Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
20/12/2009
Thiện Quang

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 11/02/2010

Tự thắp đuốc mà đi

Hàng năm, vào mùa Phật Đản, tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới đều hướng lòng tưởng nhớ đến bậc giáo tổ đã tự lực tìm ra con đường giải thoát và đạt thành chánh quả ngay tại thế gian này. Qua cơ bút Cao Đài, vào ngày mùng 8 tháng Tư năm Canh Tuất 1970, Đức Thích Ca Mâu Ni đã dạy:

"Ngày đản sinh của Bổn Sư hằng năm được mọi người trên thế giới, được chư thiện tín hồi tưởng đến. Và dĩ nhiên, hễ tưởng đến Bổn Sư là tưởng đến con đường giải thoát ra khỏi vòng quanh quẩn của thế gian." Đức Thích Ca Như Lai; Thánh thất Bình Hòa, Ngọ thời, 08-04 Canh Tuất (12-05-1970).

Đó là một lời căn dặn dành cho những ai trên thế gian này có cơ duyên mà tưởng nhớ đến Ngài: hãy hướng sự tưởng nhớ ấy vào con đường giải thoát, chứ đừng hướng sự tưởng nhớ ấy vào cá nhân của Thích Ca Mâu Ni. Có nghĩa lý gì chăng khi ta tôn vinh một Đấng đã tự hạ mình để thoát ra khỏi mọi tâm lý thường tình trong nhân gian? Có ích lợi gì chăng khi ta dành sự sùng bái cá nhân cho một Bậc đã diệt bỏ hoàn toàn phàm ngã? Hoàn toàn phi lý và vô bổ, trừ khi sự tôn vinh hay sùng bái này thật sự tạo nên trong chúng ta một ý thức, một động cơ để nối tiếp những bước chân của vĩ nhân ấy trên thiên đạo giải thoát.

Ngày xưa, khi hoàng tử Sĩ Đạt Ta mới chào đời, nhiều đạo sĩ Bà La Môn đã đến hoàng cung và tiên tri rằng, hoàng tử hoặc là sẽ trở thành một vị hoàng đế vĩ đại, hoặc là sẽ thành Phật. Vào năm 29 tuổi, vị hoàng đế tương lai Sĩ Đạt Ta đã mạnh mẽ dứt bỏ những vinh hiển tột bậc của thế gian trong cuộc sống vương giả, dấn thân vào cuộc đời tu hành nghèo khó, sống như một người ăn mày, mượn miếng cơm khất thực để nuôi xác thân giả tạm mà tìm đạo giải thoát. Sau sáu năm tự chiến đấu với bản thân bằng một nghị lực phi thường, vị khất sĩ đại hùng đại lực đó đã tìm ra con đường giải thoát trong chính mình. Và khi nhất tâm tiến bước trên con đường giải thoát này chỉ nhờ vào nỗ lực của chính mình chứ không dựa vào một một tha lực nào, ở tuổi 35, Ngài đã chứng Đạo và thành Phật.

Bốn mươi chín năm sau đó, khi Phật Thích Ca sắp diệt độ (nhập Niết bàn), Ngài để lại cho nhân loại lời di chúc: "Hãy tự thắp đuốc lên mà đi!" Kinh Du hành, Trường A-hàm, tập 1, tr.121. Lời di chúc đó chứa đựng điều gì? Chứa đựng nguyên lý muôn đời của thiên đạo giải thoát.

1. Thế nào là "tự thắp đuốc mà đi"?

Vào những thời khắc cuối cùng khi Đức Thích Ca còn mang xác phàm tại thế gian, Ngài đã đặt câu hỏi cho Ananda: "Thế nào là tự mình thắp đuốc lên mà đi?" Rồi chính Ngài đã giải thích: "Hãy tự mình nương tựa chính mình, nương tựa chánh pháp, đừng nương tựa một pháp nào khác. (…) Sau khi ta diệt độ, người nào có thể tu hành đúng như thế, là người học đạo xuất sắc nhất." Kinh Du hành, Trường A-hàm, tập 1, tr.120-121.

Trong câu "hãy tự thắp đuốc lên mà đi", thì "thắp đuốc" có nghĩa là gì, và "đi" là đi đâu? Ngọn đuốc ấy là chơn tâm của ta. Thắp đuốc tức là làm cho cái chơn tâm của mình sáng lên. Tự thắp đuốc tức là tự lấy sự nỗ lực của bản thân mà làm cho mình sáng suốt, chứ không trông cậy vào bất cứ một thế lực nào bên ngoài. Chỉ có cái sáng suốt do tự nỗ lực mới có thể soi đường cho ta đi trên thiên đạo giải thoát và đạt đến chánh quả của chính mình.

Không những thế, Đức Thích Ca còn nhắn nhủ: "Hãy nương tựa chánh pháp, đừng nương tựa một pháp nào khác."? Lời nhắn nhủ này chứa đựng một hàm ngụ thật sâu xa: chánh pháp chỉ có thể hiện diện bên trong bản thân ta, trong khi tất cả mọi pháp khác trên thế gian này đều là pháp-bên-ngoài-ta. Quả thật, đến thời mạt pháp, khi Tam Kỳ Phổ Độ được khai mở để xiển dương chánh pháp, các Đấng Thiêng Liêng đã khuyên người tín đồ Cao Đài phải quay vào tìm chánh pháp trong bản thân:

"Trên đường tu thân học đạo, hành giả phải chuyên nhất tâm để tìm chánh pháp. Chánh pháp không ở ngoài thiên không vũ trụ, mà ở ngay trong con người của hành giả. Khi ngộ nhập huyền môn, tức thị chánh pháp khai thông để lìa khỏi tự ngã, mới thấy Tánh để thành Phật." Đức Quan Âm Bồ Tát; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý,Tuất thời, 15-07 Đinh Tỵ (29-08-1977).

Kể từ khi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được khai minh, hồng ân của Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng chan rưới xuống thế gian không biết bao nhiêu mà kể: cơ bút, đại ân xá, sự thân cận để dạy dỗ của các Đấng,… Những hồng ân như vậy đã làm cho cơ đạo phát triển một cách nhanh chóng, nhưng đáng tiếc thay, cũng đã làm không ít tín đồ và chức sắc Cao Đài ỷ lại vào những quyền năng vô hình.

Hồng ân của Thiêng Liêng, dù quý báu đến đâu, cũng vẫn chỉ là tha lực, nghĩa là cái ở bên ngoài bản thân chúng ta. Đành rằng, chừng nào mà cơ đạo kỳ ba vẫn còn trong thời kỳ phôi thai thì Thiêng Liêng vẫn còn trực tiếp trợ lực cho con người ở những mức độ và bằng những hình thức khác nhau. Tuy nhiên, nguyên lý của thiên đạo giải thoát vẫn còn nguyên vẹn đó. Năm Bính Thìn 1976, Đức Vô Cực Từ Tôn bắt đầu nhắc đến nguyên lý này như một sự thật tất yếu mà chúng ta sớm muộn gì cũng sẽ phải đối diện với: "Đến một ngày nào đây, các con cũng sẽ tự thắp đuốc mà đi!" Đức Vô Cực Từ Tôn; Vĩnh Nguyên Tự, Tuất thời, 11-11 Bính Thìn (31-12-1976).

Cái ngày ấy đã đến rất nhanh. Chỉ một thời gian ngắn sau lời nhắc nhở của Đức Mẹ, Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo đã dạy: "Từ đây sắp đến, chư đệ muội phải tự thắp đuốc mà đi." Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 15-02 Đinh Tỵ (03-04-1977). Ngài nhấn mạnh: "Lúc này là lúc phải để cho chư hiền đệ, các chức vụ nhân viên, phải tự thắp đuốc mà đi cho cùng tột con đường sứ mạng." Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Hợi thời, 14-02 Canh Thân (30-03-1980). Và Ngài giải thích: "Sở dĩ Bần Đạo không đến với chư phận sự thường xuyên là muốn để chư hiền phải tự thắp đuốc mà đi, tự gắn bó với trách nhiệm, phải tha thiết tư duy về cơ cứu độ, phải thanh tịnh trước diễn biến của hoàn cảnh. Thanh tịnh mới huệ sanh mà khỏi lầm đường lạc nẻo." Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 29-12 Mậu Ngọ (27-01-1979).

Những lời dạy của Đức Lý Giáo Tông buộc chúng ta phải nhìn nhận một sự thật: dù rằng ơn cứu độ vẫn tuôn chảy và sự dẫn dắt của Thiêng Liêng vẫn đủ đầy, nhưng nếu tự chúng ta không gìn giữ được sự thanh tịnh trong tâm hồn của chính mình, thì, càng nhận được hồng ân nhiều bao nhiêu, chúng ta càng ỷ lại và đi lầm đường lạc nẻo dễ dàng bấy nhiêu. Nhiều năm sau lời nhắc nhở của Đức Mẹ, vào dịp Đại hội Thường niên của Cơ Quan Phổ Thông Giáo lý năm Quý Hợi 1983, Đức Chí Tôn đã giải thích lại điều này:

"Vô Cực Từ Tôn đã từng dặn các con hãy tự thắp đuốc mà đi, là để chuẩn bị đến một lúc các con sẽ không nhìn thấy thế tựa bên ngoài nữa, mà phải trở về thế tựa bên trong. Nội tâm con là nơi Thầy ngự. Nơi đây, Thầy và các Đấng sẽ dạy bảo các con. Các con chỉ có cái tâm chuyên nhứt mới tỏ ngộ được ơn Thiên khải vậy." Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Hợi thời, 15-02 Quý Hợi (29-03-1983).

Hành động "tự thắp đuốc mà đi" trong lời giải thích của Đức Chí Tôn ở đây sao mà giống với cách giải thích của Đức Phật hơn hai ngàn năm trước: tự mình nương tựa vào sức mình, vào nội tâm của chính mình, chứ không dựa vào bất cứ cái gì ở bên ngoài bản thân mình dù đó là hồng ân của các Đấng Thiêng Liêng đi chăng nữa. Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ không còn được thấy những hồng ân ấy bằng các giác quan thông thường của mình nữa – dù điều này không có nghĩa là những hồng ân ấy không còn – thì chơn tâm của chúng ta chính là quan năng duy nhất cho phép chúng ta tỏ ngộ được ơn Thiên khải.

Một chi tiết đáng được lưu ý: nguyên lý "tự thắp đuốc mà đi" cũng chứa đựng một ý nghĩa sâu xa khác, là phải chế ngự cho được ngoại cảnh. Cái gì sẽ giúp ta làm được điều này? Bạo lực? Cường quyền? Mưu mô? Thủ đoạn? Thật vô ích! Kinh nghiệm của những Đấng đã thành Đạo từ xưa đến nay nói với chúng ta rằng: muốn có đủ sức mạnh để chế ngự ngoại cảnh, thì nội tâm phải biết nhẫn nhục. Thảo nào, Đức Quan Âm đã từng dạy: "Đến lúc phải đem sức người ra mà dùng, thì hãy cố nhẫn nhục chế ngự hoàn cảnh đi!" Đức Quan Âm Bồ Tát; Thánh thất Bình Hòa, Ngọ thời, 08-04 Canh Tuất (12-5-1970). Sự nhẫn nhục, vì vậy, là đức hạnh quan trọng nhất làm nên nội lực ở bất cứ ai muốn tự thắp sáng lấy tuệ giác của chính mình.

2. Tự thắp sáng hiện hữu

Vào cuối thập niên 1970, trong dòng văn sử của giáo lý Đại Đạo bắt đầu xuất hiện thuật ngữ "thắp sáng hiện hữu" qua những lời dạy của Đức Bảo Pháp Huỳnh Chơn khi Ngài được Đức Đông Phương Lão Tổ phái đến để dẫn dắt về tâm pháp:

"Muốn làm người hành giả đi trên Đại Đạo để tìm nơi nguyên bổn vĩnh cửu trường tồn, thì Bổn Huynh khuyên hãy thắp sáng hiện hữu trước khi, để nhận thấy chỗ cứu cánh của đạo pháp, thì bước đường tu tiến mới vững vàng, khi gặp lúc thiên ma vạn chướng ngăn ngỏ đón đường mới không bị chùn bước." Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 01-05 Đinh Tỵ (17-06-1977).

