Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy: "Bần Đạo bảo chư Thiên ân đệ muội hãy ý thức về Tâm ...
-
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Cao Đài giáo-cơ phổ độ đã hiện diện trên Nam bang Thánh địa ...
-
Chữ tu /
Đạo ở trong người chẳng phải xa, Đừng đi tìm kiếm khắp ta bà, Tâm linh lúc ẩn khi bày hiện, Mặc mặc ...
-
Đức Quán Thế Âm Bồ Tát dạy tại Tây thành Thánh thất Cần Thơ vào lúcTý thời 12.3.Kỷ Dậu (28.4.1969)
-
Ca dao Việt Nam có câu: “Tu đâu cho bằng tu nhà; Thờ cha kính mẹ mới là chơn tu.” Kinh Tứ ...
-
Thái tử Charles gắn huân chương MBE cho ông Vũ Khánh Thành vào ngày 26-5 tại điện Buckingham Hôm 26-5, ...
-
TỪ BẢN THỂ ĐẠI ĐỒNG DÂN TỘC đến TÍNH DÂN TỘC CỦA ĐẠO CAO ĐÀI Mỗi dân tộc trên thế ...
-
Đoàn Thị Điểm hiệu Hồng Hà Nữ Sĩ, biệt hiệu Bang Tang, quê làng Hiếu Phạm (còn gọi Giai Phạm ...
-
Nói đến Cao Đài, chúng ta thường nghĩ đến đạo Cao Đài. Nói đến vũ trụ, chúng ta thường nghĩ ...
-
Các núi linh thiêng của Trung Quốc được chia thành hai nhóm gắn liền chủ yếu với Lão giáo và ...
-
Hôm nay chúng ta qui tụ về đây tham dự lễ kỷ niệm ngày tái thiết Vĩnh Nguyên Tự cùng ...
-
"Thật sự thì tự ngàn xưa, bên cõi trời Đông, bên bờ sông Lạc Việt, bên lịch sử Tiên Rồng ...
Thiện Hạnh
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 26/04/2011
Gầy dựng lại ngôi nhà lịch sử
(1973-2011)
Ngài Thái Lão Sư Lê Đạo Long, thế danh Lê Văn Tiểng (1843-1913) sáng lập Vĩnh Nguyên Tự năm Mậu Thân (1908) tại làng Long An, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An). Đây là một ngôi chùa Phật thuộc chi Minh Đường, có bề dầy lịch sử đến nay là 103 năm. Cuộc đời tu hành hoằng pháp lợi sanh theo Phật đạo Minh Sư của Ngài đã viên mãn, Ngài chứng đắc đạo quả là Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn. Trong một lần giáng điển, Ngài đã xác nhận mục đích của việc tạo tác Vĩnh Nguyên Tự hồi còn sinh tiền:
"Ngày xưa, Vĩnh Nguyên Tự được thiết lập vì hai lý do: Một là, Thiên cơ dĩ định. Sứ mạng của Vĩnh Nguyên Tự là nơi qui tụ Thập Nhị Khai Thiên để gầy dựng giềng mối Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Hai là, truyền thống đạo đức. Vì trong đời Lão đã là người lập thân hành đạo nên tạo cơ sở ấy để nguồn đạo đức mãi mãi lưu truyền cho hậu thế, trước nhất là truyền thống tử tôn"
.
Ngài cũng đã có dịp minh giải thêm lý do thứ nhứt của việc xây dựng ngôi chùa Vĩnh Nguyên trong bước đường sơ khai của đạo Cao Đài:
"Xưa kia, Lão lập Vĩnh Nguyên Tự để tu niệm và gầy dựng một số hành trang dành để chờ đợi đoàn người sứ mạng Tam kỳ Phổ độ tạm dừng chân lãnh số hành trang ấy làm vốn liếng đi trên quãng đường gay go khó khăn giữa thời mạt pháp, ngõ hầu hoàn thành sứ mạng đã thọ lãnh chốn Thiên cung.
Ngôi cổ tự Vĩnh Nguyên theo thời gian bị hư hoại bởi định luật thành trụ hoại diệt. Nhằm “giữ di tích ấy cho khỏi đứt quãng dòng lịch sử trong Đại Đạo”, Ơn Trên ban ơn tái thiết Vĩnh Nguyên Tự.
Nay giai đoạn của Lão đã xong, đoàn người sứ mạng cũng đã trở về trên cảnh cũ, còn lại đây, nếu muốn giữ di tích ấy cho khỏi đứt quãng dòng lịch sử trong Đại Đạo thì cứ giữ, bằng không cũng sẽ như các sự vật trên đời này, luân chuyển theo thời gian chìm sâu trong quá khứ đó thôi.
1. Vĩnh Nguyên Tự trong tiến trình hình thành trụ tướng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay đạo Cao Đài được chính Đức Thượng Đế Chí Tôn khai minh tại Việt Nam vào thập niên 20 của thế kỷ trước. Nền trụ tướng của Đại Đạo hay Thánh thể của Đức Chí Tôn tại thế gian trước khi hình thành Tòa Thánh Tây Ninh đã nối tiếp nhau qua bốn thánh tích quan trọng lần lượt là: Dương Đông (Phú Quốc), Vĩnh Nguyên Tự (Long An), Thánh thất Cầu Kho (hiện nay là Nam Thành Thánh Thất) và Thiền Lâm Tự (Gò Kén). Mỗi một di tích lịch sử đều gắn liền một sứ mạng đặc thù quan trọng của cơ lập giáo. Đức Đông Phương Chưởng Quản đã minh giải ý nghĩa của từng di tích lịch sử như sau:
"Chí Tôn đã dùng một di tích đầu tiên nơi Dương Đông Phú Quốc và đã truyền giao cho Ngô Văn Chiêu nhận lãnh dấu hiệu Thiên Nhãn để làm biểu tượng thờ phượng trong đạo Cao Đài từ ấy đến nay.
Di tích thứ hai là Vĩnh Nguyên Tự. Chí Tôn đã dùng nơi này thâu nhận những sứ đồ trung kiên làm nòng cốt ban phong Thiên sắc để nhận lãnh công việc khai đạo truyền bá giáo lý trong Tam kỳ Phổ độ. Nơi đây đã là nơi Chí Tôn lập các kinh điển luật pháp đạo trong buổi sơ khai.
Di tích thứ ba là Thánh thất Cầu Kho mà hôm nay biến thành Nam Thành Thánh thất. Chí Tôn đã dùng nơi này Khai tịch Đạo với nhà đương cuộc lúc bấy giờ.
Di tích thứ tư là nơi Thiền tự tại Gò Kén. Chí Tôn đã dùng nơi này Khai Minh Đại Đạo trước quốc dân bá tánh.
Mỗi một chỗ đều có một sứ mạng, tuy riêng nhưng chung qui nó là những mắt dây xích đều có móc nối nhau để đến ngày thành tựu là Tòa Thánh Tây Ninh rồi tuần tự các nơi khác, như cây đã mọc lên, đâm tược nảy chồi đơm hoa kết quả cho nhơn sanh đồng thọ hưởng.
Bần Đạo nói như vậy để chư hiền ý thức về tiến trình của ngày sơ khai Đại Đạo."
Chính tại Vĩnh Nguyên Tự, Đức Chí Tôn đã ban Thiên phong cho quí vị chức sắc Tiền Khai để chuẩn bị cho công cuộc Khai minh Đại Đạo ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần (1926). Thầy còn dạy Ngài Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt chọn kinh nhựt tụng cho đạo Cao Đài. Ngoài ra, Đức Chí Tôn còn hướng dẫn chư vị Tiền Khai soạn thảo Tân Luật. Cũng chính tại ngôi cổ tự nầy, nhân kỷ niệm ngày đăng tiên của Ngài Thái Lão Sư Lê Đạo Long, Đức Chí Tôn cũng đã nhắc lại sự kiện lịch sử buổi đầu của đạo Cao Đài tại Vĩnh Nguyên Tự.
Trước kia, tại nơi này, Thầy vận chuyển cho Trung, Lịch, Cư, Tắc đến nơi này để luận bàn hoạch định cùng nhận lãnh thi hành một sứ mạng mà Thầy đã phó giao. Đó là sứ mạng khai minh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, lập thành trụ tướng cùng những kinh điển, quyền pháp đạo luật để hoằng dương chánh pháp phổ độ nhơn sanh. Thầy đã vận chuyển các nguyên căn đến hợp tác cùng các anh con để thay Thầy cầm giềng mối Đạo, lập cơ hữu hình tại thế gian.
Mặt khác, cơ sinh hóa và vận hành càn khôn thế giới dựa vào lý “Thái Cực – Âm Dương”. Kinh Đại Thừa Chơn Giáo dạy: Cái lý Thái Cực là lý đơn nhứt, cầm quyền sanh hóa thống chưởng càn khôn. Âm dương là cái phép nhiệm mầu, sâu kín thiên cơ. Có câu: “Nhứt âm nhứt dương chi vị Đạo”. Âm dương hiệp nhứt thì phát khởi càn khôn. Từ Thái Cực biến sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng sanh Bát Quái. Đó chính là “một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật”. Tương tự, Ơn Trên đã khải thị rằng sự thị hiện Thiên nhãn tại Phú Quốc tượng trưng cho Ngôi Thái Cực, còn Vĩnh Nguyên Tự chính là Lưỡng Nghi. Nơi đây, Đức Chí Tôn đã sắc phong hai vị Đầu sư đầu tiên của đạo Cao Đài đó là ngài Lê Văn Trung và ngài Lê Văn Lịch với đạo danh đặc biệt là Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt. Chính vì vậy vai trò của Vĩnh Nguyên Tự trong đại cuộc Khai minh Đại Đạo cứu độ chúng sanh vô cùng hệ trọng.
"Ngô Văn Chiêu là một anh cả trong Thập Nhị Tông Đồ đầu tiên. Ngô Văn Chiêu đã kiến nhận và tiếp lãnh dấu hiệu Thiên Nhãn. Nói về lý số, Thiên Nhãn là con số 1, tượng trưng cho Ngôi Thái Cực.
Kế đến lập thành lưỡng nghi nơi Vĩnh Nguyên Tự. Đó là Nhựt Nguyệt Âm Dương. Từ Thái Cực biến Lưỡng Nghi trở thành cái pháp sanh hóa muôn loài vạn vật mà cái pháp ấy Hộ Pháp đã tượng trưng."
2. Công cuộc tái thiết Vĩnh Nguyên Tự
Việc tu bổ, tôn tạo các hội thánh, thánh thất, thánh tịnh là lẽ đương nhiên thường tình, vì vật chất hữu hình thì hữu hoại theo thời gian. Cho nên, việc trùng tu thánh thể của Đức Chí Tôn tại trần gian là cần thiết nếu bổn đạo sở tại có đủ điều kiện vật lực cũng như tài lực. Có như thế thì con người mới bảo tồn và phát huy được cơ đạo, mới làm sáng danh Thầy danh Đạo. Song trước nhứt, việc tái thiết các di tích ban sơ của đạo Cao Đài nói chung, Vĩnh Nguyên Tự nói riêng thuộc về trách nhiệm của toàn Đạo, chứ không do một hội thánh, hay thánh thất nào đảm trách. Bởi vì đây là công trình có trước khi phân chia chi phái.
"Hỡi các con! Đừng đứa nào mãi lo riêng tư cho chùa thất mình, cho chi phái mình, mà đành quên một điều căn bản, đó là tu bổ tái thiết trước nhứt những di tích lịch sử khai Đạo. Trên danh nghĩa, những di tích đó chưa từng nhuộm màu sắc chi phái và cũng chưa từng bị lem ố bởi danh từ chia rẽ phái chi. Các con muốn tạo điều kiện cho cơ quy nguyên thống nhứt Đạo mà quên đến yếu tố ấy là một điều rất thiếu sót vậy.
Trong tương lai, rồi đây các Thánh thất, Thánh đường sẽ được tuần tự tu bổ lại để kiện toàn Thánh thể Chí Tôn, và cũng là việc tạo điều kiện làm sáng danh Đạo."
Công cuộc tái thiết Vĩnh Nguyên Tự có vài cột mốc thời gian đáng ghi nhớ: Đức Chí Tôn ban hồng ân tái thiết Vĩnh Nguyên Tự, Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy chi tiết việc động thổ, và Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy chương trình lễ an vị khánh thành Vĩnh Nguyên Tự.
Đức Chí Tôn ban hồng ân tái thiết Vĩnh Nguyên Tự
Nhân dịp lễ kỷ niệm đăng tiên của Ngài Thái Lão Sư Lê Đạo Long (ấn chứng đạo quả là Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn) ngày mùng 3 tháng 12 năm Canh Tuất (30-12-1970) tại Vĩnh Nguyên Tự, Đức Chí Tôn đã ban bố hồng ân cho công cuộc tái thiết Vĩnh Nguyên Tự với sự phò trì của Ban đốc công vô vi nơi cõi vô hình.
"Giờ này, Thầy chan rưới hồng ân cho các con lớn nhỏ, và hãy khuyên nhắn cho nhau, hãy cùng chung tâm góp sức trong mọi mặt để giúp đỡ các em con sở tại sớm hoàn thành công cuộc tái thiết ngôi Vĩnh Nguyên Tự này. Nếu có các con nào tự nguyện xin ghi tên góp phần vào công quả ấy, Thầy sẽ cho một ban đốc công vô vi đến giúp sức các con."
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy chi tiết việc động thổ
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn đã dùng thuật phong thủy sử dụng nguyên lý âm dương ngũ hành để Vĩnh Nguyên Tự hấp thu được linh khí trọn vẹn của Trời đất ngõ hầu đạt được hiệu quả cao nhất trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh, miên viễn trường tồn. Ngài dạy rằng: “một việc làm huyền bí nhưng không huyền bí” và con người cũng có thể “giải mã” được sự huyền bí nầy bằng cách “ráng tu học sẽ hiểu”. Thời điểm tiến hành các nghi thức động thổ là giờ Tý ngày 10 tháng 8 năm Canh Tuất (10-9-1970).
"Đã mấy lần qua, Đức Giáo Tông đã dạy ngày giờ đặt viên đá đầu tiên và đào móng. Đến thứ Ba tới đây là thành tựu. Thứ Ba này, chính Bạch Lương Ngọc, Bạch Tuyết, hai cháu phải sắm sanh lễ vật, đặt bàn ngay trung tim nền vào Tý thời đêm mùng 10 tháng 8 để cầu nguyện lễ bái Thiêng Liêng, và dùng hai cái bồn, một đựng đất, một đựng nước. Hai món này phải được lấy ở hướng Bắc nơi ao trước chánh môn. Lưu ý: lấy đất nước để sẵn, nhắm đã đúng vị trí trung tim rồi, hai cháu, nam tả nữ hữu, đào hai cái lổ cho hai bên, bề sâu 3 tấc 6 phân, bề trực kính 5 tấc. Xong rồi, nam thủy, nữ thổ, đồng đổ xuống lổ hai cái bồn ấy. Đoạn bỏ lên 5 hột gạo và chút xíu muối, khỏa bằng lại. Kế làm lễ tạ ơn Thiêng Liêng là xong. Còn đất đào lên thì để vào một cái bồn khác, sau cùng đem trả lại chỗ đã lấy đất cho sự mất mát nơi vị trí mà mình đã chọn. Một việc làm huyền bí nhưng không huyền bí, các cháu ráng tu học sẽ hiểu."
Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy chương trình lễ an vị khánh thành
Công cuộc tái thiết Vĩnh Nguyên Tự được thực hiện khoảng hai năm rưỡi. Cho đến thời điểm trước ngày rằm tháng 3 năm Quí Sửu (1973) có một vài hạng mục vẫn chưa hoàn thành. Tuy nhiên, Đức Chí Tôn vẫn ban ơn cho tiến hành lễ an vị khánh thành tái thiết Vĩnh Nguyên Tự vào ngày 13 tháng 3 năm Quí Sửu (15-4-1973). Bởi lẽ, nếu đợi tất cả mọi phần việc thực hiện xong mới tiến hành lễ lạc thành thì sẽ trễ đi một năm, tức là guồng máy thiên cơ thực hiện cơ cứu thế kỳ Ba phải trễ tràng hơn nữa.
Thượng Đế đã chọn ngày an vị khánh thành sắp tới đây để các sứ đồ con cái của Ngài ôn nhớ lại kỷ niệm thời kỳ khai nguyên lập đạo. Vì tác dụng, nhu cầu cho việc truyền bá đạo pháp cứu độ quần sanh, chi nên ngày 13 tới đây, nếu vì lý do các cơ sở tả hữu tiền hậu phụ thuộc chưa kịp dựng nên hình, rồi đình hoãn lại, ắt phải trễ thêm một niên kỳ nữa, là ngày 13 tháng 3 năm Giáp Dần, e sẽ lỡ hết các cơ hội. Thế nên, trong phạm vi hiện hữu với khả năng cố gắng tối đa của nhơn sanh chỉ tới chừng ấy, Chí Tôn vẫn cho phép hành lễ trong năm này để kịp thời sử dụng trong công cuộc cứu rỗi."
Do tầm mức quan trọng của Vĩnh Nguyên Tự là di tích lịch sử thứ hai của Đại Đạo, Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy tổ chức lễ an vị khánh thành tái thiết Vĩnh Nguyên Tự trong ba ngày 13, 14 và rằm tháng 3 năm Quí Sửu (15,16 và 17-4-1973).
"Cuộc lễ có thể bao trùm liên tiếp trong 3 ngày, 13, 14 và Rằm tháng 3. Nhưng 3 ngày ấy có ba đặc tính khác nhau. Quan khách chỉ đến dự đông nhứt vào ngày Rằm là cuộc lễ kết thúc. Như vậy, ba ngày ấy có ba đặc tính như sau:
Ngày 13: Cung nghinh an vị các bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ, cùng Linh vị của Đại Đạo Tiền Khai Tôn Linh Liệt Vị, phía hậu của chánh điện như đã được dạy.
Ngày 14: Lễ Thượng Phướn và cung nghinh Thánh Tượng Thiên Nhãn an vị nơi chánh điện.
Ngày Rằm: Tiếp rước quan khách các giới cũng như chánh quyền đến dự lễ cắt băng khai mạc, diễn văn, cảm tưởng, v.v…
Riêng trong ngày 14 có bài diễn văn thành quả của Chánh Hội Trưởng địa phương phúc trình các chi tiết về việc tái thiết.
Riêng ngày Rằm phải có bài diễn văn nói về tiểu sử ngôi Vĩnh Nguyên Tự, song song với các tiến trình mà Chí Tôn Thượng Phụ khai đạo xuyên qua các di tích vừa kể trên.
Trong thời gian tam nhựt ấy, trọn tứ thời ngày đầu sẽ có các thời tụng kinh liên tiếp chuông mõ cùng dọng u minh để đánh thức sinh khí thổ địa cùng côn trùng thảo mộc nơi sở tại để biến luồng sinh khí nơi này từ lạnh tẻ hoang vu hắc ám trở nên ấm áp thanh quang sống động ăn nhịp cùng ánh thiên quang của cuộc lễ.
Về Hiệp Thiên Đài sẽ được hành sự hai đàn cơ giờ Tuất đêm 13 và giờ Tuất đêm 14."
Việc rút băng khánh thành buổi lễ có đại diện của Tứ giáo là Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo và Thiên Chúa giáo. Điều nầy minh chứng đặc tính dung hòa giữa các tôn giáo của đạo Cao Đài, đồng thời đánh dấu sứ mạng qui nguyên từ Tam giáo đạo (trong đó bao gồm Thiên Chúa giáo) trở về nguồn gốc Đại Đạo.
"Nên làm băng thắt thành hoa có 8 cánh, nhưng phía dưới thòng ra 4 mối. Bốn mối đó dành cho đại diện Tứ giáo xu hướng tín ngưỡng: một là Phật giáo, có vị Thượng Tọa; hai là Tiên giáo, Đạo giáo, Lão giáo cũng thế, có thể mối này do Tổng Lý Minh Đạo rút; mối khác nữa đại diện Khổng giáo, mối chót do đại diện Thiên Chúa Ki Tô rút. "
Vĩnh Nguyên Tự là chùa Phật nhưng đến khi chuyển sang giai đoạn Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, danh xưng được giữ nguyên như xưa nhằm bảo tồn dấu ấn lịch sử; tuy nhiên nghi thức thờ phượng và pháp môn tu hành được thực hiện theo Tân pháp Cao Đài.
Ngôi chùa Phật thờ theo nghi tiết trong Đại Đạo, đại diện các tôn giáo đến rút băng khánh thành. Người tín hữu Minh Sư đọc kinh Cao Đài và lập đàn cơ thỉnh Tam Giáo Tổ Sư dạy Đạo đến khi qui liễu đắc vị Thần Thánh Tiên Phật. Những cái dị biệt về hình tướng danh từ còn có nghĩa gì trước cái lý đơn thuần tự nó không giới hạn, không phân ranh.
Ý nghĩa đạo học ngày 13 tháng 3 Âm lịch
Đức Chí Tôn chọn ngày 13 tháng 3 năm Quí Sửu để tổ chức lễ an vị khánh thành Vĩnh Nguyên Tự do ngày nầy mang ý nghĩa đạo học rất mầu nhiệm. Ngài Ngô Văn Chiêu tiếp nhận Thiên Nhãn tại Phú Quốc ngày 13-3 năm Tân Dậu (20-4-1921). Đức Chí Tôn ban Đại thiên phong cho tam vị là Lê Văn Trung, Lê Văn Lịch và Phạm Công Tắc ngày 13-3 năm Bính Dần (24-4-1926). Ngài Ngô Văn Chiêu, người Anh Cả của tín đồ Cao Đài trở về phục lịnh Đức Chí Tôn ngày 13-3 năm Nhâm Thân (18-4-1932). Đạo số nầy đã được Đức Đông Phương Chưởng Quản minh giải khi dạy về chi tiết lễ an vị khánh thành Vĩnh Nguyên Tự.
Chư hiền đệ muội có biết tại sao Chí Tôn Thượng Đế đã chọn ngày 13 tháng 3 để cử hành cuộc lễ đó chăng? Sao lại không chọn thời gian khác để có đủ thì giờ chu toàn công việc tái thiết được hoàn mỹ thêm hơn? Để khỏi mất thì giờ, Bần Đạo giải thích về đạo số cho chư hiền được rõ:
Ngày 13 tháng 3, Tiền Khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Chí Tôn đã chọn ngày ấy phong Thánh cho tam vị Đại Thiên phong chức sắc đầu tiên. Đó Là Thượng Trung Nhựt Lê Văn Trung, Ngọc Lịch Nguyệt Lê văn Lịch, Hộ Pháp Phạm Công Tắc.
Ngày 13 tháng 3 cũng là ngày Chí Tôn Thượng Phụ thâu hồi người Anh Cả tín hữu Cao Đài. Đó là Ngô Văn Chiêu.
Chư hiền đệ muội còn nhớ, một thời Chí Tôn đã sắc phong cho Ngô Văn Chiêu vào chức vị Giáo Tông, nhưng người đã bái mạng không nhận lãnh. Đó cũng là lý số.
3. Sự quan trọng của việc tái thiết Vĩnh Nguyên Tự
Đành rằng mọi vật trên thế gian không thể nào tồn tại vĩnh viễn trước sự tàn phá của thiên nhiên. Cho nên, khi ngôi cổ tự cũng bị dấu ấn của thời gian làm cho hao mòn xuống cấp, Vĩnh Nguyên Tự cần được tái thiết trùng tu. Bởi lẽ, việc làm thiết thực nầy chính là “một công trình tìm lại cội gốc”, cũng không ngoài mục đích “gầy dựng lại ngôi nhà lịch sử”, sao cho dòng đạo pháp luôn trường lưu bất tận.
"Khi lập ra Vĩnh Nguyên, Lão đã biết trước hoàn cảnh sẽ diễn tiến như thế nào rồi. Đặt một hình thức để cứu vãn mà ai không quan tâm đến để bị tiêu điều, thiệt là đáng tiếc cho nhơn sanh hiện tại! Nhưng thời cơ đã đến, đạo nghiệp phải phục hưng, sự nối tiếp bồi đắp lại cảnh đạo lịch sử nơi này là một điều cần yếu, là một công trình tìm lại cội gốc, như cây kia dù phải sanh nhiều nhánh nhóc nhưng cũng có một cội, như nước có một nguồn. Nếu cây mất cội thì cành lá phải héo khô, nước không nguồn thì sông ngòi phải cạn, mọi người mọi vật ắt chết khô.
Ý thức được tầm quan trọng, được giá trị cao cả ấy, chư hiền đã và đang chung tay góp sức gầy dựng lại ngôi nhà lịch sử, mà vai tuồng của các cháu đây là vai tuồng chánh "
.
Vâng, việc toàn đạo “gầy dựng lại ngôi nhà lịch sử” Vĩnh Nguyên Tự cũng nhằm “giữ di tích ấy cho khỏi đứt quãng dòng lịch sử trong Đại Đạo” vậy.
Khi sáng lập ngôi chùa nầy vào năm Mậu Thân (1908), Ngài Thái Lão Sư Lê Đạo Long đã đặt tên chùa là Vĩnh Nguyên Tự nhằm ký thác tâm nguyện rất lớn lao. Đó là: bất luận đạo khách nào đặt bước đến chốn nầy cần ý thức rằng mình đã và đang quày gót trở về nguồn cội thuở ban đầu, hằng hữu hằng thường, bất dịch bất biến. Nguồn cội hư linh bất tử đó chính là Thượng Đế, là Đại Đạo, là Cao Đài nội tại.
Vĩnh là vĩnh cửu, bất biến. Nguyên là nguyên bổn, hằng hữu hằng thường. Chỉ có cái nguyên bổn mới hằng hữu hằng thường bất di bất biến. Vạn hữu do từ hằng hữu mà sanh. Vô thường do từ hằng thường mà có.
Con người là một cá thể trong vạn hữu. Người có biết tu chơn ngộ Đạo mới có thể trở về nguyên bổn hằng hữu hằng thường bất di bất biến trong cảnh giới vĩnh cửu hư linh.
Thật vậy, công trình lịch sử nầy tuy được Đức Chí Tôn sử dụng trong giai đoạn ban đầu trước khi hình thành trụ tướng đạo Cao Đài vào năm Bính Dần (1926), Vĩnh Nguyên Tự mang một sứ mạng rất quan trọng là cội nguồn, là điểm tựa vững chắc để cơ đạo “được đứng vững với nhơn loài”.
Một tôn giáo được bành trướng, một giáo lý được thừa nhận như Đại Đạo Cao Đài ngày nay, tạm gọi là tôn giáo mới, chớ thật sự là một công cuộc bảo tồn sự an định cho vạn loại của Đức Chí Tôn, muốn được đứng vững với nhơn loài, cũng rất cần những chứng tích lịch sử đầu tiên để gây vào lòng con người sự tín ngưỡng, làm ấm áp cõi lòng bên cạnh chơn truyền tân pháp. Vấn đề được biện bạch là như vậy.
Việc tái thiết Vĩnh Nguyên Tự không những để bảo tồn di tích lịch sử của đạo Cao Đài lúc ban sơ, mà điều quan trọng hơn hết là càng giữ gìn nguồn cội lâu bền bao nhiêu thì tiền đồ Đại Đạo càng được vững chắc bấy nhiêu do nền tảng được củng cố bồi đắp vững vàng. Đây chính là kết quả của qui luật tương tác, hỗ tương thuận nghịch.
"Chư hiền đệ hiền muội xa gần chung nhau bồi đắp nền tảng đạo để hữu dụng tương lai. Đó cũng là một sợi dây liên hệ chặt chẽ khiến cho tiền đồ Đại Đạo càng được vững vàng bởi cội gốc được vững bền.
Lại nữa, di tích lịch sử tại Vĩnh Nguyên Tự là một mắt xích trong một chuỗi liên tục các sự kiện quan trọng của công cuộc cứu độ kỳ Ba trong giai đoạn ban đầu Khai Minh Đại Đạo. Đầu tiên là Đức Chí Tôn thị hiện Thiên Nhãn tại Phú Quốc, là Thần của Thượng Đế để làm biểu tượng thờ phượng; tiếp theo Đức Chí Tôn thiên phong chức sắc cho quí vị Tiền Khai Đại Đạo, dạy quí Ngài chọn kinh điển và soạn Tân Luật tại Vĩnh Nguyên Tự để chuẩn bị ra mắt trước nhân sanh một nền tân tôn giáo là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay là đạo Cao Đài.
"Riêng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có khác ở chỗ sơ khai và lập thành qui luật giáo điều trong một tính chất dung hòa tổng hợp giáo lý cổ kim. Vì thế mà nơi này xuất hiện Thiên Nhãn, nơi khác ban hành đạo luật, nơi khác nữa lập thành Thánh thể Đức Chí Tôn. Mỗi giai đoạn đều có một ý nghĩa liên tục của cơ phổ độ kỳ ba. Vì thế, ngày hôm nay, chư hiền đệ hiền muội phải nhọc lòng lo nghĩ, nhọc sức tô bồi cùng với Bần Đạo và Chư Tiền Bối quá vãng để tái thiết lại ngôi Vĩnh Nguyên Tự này."
Sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không đề cập đến vai trò của Vĩnh Nguyên Tự trong việc chuyển từ Cựu Pháp sang Tân Pháp nhằm nối tiếp dòng trường lưu của đạo pháp. Thật vậy, Tân Pháp Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là phương tiện rốt ráo, phù hợp với căn trí chúng sanh, và quyết định đến đại cuộc cứu độ của Đức Chí Tôn trong thời Hạ nguơn Mạt kiếp nầy.
"Lịch sử ngôi Vĩnh Nguyên Tự rất là thô sơ, nhưng đó là bước đầu cho việc chuyển từ Cựu Pháp sang Tân Pháp, để thích hợp với kỷ nguyên tiến hóa của loài người."
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn còn tiên tri rằng Vĩnh Nguyên Tự trong tương lai là “nơi tập trung tất cả mọi người”. Thật vậy, khi cơ đạo được thống nhứt, tín đồ Cao Đài không còn phân biệt chi phái chắc hẳn sẽ có dịp hành hương viếng thăm cội nguồn ban sơ, thánh tích thứ hai của đạo Cao Đài nầy để chiêm bái và hồi tưởng dấu ấn của dòng Sử đạo một thời tại chốn nầy năm xưa.
Xây dựng lại Vĩnh Nguyên Tự không có nghĩa là cốt ý để cho người nào vào ở, vì một sự kiện lịch sử được phát xuất nơi vị trí nào đó, mà vị trí ấy có lớn bao nhiêu nữa khi không có người ở cũng chẳng sao, và rồi nó là nơi tập trung tất cả mọi người mà không lượng trước được đó vậy.
Tạm kết
Kỷ niệm tái thiết Vĩnh Nguyên Tự hôm nay là một dịp rất thiết thực để mỗi người con tin của Đức Chí Tôn có dịp ôn lại sứ mạng và vai trò quan trọng di tích lịch sử thứ hai của đạo Cao Đài trong buổi ban đầu hình thành thánh thể của Đức Chí Tôn và trụ tướng của đạo Cao Đài nơi trần thế. Điều nầy đã được Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn xác nhận.
"Vĩnh Nguyên Tự mà Bần Đạo là người sáng lập đầu tiên, ấy chẳng qua là một sứ mạng mà Đức Chí Tôn đã giao phó buổi đầu. Khi Bần Đạo hoàn thành sứ mạng buổi đầu trong cơ đạo ấy thì kế đến trách nhiệm được trao cho Lịch, Trung, Cư, Tắc. Giai đoạn thứ hai này là giai đoạn manh nha hệ thống Tam Kỳ Phổ Độ, và rồi tiếp đến giai đoạn thứ ba đây được Đức Chí Tôn chuyển cơ phổ độ lập thành hình thức theo qui củ ở giai đoạn thứ hai, mà ngày nay Bần Đạo cũng phải chung tay vào xây dựng bằng tinh thần điển lực vô vi."
Công cuộc tái thiết Vĩnh Nguyên Tự đã hoàn mãn phần chánh điện vào năm Quí Sửu (1973). Do tâm lực và tài lực có giới hạn nên phần hậu điện của Vĩnh Nguyên Tự còn phải “chờ thời cơ thuận tiện” đến nay vừa đúng 38 năm mới có thể khởi công trùng tu. Đầu năm Tân Mão (2011) nầy, Ban Cai Quản Vĩnh Nguyên Tự thực hiện tôn tạo tu hội trường và tịnh trường trong điều kiện vẫn còn thiếu thốn rất nhiều về tài lực.
Đức Bảo Hòa Thánh Nữ, một vị Tiền bối tại Vĩnh Nguyên Tự đã khích lệ các hàng con cháu thời gian ngắn sau buổi lễ an vị khánh thành Vĩnh Nguyên Tự năm Quí Sửu (1973).
"Vĩnh Nguyên Tự tái thiết vừa xong (…). Còn hậu điện thì chờ thời cơ thuận tiện sẽ hay. (…) không những nơi đây dụng làm tịnh trường tạm mà còn nhiều việc khác nữa. Chừng đó sẽ rõ. Mẹ thiết tưỏng, đạo là sự nghiệp chung của đời, trong đó có các con cháu, các con cháu may duyên ở sở tại được ân ban, đó là phước của Tiền nhân để lại. Đừng xem thường. Những gì các con cháu đã công quả nơi đây, Mẹ nói cho mà biết: Công quả ba, Trời đất trả cho mười.
Song, “Vĩnh Nguyên Tự là đạo nghiệp. Vậy thì của người đạo, người hiền, không phải của một họ, mà của trăm họ.” . Chính vì thế, việc trùng tu phần hậu điện và tịnh phòng rất cần sự chung tay góp sức của toàn đạo để hoàn thành thật trọn vẹn việc “gầy dựng ngôi nhà lịch sử”.
Kỷ niệm tái thiết Vĩnh Nguyên Tự ngày hôm nay để toàn đạo ý thức được tầm mức quan trọng của việc bảo tồn di tích lịch sử nầy có tác động như thế nào đến sự bền vững của đại cuộc cứu độ kỳ Ba. Ngoài mục đích hoằng pháp lợi sanh, Vĩnh Nguyên Tự có sứ mạng đặc biệt trong việc bước đầu chuyển từ Cựu Pháp sang Tân Pháp trong Tam kỳ Phổ độ, và góp phần vào việc duy trì và phát huy “nguồn đạo đức mãi mãi lưu truyền cho hậu thế” , cũng như dòng đạo pháp luôn trường lưu bất tận đến muôn đời.
Thiện Hạnh
17-4-2011