Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
28/03/2006
Thiện Quang

Phương diện khoa học của giáo lý Đại Đạo

Phương diện khoa học của giáo lý Đại Đạo

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ không chỉ là một tôn giáo hay một "đạo". Chứa đựng trong chính mình sự dung hòa giữa tôn giáo và khoa học, giữa "đạo" và "đời", Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một mô hình ý thức hệ cho nhân loại về một xã hội nhân hòa, một thế giới đại đồng, trong đó, không có sự phân biệt mang tính chất chia rẽ giữa những yếu tố cấu thành xã hội ấy: "Nếu còn phân biệt giữa khoa học và tôn giáo, giữa đạo và đời, là thế nhơn hòa chưa tròn, xã hội thực thể chưa tạo lập; còn phân biệt tức chưa hoàn hảo." (Đức Lê Văn Duyệt Đại Tiên-TGST 1970-1971, tr. 27.)
Sự dung hòa này sẽ giúp con người tiến bộ trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần, nhân sinh và tâm linh. Giáo lý Đại Đạo xác nhận rằng: "Khoa học sẽ giúp người đạt địa, đạo lý sẽ giúp người thông thiên." (Đức Cao Triều Phát Đại Tiên)

Giáo lý của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một nền giáo lý được xây dựng trong một kỷ nguyên văn minh khoa học. Bởi vậy, nền giáo lý đó phản ảnh sự tiến bộ của văn minh khoa học, thể hiện cả những gì khoa học đã đạt được lẫn những gì khoa học chưa từng vươn đến. Nền giáo lý đó cũng tán thưởng những mặt tích cực của khoa học và chỉ ra những khuyết điểm của khoa học để nhân loại có thể hoàn thiện hóa khoa học.
Sự phản ảnh những tiến bộ của khoa học trong giáo lý Đại Đạo
Để truyền đạt đạo lý cho nhân loại trong một thời đại văn minh khoa học phát triển như thời hạ nguơn mạt kiếp này, các Đấng Thiêng Liêng không những sử dụng những phương pháp phân tích khoa học, mà còn vận dụng nhiều kiến thức khoa học cụ thể để giải thích những vấn đề đạo lý trừu tượng.
Do đó, chúng ta có thể tìm thấy dấu vết của nhiều thành tựu khoa học trong giáo lý Đại Đạo. Những dữ kiện minh họa sau đây cho thấy rằng việc sử dụng những tri thức khoa học để diễn đạt đạo lý là một điều rất tự nhiên đối với các Đấng Thiêng Liêng.
Chẳng hạn, khi nói về cơ sở khoa học và cơ sở đạo lý của điều cấm thứ ba trong Ngũ Giới Cấm (Bất Tà Dâm), Đức Chí Tôn Thượng Đế đã giải thích về cấu tạo của cơ thể con người, ở cấp độ tế bào sinh học, như sau:
"Phàm xác thân con người, tuy mắt phàm coi thân hình như một, chớ kỳ trung nơi bổn thân vốn một khối chất chứa vàn vàn muôn muôn sanh vật. Những sanh vật ấy cấu kết nhau mà thành khối (la formation des cellules). Vật chất ấy có tánh linh. Vì chất nuôi nấng nó cũng đều là sanh vật; tỉ như rau, cỏ, cây, trái, lúa, gạo, mọi lương vật đều cũng có chất sanh.
Nếu nó không có chất sanh thì thế nào tươi tắn và chứa sự sống, như nó khô rũ thì là nó chết. Mà các con nào ăn vật khô héo bao giờ. Còn như nhờ lửa mà nấu, thì là phương pháp tẩy trược đó mà thôi, chớ sanh vật bị nấu chưa hề phải chết." Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế: Ngọc Đàn (Giồng Ông Tố), 21-6 Bính Dần (30-7-1926): Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q. 1, tr. 33-34.
Một ví dụ khác, nói về cơ sở đạo lý của những khái niệm "thiên đàng" và "địa ngục", Đức Chí Tôn đã giải thích:
"Các con ôi! Hễ cái tâm sáng suốt, thiện từ, đạo đức là thiên đàng. Còn tâm mê muội, vạy tà, hung bạo là địa ngục. Vậy thì địa ngục, thiên đàng cũng chỉ tại "tâm"!
Theo thế thường các con hiểu, thì thiên đàng là cảnh tuyệt mù trên cõi hư vô, là nơi cực kỳ tráng lệ, tinh xảo an vui, còn địa ngục là ở dưới đất. Nếu các con cho địa ngục là ở dưới đất thì lầm lắm. Trong trung tim trái đất chỉ toàn là lửa không." Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế: 23-9 Bính Tý (06-11-1936): Đại Thừa Chơn Giáo, tr. 420-422.

Đây là những đoạn thánh ngôn không những có một lối phân tích và giải thích khoa học, mà còn lấy một số kiến thức khoa học để giải thích những vấn đề đạo học khi phổ biến giáo lý cho đại chúng. Điều đáng lưu ý là, các Đấng Thiêng Liêng tuy vận dụng những kiến thức khoa học cụ thể nhưng không bao giờ tự giới hạn đạo lý ở những kiến thức khoa học cụ thể, vốn là những kiến thức mà nhân loại chỉ mới đạt được ở một giai đoạn lịch sử nhất định. Ví dụ, sinh vật học tuy đã khám phá ra tế bào, nhưng chưa biết được rằng vật chất của tế bào có "tánh linh"; và không vì hạn chế đó mà vào năm 1926 Đức Chí Tôn không dạy rằng "Những sanh vật ấy cấu kết nhau mà thành khối (la formation des cellules). Vật chất ấy có tánh linh".

Mặt khác, vì đại chúng là đối tượng chính, những đoạn thánh ngôn này thường mang những phong cách ngôn ngữ bình dân ở không gian và thời gian mà Đấng Thiêng Liêng giáng cơ dạy đạo. Trong hai đoạn trích vừa được nêu trên đây, ta có thể thấy được một phong cách ngôn ngữ tương tự như phong cách ngôn ngữ của những đoạn văn trên các sách vở phổ biến khoa học ở Việt Nam vào những thập niên 1920-1940. Tuy nhiên, nếu ta thay đổi một vài cách dùng từ, thì những đoạn thánh ngôn trên đây trở nên rất hiện đại với tư tưởng khoa học chứa đựng bên trong. Chẳng hạn, trong câu "Nếu các con cho địa ngục là ở dưới đất thì lầm lắm! Trong trung tim trái đất chỉ toàn là lửa không", nếu chúng ta thay chữ "lửa" bằng chữ "dung nham" hay "plasma", rồi thay các từ ngữ địa phương bằng những từ ngữ hay-được-sử-dụng trong các tài liệu khoa học ngày nay, thì chúng ta sẽ có những mệnh đề như "Trong trung tâm trái đất chỉ toàn là dung nham". Như vậy, phong cách ngôn ngữ không ảnh hưởng đến nội dung đạo lý hay bản chất khoa học của giáo lý Đại Đạo.
Thật ra, phong cách ngôn ngữ của một đoạn thánh ngôn phụ thuộc nhiều vào đối tượng quần chúng mà đoạn thánh ngôn hướng tới, vì Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một công cuộc cứu độ dành cho mọi tầng lớp nhân loại. Một đoạn thánh ngôn được dành cho mọi tầng lớp sẽ mang phong cách ngôn ngữ của đại chúng. Nhưng vẫn có những đoạn thánh giáo thật sự dành cho những nhà khoa học ở những lĩnh vực chuyên môn khác nhau, chúng mang nặng tính chất học thuật ngay từ trong văn thể nguyên bản mà các Đấng Thiêng Liêng đã trực tiếp truyền đạt bằng cơ bút. Chẳng hạn: "Hãy nhìn vào một cố thể: một viên gạch, một thanh sắt có thực đó; nhưng nếu đi sâu vào cơ cấu của nó, mọi cố thể cấu tạo do vi tử và năng lượng, trống rỗng, cách xa nhau như các vì sao trong bầu trời." Đạo Học Chỉ Nam: Chương 4, Tiết 2, Mục 1.

Đoạn thánh ngôn này đã sử dụng những kiến thức về vật lý lượng tử, trong đó, mệnh đề "mọi cố thể cấu tạo do vi tử và năng lượng" là một mệnh đề quen thuộc của cơ học lượng tử. Ngôn từ của đoạn thánh ngôn này cũng không hề được đại chúng hóa, mà vẫn mang phong cách của các bài giảng về vật lý của Bohr hay Heisenberg.
Những ví dụ trên đây cho thấy giáo lý Đại Đạo đã phản ảnh những tiến bộ của khoa học. Mọi kiến thức, thành tựu và tiến bộ của khoa học đều có thể được giáo lý Đại Đạo sử dụng nếu điều đó chẳng những không trái chân lý mà còn giúp cho nhân loại hấp thụ đạo lý một cách dễ dàng hơn.
Nhưng, cần nhấn mạnh một lần nữa, rằng giáo lý Đại Đạo không bao giờ đặt nền tảng trên những kiến thức, thành tựu hay tiến bộ của khoa học ở bất kỳ một giai đoạn phát triển nào trong toàn bộ lịch sử văn minh nhân loại, vì những gì khoa học có được cho đến ngày hôm nay tuyệt nhiên chưa phải là những gì hoàn toàn chính xác: chúng sẽ còn tiếp tục được thay thế bởi những kiến thức ngày càng chính xác hơn, những thành tựu ngày càng mới mẻ hơn, những tiến bộ ngày càng gần với chân lý hơn.
Giáo lý Đại Đạo không bao giờ dừng lại ở những kiến thức, thành tựu hay tiến bộ của khoa học cho đến ngày hôm nay, mà luôn luôn đi trước thời đại rất xa. Nếu đứng ở thời điểm hiện tại, chúng ta không có cách nào để ước tính được là giáo lý Đại Đạo đi trước thời đại bao lâu: hàng chục năm, hàng trăm năm, hay hàng ngàn năm, hay năm hàng chục ngàn, hay thậm chí hàng trăm ngàn năm? Nhưng có một điều chắc chắn, một điều rất chắc chắn, rằng: giáo lý Đại Đạo đi trước thời đại, nếu chỉ đứng về phương diện khoa học mà nói. Thật vậy, chúng ta hãy xem một ví dụ – về quan niệm "thế nào là vũ trụ" của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ – qua đoạn thánh giáo sau đây:

"Mỗi một hạt cát là một thế giới của vũ trụ sa mạc. Mỗi một con người là một thế giới của vũ trụ nhân sinh. Mỗi một chấm sáng của bầu trời là một thế giới của vũ trụ thiên không. Mỗi một nỗi buồn phảng phất của con người là một thế giới riêng tư của tình cảm. Một rung động suy tư cũng là một thế giới của thuần lý.
Nếu đứng trên phạm vi con người, thì trời đất là một vũ trụ bao là. Nhưng trên cương vị một hạt vi trần, thì con người quả là một vũ trụ vô lượng. Con người quả là một hạt cát trong bãi sa mạc hoang vu, nhưng là hạt cát biết suy nghĩ. Vũ trụ có hàng trăm nghìn thế giới, mỗi thế giới có vô lượng thế giới tế vi hơn." Đạo Học Chỉ Nam: Chương 4, Tiết 2, Mục 1.
Đây là một minh họa cho sự đi trước thời đại của giáo lý Đại Đạo. Đoạn thánh giáo này chẳng những không hề mâu thuẫn với bất kỳ nguyên lý nào của bất kỳ khoa học nào, mà còn chỉ ra những hướng nghiên cứu, những hướng khảo sát, những triển vọng, những kết quả tiềm năng,… của nhiều ngành khoa học khác nhau: tâm lý học, vật lý học, toán học, triết học…
Cần phải nói rõ rằng, các Đấng Thiêng Liêng giáng cơ dạy đạo là để thực hiện cơ cứu độ kỳ ba, chứ không phải để thay thế nhân loại trong vai trò phát triển khoa học. Nhưng khoa học khi được vận dụng đúng chỗ sẽ trở thành một phương tiện rất tốt để giúp con người hiểu được sự huyền nhiệm của đạo lý trong chính bản thân con người. Lời dạy sau đây của Đức Đông Phương Chưởng Quản cho chúng ta một ví dụ có liên quan đến điều này:

"Chư đệ muội! Trong khoảng không gian vẫn có âm thanh, vẫn có hình ảnh các loại. Con mắt thường, lỗ tai thường không thể nghe và thấy các loại âm thanh, hình ảnh đó. Một khi chư đệ muội có máy thu thanh, có máy thu hình, sẽ nghe và thấy được những âm thanh hình ảnh đó. Đó mới là khoa học phát minh, tìm hiểu trong vật chất mà thôi.
Còn nói về lãnh vực tâm linh huyền nhiệm của Tạo Hóa, đối với những hàng tu học, thì lại càng cao siêu tân kỳ hơn nữa. Hình ảnh các Đấng Thiêng Liêng vẫn có, âm thanh các Đấng Thiêng Liêng vẫn có. Khi người tu muốn nhận được những âm thanh, hình ảnh đó, không phải dùng những dụng cụ thông thường như máy thu thanh, máy thu hình mà tiếp nhận được. Muốn tiếp nhận được cần các điều kiện khác, không phải tốn phí đắt tiền như các loại máy móc dụng cụ vật chất do khoa học thực tiễn phát minh, mà phải do mỗi người biết tu học nhẫn nại kiên trì liên tục mới có thể tiếp nhận được những âm thanh, hình ảnh đó. Vì thế nên các Đấng Thiêng Liêng thường dạy: Tu phải học, học để hiểu rõ ngọn nguồn, hiểu phải hành cho kiên trì nhẫn nại liên tục để phát triển Thánh Tâm, mở mang Thánh Ý, khêu tỏ ngọn đèn từ huệ [nơi] nội tâm của mỗi người.
Khi tâm linh được mẫn tuệ huệ khai thì người và Trời hòa đồng như một, vẫn nghe được tiếng nói không lời, vẫn thấy được hình ảnh không sắc tướng.
Chư hiền nói riêng, trong các tôn giáo dùng cơ bút nói chung, sở dĩ còn dùng cơ bút để Tiên, Phật, nương nơi đó viết thành văn, đọc thành lời, là bởi vì chư hiền cũng như các giới khác chưa khêu tỏ trọn vẹn ngọn đèn từ huệ. Khi mỗi người khêu tỏ được ngọn đèn từ huệ rồi thì tự mình nghe được tiếng nói không lời, thấy được những hình ảnh không sắc tướng của các Đấng nơi cảnh giới khác." (Đức Đông Phương Chưởng Quản)
Sự phê bình đối với khoa học trong giáo lý Đại Đạo
Với lập trường Thuần chơn vô ngã, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ rất trân trọng những gì khoa học đã đạt được cho đến ngày hôm nay, dù biết rằng đó chỉ là những "kết quả gần đúng". Nhưng giáo lý Đại Đạo cũng chỉ ra những khuyết điểm của khoa học một cách rất thẳng thắn.
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo đã phê bình rằng sự mất quân bình giữa lý trí khoa học và đạo đức lương tri đã đẩy nhân loại đi đến tình trạng khủng hoảng như hiện nay: "Sự chênh lệch cách xa, một bên trí năng phát minh khoa học, và một bên đạo đức lương tri tạo nên tai họa khủng hoảng mờ mịt không lối thoát." (Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo.)

Theo Đạo Học Chỉ Nam, nền văn minh khoa học lý trí có thể được coi là thoát thai từ triết học duy lý của Descartes từ thế kỷ 17, một hệ thống triết học "về những ý tưởng phân minh rõ rệt" Đạo Học Chỉ Nam: Chương 4, Tiết 4, Mục 3.. Descates cho rằng bất cứ cái gì, nếu có thật, cũng phải được xem xét dưới ánh sáng của lý trí, và chúng chỉ xứng đáng được chấp nhận nếu có chứng cớ rõ ràng. Chủ trương đó đã dẫn đến sự phát triển của khoa học ở Galilée và Newton. Nhận định về giai đoạn cực thịnh này của khoa học "duy lý", Đạo Học Chỉ Nam viết: "Galilée và Newton vô tình được nhặt những con nghêu, con sò ở tận nơi đáy biển chân lý. Họ đã thăm dò, tìm hiểu vũ trụ, nhận được một định luật nhân quả tương quan tuyệt đối của thời gian và không gian. Định luật ấy đã đem lại một nền khoa học vật chất đầy đủ, khám phá ra những nguyên tắc cấu tạo muôn vật." Đạo Học Chỉ Nam: Chương 4, Tiết 4, Mục 4.

Tuy nhiên, nếu chỉ có bấy nhiêu, ta sẽ không hiểu vì sao lại có thể xuất hiện tình trạng như Đức Giáo Tông Vô Vi đã nhận định. Đạo Học Chỉ Nam đã đi vào nguyên nhân của sự việc bằng lời phê bình sau đây đối với khoa học duy lý: "Khoa học là nguồn sống túc mãn, giúp cho con người và xã hội một cuộc đời giàu sang, no ấm. Nhưng khoa học do lý trí khám phá, thì lý trí kia cũng lợi dụng khoa học để thỏa mãn cá nhân, đạo đức luân lý không còn giá trị. (…) Khoa học đã đặt một hướng đi quá máy móc ở vào thế kỷ 18-19, còn lệch lạc, phiến diện, do thuyết nhị nguyên lưỡng cực, bị tư bản con buôn mua chuộc, lợi dụng độc quyền, nhân dân sống thiếu tình cảm, đối xử nhau bằng lý trí khô khan." Đạo Học Chỉ Nam: Chương 4, Tiết 4, Mục 4.

Trong đoạn thánh giáo trên đây, "thuyết nhị nguyên lưỡng cực" chính là luận lý học hình thức. Đạo Học Chỉ Nam gọi giai đoạn khoa học máy móc theo chủ trương duy lý của Descartes trên nền tảng luận lý học hình thức của Aristotle là giai đoạn "ấu trĩ" Đạo Học Chỉ Nam: Chương 4, Tiết 4, Mục 4. của khoa học.
Vậy, theo giáo lý Đại Đạo, khoa học đã thoát khỏi giai đoạn "ấu trĩ" hay chưa? Đạo Học Chỉ Nam nhìn nhận, sự khai sinh của vật lý học hiện đại đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử, đưa khoa học ra khỏi giai đoạn ấu trĩ đó và đạt được những tiến bộ đúng đạo lý:
"Từ bước ấu trĩ đó, khoa học đã chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn dung thông hòa dịu, đem tâm và vật, cả lý lẫn tình, làm cho khoa học có một cặp mắt tinh thông, thấu tận căn cơ của Tạo Hóa. Ấy là khoa học tân vật lý vào đầu thế kỷ 20, do một vị bác học: Einstein.
Tân vật lý đã chỉ chỗ sai lầm của khoa học máy móc trước đó: chú trọng về vật chất, đánh lạc tinh thần, đem lại cho đời đầy [những] khô khan máy móc; khoa học chỉ biết hiện tượng bên ngoài là phần cạn cợt, phải đi sâu vào cái bản thể thống nhứt tất cả, gọi là Thiên lý hồn nhiên, mà ông Einstein gọi là Unité indifférenciée (vạn vật nhất thể).
Ông Einstein nói: (…) các việc của con người hiểu biết về vũ trụ và những trực giác trừu tượng rốt cuộc quy về một nguồn gốc, và cái Một thâm sâu ẩn trong vũ trụ cuối cùng sẽ được lộ bày." "Toutes les perceptions que lhomme a de lUnivers et toutes ses intuitions abstraites se ramènent finalement à lUnité, et la profonde unité cachée de lUnivers est enfin dénudée." Đạo Học Chỉ Nam: Chương 4, Tiết 4, Mục 4.

Nhưng trong khoa học hiện đại, vật lý học chỉ là một đại diện. Từ sự đại diện cho một hướng tiến bộ đúng đạo lý cho đến việc toàn bộ khoa học hiện đại thật sự đồng nhịp bước trong hướng đi đúng đạo lý này, khoảng cách hãy còn rất xa. Do đó, Đạo Học Chỉ Nam đã khuyến cáo:

Hỡi bác học Đông Tây thời đại
Nào triết gia tứ hải ngũ châu
Chưa thông khởi điểm ban đầu
Tầm thiên quật địa, cơ cầu ích chi!
Đạo Học Chỉ Nam: Chương 4, Tiết 2, Mục 1.

Như vậy, giáo lý Đại Đạo đã phê bình khoa học trên những ưu và khuyết điểm của nó bằng lập trường "thuần chơn vô ngã", vì sự tiến bộ chung của cả nhân loại trong tương lai, chứ không vì một định kiến hẹp hòi nào. Sự phê bình này nhằm đến một mục đích duy nhất, là chỉ ra cho nhân loại biết đâu là những ngõ ngách bế tắc của lý trí và đâu là đại lộ dẫn đến chân lý, một chân lý có thể kiểm nghiệm được bằng sự phát triển bền vững của nền văn minh của chính nhân loại.
Giáo lý Đại Đạo rộng mở cho nhân loại tự do nghi vấn trước chân lý
Trong khoa học, con người hoàn toàn tự do trong việc nêu lên những nghi vấn, đặt những câu hỏi về bất cứ điều gì mà con người chưa hiểu rõ. Đối với khoa học, không có một thắc mắc nào có thể bị coi là phạm thượng, hay xúc phạm đến danh dự của khoa học, hay phản lại sự tiến bộ của nhân loại.
Cũng vậy, đối với giáo lý Đại Đạo, không có thắc mắc nào về đạo lý, hay về chính bản thân nền giáo lý này, hay về bất kỳ điều gì trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, lại có thể bị coi là phạm thượng, hay làm tổn thương đức tin, hay xúc phạm đến phẩm giá của Đại Đạo.
Con người hoàn toàn có quyền tự do đặt nghi vấn về Đại Đạo. Hơn nữa, con người phải thực hiện quyền tự do nghi vấn ấy một cách nhiệt thành nếu như con người muốn thật sự hiểu được chân lý Đại Đạo.
Nếu nhà khoa học có thể giải thích được tường tận một điều gì, thì không có nghĩa là chân lý nhờ sự giải thích đó mà hiện hữu; ngược lại, nếu nhà khoa học không thể hoặc chưa thể giải thích được, thì cũng chẳng có nghĩa là chân lý bởi đó mà không thể hoặc chưa thể hiện hữu. Chân lý là chân lý; trình độ nhận thức của con người không đại diện được cho chân lý, và khả năng giải thích chân lý của con người lại càng không phải là một yếu tố định đoạt số phận của chân lý.
Với cùng thái độ như của nhà khoa học trước chân lý, con người tín đồ Đại Đạo không có lý do gì để tự cao hay tự ti trong việc tìm hiểu đạo lý thông qua việc tìm hiểu và giải thích nền tôn giáo của mình, cũng như kho tàng giáo lý của mình.

Trong giáo lý Đại Đạo, "chân lý của khoa học" và "đạo đức của tôn giáo" là một. Việc đặt những chữ này vào các dấu ngoặc kép là để hàm ngụ rằng sự phân biệt hai đối tượng này, cũng như cách sử dụng những từ ngữ như vậy, chỉ là một tình trạng miễn cưỡng. Giáo lý Đại Đạo vẫn sử dụng một cách không phân biệt những phương pháp trong cả hai lĩnh vực đó (và không chỉ có những phương pháp trong những lĩnh vực đó) để đem chân lý đạo đức đến cho nhân loại.
Chân lý của khoa học và đạo đức của tôn giáo luôn phải phát triển song hành, thì xã hội nhân loại mới phát triển được một cách quân bình. Giáo lý Đại Đạo phân tích:

"Từ xưa đến nay, trên mặt hoàn cầu, nước nào cũng cần phải có khoa học [và] đạo đức cả. Nếu có khoa học mà không đạo đức thì người càng thêm làm ác, bằng có đạo đức mà không khoa học thì người lại mê muội biếng lười.
Thế nên, nước muốn mạnh, dân muốn khôn, thì đạo đức và khoa học cần phải đi cặp với nhau luôn mới đặng. Nay lấy ví dụ mà xét điều mê tín với chánh tín, thì hạng văn nhân chỉ trọng ở chỗ lý luận về chỗ giả thuyết mà thôi. Hỏi, trọng khoa học [và] chê đạo đức, có phải là mê tín chăng? Hỏi, người đời tin ở nơi ngôn luận kia, có phải là mê tín chăng? (…) Chánh tín bao giờ cũng có chủ trương, mà mê tín bao giờ cũng là giả thuyết. Nếu đem [vấn đề ra] ngoài [phạm vi của] quyền thế, lấy lẽ công bình [mà xét], thì đời phải cần học tầm ở chỗ đạo đức mới đặng thấu triệt máy huyền nhiệm và tấn hóa theo cơ Trời, mới có ngày thoát ly tỉnh muội." Đức Di Lạc Thiên Tôn: Thánh Đức Chơn Kinh, Q. 3, tr. 48.

Một nền giáo lý đã rộng mở cho sự tự do nghi vấn của nhân loại như giáo lý Đại Đạo, thì chắc hẳn phải là một nền giáo lý được đặt trên tinh thần khoa học. Tất cả mọi thành kiến mà khoa học đã dành cho tôn giáo, hay tất cả những thành kiến mà tôn giáo đã dành cho khoa học, đều không có chỗ đứng trong giáo lý Đại Đạo, cũng như trong cơ cứu thế kỳ ba của Thượng Đế.
Chúng ta sẽ thấy được những gì, nếu nhìn giáo lý Đại Đạo như một khoa học? Dưới nhãn kiến này, giáo lý Đại Đạo là một hệ thống tri thức khoa học chứa đựng một triển vọng phát triển vô hạn, có khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh và mọi thời đại.
Sự phát-triển-để-thích-ứng đó, tuy nhiên, không thể tự động xảy ra, mà phải được hiện thực hóa và phát huy bởi các tín đồ Đại Đạo. Vì vậy, Đức Cao Triều Phát đã dạy các thế hệ tiếp nối sứ mạng trong Đại Đạo: "Xã hội ngày nay tiến tới những tương quan càng thêm phức tạp, tinh thần tư tưởng con người cũng biến chuyển, không ngừng đổi thay, thay đổi. Thế nên, các em phải làm thế nào giáo lý Đạo luôn có tính cách thích ứng với thời đại và hoàn cảnh, chung cũng như riêng." (Đức Cao Triều Phát Đại Tiên)
Chính người tín đồ Đại Đạo phải hết sức dè dặt khi sử dụng những luận điểm hoặc những cách giải thích không còn thích hợp với thời đại và hoàn cảnh hiện tại. Vì sao?
"Muốn thực hiện thế nhơn hòa, mà không dùng ngôn từ của người đời nay, thì mong gì người hiểu được ta mà phổ độ." (Đức Cao Triều Phát Đại Tiên.)

Sự dẫn dắt của các Đấng Thiêng Liêng trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của văn minh khoa học.
Một trong những điều thuộc về lý tưởng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, là phát triển văn minh khoa học của nhân loại bằng chính giáo lý Đại Đạo. Đức Cao Triều Phát đã từng dạy: "Đại Đạo là cánh cửa Càn Khôn, rộng mở cho văn minh khoa học loài người đạt đến điểm cao vút, để nhìn thấy cơ vi mầu nhiệm của Tạo Hóa mà thành tín trước đức háo sanh mầu nhiệm và đức từ bi sáng tạo vô ngần của Thượng Đế." ( Đức Cao Triều Phát Đại Tiên)

Để thực hiện lý tưởng đó, Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã dạy:
"Hai hướng chính để chư hiền phát huy, là: (1) xây dựng nền tảng giáo lý theo kịp trình độ văn minh khoa học hiện đại để phổ độ khắp thế giới nhân loại, (2) mặt khác làm xiển dương thánh ý: dân tộc Việt Nam là dân tộc được chọn làm nền móng khai sáng cơ đạo; nên cần phát huy truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc theo đường lối Tam Giáo Quy Nguyên, Vạn Giáo Nhứt Lý và Thiên Nhân Hiệp Nhứt, làm nổi bật thuần túy tính chất của dân tộc mà luôn khế hợp với Bản Thể Đại Đồng nhân loại. Chư hiền cần làm sáng tỏ sưu tập kinh điển và văn hóa dân tộc cũng như văn hóa Đông Tây để khế hợp giữa cơ Đạo và văn minh toàn nhân loại." (Đức Lý Đại Tiên Trưởng, Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ)

Thật ra, lời dạy trên đây không chỉ dành riêng cho một thánh sở, mà đó còn là một lời hướng dẫn từ phía Thiêng Liêng đối với toàn nhân loại, để nhân loại biết phát triển chính những di sản văn hóa và khoa học mà mình đã có, bằng cách sử dụng những gì mà Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng đã mang đến cho nhân loại qua kho tàng giáo lý Đại Đạo.
Như vậy, có hai hướng tiếp cận đối với việc sử dụng giáo lý Đại Đạo trong việc tác động trực tiếp lên khoa học, thúc đẩy khoa học phát triển.
Hướng thứ nhất, là vận dụng những phương pháp và nguyên lý của giáo lý Đại Đạo vào các lĩnh vực khác nhau trong khoa học. Điều này sẽ có khả năng dẫn đến những phát minh hoặc sáng tạo trong các lĩnh vực đó. Trong hướng tiếp cận thứ nhất này, Đức Giáo Tông Vô Vi đã dẫn dắt như sau: "Hãy làm thế nào cho giáo lý Đạo có một căn bản lý luận vững chắc, khoa học, và khai triển sâu rộng mọi mặt, giải đáp các vấn đề then chốt của triết lý siêu hình, hiện đại, khoa học, v.v..." ( Đức Lý Đại Tiên Trưởng, Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.)
Hướng thứ hai, dù nghiên cứu giáo lý Đại Đạo hay giáo lý vạn giáo, nghiên cứu văn hóa dân tộc Việt Nam hay văn hóa Đông-Tây, nghiên cứu khoa học tự nhiên hay khoa học nhân văn, cần chú ý đến các tương quan bất biến (invariant relationship) đối với sự biến đổi của không-thời gian mà lĩnh vực nghiên cứu tương ứng có thể đề cập đến. Những tương quan bất biến này chính là Đạo trong lĩnh vực nghiên cứu mà ta đang làm việc hoặc đang xem xét.
Trong hướng tiếp cận thứ hai này, Đức Giáo Tông Vô Vi đã dẫn dắt như sau: "Dân tộc Việt Nam là dân tộc được chọn làm nền móng khai sáng cơ đạo; nên cần phát huy truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc theo đường lối Tam Giáo Quy Nguyên, Vạn Giáo Nhứt Lý và Thiên Nhân Hiệp Nhứt, làm nổi bật thuần túy tính chất của dân tộc mà luôn khế hợp với Bản Thể Đại Đồng nhân loại. Chư hiền cần làm sáng tỏ sưu tập kinh điển và văn hóa dân tộc cũng như văn hóa Đông Tây để khế hợp giữa cơ Đạo và văn minh toàn nhân loại." (Đức Lý Đại Tiên Trưởng, Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.)

Sở dĩ giáo lý Đại Đạo có khả năng ứng dụng vào mọi lĩnh vực tri thức của con người, đặc biệt là khoa học, để thúc đẩy sự phát triển của khoa học cũng như của mọi lĩnh vực tri thức, vì giáo lý Đại Đạo chứa đựng những nguyên lý tổng quát nhất của vũ trụ. "Vũ trụ" ở đây bao hàm tất cả những quy mô và mức độ hiện hữu của cả vật chất lẫn tâm linh, từ thế giới siêu vi mô của các hạt sơ cấp, đến thế giới vĩ mô của con người, cho đến thế giới siêu vĩ mô của những đại thiên hà hay của chính tổng thể vũ trụ. Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo đã xác nhận điều này qua đoạn thơ sau đây:

Giáo lý Đạo vô vàn sâu rộng,
Khắp thế gian chứa đựng không cùng;
Hãy đem mắt huệ mà trông,
Chỉ cho nhân thế con đường siêu sinh.
Kìa bé nhỏ, hạt nhân nguyên tử,
Vận chuyển nhanh, trật tự rành rành;
Muôn loài, muôn vật trong trần,
Lớn như vũ trụ tinh vân cũng đồng.
Ai khéo vẽ hạt nhân quỹ đạo,
Ai đặt bày cơ Tạo xoay vần;
Thiên điều quy luật công bằng,
Thông linh kỳ diệu quyền năng của Trời.

Toàn thể vũ trụ, con người và vạn vật, từ vật chất đến tâm linh, tất cả đều được vận hành bởi một nguyên lý duy nhất. Đây là điều vẫn còn nằm ở rất xa, rất xa, so với tầm tay của khoa học hiện đại. Nhưng đó tuyệt nhiên không phải là một ảo tưởng, vì ít nhất, vật lý học hiện đại đang thực hiện những bước đầu tiên một cách có hiệu quả, và những thành tựu đạt được của vật lý học trong việc thống nhất các tương tác đã chứng minh rằng niềm tin về một nguyên lý duy nhất chi phối tất cả là một niềm tin có cơ sở xác thực.
Sự dẫn dắt của các Đấng Thiêng Liêng trong việc sử dụng giáo lý Đại Đạo để thúc đẩy sự tiến bộ của văn minh khoa học không chỉ dừng lại việc vạch ra đường lối. Các Đấng Thiêng Liêng còn xây dựng một hành trang về tinh thần, chứa đựng những sức mạnh về tư tưởng cho những con người ý thức được sứ mạng trọng đại này. Dưới đây là những lời dạy của Đức Giáo Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo để xây dựng hành trang như vậy:

"Không lo không làm nỗi việc lớn, mà chỉ lo không có tư tưởng lớn. Diễn biến lịch sử của nhân loại chẳng qua là sự diễn biến của những tư tưởng lớn." (Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo)

"Từ xưa, có ai nghĩ rằng sẽ có một nền Phật Giáo thế giới cho ngày nay? Thế nhưng có. Cũng không ai dám nghĩ trên thế gian này sẽ có một Thiên Chúa Giáo cho đến ngày nay! Thế nhưng có.
Có hạt nhân nào mà lại to lớn hơn quả đâu. Một khu rừng bốc cháy đâu cần phải đến một khối lửa to tát. Những phát minh khoa học điện tử đầu tiên, có ai ngờ công năng lợi ích to tát cho đến ngày nay. Thậm chí, chính bản thân người phát minh cũng không ngờ nữa.
Bần Đạo phân như vậy để cho chư hiền đệ muội tự tin trên đường sứ mạng." (Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo)
Tại sao chúng ta chưa nhìn thấy những khả năng ứng dụng của giáo lý Đại Đạo để phát triển khoa học?
Sở dĩ người ta không thấy (hoặc chưa thấy) một khả năng ứng dụng nào của giáo lý Đại Đạo để phát triển khoa học, một phần là do giáo lý Đại Đạo – dưới dạng truyền thống, nghĩa là dưới dạng thức như trong các thánh ngôn thánh giáo – hãy còn giản lược. Thật vậy, Đức Cao Triều Phát đã dạy các thế hệ tiếp nối của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo: "Các em cần phải nâng cao tầm mức giáo lý cho có triết học, khoa học, văn học để tăng thêm tính chất hấp dẫn và phổ biến. (…) Các em cũng cần lưu ý: giáo lý Đạo quá giản lược, chưa thỏa mãn sự tìm hiểu của các giới. Nhưng phần phô diễn, phát huy [giáo lý] không phải là việc của các Đấng hay chúng Tiên Huynh, mà chỉ có thể là của các em, với sự soi dẫn Thiêng Liêng." (Đức Cao Triều Phát Đại Tiên)
Đức Cao Triều Tiền Bối đã chỉ rõ: "Tính chất giản lược của giáo lý Đại Đạo có ưu điểm là dễ hiểu, dễ phổ biến. Tuy nhiên, cũng chưa [được] làm sáng tỏ minh bạch cao độ." ( Đức Cao Triều Phát Đại Tiên)
Vì dạng thức truyền thống của giáo lý Đại Đạo chưa cho phép ứng dụng giáo lý Đại Đạo để phát triển khoa học, nên cần tìm cho giáo lý Đại Đạo những dạng thức mới.
Nhưng thế nào là dạng thức mới? Hãy phân tích một ví dụ.
Khi thiết kế chiếc máy đuôi tôm để gắn vào ghe, thuyền,… các nhà thiết kế đã áp dụng nguyên tắc phản lực. Khi "đuôi tôm" quay dưới nước, phản lực sẽ đẩy chiếc ghe chạy về phía trước.
Máy đuôi tôm là một dạng thức thể hiện nguyên tắc phản lực. Mặc dù thành công trong việc tạo ra chuyển động của ghe, thuyền… dưới nước, dạng thức "máy đuôi tôm" vẫn có những hạn chế nhất định: nó không thể hoạt động khi ta đưa vào những một số môi trường khác, chẳng hạn như môi trường chân không. Hạn chế này là do cấu hình cụ thể của dạng thức chứ không phải do bản thân nguyên tắc phản lực. Muốn phóng các phi thuyền vào không gian vũ trụ, ta vẫn phải dùng đến nguyên tắc phản lực, nhưng ta không thể dùng dạng thức "máy đuôi tôm" của nguyên tắc phản lực được. Các nhà thiết kế phi thuyền phải sáng tạo ra một dạng thức mới, khác hẳn với máy đuôi tôm về mọi chi tiết: cái duy nhất còn giữ lại là nguyên tắc phản lực.
Do đó, để thể hiện cùng một nguyên lý, các dạng thức cụ thể có thể rất khác biệt nhau. Sự khác biệt giữa các dạng thức không mang ý nghĩa phủ định lẫn nhau, không có tác dụng cạnh tranh lẫn nhau; cũng giống như sự phát minh ra hỏa tiễn không gian không buộc nhân loại phải vứt bỏ máy đuôi tôm, đơn giản là do người ta không thể gắn hỏa tiễn vào ghe, thuyền,… để thay thế máy đuôi tôm. Mỗi dạng thức, vì vậy, chỉ đáp ứng cho một số mục đích cụ thể.
Khi đề cập đến việc xây dựng cho giáo lý Đại Đạo những dạng thức mới, điều đang được nhấn mạnh ở đây là khả năng ứng dụng giáo lý Đại Đạo để phát triển khoa học. Vậy, phải xây dựng những dạng thức mang tính chất trung gian giữa đạo học cổ truyền và khoa học hiện đại, giữa văn hóa phương Tây và văn hóa phương Đông, trên nền tảng "kết tinh kim cổ, dung hòa Đông Tây" của giáo lý Đại Đạo.

Những nhu cầu về công cụ lý luận

Trong việc xây dựng những dạng thức hiện đại hơn cho giáo lý Đại Đạo, vấn đề quan trọng nhất là xác định những công cụ lý luận thích hợp.
Để tìm những công cụ lý luận cho giáo lý Đại Đạo, về lý thuyết, có thể có hai khả năng: (1) Thứ nhất, dựa trên những hệ thống luận lý học đã có, ví dụ, luận lý học hình thức, luận lý học biện chứng, luận lý học fuzzy…; (2) Thứ hai, xây dựng (hoặc xác lập) một hệ thống luận lý học của chính giáo lý Đại Đạo.
Khả năng nào sẽ xứng đáng hơn để trở thành hiện thực? Không thể đặt căn bản lý luận của giáo lý Đại Đạo trên bất kỳ một hệ thống luận lý học đã có nào. Mỗi hệ thống luận lý học dĩ nhiên đều có hàng loạt những khuyết điểm bên cạnh những ưu điểm của riêng nó, nhưng điều quan trọng là mức độ vững chắc của giáo lý Đại Đạo không thể được phó thác cho những ưu điểm và khuyết điểm của từng hệ thống luận lý học này, hoặc của những tổ hợp nào đó giữa các hệ thống luận lý học này.
Do đó, giải pháp duy nhất là phải xây dựng (hoặc xác lập) một hệ thống luận lý học của chính giáo lý Đại Đạo.
Thiện Quang

Phật Tiên buổi chót đến hồng trần,
Kêu gọi người đời rõ lý chân,
Chớ để linh tâm vùi tục lụy,
Nên ngừa cám dỗ của tà thần.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây