Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
“ NGỌC ĐIỆN HUỲNH HÀ” là một trong Thất Thập Nhi Tịnh trực thuộc Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên, ...
-
Sáng 28-09-2013, Tu viện Phănxicô Đakao đã tổ chức một buổi gặp gỡ, hội thảo và chia sẻ liên tôn ...
-
Tôi cũng có một ước mơ, Mơ mọi người đều có một tấm lòng, Để yêu thương,để sống thật chân tình; Không hơn ...
-
Biến Hoá kinh, viết vào khoảng năm 612 sau CN (thời Tùy Dạng Đế) cho rằng Lão Tử chẳng những ...
-
DẤU ẤN THỨ NHỨT: THƯỢNG ĐẾ LÂM PHÀM BẰNG LINH ĐIỂN KHAI ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ DẤU ...
-
Lịch sử đạo Cao Đài cho thấy đức tin Cao Đài, từ lúc chưa nảy sinh đến lúc lập thành ...
-
Tâm là nguồn gốc muôn vật, hễ nói đến Đạo là nói đến Tâm. Trên đời này có vô số ...
-
Thiên Quan Tứ Phước là vị quan nhà Trời xuống trần gian chăm lo cho dân, ban bố mọi sự ...
-
Thiên Trung Dung trong Tiểu Đái Lễ Ký tương truyền là sáng tác của Tử Tư, cháu nội của Khổng ...
-
Trước hết, tôi xin giải nghĩa tám chữ " Diêu Trì Kim Mẫu, Vô Cực Từ Tôn" cho môn sanh ...
-
Trên non Yên Tử chòm cao nhất, Trời mới sang canh đã sáng tinh Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả Nói cười ...
-
Nhân lễ Kỷ niệm Khánh đản Đức Thái Thượng Đạo Tổ vào ngày Rằm tháng 2 năm Đinh Dậu, một ...
Hồng Phúc
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 15/07/2007
HỌC KINH THÁNH TRONG TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Tuy nhiên, như lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói trong bài diễn văn đọc trước Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng: "Kinh Thánh có ảnh hưởng trong suốt các thế kỷ. Tiến trình thường xuyên "hiện tại hóa" là nhằm thích nghi việc giải thích Kinh Thánh cho phù hợp với não trạng và ngôn ngữ đương thời. Đặc tính cụ thể và trực tiếp của ngôn ngữ Kinh Thánh bắt nguồn trong một nền văn hóa cổ gây ra nhiều khó khăn. Vì thế, chúng ta phải không ngừng chuyển dịch lại tư tưởng Kinh Thánh sang ngôn ngữ đương thời, để Kinh Thánh được diễn tả theo những cách thế hợp với thính giả… Phải làm sao để Lời Chúa xuất hiện trong tất cả vẻ huy hoàng chói lọi, cho dù Lời này "được diễn tả bằng tiếng nói của loài người". (Dei verbum 13)
Ngày nay, Kinh Thánh đã được phổ biến trên khắp mọi lục địa và mọi quốc gia. Nhưng muốn cho Kinh Thánh đạt hiệu quả sâu xa, cần phải có một sự hội nhập văn hóa tùy theo đặc tính riêng của từng dân tộc. Có thể các dân tộc ít bị ảnh hưởng những sai trệch của văn minh phương Tây hiện đại sẽ hiểu sứ điệp Kinh Thánh dễ dàng hơn những dân tộc đã trở nên gần như lãnh đạm đối với tác động của Lời Thiên Chúa, vì trào lưu tục hóa và những thái quá của trào lưu giải trừ huyền thoại.
Thời đại chúng ta cần phải có một nỗ lực lớn lao, không chỉ về phía các học giả và những nhà giảng thuyết, nhưng cả phía những người đang làm cho tư tưởng Kinh Thánh đến được với quảng đại quần chúng: họ phải sử dụng mọi phương tiện có thể có được- ngày nay có rất nhiều- để làm cho tầm mức phổ quát của sứ điệp Kinh Thánh được nhận biết rộng rãi và hiệu năng cứu độ của Kinh Thánh có thể bộc lộ ở khắp nơi nơi" [1]
Trong tinh thần đó, những người môn đồ của Đức Cao Đài trong Tam Kỳ Phổ Độ tự nhận thấy có trách nhiệm hiểu và giúp người khác cùng hiểu đúng đắn những lời Thánh Kinh với hàm nghĩa cao sâu ẩn áo của lý Đạo nhiệm mầu- chỉ có một từ ngàn xưa cho mãi đến ngàn sau-, nhất là do bởi đã có diễm phúc được chính Đức Giêsu truyền dạy qua huyền cơ diệu bút, xác nhận sự hiện hữu của Ngài trong cơ phổ độ Kỳ ba:
"Kìa! Nay là ngày tất cả trời Âu đều ca tụng, lòng thành kỉnh ấy cầu mong Ta giáng thế để ban quyền pháp cho các con chiên như lời tiên tri xưa kia. Các con chiên đang chờ đón, vì lòng tin ta ban sự vinh hiển cho thế gian, là chữa được biết bao bệnh tật được mạnh lành. Vì lòng tin vô tận ấy mà các con chiên không hề phai lợt. Vì lòng tin, cũng như lời tiên tri xưa kia còn dấu vết, ngày nay một ánh sáng bừng dậy nơi góc trời Nam sáng tỏ, đó là Đấng Cứu Tinh Cha Trời giáng thế, mà giáng thế với một danh từ mới lạ, tùy theo dân tộc mà phổ nghi, làm cho các con chiên của Ta cho đó là một điều nghi hoặc không đạt được cội nguồn mà phụng sự ta trong lúc hạ kỳ tái thế."
Sách Khởi nguyên nói Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ vạn vật và loài người trong 6 ngày, ngày thứ 7 Chúa nghỉ. Theo thiển nghĩ , con số 6 ngày sáng tạo vũ trụ này phải chăng cũng trùng hợp với 6 hào trong một quẻ của Kinh Dịch tượng trưng cho 6 giai đoạn mà tất cả mọi sự vật, sự kiện diễn ra trong vũ trụ đều phải trải qua. Chúng ta biết rằng Kinh Dịch của Khổng giáo với 64 quẻ biểu hiện cho tất cả những tình huống, trạng thái, giai đoạn, không gian và thời gian của vũ trụ vạn vật; riêng 2 quẻ đầu mối là Kiền tượng trưng cho Trời có thêm hào Dụng Cửu và Khôn tượng trưng cho Đất có thêm hào Dụng Lục được xem như là hào thứ 7, phải chăng chính là ngày của Chúa trong Kinh Thánh.
Đối với sự sáng tạo con người, sách Khởi Nguyên trình bày lời Thiên Chúa: "Ta hãy làm ra người theo hình ảnh Ta, như họa ảnh của Ta" (Kn:1,26) Trong khi đó, sách Thứ Luật nói rằng Thiên Chúa không có hình tượng nào giống như hình tượng thế gian. Điều đó có nghĩa Thiên Chúa là Đấng Siêu hình. Làm sao họa hình ảnh của Thiên Chúa? Đó phải chăng là muốn nói đến Thiên tính, Phật tính, Chân tâm, hay Bản lai diện mục hiện diện trong mỗi con người mà Cao Đài còn gọi là Tiểu Linh Quang.
Thiên Chúa đã dựng nên một người độc nhất và là đàn ông: " Yavê Thiên Chúa đã nắn hình người với bụi lấy từ đất đai và người đã hà hơi sống vào mũi nó và người đã thành mạng sống"(Kn:2,7);còn đàn bà thì được dựng nên sau cả dã thú và chim trời, bằng cách làm cho đàn ông ngủ mê, rồi lấy một xương sườn tạo thành người đàn bà. Adam là nhân vật nam tượng trưng cho năng lực "Dương" và Eva là nữ biểu hiện cho năng lực "Âm". Chúa lấy một xương sườn của Adam để tạo thành Eva để xác định nguyên lý "Âm Dương chỉ thị nhứt khí", trong đó "Dương trung hữu âm" hoặc "Âm trung hữu Dương" tức là tính chất hằng thường của vũ trụ: trong Dương có Âm hoặc trong Âm có Dương.
Học Kinh Thánh Cựu Ước, ai cũng biết huyền thoại về Adam và Eva là tổ tông của loài người. Đoạn 3 sách Khởi Nguyên trình thuật về việc "sa ngã phạm tội" của 2 ông bà xuất phát từ sự cám dỗ của con rắn xúi bà Eva ăn trái cấm trong vườn Eden (Địa Đàng) và cho chồng cùng ăn. Trái cấm ấy là trái của "cây sự biết tốt xấu" mà Yavê Thiên Chúa đã truyền dạy Adam khi được giao canh tác giữ vườn: "Mọi cây trong vườn, ngươi đều được ăn. Nhưng cây " sự biết tốt xấu" ngươi không được ăn, vì chưng ngày nào ngươi ăn nó, tất ngươi sẽ chết." (Kn:2,16)
Huyền thoại này đã gây biết bao sự hoang mang, nghi ngờ, chỉ trích, thậm chí chống đối trong thế giới loài người, không chỉ người ngoại đạo mà kể cả tín đồ Thiên Chúa giáo. Bởi vì có nhiều chi tiết vô lý đối với tư duy của con người, nhất là đó là lý do mà con người phải chịu nhiều khổ sở đày đọa vì tội của tổ tông bất tuân lời Thượng Đế.
Thật ra, vấn đề tranh cãi là vì con người chỉ hiểu theo nghĩa đen mà không đào sâu để tìm thấy ý nghĩa ẩn tàng huyền nhiệm, bởi vì cách dạy Đạo của các vị Giáo Tổ là "mượn sự để cầu lý".
Adam nguyên thủy tượng trưng cho Con Người chứa đựng Tiểu Linh Quang uyên nguyên thuần phác, tinh khiết thanh cao chiết xuất từ khối Đại Linh Quang Thượng Đế để thay Ngài tiếp tục công cuộc hóa sanh và trưởng dưỡng muôn loài nơi cõi hữu vi. Để thích ứng với môi trường vật chất của cõi trần gian, Adam nguyên thủy vốn mang tính nhất nguyên phải có thêm một bộ mặt khác, linh hoạt phù hợp với tính chất nhị nguyên đối đãi, cho nên mới được Thượng Đế ban cho "người vợ" là Eva. Adam và Eva chính là hai phần không thể tách rời trong mỗi con người. Adam là phần dương hay nguơn thần mà cũng gọi là hồn, là phần tinh anh sáng suốt có thể gọi là lương tâm, là chơn ngã trong đó có mầm Thiên tính; và Eva là phần âm hay thức thần, mà cũng gọi là phách, là phần vọng động thiên về vật chất với nhiều dục vọng ham muốn, mà ta thường gọi là phàm ngã, dễ bị lôi cuốn, cho nên mới bị con rắn cám dỗ. Con rắn đây cũng chỉ là sự tượng trưng dục vọng con người.
Con người được Đức Thượng Đế cho xuống trần gian để làm sứ mạng "thế Thiên hành hóa", nhưng rồi đã để cho "Phàm ngã" điều động chỉ huy theo dục vọng ham muốn hưởng thụ, "Chơn Ngã" mất ngôi và con người bị sa vào chỗ đọa lạc, được thể hiện qua việc Adam và Eva bị đuổi khỏi vườn Địa Đàng .
Qua Cựu Ước, Thượng Đế đã từng nói chuyện với Adam và Eva trong vườn Địa Đàng đầy hoan lạc.Vườn ấy có 4 con sông chảy ra 4 phương trời. Khảo sát cơ thể học, trong óc não con người, nơi chính giữa óc có một động trống gọi là não thất ba, chung quanh có một vòng động mạch gọi là Willis, từ vòng động mạch này phát xuất ra 4 động mạch dẫn máu lưu thông tới 4 phương óc. Như vậy, phải chăng vườn Địa Đàng là một cách nói ẩn dụ, nằm sẵn trong con người và chính là nơi Thượng Đế ngự và đối thoại với con người qua tiếng nói của lương tâm.
Khi chưa ăn trái "cây sự biết tốt xấu", Adam và Eva sống hạnh phúc trong vườn Địa Đàng chung với muông thú như là anh em, chỉ ăn hoa quả, bởi vì lúc này con người còn trong thời kỳ "Tâm hư" của thế giới Nhấn. Sau khi nghe lời con rắn rồi ăn trái cấm, bắt đầu biết hổ thẹn, tức là bắt đầu giai đoạn Nhị nguyên hóa tâm thức con người với đầy đủ thất tình lục dục. Đây là quá trình khởi sự tách con người ra khỏi vạn vật, làm chủ vạn vật vì con người có trí khôn; tuy nhiên cũng từ đó, con người đánh mất hạnh phúc thật sự ban sơ, và bước vào thế giới của sự khổ đau; khổ đau do bởi ý muốn thỏa mãn những dục vọng càng ngày càng nhiều. Hậu quả to lớn nhất là con người đã đánh mất mối dây liên lạc thiêng liêng với Thượng Đế, cũng đồng nghĩa mất sự sống thiêng liêng, tức là "chết" trong ý nghĩa Yavê Thiên Chúa phán dạy Adam.
Dù Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước đều được xem là khó hiểu vì cách hành văn do việc dịch thuật, do sự khác biệt văn hóa, cách diễn giải ngôn ngữ… rồi không có sự tìm hiểu, nên nhiều người có cái nhìn dị biệt với Thiên Chúa giáo, nhưng thật ra chân lý của các tôn giáo từ xưa đến nay chỉ có một. Ngay cả trong việc ăn chay, ngay từ lúc sáng tạo con người, Kinh Thánh đã ghi lời Thiên Chúa:
"Này Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ lả sinh hạt giống có trên cả mặt đất, và mọi thứ cây có quả sinh hạt giống, chúng sẽ làm của ăn cho các ngươi."(Kn: 1, 29)
Bởi vì chúng ta biết Adam và Eva sống trong vườn Eden cùng với muông thú, nên chắc chắn rằng không có việc ăn thịt loài vật, dù là loài côn trùng nhỏ bé như trong sách Lê-vi:
" Mọi côn trùng bò trên đất là vật kỵ, người ta không được ăn. Mọi vật bò bằng bụng, mọi vật đi bằng 4 chân hay có nhiều chân hơn, tóm lại, phàm côn trùng nào bò trên đất, các ngươi sẽ không ăn vì chúng là vật kỵ. Các ngươi chớ để mình thành đồ ghê tởm vì các côn trùng bò sát, các ngươi đừng để mình nhiễm uế vì chúng, bởi vì chúng các ngươi mắc uế. Vì chính Ta là Yavê Thiên Chúa của các ngươi: các ngươi sẽ ở như người Thánh và các ngươi hãy là Thánh, vì Ta là Thánh, các ngươi sẽ không để cho mình nhiễm uế vì bất cứ côn trùng nào cựa quậy trên đất."
Chữ Thời, yếu tố không thể thiếu trong sự vận động của toàn vũ trụ trong đó có đời sống con người, được xem là cốt lõi của sự biến dịch trong Dịch Lý Đông phương "Tùy thời chi nghĩa đại hỷ tai" có nghĩa "lớn lao thay cái nghĩa lý của việc tùy theo thời" cũng được đề cập rất chi tiết trong Thánh Kinh:
"Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời ở dưới bầu trời: thời để sinh và thời để chết, thời để trồng và thời để nhổ cây trồng, thời để giết chết và thời để chữa lành, thời để phá và thời để xây, thời để khóc và thời để cười, thời để than van và thời để múa nhảy, thời để quăng đá và thời để lượm đá, thời để ôm và thời để tách rời không ôm nữa, thời để tìm kiếm và thời để thất lạc, thời để gìn giữ và thời để vất đi, thời để xé và thời để khâu, thời để nín thinh và thời để lên tiếng, thời để yêu và thời để ghét, thời giặc giã và thời bình an." (Gv:3,1-8)
Đoạn văn trên đã khẳng định chân lý chỉ có một, dù phương Đông hay phương Tây đều gặp nhau. Tất cả mọi sự mọi việc xảy ra trong trời đất đều không phải ngẫu nhiên mà do sự biến dịch tùy theo thời. Người biết tùy thời là sống theo Thiên đạo, tức là sống theo quy luật thường hằng của Thiên Chúa mà Trình Tử của phương Đông đã nói: "Tùy thời biến dịch dĩ tòng đạo dã" tức "tùy thời biến đổi để mà giữ đạo lý vậy".
Kinh Thánh đã nói về bữa tiệc ly như sau: "Đức Giêsu đã đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Simon Phêrô, ông liền thưa với Người: ‘Thưa Thầy! Thầy mà rửa chân cho con sao?’ Đức Giêsu trả lời: ‘Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu’. Ông Phêrô lại thưa: ‘Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!’ Đức Giêsu đáp: ‘Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy’. Ông Simon Phêrô liền thưa; ‘Vậy thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân mà cả tay và đầu con nữa’ Đức Giêsu bảo ông; ‘Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu’.
Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là "Thầy" , là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em." (Ga:13,4-17)
Câu chuyện ghi trong Thánh Kinh 2000 năm về trước này đã được chính Đức Giêsu giáng cơ nhắc lại vào năm 1963 với các môn đồ của Đức Cao Đài không chỉ nhằm ôn lại cho con người bài học khiêm tốn, hạ mình cần thiết trên đường trở lại Nước Trời mà còn là một sự khẳng định nơi cõi trần ai trọng trược, không một ai tránh khỏi lỗi lầm cho nên phải dìu dẫn đỡ nâng san sẻ giúp nhau vượt qua bỉ ngạn tìm về bến giác:
"Sau đây Ta cũng nhắc câu chuyện này: Khi Ta sắp bị đóng đinh trên thập tự giá, Ta cùng các Tông đồ Ta hội hiệp nhau, để chung một cuộc lễ tiến hành giã từ kẻ Tiên người tục, thì Ta dạy các Tông đồ Ta: hãy rửa chân nhau, nhưng không một Tông đồ nào dám hạ mình để rửa chân; Ta mới đi rửa từng môn đồ ta cho sạch sẽ hai bàn chân.
Với lý này, là con người ở thế, hễ còn làm là còn lâm vấp tội lỗi, cũng như còn đi là còn dính bụi hai bàn chân, nên phải rửa dần công với nhau mới kỹ lưỡng, sạch sẽ; hạ mình để thực hành thánh ý Ta dạy, nhưng khi Ta thăng Thiên rồi, các Tông đồ Ta mới trọn đức tin, và thi hành đứng đắn theo lời Ta dạy từ trước, mới được đắc quả vị cả thảy."[2]
Thánh Kinh cũng ghi lại những phép lạ mà Đức Giêsu đã thực hiện với ý nghĩa của sự bày tỏ quyền năng Thiên Chúa và xác minh sứ vụ Thiên sai của mình, trong đó có câu chuyện Ngài cùng các môn đồ lên thuyền ra biển, giữa biển khơi bỗng nổi sóng to, trong khi Ngài ngủ. Các môn đồ của Ngài sợ hãi, đánh thức Ngài dậy và Ngài đã thị hiện phép lạ, ra lệnh cho biển lặng tức thì. Đến Tam Kỳ Phổ Độ, Ngài nhắc lại câu chuyện ấy với lời giải thích như sau:
"Về phần Vô vi Chơn đạo, thì khi sanh tiền, ta có dạy các môn đồ ta một lý huyền diệu khéo léo này: Là một khi Ta cùng tông đồ ta cỡi thuyền đi ra biển Galilée, Ta đang nằm mê man ngủ, thì thuyền lại bị sóng gió ba đào sắp nhận chìm thuyền, các Tông đồ Ta chừng ấy mới nhớ đến Ta, đánh thức Ta dậy, Ta liền bảo: "Biển sóng gió ơi! Hãy yên lặng đi!" Tức nhiên, biển lặng tức thì. Lý ấy là tâm con người, như biển lòng; hễ gặp việc gì trở ngại, như sóng gió ba đào, cần phải giữ đức tin, đánh thức tâm linh, bảo biển lòng hãy lặng an thì mọi sự yên ổn vậy"[3]
Khi nói đến vấn đề luân hồi nghiệp quả của con người thì thường chúng ta liên tưởng đến giáo lý Phật Giáo, nhưng trong Kinh Thánh, Đức Chúa Giêsu cũng đã từng nói với môn đệ của Ngài:"Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà." (Mt: 1, 34-36)
Lời nói này của Chúa đầy tính ẩn dụ sâu sắc mà nhiều người cho rằng mang tính mâu thuẫn với lời hát của các Thiên thần sau khi Chúa được sinh ra:
"Vinh danh Chúa cả trên Trời,
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương." (Lc: 2, 14)
Mà Chúa thương tất cả loài người ở thế gian vì Ngài là Huynh Trưởng, thì phải chăng việc Chúa mang gươm giáo đến trần gian để gây chia rẽ cho những người có liên hệ huyết thống sống cùng dưới một mái nhà là điều hết sức phi lý. Tuy nhiên, "Kẻ thù của mình chính là người nhà" ; thoạt tiên mới nghe vô lý, nhưng suy cho cùng thì đó là sự thật vì chỉ những người có duyên nghiệp, nợ nần với nhau từ kiếp trước mới sinh ra trong cùng một nhà ở hiện kiếp. Những người gây khổ cho ta lại chính là những người gần gũi thân thiết với ta nhất. Do đó, để đoạn trừ nghiệp lực, chặt đứt mọi oan khiên để tìm đến bến bờ giải thoát, không còn con đường nào khác hơn là con đường tu hành theo chân Chúa. "Chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng" chỉ là một cách nói diễn tả ý nghĩa giải trừ nghiệp chấp, dứt nợ tiền khiên bằng gươm thần huệ của chính mỗi người. Bởi vì trong trường hợp này, nếu con người luôn được sự bình an hạnh phúc thì chắc chắn con người sẽ mãi mãi ở lại thế gian, cột chặt linh hồn trong vòng sanh tử luân hồi chuyển kiếp.
Đọc tiếp: http://nhipcaugiaoly.googlepages.com/hockinhthanh
[1] Công giáo và Đức Kitô-Kinh Thánh qua cái nhìn từ Đông Phương - Lý Minh Tuấn- NXB Tôn giáo, tr. 24-25
[2] Tòa Thánh Tiên Thiên, Tý thời đêm 24-12-1963
[3] Tòa Thánh Tiên Thiên, Tý thời đêm 24-12-1963