Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
19/07/2010
Thiện Hạnh

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 24/07/2010

Đời con xét kỹ có chi đâu!


1. Nhân duyên
Quyển sách “Tâm tĩnh lặng” (1), gồm những bài viết cô đọng có tựa đề: Đạo giản dị, trung đạo, tự chứng ngộ, diệt trừ phiền não, chỉ bấy nhiêu thôi, thiền trong mọi động tác, giới định huệ, biết mình biết người, hãy để cho người khác được tự tại, xả bỏ, chính niệm, cốt tủy của thiền quán, kiên trì, quên thời gian đi, lá vẫn cứ rơi, nói ít, chạy đi đâu bây giờ?, dựa vào chính mình, vô ngã, v.v.
Trong bài viết: “Chỉ bấy nhiêu thôi” có nội dung: Thế giới nầy cũng chỉ bấy nhiêu thôi vì bị thống trị bởi định luật tứ khổ (sanh, lão, bệnh và tử) và vô thường. Chúng ta chơi đùa với cuộc sống một chút để có niềm vui một chút, nhưng sự vui thú nầy dù cho có kéo dài bao lâu đi nữa, cũng chỉ thế thôi. Dù cho những thứ gì khoái lạc, thơm ngon, thú vị và đẹp đẽ đi nữa thì cũng chỉ bấy nhiêu thôi.
Thế thì có người lại thắc mắc: “Nhưng làm việc thiện và tu hành thì cũng già, cũng chết thôi”. Điều nầy chỉ đúng phân nửa thôi vì chỉ có thân tứ đại nầy chết, còn linh hồn không hề chết mà sẽ được giải thoát thăng hoa hoặc bị trầm luân đọa lạc tùy theo cách sống của con người lúc còn mang thể xác.
Con người phải liên tục tranh đấu vì không chấp nhận sự thật là: cuộc đời chỉ có bấy nhiêu thôi. Chỉ khi nào con người bị đau khổ cùng cực thì mới chịu buông bỏ những ảo tưởng, mới giác ngộ được lẽ vô thường, hiểu rằng cuộc đời nầy chỉ có bấy nhiêu thôi. Có như thế con người mới sống bình an và tự tại trong thế giới nầy (vì đã thoát ra được sự chi phối của lẽ vô thường).

2. “Đời con xét kỹ có chi đâu!” hay “Đời con có những gì đâu tá?”

Đức Mẹ dạy:
Đời con xét kỹ có chi đâu!
Từ lúc tuổi xanh đến bạc đầu,
Dẫu khá dẫu nghèo thì cũng thế,
Cái ngày qui liễu vẫn như nhau.


Cuộc đời con người xét cho kỹ lưỡng, cho tường tận có chi đâu, dầu nghèo hèn hay giàu có thì cuối cuộc đời, thân tứ đại cũng trả về cho tứ đại mà thôi. Bởi lẽ, bản chất của cuộc đời là vô thường, như bóng câu qua cửa sổ, mấy mươi năm cuộc đời chóng vánh trôi qua chẳng khác nào một giấc mộng. Đức Mẹ đã diễn tả tính chất vô thường của kiếp người như sau:

Đời con có những gì đâu tá?
Mãi quẩn quanh trong bả lợi danh,
Thị phi, đắc thất bại thành,
Hơn thua, vinh nhục, dữ lành buồn vui.
Kẻ mộc mạc tới lui bất cập,
Người khôn ngoan sẽ vấp sảy chơn,
Rốt cùng nào có gì hơn,
Sống ăn mặc ở cũng trần thế gian.
Khi đắc thế huênh hoang hống hách,
Lúc thất thời nhân cách thảm thương,
Chợt nhìn mái tóc điểm sương,
Rồi mồ cỏ lạnh nắm xương rũ tàn.


Cuộc đời con người có những gì đâu quanh quẩn trong những cặp phạm trù đối đãi với nhau: thị phi, đắc thất, bại thành, hơn thua, vinh nhục, dữ lành, buồn vui, kẻ mộc mạc-người khôn ngoan, khi đắc thế-lúc thất thời; rồi ai cũng sống, ăn, mặc, ở. Và cuối cùng thì ai cũng như ai là “mồ cỏ lạnh, nắm xương rũ tàn”.

Vì sao mà Đức Mẹ mô tả cho các con cái của Ngài một bức tranh quá ảm đạm, thê lương về cuộc đời của con người như vậy? Cuộc đời của chúng sanh có quá bi quan như vậy không? Nếu con người không bị định luật tứ khổ gồm sanh, lão, bệnh, tử ràng buộc và chi phối thì thái tử Sĩ Đạt Ta đã không rời bỏ ngai vàng để đi tìm chân lý cứu khổ cho chúng sanh.

Đức Mẹ muốn con cái của Ngài giác ngộ bản chất vô thường của cuộc đời. Dù con người có hưởng thụ lạc thú bao nhiêu đi nữa thì nó cũng chỉ thế thôi. Hoặc dù con người có chịu đựng đau khổ bao nhiêu đi nữa thì nó cũng chỉ thế thôi. Bản chất của cuộc đời là đau khổ, mà đau khổ thì triền miên dai dẳng, còn hạnh phúc thì ngắn ngủi thoáng qua. Điều nầy rất dễ nhận thấy như buổi tiệc vui nào cũng rất chóng tàn, màn hát nào cũng sớm kết thúc. Còn những chuyện buồn xảy đến với con người sao mà không dứt, khiến con người có cảm giác nặng nề kéo dài, một ngày như một năm (Nhất nhật ngục trung, thiên thu tại ngoại - một ngày trong tù bằng một năm ở ngoài). Niềm vui và nỗi buồn luôn đan xen với nhau, vui thì ít nhưng buồn thì nhiều, sự đời luôn là như thế. Nếu cuộc đời con người chỉ toàn những nỗi buồn thì có lẽ con người sẽ không thể chịu đựng nổi để tiếp tục cuộc sống, vì thế thi thoảng sẽ điểm xuyết một vài niềm vui nho nhỏ có tác dụng “lên dây cót” để con người tiếp tục chịu đựng với những liên khúc buồn (thường thì chúng ta ít nghe đến liên khúc vui).

Tuy nhiên, cũng cần nhận thức có 2 quan niệm về cuộc đời hoàn toàn đối lập nhau: thường tình và giác ngộ. Quan niệm thường tình là con người phải tranh đấu và hưởng thụ tối đa cho bản thân (vị ngã). Quan niệm giác ngộ thì con người cũng tranh đấu nhưng mưu cầu hạnh phúc cho người khác (vị tha).

3. Thế gian là cõi tạm
Thế gian đã là cõi tạm thì những gì trên thế gian không thể mang tính chất hằng thường bất biến, tuy có đó rồi lại hóa không. Vì thế, Thầy có dạy trong Kinh Đại Thừa Chơn Giáo như sau:
Các con có hình trạng, mắt thấy, tai nghe là giả, là mộng ảo. Các vật sống trên thế giới không bao giờ bền bỉ, có đó rồi lại hóa ra không. Sự có không ấy nó dễ dàng mau lẹ như bọt nước trôi sông, như sương đeo ngọn cỏ. Đã vậy, cõi trần ai là nơi “dục giới”, con người cả ham muốn, cả tham lam, ưa vật nầy, thích món nọ. Cái túi tham không đáy chứa mãi không đầy. Lòng tham dục chuyện nầy việc khác, đắm đuối trong bốn vách: tửu, khí, sắc, tài; sa mê bả lợi mồi danh cứ quẩn quẩn quanh quanh trong trường mộng ảo, không xét cạn nghĩ cùng cuộc đời là giả. (…)
Cõi vật chất hiện tiền thấy đó,
Vật sắp bày nhưng có mà không!
Nó mau hư nát lẹ làng,
Chẳng chi bền bỉ vững vàng đặng lâu.”

Đức Mẹ đã dùng một hình ảnh minh họa tính giả tạm của cõi thế gian nầy qua một danh từ gượng đặt là “Đạo” để diễn tả cái nguyên lý tuyệt đối của vũ trụ.

“Rất đỗi tiếng “ĐẠO” mà còn tạm gượng kêu chỉ cho biết cái gì thế thôi. Như vậy, trên thế gian này còn có cái gì là thật nữa đâu hỡi các con? Chỉ còn có một cái thật, đó là bổn linh chơn tánh hay chơn như bổn thể, các con có được tìm lại nó, nuôi dưỡng nó cho trở thành tánh bổn thiện, đó mới là điều đáng cho các con hằng lưu tâm như cơm ăn, nước uống, khí trời để thở.”

Con người đến thế gian trong một kiếp sống hữu hạn cũng giống như người lữ khách dừng chân nơi những quán trọ ven đường trên quãng đường thiên lý trở về cố quận. Con người không phải là chủ nhân của những quán trọ, mà chỉ là khách trọ mà thôi. Con người không phải là thường trú nhân vĩnh viễn tại nơi nầy, mà chỉ là khách tạm trú có thời hạn mà thôi. Chính vì thế, việc tạo dựng cơ nghiệp cho riêng mình nơi cõi thế gian là một việc làm không cần thiết, mà có phần lãng phí. Bởi lẽ, con người chỉ lưu lại nơi những quán trọ nầy trong một thời gian hạn định mà thôi. Thời gian đó nhiều lắm cũng không vượt quá một trăm năm. Mà khoảng thời gian nầy so với chu kỳ của vũ trụ thì quá ngắn ngủi. Cõi thế gian vì thế cũng là cõi tạm.

“Con ôi! Đời là cõi tạm, vật chất như bọt nước đầu gành. Con đến để rồi đi, vật chất chợt tan chợt tụ. Con đừng mang những gì oan khiên nghiệp chướng trở lại cảnh Thiên Đường mà phải bị Luật điều trừng phạt.”
Đức Mẹ cho chúng ta biết bản chất của cuộc đời là như thế đấy, là “đời con xét kỹ có chi đâu!” hay là “đời con có những gì đâu tá?” để chúng ta đừng có “lăn xả” vào cuộc đời:

Nhưng lúc vào đời mang nhục thân,
Sớm trưa vùi lấp bụi phong trần,

Đỉnh chung danh lợi đua tranh mãi,
Quên cội quên nguồn chốn cõi nhân.

4. Cuộc sống an lạc
Nếu cuộc đời con người chỉ có thế thì Thánh nhân đâu có thốt lên câu “vi nhân nan đắc” hay “thiên hạ tối linh”. Đức Ngọc Lịch Nguyệt xác tín:

“Hành giả phải nhận xét sự chơn giả của cuộc đời. Những gì vật chất hữu hình ảo ảnh phù vân có tạm mượn cũng chỉ một trăm năm là nhiều rồi hoại diệt, mà có mấy ai đến hàng trăm tuổi. Dầu có chăng nữa thì cũng chỉ là một cụ già lụm cụm, tóc bạc da mồi, chân run tay yếu, sống thừa với cái thể xác cằn cỗi già nua, trọng nghiệp đeo đẳng dày dò, dầu đông con cháu cũng chỉ một mình mình chịu, một mình mình mang, ngẩn ngơ sớm tối. Đó là chưa kể đến những người mang trọng nghiệp bệnh tật hiểm nghèo, dầu đang ở trong mỏ bạc hầm vàng, họ hàng đông đảo, nhưng so với người cô độc xác xơ, xó chợ gầm cầu, thì nỗi khổ đau về thể xác nào có khác chi đâu?

Đó chỉ luận nhơn thân, Bần Đạo chưa bàn đến đen trắng vinh nhục, ấm lạnh, đổi thay của tình đời thế sự.

Ôi! Vương hầu khanh tướng, bậc cái thế anh hùng tài ba xuất chúng cũng không thoát vòng tứ khổ, thoát nẻo vô thường. Nếu kiếp con người chỉ có như vậy, hưởng thụ bao nhiêu mà phải bị khổ đau cho đến giờ phút cuối, thì câu “vi nhân nan đắc” có nghĩa gì đâu!”


Sứ mạng của con người rất vinh quang, đó là sứ mạng tiến hóa trên cả hai phương diện nhân sinh và tâm linh hay thực hiện thế đạo đại đồng và thiên đạo giải thoát.
Con người có một địa vị rất cao trọng, được gọi là Tiểu thiên địa, là Trời đất thu nhỏ. Trời đất có những gì, con người đều được phú bẩm những thứ đó.

Trời là Đại thiên địa, con người cũng như tất cả chúng sanh là Tiểu thiên địa. Trời đã có những gì, trong vạn vật vẫn có những vật ấy, chỉ khác nhau là ở chỗ lớn bé trên hình thức hoặc sự biến dịch không ngừng, khi bày lúc ẩn vậy thôi. Thế nên Thượng Đế hằng nói: Thầy là các con, các con là Thầy. Tất cả chúng sanh sẽ thành Phật, đồng trở về hiệp nhứt cùng khối Đại Linh Quang, chẳng qua là sự tiến hóa mau chậm mà thôi.”

Vì thế, sinh được làm người nơi chốn thế gian là một điều rất quí; nên mới có câu “Vi nhân nan đắc” hay “Thiên hạ tối linh”. Bởi lẽ, con người đứng vào bực tam tài “Thiên-địa-nhơn”.
“Nhìn về vũ trụ thiên không, con so sánh với cái to tát ấy rồi con tự thấy mình nhỏ bé như hạt vi trần, nhưng nếu các con quay nhìn vào trong bản vị của các con trong thế tam tài thì con có nhỏ đâu.”

Nếu con người biết bằng lòng với những gì mình đang có như: căn nhà để trú ngụ, cơm ăn áo mặc, không bị bệnh tật hiểm nghèo, không bị hành hạ về thể chất và tinh thần; nếu so sánh với những nạn nhân bão lụt, màn trời chiếu đất, đói rét tả tơi, con người có hạnh phúc rồi. Ngược lại, nếu họ “nhìn lên” so sánh với những người giàu có, nhà cao cửa rộng, tiêu xài phung phí, tất nhiên họ sẽ thấy đau khổ vì bị thua sút nhiều mặt. Tuy nhiên, bản thân những người giàu có chưa hẳn đã hạnh phúc nếu suốt ngày họ phải lo toan căng thẳng, không lúc nào được thảnh thơi. Trong khi đó, một người nông phu cày sâu cuốc bẫm, nhà tranh vách đất, cơm rau đạm bạc, vật chất thiếu thốn, nhưng luôn cảm thấy an vui, sung sướng. Do đó, nếu tự mình biết đủ trong các nhu cầu hàng ngày, con người đã cảm thấy hạnh phúc tràn đầy.

Ngoài ra, nếu con người biết tiết kiệm chi tiêu để chia sẻ cho người nghèo, an ủi động viên người khác, mang niềm vui cho người bất hạnh, v.v., nói chung là thực hành điều thiện qua tư tưởng, lời nói và hành động, là đã tạo hạnh phúc rồi vậy. Điều nầy có vẻ nghịch lý, nhưng càng cho ra bao nhiêu, niềm an lạc nội tâm càng tăng thêm gấp bội phần.

Đó là chúng ta chưa đề cập đến niềm vui khi tham dự những buổi học giáo lý, sinh hoạt đạo đàm, những thời cúng tịnh tập thể, những chuyến liên giao hoặc cứu trợ, những lúc ăn cơm chung, những khi trà đàm cùng bạn đạo, những hồi trầm mặc tịnh tu, những khi trăn trở làm bài luận giáo lý, v.v. Nói chung là những niềm vui trong chặng đường tu học và hành đạo.

Tuy cuộc đời là vô thường, nhưng vẫn chứa đựng cái hằng thường. Tuy con người sống trong đau khổ, nhưng vẫn có cách để tạo được một cuộc sống an lạc thung dung tự tại khi chúng ta “hồi quang phản chiếu” vào chỗ thâm sâu của nội thể.
“Các con nên nhớ, muốn sống một đời sống yên lành thì các con có thiếu thốn chi đâu mà không yên lành trong khi có những đứa phải oằn oại vì nghiệp trả quả vay, sống thật sự không yên lành trong cuộc sảy sàng chọn lọc này. Các con hãy lấy làm vui vẻ mà tiến bước trên đường phổ độ, hãy hòa mình với cuộc đời mới độ được người đời.”

Chính phương tiện công phu, luyện kỷ, tịnh định là phương tiện hữu hiệu giúp con người hoàn thành sứ mạng tự độ và độ tha.

“Công phu, luyện kỷ, tịnh định là cốt để cho các con phát huy tuệ lực hầu nhận thấy được đạo lớn, tâm lớn, việc lớn. Phải luôn luôn vận hành theo luật tắc Thiên cơ không ngừng nghỉ. Như vậy mới hoàn thành sứ mạng tự độ độ tha.”

TẠM KẾT

Thế gian là trường tiến hóa, con người đến chốn nầy để tu học và hành đạo nhằm tiến hóa tâm linh và tài thành cơ tiến hóa của Trời đất. Ngoài ra, con người có trách nhiệm góp tay cùng Thượng Đế để xây dựng cõi đời an lạc thái hòa cho muôn dân cộng hưởng cõi thiên đàng nơi trần thế. Con người đến thế gian không phải để hưởng thụ vật chất thật nhiều, vun đắp cho bản thân thật đầy đủ. Suy cho cùng, con người giàu có bao nhiêu đi nữa, thì cũng ăn cũng mặc có giới hạn mà thôi, niềm vui sướng nơi thế gian cũng qua đi chóng vánh, và rồi nghiệp quả bản thân lại chồng chất thêm lên. Vì thế, hạnh phúc đích thực của đời người chính là những gì con người giúp đỡ cho kẻ khác, lập công bồi đức. Chân lý cuộc sống của con người thật đơn giản.

Tạm trong cõi phù du tiến hóa,
Mượn áo đời mà trả trái oan,
Có chi bền vững mà màng,
Con lo vẹn phận lên đường về quê.
Giấc mộng đời nồi kê chưa chín,
Hỏi tuổi đời con tính bao nhiêu,
Lo mơi rồi lại lo chiều,
Sống ăn, mặc ở trăm điều khổ tâm.
Đó phương tiện con làm sự sống,
Thì thôi đừng tham vọng con ơi!
No cơm ấm áo đủ rồi,
Công phu, công quả trau dồi hồn linh.


Khi đã giác ngộ, con người hiểu rằng tất cả những gì mà Thượng Đế an bài cho con người nơi thế gian chỉ là những phương tiện cho cuộc sống hàng ngày nhằm thực hiện sứ mạng vi nhân nơi trần thế. Ngoài ra, tất cả chỉ là phù phiếm, có đó rồi mất đó, không trường tồn vĩnh cửu. Thật vậy, bản chất của cõi thế gian nầy luôn là như thế.

Một kiếp phù sanh có mấy hồi,
Làm sao khỏi uổng hỡi ai ôi,
Loanh quanh cơm áo bao giờ đủ,
Lẩn quẩn thê nhi mấy lúc rồi.
Chung đỉnh đeo đai lo đuối sức,
Lợi danh ràng buộc chạy mòn hơi,
Sao bằng tu tỉnh làm âm chất,
Cho vẹn nghĩa nhân đạo với đời.

Linh tâm linh tánh hãy biết rằng,
Hồng trần ruộng đất dẫu giăng giăng,
Cửa nhà xe cộ bao nhiêu nữa,
Thì cũng giả trò tại thế gian.

Có hưởng cho nhiều cũng thế thôi,
Mấy mươi thì cũng hết xong đời,
Bao nhiêu để lại người dương thế,
Sử dụng đúng, không cũng một đời.


15-7-2010
_________________
Tham khảo:
[1] Achaan Chah, Tâm tĩnh lặng. Minh Vi dịch. Tp.HCM: Nxb Tổng Hợp, 7-2008.
[2] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, VQT, 26-01 Quý Sửu (28-02-1973).
[3] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 13-8 Mậu Ngọ (14-9-1978).
[4] Kinh Đại Thừa Chơn Giáo, bài Sắc Không luận, xb. 1956, tr.135.
[5] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, VQT, 15-6 Nhâm Tý (25-7-1972).
[6] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, NMĐ, 15-4 Bính Ngọ (03-6-1966).
[7] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Kim Thành Long, 18-02 Quý Sửu (22-3-1973).
[8] Đức Ngọc Lịch Nguyệt, VNT, 10-5 Đinh Tỵ (25-6-1977).
[9] Đức Quan Âm Bồ Tát, MLTH, 02-4 Kỷ Dậu (17-5-1969).
[10] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 14-8 Nhâm Tuất (30-9-1982).
[11] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 15-10 Ất Mão (17-11-1975).
[12] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 14-02 Ất Sửu (05-3-1985).
[13] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, VNT, 15-8 Quý Sửu (11-9-1973).
[14] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo, NMĐ, 01-11 Bính Ngọ (12-12-1966).
[15] Đức Chơn Thường Đạo Sĩ, MLTH, 19-9 Tân Hợi (06-11-1971).
Thiện Hạnh

Mong sao em mến hiểu lòng này,
Sắp xếp gia đình cho khéo tay,
Dành để ngày giờ hành đạo sự,
Tô bồi âm chất mới là hay.

Đức Vân Hương Thánh Mẫu, Chơn Lý Đàn, 26-01 Quý Sửu, 28-02-1973

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây