Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
20/06/2010
Đức Đông Phương Chưởng Quản

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 01/07/2010

Vạn pháp qui tông

Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 28 tháng 5 Tân Hợi (20.06.1971)

KIM QUANG ĐỒNG TỬ, Tiểu Thánh chào chư Thiên mạng, chào chư liệt vị đàn tiền, Tiểu Thánh vâng lịnh ĐỨC ĐÔNG PHƯƠNG CHƯỞNG QUẢN đến báo đàn, chư liệt vị thành tâm nghinh tiếp, Tiểu Thánh xin xuất ngoại ứng hầu, lui./-

Tiếp điển :
ĐÔNG PHƯƠNG CHƯỞNG QUẢN, Bần Đạo mừng chư hiền đệ hiền muội. Bần Đạo rất hoan hỉ nhìn thấy sự hiện diện đông đủ của chư hiền đệ hiền muội hôm nay.

THI

Nghiệp lực trần la bủa khắp nơi,
Nguyên nhân đâu hãy thức thời cơ;
Quày chơn trở lại đường Thiên Đạo,
Tránh khỏi trầm luân để độ đời.

Chư hiền đệ hiền muội ! ĐỨC CHÍ TÔN cùng chư phật tiên thánh thần đều chú trọng đến sự cứu cánh nguyên nhân trong tam kỳ phổ độ. Vì thế cho nên chư hiền đệ hiền muội mới được hưởng đặc ân thọ truyền bí pháp trên huyền cơ điển bút.

Ngày mới sơ khai Đại Đạo, NGÔ MINH CHIÊU cũng được đặc ân để làm một sứ đồ, trước nhứt thế Thiên hành hóa buổi đầu tiên sáng khai huyền vi pháp nhiệm lập thành nền tảng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, cho đến ngày nay công quả công phu công trình đầy đủ, đã trút hết những gì tạm mượn cõi thế gian trở về quả vị Đại Tiên, là bậc Tiền Khai Đại Đạo tại Việt Nam cũng như các bậc giáo chủ ở lân bang quốc ngoại.

Điểm đạo mà NGÔ MINH CHIÊU được chứng quả là do đặc ân trên cõi vô hình chan rưới. Về pháp môn, từ ngàn xưa các Đấng đã thành công ở pháp môn tu niệm với sở đắc của chính mình và sở quan của đại chúng. Bởi thế, luận đến pháp môn là vạn pháp, nhưng cái điểm đạo duy nhứt phải tựu trung vào chỗ đắc nhứt mới thành công kết quả đạt Đạo.

Hiện tình thế sự ngày nay đã lâm vào trường hỗn loạn nên nhơn tâm ly tán, đạo nghĩa suy đồi, những gì gọi là cơ cấu trật tự đạo lý ở ngàn xưa cũng bị áng mây mờ làn khói tỏa trước tham vọng của nhơn sanh, nên nhơn sanh nhìn thấy đạo lý cơ hồ như xáo trộn, không đủ niềm tin để nhận chân đạo lý ở nơi đâu, là gì, mặc dù đạo lý bất biến.

Bần Đạo nhắc lại : khi NGÔ MINH CHIÊU CHỨNG QUẢ ĐẠI TIÊN còn truyền lại cho hàng đệ tử tu hành, nhưng giáo pháp chỉ hoàn tất trên đoạn đường ngắn của Đại Tiên tìm đến chỗ đắc nhứt mà phục hồi nguyên vị, kỳ trung sứ mạng cứu cánh trong tam kỳ phổ độ không phải như ngày xưa, chánh giáo tự tay phàm truyền thọ nữa, mà phải cần có sự điểm đạo của Thiêng Liêng.

Hạt giống được gieo vào lòng đất phì nhiêu màu mỡ nẩy mầm đơm tược thì cái vỏ bọc hột giống đã trở về nguyên thủy của nó cho trọn vẹn đức hi sinh cứu độ.

Khi tàng cây Đại Đạo đơm hoa trổ trái rườm rà, đó là giai đoạn của cái mầm đã từ hột giống nẩy sanh và bông trái được tươi nhuận, người đời được hưởng thọ, đó là giai đoạn của thân cây và cành cây, nhưng tất cả tổng quát đều hấp thọ tinh ba của càn khôn võ trụ để rút vào những rễ con châm vào trong lòng đất mẹ từ từ dưỡng nuôi sanh hóa.

Chư hiền đệ hiền muội ! Bần Đạo phân như vậy để chư hiền đệ muội suy nghiệm mà đặt mình cho đúng chỗ, tu học cho đúng đường ngõ hầu đáp lại ơn thiên địa, phụ mẫu dưỡng dục từ linh hồn đến thể xác và cũng đáp lại non sông dân tộc bằng cách độ nhơn tế chúng trong thời hạ nguơn điên đảo này.

Lời xưa có nói : "Vạn giáo nhứt lý" hay "Vạn pháp qui tông". Thật vậy, nhưng nhứt lý là làm sao, và vạn pháp là pháp môn thể nào mới trở về nhứt lý. Vạn pháp qui tông cũng vậy. Có thể đem thí dụ một cách rõ rệt là nước muôn dòng cũng đổ về biển cả. Tuy nhiên, phải tìm hiểu cái lý như thế nào, cái chánh tông ở đâu ? Dòng nước có trong có đục, chẳng phải tất cả đều trở về biển cả được, mà cũng có một số nước phải chịu cạn khô trong ao hồ vũng vực.

Pháp môn cũng thế. Tuy nhiều pháp môn đều phải về một nẻo là đạt thành đắc nhứt, trở lại nguyên nhân khởi thỉ từ khối đại linh quang, nhưng cũng có những pháp môn phải chịu hủy diệt là bởi bàng môn tả đạo.

Than ôi ! Bần Đạo rất xót thương cho các hàng chơn tu ngày nay gặp phải cuộc đời biến chuyển, cơ đạo vần xoay, trước cảnh chớp giăng sấm nổ với sự nhận định của khối óc còn đang ẩn nấp trong thể phàm phu, thiệt rất khó khăn trên bước đường tu tiến. Vì vậy nên Đức Thượng Đế mới ban đại ân xá kỳ ba, hễ nhứt tâm tu niệm, dầu đạt được đến sở đích của đạo hay chưa đạt đến mà đã chí thành chí kỉnh tu thân học đạo vẫn được ân ban thành đạo tùy theo công đức mà đắc vị.

Hôm nay, Bần Đạo, cười …!

THI

Muốn thử can trường kẻ học tu,
Còn chăng lưu luyến cõi diêm phù;
Chưa rèn gươm huệ chưa toàn thắng,
Phải phải làm sao đáng sĩ nhu.

Trước khi Bần Đạo chấp nhận điểm đạo cho chư hiền đệ hiền muội, Bần Đạo khuyên nhớ ba điểm này :

Điểm thứ nhứt : muốn vào tịnh trường phải giữ tâm cho tịnh định, cắt đứt mọi liên hệ ở ngoài chung quanh mình, hành đúng theo câu "Thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn".

Điểm thứ nhì : thời gian tu tịnh, dầu ngắn dầu dài hạn, người hành giả không được một giây phút nào nghĩ đến lâu hay mau, thành hay không, đắc hay thất, và học câu "Vô nhi nhi vô bất vi".

Điểm thứ ba : này rất quan trọng, là không nên thí nghiệm pháp môn. Vả lại cơ cấu trời đất và cơ cấu con người cũng đồng nhứt thể, Đại Thiên Địa, Tiểu Thiên Địa. Nếu do phàm ý sở xuất manh tâm thí nghiệm pháp môn, ắt sẽ bị hại, ví như thời tiết bất hòa, phong vân bất trắc, hạn hán lụt lội, thiên tai, còn con người thần khí bất hòa, ngũ hành xung khắc tạng phủ bất an, phải chịu hoại hư cơ thể.

Ba điều này chư hiền đệ hiền muội hãy tâm niệm hằng ngày trước khi vào tịnh trường.

Chư hiền đệ hiền muội !

THI

Bởi đời còn lắm nỗi gian truân,
Có chí tu chơn chẳng mất phần;
Đạt Đạo mới mong ra tế chúng,
Nhơn thân bất độ, độ hà thân.

BÀI

Thân đã trải trong vòng trần cấu,
Thân nhiều phen cá chậu chim lồng;
Hỏi thân rằng có rằng không,
Bao giờ mới thấy thân trong cõi Trời.
Nhìn thế cuộc đổi dời thương hải,
Xét cho thân sao phải làm sao ?
Nhìn trời vẫn tưởng trời cao,
Trời cao hay thấp thân nào biết đâu.

Tam tài giả là đầu sự việc,
Nhứt lý do minh triết đạo cơ;
Công phu điểm đạo kịp giờ,
Chân như soi sáng huyền cơ mở màn.
Thuyền từ biển rộng mênh mang…

THI

Thiếu dương khởi thỉ đúng cơ mầu,
Luyện tánh nhờ đây đạt lý sâu;
Kẻ trước người sau tu tiến đạo,
Thành công độ chúng lập công đầu.

Bần Đạo ban ơn toàn thể chư hiền đệ hiền muội :

Độ đời nào quản công phu,
Mong sao sanh chúng học tu đắc thành;
Hạ nguơn gieo rãi đức lành,
Lập đời thánh thiện bảo sanh đại đồng.
Tâm thơ ghi để mấy dòng,
Giã từ đệ muội non bồng dời chơn.

Thăng

----------------
Đã kiểm duyệt

Bảo Pháp Chơn Quân

Huỳnh Chơn
Đức Đông Phương Chưởng Quản
Hành Pháp / Đức Đông Phương Chưởng Quản

Ý nghĩa Ngũ nguyện / Đức Đông Phương Chưởng Quản

Vạn pháp qui tông / Đức Đông Phương Chưởng Quản

Một giờ thanh tịnh một giờ linh / Đức Đông Phương Chưởng Quản

Đạo pháp trường lưu / Đức Động Phương Chưởng Quản

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây