ hơn. Nhưng lương tri nhà thơ không cho phép mình lựa chọn dễ dàng như thế. Tâm sự ngổn ngang được bộc bạch chân thành trong thơ đã nói lên chí hướng ưu ái thiết tha, làm tôn lên vẻ đẹp của lương tri và tấm lòng người trí thức trong thời suy loạn. Tuy chưa đề cập cụ thể đến những cảnh đời bất hạnh, những con người có tuổi tên như các nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa ở thế kỷ XVIII, XIX nhưng nỗi niềm nhân sinh ở đây đã cho thấy được một nét nổi bật của nhân cách con người thời đại: ý thức phản tỉnh, tự soi rọi luôn thường trực nơi bản thân để tự nhắc nhở, ràng buộc mình một trách nhiệm gắn bó với cộng đồng và sống thế nào cho có ý nghĩa.
Những nỗi niềm nhân sinh mang ý nghĩa tríết học xuất phát từ sự phản tỉnh của tâm thức khao khát tìm kiếm lẽ thật của đời người đã dẫn dắt con người đi đến cảm nhận sâu sắc về nỗi cô đơn cũng như những bi kịch tất yếu của kiếp người để chấp nhận nó và hóa giải nó một cách “tùy duyên” bằng cái tâm trong sáng và an định. Mặt khác, những nỗi niềm nhân sinh mang ý nghĩa xã hội xuất phát từ sự phản tỉnh của tấm lòng lo đời thương dân đã mang đến cho con người trong thơ vẻ đẹp của sự quên mình và tận tụy. Nét đẹp nhân văn ấy phải chăng đã góp phần không nhỏ khẳng định nhân cách lớn lao của con người thời Đông A cũng như dấu ấn khó phai của một thời đại thơ ca một đi không trở lại.
PGS.TS Đoàn Thị Thu Vân
(Nguồn http://nv.hcmup.edu.vn)
___________________________
[1] Sơ nhật vô thường kệ – Trần Thái Tông – Thơ văn Lý Trần, tập II, quyển thượng, Viện Văn học, Nxb Khoa học xã hội, HN, 1988.
[2] Thử thời vô thường kệ – Trần Thái Tông – Sđd.
[3] Phổ thuyết tứ sơn – Trần Thái Tông – Sđd.
[4] Độc “Phật sự đại minh lục” hữu cảm – Trần Thánh Tông – Sđd.
[5] Độc “Phật sự đại minh lục” hữu cảm – Trần Thánh Tông – Sđd.
[6] Đăng Bảo Đài sơn – Trần Nhân Tông – Sđd.
[7] Thập nhất nguyệt quá bạc Vịnh Sơn hiểu trú – Trần Minh Tông – Sđd.
[8] Đáp Lương Giang Nạp ngôn bệnh trung - Thơ văn Lý Trần, tập III, Viện Văn học, Nxb Khoa học xã hội, HN, 1978.
[9] Quân trung tác – Sđd.
[10] Đề Sùng Hư lão túc – Sđd.