"Chư hiền Thiên ân nên lưu ý, mỗi khóa tu trì nhập tịnh đều có ý nghĩa Thiên cơ thế đạo, chỉ cần tịnh viên tự thắp sáng hiện hữu thì mọi việc sẽ an bài thông suốt. Các Đấng Thiêng Liêng hằng dang tay chờ đợi, chỉ vì con người đầy lòng sân si chấp trước, thiên ỷ tự cao, mà không đến được tầm tay các Đấng." Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 03-11 Kỷ Mùi (21-12-1979).

Thế nào là "tự thắp sáng hiện hữu"? Chữ "hiện hữu" ở đây – được Ơn Trên sử dụng theo nghĩa siêu hình học trong triết học Tây phương – nói một cách đại cương, có nghĩa là "cái đang có". Khi đào sâu vào nội dung triết học của khái niệm đơn giản này, chúng ta sẽ tìm thấy nguồn mạch của đạo giải thoát ngay trong lòng nền văn minh hiện đại của nhân loại. Triết gia René Descartes đã từng nhấn mạnh: "hiện hữu" phải đi đôi với ý thức Thiện Quang, Triết học Tây phương, tr.71. Chỉ khi nào có sự thức tỉnh của ý thức nơi chính bản thân ta, thì mọi thứ liên quan đến ta mới hiện hữu. Nếu Descartes may duyên được học tân pháp Cao Đài, nhưng cứ mỗi khi ngồi thiền định ông lại liên tục phóng tâm hướng ngoại hoặc liên tục hôn trầm (ngủ gục), thì buộc lòng ông sẽ phải thú nhận: tôi không ý thức được sự thiền định của tôi, vậy sự thiền định đó không hiện hữu. Một người nếu cứ ở trong tình trạng thiền định như vậy, dù có gắng công bao nhiêu năm, cũng giống hệt như một người chẳng bao giờ thiền định. Nhưng chưa hết đâu, một triết gia khác, Edmund Husserl, lại tiến xa hơn: "hiện hữu" là kết quả của ý hướng (intention), tức là của ý-thức-có-chủ-đích Ibid., tr.98.. Nếu Husserl cũng được thọ pháp và bước vào một tịnh trường Cao Đài, ngay cả khi ông đã có ý thức rõ ràng về sự thiền định của mình – trong một thời tịnh có vẻ như thật hoàn hảo: không phóng tâm, không hôn trầm – nhưng nếu ý thức của ông không hướng một cách có chủ đích về việc trì hành chánh pháp, thì hẳn ông cũng sẽ phải thú nhận: thời tịnh ấy cũng không hiện hữu, bởi vì tôi tuy có ý thức, nhưng ý thức ấy không có chủ đích. Và không có gì cho phép ta đảm bảo rằng một đời tu hành được hình thành từ những thời tịnh như vậy sẽ đạt được chánh quả.

Thế thì, nếu đọc được những chữ "tự thắp sáng hiện hữu" trong các đoạn thánh giáo trên đây, hẳn Descartes sẽ giải thích rằng đó là tự thắp sáng ý thức của chính mình, còn Husserl sẽ quả quyết rằng đó là tự làm sáng tỏ ý thức của mình theo một chủ đích xác định. Cả ý thức của Descartes lẫn ý hướng của Husserl đều thuộc về cái mà đạo học gọi là tâm. "Tự thắp sáng hiện hữu" chính là tự mình nỗ lực để làm sáng cái tâm của mình lên, chứ không thể nhờ vả vào ai, trông cậy vào thế lực nào, chờ đợi một quyền năng nào. Phật giáo gọi đó là "minh tâm" để "kiến tánh": có làm sáng được cái tâm của mình, mới nhìn thấy được bản tánh của mình. Đó không phải cái gì khác hơn là tự thắp đuốc mà đi.

Nói rằng tự lực là nguyên lý của sự giải thoát không có nghĩa là ngồi trên cây cưa cành để từ bỏ những trợ duyên cần thiết cho sự tiến hóa của bản thân. Cuộc đời mà ta đang sống là một ngôi trường để ta học hỏi những đạo lý sống thực. Trong ngôi trường này, mọi người đều phải "học đạo lý bên ngoài để [làm] sáng tỏ đạo lý bên trong." Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 01-05 Đinh Tỵ (17-06-1977). Ai cũng có thể khai thác mọi phương tiện cần thiết của thế giới giả tạm, miễn là đừng nương tựa vào chúng, mà phải nương tựa vào chính mình, vào chánh pháp trong bản thân mình. Điều này có nghĩa là gì? Cùng là những người tạm mượn một phương tiện, nếu phương tiện đó bị mất đi, thì những ai nương tựa vào phương tiện rất dễ bị khổ đau, còn những ai nương tựa vào chính mình sẽ vẫn an lạc. Hiểu được nguyên lý căn bản này của thiên đạo giải thoát, chúng ta sẽ hiểu vì sao Đức Đông Phương Lão Tổ khi dạy đạo pháp đã từng căn dặn: "Mượn để mà nói, chỉ chỗ để mà hành; đó cũng là cái tạm. Cái thiệt của Đạo là phải chứng minh bằng vô vi nhi đắc, nghe!" Đức Đông Phương Lão Tổ; Bát Nhã Tịnh Đường, Hợi thời, 20-04 Quý Sửu (22-05-1973).

3. Phải chứng minh được kết quả của sự giải thoát

Ngày nay, liệu người tín đồ Cao Đài có thể lặp lại được thành quả ngày xưa của Đức Phật Thích Ca? Trong thời hạ nguơn mạt kiếp này, liệu có thể giải thoát ngay khi còn sống tại thế gian, hay là, phải đợi đến khi thoát xác, rồi lại phải chờ đến khi được Đức Chí Tôn ân ban, mới hy vọng bước vào được cõi thiêng liêng hằng sống?

Dựa vào nguyên lý "tự thắp đuốc mà đi", chúng ta – với tư cách là những con người có lý trí đang sống và đang tu ở thế gian này – hãy dứt khoát bác bỏ trường hợp thứ hai. Nếu ai đó còn do dự, xin hãy lắng nghe lời Đức Bồ Tát Quan Âm:

"Chư hiền nên biết: đạo giải thoát ở đâu cũng có thể làm được. Giải thoát sự u trệ tâm hồn vị kỷ là tích cực phụng sự nhơn sanh độ dẫn người đời. Giải thoát sự u ám tâm linh là quyết chí trau luyện cõi lòng theo chơn pháp cho thanh bạch. Khi mọi việc đã chu đáo đối với đạo, với đời rồi, không còn phải lo ngại gì về sự khiếm khuyết ân hận nữa; thì ra, đó đã là giải thoát trong những lối giải thoát." Đức Quan Âm Bồ Tát; Thánh thất Bình Hòa, Ngọ thời, 08-04 Canh Tuất (12-5-1970).

Chánh pháp Đại Đạo – tự muôn đời, huống chi là trong Tam Kỳ Phổ Độ – đã buộc hành giả phải dựa vào tự lực để tự tu và tự chứng. Vậy thì, liệu có thể chứng minh được kết quả của sự giải thoát ngay trong cuộc sống hiện tại mà không cần phải đợi đến lúc thoát xác phàm?

"Sự giải thoát không phải đợi đến rũ bỏ nhục thể linh hồn mới được giải thoát. Ngay lúc sinh thời, ai ai cũng có thể thực hành phương pháp giải thoát." – Đức Vạn Hạnh Thiền Sư bảo, bằng những ngôn từ thật mạnh mẽ – "Nếu đợi ngày rũ bỏ nhục thể, lấy gì chứng minh rằng được giải thoát cùng không? Nếu như thế thì Thiêng Liêng không khuyên bảo người đời đem Đạo, giáo Đạo để cho tất cả mọi người [trở nên] trọn tốt trọn lành, để an hưởng cõi thiên đường cực lạc tại thế gian. Ngay buổi sinh thời, nếu không cải tạo được tư tưởng theo các Đấng trọn lành, thì dù có bỏ nhục thể trăm ngàn lần, tục lụy vẫn hoàn tục lụy, luân hồi chuyển kiếp vẫn chuyển kiếp luân hồi theo nhịp độ của nghiệp duyên." Đức Vạn Hạnh Thiền Sư; Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 08-04 Canh Tuất (12-05-1970).

Đó là nói về việc tự tu cho mình, tự độ lấy chính mình. Còn muốn cứu độ tha nhân thì mọi việc còn khó khăn hơn nữa, vì nếu không chứng minh được cho nhân sanh nhìn thấy những kết quả có thật, mà chỉ dùng lý luận tư biện, thì không mong gì nhân sanh tin tưởng. Trước những thực tế như vậy, Đức Quan Âm Bồ Tát đã khuyến cáo các bậc thiên ân hướng đạo:

"Chư hiền sĩ hiền muội! Cõi thế gian hữu hình hữu thể vật chất này, thiên hạ thường thường chạy theo, nghe theo, và làm theo những điều tai nghe, mắt thấy và sờ mó được. (…) Muốn đem đạo lý thức tỉnh thế nhân là một điều rất khó – nếu không có những lập luận vững chắc để minh chứng sự kiện – là điều nan giải đối với hàng hướng đạo. Vì con người sinh tại thế gian, trưởng thành tại thế gian, và đến ngày hủy hoại thể xác cũng tại thế gian. Nếu suốt trên khoảng đời từ sanh đến tử của phần nhục thể, con người ấy không thể hiện được những ngôn ngữ cùng hành động cụ thể nào để tỏ ra xứng đáng với những bậc tận thiện tận mỹ cho đời cảm ân kính nể noi gương làm theo, thì sự thành thần, thánh, tiên, phật ở cõi vô hình sau khi người ấy tách rời nhục thể là điều không thể bảo đảm được cái lý luận của người hướng đạo." Đức Quan Âm Bồ Tát; Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 16-06 Canh Tuất (18-07-1970).

Làm sao để giải quyết sự nan giải này? Đức Quan Âm Bồ Tát dạy: Đức Quan Âm Bồ Tát; Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 16-06 Canh Tuất (18-07-1970). hãy bắt đầu bằng một giải pháp căn bản là tự kiểm điểm nội tâm một cách thường xuyên. Ít nhất mỗi ngày một lần, mỗi người phải tự nhìn vào nội tâm mình, lấy sự công bình và vô tư mà tự phán xét lấy mình, để thấy rõ những gì trái đạo lý và đúng đạo lý mà mình đã nghĩ, đã nói, đã làm trong ngày. Đến khi đã tập được thói quen này, thì dần dần, mỗi người phải biết nhìn vào nội tâm mình thường xuyên hơn – không phải là hàng ngày nữa, mà là hàng giờ, hàng phút,… – để tự kiểm soát bản thân, tự điều chỉnh hành vi của mình trong mọi khoảnh khắc của đời sống. Giải pháp này được các Đấng Thiêng Liêng đặt tên là Vô ngã kiểm. "Kiểm" ở đây có nghĩa là "tự kiểm điểm" hay "tự xét mình" đối với những việc đã qua, để dần dần "tự kiểm soát lấy mình", "tự giáo dục lấy mình", "tự dẫn dắt lấy mình" đối với những việc đang đến và sắp đến. Còn "vô ngã" ở đây có nghĩa là dẹp bỏ khỏi lòng mình cái bản ngã phàm tục, cái Tôi trì độn trong vô minh. Vậy thì "vô ngã kiểm" có nghĩa là vứt bỏ cái Tôi đi để tự kiểm điểm lấy mình, tự kiểm soát lấy mình, tự giáo dục lấy mình. Trong vô ngã kiểm, luôn có sự tự lực của chính mình nhằm làm cho tâm mình sáng lên từ bên trong, và đức hạnh cũng như tài năng của mình toả sáng ra bên ngoài. Ai là người tự làm sáng lấy tâm, hạnh, đức, tài của mình như vậy, ấy là người biết thực hành nguyên lý tự thắp đuốc mà đi của thiên đạo giải thoát.

Chúng ta đang nói về việc chứng minh cho nhân sanh thấy những kết quả thuyết phục của sự giải thoát. Một ánh đuốc tự thắp lên chẳng những sẽ dẫn đường cho bản thân mình đi, mà còn có thể dẫn đường cho những người cùng sống với mình, ở quanh mình, hoặc có những mối liên hệ nào đó với mình. Một con người như vậy, "tuy sống còn tại thế, làm một công dân như các công dân khác, nhưng tâm hồn, tư tưởng, ngôn ngữ, hoàn toàn là người có mực thước, đức độ, mô phạm, gương mẫu, còn những hành động thì toàn là những hành động ích chúng lợi tha." – Đức Quan Âm Bồ Tát phân tích – "Như vậy, tuy chưa giải thoát phần nhục thể, [nhưng] tâm hồn đã giải thoát rồi tại cõi thế gian, vì những tư tưởng hành động ngôn ngữ hoàn toàn trong lãnh vực chí thiện, chí mỹ, chí nhân, sánh tày thần, thánh, tiên, phật rồi còn gì nữa." Đức Quan Âm Bồ Tát; Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 16-06 Canh Tuất (18-07-1970).

Có người phản bác việc chứng minh này ở ngay cách đặt vấn đề của nó: đã tu hành rồi, sao còn bận tâm với những chứng minh này nọ? Sự phản bác ấy cho rằng kết quả tu hành phải đạt được một cách kín đáo chứ không cần thể hiện cho ai biết, và do đó, không cần phải thuyết phục ai hay chứng minh với ai rằng sự giải thoát có hay không có một kết quả.

Đối với bác luận này, cần xác định rõ hai điều. Thứ nhất, việc chứng minh kết quả của sự giải thoát trước hết là chứng minh đối với chính mình: nhờ chứng minh được một cách khách quan, mình mới không tự lừa gạt mình bằng những giả định viễn vông. Thứ hai, khi và chỉ khi chứng minh kết quả này đối với nhân sanh, người tu mới cứu độ được nhân sanh. Chúng ta hãy đi sâu vào từng điều một, trong hai điều này.

Về điều thứ nhất, phải chứng minh được kết quả giải thoát của mình đối với chính mình. Có không ít người đạo dốc sức tu hành chỉ vì "mong vọng sẽ trở thành phật tiên" Đức Vạn Hạnh Thiền Sư; Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 08-04 Canh Tuất (12-05-1970)., hoặc nói hơi khác đi một chút, "muốn giải thoát hết nhân tình thế sự, cả cái uống, cái ăn, cái sống đối với đời, để tìm tới một thiên đàng, một cực lạc nào đó sung sướng hơn, trường cửu hơn" Đức Quan Âm Bồ Tát; Thánh thất Bình Hòa, Ngọ thời, 08-04 Canh Tuất (12-5-1970).. Rồi họ tự tưởng tượng ra cho mình những phẩm chất không có thật mà họ coi đó là những kết quả của việc tu giải thoát, ví dụ như phẩm chất "luôn luôn biết trước được Thánh Ý", hay là "nghe được những tiếng nói vô thinh", hay là "thấy được những cảnh tượng lạ kỳ khi ngồi thiền", hay là "luôn luôn tìm kiếm lại được những tiền bạc đã mất", v.v... Những cái ấy nghe có vẻ như những thổ lộ của dục vọng nơi chính họ, hơn là sự an lạc của một tâm hồn siêu thoát. Đạo vốn nằm ngay trong sự sống của chúng ta và Đạo chính là đời sống của chúng ta; do đó, sự thành đạo nếu có thì phải là một sự việc rất thực tế, và phải thể hiện trong mỗi suy nghĩ, lời nói, việc làm của người đạo hằng ngày. Sở dĩ người ta muốn thoát khỏi thực tế để tìm đến những thế giới viễn vông trong trí tưởng tượng, chỉ đơn giản là vì người ta không đạt được Đạo trong hiện thực: "vì thực tế không nhìn thấy Đạo nữa cho nên mới tìm kiếm xa hơn để mà hy vọng." Đức Quan Âm Bồ Tát; Thánh thất Bình Hòa, Ngọ thời, 08-04 Canh Tuất (12-5-1970).

Bắt chước cách nói của Francis Bacon Will Durant; Câu chuyện Triết học, tr.123., chúng ta nói rằng những người tu như thế, chẳng những không giải thoát mà còn cam chịu nô lệ đến ba lần: nô lệ cho dục vọng, nô lệ cho trí tưởng tượng, và nô lệ cho sự đói khát về tinh thần. Ở lần thứ nhất, họ để cho dục vọng của mình lường gạt mình, khiến mình tưởng rằng đã đạt được những kết quả này nọ trên đường tu. Sang đến lần thứ hai, họ bị trí tưởng tượng cho thưởng thức bánh vẽ (chứ không phải bánh thật!) Rồi đến lần thứ ba, họ tuy đã biết chánh pháp Đại Đạo mà không hấp thụ được chánh pháp Đại Đạo, "chẳng khác nào như đoàn người chết khát bên dòng suối, đoàn người chết đói trên vựa lúa, đoàn chiên kiệt sức trên bãi cỏ xanh, còn người tu phải khô khan cằn cỗi bên nguồn giáo lý, phải sa đọa bên bờ giác." Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Ngọc Chiếu Đàn, Ngọ thời, 05-01 Ất Tỵ (06-02-1965).

Muốn tránh khỏi tình trạng đó, phải luôn luôn tự chứng minh một cách khách quan cho chính mình biết rằng mình đã đi được đến đâu trên thiên đạo giải thoát.

Về điều thứ hai, phải chứng minh được kết quả giải thoát của mình đối với nhân sanh. Có như thế, nhân sanh mới tin tưởng rằng sự cứu độ của Đại Đạo là một sự thật cụ thể, chứ không phải là những truyền thuyết hảo huyền.

Người tín đồ Cao Đài không thể chỉ tu cho cá nhân mình, mà còn phải tu cho toàn nhân loại, nếu không nói là tu cho cả chúng sanh. Đó là một bổn phận phải hoàn thành chứ không phải là một chọn lựa tùy sở thích. "Người đạo Cao Đài là gương mẫu, là chiếc đò, là nhịp cầu đưa khách từ bến mê sang bến giác." – Đức Lý Giáo Tông đã từng yêu cầu Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 15-07 Canh Tuất (16-08-1970).. Mỗi người tín đồ Cao Đài phải tu sao cho kết quả của việc tu của mình trở thành tấm gương sáng cho nhân sanh: "gương mẫu cho người đời hướng thiện, gương mẫu để thức tỉnh kẻ đang mê." Đức Vô Cực Từ Tôn; Ngọc Minh Đài,Tuất thời, 15-04 Mậu Thân (11-05-1968). Một khi những tấm gương tốt đẹp xuất hiện ngày một nhiều trong xã hội, thế giới tự nó sẽ thay đổi:

"Chư hiền sĩ hiền muội phải quan niệm tu thân hành đạo và giải thoát như vậy. [Phải] Có phương pháp hành động như vậy ngay tại cõi đời này để xứng đáng là người tin hữu làm sáng danh đạo. Có sáng danh đạo, người đời nhìn vào [mới] kính nể để bắt chước tu thân, để trở nên hàng thánh thiện. Mười người như vậy, trăm ngàn muôn triệu triệu người làm như vậy, thì thế gian này không phải là hoàn toàn bể khổ nữa, mà đó là cõi thiên đường tại thế." Đức Quan Âm Bồ Tát; Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 16-06 Canh Tuất (18-07-1970).

Vậy muốn độ đời, người Cao Đài phải làm gương cho nhân sanh; và bản chất của sự làm gương này chính là chứng minh, không phải bằng lý thuyết suông mà bằng những thành công thật sự trên thiên đạo giải thoát.

Nhưng muốn chứng minh bất cứ cái gì, chúng ta đều phải có những bằng chứng xác thực. Thế thì, nếu muốn tìm thấy bằng chứng của sự giải thoát trong bản thân mình, chúng ta phải tìm đến những gì?

4. Bằng chứng của sự giải thoát: nhân hòa và đại đồng

Một người tu đạt được sự giải thoát đến đâu, điều này phải được thể hiện bằng việc người ấy thật sự tạo được sự đại đồng trong đời sống như thế nào. Trình độ tạo lập và phát triển một tập thể đại đồng, một cộng đoàn đại đồng là bằng chứng quan trọng nhất nói lên mức độ giải thoát của một người Cao Đài.

Vào năm Bính Dần 1926, tại chùa Gò Kén, ngay trong thời gian diễn ra lễ Khai Minh, Đức Chí Tôn đã khẳng định: "Thầy đến lập Tam Kỳ Phổ Độ chỉ vụ một chữ Hòa." Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; Từ Lâm Tự (Chùa Gò Kén), 14-01 Đinh Mão (13-02-1927); Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q.1. Nếu không đạt được chữ "Hòa" này, người đạo Cao Đài sẽ chẳng bao giờ làm xong sứ mạng của mình. Thế thì, người Cao Đài dù có tu giải thoát bao lâu, có tiến đạo đến đâu, mà hòa được với mọi người, thì không có cách nào tự chứng minh cho bản thân mình (và cho cả nhân sanh nữa) tin rằng mình có thể thành đạo trong kiếp này.

Mục đích của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là "thế đạo đại đồng, thiên đạo giải thoát". Mục đích này đã được Đức Chí Tôn đặt ra cho mỗi người tín đồ Cao Đài dưới dạng một mệnh lệnh: "phải tu giải thoát và phải sống đại đồng", chứ không như một lựa chọn tùy hỉ theo kiểu "nếu có thể, thì hoặc là tu giải thoát, hoặc là sống đại đồng; còn nếu tốt hơn nữa, thì làm cả hai" (!)

Cả sự giải thoát lẫn sự đại đồng đều phải được thực hiện thành công ngay trong bản thân ta ở ngay trong hiện kiếp. Không những thế, cái này còn là điều kiện của cái kia: muốn thành công trong việc tu giải thoát, phải biết sống đại đồng; và ngược lại, muốn thành công trong đời sống đại đồng, phải quyết chí tu giải thoát. Chỉ có sự phối hợp như vậy mới thắp sáng được cái hiện hữu của ta. Nếu chẳng thế, chư Tiền Khai Đại Đạo đã không căn dặn những ai dấn bước vào đại thừa thiên đạo:

"Này các em, khi bước vào ngưỡng cửa đại thừa, người hành giả phải tự sáng chói điểm đạo để phá tan những cái tối tăm dày đặc sai lầm phân ly. Có như vậy, tâm mới hòa, mới huyền đồng cùng tạo vật, từ huệ mới phát lộ mà hóa hoằng chánh pháp, cứu độ nhơn sanh trong thời khó khăn ly loạn này." Chư Tiền Khai Đại Đạo; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 15-10 Kỷ Mùi (04-12-1979).

Tạo vật quan trọng nhất mà mỗi hành giả Cao Đài cần hòa với, chính là tha nhân đang sinh hoạt chung quanh mình, chứ không phải là những tiên phật đã thượng thăng trên trời cao. Những ai chưa giải thoát được gì hết, sẽ không thể hòa được với tha nhân ở bất kỳ mức độ nào, và do đó, không thể sống đại đồng trong bất kỳ tập thể nào. Ngược lại, những ai không hòa được với tha nhân, không biết tạo dựng đời sống đại đồng cho những tập thể mà mình sống với, thì cũng chẳng thể biết chắc rằng mình có giải thoát nổi ra khỏi luân hồi chuyển kiếp hay không. Vậy thì đã nhất tâm dấn bước trên thiên đạo giải thoát, hành giả phải hòa với tha nhân nếu muốn đảm bảo cho sự thành công của mình, y hệt như điều mà Đức Mẹ đã dạy:

"Này các con! Đạo không ở ngoài thân con, mà pháp là phương tiện. Con hiểu được Đạo, hành được Đạo, là thị hiện được pháp. Khi pháp hiển dương, tất nhiên, con đủ quyền năng giúp đời độ chúng. Con ôi! Tu học mà không thoát được vòng mê chấp thì sớm muộn gì cũng sa vào chốn mê đồ. Các con muốn hoàn toàn giác ngộ để thấm nhập nghĩa lý siêu mầu của đạo pháp, thì đừng bao giờ quên những món báu là: từ hòa, khiêm tốn, bác ái, khoan dung, nhẫn nại, trì thủ và hy sinh mọi cái tư hữu của chính con. Bao nhiêu đó, con hòa được với cảnh, hòa được với nhân tâm, tự khắc con hòa cùng thiên lý. Bao nhiêu đó, con sẽ thấy con không còn nhơn, còn ngã, còn kỷ, còn cầu. Nếu không nhơn ngã, vô kỷ, vô cầu, là con thực hiện đúng đạo lý, đúng chánh pháp Đại Đạo vậy." Đức Vô Cực Từ Tôn; Vĩnh Nguyên Tự, Tuất thời, 11-11 Bính Thìn (31-12-1976).

5. Một đời tu giải thoát chỉ có thể thành công nhờ một đời sống đại đồng

Hầu hết những điểm then chốt trong giáo lý về sự giải thoát của Đại Đạo đã được Đức Quan Âm Bồ Tát tóm tắt một cách khéo léo thành 12 câu thơ sau đây:

"Giải là cởi mở nghiệp căn qua,
Giải ấy chùi lau sạch mị tà,
Giải nợ hồng trần bằng tích cực,
Giải vây tục lụy với xông pha,
Giải mê tư tưởng trong thinh sắc,
Giải chấp tâm tình ở kỷ tha,
Giải khổ nhờ tu, tu chánh đạo,
Giải rồi thì sẽ thoát trần la.
Thoát là tránh khỏi có gì đâu,
Thoát được phiền ba thấy nhiệm mầu,
Thoát hóa rằng không nhân sự phế,
Thoát điều phi đạo mới tròn câu."
Đức Quan Âm Bồ Tát; Thánh thất Bình Hòa, Ngọ thời, 08-04 Canh Tuất (12-5-1970).

Muốn "thoát", trước hết phải "giải", tức phải tự cởi trói, tự tháo gỡ mọi gông cùm cho chính mình. Ở đây, có bốn chiếc chìa khóa cho sự thành công mà về thực chất đều là lối sống nhân hòa, đại đồng ngay giữa hồng trần tục lụy:

"Giải nợ hồng trần bằng tích cực,
Giải vây tục lụy với xông pha,
Giải mê tư tưởng trong thinh sắc,
Giải chấp tâm tình ở kỷ tha."


Bây giờ, chúng ta hãy đặt câu hỏi cho từng chiếc chìa khóa một: làm sao để tự sử dụng chiếc chìa khóa này mà khai thông con đường giải thoát cho chính bản thân mình? May mắn thay, lời giải đáp cho những câu hỏi như vậy cũng đã sẵn có trong giáo lý Đại Đạo.

Làm sao để "giải nợ hồng trần bằng tích cực"? Ít có ai cảm nhận được ý nghĩa giải thoát của chữ "tích cực". Nhà tâm phân học người Do Thái Victor Frankl đã đạt được trải nghiệm này khi bị giam trong trại tập trung của Đức quốc xã. Trong những ngày đối diện với cái chết, ông đã tìm ra ý nghĩa của sự tích cực ngay trong những nỗ lực để sống còn của ông. Ý nghĩa ấy thật đơn giản: Người tích cực là người biết chịu trách nhiệm về mọi hành vi bản thân mình, dù đó là hành vi của tư tưởng, lời nói, hay việc làm. Nhờ trải nghiệm này, nội tâm của ông đã bừng sáng và giúp ông chiến thắng được sức mạnh của bạo lực ở ngoại cảnh.

Nghiên cứu ý nghĩa ấy, Stephen R. Covey thấy rằng: Người không-tích-cực thường sống bằng "sự bận tâm" (concern), họ luôn bận tâm với những yếu kém của người khác, vào các vấn đề của ngoại vật, vào các yếu tố mà họ không thể làm chủ được, và lấy đó làm lý do để trách móc, kết tội tha nhân và hoàn cảnh, cũng như, để biện hộ cho khuyết điểm của bản thân. Ngược lại, người tích cực không sống bằng "sự bận tâm", mà tập trung mọi nỗ lực vào việc rèn luyện "sự ảnh hưởng" (influence) của nội tâm mình để tác động lên ngoại vật, nhờ vậy mà họ làm chủ được hoàn cảnh. Stephen R. Covey, tr.85.

Như vậy, tự thân sự tích cực đã là một hành vi giải thoát của tư tưởng. Hành vi này giúp chúng ta đạt được mức độ giải thoát đầu tiên ngay tại thế gian này: "Giải thoát sự u trệ [của] tâm hồn vị kỷ là tích cực phụng sự nhơn sanh độ dẫn người đời." Đức Quan Âm Bồ Tát; Thánh thất Bình Hòa, Ngọ thời, 08-04 Canh Tuất (12-5-1970). Muốn giải thoát ra khỏi cái u trệ của bản ngã, cái trì độn của sự ích kỷ,… thì phải phụng sự nhân sanh. Đây là cấp độ giải thoát căn bản. Ngay từ bậc hạ thừa, người môn đệ Cao Đài đã phải công quả để phụng sự. Phụng sự ở đây không phải để đánh đổi âm chất cho bản thân, mà để chu toàn một bổn phận làm người. Đến khi mình đã tiến bộ được một vài bước ở trình độ này rồi, thì phải độ dẫn người đời, chứ không đợi đến lúc mình thành thần thánh tiên phật gì cả. Tinh thần "độ dẫn người đời" là một tinh thần đại thừa, thuộc về sứ mạng đại thừa của con người trong Đại Đạo. Xem ra, cấp độ giải thoát này tuy cơ bản nhưng không thấp thỏi chút nào, mà ngược lại, đó là nền tảng cho cả tam thừa cửu phẩm trong Đại Đạo.

Làm sao để "giải vây tục lụy với xông pha"? Tục lụy là cái gì mà bao vây được chúng ta? Đó là bốn vách trần tù "tham, sân, si, dục" mà tân pháp Đại Đạo dạy chúng ta cách thức thoát ra:

"Thoát ra bốn vách trần tù,
Tham, sân, si, dục, mịt mù bốn bên."
Đức Đông Phương Chưởng Quản; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 04-06 Tân Dậu (05-07-1981).

Nhưng, nhà tù ấy do đâu mà có? Từ khi khai Thiên lập Địa đến nay, Tạo hóa chưa hề tạo ra nó. Vậy, ai đã tạo ra? Chính mỗi người đã tự kiến tạo nhà tù ấy cho chính bản thân mình:

"Người lỡ tạo trần tù bốn vách,
Lỡ bước vào, không cách trở day;
Tuy không bóng dáng hình hài,
Cao không đo được, sâu dày khó thăm."
Đức Quan Âm Bồ Tát; Hườn Cung Đàn, Tý thời, 08-04 Ất Tỵ (07-05-1965)

Tấn bi hài kịch lạ lùng nhất của mỗi con người đều nằm ở chỗ này: chúng ta tự kiến tạo ra ngục tù để giam cầm lấy mình, tự kiến tạo ra gông cùm để trói buộc lấy mình. Sự kiến tạo ấy đã làm nên những hệ thống xiềng xích đáng sợ nhất thế gian. Đến nỗi, Đức Chơn Thường Đạo Sĩ, sau khi thoát xác và trở về được tiên cảnh, nhớ lại những kiếp luân hồi của mình trong nhà tù này, đã phải ngậm ngùi than:

"Thế mới biết trần tù bốn vách,
Có ngõ vào, không ngách chun ra;
Nếu không huệ kiếm trừ tà,
Vô minh buông rủ khó mà vén lên.
" Đức Chơn Thường Đạo Sĩ; Minh Lý Thánh Hội, Hợi thời, 14-07 Canh Tuất (15-08-1970).

Huệ kiếm ấy là gì? Là sự dứt khoát cắt bỏ vọng tâm và giữ gìn chơn tâm. "Sự dứt khoát giữa cái vọng và chơn, thật là một điều rất hi hữu trên đời này vậy." – Đức Quan Âm nhìn nhận với chúng ta về sự khó khăn này, nhưng Ngài cũng dẫn dắt chúng ta vượt qua khó khăn này một cách thật cương quyết – "Muốn mau tiến hóa trên đường tu công bồi đức, ngoài những phương châm vạch sẵn trong giáo lý, chư hiền nên duy trì cơ tánh thuần lương thiện mỹ"; và Ngài nhấn mạnh: "Tránh các trường hợp khi thì cầu kinh lạy Phật, khi thì bố thí cúng dường, khi thì đố kỵ tha nhân, tham lam ích kỷ, để gây quân bình trọn vẹn cho địa vị tu hành của mình." Đức Quan Âm Bồ Tát; Thánh thất Bình Hòa, Ngọ thời, 08-04 Canh Tuất (12-5-1970).

Lời dạy này cho chúng ta một công thức thực hành để dẹp bỏ vọng tâm: nhìn vào lòng mình, tự kiểm một cách vô ngã, và dẹp đi mọi tham, sân, si, dục. Ngoại trừ những bậc đã tu thành chánh quả tại thế gian, phần còn lại – chúng ta – đều có một chân dung nội tâm tương tự nhau về cái Tôi của chính mình. Hiện rõ mồn một trên chân dung "Tôi" ấy là rất nhiều tham, sân, si, dục. Cái tham, cái dục là những cái mà chúng ta rất dễ nhìn thấy, còn những tánh sân và si lại có vẻ khó nhận diện hơn. Lời dạy của Đức Quan Âm cho ta biết rằng: muốn nhận ra tánh sân của "Tôi", phải tự theo dõi xem "Tôi" đố kỵ tha nhân ở mức độ nào, và chính sự đố kỵ ấy là kẻ đại diện tiêu biểu nhất của tánh sân, bởi vì bản chất của tánh sân là sự tranh chấp, tìm kiếm những hơn thua giữa mình với người khác. Thế còn tánh si? Không nằm ở đâu xa: đại lý của nó chính sự ích kỷ, bởi vì bản chất của tánh si là sự mê muội do tự yêu lấy cái phàm ngã của mình.

Té ra, chúng ta "đang sống với lũ quỷ vô thường mà không hay không biết" – Đức Bảo Pháp Huỳnh Chơn đã vạch rõ cho chúng ta thấy – Lũ quỷ đó đang "lẫn trong đời sống vật chất, trong tâm duyên lự, trong tâm tích tập, nó xúi giục đủ điều, sân si tật đố, khẩu thiệt, ích kỷ..." Đức Bảo Pháp Huỳnh Chơn; Minh Đức Tu Viện, Hợi thời, 27-01 Tân Dậu (03-03-1981). Thế nên, muốn thoát khỏi những vòng vây tục lụy, khỏi những ngục tù mà sự vô minh của ta liên tục tạo ra, thì ta chỉ có thể trông cậy vào chính mình, chứ không một Đấng Thiêng Liêng nào có thể thoát… thay cho ta được. "Cần dứt khoát xa lánh lần lũ quỷ vô thường – thấy vô thường, nghe vô thường, nói vô thường – để chủ nhơn ông vững vàng vô ngại." Đức Bảo Pháp Huỳnh Chơn; Minh Đức Tu Viện, Hợi thời, 27-01 Tân Dậu (03-03-1981).

Làm sao để "giải mê tư tưởng trong thinh sắc"? Muốn giải mê, phải thật sự hiểu rằng mình mê ở chỗ nào và mê như thế nào. Hơn nữa, cũng phải hòa nhập vào đại chúng thì mới biết mình có mê hay không; nếu cứ đóng cửa mà sống trong một tháp ngà cô lập thì ai cũng có thể quả quyết rằng mình luôn giác ngộ, chỉ đơn giản là vì không có dịp để va chạm toàn diện với những thử thách.
Thiện Quang

Lụy thân vì bởi ý ta bà,
Vì bởi người còn chấp cái ta,
Chẳng biệt giả chơn, không chánh niệm,
Đành làm tôi tớ thập tam ma.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Liên Hoa Cửu Cung, 03-01 Ất Tỵ, 04-02-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây