Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
29/08/2007
Thiện Hạnh

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009

Sám hối

1. Nguồn gốc tội lỗi

Con người có sáu giác quan hay lục căn gồm: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý). Sáu giác quan nầy khi tiếp xúc với sáu trần hay lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp) không nhiều thì ít sẽ phát khởi vọng niệm đeo đẳng, trói buộc con người. Kinh sách gọi đó là lục thức gồm: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Lục thức có thể xem là nguồn cội của phiền não. Như vậy, lục căn cũng có thể gọi là lục dục. Đức Chí Tôn đã cảnh giác trong kinh Đại Thừa Chơn Giáo về mối hại của lục dục như sau: "Vậy thì mắt thấy, tai nghe, mũi ngữi, thân ham, đều xúm làm cho thân xao động sanh lòng quấy quá. Vả lại, lục dục là sáu con quỉ, tức là sáu đứa du côn." ([1])

Tuy nhiên, khi lục căn giao tiếp với lục trần mà tâm không khởi niệm thương ghét, hơn thua, so sánh, kỳ thị, tranh chấp, đố kỵ, thị phi, v.v. thì con người lại không bị vương mang nghiệp chướng, tội lỗi, mà đã giải thoát khỏi khổ đau, phiền não rồi. Vì thế, Đức Phật dạy trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm: "Sáu căn chính là cội gốc của sanh tử luân hồi và cũng chính là cội gốc của giải thoát niết bàn."

Mặt khác, tam độc gồm tham, sân, si trong con người cũng do lục căn gây ra. Do đó, khi bản thân làm chủ được tâm tức là khi lục căn tiếp xúc với lục trần mà tâm không dấy động, vẫn an nhiên, thanh tịnh thì lúc bấy giờ con người không còn tạo nghiệp trần, đã giải thoát. Đức Hiển Thế Đạo Nhơn minh họa một cách thú vị về tác hại của hai yếu tố tham và sân thuộc về tam độc như sau:

Tu nói dễ mà khó lắm thay,

Tham sân là mối tội hay gây.

Tham ăn, tham mặc, tham quyền quí,

Tham lợi, tham sanh, tham sắc tài.

Sân nói sân si khi trái ý,

Sân nghe sân thấy lúc bùi tai.

Tham sân nếu sớm đem đi nhốt,

Thành Phật Thánh Tiên chỉ một ngày.([2])

Như vậy, rõ ràng là tội lỗi và giải thoát vẫn không ngoài lục căn. Nếu con người để lục căn ảnh hưởng bởi lục trần tùy theo mức độ mà tạo nghiệp thân khẩu ý, vương mang tội lỗi. Hay có thể diễn tả một cách khác là nếu đối cảnh mà tâm bị hệ lụy hay tâm và cảnh cột chặt vào nhau, tức là con người phải chịu trong vòng nghiệp lực luân chuyển; còn ngược lại, nếu đối cảnh mà vô tâm hay tâm và cảnh không liên hệ với nhau là giải thoát, không còn phiền não. Đức Lão Tổ gọi trạng thái nầy của tâm là "chẳng phân biệt" hay không phân biệt. Ngài dạy: "Tai nghe tiếng trần mà chẳng phân biệt, mắt nhìn thấy sắc trần mà chẳng phân biệt, mũi ngửi mùi trần mà chẳng phân biệt, lưỡi nếm vị trần mà chẳng phân biệt, thâm chạm vật trần mà chẳng phân biệt. Chính vì phân biệt mà có ưa ghét, thân thù, khao khát ước vọng để kết thành quả luân hồi." ([3])

Chính sự phân biệt nầy tạo ra thất tình tức là bảy trạng thái tâm lý của con người gồm: Hỷ (mừng), nộ (giận), ai (buồn), lạc (vui), ái (yêu), ố (ghét), cụ (sợ). Các trạng thái trên mang tính đối đãi với nhau, trong đó, nộ hay giận có tác hại khôn lường vì khi con người không kiềm chế được cơn nóng giận có thể phạm trọng tội khiến phải chịu vòng lao lý ngoài đời; còn người tu nếu không điều phục được hỏa khí thì công trình và công phu tu tập cả một đời người có thể bị thiêu hủy thành tro bụi chỉ trong phút chốc.

Suy cho cùng, tội lỗi con người tạo ra không ngoài thân, khẩu, ý; nhưng tư tưởng vẫn là yếu tố đầu tiên tác động trực tiếp đến lời nói và hành động. Tư tưởng chính là niệm khởi ban đầu cho thất tình lục dục khuấy phá hầu cấu thành nghiệp lực trói buộc con người trong vòng luân hồi sanh tử bất tận, không lối thoát.

Hễ một niệm khơi màu trần tục,

Tham sân si giây phút dấy loàn,

Đậy che một ánh linh quang,

Che mờ chơn tánh lớp màn vô minh.

Con còn chẳng biết mình đâu đấy.

Thì làm sao con thấy tội tình,

Thế nên lịch kiếp tử sinh,

Đa mang nghiệp lực tiến trình khó khăn.([4])

2. Ý nghĩa sám hối

Tội lỗi là điều không sao tránh khỏi khi con người còn mang xác thân phàm tục nầy. Vì thế, bất luận khi nào con người có lầm lỡ một điều gì thì cần ăn năn sám hối theo lời khuyên nhủ của Đức Chí Tôn: "Mỗi khi đứa nào lầm lỡ một việc gì, rán mà sám hối ăn năn. Sám hối Thầy nói đây là tự giác trở về với linh giác, chớ không phải sám hối là đọc kinh nghe các con."([5])

Sám hối cũng tương tự như là xin lỗi của người thế gian, nó hàm chứa hai ý nghĩa là ăn năn lỗi trước và chừa bỏ lỗi sau. Bởi lẽ, phàm làm người ai lại không mắc phải những sai lầm khuyết điểm, mà điều quan trọng hơn hết là bản thân cần nhận biết để sám hối phục thiện, không tái phạm lần nữa. Vì thế, sám hối là hối cải ngay điều lầm lỗi.

Điểm thần sáng chói đoạn tiền khiên,

Sám hối là tâm hối cải liền,

Thánh thiện nên gương người chứng đạo,

Tàn xanh nhờ gốc vững ân thiên.([6])

Tuy nhiên, tâm của con người không tạo ra nghiệp quả, tội tình; chính vì thế, khi tâm thanh tịnh thì không còn động cơ nào để tác thành nghiệp quả, tội lỗi. Thật vậy, lục căn khi giao tiếp với lục trần mà không phân biệt hay thanh tịnh thì không tạo nghiệp trái oan, đạt được giải thoát; ngược lại, nếu tâm vọng động thì tham sân si, thất tình lục dục từ đó mới khuấy động điên đảo mà tạo thành nghiệp chướng trói buộc con người trong vòng luân hồi sanh tử.

Kinh chép rằng: Tổ Huệ Khả trên đường đi hoằng pháp gặp một cư sĩ trạc 40 tuổi đến đảnh lễ thưa: "Đệ tử mang bệnh ghẻ lở đầy người, xin Thầy từ bi sám tội (sám hối) cho đệ tử."

Tổ đáp: "Hãy đem tội ra, ta sẽ vì ngươi sám tội."

Vị cư sĩ sửng sờ giây lâu liền đáp: "Đệ tử tìm tội không được."

Tổ đáp: "Ta đã vì ngươi sám hối rồi. Nhưng ngươi nên nương tựa Phật Pháp Tăng."

Vị cư sĩ sau đó xuất gia và được Tổ đặt tên là Tăng Xán. Bệnh ghẻ lở cùng dần được thuyên giảm.

Kinh Kim Cang dạy rằng: "Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại chẳng có, tâm vị lai cũng không." Như vậy, quán chiếu xuyên suốt từ quá khứ, hiện tại đến vị lai đều không có tâm, nên vọng niệm cũng không do đâu mà phát sanh được. Thật vậy, tội lỗi con người từ tâm vọng động mà sanh ra, và tội lỗi cũng từ tâm thanh tịnh mà tận diệt. Tâm đã giai vong thì tội cũng sạch không. Cũng vì lẽ đó mà Ngài Tăng Xán khi quán chiếu vào tâm thì thấy nó tịch tịnh, lặng lẽ; nên không còn thấy tội ở đâu nữa. Đây cũng chính là sự sám hối bằng cách quán chiếu vào tâm vậy.

Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy chỗ vô tâm sẽ không còn bị chi phối bởi nghiệp quả nữa.

Gieo nhân kết quả hẳn rồi,

Vượt ngoài nhân quả, bầu trời thênh thang.

Rằng đời cõi tạm thế gian,

Thì chi ta phải cưu mang nặng lòng.([7])

3. Nội dung sám hối

° Sám hối lục căn

Đức Chí Tôn dạy trong Kinh Đại Thừa Chơn Giáo về sự tác hại của lục căn như sau:

"Thân. Cái thân thể muốn sự dâm dục quá độ mới hao tán ngươn tinh, ngươn khí, ngươn thần.

Thiệt là lưỡi. Miệng ham ăn món ngon vật lạ, đồ mỹ vị cao lương, nên phạm tội sát sanh mà sa đọa vào đường lục đạo.

Tỉ là mũi. Mũi ưa thơm tho mới khiến lòng ham muốn.

Nhĩ là tai. Tai nghe điều phi lễ.

Nhãn là mắt. Mắt ngó thấy sự tốt đẹp màu sắc thì lòng dục dấy lên.

Vậy thì Mắt thấy, Tai nghe, Mũi ngữi, Miệng nếm, Thân ham, đều xúm làm cho thân xao động sanh lòng quấy. Vả lại, lục dục là sáu con quỉ; tức là sáu đứa du côn." ([8])

Vì thế, con người cần sám hối lục căn, nguồn gốc phát sanh nghiệp chướng, tội lỗi, phạm giới. Vậy nên, trong nghi thức hành lễ nhập tịnh, chư tịnh viên thành tâm trì tụng bài Sám Hối Văn có nội dung như sau:

Sám Hối Văn

(Đọc khi hành lễ nhập tịnh)

Chúng đệ tử từ thời vô thỉ,

Bị vô minh che đậy chơn tâm,

Thường hành sát, đạo, tà dâm,

Lộng ngôn, ác ngữ, lời sàm dệt thêu.

Hỷ, nộ, dục, tình yêu túng tánh,

Tham, sân, si khó tránh loạn tâm,

Nghiệp trần nhiều kiếp căn thâm,

Ngày nay phát lộ chơn tâm bồ đề.

Nguyện sám hối mọi bề cải đổi,

Cho tiêu trừ hết lỗi về lành,

Nguyện đem dâng hết tấc thành,

Thân tâm phụng sự đạo lành độ dân.

Trên lo báo tứ ân trọng đại,

Dưới tam đồ khai giải thành sầu,

Lòng thành trải khắp năm châu,

Nguyện đâu đều đặng vẹn cầu toại sinh.

° Kinh Sám Hối

Kinh Sám Hối([9]) được người tín hữu Cao Đài trì tụng vào hai ngày sóc, vọng hàng tháng tại các thánh sở. Kinh khuyên mọi người phải biết ăn năn sám hối một khi lỗi lầm tạo nghiệp.

Người ở thế mấy ai khỏi lỗi,

Biết lạc lầm sám hối tội căn,

Tu tâm sửa tánh ăn năn,

Ba giềng nắm chặt, năm hằng chớ lơi.

(câu 425-428)

Giữa bụi thế giữ sao khỏi vấy,

Biết ăn năn xét lấy sửa lòng,

Làm người nhơn nghĩa xử xong,

Rủi cho gặp lúc long đong chẳng sờn.

(câu 145-148)

Kinh Sám Hối có hai tác dụng là giúp cho người tín hữu ăn năn những điều phạm giới và quan trọng hơn là ngăn ngừa điều ác. Tác dụng giáo dục của kinh tạo ra bằng cách cụ thể hóa một cách khái quát và điển hình những hình phạt mang tính răn dè để con người ý thức rõ ràng mức độ quả báo đối với từng loại tội lỗi.

Ao nước nóng sôi thì sùng sục,

Dầm cho người rã rục thịt xương,

Cũng vì lòng dạ vô lương,

Đệ huynh bất mục, chẳng thương đồng bào.

(câu 361-364)

Kinh khuyên chúng ta cần chú ý không được chủ quan khinh thường những khuyết điểm nhỏ; bởi vì, tục ngữ có câu: "Lỗi nhỏ đắm thuyền". Thật vậy, điều ác dù nhỏ đến đâu đi nữa vẫn là điều ác.

Thấy lỗi mọn chớ nghi chẳng hại,

Thường dạn làm, tội lại hằng hà,

Vì chưng tụ thiểu thành đa,

Họa tai báo ứng chẳng qua mảy hào.

(câu 141-144)

Mặt khác, Kinh Sám Hối còn minh họa rất nhiều điều thiện giúp người tín hữu theo đó áp dụng trong đời sống hàng ngày, từ những việc làm cơ hồ rất ư nhỏ nhặt, ai cũng có thể thực hiện được, nhưng vẫn chứa đựng phước đức trong đó.

Thấy giấy chữ rớt rơi lượm lấy,

Đốt ra tro bỏ chảy dòng sông,

Thủy triều vận tải biển Đông,

Lòng hằng dường ấy, phước đồng ăn chay.

(câu 269-272)

Khá tiết kiệm hằng ngày no đủ,

Tánh siêng năng lam lụ làm ăn,

Lòng chừa biếng nhác kiêu căng,

Của tiền lãng phí không ngằn phải tiêu.

(câu 201-204)

Kinh Sám Hối dạy mọi người cần siêng năng cần mẫn thực hành thật nhiều điều thiện mà không phân biệt mức độ lớn hay nhỏ. Bởi vì, do tích thiểu thành đa mà công quả giúp đời luôn được bồi đắp trưởng dưỡng. Việc thiện dù nhỏ bé đến đâu cũng là việc thiện, nếu so đo tính toán thiệt hơn, ắt cơ hội công quả sẽ trôi qua trong sự nuối tiếc.

Năng làm phải nhựt nhu ngoạt nhiễm,

Lâu ngày dồn tính đếm có dư,

Phước nhiều, tội quá tiêu trừ,

Phép Trời thưởng phạt, không tư chẳng vì.

(câu 137-140)

Suy cho cùng, Kinh Sám Hối tuy tán dương và khuyến thiện, cũng nhằm đưa con người lánh xa điều ác, điều bất thiện. Đây cũng chính là tác dụng giáo dục một cách tích cực nhất của kinh, tức là một mặt sám hối điều ác không cho xảy ra và mặt khác khuyên mọi người tích cực phát triển điều thiện dù là nhỏ nhứt.

Ăn năn khử ám hồi minh,

Từ bi Trời Phật rộng tình xét cho.

(câu 231-232)

4. Lợi ích sám hối

Khi người tín hữu Cao Đài thành tâm sám hối tội căn và quyết lòng không tái phạm, ngõ hầu xứng đáng là một đứa con tin yêu của Đức Chí Tôn. Bởi lẽ, phàm là người thế gian có mấy ai lại không có lỗi lầm, chỉ khác nhau là nhiều hay ít, đoạn trừ tội nghiệp được hay không mà thôi. Vì thế, sẽ là vô lý nếu chúng ta đòi hỏi mọi người không phạm lỗi lầm, mà chỉ mong sao con người biết thành tâm sám hối một khi lỡ lầm điều chi. Đây là quả là một nghĩa cử can đảm thể hiện nguyện hứa cải sửa trong tương lai.

Chính nhờ hình thức sám hối đã giúp con người nguôi ngoai mặc cảm tội lỗi, mà lẽ thường nó tạo ra một áp lực nặng nề tác động vào nội tâm của đương sự trong thời gian rất dài, thậm chí đeo đẳng suốt cuộc đời. Vì thế, sám hối chính là liều thuốc trị liệu nội tâm rất hữu hiệu vì nó có tác dụng xoa dịu mặc cảm tội lỗi và đồng thời quyết tâm vươn lên phục thiện. Đức Huỳnh Trung Nguyên cũng đã giãi bày tâm tư của mình khi còn tại thế gian:

"Tệ Đệ khi còn sanh thời đã lâm vấp khá nhiều về những điều đã trần tình vừa qua, nhưng nhờ mỗi khi lâm vấp, lúc trở lại thiền định được thấy nguyên nhân sự lâm vấp rồi sám hối ăn năn, hoan hỉ để vươn lên con đường tu tiến." ([10])

Tuy nhiên, có một thực tế là sau khi sám hối một thời gian, có người lại lâm vấp vào những khuyết điểm cũ, nên phải tiếp tục sám hối lần hai, lần ba, thậm chí đến nhiều lần.

5. Thực hành sám hối

Khi con người thành tâm, tha thiết sám hối và quan trọng hơn hết là nguyện hứa không tái phạm tội xưa, Đức Chí Tôn với lòng đại từ đại bi hẵn sẽ xét tội tình để ban ơn xá tội tùy theo mức độ nặng hay nhẹ, thành khẩn hay chiếu lệ. Bởi lẽ, người môn đệ Cao Đài hàng ngày cúng tứ thời tụng đọc Ngũ Nguyện, trong đó có câu: "Tam nguyện xá tội đệ tử." Song, để được xá tội cũng cần hội đủ một số điều kiện.

° Tam nguyện xá tội đệ tử

Thế gian không phải là một cõi toàn mỹ, cho nên tội lỗi do con người hoặc hoặc sơ tâm hoặc cố ý; hoặc ít hoặc nhiều, là một điều tự nhiên không sao tránh khỏi. Do vậy, khi chúng ta cầu khẩn tha thiết với lòng chí thành chí kỉnh cầu xin Đức Chí Tôn xá tội cho bản thân, thì mình cũng phải thể hiện lòng bác ái mà tha thứ lỗi lầm của người khác.

Sự tha thứ, lòng từ bi bác ái không giới hạn ở đâu, nghĩa là vô biên, chớ chẳng phải chỉ tha thứ, chỉ bao dung rộng lượng đối với hạng dưới tay thân thuộc của mình, mà không tha thứ bao dung đối với kẻ thù nghịch, vì là con chung của Đấng Cha Lành." ([11])

Tuy nhiên, Ơn Trên cũng lưu ý rằng tội lỗi hiện kiếp con người có thể dùng hình thức sám hối để được Đức Chí Tôn giảm trừ hoặc đại xá; còn tội lỗi từ các kiếp trước còn đọng lại trong tâm khảm do rất tinh tế nên khó nhận biết mà đoạn diệt. Vả lại, tội căn nầy quá mờ ảo, khó định danh để có thể dùng hình thức sám hối thông thường mà hóa giải được. Đức Giáo Tông Đại Đạo dạy: "Bần Đạo cũng nhắc nhở chư hiền muội phải siêng tu học và chỉ có siêng tu học cho suốt thông thì mới thấy đường cao siêu mà tiến bước, nẻo đọa lạc mà tránh đi. Tội lỗi hiện kiếp có thể dùng hình thức sám hối để xóa mờ, nhưng tội lỗi thâm sâu từ lịch kiếp hoặc tế vi ẩn áo tự đáy lòng không dễ thấy nên khó trừ." ([12])
Thiện Hạnh

Đạo có gì đâu, đạo ấy Trời,
Trời là Tiên Phật, cũng là người,
Người hay giác ngộ thành Tiên Phật,
Tiên Phật vọng tâm cũng xuống đời.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Thiền Điện, 20-10 Quý Sửu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây