Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Thánh Thất Tân Định Hợi thời rằm tháng 8 Bính Ngọ (29-9-1966) Thi: Thu về vui với cõi trần gian, Nữ giới chen chưn ...
-
1. Tầm quan trọng của việc xây dựng thế hệ tiếp nối Sao gọi là thế hệ tiếp ...
-
Sinh ra làm người, không ai có thể vượt ra ngoài định luật sinh tử. Và con người vẫn hỏi: ...
-
. . .Người tu hành cũng thế. Muốn xây đắp được một nền tảng chơn lý để đạt đến chỗ ...
-
Trong thời quân Nguyên sang xâm chiếm nước ta, sau hội nghị quân sự ở Vạn Kiếp để bàn định ...
-
Đại Hội Tôn Giáo Thế Giới trong những thập niên gần đây được tổ chức khoảng năm năm một lần, ...
-
Khủng hoảng quan trọng nhất của hiện đại là khái niệm về Tiến Bộ. Hồi thế kỷ 19, với sự ...
-
"Tư tưởng đạo gia" là những bài dịch Hán Văn từ những kinh sách của chư đạo gia như Lão ...
-
Cầu siêu /
KINH CẦU SIÊU CỨU RỖI CỬU HUYỀN (Ảnh: Địa Tạng Vương Bồ Tát, cầm ngọc Như ý và cây tích trượng có 6 ...
-
Từ Hà Nội xuôi về phía Nam 90 km là tỉnh Ninh Bình, nơi hội tụ nhiều di tích văn ...
-
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Tý thời, 30 tháng Chạp rạng mùng 01 tháng Giêng Đinh Tỵ (17-02-1977) GIÁO TÔNG ĐẠI ...
-
Đời là một trường tiến hoá, người là một thí sinh, nhập môn là vịn thang, nhập tịnh là leo ...
Hồng Phúc
Lão Giáo
TIỂU SỬ ĐỨC LÃO TỬ:
Theo Sử Ký Tư Mã Thiên ( 145-86 trước CN), phần Liệt truyện, thiên 63
Lão Tử là người nước Sở,huyện Khổ, làng Lệ, xóm Khúc Nhân, tỉnh Hồ Nam bây giờ. Ngài họ Lý tên Nhĩ (tai) tự Bá Dương, thụy (tên sau khi chết) là Đam ( tai dài) làm quan giữ chức Thủ tàng thất, tức coi kho sách dưới thời nhà Châu tức vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Tây Lịch.
Truyền thống cho rằng Ngài sinh ra vào khoảng năm 604 trước CN, người cùng thời nhưng cao niên hơn Đức Khổng Tử (551-479 trước CN). Đức Lão Tử không phải là một nhà tu khổ hạnh, cũng không phải là một kẻ sĩ ẩn dật, mà đích thực là một nhà thông thái chọn lựa một cuộc sống trầm tư mặc tưởng quay về nội tâm, chuyên tâm vào việc tu dưỡng tinh thần. Do vậy, đời tư của Ngài là một bí ẩn, ngay cả đối với người cùng thời.
Những gì người đời sau được biết về Ngài chỉ qua một vài câu chuyện ghi lại trong quyển Sử Ký Tư Mã Thiên, như nói là Ngài sống cùng thời với Đức Khổng Tử vì có câu chuyện thuật lại cuộc gặp gỡ giữa và Đức Khổng Tử. Đức Khổng Tử hỏi Đức Lão Tử về "Lễ", Đức Lão Tử trả lời: "Những người ông nói đó, thịt xương đều nát cả rồi, chỉ còn lại lời của họ thôi. Vả lại người quân tử nếu gặp thời thì ngồi xe ngựa, không gắp thời thì đội nón lá đi chân. Tôi nghe nói người buôn giỏi thì giấu kỷ vật quý, coi ngoài như không co gì; người quân tử đức cao thì dung mạo như ngu độn. Ong nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòng đa dục, cái vẻ hăm hở, cùng cái chí quá hăng của ông đi, những cái đó không có ích gì cho ông đâu. Tôi chỉ khuyên ông có bấy nhiêu thôi."
Cũng theo sách Tư Mã Thiên, sau đó Đức Khổng Tử về, bảo học trò: " Loài chim ta biết nó bay được, loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, lội thì ta dùng câu để bắt, bay thì ta dùng tên để bắn. Đến loài rồng cưỡi gió mây mà lên trời thì ta không sao biết được. Hôm nay ta gặp ông Lão Tử, ông là con rồng chăng?"
Bộ Sử Ký còn ghi một đoạn khác lời của Lão Tử khuyên Khổng Tử: "Tôi nghe nói người giàu sang tiễn nhau bằng tiền bạc, người nhân tiễn nhau bằng lời nói. Tôi không phải là người giàu sang, nạn phép tự coi là người nhân mà tiễn ông bằng lời này: Kẻ thông minh và sâu sắc thì khó sống vì ham phê bình người; kẻ giỏi biện luận, biết nhiều thì nguy tới thân vì hay nêu cái xấu của người. Kẻ làm con và kẻ làm tôi đều không có cách gì để giữ mình cả."
Khi nhà Châu suy vi, vua U Vương thất chánh, Đức Lão Tử cáo lão từ quan rồi đi về hướng Tây. Đến ải Hàm Cốc, quan giữ ải là Doãn Hỉ ra đón Ngài một cách long trọng rồi khẩn khoản xin Ngài truyền Đạo. Tương truyền, do trước đó Doãn Hĩ thấy một vầng mây màu tía bay ngang thì biết điềm Thánh nhân qua ải, nên khi gặp Lão Tử có dị tướng (lỗ tai dài) nên đoan chắc là Thánh nhân. Lúc đầu Ngài từ chối, sau Ngài mới nhận lời ở lại ải một tháng và truyền Đạo bằng cách viết ra quyển Đạo Đức Kinh gồm 5000 lời để lại, rồi tiếp tục ra đi về phương Tây và kể từ đó biệt dạng.
Thân thế Đức Lão Tử tìm thấy trong sử sách chỉ vỏn vẹn có chừng ấy thông tin cùng với tác phẩm Đạo Đức Kinh còn lưu truyền đến ngày nay
NỘI DUNG QUYỂN ĐẠO ĐỨC KINH:
Quyển ĐĐ Kinh gồm 2 thiên thượng và hạ, với 81 chương, nội dung dạy về "Đạo kinh " và "Đức kinh".
Ngài dạy: Đạo là mẹ của muôn loài (ch.1, 52) có trước cả trời đất (ch.25),
là nơi vạn vật ẩn náu (ch.62) Bản chất của Đạo không có hình dạng, âm thanh (14,15) nên không thể tả được (14,41), nhưng hình dung nó đơn thuần như gỗ chưa đẽo gọt,chưa bị phủ sơn giả tạo bên ngoài (28,32), nó vĩnh viễn, bất biến (16,25) đi khắp mọi nơi và không nguy hiểm (25), khi dùng đến thì không bao giờ hết (6).
Nó thật là lớn(35), không có tên( 1,32,37,41) và nếu bị buộc phải có tên, thì chỉ có thể gọi là Lớn, có nghĩa là không có biên giới trong không gian và thời gian (1,25), bởi vì nó không phải là một vật hữu hình, cho nên không thể tả được và không có gì giống nó cả.
Đạo không làm gì (37) nhưng không việc gì mà nó khộng làm. Đạo giúp vạn vật phát triển theo tự nhiên (64) để vạn vật tự biến hóa, sinh ra và lớn lên (37). Đạo không bỏ vật nào (2), sinh ra muôn loài nhưng không kể công (2,10,14,51), nuôi dưỡng muôn loài mà không tranh giành với chúng (8). Nhờ Đạo mà trời trong, đất yên ổn, mọi vật được sinh ra và lớn lên. Nếu không có Đạo, muôn loài sẽ kiệt, sẽ tan (39). Đạo vận hành tuần hoàn theo chu kỳ, theo đó vạn vật luôn trở về gốc (16,40). Đạo bắt chước tự nhiên (25). Công dụng của Đạo là ở chỗ yếu mềm (25). Đạo là con đường vạn vật phải theo vì Đạo đã sinh ra vạn vật và điều hòa mọi hoạt động của vạn vật một cách tự nhiên. Vạn vật trong vũ trụ thể hiện những trạng thái khác nhau của Đạo.
Tóm lại, theo Đức Lão Tử, vũ trụ là một khoảng không gian hư vô, trong đó có Đạo. Đạo sinh ra vạn vật. Vạn vật cùng tác động qua lại với nhau, tăng trưởng và phồn thịnh với nhau rồi lại trở về gốc cũ. Đó là một luật chung của vũ trụ và là định mệnh của vạn vật.
Về Đức kinh, Đức Lão Tử dạy: Đức không phải là một vật, không có thực thể, không có hình tượng, mà nó chính là tinh tuý của mọi vật. Đức do Đạo sinh ra, dùng để nuôi dưỡng vạn vật. Sinh ra vạn vật là Đạo nhưng làm cho vạn vật tồn tại là Đức. Như vậy, Đạo là bản chất và Đức là thể năng. Ngài giải nghĩa chữ Đức: sinh ra mà không nhận là sinh, làm ra mà không cậy công, nuôi lớn mà không làm chủ, đó là cái Đức mầu nhiệm ( Sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trưởng nhi bất tể, thị vi huyền Đức).
Ngài phân biệt Đạo với Đức: Đạo sinh ra vạn vật, Đức chứa đựng chúng, vật chất biến chúng thành hình, hoàn cảnh khiến chúng thành vật. Vì thế muôn vật , không vật nào mà không tôn Đạo và quý Đức. Đạo được tôn, Đức được quý, không phải do cái gì sai khiến mà tự nhiên như vậy. Cho nên, Đạo sinh ra chúng, Đức nuôi chúng , làm cho chúng sống và lớn lên, làm cho chúng hiện ra hình, làm cho chúng thành ra chất và che chở chúng ( Đạo sinh chi, Đức súc chi. Vật thành chi, thế thành chi. Thĩ dĩ vạn vật mạc bất tôn Đạo nhi quý Đức. Đạo chi tôn, Đức chi quý, phù mạc chi mệnh nhi thường tự nhiên. Cố, Đạo sinh chi, Đức súc chi, trưởng chi, dục chi, đình chi, độc chi, dưỡng chi, phúc chi)
Như vậy, Đức là năng lực của Đạo, là công dụng của Đạo. Đức là biểu hiện cụ thể của Đạo trong từng sự vật. Nếu Đạo là cái vô hình tĩnh tại thì Đức là cái động hữu hình của Đạo. Đạo là bản chất của vũ trụ, Đức là sự cấu tạo và tồn tại của vũ trụ. Đây chính là nguyên lý Âm- Dương bất biến của vũ trụ với tính chất quân bình hằng hữu : "Vạn vật phụ âm nhi bảo dương, xung khí dĩ vi hòa" có nghĩa "muôn vật đều cõng âm mà bồng dương, nhân chỗ xung nhau mà hòa với nhau" Do đó, mọi sự trong trời đất mà bất cập hay thái quá đều trái lẽ tự nhiên và sẽ tự điều chỉnh theo nguyên tắc phản phục tức theo luật âm sinh dương, dương sinh âm "Vật hễ bớt thì nó thêm, thêm thì nó bớt " (Ch.42)
Do vậy, theo Đức Lão Tử, vạn vật được sinh ra, lớn lên, phồn thịnh một thời gian rồi lại trở về gốc ban đầu theo một qui luật tự nhiên không sai chạy. Đạo Trời rất công bình và vô tư, không thân ai mà cũng không bỏ ai. Đối với con người, thân mình không phải là đáng quý nhất, vi nó thường là đầu mối của mọi sự lo âu. Cho nên con người nên sống hồn nhiên, đừng quá tham cầu, không nên tranh giành, không dùng lễ văn trói buộc nhau, không dùng mưu mô trí xảo lừa nhau, nên sống giản dị, hòa hợp, tự nhiên để hợp với Đạo. Sống ở đời phải xem là một nghĩa vụ và cái chết không phải là điều đáng sợ vì đó là sự phục tùng lẽ tự nhiên của Trời Đất.
Đạo Đức Kinh là bộ sách được phiên dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới nhất trên thế giới, chỉ đứng sau Thánh Kinh Ky tô giáo. Bản dịch đầu tiên do Hòa thượng Huyền Trang dịch vào thế kỷ thứ 7. Hơn 1000 năm sau, năm 1788, bản dịch bằng tiếng La tinh xuất hiện tại London và năm 1828, được dịch sang tiếng Nga. Năm 1831 được ông G.Pauthier người Pháp dịch sang tiếng Pháp, vàđến nay tại Pháp đã có hơn 60 bản dịch sang Pháp văn xuất bản tại Pháp. Năm 1868, được dịch sang tiếng Anh do bởi 1 giáo sĩ người Anh tên John Chalmers, hiện nay có hơn 80 bản dịch tiếng Anh được xuất bản và mấy mươi bản khác dịch sang tiếng Đức, Ý, Hòa Lan…Năm 1898, ông Paul Carus, một người Mỹ dịch ĐĐK.
Không những dịch, mà còn rất nhiều tác giả chú giải ĐĐK. 2 bản cổ nổi tiếng nhất là bản của Vương Bật và Hà Thượng Công, một nhân vật ẩn danh, sáng tác vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước tây lịch. Tổng cộng đến nay, được biết, trên thế giới có gần 1000 tác phẩm bình luận chú giải ĐĐK, gồm hơn 700 bản bằng Hán văn, hơn 200 bản bằng tiếng Nhật và Đại Hàn, một số khác bằng các ngôn ngữ Tây phương.
Người ta cho rằng những tư tưởng về đạo đức của Đức Lão Tử khi đem so với lời Chúa Jésus trong Kinh Thánh có nhiều chỗ giống nhau, cho thấy 2 vị giáo chủ là hai nhà cách mạng cấp tiến, đều chủ trương hướng đến sự thay đổi của xã hội mà căn bản là sự thay đổi từ lòng người. Chúa Jésus muốn tạo lập một thiên đàng tại thế gian, Đức Lão Tử muốn thấy Đạo được thịnh hành trong thiên hạ.
TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ CỦA LÃO GIÁO
Qua thân thế sự nghiệp của Đức Lão Tử, mặc dù đối với hậu thế, Ngài là Giáo Tổ của đạo Lão, nhưng rõ ràng chính Ngài không lập thành một nền tôn giáo như Đức Phật, cũng không tập hợp học trò để truyền dạy giáo lý của Ngài như Đức Khổng Tử. Nhưng từ tác phẩm Đạo Đức Kinh của Ngài, về sau đã có những người học theo, để tạo nên một ảnh hưởng sâu rộng hình thành nên một nền tôn giáo gọi là Lão giáo hay Đạo giáo.
Sau Đức Lão Tử, vào khoảng năm 369-286 trước tây lịch, xuất hiện một nhân vật đi theo con đường của Đức Lão Tử, để về sau tên tuổi ông gắn liền với Đức Lão Tử hình thành nên một học thuyết vô vi "Lão-Trang"
TRANG TỬ ( 369-286 B.C) VÀ NAM HOA KINH
Trang Tử tên thật là Chu, cùng thời với Mạnh Tử, tức sống giữa thời Chiến Quốc, cuối đời sống ẩn dật tại núi Nam Hoa. Sự tích truyền lại về đời sống của Trang Tử cũng thật mơ hồ.
Theo Sử Ký Tư Mã Thiên, ông là người đất Mông, đồng thời với Lương Huệ Vương (370-319), Tề Tuyên Vương (319-301), và có lần làm một chức lại trong một xưởng chế tạo sơn ở đất Mông, nhưng không nói rõ đất Mông thuộc nước nào, cũng không ghi năm ông sống, chết. Theo một số học giả, đất Mông thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay; khi ông ra đời, đất đó vốn của nước Tống, sau khi ông mất, nước Tống bị diệt, ba nước Sở, Ngụy, Tề chia nhau đất đai của Tống và đất Mông từ đó thuộc về Ngụy.
Tư tưởng ông chịu ảnh hưởng của Đức Lão Tử, được thể hiện qua tác phẩm của ông là "Trang Tử" hay còn có tên là Nam Hoa Kinh gồm 52 thiên mà Tư Mã Thiên đã luận: " Sách ông viết có hơn 10 vạn chữ, đại để đều là ngụ ngôn… văn ông khéo viết, lời lẽ thứ lớp, chỉ việc tả tình để bài bác bọn Nho Nặc.Tuy đương thời, những bậc túc học, cũng không sao cãi để tự gỡ lấy mình cho nổi. Lời văn của ông thì phóng túng mênh mông, cầu lấy sự thích ý mình mà thôi. Cho nên từ các bậc Vương, Công đều không ai biết nổi ông là người thế nào"
Trong thời kỳ tiền Hán (206 B.C) tư tưởng của Lão Tử được truyền bá, chỉ có tư tưởng của Trang Tử thì mãi đến đời hậu Hán (từ 25 đến 220 sau T,L) mới đươc nói đến và phổ biến. Đạo Đức Kinh là quyển sách gối đầu giường của những nhà chính trị mong dùng cái đạo Vô Vi mà trị nước, chống lại cái đạo trị nước bằng hữu vi, nghĩa là ham can thiệp đến việc người. Sách Trang Tử nặng về phần giải thoát cá nhân. Tư Mã Thiên bình luận: triết lý của Trang Tử khác với Lão Tử, lại muốn siêu thoát khỏi vấn đề nhân gian thế sự. Khi ông nói đến các vị vua đầu tiên của nhà Hán, cho rằng các bậc ấy lấy "vô vi" mà trị nước là có ý muốn nói rằng các bậc trị nước ấy đã áp dụng triết lý chính trị của Lão Tử. Chỉ đến cuối đời nhà Hán (220 sau tây lịch) thì người ta mới bắt đầu để ý đến Huyền học, bấy giờ sách của Lão Tử cũng được người ta dùng cái học của Trang Tử mà giải thích. Như vậy, ta thấy rằng, tuy khởi thủy hầu như lập trường triết lý của hai nhà đứng riêng nhau, nhưng vẫn có sự liên hệ với nhau luôn."
Tóm lại, theo Sử Ký Tư Mã Thiên thì cái học của Trang Tử không đâu là không bàn đến, nhưng gốc ở những lời dạy của Lão Tử. Lão Tử thì chủ trương "cứng rắn, dễ bị nát; nhọn bén, dễ bị mòn lụt; "đầy, dễ đổ"… cho nên Ngài chỉ cho con người con đường để tránh khỏi sự đổ nát, mòn gãy… Trái lại, Trang Tử thì chủ trương "ngoại tử sinh, vô chung thủy" (ngòai sống chết, không khởi thủy và không cuối cùng) cho nên chỗ mà Lão Tử còn thắc mắc chăm chú thì Trang Tử lại nhìn với cặp mắt thản nhiên lạnh lùng như không đáng kể." Nhưng 2 Ngài có chỗ tương đồng là đều cùng có một quan niệm về "Đạo"và "Đức", và đều chống đối tư tưởng truyền thống và chế độ đương thời. Và vì thế Tư Mã Thiên đặt tên cho học phái này là Đạo Đức Gia, mà về sau người đời gọi là học thuyết hay tư tưởng Lão Trang.
Từ Lão Tử đến Trang Tử, sự hình thành của Đạo Gia đã hoàn tất. Chất duy tâm mà Trang Tử đưa vào hệ thống tư tưởng do Lão Tử đề xuất đã trở thành cơ sở cho việc thần bí hóa Đạo gia thành Đạo giáo khi xã hội Trung Quốc rơi vào cảnh loạn ly cuối thời Đông Hán (thế kỷ thứ 2sau CN) . Như vậy có thể nói, sau Trang Tử, Lão giáo đã bắt đầu bị canh cải, thất chân truyền.
Nhìn chung, Lão giáo có 3 trường phái:
1-Đạo học :
-Tu tánh: thiên về vấn đề giác ngộ, quay về với nội tâm tìm sự thanh tĩnh để đạt Đạo, tương đương phương pháp Đốn ngộ của Phật giáo. Đại diện cho trường phái này là Đức Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử (khoảng thế kỷ thứ IV trước CN) viết Xung Hư chân kinh, Quan Doãn Tử viết Văn Thủy Chân Kinh, Trần Hi Di tức Trần Đoàn Lão Tổ ( khoảng 900, đầu thời Tống) là người đã sáng lập khoa Tử vi.
2-Tiên học (còn gọi là Đơn Đạo) khác với Đạo học, là phương pháp tiệm tu, đi từ thấp đến cao, từ thô tới tinh, từ hữu vi đến vô vi; có mục tiêu tu hành phản lão hoàn đồng, trường sinh bất lão tức là chủ trương tu tạo nên một xác thân tráng kiện, dần dần tiến đến thân tâm an lạc và cuối cùng mở được tuệ giác và chung cuộc vẫn đi đến chỗ Thiên Nhân hiệp nhất, huyền đồng cùng Trời Đất. Phái Tiên Học cũng thờ Đức Lão Tử nhưng có 3 vị đứng đầu là Đông Hoa Đế Quân Lý Thiết Quải ( sống vào thời Hán) tu ở núi Côn Lôn; Chung Ly Quyền ( cuối thời Đông Hán), đứng đầu Bát Tiên; Lữ Đồng Tân là đồ đệ của Hán Chung Ly.
Tiên Học có các tông phái:
-Nam Tông: gồm có Lưu Thao được Chung Ly Quyền truyền Đạo năm 911;Trương Bá Đoan( đời Tống) sáng lập ra Nam Tông.
-Bắc Tông: còn gọi là Toàn Chân Phái, giáo chủ là Vương Trùng Dương, người Hàm Dương, có 7 đệ tử: Khưu Xử Cơ, Lưu Xử Huyền, Đàm Xử Đoan, Mã Ngọc, Hách Đại Thông, Vương Xử Nhất, Tôn Bất Nhị.
-Đông phái: do Lục Tiềm Hư sáng lập năm 1567 đời Minh Mục Tông
-Tây phái: do Lý Hàm Hư đời Thanh Hàm Phong sáng lập (1851)
-Trung phái: do Lý Đạo Thuần sáng lập đời Nguyên, đề cao chữ Trung, có sư đệ là Doãn Chân Nhân, tác giả của quyển Tính Mệnh Khuê Chỉ.
-Trương Tam Phong phái: (cuối Nguyên, đầu triều Minh)
Ngòai ra, dưới thời Tấn, có Kim Đan Đạo do một ông quan là Cát Hồng khởi xướng chủ trương tu Tiên bằng hai cách : nội tu và ngọai dưỡng. Ngọai dưỡng là dùng kim đan gọi là thuốc trường sinh luyện bằng các khóang chất như thần sa, vàng…. Nội tu là rèn luyện thân thể bằng phép dưỡng sinh, tịnh luyện tinh –khí –thần để "hườn Hư"
3-Đạo giáo nhân gian hay Đạo giáo phù thủy do Trương Đạo Lăng, người nước Bái đến núi Tứ Xuyên tu luyện, là cháu 8 đời của Trương Lương thời Tam Quốc (đời Hán – 206 trước CN và 220 sau CN) sáng lập "Đạo 5 đấu gạo" (Ngũ đấu mễ đạo: ai muốn vào Đạo thì phải nộp 5 đấu gạo), thờ Đức Lão Tử tôn xưng là Thái Thượng Lão Quân dùng kinh kệ, bùa chú, phương thuật, tế lễ… để thu hút tín đồ, được hậu thế phong là Trương Thiên Sư.
Như vậy, Đạo giáo cũng giống như Nho giáo và Phật giáo, ngày càng đi xa chân truyền của vị Giáo Tổ khai sáng. Ngày nay tại Trung Quốc , Đài Loan và Hồng Kong, Lão giáo vẫn còn rất thịnh hành. Riêng Đài Loan, có tất cả 86 giáo phái hoặc tổ chức Lão giáo được chính quyền hỗ trợ, nhưng có 6 môn phái nổi bật:
-Phái Chính Nhất hay phái Thiên Sư thuộc Long Hổ Sơn
-Phái Mao Sơn với 2 loại pháp môn: nội luyện theo kinh Hùynh Đình và võ công theo Kỳ Môn Độn Giáp.
-Phái Thái Cực với pháp môn tu luyện theo truyền thống Trương Tam Phong và pháp môn võ thuật trừ tà ma.
-Phái Toàn Chân theo đường lối của Vương Trùng Dương
-Phái Thần Tiên: chuyên về biểu diễn bán thuốc hoặc kiếm tiền.
-Phái Lư Sơn thiên về bí thuật.
Không chỉ là một tôn giáo, dạy con người trở về với gốc Đạo, huyền đồng cùng vũ trụ, Lão giáo còn đóng góp rất nhiều cho nền văn minh Trung Quốc. Rất nhiều sinh hoạt độc đáo của người Trung Quốc đã lan truyền khắp thế giới có nguồn gốc xuất phát từ Lão giáo như :
-Khuynh hướng hội họa của dòng tranh "Thủy mặc" hay "tranh sơn thủy" thể hiện sự cân bằng tuyệt hảo giữa Am- Dương.
- Thuật Phong Thủy chỉ rõ cách chọn hướng, cách thiết kế môi trường xây dựng theo một hệ thống phối hợp các yếu tố quan trọng của không gian và thời gian nhằm mang lại sự hài hòa tối đa trong mọi tương tác giữa con người và thiên nhiên.
-Võ thuật với nguyên tắc "mềm như nước" nhưng hết sức hiệu quả, giúp cho con người giải tỏa những tắt nghẽn sinh lực, đưa thân thể trở về trạng thái cân bằng, vừa hài hòa thể lý lẫn tinh thần mà ngày nay rất phổ biến. Đó là môn Thái Cực Quyền
-Về y học, phương pháp châm cứu và bấm huyệt được xem là cách trị bệnh rất hiệu quả.
-Về tư tưởng, Lão giáo đã chủ trương bất tử, tức là quan niệm lúc chết, sự sống con người được thay đổi chứ không bị mất đi, cho nên con người có một thái độ tích cực đối với thân phận chính mình.
LÃO GIÁO Ở VIỆT NAM:
Lão giáo thâm nhập vào Việt Nam từ khỏang thế kỷ thứ 2 sau CN. Cuối đời Đông Hán, nước Trung Hoa có loạn Vương Mãng, nhiều bậc sĩ phu và tu sĩ chạy sang nước ta lánh nạn. Trong số này có Sĩ Nhiếp, người đầu tiên chính thức truyền bá Tứ Thư Ngũ Kinh và cũng là người khởi xướng tinh thần Tam Giáo đồng nguyên trên đất Giao Châu. Ngay khi vào VN, Lão giáo "đã tìm thấy ngay những tín ngưỡng tương đồng đã có sẵn từ lâu". Bởi vì từ xa xưa người Việt Nam đã rất sùng bái ma thuật, phù phép, và tin rằng có thể chữa bệnh, đuổi tà ma hoặc để làm tăng sức lực, tránh điều rủi ro trong cuộc sống, cho nên Lão giáo thuộc phái Đạo giáo nhân gian đã hòa quyện dễ dàng với tín ngưỡng ma thuật người Việt tới mức không còn phân biệt, cho nên nhiều nhà nghiên cứu lầm tưởng Lão giáo sớm phát triển ở VN, trong khi đó rất nhiều người VN qua nhiều thời đại không hề có ý thức gì về đạo Lão.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng học thuyết của Lão Tử mang tư tưởng triết lý của truyền thống văn hoá nông nghiệp phương Nam: Đạo chẳng phải cái gì khác ngoài sự phạm trù hóa triết lý tôn trọng tự nhiên; còn Đức chính là sự phạm trù hóa việc tự nhiên tồn tại theo luật âm dương biến đổi Cho nên đã có sự so sánh:Khổng Tử được hình dung như một ông quan phương Bắc mũ cao áo dài, còn Lão Tử- như một ông già phương Nam chất phác chân đất cuỡi trâu. Trong khi Khổng Tử ôm mộng "bình thiên hạ" thì Lão Tử hài lòng với những nước nhỏ dân ít như những làng quê mang tính cộng đồng ở bên trong và tính tự trị ở bên ngoài, nhỏ tới mức "nước láng giềng trông thấy nhau, tiếng gà gáy chó sủa cùng nghe", và tự trị tới mức "dân đến già chết mà không đi lại với nhau" (ch.80) . Phải chăng đó cũng là lý do đạo Lão gần gũi với truyền thống văn hóa tín ngưỡng VN.
Từ Trung quốc vào VN, đạo Lão cũng vẫn giữ hai phái là Đạo giáo nhân gian thờ Đức Ngọc Hòang Thượng Đế, Thái Thượng Lão Quân, thần Trấn Vũ (Huyền Vũ), Quan Thánh Đế Quân. Bên cạnh đó, có sự kết hợp với tín ngưỡng dân gian, Lão giáo còn thờ nhiều vị thần thánh khác của người Việt như Đức Thánh Trần, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cùng với Tam Phủ, Tứ Phủ, cho thấy sự hòa quyện giữa Lão giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Ngòai ra, các pháp sư VN từ Bắc chí Nam còn thường hay thờ các thần Ngũ Hổ bằng bức tranh con hổ hay Quan Lớn Tuần Tranh là 2 con rắn Thanh Xà và Bạch Xà quấn trên xà nhà trước bàn thờ. Dưới các triều Đinh, Lê, Lý, Trần đều có chọn các đạo sĩ làm cố vấn bên cạnh các nhà sư: nên có chức đạo quan và tăng quan.Tương truyền vua Đinh Tiên Hòang từng lấy lễ thầy trò để tiếp đãi pháp sư Văn Du Tường, nhờ ông chém chết yêu quái vốn là Mộc tinh ở cây chiên đàn lâu năm. Đời nhà Lý các đạo sĩ Trần Tuệ Long và Trịnh Trí Không giữ địa vị quan trọng trong triều.
Dưới thời vua Lê Thần Tông, thế kỷ XVII, xuất hiện một trường phái Đạo giáo VN có quy mô rất lớn gọi là Nội đạo, do Trần Tòan là một vị quan triều Lê, không theo nhà Mạc, từ quan về tu Tiên, mở Đạo trường ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa ), có 10 vạn tín đồ, được tôn là Thượng Sư . Tương truyền vua Lê Thần Tông bị bệnh mọc lông cọp được Trần Tòan dùng bùa phép và thần chú chữa khỏi. Ông còn cứu sống cho con Chúa chết đã 2 ngày, nên được Vua và Chúa cho người cất nhà cho và tự tay vua ghi 3 chữ "Nội Đạo Tràng". Ba người con trai của ông được tôn là "Tam Thánh". Phái Đạo này phát triển vào Nghệ An và ra Bắc, đến tận thế kỷ XX hãy còn tồn tại nhiều trung tâm của đạo này ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội.
Phái Đạo Giáo Thần Tiên ở VN thì thờ Chử Đồng Tử làm ông Tổ và nhiều Tiên Thánh khác như thần Tản Viên tức Sơn Tinh, và có những câu chuyện về sự tích các đạo sĩ hoặc người thường tu thành tiên, có nhiều phép lạ.
Đặc biệt, Lão giáo đã đem sang Việt Nam phương pháp cầu Tiên. Giới sĩ phu xưa thường cùng nhau tổ chức cầu Tiên để hỏi về vận nước, chuyện kiết hung đại sự… Nhiều đàn cầu Tiên nổi danh một thời như đền Ngọc Sơn (Hà Nội), đền Tản Viên (Sơn Tây), đền Đào Xá (Hưng Yên)…Đầu thế kỷ XX, các đàn cầu Tiên (gọi là thiện đàn)mọc lên khắp nơi, phải chăng là do Ơn Trên chuẩn bị cho sự ra đời của đạo Cao Đài?
Kinh sách của đạo Lão được truyền sang Việt Nam hiện vẫn còn truyền tụng, ngoài 2 quyển đầu tiên là Đạo Đức Kinh của Đức Lão Tử và Nam Hoa Kinh của Đức Trang Chu, còn có quyển Huỳnh Đình Kinh dạy cách luyện Đạo, Thanh Tịnh Kinh và Cảm Ứng Kinh dạy về lẽ lành dữ trả vay cho người tu giải thoát. Tất cả tương truyền là do Đức Thái Thượng Đạo Tổ giáng cơ dạy từ xưa bên Trung quốc.
Đặc biệt, Lão giáo khi vào Việt Nam, hòa quyện với văn hóa tín ngưỡng dân gian đã hình thành một khuynh hướng của những người thật sự không phải là tín đồ đạo Lão nhưng có tư tưởng gần với phái Tiên Đạo hay Đạo Giáo Thần Tiên, tức ưa thích đời sống thanh tĩnh nhàn lạc. Đó là những bậc trí thức Nho giáo, sinh không gặp thời, gặp chuyện bất bình nơi chốn quan trường hay các bậc anh hùng đã làm xong phận sự nam nhi đến lúc công thành thân thối lui về ẩn dật, vui thú điền viên cùng với thiên nhiên thi phú, cuộc cờ chén rượu mà theo giòng lịch sử, chúng ta đã thấy rất nhiều như: Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ…. với cuộc sống "tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc; tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn" của học thuyết Lão Trang
LÃO GIÁO TRONG TAM KỲ PHỔ ĐỘ.-
Đức Thượng Đế khai mở ĐĐTKPĐ không chỉ để cứu rỗi nhân loại thoát khỏi cơ tận diệt của thời hạ ngươn mạt kiếp mà còn hé mở bức màn quá khứ cho con người có cơ hội giải tỏa những điều còn u ẩn, mơ hồ đã từng làm con người tốn công sức tìm tòi, nghiên cứu và tranh cãi, điển hình như là Đức Lão Tử, ai cũng nhìn nhận Ngài là Giáo Tổ của Lão giáo, Hơn 2.500 năm trôi qua, người ta vẫn còn nghi ngờ tính xác thực đối với sự hiện hữu của Ngài.
Đến khi đạo Cao Đài ra đời với cách thờ cúng , bài trí Thiên bàn trong hàng Tam vị Giáo Tổ, đại điện Tiên giáo là Đức Thái Thượng Đạo Tổ, một nhân vật mà người thế gian biết qua truyền thuyết, bên cạnh là Đức Khổng Tử và Đức Thích Ca là 2 vị Giáo Tổ đã chứng đắc từ kiếp làm người với thân thế thật rõ ràng, đã khiến cho sự nghi ngờ về nhân vật Lão Tử xuất hiện khoảng thế kỷ thứ 6 trước tây lịch càng có cơ sở.
Tuy nhiên, điều này đã được xác nhận khi chính Đức Lão Tử giáng cơ xưng danh là Lý Lão Tử để phê kinh Đại Thừa Chơn Giáo:
Lý đào mầm tược tượng long lân,
Lão luyện đơn thành nhị xác thân,
Tử phủ ngồi tu lo nấu thuốc,
Giáng sanh Thượng đợi Võ Đinh Quân.
Điều này phù hợp với thông tin trong quyển Thanh Tịnh Kinh của Lão giáo cho rằng từ đời hỗn độn sơ khai đến giờ không có đời nào mà Ngài không hạ trần:
-Đời Thượng Tam Hoàng: hiệu của Ngài là Vạn Pháp Thiên Tôn hay là Vạn Pháp Thiền Sư, Thần Ngọc.
-Đời Trung Tam Hoàng: Ngài là Bàn Cổ Thần Vương
-Đời Hạ Tam Hoàng: Ngài là Uất Hoa Tử
-Đời Thần Nông hiệu của Ngài là Đại Thành Tử
-Đời Hiên Viên Huỳnh Đế: Ngài là Quảng Thành Tử
-Đời Châu Văn Vương : Ngài là Nhiếp Ap Tử
-Đời Châu Võ Vương : Ngài là Dục Thành Tử
-Đời Châu Khương Vương : Ngài là Quách Thúc Tử
-Đời Châu Định Vương: Ngài là Lý Đam hay Lão Tử
-Đời Hán-Sở tranh hùng (Tây Hán) : Ngài là Huỳnh Thạch Công
Và trong bài Kinh Tiên giáo còn nói rõ: Ngài là một chiết thân của ngôi Thái Cực do khí Tiên Thiên hóa sanh:
"Tiên Thiên khí hóa.
Thái Thượng Đạo quân
Thánh bất khả tri, công bất khả nghị
Vô vi cư Thái Cực chi tiền
Hữu thỉ siêu quần chơn chi thượng…"
Tiên Thiên Khí cũng chính là Bản thể của vũ trụ, là Đạo, là Thái Cực.
Cũng trong bài kinh này, có đoạn xác nhận việc Ngài soạn Đạo Đức Kinh :
"Tử khí Đông lai; Quảng truyền Đạo Đức."
Có nghĩa: Vầng khí mầu tím từ hướng Đông bay tới,
Rộng truyền Kinh Đạo Đức.
Tức nhắc lại câu chuyện Doãn Hỉ đón Đức Lão Tử khi Ngài qua ải Hàm Cốc.
Qua thời gian, đến Tam Kỳ Phổ Độ, mặc dù Lão giáo vẫn còn thịnh hành trên quê hương cội nguồn của nó, nhưng đã không còn giữ được chơn truyền theo đúng tinh thần của Đức Lão Tử. Cái tên gọi đã nói lên được điều này: Đạo giáo thay vì Lão giáo. Đạo giáo thay vì Đạo gia. Sự ra đời của ĐĐTKPĐ với tôn chỉ "Tam giáo quy nguyên" là để đưa Lão giáo trở về bản chất cội nguồn ban sơ, để con người có thể theo đó mà tu hành đắc Đạo.
Chính vì vậy, tinh hoa của Lão giáo đã hiện diện trong tôn giáo Cao Đài từ hình thức đến nội dung giáo lý:
1-Về hình thức: -Tượng hay linh vị của Đức Thái Thượng Đạo Tổ ở hàng Tam giáo Đạo tổ.
-Tượng hay linh vị của Đức Lý Đại Tiên ở hàng Tam Trấn Oai Nghiêm.
-Danh hiệu của Đức Cao Đài: Nam mô Cao Đài Tiên Ong…..
-Lễ phục:Chức sắc phái Thượng từ cấp bực Đầu sư xuống đến lễ Sanh mặc áo và đội mão màu xanh tượng trưng cho Tình ( bác ái) của đạo Tiên.
-Lễ phẩm:
Hoa tượng trưng cho Tinh
Trà tượng trưng cho Thần
Rượu tượng trưng cho Khí
Tinh-Khí-Thần là Tam bửu điều hòa và bảo tồn sự sống trong nhân thân con người theo Tiên gia.
-An quyết chú: Tín đồ Cao Đài khi đảnh lễ trước Thiên bàn thi bắt ấn Tý, là ấn của Trời, các nghi lễ trấn Thần, thượng Tượng, giải oan, tắm Thánh… đều có kinh và phù chú riêng. Chú Kim Quang đọc khi công phu tu tịnh.
2-Về giáo lý:
-Vũ trụ quan Cao Đài cho rằng Thượng Đế vô ngã chính là phạm trù Đạo , Bản Thể Duy Nhất, uyên nguyên , vô hình đã sinh xuất vũ trụ và vạn hữu.
-Vạn hữu biến hóa theo chu kỳ: 2 chiều tán tụ. Chiều tán là chiều phân hóa, chiều đi ra, tức là chiều từ Thái Cực phóng phát. Chiều tụ là chiều qui nguyên, quay về "Phù vật vân vân, các qui kỳ căn" (Muôn loài sinh hóa đa đoan- rồi ra cũng phải lai hoàn bổn nguyên) chính là ý nghĩa:
"Một sứ mạng Trời dành hai ngõ,
Một ra đi, một trở lại Thầy."
-Nhân sinh quan Cao Đài: mỗi người là một chủ thể tự do, có khả năng tự giải thoát, và điều chính yếu là không thể trông chờ vào bất cứ một tha lực nào để cải tạo cuộc sống của mình. Số phận con người do chính con người định đoạt chớ không ai khác.
CON NGƯỜI LÀ AI? TỪ ĐÂU ĐẾN?
Theo giáo lý Cao Đài, con người và vạn vật có cùng một nguồn gốc theo nguyên lý "nhứt bổn tán vạn thù, vạn thù quy nhứt bổn" trong cơ nguyên hóa sanh và vận động, nghĩa là từ khối Đại Linh Quang Thượng Đế phóng phát, hóa sanh ra muôn loài vạn vật, rồi muôn loài sẽ quay về điểm Một ban đầu sau khi đã hoàn thành các chặng đường tiến hoá.
Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy dạy: "Phần hồn là nhứt điểm linh quang của ngôi Thái cực", nên con người được coi là một tiểu vũ trụ gọi là Tiểu Linh Quang. Do từ Thượng Đế mà ra nên có cùng bản thể với Đại Linh Quang, phải chịu sự chi phối của các quy luật bất biến của vũ trụ, nghĩa là con người cũng phải qua quá trình tiến hóa tức quá trình mà chúng sanh vạn vật học hỏi rèn luyện để chơn thần thăng hoa vượt khỏi môi trường vật chất trở về cùng chơn thần Thượng Đế. Do đó, cuộc sống con người tại thế giới hữu hình này là công cuộc hoàn thành những nấc thang tiến hóa cao nhất. Vì vậy có thể nói, so với muôn loài, con người đang ở trên chặng đường tiến hóa gần đích đến nhất, và con người đang ở trong môi trường tiến hóa sinh động nhất, nơi mà từ xưa đến nay, con người vẫn cho là sông mê, bể khổ.
CON NGƯỜI ĐẾN ĐÂY ĐỂ LÀM GÌ?
Con người hiện hữu ở thế gian không phải là ngẫu nhiên, vô mục đích. Đức Cao Đài dạy: "Từ bến khởi nguyên con ra đi vương một sứ mạng trong hai đoạn đường, một đem Đại Đạo lập đời, hai trở về với Đại Đạo." (30.12 Quý Sửu, 1974).Đó chính là sứ mạng vi nhân mà con người phải thực hiện khi đi vào cõi thế gian này: "Sanh ra phận làm người đã mang vào mình một trách nhiệm đặc biệt, phải gắng sức làm cho hoàn toàn" và "khi đã làm tròn sứ mạng cao cả sẽ trở về hiệp một cùng khối Đại Linh Quang."
Sứ mạng vi nhân đó là "sứ mạng cao cả được đặt để cho loài thượng đẳng chúng sanh ở cõi đời này là được thay Trời mà quản cai muôn vật trong luật tắc hóa sanh sanh hóa và có đủ quyền năng tự giải thoát để tiến hóa."
CON NGƯỜI SẼ ĐI VỀ ĐÂU?
Như trên đã nói:
Một sứ mạng Trời dành hai ngõ,
Một ra đi, một trở lại Thầy.
Sau khi hoàn thành trách nhiệm, con người sẽ quay về hiệp một cùng Thượng Đế. Con đường quay về đó sẽ do chính con người tự tìm thấy bằng cách tu giải thoát. Hay nói khác hơn, để đủ điều kiện trở về bến khởi nguyên, nơi xuất phát điểm Tiểu Linh Quang ban đầu, song song với cuộc sống nhân sinh, con người còn phải nuôi dưỡng đời sống tâm linh của mình bằng cách công phu tu tịnh cũng chính là phép Luyện kỷ tu đơn hay "Song tu Tánh Mạng" của Lão Giáo.
3- Đạo pháp:
Trong con người có hai phần:
+Một phần vĩnh cửu, bất biến, bất sinh, bất diệt. Đó là phần Thiên có nhiều cách gọi Thiên tâm, Chơn tánh, Tiểu Linh Quang.
+Một phần biến thiên, ảo hóa. Đó là phần Nhân gồm có nhục thân (xác thân), với lục căn (nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý) và Nhân tâm (hồn) với Thất tình: ( hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ)
Do đó con người phải biết các "Dưỡng sanh tánh Mạng": như lời Đức Cao Đài dạy:
Dưỡng dục muôn loài trở lớn khôn
Sanh linh giác ngộ bảo chơn hồn
Tánh cùng thiên lý thông cơ Đạo
Mạng lịnh Thầy truyền diệu pháp môn.
Để thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử thì phải thực hành Đạo pháp tức Công phu tu tịnh, mà muốn tu tịnh có kết quả thì trước hết phải lo Công trình luyện Kỷ tức là sửa đổi tâm tánh, luôn chế ngự, làm chủ được thất tình lục dục của chính mình như tâm niệm của Lão giáo: "Luyện kỷ tối nan, hòan đan thậm dị"
Đại Thừa Chơn Giáo dạy: "Luyện kỷ là lập cái tâm cho dứt sự thương yêu trìu mến, thê thiếp, tử tôn, cùng ham muốn mọi sự ở thế gian.
Hễ tạo đặng như thế thời cái nhơn tâm dứt rồi đạo tâm mới sanh. Người có chí thành chí kỉnh, tầm sư học Đạo, một lòng cung kỉnh, chẳng vong mộc bổn thủy nguyên, thiệt hành Thiên Đạo sẽ đến bực hườn hư.
Hườn hư là yên tịnh thân tâm. Tịnh cho thuần thục tức là luyện cho cái khí hậu thiên tiếp tiên thiên hiệp với tánh Phật Tiên cùng với hư vô chi khí...hễ hườn hư là tự nhiên Đạo chuyển (chớ hườn hư rồi còn chi mà luyện)...".
Công phu là để "qui Tam bửu Ngũ hành" để đắc thành Tiên Phật. Đức Cao Đài dạy: "Như con người lo lắng vọng tưởng điều này sự nọ thì lao Thần (linh hồn); còn ham muốn mơ mộng phú quí vinh hoa thì tản Khí; bằng say đắm mê sa tình trường dục hải thì tổn Tinh.
Hễ Tam bửu hao mòn thì khác chi ngọn đèn tàn, dầu hao tim lụn, leo lét canh khuya, khi mờ, khi tỏ, tất nhiên một hồi phải tắt ngay. Vả như Tam bửu hư hoại thì tự nhiên ngũ hành, ngũ tạng cũng phải xiêu bè suy nhược theo nhau.
Nguyên con người trong buổi thiếu thời, còn giữ tánh thiên nhiên thì đâu biết lo rầu buồn giận.Mãi đến lớn lên lần lần nhiễm lấy mùi trần, rồi ham giàu, ham sang, mới rấp ranh trù nghĩ kế nọ mưu kia, phương này chước khác, báo hại phải hao cái chơn tâm (Tâm ấy thuộc Hỏa)
Đến khi mưu kế định rồi, lại còn phấn đấu tranh đua để đạt sao cho kỳ được mục đích mới nghe, thì báo hại tới phải lao can ( Can ấy thuộc Mộc)
Bây giờ mục đích đạt xong, đã sang, đã giàu thì lại đâm ra muốn vui xác thịt, nên bể dục sóng tình tha hồ đắm đuối ngày đêm, báo hại thêm ra hao thận (Thận ấy thuộc Thủy)
Đã vui sắc dục thì phải khoái ngọt bùi, nên lại kiếm tầm hải vị sơn trân, sát mạng thượng cầm hạ thú để làm cho khoái đã sự thèm ngon của miệng lưỡi, mà lắm khi chất độc món khác cũng chẳng hề từ, thành ra bịnh tùng khẩu nhập mà báo hại cho phải hao tỳ (Tỳ ấy thuộc Thổ)
Lại khi ăn uong no say ngon khoái rồi thì bị những vật thực bằng huyết nhục kia nó phát sanh ra tánh người táo bạo, hung hăng, ganh gổ, độc ác và háo thắng, tự phụ, máu nóng ham sân mà báo hại hao thêm cho phế (Phế ấy thuộc Kim)
Đó là ngũ hành đã suy mà ngũ tạng đã nhược.
Vậy nên người tu phải không ham giàu, không ham sang, không ham ngon, không ham dục, không không, không hết ráo, thế mới thành công."
Đây chính là tinh hoa đạo Lão được ghi trong Tính Mệnh Khuê Chỉ:
"Muốn thoát luân hồi, phải thể hợp với Chí Đạo, muốn thể hợp với Chí Đạo, tất phải quán chiếu bản tâm. Muốn quán chiếu bản tâm, tất phải nhắm mắt hồi quang, nhìn vào hư không, đem ánh sáng tuệ quang chiếu diệu nơi mà thất tình chưa nhen nhúm, nơi mà bản thể chưa bị bát thức làm ô nhiễm, ngoài thì tuyệt hết chư duyên, trong thì tuyệt hết chư vọng."
KẾT LUẬN:
Ong Phan Kế Bính viết trong tác phẩm Việt Nam Phong Tục: Đạo Lão Tử cốt lấy thanh tịnh tự nhiên làm tôn chỉ, cái ý tưởng ấy rất cao xa, không phải người tầm thường hiểu thấu được. Người ta có biết đích xác được cái thân là cái nguồn khổ sở, cái trí khôn là cái gốc phiền lụy, thì mơi biết được cái tôn chỉ ấy là cao; lại phải xét cho thấu hết việc đời, hiểu cho rõ hết tình người, đem một tấm lòng nhạt nhẽo hư không mà giao thiệp với đời không có một sợi tơ sợi tóc nào vướng vít đến trước mắt, thì mới biết được đạo ấy có một cái thú ung dung, nhàn nhã, sung sướng, khoan thai. Còn các việc đời, tùy xảy đến việc gì thì ứng đối việc ấy, không cần phải khó nhọc hơi sức, lao tổn tinh thần, dùng cái lẽ tự nhiên mà thù ứng các việc tự nhiên mà đâu ra đấy cả.
Vậy thì đạo ấy cũng là một lối học rất cao, một ý tưởng rất lạ, không dễ mà bỉ bác được. Duy học theo đạo ấy thì phàm việc gì cũng cho là phù phiếm hư không, chỉ biết nhàn thân sướng riêng lấy một mình, mà không thiết tưởng gì đến đời, cho nên đạo Nho cũng bác đi mà không cho là chính đạo."
Đây chính là sự ngộ nhận sai lầm chung của người đời đối với đạo Lão chơn truyền. Vì vậy sứ mạng ĐĐTKPĐ không chỉ qui nguyên Lão giáo theo đúng luật tuần hoàn của vũ trụ mà còn để phục hưng chánh lý của "Lão tông" để con người theo đó mà tìm thấy hạnh phúc đích thực trong cõi nhân sinh, đồng thời có cơ hội chuẩn bị một cuộc sống thăng hoa tốt đẹp vĩnh cửu thoát vòng luân hồi sinh tử sau khi rời bỏ nhục thân, tức là quay về cùng Đạo hay Thượng Đế.