Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • Sài gòn : Một trung tâm thần lực / Hà Văn Phủ & Nguyễn Văn Tài

    Hiện nay Thành phố có 860 chùa, 120 tịnh xá và tịnh thất của Phật Giáo. Trong đó chùa Giác ...


  • Họa thơ Xuân / Nguyễn Phúc Đạt &Nguyễn Vô Cùng

    NCBL giới thiệu  bài thơ Xuân "Xuân tha phương" và bài họa "Xuân quê cũ" trước thềm Xuân Mậu Tý ...


  • Thân gởi tất cả anh chị em toàn Cơ Quan, Cơ Quan vừa trải qua một thử thách hết sức nặng ...


  • Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (ĐĐTKPĐ) hay đạo Cao Đài khai minh vào đầu thế kỷ 20 tại Việt ...


  • Tết nhớ về tranh Hàng Trống / Đặng Ngọc Khoa - Thanh Nien Online

    Sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, ông Lê Đình Nghiên thuộc thế hệ thứ ba ...


  • Một số người cho rằng nguồn gốc của các dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ Trung Hoa, hoặc Tây ...


  • Mỗi độ Xuân về, thiên nhiên trào dâng sức sống, vạn vật chuyển mình khởi đầu lại một chu kỳ ...


  • Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được Đức Chí Tôn lập thành vào năm Bính Dần 1926 tại Nam Việt. ...


  • Cao Đài Nhứt Bổn / Ban Biên Tập

    Cao Đài nhứt bổn Từ khi con người có mặt trên địa cầu, điều mong muốn đầu tiên là sự sống, ...


  • Chùa Thần Quang (chùa Keo) / Võ Văn Tường và Huỳnh Như Phương

    Chùa thường gọi là chùa Keo, tọa lạc ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa ban ...


  • Từ xưa nữ lưu tùy tùng nam giới, ấy là lẽ âm dương đạo pháp tôn ti. Nay trong cơ ...


  • Anh Sanjay Kumar, 42 tuổi được dân làng ngưỡng mộ kể từ khi bắt đầu hành trình "Kanwar" - gánh ...


01/10/2005
Thiện Quang

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 24/02/2010

Cao Đài nơi vũ trụ

Nói đến Cao Đài, chúng ta thường nghĩ đến đạo Cao Đài. Nói đến vũ trụ, chúng ta thường nghĩ đến những sự vật trên trời như mặt trăng, mặt trời, ngôi sao… Với những ý nghĩ như vậy, mấy chữ "Cao Đài nơi vũ trụ" dễ đưa chúng ta đến một câu hỏi: liệu có sự liên hệ nào giữa đạo Cao Đài ở dưới trái đất này với những chuyện mặt trời, mặt trăng trong vũ trụ?
Vũ trụ và đạo Cao Đài đúng là hai thực thể khác nhau, nhưng đã được sáng tạo bởi cùng một bàn tay của Thượng Đế và theo cùng một cách thức. Nói rõ hơn, Thượng Đế đã lập nên đạo Cao Đài bằng chính những cách thức mà Ngài đã lập nên vũ trụ này. Nếu quan sát kiến trúc của Tòa Thánh, rồi tìm hiểu sâu hơn về đạo Cao Đài – từ cách tổ chức Hội Thánh cho đến cách dung hòa tổng hợp giáo lý vạn giáo để tạo ra giáo lý Đại Đạo – bằng cách thức mà một nhà khoa học tự nhiên dùng để tìm hiểu thế giới, chúng ta thấy Đức Thượng Đế đã sử dụng đến những nguyên lý của sự tạo Thiên lập Địa. Những nguyên lý này đã được mặc khải thông qua cả tôn giáo lẫn khoa học từ mấy ngàn năm nay. Và trong Tam Kỳ Phổ Độ, những nguyên lý này được đại chúng hóa và hiện đại hóa bằng hai chữ "Cao Đài".
Với nhận xét này, chúng ta có thể khai triển hai chữ "Cao Đài" ở tầm mức của một khái niệm khoa học để mô tả tính thống nhất của vạn vật trong vũ trụ.

1. CAO ĐÀI - MỘT PHƯƠNG TRÌNH MÔ TẢ VŨ TRỤ
Các nhà khoa học thường mô tả vũ trụ bằng những phương trình toán học, vì ngôn ngữ thông thường của chúng ta không đủ tinh tế để diễn đạt những định lý của vũ trụ. Einstein mô tả vũ trụ của các tinh vân, thiên hà bằng các phương trình của thuyết tương đối rộng (general relativity). Shroedinger mô tả vũ trụ của các điện tử, hạt nhân nguyên tử bằng các phương trình của cơ học lượng tử (quantum mechanics). Khi phân tích ý nghĩa của các phương trình này, hoặc khi giải các phương trình này, người ta sẽ hiểu được phần nào về vũ trụ.
Hai chữ Cao Đài chứa đựng một phương trình toán tử (operational equation) mô tả vũ trụ. Nhưng để thấy được phương trình đó, chúng ta phải thực hiện những phân tích thích hợp đối với từ nghĩa của hai chữ này.
Cao Đài là gì?

Cao Đài là cái đài cao,
Vượt lên tất cả đón rào ngăn che.

Cái đài cao với một chiều cao "vượt lên tất cả đón rào ngăn che", đó là cách cắt nghĩa đơn giản nhất về hai chữ "Cao Đài". Ta có thể quan sát bất kỳ chiếc tháp cao nào mà con người đã dựng lên trên mặt đất để có một ý niệm về điều này.
Nhìn các kim tự tháp Ai Cập, hay các tháp của các chùa Phật giáo, hay tháp chuông của các nhà thờ Thiên Chúa giáo, hay thậm chí các tháp antene của các đài truyền hình, điều đầu tiên ta thấy là các tháp này phải có một chiều cao. Nhưng trong sự quan sát thông thường của mình, tại sao chúng ta nhận biết được chiều cao này? Vì chiếc tháp, hay chiếc đài, vươn lên khỏi những sự vật ở ngay chung quanh nó. Không thể có chiếc đài nào có thể cao hơn tất cả mọi thứ trên đời, nhưng mọi chiếc đài đều phải cao hơn những vật ở lân cận mình, những vật ở ngay chung quanh mình, thì nó mới là một chiếc đài đúng nghĩa. Như vậy, vươn lên để vượt qua khỏi những sự kiện thường tình chung quanh, đó đặc tính quan trọng của một chiếc đài. Ngoài chiều cao, một chiếc đài cũng phải có nhiều tầng, nhiều bậc. Những tầng này tạo nên cấu trúc của chiếc đài. Và mỗi tầng đều đóng một vai trò đặc biệt của mình:

 Tầng "dưới" làm nền tảng cho tầng "trên". Nghĩa là, phải xây dựng được tầng dưới, rồi mới xây dựng được tầng trên – không xây dựng được tầng dưới thì không thể xây dựng được tầng trên.
 Tầng "trên" thể hiện tác dụng của tầng "dưới". Nói rõ hơn, phải có tầng trên, thì người ta mới hiểu được tại sao phải có tầng "dưới", tức là hiểu được công dụng và mục đích của tầng "dưới".
Mối tương quan giữa "tầng trên" và "tầng dưới" trong một chiếc đài, như vừa trình bày trên đây, là một yếu tố quan trọng để chúng ta hiểu được tại sao hai chữ "Cao Đài" có khả năng mô tả vũ trụ.
Nói đến cái đài, tức là đã hàm ngụ chiều cao. Nhưng nếu vậy, tại sao Đức Chí Tôn lại dùng đến hai chữ Cao Đài để chỉ cái đài cao? Khi chúng ta nói "ngọn núi này cao quá" tức là chúng ta đang nói về một chiều cao không gian, còn khi chúng ta nói "giá gạo bữa nay cao quá" tức là chúng ta đang nói về độ cao của một giá trị. Xét trong hai chữ Cao Đài, bởi vì chữ Đài đã ngầm chứa ý nghĩa của một chiều cao về không gian, nên chữ Cao phải diễn đạt một độ cao về giá trị.
Như vậy, chữ "Cao" trong "Cao Đài" phải được hiểu là độ cao về giá trị. Hơn nữa, giá trị của chiếc đài phải được khởi tạo và tăng trưởng sao cho cao hơn giá trị của mọi sự vật thường tình ở chung quanh mình. Một giá trị theo ý nghĩa như vậy chỉ có thể là giá trị gắn liền với con người.

Bởi đó, ta có thể định nghĩa tóm tắt: Cao Đài là một cấu trúc phân tầng, có một trật tự xác định, và giá trị của nó là do con người tạo lập.
Những phân tích tỉ mỉ này dẫn đến hai khả năng diễn đạt danh từ "Cao Đài" thành công thức toán học:
Cao Đài = Cao + Đài (1)
Cao Đài = Cao x Đài (2)
Hai công thức này đều nói rằng ý nghĩa của danh từ "Cao Đài" được kết hợp bởi ý nghĩa của hai chữ – "Cao" và "Đài" – tuy nhiên, ta phải loại bỏ công thức (1) và chọn công thức (2) vì lý do sau đây. Phép cộng chỉ có ý nghĩa khi ta cộng những sự vật cùng đơn vị đo (ta có thể cộng 1kg gạo với 3kg gạo để được 4kg gạo, nhưng sẽ là vô nghĩa nếu ta cộng 1kg gạo với 3 volts điện thế). Vì "Đài" là một cấu trúc còn "Cao" là một giá trị của cấu trúc đó, nên hai thứ này khác nhau và ta không thể cộng lại. Do đó, ta phải bỏ đi công thức (1). Công thức (2) là phù hợp, vì phép nhân ở đây – ngoài việc cho phép kết hợp hai đối tượng khác đơn vị đo – còn nói rằng chiều cao toàn phần của một chiếc đài sẽ được tăng gấp bội so với chiều cao không gian của nó, và bội số này chính là giá trị của bản thân chiếc đài.

Thiên Địa Nhân trong Cao Đài

Cao Đài còn có nghĩa là Thiên Địa. Đức Trần Hưng Đạo dạy:
Cao thị Thiên cao chưởng vạn loài
Đài vi Địa hậu dưỡng vô nhai.
với đại ý: Cao là cái cao cả của Trời để sáng tạo nên muôn vật; Đài là cái sâu dày của Đất để nuôi dưỡng muôn vật.

Mặt khác, nhân khi giải thích về danh hiệu "Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam" – một danh hiệu của Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo ở một chặng đường sứ mạng trước đây – Đức Ngôi Hai Giáo Chủ Ngô Minh Chiêu đã cắt nghĩa chữ Cao Đài: "Cao Đài - chỗ Thiên Nhơn hiệp nhứt."
Từ những lời dạy trên, hai chữ Cao Đài bao hàm ý nghĩa của cả ba phạm trù Thiên, Địa, Nhân. Diễn đạt thành công thức toán học, ta có thể viết:

Cao Đài = Thiên + Địa + Nhân (3)
Phương trình mô tả vũ trụ

Từ các công thức (2) và (3), ta có phương trình:

Cao x Đài = Thiên + Địa + Nhân

Vế trái của phương trình này mô tả vũ trụ như một chiếc đài cao có vô số tầng mà chiều cao toàn phần của chiếc đài sẽ được quyết định bởi chính giá trị của chiếc đài. Vế phải của phương trình mô tả những nhân tố tạo nên cấu hình và giá trị của vũ trụ.
Bây giờ, chúng ta sẽ diễn dịch phương trình này thành kiến trúc của vũ trụ.

2. CAO ĐÀI – BẢN THIẾT KẾ CỦA VŨ TRỤ

Trước khi xây dựng một sự vật gì, từ một tòa nhà cho đến một chương trình máy tính, người ta đều phải tạo ra được bản thiết kế của sự vật đó. Cũng vậy, trước khi sáng tạo ra vạn vật trong vũ trụ, từ những hạt nhân nguyên tử bé nhỏ đến những thiên hà khổng lồ, Đức Chí Tôn Thượng Đế đã vẽ những bản thiết kế rất tinh vi. Mượn những ngôn từ của khoa học lẫn đạo học, Đức Lý Giáo Tông đã ca tụng những bản thiết kế này như sau:

Ai khéo vẽ hạt nhân, quỹ đạo,
Ai đặt bày cơ Tạo xoay vần;
Thiên điều, quy luật công bằng,
Thông linh kỳ diệu, quyền năng của Trời.

Từ xưa đến nay, trong khoa học và đạo học, đã có biết bao nỗ lực để tìm hiểu phần nào những bản thiết kế của Tạo Hóa. Những gì nhân loại hiểu được về bản thiết kế ấy cho đến nay – tuy chỉ mới là một phần nhỏ – cũng đã làm nên sự tiến bộ đáng kể về khoa học và đạo học.

Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, những bản thiết kế của vũ trụ đã được công bố chính thức thông qua cách thức xây dựng nền đạo của Đức Chí Tôn. Chỉ riêng hai chữ "Cao Đài" cũng đã chứa đựng những thông tin cơ bản về bản thiết kế đó.
Vũ trụ được thiết kế theo nguyên lý của một chiếc đài cao, bao gồm nhiều tầng và các tầng này được sắp xếp theo một thứ bậc xác định. Bằng ngôn ngữ triết học, ta có thể trình bày vũ trụ trên hai phương diện: vũ-trụ-tự-tại (tức là chính bản thân vũ trụ) và vũ-trụ-biểu-kiến (tức là vũ trụ qua sự quan sát, nghiên cứu và giải thích của con người). Với vũ-trụ-tự-tại, đó là chiếc đài cao về mặt cấu tạo của vạn vật. Với vũ-trụ-biểu-kiến, đó là chiếc đài cao về mặt nhận thức của con người.

Bản thiết kế của vũ-trụ-tự-tại

Vũ-trụ-tự-tại là bản thân của vũ trụ, do sự tạo tác của Thượng Đế mà có.
Xét về mặt không gian, thiên hà được cấu tạo từ những thiên thể, thiên thể được cấu tạo từ những phân tử, phân tử được cấu tạo từ những nguyên tử, nguyên tử được cấu tạo từ các proton, neutron, electron, v.v… Nghĩa là, vũ trụ được cấu tạo thành nhiều tầng. Những tầng "dưới" là những tầng siêu vi mô (của hạt cơ bản); còn những tầng "trên" là những tầng siêu vĩ mô (của các thiên hà). Với những tầng cấu tạo này, vũ trụ thật sự là một hệ thống thứ bậc trong không gian.
Xét về mặt thời gian, vũ trụ tương lai phát sinh từ vũ trụ hiện tại, và vũ trụ hiện tại phát sinh từ vũ trụ quá khứ. Do đó, vũ trụ cũng là một hệ thống thứ bậc trong thời gian.
Như vậy, những sự kiện trong cả không gian lẫn thời gian đều cho thấy vũ trụ (vật chất) được cấu tạo theo nguyên lý của một chiếc đài cao.
Nếu kết hợp định nghĩa "Cao Đài" với các kiến thức khoa học hiện đại – bất cứ ngành khoa học nào – chúng ta cũng thấy rằng bất kỳ một sự vật, hiện tượng hay quá trình nào trong vũ trụ cũng đều là Cao Đài. Thật vậy, từ một tập đoàn thiên hà khổng lồ, cho đến các hệ mặt trời, rồi đến trái đất, hay một chiếc lá, một tế bào sống, một phân tử ADN, một nguyên tử hydrogen, một quark, một neutrino... tất cả đều có cấu trúc phân tầng trong không-thời gian. Bởi đó, chúng ta và vạn vật đang cùng sống trong chiếc đài cao của vũ trụ vật chất. Và như vậy, thế giới tự nhiên chung quanh ta là một thế giới Cao Đài.
Mặt khác, bản thiết kế Cao Đài của vũ trụ còn được thể hiện qua tính trật tự của các hiện tượng trong vũ trụ:
Kìa bé nhỏ hạt nhân, nguyên tử,
Vận chuyển nhanh, trật tự rành rành;
Muôn loài, muôn vật trong trần,
Lớn như vũ trụ, tinh vân cũng đồng.
Khi chúng ta quan sát những hiện tượng tự nhiên trong Trời Đất, ví dụ như ngày rồi đêm, mưa rồi nắng… chúng ta thấy tất cả đều diễn tiến theo một trình tự nhất định. Một ngày bắt đầu bằng bình minh, rồi buổi sáng dần dần nhường chỗ cho buổi trưa, buổi trưa cũng dần dần nhường chỗ cho buổi chiều, và rồi hoàng hôn buông xuống, một ngày kết thúc và bóng tối bao trùm. Khi màn đêm đi qua, bình minh lại đến để bắt đầu một ngày mới.
Điều bình thường này có vẻ như không có gì đáng để nói. Tuy nhiên, muốn làm được điều bình thường đó, Tạo Hóa cũng đã phải mất rất nhiều công phu. Nào là phải tạo cho được ra một thái dương hệ, trong đó mặt trời có đủ năng lượng để luôn sáng rực và có đủ sức nóng từ triệu năm này qua triệu năm khác, rồi phải làm sao cho trái đất có thể vừa quay quanh mặt trời này, vừa tự quay tròn quanh trục của chính trái đất theo một chiều quay duy nhất, v.v…
Trong một chuỗi công việc bao gồm nhiều giai đoạn của mình, Tạo Hóa luôn thực hiện theo một quy tắc đơn giản: phải xong những công việc của giai đoạn thứ nhất, rồi mới bước qua những công việc của giai đoạn thứ nhì, và cứ theo trình tự đó, mà bước sang những công việc của các giai đoạn sau. Giả sử Đức Thượng Đế tạo ra người nguyên thủy trước khi tạo ra mặt trời, thì những người nguyên thủy đó sẽ nhanh chóng phải chết trong bóng đêm, vì không tìm được hơi ấm (nhiệt lượng) cần thiết để duy trì sự sống. Bởi vậy, tính chất "có trật tự" là một tính chất cần thiết để vạn vật có thể tồn tại được trong vũ trụ.

Bản thiết kế của vũ-trụ-biểu-kiến

Vũ-trụ-biểu-kiến là kết quả quan sát, nghiên cứu và giải thích vũ-trụ-tự-tại của con người. Nói cho chính xác, vũ-trụ-biểu-kiến chỉ là một hình ảnh nào đó về vũ trụ trong tư tưởng của con người mà thôi. Hình ảnh này có thể thay đổi – không phải do sự biến dịch của bản thân vũ trụ – mà do sự tiến bộ về nhận thức của con người.

Vũ-trụ-biểu-kiến cũng là một tòa Cao Đài, vì cũng có một cấu trúc phân tầng. Để thấy rõ điều đó, chúng ta hãy đến thăm Toà Thánh Tây Ninh. Bước vào trong Đền Thánh và nhìn trên Thiên Bàn, ta thấy một trái cầu lớn có vẽ hình Thiên Nhãn được gọi là trái Càn Khôn. Vào năm Bính Dần 1926, Đức Chí Tôn đã dạy chư Tiền Khai Đại Đạo tạo nên trái Càn Khôn này, như sau:
"(…) Thầy giao cho con lo một trái Càn Khôn. Con hiểu nghĩa gì không?... Cười... Một trái như trái đất, tròn quay, hiểu không? Bề kinh tâm ba thước ba tấc, nghe con. Lớn quá, mà phải vậy mới đặng, vì là cơ màu nhiệm Tạo Hóa trong ấy. Mà sơn màu xanh da trời; cung Bắc Đẩu và tinh tú vẽ lên Càn Khôn ấy. Thầy kể: tam thập lục thiên, tứ đại bộ châu ở không không trên không khí, tức là không phải tinh tú, còn lại, thất thập nhị địa và tam thiên thế giái thì đều là tinh tú; tính lại ba ngàn bảy mươi hai ngôi sao. Con phải biểu vẽ lên đó cho đủ. Con dở sách thiên văn Tây ra coi mà bắt chước."
Đức Chí Tôn đã dạy chư Tiền Khai Đại Đạo "dở sách thiên văn Tây ra coi mà bắt chước" để vẽ cho đủ 3.072 ngôi sao lên trái Càn Khôn.  Sách "thiên văn Tây" ở đây nghĩa là sách của ngành thiên văn học, mà ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy qua các giáo trình thiên văn học hoặc vật lý thiên văn ở một số trường đại học. Trong thiên văn học, các ngôi sao trên bầu trời được các nhà thiên văn ở châu Âu tổ chức thành các chòm sao. Mỗi chòm sao đều được đặt tên, và mỗi ngôi sao trong từng chòm sao đều được đánh ký hiệu.

Bây giờ chúng ta hãy quan sát một chòm sao như vậy.
Hình trên là hình chụp chòm sao Orion, người Việt mình dịch là chòm sao Hiệp Sĩ (hay chòm sao Ông Thần, hay chòm sao Lạp Hộ.) Hình này được chụp qua một ống kính viễn vọng. Chòm sao này giúp cho người đi biển, đi sa mạc,… xác định đâu là hướng Nam. Tạm gọi "vị trí" mà chúng ta đang đứng để quan sát vũ trụ (và nhìn thấy chòm sao này) là tầng 1 của chiếc đài cao. Ở tầng này, chúng ta thấy các đốm sáng nhấp nháy trên bầu trời đêm, mà chúng ta gọi là các "ngôi sao". Còn các nhà thiên văn học châu Âu, "đứng" trên tầng này, đã tự ý sắp xếp các ngôi sao thành các chòm sao trong sơ đồ của mình, và nhân loại có thể ứng dụng sự sắp xếp đó để tìm phương hướng một cách có hiệu quả.
Nếu chúng ta bước lên tầng 2: lên cao hơn và đến gần các ngôi sao này hơn, chúng ta sẽ thấy một khung cảnh như ở hình 2. Đây là một bức chân dung "cận cảnh" của ngôi sao trung tâm trên thanh kiếm của Hiệp sĩ Orion, được chụp qua một viễn vọng kính của một đài thiên văn lớn. Chúng ta thấy ngôi sao này không còn là các đốm sáng nữa, mà trở thành một thế giới bao gồm vô số ngôi sao bên trong, và chúng dày đặc đến nỗi ta có cảm giác chúng là một "đám mây sao", chứ không phải là những ngôi sao riêng biệt. Thiên văn học gọi những "đám mây sao" như vậy là tinh vân (nebula). Tinh vân trong bức ảnh cận cảnh này được đặt tên là tinh vân M42.(Hình 1)
Tiếp tục, chúng ta bước lên tầng 3: lên cao hơn nữa và nhìn vào bên trong các tinh vân. Hình 3 là bức ảnh "nội soi" bên trong lòng tinh vân M42, được chụp bởi viễn vọng kính Hubble khi kính viễn vọng này bay lơ lửng trên không gian bên ngoài bầu khí quyển của trái đất. Bây giờ thì chẳng những không còn "ngôi sao", mà cũng chẳng còn "mây sao", ta chỉ thấy một thế giới hỗn độn của "vật chất sao". Trong thế giới đó, có những sao đang bị hủy diệt, có những sao đang được sinh ra và tiến hóa. Trong thế giới này, không có khái niệm phương hướng Đông Tây Nam Bắc.
Khi quan sát chòm sao trên đây, chúng ta đã đi qua ba tầng khác nhau của một chiếc đài cao. Chiếc đài cao đó là gì? Là chính nhận thức của chúng ta. Trong mỗi cá nhân chúng ta, sự nhận thức luôn luôn có nhiều tầng khác nhau, và chúng ta có thể đã di chuyển lên xuống giữa các tầng này mà không hay biết. Khi bước lên những "tầng trên", chúng ta nhìn thấy sự vật khác biệt đi rất nhiều so với những gì mà chúng ta đã nhìn thấy khi còn ở những "tầng dưới". Nếu dùng lối tư duy "đời thường", thì hầu như những gì chúng ta thu nhận được từ các tầng khác nhau này sẽ luôn luôn mâu thuẫn với nhau. Ví dụ ở tầng 1, các sao nói với chúng ta một cách rõ ràng rằng đâu là hướng Nam, đâu là hướng Bắc… còn ở tầng 3, cũng rõ ràng không kém, các sao nói rằng không hề có phương hướng trong vũ trụ. (Hình 2)
Để chấp nhận nỗi những điều trái ngược, vốn phát sinh do việc đi qua nhiều tầng Cao Đài khác nhau, chúng ta phải phá vỡ được định kiến của chính mình. Khi chúng ta nhìn từ tầng 1 "lâu ngày", những định kiến "kiểu tầng 1" sẽ hình thành trong tư duy của chúng ta. Đến khi chuyển qua tầng 3 (chẳng hạn), những định kiến đó sẽ biến thành những "đón rào, ngăn che" đối với những gì xuất hiện trong tầm mắt của chúng ta ở tầng 3. Nếu nhìn sự vật ở tầng 3 bằng cái nhìn của 1 (hoặc ngược lại), thì chúng ta sẽ thấy mâu thuẫn. Thực chất của vấn đề chỉ là mâu thuẫn giữa cái-mà-ta-tưởng với cái-mà-sự-vật-là.

3. TÍNH NHẤT THỂ CỦA VŨ TRỤ

Trong giáo lý Đại Đạo, có một nguyên lý gọi là "Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể". Nguyên lý này nói rằng, tất cả mọi vật trong vũ trụ đều chỉ là một.
Nhìn vạn vật trong vũ trụ, ta thấy mỗi vật đều có một hình dạng, một sắc thái riêng biệt. Từ trăng sao trên trời, cho đến cỏ cây dưới đất, tất cả đều khác biệt nhau. Vậy mà giáo lý Đại Đạo nói rằng, chúng cũng đều là một. Thế thì, bằng cách nào để chúng ta giải thích điều này?
Những điều được trình bày trong hai mục trước đây đã chuẩn bị một cơ sở khoa học cho một cách giải thích mới và phù hợp với truyền thống đạo học: Tất cả mọi vật đều là Cao Đài. Và vì đều là Cao Đài, nên chúng chỉ là một mà thôi.
Bây giờ, chúng ta thử khai triển luận điểm này.
Mọi vật trong vũ trụ gắn bó với nhau thành một chỉnh thể thống nhất.
Nếu nhìn nhận toàn bộ vũ trụ là một chiếc đài cao, thì mỗi sự vật, mỗi hiện tượng trong vũ trụ đều là một tầng, một nấc trong chiếc đài cao đó: một cây lúa ngoài đồng, một giọt nước ở ao hồ, một phân tử oxy trong không khí, một tia sáng mặt trời, mỗi vật đều là một tầng, và mỗi người trong chúng ta cũng là một tầng, trong chiếc đài cao của vũ trụ. những tầng này có nhiều mối liên quan với nhau; trong số đó, mối liên hệ nhân quả là một mối liên hệ đặc biệt.
Mối liên hệ nhân quả ràng buộc tất cả mọi vật trong vũ trụ với nhau. không có lúa để ăn, nước để uống, oxy để thở, sức nóng của mặt trời để sưởi ấm, thì chúng ta không thể sống được. Dựa vào định nghĩa của hai chữ Cao Đài – trong đó, tầng dưới làm nền tảng cho tầng trên, tầng trên phát huy tác dụng của tầng dưới – chúng ta sẽ thấy rằng trong vũ trụ này có rất nhiều vật đã và đang thực hiện thiên chức "làm nền tảng" cho đời sống của chúng ta, và như vậy, trong tòa Cao Đài của toàn thể vũ trụ, những vật này là những "tầng dưới", còn loài người của chúng ta là những "tầng trên". Trong cái đạo tự nhiên của trời đất, thì những vật này dễ dàng hoàn tất nhiệm vụ "làm nền tảng" cho đời sống của nhiều loài sinh vật, trong đó có nhân loại chúng ta. Vậy thì, trong cái đạo làm người của nhân loại, chúng ta cũng phải tu tiến cho có kết quả, để không những bản thân chúng ta được hưởng, mà cả những vật "làm nền tảng" cho chúng ta cũng được hưởng thành quả tu tiến ấy. có làm được như thế mới tương xứng với tầm mức của "tầng trên", vì có làm được như thế mới phát huy được tác dụng của những tầng dưới.
Để thấy rõ ràng hơn sự gắn bó của vạn vật thông qua định luật nhân quả, chúng ta thử giả định rằng một trong các tầng dưới của tòa Cao Đài vũ trụ bỗng nhiên bị sụp đổ vì một lý do gì đó. Chẳng hạn, lúa trồng ngoài đồng (và nói chung là các loại cây lương thực) đột ngột bị một thứ bệnh dịch – tạm gọi là "dịch cúm lúa" – khiến chúng nhanh chóng bị tuyệt chủng, nghĩa là trong tòa Cao Đài vũ trụ, tầng "cây lúa" bỗng bị sụp đổ mất đi. điều gì sẽ xảy ra? Không có lương thực, nhân loại cũng không sống được. Nếu tầng "cây lúa" sụp đổ quá nhanh chóng, thì tầng "con người" – cũng rất nhanh chóng – bị sụp đổ theo.
Như vậy, những tầng khác nhau trong tòa Cao Đài của toàn vũ trụ, mọi vật được gắn bó với nhau thành một chỉnh thể không thể phân chia được.
Khi nhìn vũ trụ như một tòa Cao Đài trong không gian, ta thấy mọi vật đều là một, mà lý do chủ yếu là tất cả cùng tự ràng buộc lẫn nhau thông qua nguyên lý nhân quả để tạo thành một chỉnh thể thống nhất. Bây giờ ta sẽ nói về tòa Cao Đài trong thời gian. Khi nhìn vũ trụ như một tòa Cao Đài trong thời gian, ta cũng vẫn thấy mọi vật vẫn là một, nhưng không phải vì những ràng buộc nhân quả, mà vì tất cả đều có cùng một cội nguồn, và do đó, có cùng một bản thể.
Mọi vật trong vũ trụ có cùng một bản thể
Thế nào là tòa Cao Đài của vũ trụ trong thời gian? Đó chính là bản thân vũ trụ ở những thời điểm khác nhau. Vũ trụ của hàng ngàn năm trước, rồi của hàng trăm năm trước, hàng chục năm trước, rồi của ngày hôm qua, hôm nay, ngày mai, v.v… tất cả cùng với nhau tạo thành một tòa Cao Đài, mà mỗi tầng, là chính vũ trụ ở những giây phút kế tiếp nhau trên dòng thời gian. Càng đi xuống những tầng dưới, chúng ta càng lùi sâu vào quá khứ, càng đi lên những tầng trên, chúng ta càng tiến xa vào tương lai.
Nếu lùi vào quá khứ cỡ mười lăm tỉ (15.109) năm, ta có thể thấy rằng về phương diện vật chất, muôn vật trong vũ trụ chỉ là một mà thôi. Thật vậy, các nhà vật lý thiên văn đã chứng minh được rằng, tất cả mọi vật trong vũ trụ đều cùng bắt nguồn từ một hạt vật chất nhỏ xíu. Tại một thời điểm "định mệnh" – mà vật lý thiên văn gọi là "Big Bang" (vụ nổ lớn) – hạt vật chất "đậm đặc" này đã bùng nổ và tạo thành vũ trụ với các nguyên tố vật chất khác nhau. Các nguyên tố này đã tạo thành các tinh tú và mọi vật trong vũ trụ. Từ thuở "Big Bang" đến nay, lượng vật chất trong vũ trụ không tăng thêm, cũng không giảm đi, mà đúng bằng những gì đã được nén trong hạt "mầm" vật chất ban đầu. Vì vậy, toàn thể vật chất trong vũ trụ của chúng ta hiện nay đều là một chất duy nhất. Chẳng hạn như nguyên tố sắt (Fe) trong máu của tất cả chúng ta với nguyên tố sắt trên mặt trời, mặt trăng, Hỏa tinh, Kim tinh… cũng đều là một; và vật chất tạo thành cơ thể của chúng ta cũng chính là vật chất tạo thành các ngôi sao trong vũ trụ. Như vậy, xét về mặt vật chất, muôn vật trong vũ trụ đều là một.
Lý thuyết Big Bang về nguồn gốc vũ trụ đã được kiểm chứng thành công vào năm 1965. Tuy nhiên, ba năm sau đó (1968) – có một chuyện mà chỉ một số người trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mới biết – các Đấng Thiêng Liêng đã giáng cơ tại Minh Lý Thánh Hội và gởi đến thế gian thông điệp như sau:

Hỡi bác học Đông Tây thời đại
Nào triết gia tứ hải ngũ châu
Chưa thông khởi điểm ban đầu
Tầm thiên quật địa, cơ cầu ích chi!

Thì ra, Big Bang vẫn còn là một lý thuyết "chưa thông khởi điểm ban đầu"! Khoảng vài năm sau đó, tức là đầu thập niên 1970, nhiều nhà vật lý trên thế giới đã dần dần nhận ra được điều này, và cho đến năm nay (2004) cuộc tìm kiếm "khởi điểm ban đầu" vẫn còn đang tiếp diễn.
Vũ trụ học của vật lý thiên văn hiện đại – dù có Big Bang hay không có Big Bang – cũng chỉ đề cập đến nguồn gốc vật chất chứ không đề cập gì đến nguồn gốc tâm linh của vũ trụ. Không có một thành tựu vũ trụ học nào khẳng định hay phủ định được rằng Đại Linh Quang là khởi nguyên của vũ trụ. Vậy ta phải tiếp tục đi ngược về những tầng nền tảng hơn nữa của tòa Cao Đài thời gian. Nếu lùi vào quá khứ một thời gian rất dài trước thời điểm Big Bang, ta có thể thấy một vụ nổ khác – vụ nổ này hiện vẫn còn nằm ngoài khả năng nhận biết của khoa học – đã được chính Đức Thượng Đế giáng cơ dạy trực tiếp cho những người tín đồ Cao Đài trong quyển kinh Đại Thừa Chơn Giáo:
"Lý, Khí ấy [tức là Nguyên Lý Thiên Nhiên và Nguyên Khí Tự Nhiên trong Vô Cực] lại lần lần ngưng kết với nhau mà đông tụ lâu đời nhiều kiếp mới thành ra một khối Tinh Quang rất đủ đầy các sự tốt đẹp. Chừng đúng ngày giờ, khối ấy mới nổ tung ra một tiếng vang lừng, dữ dội phi thường, làm cho rúng động cả không gian. Bèn có một điểm Linh Quang từ trong tiếng nổ ấy văng ra mà lẫn lộn quay quần giữa chốn không trung, dán tủa hào quang rất chiếu diệu rạng ngời, trùng trùng điệp điệp, rực rỡ chói lòa khắp cả mọi nơi. Ấy chính là ngôi Chúa Tể Càn Khôn vũ trụ đã biến hóa ra vậy; mà vũ trụ từ đây mới bắt đầu có Ngôi Thái Cực trọn lành trọn tốt, toàn tri toàn năng, thiên biến vạn hóa, vô tận vô cùng, nắm trọn quyền hành, thống chưởng cả Càn Khôn vũ trụ, và lấy cơ thể Âm Dương mà phân thanh biện trược, làm máy động tịnh để gom tụ cái Hư Vô đặng hóa sanh muôn loài vạn vật." Với đoạn thánh giáo trên đây, Đức Thượng Đế đã kể cho chúng ta nghe lịch sử của chính Ngài, và đó cũng là lịch sử tâm linh của chính mỗi người chúng ta, cũng như của mỗi chúng sanh trong vũ trụ. Câu chuyện kể này làm cho chúng ta hiểu rằng, toàn thể chúng sanh trong vũ trụ này đều là một nếu xét về mặt tâm linh.
Đến đây, chúng ta đã thấy có hai vụ nổ, vụ thứ nhất – "Vô Cực sinh Thái Cực" – do giáo lý Đại Đạo phát biểu, và vụ thứ hai – "Big Bang" – do vật lý thiên văn phát biểu. Hai vụ nổ này xảy ra ở hai tầng khác nhau của tòa Cao Đài thời gian. Vụ nổ "Vô Cực sinh Thái Cực", xảy ra ngay ở tầng đầu tiên, là một sự kiện của cõi nhất nguyên để sinh ra Thái Cực Đại Linh Quang; còn vụ nổ "Big Bang", xảy ra ngay ở một tầng thứ n nào đó, là một sự kiện của cõi nhị nguyên để sinh ra vũ trụ vật chất. Trong Đại Thừa Chơn Giáo, chúng ta có thể tìm thấy bằng chứng về sự tách biệt rõ ràng giữa hai vụ nổ:
"… Thái Cực là Cơ; mà hể Cơ là lẻ; đã lẻ thì làm sao mà hóa sanh để tạo thành Càn Khôn thế giái, vạn vật muôn loài, côn trùng thảo mộc, thủy tú sơn xuyên; nên cái Lý Đơn Nhứt ấy mới phóng ra một vầng quang minh, phân định: khí khinh thanh thượng phù giả vi Thiên, khí trọng trược ngưng giáng giả vi Địa. Khí nhẹ nhàng bay bổng lên làm ngôi Càn, Càn là Thiên, tức là Nhứt Dương chi Khí; Khí nặng nề ngưng giáng xuống làm Khôn, Khôn là Địa, nhứt Âm chi Khí. Cái năng lực mạnh bạo của khí Âm Dương vần vần quanh lộn, lăn tròn, đun đẩy nhau trong khoảng không gian; khí Dương động, Âm tịnh; Âm thì đứng một chỗ, còn Dương thì bao quát càn khôn."
Đoạn thánh giáo này cho ta thấy rằng, sau vụ nổ "Vô Cực sinh Thái Cực", Thái Cực vẫn chưa "hóa sanh để tạo thành Càn Khôn thế giái", vì "Thái Cực là Cơ; mà hể Cơ là lẻ; đã lẻ thì làm sao mà hóa sanh". Sau khi Thái Cực phân lập Âm Dương, tạo ra Càn Khôn, Thiên Địa, thì mới xuất hiện "cái năng lực mạnh bạo của khí Âm Dương vần vần quanh lộn, lăn tròn, đun đẩy nhau trong khoảng không gian". Big Bang xuất hiện không sớm hơn sự xuất hiện của năng lực này.
Như vậy, trong toà Cao Đài của vũ trụ thời gian, nếu đi xuống những tầng đầu tiên – nghĩa là quay trở về thuở sơ sinh của trời đất – chúng ta có thể thấy rằng muôn vật trong vũ trụ là một, cả về mặt tâm linh lẫn về mặt vật chất

4. KẾT LUẬN.

Hai chữ "Cao Đài" mang đến cho chúng ta một cách giải thích hiện đại về tính nhất thể của vạn vật. Bằng chính những sự kiện của vật lý học, chúng ta đã chứng minh được rằng tất cả mọi vật trong vũ trụ – cũng như bản thân vũ trụ – đều là Cao Đài. Và vì đều là Cao Đài, nên tất cả cũng chỉ là một mà thôi.

Khả năng giải thích đó về tính nhất thể, đến lượt mình, lại cho chúng ta hiểu tại sao Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được gọi là đạo Cao Đài. Lý do thật đơn giản: chìa khóa cho công cuộc cứu độ toàn linh trong kỳ hạ nguơn của Đại Đạo là đánh thức cho được điểm Đạo tự hữu trong vạn loại. Điểm Đạo tự hữu ấy chính là Cao Đài nội tại.
Thiện Quang

Lụy thân vì bởi ý ta bà,
Vì bởi người còn chấp cái ta,
Chẳng biệt giả chơn, không chánh niệm,
Đành làm tôi tớ thập tam ma.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây