Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Tổng Giám mục địa phận Canterbury của Anh và là người đứng đầu Anh giáo, Tiến sỹ Rowan William, đã ...
-
Trí và Thức là hai lãnh vực mà có nhiều người học đạo chưa phân biệt được rõ ràng. Thực ...
-
Nói đến Đao Thầy, tức là nói đến Đao của Thương Đế. Và “nói đến Đao của Thương Đế”, trước ...
-
Từ lâu đời, Xuân đã là nguồn cảm tác văn nghệ của con người, cho nên theo truyền thống dân ...
-
Tu hành /
Chúng ta theo lẽ thường tình hay dùng từ Tu Hành để chỉ các vị chức sắc tôn giáo cùng ...
-
Theo Larousse, "thiền" có nghĩa là "trải qua sự quán tưởng sâu sắc, khảo sát, suy tư sâu sắc." Theo ...
-
BỘ THIẾT GIÁP CỦA NGƯỜI TU Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, Thầy đã dạy như sau: "Bởi vậy cho ...
-
Đờn ca tài tử là đứa con nội sinh của văn hoá Nam bộ nửa cuối thế kỷ 19, được ...
-
Sứ mạng ĐĐTKPĐ là sứ mạng cứu độ toàn diện cho thế giới nhân lọai, nghĩa là chủ trương vừa ...
-
Có thể nói "Sứ mạng Nho tông chuyển thế" trong giáo lý Cao Đài là một ý niệm không đơn ...
-
Ý nghĩa của bốn chữ “Cửu Huyền Thất Tổ”
-
Nhân ngày lễ kỷ niệm tái thiết Vĩnh Nguyên Tự Rằm tháng 3 Âm lịch (01-5-2007)NCGL trân trọng giới thiệu ...
Đức Chí Tôn và các Đấng
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 12/08/2010
Thánh giáo dạy về \"Đắc nhất\"
Trúc Lâm Thiền Điện, Ngọ thời Mùng 2 tháng Giêng Bính Ngủ (22/1/1966)
“DI LẠC THIÊN TÔN - Bần Tăng chào mừng chư Thiên sắc thiện tín tất cả đàn trung
“. . .Từ cổ chí kim, các bậc tu hành đắc đạo chỉ có một suốt lý Đạo mà nên. Người đời còn mang phần thể xác tứ đại, nên bị chi phối bởi thập tam ma. Nếu tâm linh không thường trụ, làm chủ bản thân, để thất tình lục dục lấn át điều khiển, sẽ dẫn con người trầm mê đọa lạc.
Luận một cách khác : Nếu tâm linh thường trụ, đắc nhứt đắc trung, huyền quang khai khiếu, quán thông Thiên Địa vạn vật, thì ngồi tịnh thiền một chỗ, phóng hào quang một giây, quan sát khắp cả càn khôn vũ trụ, thất thập nhị địa, tứ đại bộ châu. Khi thâu lại, trụ trong chỗ tế vi, không dùng mắt phàm xem được. Đến khi viên mãn công phu, ngày giờ nhứt định, sẽ xuất chơn như trở về hiệp nhứt cùng khối đại linh quang, còn lại mảnh thân tứ đại trần cấu sẽ trả về cho tứ đại cùng đất nước lửa gió. . .”
______________________
Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 26 tháng Giêng Tân Hợi (22.2.71)
“VẠN HẠNH THIỀN SƯ, Bần Tăng chào mừng chư Thiên ân hướng đạo, chào chư hiền hữu đạo tràng lưỡng phái.
“ . . .Chư đạo hữu ! từ cổ chí kim, các tôn giáo được khai minh đã để lại cho đời biết bao nhiêu là thiên kinh vạn quyển. Âu đó cũng là phương pháp tùy duyên hóa độ vì căn trí của nhơn sinh không đồng đều nhau mà đạo lý thì cũng không biết bao nhiêu pháp môn hầu lường cho hết. Nhưng muốn đạt được đạo không phải nhứt thiết mỗi người phải đọc cho hết những thiên kinh vạn quyển ấy. Người tu chỉ cần đạt đắc nhứt là thành đạo.
Chư đạo hữu thử đi một vòng từ chánh điện đến khắp đô thành, mặc dù ánh sáng đèn điện rải rác đó đây, tỏa lên một vùng trời sáng rực. Trong những ánh sáng ấy tỏa ra bởi các bóng đèn lớn có, nhỏ có, dài có, ngắn có, không ai có thể đếm cho hết con số ấy. Nếu người đời muốn tìm bắt cho được ánh sáng ấy mà chỉ bắt từng bóng đèn một, ví như người học đạo đi tìm từng pháp môn một. Người bắt ánh sáng ở đây là trụ tướng của ánh sáng, người học một pháp môn thì tưởng đây là nguồn gốc của đạo lý, nhưng có mấy ai biết ánh sáng ấy phát nguyên không phải tại chỗ bóng đèn, đạo lý không phải phát nguyên tại một pháp môn. Nếu trong lúc đó máy phát điện chính từ nhà đèn vụt tắt đi thì trong muôn triệu bóng đèn kể như vô dụng.
“Đạo cũng thế. Tuy nói rằng Phật pháp có mấy muôn, mấy ngàn pháp môn, thực ra là không ai có thể lường được, nhưng sự đạt đắc nhứt chỉ có một chỗ bí quyết mà thôi.
______________________
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời Rằm tháng 3 Tân Hợi (10-4-71)
“NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ KIM VIẾT CAO ĐÀI GIÁO ĐẠO NAM PHƯƠNG, Thầy các con, Thầy mừng các con nam nữ.
THI
Con ôi ! Thầy đến lúc đầu canh.
Thông thấu thần quang cõi trọn lành;
Gió núi sóng cồn chưa ổn định,
Sương mai nắng hạ vẫn xoay quanh.
Càn khôn trẻ muốn chung cư thất,
Thiên Địa con toan động tác thành;
Ngưỡng cửa viên dung là chữ nhứt.
Không tìm sao thấy ở hình danh.
Giờ này hôm nay Thầy giáng trần nơi đây để ban ơn chung cho các con mỗi phận sự trong guồng máy Cơ Quan và Nữ Chung Hòa, Thanh Thiếu Niên hay tất cả. Vậy Thầy cho phép, các con an tọa định thần trong khoảng 10 phút và ổn định tâm trung để Thầy ban ân trong giờ lành …
Bây giờ lòng của các con tạm ổn định đôi phần. Vậy hãy nghe Thầy huấn nhủ ít lời đạo lý :
. . .Trong thế tam tài, Trời mà được Một thì đàng đạo yên ổn trong lành, soi sáng nuôi dưỡng muôn loài vạn vật không giây phút ngừng nghỉ, từ thỉ tới chung, đất khi được Một thì vạn vật mới sinh tồn nhờ bởi sự ổn định luôn luôn. Nếu không ổn định bình yên thì con người, thì vạn loại bị sự tiêu diệt bởi sụp đổ nghiêng chinh.
Còn nhơn tức con người được Một thì con người trở nên thông suốt sáng láng, hiểu được mọi sự mọi vật, từ gần tới xa, từ đã qua tới việc sẽ đến. Đối với người thì gây được tình thương, Tạo được thế giới quân bình thạnh trị. Đại để là như vậy.
Các con ơi ! Sự đắc nhứt đối với người tu theo Đại Đạo của Thầy, là một then chốt quan trọng ở mục tiêu, vì mục tiêu là điểm rốt ráo. Nếu các con không nhìn nhận và nắm được lẽ Một ấy, cứ quanh quẩn bên ngoài, thì không bao giờ đến chỗ. Nếu không được Một, chẳng những các con cứ quanh quẩn bên ngoài vòng đạo lý, mà phải chịu trong sự vô minh nê chấp riêng rẽ ở quan niệm cá nhân hay đoàn thể tông phái của mình.
Con hãy nhìn ra trường đời thì thấy thiên hạ ai ai cũng đề cao, cũng vụ ở cái mộng Đắc Nhứt. Nhờ sự Đắc nhứt mà con người đã đạt từ một trình độ tiến bộ về khoa học, về đời sống vật chất khá cao, tức là đúng với người xưa nói: " Nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh " là vậy.
Đó là về phần hữu hình vật chất. Còn Thầy khai đạo, muốn cho con Đắc Nhứt, chẳng những về phương diện hữu thể mà thôi, cả về phương diện siêu thể tinh thần là phần chính yếu vậy.
Các con ! Trước khi các con gọi rằng được Một, thì các con đã được nhiều lắm rồi. Được nhiều đến nỗi các con không làm sao chứa đựng hết, khiến cho lòng con luôn luôn bận rộn, khiến cho trí não các con luôn luôn căng đầy, khiến cho thân thể các con triền miên gian khổ. Rồi từ cái được nhiều như vậy, các con nếu biết phương pháp để đạt tới sự Đắc Nhứt là chìa khóa mở cửa đạo, hiệp với đạo, tức hiệp với Thầy vậy. Nhưng các con nên cẩn thận khi dùng chữ Đắc Nhứt, vì không có tiếng nào để chỉ cho một nguyên lý tuyệt đối tối thượng ấy mới tạm gọi như vậy. Tiếng tạm gọi này là tiếng mượn ở tương đối. Hễ tương đối thì các con dễ ngộ nhận nếu không cẩn mật khi học đạo tu hành.
Đắc Nhứt không có nghĩa là con chỉ tôn thờ một tôn giáo, một lý tưởng cao đẹp nào đó. Đắc Nhứt không có nghĩa là các con chỉ dự một nhiệm vụ làm cho tới ngày cởi bỏ xác phàm. Đắc Nhứt cũng không phải các con chỉ có một lòng một dạ yêu Thầy mến đạo, tỏ ra rất thuần thành. Nếu các con xét thấy mình chỉ được ngần ấy thì chưa đủ được đạo hay Đắc Nhứt đó con. Vì nếu con cứ một lòng bảo vệ tôn chỉ, lý tưởng của mình cho tới cùng, không một trở lực nào ngăn cản, nếu bị kẻ khác xâm phạm danh dự hay quyền lợi thì tỏ thái độ đối kháng, ấy là chưa được Đắc Nhứt quá lắm vậy.
Thế thì các con cũng cứ lập trường một tôn chỉ, một con đường đã chọn đi. Các con cứ nhứt tâm vì Thầy vì đạo đi, các con cứ một việc làm mà hằng tiến đi, và trên những con đường, những phương hướng ấy mà các con làm, vì đạo không vụ ở lợi cho mình. Hễ đi tới là quay về trước mặt, không ngó lại mà tiếc rẻ những vật chung quanh, tức là các con mạnh dạn cởi bỏ những phàm tánh vọng ý còn đeo đẳng lòng con, mặc dù phàm tánh vọng ý ấy chỉ được dùng cho sự luyện đạo thành Tiên tác Phật. Vì những thứ ấy là những lượn ba đào trên mặt trùng dương biển cả. Nếu biển cả cứ nổi dậy những sóng to dồn dập thì nó sẽ ở vào trạng thái đa diện, không nhứt diện phẳng lì nữa.
Khi lòng con như lượn sóng luôn luôn khơi dậy, thì khi ấy chưa được sự Đắc Nhứt.
Thầy trở lại hiện hữu của các con với vai tuồng đang mang tại Cơ Quan này :
Các con rường cột cũng nên thể hiện rốt ráo điều đó để làm gương chung. Khi mà các con xứng đáng một trong thế Tam tài, thì các con với sự Đắc Nhứt, sẽ dùng quyền lực tạo được bởi tinh thần để phổ độ, để phụng sự nhân sinh, cũng như Trời Đất đang hành vận trong lẽ thuần nhứt đó vậy.
Và còn một điểm để phụ vào cái Đắc Nhứt của con người rằng cổ nhân của các con có câu: " Thần đắc nhứt dĩ linh. Thường thường các con hiểu Thần là một vị cai quản một địa phận ở cõi vô hình nào đó, chẳng hạn Thần Núi, Thần Sông, Thần Làng. Nhưng nếu hiểu như vậy cũng không có chi đáng nói.
Thầy muốn cho các con hiểu Thầy đây là Chơn Thần, là Nguơn Thần trường cửu hằng tại tự bản tự căn ở mỗi các con. Khi con chi phối tinh thần trăm mưu ngàn kế ở đầu óc các con, hay con nghĩ vẩn vơ những nhơn tình thế sự, thì cái thần, cái chơn thần của các con không còn linh diệu nữa, tất nó phải bị ly tan tản mác, hay hơn nữa, nó bị chìm sâu dưới bức màn vô minh dày cợm.
Như vậy, khi các con đề cập đến sự đạt đạo, thành đạo, thì các con nên nhớ mà gìn giữ nguơn thần cho linh diệu, cho tinh anh, để được minh mẫn mà trở về đạo gốc.
THI
Một là tất cả đó cái ôi !
Tất cả biết gom một lẽ Trời;
Mới ứng dụng vào trong thế sự,
Không là những chuyện nói đùa khơi.”
__________________________________
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, mồng 3 tháng 2 Nhâm Tý (15.03.1972)
GIÁO TÔNG ĐẠI ĐẠO THÁI BẠCH KIM TINH
“ . . .Người tu hành phải làm thế nào mới biết được đạo ? Phải làm thế nào mới đạt được đạo ? Từ lúc nhập môn cầu đạo cho đến nay, chư đệ đã được nghe về chữ đạo trên muôn kinh ngàn điển, trên thánh giáo thánh ngôn, cuối cùng trở về chỗ tối yếu của đạo là đắc nhứt.
Đắc nhứt tức là đắc đạo. Như vậy, trên đời có biết bao nhiêu thiên hạ, biết bao nhiêu tài ba trí thức, anh hùng liệt nữ quán chúng siêu nhân, rồi cũng lắm lúc mai một theo trần ai cát bụi, đó bởi chưa sáng tỏ cái đắc nhứt của họ.
Ngày nay chư đệ cũng thế. Trên tiền đồ Đại Đạo chư đệ thấy có trách nhiệm nào đã chấp nhận phục vụ cho lý tưởng của đời mình. Hãy cương quyết gìn giữ lấy đó để đạt cho đến chỗ đắc nhứt mới trở về bổn nguyên chơn tánh được. Đừng nghĩ việc nào làm cũng được, thời gian nào đi cũng được. Dòng nước qua cầu không lưu lại, cũng là dòng nước, nhưng ngày hôm qua là hôm qua mà không phải là ngày hôm nay được. Chư đệ phải lưu ý đến điểm đó.
Bần Đạo cũng nhắc lại chư đệ hiểu thêm là đạo lý hay đức tin không phải ở trên ngọn cơ nầy, mà chính ngọn cơ nầy cũng là đạo lý, là đức tin. Nhưng đức tin với đạo lý không tách rời. Nếu tách rời đạo lý thì đức tin sẽ bị lệch lạc thiên về mê tín. Bần Đạo dạy như vậy chư đệ rán mà học."