Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
22/11/2005
Hồng Phúc

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009

Lý Thái Bạch:Con người muôn thuở muôn phương

Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ), Tam Trấn Oai Nghiêm, đại diện Tam Giáo Đạo, thay mặt Đức Chí Tôn nắm giềng mối cơ Đạo Kỳ Ba, tận độ nhân loại:

"Tam Kỳ Phổ Độ cõi Nam Thiên,
Tam trấn Oai Nghiêm nắm mối giềng;
Thay mặt Chí Tôn truyền đạo pháp,
Dắt người trở lại cõi Tiên Thiên."

Lý Đại Tiên Trưởng Thái Bạch Kim Tinh với cương vị Nhứt Trấn Oai Nghiêm đại diện Tiên giáo, Ngài được Đức Chí Tôn giao quyền thủ cơ truyền Đạo, lập luật pháp Đạo, ra các Đạo Nghị Định, Chơn truyền chấp chưởng điều hành, thưởng phạt tín đồ, chức sắc trong Đạo. Ngài cũng kiêm nhiệm vai trò quyền pháp Giáo Tông Vô Vi ĐĐTKPĐ, là Anh Cả, dẫn dắt tín đồ trong Đạo.

"Ánh Thái Cực biến sanh Thái Bạch,
Hiện Kim Tinh trọng trách Linh Tiêu,
Quyền năng vưng thuở Thiên Triều,
Càn Khôn thế giới dắt dìu Tinh Quân.
****
Tinh Quân thọ sắc thuở Phong Thần
Cho đến Đường triều mới biến thân
Thái Bạch Kim Tinh đang trị thế,
Trường Canh Trích Tử đến thăm trần.
Động Đình thi rượu đong muôn đấu,
Bồng đảo câu Tiên nắm một cần.
Vâng lịnh Ngọc Hư nay xuống thế
Tam Kỳ độ rỗi các nguyên nhân."
Như vậy, quyền pháp của Ngài rất lớn, toàn quyền thay mặt Đức Chí Tôn điều hành công cuộc cứu độ trong Kỳ Ba Đại Ân Xá.

Qua một kiếp Ngài giáng trần bên Trung Quốc dưới triều đại nhà Đường, Ngài đã để lại cho hậu thế một gia tài với khoảng 20.000 bài thơ, Ngài đã được tôn vinh là một trong những đại thi hào tài hoa của phương Đông. Tuy nhiên, người đời thường chỉ biết Ngài là một người có tài làm thơ và uống rượu, và khi nhắc đến Ngài, người ta thường đề cập đến truyền thuyết Ngài uống rượu say đến nỗi nhìn ánh trăng dưới sông, ngỡ là thật, rồi nhảy xuống sông theo trăng mà chết. Chính vì câu chuyện về Ngài không chính xác này, cho nên khi nhìn thấy đạo Cao Đài thờ Ngài, nhiều người không tin tưởng, và thậm chí có người còn có những lời bất kính.

Ngay cả trong tín đồ Cao Đài, thành thật mà nói, do đức tin, ai cũng thành kỉnh kính yêu Ngài, nhưng ít người biết rõ về tiểu sử cuộc đời của Ngài lúc tại thế, cũng như khó có lời phản biện những ý kiến không đúng về Ngài. Từ ngày khai Đạo đến nay, Ngài giáng cơ dạy Đạo rất nhiều, nhưng không nhắc lại cuộc đời tại thế của Ngài, duy chỉ một lần vào lễ Giáng sinh năm 1925, Ngài cho một bài thi giới thiệu tóm tắt cuộc đời của Ngài:

"Đường trào hạ thế thưởng Tam quan,
Chẳng vị công danh, chỉ hưởng nhàn,
Ly rượu trăm thi, lời vẫn nhắc.
Tánh Tiên, muôn kiếp, vẫn chưa tàn.
Một bầu phong nguyệt, say ngơ ngáo,
Đầy túi thi văn đổ chứa chan.
Bồng đảo còn mơ khi bút múa,
Tả lòng thế sự vẽ giang san."
Bài thơ cô đọng xác nhận thời điểm Ngài xuống trần đồng thời hàm chứa sự khẳng định những chi tiết được thể hiện qua tiểu sử cuộc đời Ngài còn lưu lại trong nhiều tài liệu sách vở của người Trung Quốc, cho thấy Ngài là một Tiểu Linh Quang đã làm tròn sứ mạng "một ra đi, một trở lại" ngay trong một kiếp làm người.

TIỂU SỬ CỦA ĐẠI THI HÀO LÝ BẠCH

Sinh ra trong một gia đình đại phú thương, cha là người Hán, mẹ là người Tây Vực, thi hào Lý Bạch cất tiếng khóc chào đời nơi quê ngoại ở Toái Diệp thuộc Tây Vực. Lúc sắp sinh Ngài, thân mẫu Ngài mơ thấy đang đứng dưới bầu trời đầy sao, bỗng nghe tiếng vang rền như sấm động, rồi từ phương Đông một ngôi sao sáng rực rỡ rẽ tầng không, nhắm thẳng vào bà lao xuống. Bà nhắm mắt… khi định thần lại, bỗng thấy trong tay một vầng sáng lấp lánh. Rồi có một tiếng nói từ đâu đó vọng lại: Hãy nuốt vầng sáng này… bà làm theo, cảm thấy toàn thân chấn động và bắt đầu trở dạ. Hai ngày sau, bà sinh một con trai. Đó là năm 701.

Ngay lúc Ngài vừa mới lọt lòng, thân phụ Ngài theo tục lệ của người Hoa Hạ, lấy cung gỗ dâu và tên cỏ bồng, bắn đi 4 hướng Đông Tây Nam Bắc để mong con trai về sau sẽ thực hiện được chí nam nhi tang bồng hồ thỉ, đồng thời cũng theo tục lệ của người Đột Quyết, rắc hoa sen xanh quanh giường hài nhi.
Dựa theo điềm chiêm bao nuốt ngôi sao của em gái, cậu Ngài, một người biết thuật chiêm tinh, cho rằng đó chính là vì sao Thái Bạch Kim Tinh, thay mặt cho bà ngoại đặt tên cho Ngài là Lý Bạch, biểu tự Thái Bạch.

Lý Bạch lên ba tuổi, nói rành vừa tiếng Hán của cha, tiếng Phiên của mẹ. Lên 4 tuổi Ngài được cha hướng dẫn đọc được những chữ đơn giản. Từ bé, Ngài đã có ý nghĩ lớn lên sẽ làm kiếm khách để trừng trị bọn ỷ mạnh hiếp yếu.

Lúc Ngài lên 5 tuổi, gia đình Ngài gặp biến cố phải rời khỏi đất Tây Vực, do vua Đột Quyết có ý đồ tách khỏi sự thần phục nhà Đường có từ thời Võ Tắc Thiên Hoàng Đế, hạ mật chỉ cho các trấn tịch biên gia sản và phóng trục thương nhân nhà Hán để lấy tiền nuôi quân đội (vua Đột Quyết là cháu ngoại của vua Đường Thái Tông). Sau mấy tháng trời, đi theo nhánh phụ của con đường tơ lụa hiểm trở với núi cao, sông sâu, rừng rậm, thú dữ, vượt qua ven núi Côn Luân, gia đình Ngài mới tới được xứ Ba Thục, là vùng đất thương nhân thường qua lại. Sau khi ổn định chỗ ở tại làng Thanh Liên, huyện Chương Minh, cha Ngài đã bắt đầu trở lại với những chuyến buôn tới tận Ấn Độ, Ba Tư…và nhanh chóng phục hồi cơ nghiệp, xây dựng dinh cơ nhà cửa, hoa viên…đồ sộ. Ông còn mời họa sư thiết kế xây "một vọng nguyệt lâu" cho cậu con út, mặc dù mới lên 7, làm nơi đọc sách, gảy đàn. Ông muốn cậu con út theo nghiệp thi thư, là nghiệp của tổ tiên được dân tộc ông trọng vọng nhất. Ngài được mẹ dạy đọc sách, viết chữ, cả chữ Hán, lẫn chữ Phiên.

Ba Thục, chính là nước Thục nổi tiếng của Lưu Bị (161-222) thời Tam Quốc (Thục, Ngụy, Ngô) nay là tỉnh Tứ Xuyên, tỉnh đông dân của Trung Quốc, có diện tích hơn nửa triệu cây số vuông. Địa thế hiểm trở, có hình lòng chảo, bốn phía núi non bao bọc. Phía Nam là cao nguyên Vân Nam, phía Đông Bắc tiếp giáp với Thiểm Tây, sừng sững chạy dài từ Bắc xuống Nam là dãy núi Côn Luân làm thành biên giới tự nhiên giữa Hoa Hạ và Tây Vực, phía Đông là rặng Vu Sơn, phía Tây là Thanh Hải, Tây Tạng. Tứ Xuyên ngày xưa là vùng biên cương của Trung Hoa, đất đai khô cằn, đến thế kỷ thứ tư trước công nguyên mới được người Hán đến khai khẩn.

Đây là xứ sở của địa linh nhân kiệt, do khí thiêng sông núi đã un đúc nên những bậc kỳ tài. Tướng quốc nước Tần là Lã Bất Vi khi bị đày vào Ba Thục đã cùng môn khách viết nên bộ "Lã Thị Xuân Thu" quý báu. Ba Thục cũng là quê hương của sử gia nổi tiếng Tư Mã Thiên. Tứ Xuyên cũng được xem là quê hương của thi hào Lý Bạch vì Ngài đã sống tại đây trong suốt quãng đời thơ ấu.

Lên 7 tuổi, Ngài rất siêng học. Một lần, cha mẹ Ngài bắt gặp Ngài lên tầng trên cùng của "Vọng Nguyệt lâu" một mình đứng nhìn lên trời cao thì thầm như thể đang nói chuyện với ai đó. Ngài cho biết là nói chuyện với các vị Tiên để hỏi về những điều Ngài chưa hiểu khi học bài thơ của Khuất Nguyên; và ngay sau đó Ngài cất tiếng đọc bài thơ đầu tiên:

"Nguy lâu cao bách xích
Thủ khả trích tinh thần
Bất cảm cao thanh ngữ
Khủng kinh thiên thượng nhân"

(Vòi vọi lầu trăm thước
tay hái được chùm sao
Không dám nói lớn tiếng
Kinh động Tiên trên cao.)

Từ năm 10 tuổi, Ngài đã thuộc nhiều thơ cổ. Cha Ngài nhờ các khách thương từ vùng Ngô Việt, Kinh Sở mang sách về cho Ngài. Ngài đặc biệt thích sách của Bách gia chư tử, sách của Lão Tử và Trang Tử. Năm 15 tuổi, Ngài bắt đầu học kiếm thuật, và thông thạo kiếm pháp của phái Thanh Thành. Ngài xin với thầy dạy môn kiếm pháp của phái Côn Luân.Vị Thầy cho biết muốn học kiếm pháp phái Côn Luân phải học phép luyện công của Đạo gia và đọc được bộ Bảo Phác Tử của Đông Nghiêm Tử là một bậc đại sư ở Khuông Sơn.

Ngài xin phép cha mẹ đến núi Khuông Sơn ở huyện Giang Du, vùng Xuyên Bắc để tìm Đông Nghiêm Tử để xin thọ giáo. Từ đây, Ngài bắt đầu tu tập đạo hạnh và đạo pháp. Ngài dựng một thảo am ở gần thảo am của thầy. Mỗi người biệt tu một nơi vì Đông Nghiêm Tử cho rằng người học đạo phải tự mình tu tập, lời thầy chỉ là sự khai ngộ ban đầu.

Thấm thoát, đã mấy năm trôi qua, Lý Bạch đã là chàng trai 20 tuổi, siêng năng tu tập, luyện công, luyện kiếm pháp, nghiền ngẫm những pho sách quý. Thỉnh thoảng xuống núi, về nhà lấy thêm vật dụng, lương thực, tuyệt nhiên không đặt chân đến chốn thị thành. Chàng nghiền ngẫm quyển "Đạo Đức Kinh" và "Nam Hoa kinh" và đặc biệt thích quyển "Tọa vong luận" của Tư Mã Thừa Trinh là đạo sĩ nổi tiếng đương thời. Chàng đọc đi đọc lại đến thuộc lòng quyển "Bảo Phác Tử" của Cát Hồng còn được gọi là Cát Tiên Ông.

Trong thời gian ở đây Ngài còn có duyên học được kiếm pháp của phái Tây Vực do Công Tôn Đại Nương là một kiếm sư tinh thông kiếm pháp của cả hai phái Nga Mi và Tây Vực, vì muốn trả thù nhà nên vào làm vũ sư dạy kiếm khí cho đội vũ công của triều đình dưới thời thịnh Đường. Sau khi đã giải quyết mối thù gia tộc, bà trở về đời sống tu hành của một Đạo cô mai danh ẩn tích.

Rồi mẹ Ngài qua đời. Ngài trở về, cất một thảo am bên cạnh mộ phần của mẹ, cư tang ròng rã suốt 3 năm trời. Ngày mãn tang mẹ, Ngài trở về nhà, cùng cha lên Vọng Nguyệt lâu, nhận thanh bảo kiếm của người cậu gởi tặng lúc rời đất Tây Vực và cây bút của mẹ để lại, rồi xin phép cha và thầy Đông Nghiêm Tử lên đường về Trung Nguyên, mong đem sở học của mình giúp đời an dân. Năm ấy Ngài 25 tuổi.

Năm 27 tuổi, Ngài được con trai cố Tướng quốc thời Cao Tông Hoàng Đế gả con gái là Hứa Nhược Liên, một người con gái thông minh, tài đức, sớm thuộc thi thư, lại có tâm muốn việc tu hành, theo Phật đạo, nhưng không dám trái ý cha mẹ, kết duyên cùng chàng Lý Bạch. Hai người trở thành đôi tri kỷ, sống những tháng ngày hạnh phúc tao nhã êm đềm bên hồ Động Đình cảnh đẹp như tranh.

Với biệt danh là "cư sĩ Thanh Liên", Ngài vẫn sống đời tu hành, nhưng thường xuôi ngược hành hiệp cứu giúp những ai lỡ bước. "Chàng đã từng đến viếng thành đô, thăm đền Vũ Hầu thờ Khổng Minh, viếng Bạch Đế thành khóc Lưu Bị, lên núi Thanh Thành đọc sách nhớ Trương Đạo Lăng. Lên núi Nga Mi bên bờ Mân giang ngắm trăng, nghe Thục Tăng Tuấn đàn cầm. Nơi nào chàng đi qua, nơi đó nổi tiếng vì chàng đã để lại dấu ấn với những bài thơ đẹp như sự tạo tác của hóa công…" Ngài vẫn canh cánh bên lòng lời dặn của cha: "Phải lập nên sự nghiệp giúp đời", nhất là trên đường lãng du Ngài đã chứng kiến những cảnh bất công, dân tình khổ sở, nạn quan lại tham nhũng hoành hành. Ngài quyết định từ giã vợ con tìm đến Trường An, mong đem tài năng giúp vua chỉnh đốn triều cương, trị nước. Nhưng rồi khi đến Trường An, nhìn thấy cảnh vua quan đắm chìm trong nhã nhạc ca xang, Ngài không thể dừng chân, lại tiếp tục đi về phương Bắc, tiến ra quan ải với ý định trừ giặc giúp dân:
"Nguyện vung thanh bảo kiếm
Quyết chém giặc Lâu Lan"

Vượt sông Hoàng Hà, đến ải Đồng Quan, định đầu quân dẹp giặc. Vừa đến nơi, Ngài đã kịp cứu tướng tiên phong Quách Hữu Nghi sắp bị hành hình vì tội khinh địch để hao quân, mất kiếm triều đình. Ngài cướp pháp trường, xin thế mạng để cứu tướng. Khi biết được danh tánh "Thanh Liên Lý Thái Bạch", nguyên soái Kha Thư Hàn nguôi dịu cơn giận tha Quách Tử Nghi, vì lúc bấy giờ danh tiếng Lý Bạch về thơ đã lan truyền khắp Trung Quốc, thiên hạ lại biết chàng xuất thân là đạo sĩ và kiếm khách là những giới được trọng vọng, kính nể, khâm phục.

Nhưng rồi một lần nữa nhìn nỗi cơ cực của những người lính trường chinh, những cuộc xung sát đẫm máu khiến cả hai bên đều hao binh tổn tướng. Một chiếc ấn phong hầu có được là bao nhiêu binh sĩ phải phơi thây nơi chiến trường. Ngài cảm thấy sự vô nghĩa trong các cuộc chém giết lẫn nhau giữa con người, nên không còn muốn tham gia nữa, Ngài viết bài thơ "Chiến Thành nam" có những câu:
"Sa trường đâm nhau chết
Ngựa ai ngơ ngác nhìn hí trời…
… Binh lính thây bón cỏ…"
……………………………
Và những câu cuối:
"Mới hay gươm đao là vật gở
Thánh nhân bất dắc dĩ mới dùng…"

Ngài trở về gia đình thì vợ Ngài đã mất bỏ lại 2 con thơ dại. Ngài dẫn con từ biệt vùng quê An Lục với bao nhiêu kỷ niệm, ngược đường lên miền Bắc, ẩn cư trong núi. Thời gian này, Ngài lại nhận được chiếu thư của vua Đường Minh Hoàng cho mời Ngài do Quận Chúa Ngọc Chân, từng là đồng đạo của Ngài tiến cử. Ngài rất vui mừng vì nghĩ rằng đây là dịp để Ngài đem tài giúp vua an bang định quốc.

Cũng nên nói thêm, "Đường Minh Hoàng là một vị Hoàng đế anh minh, đưa đất
nước Trung Hoa đến một thời đại phú cường chưa từng thấy trong lịch sử. Lãnh thổ Đại Đường mênh mông, vượt cả đời Hán. Nền chính trị khai minh, kinh tế phồn thịnh. Con đường tơ lụa từ Trung Quốc thông tận La mã bên bờ Địa Trung Hải, thương nhân Tây Vực đến Trường An tấp nập như hội. Những đàn lạc đà chở bông Á Rập, chà là và bảo ngọc Ba Tư, ngà voi, hồ tiêu Ấn Độ… đổ đến Trường An.
Trường An đầy của báu trong thiên hạ… Văn hóa nghệ thuật cũng phồn vinh chưa từng thấy. Kiến trúc chùa chiền, điêu khắc tôn giáo… điểm tô cho Trường An bao kỳ quan mới. Âm nhạc và vũ đạo Tây Vực theo nghệ nhân vào khắp mọi miền đất nước Trung Quốc. Khắp nơi rộn tiếng đàn ca, dập dìu muôn điệu múa…
Và thơ.., đi vào nếp sống, đi vào lời ăn tiếng nói của mọi nhà. Thơ là không khí của thịnh Đường. (…) Hoàng đế làm thơ, các quan đại thần làm thơ, tăng ni, đạo sĩ làm thơ, đến cả người hái củi, người đánh cá, ca kỹ và trẻ em cũng làm thơ. Trên cái nền rộng lớn ấy, những đỉnh núi thơ cũng mọc liên tiếp(…) trong đó Lý Thái Bạch được coi là Thái Sơn Bắc Đẩu của thi đàn."

Ngài được vua tiếp đón trọng thể, phong chức Hàn Lâm Cung Phụng để làm thơ tô điểm cho cảnh thái bình thạnh trị của Đại Đường. Ngài lại thêm một lần hụt hẫng vì vua không quan tâm đến tài kinh bang tế thế của Ngài. Được vua phong chức mà Ngài cảm thấy bị xúc phạm, chán ngán, uống rượu một mình dưới trăng.

Trong thời gian này, do bởi nhà Đường đắm chìm trong các cuộc vui chơi, lơ là việc triều chính, vua nước Mạc Hiệt ở vùng biên thùy từ trước đến nay vốn thần phục nhà Đường, mới nảy sinh ý định đem quân xâm lấn đất Trung Nguyên. Trước khi xuất quân, vua nước này phái sứ thần đem thư đến triều đình Đại Đường. Thư viết bằng chữ Phiên. Trong triều không ai đọc được, có người nhớ đến Lý Thái Bạch, liền tâu lên vua cho mời Lý Học sĩ. Ngài đến đọc thư, đối đáp với sứ giả bằng tiếng Phiên. Vua truyền Ngài thảo chiếu thư gởi vua Mạc Hiệt. Nhân dịp này, Ngài viện cớ nóng nực, xin vua cho Cao Thái Giám, một tên quan xu nịnh trong triều, cởi giày cho Ngài, rồi Ngài mới thảo chiếu thư. Cao Lực Sĩ tức giận, nhưng không thể làm khác hơn, thề sẽ trả thù. Nhờ tài của Ngài, vua quan Phiên nể phục, bỏ ý định đem quân gây hấn.

Lý Bạch được vua Đường trọng vọng nhưng chỉ được mời vào cung khi vua dự tiệc cùng Dương Quý Phi, để Ngài làm thơ ca tụng những lạc thú cung đình, chứ không được tham gia vào những việc triều chính quan trọng. Nhà vua lại bị đám quan xu nịnh vây quanh. Ngài chán chường xin từ quan. Ngài bộc lộ trong bài Hành lộ nan: muốn giúp vua an bang định quốc, xong rồi trở lại bến Vũ Lăng, ẩn dật chốn lâm tuyền, tức công thành thân thoái. Tiếc rằng công chưa thành. "Nhưng cung đình chẳng phải là nơi cho đại bàng vỗ cánh. Ngài là đạo sĩ. Ngài là hiệp khách. Ngài là thi nhân của trời mây sông núi. Ngài sẽ trở về với sông núi trời mây, với ân tình bằng hữu."

Vua truyền mở quốc khố, ban vàng bạc cho Ngài, Ngài không nhận. Vua tặng cho Ngài một đạo kim bài như là chiếu thư thông hành của vua để Ngài có thể đi bất cứ nơi đâu, đồng thời vua truyền lệnh cho các quan địa phương phải cung ứng cho Ngài những gì Ngài cần. Năm ấy Ngài 44 tuổi.

Trên đường hành hiệp ruổi giong, một lần nọ, Ngài ra tay nghĩa hiệp cứu giúp một người thoát khỏi ám khí của các tên cường đạo, được người này mời về nhà, thì mới biết là hậu duệ kế thừa cơ nghiệp của quan tể tướng dưới thời Võ Hậu. Người này có một người chị gái thành thạo kiếm pháp và thư pháp, tên là Đạo Tĩnh cho biết là đã chờ đợi Ngài suốt cuộc đời. Cảm kích trước tình cảm của bà, Ngài quyết định tục huyền. Hai người ý hợp tâm đầu vì cùng đi một con đường tu hành. Họ là vợ chồng mà như đôi bạn. Ngài lại có người chăm sóc con cái như mẹ ruột. Tuy nhiên niềm vui chưa được bao lâu thì con gái lớn của Ngài mất, làm cho Ngài thêm một lần khổ đau.

Rồi An Lộc Sơn, nghĩa tử của vua Đường làm phản khởi binh, vua phải chạy khỏi hoàng cung, tiếp theo là những cuộc thanh trừng xảy ra trong triều đình, sự tranh giành ngôi báu giữa các vị Hoàng tử dẫn đến đại nạn cho Lý Bạch. Con thứ của vua định đem quân dẹp loạn, cho mời Lý Thái Bạch cùng tham gia, bị Hoàng tử Đông cung khép tội mưu phản giết chết, Ngài bị liên lụy, nhưng được bạn bè can thiệp xin tội nên chỉ bị lãnh án lưu đày biệt xứ. Ngài gởi đứa con trai bệnh tật lại cho người vợ sau nhờ chăm sóc. Tuy nhiên, trên đường đi đày, nửa chừng, Ngài được lệnh đại xá quay về.

Những năm tháng cuối đời, được tin quân triều đình đi dẹp loạn rợ Hồ, Ngài lại tình nguyện lên đường "nguyện làm một kỵ binh, vung gươm diệt rợ Hồ." Nhưng rồi qui luật thời gian của cõi nhị nguyên đã cản bước người kiếm khách. Ngài lâm bệnh. Một buổi tối Ngài mời cả nhà lên thuyền ngắm trăng trên dòng sông Thái Thạch. Ngài nâng chén rượu mời trăng. Vầng trăng soi mình trong chén rượu. Ngài uống vầng trăng, rồi nhún mình nhảy xuống giòng sông.

Sau đó, Ngài bệnh nằm liệt cả tháng ròng. Một buổi chiều, ngài bỗng cất giọng ngâm bài "Lâm Chung ca":
Đại bàng vút bay động tám phương
Giữa Trời gãy cánh sức khôn lường
Dư phong còn chuyển lay vạn thế…"

Rồi Ngài nói:
-"Người đời gọi ta là thi tiên. Ta không nhớ đã viết mấy ngàn bài. Mà cũng như ta chưa viết lời nào. Ta chỉ đọc thơ của Đất Trời cho thế gian nghe."
Và Ngài bỗng đưa tay lên Trời khẽ vẫy:
-"Cá kình đến đón ta đấy ư? Thượng Đế chờ ta về đọc thơ của thế gian cho cõi Trời đươc sự sống của con người."
Đạo Tĩnh, phu nhân của Ngài lúc bấy giờ cảm giác như thi tiên đang đắm mình trong âm thanh của im lặng vĩnh cửu…

Những điều rút ra từ thân thế, cuộc đời của Đại Thi hào Lý Bạch.

Cuộc đời của Ngài cũng bình thường như bao nhiêu con người khác trên thế gian, cũng vẫn là những hạnh phúc mong manh xen lẫn khổ đau của kiếp người; vẫn là chuỗi tiếp nối của sự hợp tan-tan hợp, vốn là qui luật của cõi tạm trần ai. Dù là một bậc đại nguyên căn, Ngài vẫn không tránh khỏi những trắc trở trên bước đường trần thế trong sứ mạng làm người, nhưng Ngài được hưởng phúc, cả đời không phải lao tâm khổ tứ vì chuyện áo cơm. "Đường trào hạ thế thưởng Tam quan,
Chẳng vị công danh, chỉ hưởng nhàn"

Tuy nhiên, sống giữa những điều kiện thuận lợi về vật chất trong khung cảnh hưởng thụ của triều đình, Ngài vẫn tỏ rõ được tính chất "cư trần mà bất nhiễm trần", không hề bị vật chất lôi cuốn làm mê đắm, ngược lại, Ngài vẫn luôn giữ được điểm Đạo tự hữu và thực hiện sứ mạng qui nguyên của một Tiểu Linh Quang qua việc Ngài tầm thầy học đạo, tu theo Lão giáo, tu Tiên ngay từ thuở tuổi còn thanh xuân, cho nên: "Tánh Tiên, muôn kiếp, vẫn chưa tàn."

Về nhân đạo, Ngài là một người con hiếu thảo, ba năm ròng rã thọ tang mẹ, không chút lãng xao. Ngài cũng là một người chồng chung tình. Khi bị đi đày, Ngài không quên xin ghé mộ phần của vợ bên Động Đình Hồ để thắp nén hương tạ lỗi với người vợ quá cố và đốt tặng quyển thơ Ngài đã viết cho bà trong suốt 20 năm. Đối với ân tình bạn hữu, Ngài cũng đã trọn nghĩa tri âm.

Ngài lại là một kiếm khách luôn hành đạo giúp đời. Giúp người tiền bạc, ngay cả hy sinh thân mình để cứu mạng cho người khác. Ngài không chỉ là nhà thơ như người đời đã biết, mà Ngài còn là một vị đạo sĩ, là một trang kiếm khách. Điều này thể hiện rất rõ qua bài thơ "Nga Mi Sơn nguyệt ca", viết về Nga Mi là ngọn núi cao hơn 3000m, nằm ở phía nam tỉnh Tứ Xuyên, cách Thành Đô 160km, với đỉnh cao nhất là Vạn Phật Đỉnh (3.099m). Trên đỉnh núi mây mù bao phủ quanh năm, với vách núi chập chùng cao như dựng ngược. Thác đổ nước trắng xóa xuống những con suối sâu chảy lẫn trong lá. Bài thơ có câu: "Nga Mi cao xuất Tây Cực Thiên, la phù trực dữ thanh minh tế" (Ngọn Nga Mi cao quá trời Tây phương cực lạc. Bao la cây cỏ khoảng trời xanh), mà theo Nguyễn Tường Bách, tác giả quyển Mùi Hương Trầm, "nếu không tới Kim Đỉnh thì không thể nào thấy được "trời xanh" vì xung quanh toàn là vách núi. Lên đó để ngắm trăng, nghe đàn hẳn phải là người có sức của lực sĩ"

"Một bầu phong nguyệt, say ngơ ngáo": phải chăng tâm Ngài đã hòa quyện cùng gió cùng trăng, huyền đồng cùng vũ trụ. Người đời cứ tưởng Ngài say men rượu, nhưng thực ra Ngài đã đạt đến tâm vô phân biệt của người hành giả trên bước đường công phu tu luyện.

"Bồng đảo còn mơ khi bút múa" có phải chăng đó là ý nghĩa của câu nói: "ta chỉ đọc thơ Trời Đất cho thế gian nghe" lúc Ngài sắp rời bỏ nhục thể để trở lại chốn quê xưa và "Thượng Đế chờ ta về đọc thơ của thế gian cho cõi Trời được sự sống của con người" chính là ẩn chứa huyền nghĩa sâu xa của tinh thần "Thiên Nhân hiệp nhứt", nói lên ý nghĩa con người hiện hữu nơi cõi tạm trần ai chỉ là để thay Trời để hữu hình hóa cái vô vi, hoàn thành công cuộc hóa sanh trưởng dưỡng muôn loài của Đấng Tạo Hóa, trong đó, con người là Tiểu Thiên Địa phải làm tròn trách nhiệm phụng sự cuộc đời, dựng xây xã hội trong chí nguyện của một con người đúng nghĩa: "Tả lòng thế sự, vẽ giang san"

Ngài đã trở nên "CON NGƯỜI MUÔN THUỞ MUÔN PHƯƠNG" và đã minh chứng trong Tam Kỳ Phổ Độ với lời dạy: "khêu tỏ lý đồng nguyên và qui nguyên, khai sáng tâm linh, đưa con người lên tầm vóc Đại Đạo, ngước mắt nhìn lên bầu trời to rộng, vượt ra đại dương trời nước bao la, chắp cánh bay bổng khắp bốn phương trời để phục vụ nhân loại, phụng sự Thiên cơ, phụng sự Đại Đạo, làm theo lòng Trời Đất."

Con Người Muôn Thuở Muôn Phương

Theo giáo lý Cao Đài, Con Người Muôn Thuở Muôn Phương, là con người vượt khỏi giới hạn thời gian và không gian, linh hồn trở nên bất tử. Tuy nhiên, chữ "bất tử" có nghĩa tích cực, không giống với quan niệm của người đời. Bất tử là còn sống, còn hiện hữu, còn vận động, chứ không có nghĩa bất tử đơn thuần chỉ là "không chết"

Con Người Muôn Thuở Muôn Phương là một khái niệm đặc biệt trong ĐĐTKPĐ. Mặc dù Thánh ngôn Thánh giáo không đề cập đến khái niệm này một cách trực tiếp, nhưng có thể nói, qua hình thức lập giáo, qua phương cách dạy Đạo của các Đấng Thiêng Liêng từ cõi vô hình, qua con đường tu hành học Đạo mà Đức Cao Đài đã vạch ra, và nhất là qua tôn chỉ và mục đích của ĐĐTKPĐ, ý nghĩa của phạm trù "Con Người Muôn Thuở Muôn Phương" được biết đến không chỉ nhằm minh định sự hằng hữu của các vì Giáo tổ đã từng chứng quả vô sanh độ đời từ mấy ngàn năm trước, mà còn xác quyết sự bất tử linh hồn của những bậc "siêu xuất thế gian" mà tuổi tên đã từng lưu truyền hậu thế như là những bậc vĩ nhân trên đường thế đạo.

Con Người Muôn Thuở Muôn Phương là những con người mà linh hồn đã được bước vào cõi siêu xuất thế gian, huyền đồng cùng Trời Đất, không còn bị lệ thuộc bởi không gian và thời gian, có đủ quyền năng hành đạo giúp đời, độ dẫn chúng sanh. Nói một cách dễ hiểu, đó là những con người đã đắc các quả vị Thần Thánh Tiên Phật.

Đức Chí Tôn khai mở ĐĐTKPĐ, không chỉ một mình Ngài lâm trần mà tất cả chư Phật Tiên Thánh Thần đều cùng theo Ngài đồng hành sứ mạng độ rỗi chúng sanh. Đây là một sự kiện hi hữu chưa từng có trong lịch sử loài người nói chung, lịch sử tôn giáo nói riêng. Như vậy có thể nói, kỷ nguyên Tam Kỳ Phổ Độ là thời điểm gặp gỡ hội tụ của những Con Người Muôn Thuở Muôn Phương để cùng thực hiện sứ mạng dẫn dắt con người bước sang đời Thượng ngươn Thánh đức sau khi bước qua một cuộc sàng sảy vĩ đại gọi là Đại Hội Long Hoa.

Làm thế nào để trở nên Con Người Muôn Thuở Muôn Phương?
Qua thân thế và cuộc đời của Đại thi hào Lý Bạch cũng như các Đấng hiện hữu dạy đạo trong Tam Kỳ Phổ Độ, chúng ta có thể rút ra được bài học thực tiễn: con người tại thế nếu biết giác ngộ tu hành, thực hiện những điều Thiêng Liêng chỉ dạy cũng sẽ trở nên Con Người Muôn Thuở Muôn Phương tức là đắc được quả vị nơi cõi vô sanh vô diệt.

Để trở nên Con Người Muôn Thuở Muôn Phương, điều kiện đầu tiên và căn bản là phải vượt qua được ngưỡng cửa siêu xuất thế gian. Bước qua được ngưỡng cửa đó, chưa hẳn là đã đạt được sự giải thoát, nhưng chắc chắn có cơ hội tiếp tục tu hành để đi đến chỗ trở thành Con Người Muôn Thuở Muôn Phương, cho dù con đường tu hành không có nhiều cơ hội thuận tiện như lúc còn trong kiếp hữu hình. Bởi vì, có những linh hồn đã đắc quả vị ngay sau khi rời bỏ nhục thân nhờ công đức cao dày khi còn tại thế nhưng cũng có trường hợp phải tiếp tục tu hành nơi cõi hư vô mới dần dần tăng tiến đến các phẩm vị của sự giải thoát như từ Đạo sĩ rồi lên Thần, lên Thánh, lên Tiên Nương, rồi Chơn Tiên…

Nhưng làm thế nào để có thể bước qua ngưỡng cửa đó? Có thể trả lời ngay. Đó chính là phải đạt được sự vong ngã để bỏ đi lòng vị kỷ, không còn những tham vọng riêng tư, không còn lòng ích kỷ chỉ nghĩ đến riêng mình. Một người bất tử có thể hiểu là được lưu danh thiên cổ nhưng chưa hẳn trở thành Con Người Muôn Thuở Muôn Phương. Một Tần Thủy Hoàng đã để lại cho nhân loại cả một kỳ tích "Vạn Lý Trường Thành"; cũng như cha ông là Lã Bất Vi đã soạn nên quyển "Lã Thị Xuân Thu" vô cùng quý báu nhưng cả hai người đều không làm nên được Con Người Muôn Thuở Muôn Phương, bởi vì động cơ làm nên những công trình đó là ý đồ nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân, củng cố bảo vệ quyền lực của chính mình. Cũng như rất nhiều nhân vật lịch sử đã được người đời truyền tụng nhắc nhở như một Võ Tắc Thiên Hoàng Đế tài ba đã dựng nên cả một triều đại nhà Đường huy hoàng; một Thành Cát Tư Hãn, vang danh bách chiến, bách thắng, hay những vị Pharaon tạo nên những Kim Tự Tháp của Ai Cập làm gia tài cho nhân loại nhưng linh hồn họ không bất tử. Họ chỉ ghi lại một dấu ấn trên con đường mà họ đã đi qua nơi hữu giới này. Bởi vì những gì họ làm được đều không phải xuất phát từ tinh thần vô ngã, cống hiến cho đời, mà ngược lại, bắt nguồn từ tham vọng riêng tư nhằm phục vụ quyền bính cá nhân, lợi ích của gia đình dòng họ…

KẾT LUẬN:

Trong ĐĐTKPĐ, không chỉ có các vị Giáo Tổ hay các Đấng tu hành đắc quả mới được theo Thầy trong công cuộc tận độ kỳ Ba, rất nhiều các vị Phật Tiên, Thánh mà trước đây được biết đến với tuổi tên lưu truyền như những vị anh hùng dân tộc như Đức Quan Thánh, Đức Thánh Trần, Đức Lê Đại Tiên, Đức Phan Thanh Giản… hay các vị danh nhân văn hóa như Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, Đức Giác Minh Thánh Đức Đoàn Thị Điểm… đều đã hiện diện với tư cách của những Con Người Muôn Thuở Muôn Phương, có đầy đủ quyền năng giúp Thầy trong công cuộc tận độ, chuyển đời hạ ngươn sang thánh đức.

Lẽ tất nhiên, chúng ta không thể nào hiểu hết được lẽ huyền nhiệm bí mật của vũ trụ nhưng dưới cái nhìn còn vô minh thiển cận hữu hạn, có thể kết luận nếu con người đã hoàn thành được sứ mạng lập đời và đã bỏ lại thế gian tất cả những tham cầu ham muốn vị kỷ, thì chắc chắn sẽ bước qua được ngưỡng cửa siêu xuất thế gian để tiếp tục vượt lên những nấc thang cao hơn trên đường tiến hóa và sẽ trở nên những Con Người Muôn Thuở Muôn Phương bất biến trường tồn cùng vũ trụ.
 
Hồng Phúc

Mong sao em mến hiểu lòng này,
Sắp xếp gia đình cho khéo tay,
Dành để ngày giờ hành đạo sự,
Tô bồi âm chất mới là hay.

Đức Vân Hương Thánh Mẫu, Chơn Lý Đàn, 26-01 Quý Sửu, 28-02-1973

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây