Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Khái niệm "Tôn giáo" đã được tranh cãi rất nhiều và vẫn chưa đi đến một kết luận, dù hiện ...
-
Ngày nay trên thế giới, hầu hết các nhà khoa học của các ngành Khoa Học Nhân Văn như Lịch ...
-
Thanh An Tự là tên ngôi chùa của đàn Minh Thiện. Tọa lạc trên đường Hùng Vương, thị xã Thủ ...
-
Lịch sử đạo Cao Đài cho thấy đức tin Cao Đài, từ lúc chưa nảy sinh đến lúc lập thành ...
-
Một đoàn các nhà leo núi gồm nhiều tín ngưỡng khác nhau đã tổ chức leo núi vì hòa bình. Đỉnh ...
-
Chữ tu /
Đạo ở trong người chẳng phải xa, Đừng đi tìm kiếm khắp ta bà, Tâm linh lúc ẩn khi bày hiện, Mặc mặc ...
-
Đức Lý Đại Tiên Trưởng Thái Bạch Kim Tinh, Nhứt Trấn Oai Nghiên, hiện kiêm chức Giáo Tông Vô Vi ...
-
Hôm nay, theo vận số của một năm là thời điểm Hạ nguơn. Thời điểm này được chọn làm ngày ...
-
Victor L. Oliver cho rằng đạo Cao Đài chịu ảnh hưởng của ba nền văn hóa: văn hóa Trung Quốc; ...
-
" Nền Đạo lập nên là nhờ có lòng đạo đức và tánh khiêm cung của mỗi môn đệ của ...
-
Đề tài : Đề cao tình thương và lòng mến đạo Thánh Thất Bình Hòa, Tuất thời rằm tháng 9 Đinh ...
-
Các nhà khoa học, nhân chủng học cũng như các tôn giáo đều công nhận CON NGƯỜI là một sinh ...
Hồng Phúc
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009
Quẻ Trạch Lôi Tùy
Dịch, quẻ Trạch Lôi Tùy gồm quẻ Đoài chồng lên quẻ Chấn, tượng hình sấm động dưới đầm với ý nghĩa thuận theo, nương theo, thể hiện sự hạ mình để giúp cho cuộc đời trở nên đẹp đẽ, vui tươi. Do đó, quẻ Tùy còn được gọi là đạo Tùy, được xem là đạo trị thế của Khổng giáo.
__ __
_____
_____
__ __
__ __
_____
Ở quẻ Tùy, trong phần Soán từ, ta gặp lại bốn đức căn bản của hai quẻ đầu mối Kiền và Khôn (còn được gọi là đạo Trời Đất) là Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh, nhưng có thêm ""vô cữu"". Nguyên Hanh Lợi Trinh vốn dĩ là bốn đức lớn của Trời Đất, thì làm gì có lỗi, mà Thánh nhân phải nhắc ""không lỗi""? Vậy phải hiểu Soán từ của quẻ Tùy: ""Tùy, Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Vô cữu"" là "" thuận theo Nguyên Hanh Lợi Trinh thì không có lỗi"". Đó là lời Đức Vạn Hạnh: ""Thuận theo thiên lý khoẻ muôn đời"". ""Khỏe muôn đời"" là nhờ không có lỗi, nên không bị luân hồi sanh tử.
Như vậy, phải chăng đây là lời dặn dò đầu tiên dành cho con người khi xuống thế gian, nếu không muốn sa vào lục đạo luân hồi thì phải thuận tùng thiên lý, tức giữ cho được bốn đức lớn của Trời Đất là Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh.
Con người học theo đạo Kiền, luôn cương kiện ""dĩ tự cường bất tức"" để không bị phàm hóa, học theo đức Khôn để ""dĩ hậu đức tải vật"", chở đỡ muôn loài. Đó chính là sứ mạng vi nhân, sứ mạng cao cả Trời đặt để cho con người khi xuống thế gian:xây dựng cuộc sống nhân sinh,phụng sự thiên cơ, phụng sự Đại Đạo, làm theo lòng Trời Đất.
Trong phần Soán truyện quẻ Tùy: ""Soán viết: Tùy cương lai nhi há nhu, động nhi duyệt, tùy, đại hanh, trinh, vô cữu. Nhi thiên hạ tùy thì. Tùy thì chi nghĩa đại hỉ tai.""
Con người là Tiểu Linh Quang được chiết ra từ ngôi Thái Cực Đại Linh Quang trọn lành trọn tốt, để bước vào thế giới hữu hình với sứ mạng tiếp nối công cuộc lập đời của Đấng Tạo Hóa,trong trách nhiệm: ""tài thành Thiên Địa chi đạo, phụ tướng Thiên Địa chi nghi"", tức thêm bớt, bồi đắp để tạo dựng một cuộc sống nơi cõi thế gian hạnh phúc, vui vẻ ""động nhi duyệt"", thay Trời làm đẹp cõi đời trong ý nghĩa ""nhi thiên hạ tùy thì"" để làm tròn sứ mạng của Tài Nhân, thì sẽ không lỗi.
""Tùy cương lai nhi há nhu"": Tiểu Linh Quang chính là điểm dương cương kiện đến (lai) cõi hồng trần và phải (tùy thì) mặc vào chiếc áo phàm phu tục tử (há nhu) để hòa vào đời sống thế gian, học hỏi cho linh hồn tiến hóa trở lại cõi thượng thiên như lời Thánh giáo:
Một sứ mạng Trời dành hai ngõ,
Một ra đi, một trở lại Thầy.
""Tùy thì chi nghĩa đại hỉ tai"" Ý nghĩa to lớn của việc tùy thời này đã được Ơn Trên diễn giải trong Tam kỳ phổ độ khi giáng cơ dạy quẻ Tùy: ""Dĩ tánh cầu tình. Dĩ tình quy tánh"".
""Dĩ tánh cầu tình"" chính là ""cương lai nhi há nhu"" trong quẻ Tùy, là ""Một ra đi"" và ""Dĩ tình quy tánh"" là con đường phản bổn hoàn nguyên ""Một trở lại Thầy"".
Tánh là Dương. Tình là Âm. Tánh là Thần, là linh hồn. Tình là Khí, là xác thân. Hai yếu tố cần thiết để con người luyện Đạo, thoát vòng sanh tử.
Người Quân tử học đạo Tùy phải biết ""hướng hối nhập yến tức"", nghĩa là ngày làm việc giúp đời. Đêm thì yên nghỉ. Hiểu rộng ra là quay về với chính mình, tìm trong sự thanh tịnh một sự quán xét thân tâm để tránh gây điều lầm lỗi, vì con người đang sống nơi trần gian, dù muốn dù không cũng phải mặc vào chiếc áo vô minh của cõi tạm làm che lấp yếng sáng cương kiện Tiểu Linh quang như lời dạy của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư: ""Khi điểm linh quang đã mang vào lớp áo tứ đại này, khác chi bức màn vô minh bao trùm ánh sáng bất diệt (…) Có học Đạo, hiểu Đạo, tìm được mấu chốt là cái chìa khóa, mới có thể mở lần những bức màn vô minh ấy. Lúc bấy giờ sẽ thấy được mình với Trời là một.""
Chính vì sự vô minh che phủ, Tiểu Linh Quang không thể khơi sáng, nhắc nhở con người nhận chân đâu là con đường tiến hóa, đâu là đích điểm phải vươn đến. Do vậy, người Quân tử là người học Đạo, hiểu Đạo, phải có thời gian lắng lòng thanh tịnh. Quay về nội tâm, gạn đục lóng trong, vén khoát bức màn vô minh vì Đức Vạn Hạnh cũng không quên nhắc nhở: Bức màn vô minh ấy cấu tạo bởi nhiều chất như ""nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý, hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, cụ, tham, sân, si. Ngoài ra còn có danh lợi tình tiền tài là những phần đáng kể phủ lấp thêm dày lên bức màn vô minh ấy.""
Để làm cho được sứ mạng vi nhân nơi cõi trần ai mà không bị mất đi ánh sáng Tiểu Linh Quang, con người phải biết hành xử theo đúng thời tức là có khi phải hướng ngoại để phụng sự cuộc sống nhân sinh xã hội, để gây nền công quả, nhưng cũng không quên phần hướng nội cần thiết như là giấc ngủ đêm của con người cõi tục hầu phục hồi sinh lực để ngày mai lại tiếp tục làm việc nuôi sống bản thân, gia đình và đáp đền tứ ân trọng đại. Sự hướng nội chính là phần công phu, luyện kỹ để giữ cho chính bền bốn đức Nguyên Hanh Lợi Trinh của Trời ban phát. Được như vậy, con người sẽ không lo gì va vấp nghiệp quả để phải chịu cảnh luân hồi sanh tử mà sẽ hoàn thành sứ mạng để trở về nơi cõi thượng thiên..
Trong ý nghĩa đó, hào sơ cửu tượng trưng cho điểm Tiểu Linh Quang rời khỏi cửa Trời, hạ mình (dưới hai hào âm) dấn thân xuống cõi ta bà để xây dựng cuộc sống nhân sinh trong tinh thần hòa quang hỗn tục.
Rồi nơi cõi trần trọng trược, điểm Tiểu Linh Quang mặc vào chiếc áo phàm phu ô nhiễm, tạo thành một phàm ngã với đủ đầy thói hư tật xấu nên đành ""hệ tiểu tử, thất trượng phu"" nơi hào Lục nhị.
Tuy nhiên do bản chất con người vốn xuất sinh từ khối Đại Linh Quang toàn thiện, uyên nguyên, cho nên vẫn chứa mầm Thiên tính ""cùng với Thầy đồng thể Linh quang"", nên vẫn có những lúc vươn lên khỏi những thấp hèn, trực diện được chơn tâm thanh cao, tinh khiết của một bực trượng phu trung chánh nơi hào Lục tam: ""hệ trượng phu, thất tiểu tử"".
Sang hào Cửu tứ là bước khởi đầu cho cuộc hành trình quay về bến khởi nguyên trong tình trạng dù phải dung chứa cả điều tốt lẫn điều xấu của bản thân (Tùy hữu hoạch trinh hung), nhưng với lòng tín thành để tìm Đạo, một lòng quyết hướng về chân lý rồi thì làm sao lỗi. Từ đó, con người sẽ giữ trọn lòng thành tín để đạt được sự tốt đẹp nơi ngôi vị trung chánh của một con người đúng nghĩa, thể hiện nơi hào Cửu ngũ (Phu vu gia, cát, vị chánh trung dã) để cuối cùng giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc của cõi thế gian tức là đạt Đạo, là giai đoạn tốt nhất của thời Tùy ở hào Thượng lục (Vương dụng hanh vu Tây Sơn).
Tóm lại, quẻ Tùy là toàn cảnh bức tranh nhân sinh của một Tiểu Linh Quang từ lúc bước vào cõi thế gian cho đến khi giác ngộ và kết thúc cuộc hành trình nơi bến giác. Qua đó, con người thấy được trách nhiệm làm người nơi cõi hữu hình, giúp đời xây dựng một cuộc sống phù hợp đạo lý, tìm ra chân giá trị đích thực của hạnh phúc cho dù vẫn phải đón nhận cuộc đời trong ý nghĩa xấu xa, trần trược, bể khổ, sông mê.
Ý nghĩa lớn của quẻ Tùy là con người sống giữa cuộc đời nhưng phải luôn giữ mình, không để lợi danh vật chất lôi cuốn, phải sáng suốt và trọn lòng thành tín để làm chủ chính mình, thoát khỏi những quy luật của cõi hậu thiên để cuối cùng đạt đến chỗ hanh thông vĩnh cửu là đắc Đạo.