Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
27/06/2010
Hồng Phúc

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 01/07/2010

VỊ THẾ, ĐẶC ĐIỂM VÀ VAI TRÒ CỦA NGƯỜI TÍN ĐỒ CAO ĐÀI

Vào đầu thế kỷ 20, trong những tháng ngày đất nước Việt Nam còn đắm chìm trong điêu linh khói lửa do bởi nạn ngoại xâm, một sự kiện hy hữu đã xảy ra trên mảnh đất Việt nhỏ bé, dân tộc Việt đón nhận một ân phước vô biên, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, vị Chúa tể muôn loài từ xưa đến nay chỉ có trong huyền thoại tâm tưởng của con người đã thị hiện cứu rỗi loài người nơi cõi trần gian, nói chuyện với con người bằng ngôn ngữ của người Việt Nam:

Các con ôi! Thầy là Chúa tể Càn Khôn, sanh ra muôn loài vạn vật, bao nhiêu cuộc tuần huờn, dinh hư tiêu trưởng, đó là sự nhiệm mầu của Thầy đã định sẵn . Vì vậy mà đến buổi Hạ nguơn, Thầy đến xứ Việt Nam nầy để khai Đạo, kêu gọi các bực nguyên nhân hãy sớm lập công bồi đức, hướng dẫn toàn thể sanh linh sớm tỉnh tu để về cõi trường tồn chánh giác, hoặc hưởng đời Thượng nguơn Thánh đức. Nguyên vị đã sẵn dành cho các bực nguyên căn tu hành chánh đạo và cũng dành để cho những kẻ tùng lương cải ác, sớm trở lại nguồn. Còn chốn địa ngục a tỳ là chỗ để trừng phạt những đứa bạo tàn hung ác, và cũng để răn trị những hạng người tu hành ngụy trá.
Hôm nay Thầy đến với các con để vỗ về an ủi cùng chan rưới điển lành cho các con, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, lớn bé, nguyên nhân cùng hóa nhân, để các con hấp thụ linh điển đó mà bình tâm sáng suốt, chọn một con đường đi, khỏi lo chông gai hiểm trở. Đó là con đường Đạo.
"

Phải nói đây là hồng ân vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại, bắt đầu cho sự hình thành một nền tôn giáo mới với danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay đạo Cao Đài với vị Giáo chủ chính là Đấng Tạo Hóa đã khai sinh muôn loài vạn vật, tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Sự ra đời của đạo Cao Đài trên đất nước Việt Nam không phải là để thêm một tôn giáo vào các tôn giáo hiện hữu trên thế giới từ xưa đến nay mà đích thực, vị Giáo Chủ Cao Đài mượn hình thức tôn giáo để con người có thể nghe thấy tiếng nói của Ngài mà xích lại gần nhau, nối vòng tay lớn tìm thấy tiếng nói chung giữa người với người trên cơ sở chân lý là đạo đức để cùng góp phần xây dựng một cuộc sống nhân sinh thái hòa an lạc phù hợp với đức háo sinh của Tạo Hóa, đồng thời cũng tạo tiền đề để người hiệp với Trời là điều kiện giúp cho càn khôn ổn định, vũ trụ an lành và tâm linh con người tìm thấy bến bờ giải thoát khỏi chốn luân hồi sanh tử.
Ngay những ngày đầu khai Đạo, Đức Chí Tôn đã ban lời khuyến dạy:
Trời Nam may đặng một yếng sáng của Ðấng Ðại Từ Ðại Bi dẫn khách trần bước lần ra con đường hắc ám, để tránh khỏi bến mê, dụng nâu sồng thế cân đai, mượn khổ tâm thay chung đỉnh, lấy hạnh đức làm nấc thang bước lên tột lừng trời, vẹt ngút mây xanh, trông vào cảnh thiên nhiên, biết rõ cơ mầu nhiệm mà làm khách u nhàn thanh nhã, núi thẳm rừng xanh.(…)

Ðạo Trời qua bến tục, đường Thánh dẫn khách trần, nếu chẳng biết thế thời, giọt nhành dương hết chờ khi rưới khổ đặng.
Hơn 80 năm trôi qua, đạo Cao Đài đã in dấu trên quê hương Việt Nam và theo bước chân người Việt đi đến nhiều nơi khác trên thế giới để hình ảnh người tín đồ Cao Đài chân phương thuần khiết trong bộ đạo phục màu trắng cũng là quốc phục truyền thống của dân tộc Việt đã không còn xa lạ với mọi người, mà tô đậm được nét biểu trưng cho một nền tôn giáo thuần túy Việt Nam với tôn chỉ “ Tam giáo quy nguyên- Ngũ chi phục nhất, mời gọi các con thuyền tôn giáo cùng trương buồm lướt gió ngược dòng cứu độ quần sinh trở về bến khởi.
Bởi vì Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ dưới hình thức một tôn giáo có tên gọi Cao Đài không đơn thuần là một tôn giáo với những qui điều giới luật khuyến thiện con người, mà thực sự là một đại cuộc cứu độ do chính Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế chủ trì với toàn thể chư Phật Tiên Thánh Thần cùng lâm phàm dẫn dắt loài người thoát trường sát kiếp buổi Hạ ngươn là thời kỳ cuối cùng của cuộc tuần hoàn chu kỳ vũ trụ.

Do vậy, người tín đồ Cao Đài đã được Đức Thái Thượng Đạo Tổ dạy rằng:
Trong cõi vô thường cuộc đời giả tạm mà lại có các hàng Giáo chủ – Tiên, Phật, Thánh – ra đời để giác ngộ, hầu khải ngộ dẫn dắt quần sanh. Chư môn đồ đang thực hiện sứ mạng để tiếp nối các việc làm của hàng Giáo tổ Thánh nhơn trong hai kỳ trước. Vậy mỗi một tín đồ của Đại Đạo là một Thiên ân. Mỗi một Thiên ân là một sứ mạng phải được hoàn thành khi đã được Đấng Chí Tôn Thượng Đế ban trao.”
Qua lời dạy này, người tín đồ Cao Đài không chỉ đơn giản là người theo đạo, tức người gia nhập vào một nền tôn giáo, tuân hành những luật lệ chung của tôn giáo đó như cách hiểu thông thường của người đời từ trước đến nay, mà là những Thiên ân phải thực hiện sứ mạng là tiếp nối việc làm của hàng Giáo tổ Thánh nhân trong Nhứt và Nhị kỳ Phổ độ. Đức Thái Thượng đã nhấn mạnh vai trò:“Mỗi một tín đồ của Đại Đạo là một Thiên ân” với trách nhiệm vô cùng lớn lao: “Mỗi một Thiên ân là một sứ mạng phải được hoàn thành khi đã được Đấng Chí Tôn Thượng Đế ban trao


Trong ý nghĩa đó, người tín đồ Cao Đài phải có những đặc điểm khác hơn người tín đồ của các tôn giáo khác trong vị thế và vai trò của mình trên đường hướng đến mục tiêu “ Thế Đạo Đại đồng và Thiên Đạo Giải thoát” như là phương cách nhằm giải quyết những vấn đề của con người trên cả hai mặt nhân sinh và tâm linh mà Đức Thượng Đế đã chỉ ra cho con người trong cơ cứu độ Kỳ Ba này.

I-VỊ THẾ CỦA NGƯỜI TÍN ĐỒ CAO ĐÀI :

Bước qua ngưỡng cửa Cao Đài, người tín đồ đã được xác nhận hai vị thế cao trọng:

1- Tam tài đồng đẳng- Thiên Địa Nhân

Từ xưa đến nay, con người chỉ biết mình với một kiếp đời ngắn ngủi chưa tới trăm năm mà trời đất thì bao la với không gian vô tận và thời gian vô biên. So với vũ trụ, con người chỉ là hạt cát trong sa mạc mênh mông. Con người không biết mình là ai, từ đâu đến và đến đây để làm gì, rồi sẽ đi về đâu. Con người không biết rằng mỗi cá nhân là một tiểu vũ trụ với một năng lực siêu nhiên tiềm ẩn, không chỉ giới hạn trong khả năng tìm tòi phát minh thế giới vật chất để phục vụ cho tiện ích trong đời sống nhân sinh nơi chốn hữu hình mà còn có thể thăng hoa khai phóng để vượt lên hàng siêu xuất thế gian, hòa nhập cùng đại thể vũ trụ. Chính vì vậy mà con người đã được xếp vào hàng Tam Tài đồng đẳng: Thiên Địa Nhân, tức là ngang hàng cùng Trời Đất tính theo năng lực vô hình trong Đạo.
Tôn giáo Cao Đài được khai sinh, mở toang cánh cửa huyền vi cho con người nhìn thấy con đường rộng lớn nối liền thiên thượng với thiên hạ, xuyên suốt từ vô thỉ đến vô chung, người tín đồ Cao Đài không còn hoài nghi về số phận của mình mà đã nhận ra được vị thế cao trọng mà Trời đã ban cho con người để con người đứng vào hàng Tam tài, có khả năng đi trọn cuộc hành trình tiến hóa theo dòng luân lưu của vũ trụ như lời khẳng định của Thánh giáo:
“Nếu đứng trên phạm vi con người, thì trời đất là một vũ trụ bao la. Nhưng trên cương vị một hạt vi trần, thì con người quả là một vũ trụ vô lượng. Con người quả là một hạt cát trong bãi sa mạc hoang vu nhưng là hạt cát biết suy nghĩ. Vũ trụ có hằng trăm nghìn thế giới, mỗi một thế giới có vô lượng thế giới tế vi hơn. Vũ trụ trùng trùng, đừng mong đạt đến cái tận cùng của nó”
Mỗi người là một Tiểu Linh Quang được chiết xuất từ khối Đại Linh Quang Thái Cực, đến cõi thế gian để thay Trời tiếp tục hoàn thành công cuộc hóa sanh vạn hữu trong nhiệm vụ lập đời, điều hành, quản cai muôn vật, tức là tạo cho cõi hữu hình một “hồn sống”. Như vậy, con người đóng một vai trò quan trọng trong sự vận hành của toàn vũ trụ. Thế nhưng con người chỉ nhìn thấy mình qua xác thân tứ đại mà không nhận ra điểm linh quang ẩn tàng hiện hữu bên trong với một năng lực diệu kỳ có thể giúp con người phối Thiên, huyền đồng cùng vũ trụ. Giáo lý Cao Đài xác nhận: “Người đứng giữa Trời Đất, làm móc nối cho càn khôn, tạo dựng thái hòa”
Ý thức được vị thế cao trọng của con người, người tín đồ Cao Đài phải biết vận dụng nguồn năng lực tiềm tàng trong tự tánh, lấy linh tâm làm chủ sử nhân thân để tu hành thực hành sự tiến hóa cho tiểu vũ trụ chính mình.

2- Song hành cùng Trời trong cùng sứ mạng tận độ Kỳ Ba:
Hơn thế nữa, với người tín đồ Cao Đài, khi đã quyết tâm bước qua ngưỡng cửa Cao Đài, thì đã mặc nhiên thọ nhận sứ mạng song hành cùng Trời để làm nên đại cuộc cứu độ Kỳ Ba, Trời và người cùng hợp tác để giải quyết những vấn đề của con người. Trời vạch ra đường lối, chỉ đạo, hướng dẫn; còn phần thực hành do chính con người đảm nhận. Đây là một vị thế cao trọng khác dành cho con người trong vũ trụ, thể hiện ân phước to lớn mà Đức Chí Tôn Thượng Đế đặc biệt ban cho con người trong cơ phổ độ Kỳ Ba, khác với Nhất và Nhị kỳ Phổ độ.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ra đời trong cơ tận độ, không chỉ một mình Đức Thượng Đế đến trần gian để đưa tay cứu vớt đàn con đang chơi vơi trong biển khổ, mà tất cả chư Phật Tiên Thánh Thần cũng giáng trần giúp Thầy cứu rỗi toàn nhân loại. Nhưng không phải cứu rỗi bằng phép mầu huyền nhiệm mà Đấng Trọn Lành chỉ trao cho con người bức cẩm nang để con người nương theo đó mà định hướng tìm cho mình con đường giải thoát. Nói cách khác, Đức Thượng Đế chỉ là người thiết kế xây dựng nên “ đề án cứu rỗi” và giao cho con người thực hiện, bởi vì như Đức Cao Triều Phát đã giải thích:

Một sứ mạng chia hai đoàn người u hiển sắc không, các em đã hiểu rồi, đã biết rồi, hữu hình mới phục vụ cho hữu hình, vô vi là tác năng của tiềm lực trí tuệ. Có hữu không vô ví như có hình vật mà không co cơ năng linh hoạt, có vô không hữu khác nào bốc gió chốn hư không, xây lâu đài trong mộng ảo, bởi vì rễ có sâu thì gốc mới vững, cây có tàng lớn thì hoa trái mới sum suê

Như vậy, rõ ràng trong tôn giáo Cao Đài, có một sự hợp tác mật thiết giữa Trời và người, giữa thế giới vô vi là tác năng của tiềm lực trí tuệ và thế giới hữu hình là hành động cụ thể để đạt đến mục tiêu cứu rỗi loài người thoát khỏi cơ tận diệt của thời mạt pháp, xây đựng tái tạo đời Thượng ngươn Thánh đức, đồng thời cũng giúp con người vượt khỏi vòng luân hồi sanh tử để trở lại nguồn cội thiêng liêng nơi chốn vô sanh vô diệt.

“Thiên nhân tác hợp, Càn Khôn định
Tôn chỉ Cao Đài chỉ thế thôi.” (Đức Di Lạc Thiên Tôn: (1971)

Ở vị thế song hành cùng Trời, hợp tác với Trời, người tín đồ Cao Đài phải làm sáng tỏ ý nghĩa tinh thần Thiên Nhân hiệp nhứt, trong đó, con người là một tiểu vũ trụ với đủ đầy năng lực phối kết với Trời để thực hiện đạo Tài Thành, chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc, để thế gian không còn là sông mê bể khổ, không còn dấu vết của chia rẻ hận thù và con người trở lại với sự thuần khiết cao thượng đẹp đẽ của một loài sinh vật tối linh xứng tầm Trời Đất của thuở nguyên sơ như lời nhắn nhủ của Đức Vân Hương Thánh Mẫu:

Các em đặt trọn niềm tin vào Thượng Đế, vào các Đấng Thiêng Liêng qua linh cơ diệu bút để giác ngộ khải mê giúp các em tiến buớc hành đạo phản bổn hoàn nguyên. Chị cho đó là đúng, đó là phần hướng lên. Còn phần nội là tự xem chính mình có thật sự tin hay không. Đã tin thì chính mình là Đạo, phải thay Trời mà vận hành tự cường bất tức. Có như vậy các em mới thực hiện được sứ mạng”

“Con người là vật tối linh,
Đoạt cơ tạo hóa, thông tình vạn sanh.”
(Đạo Học Chỉ Nam)

II- ĐẶC ĐIỂM CỦA NGƯỜI TÍN ĐỒ CAO ĐÀI


1-Đạo phục:

Khi đã nhập môn vào đạo, người tín đồ Cao Đài, nam cũng như nữ, dù giàu, dù nghèo... ai cũng bắt buộc có một bộ đạo phục là bộ áo dài trắng, nam phái có thêm chiếc khăn đống đen, để mặc khi đến chùa thất và cả khi cúng lạy tại tư gia. Đây là điểm đặc biệt của đạo Cao Đài, đạo phục không chỉ dành riêng cho giới xuất gia như các tôn giáo khác. Đạo phục của đạo Cao Đài chính là hình ảnh của quê hương Việt Nam với chiếc áo dài truyền thống dân tộc đã được người tín đồ lưu giữ từ hơn 80 năm qua và mãi mãi.

Bộ áo dài VN là một biểu tượng văn hoá của dân tộc VN mà không lầm lẫn được với bất kỳ trang phục của quốc gia nào trên thế giới, trải qua thời gian với nhiều triều đại, dù có thay đổi cách tân theo quan niệm thẩm mỹ của người Việt theo từng thời kỳ, vẫn giữ nguyên kiểu dáng tổng thể và được người Việt nhìn nhận là quốc phục, ngày nay được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của Việt Nam, đã được chọn làm cơ sở cho đạo phục của một nền tôn giáo nội sinh đất Việt là đạo Cao Đài, một nền đạo phục vụ cơ cứu thế cho toàn nhân lọai, tức là có sứ mạng truyền bá ra khắp năm châu. Như vậy, bộ quốc phục VN sẽ trở thành đạo phục cho tòan cầu. Điều đó có nghĩa những giá trị của văn hóa VN sẽ trở thành những giá trị phổ quát cho mọi dân tộc trên thế giới.

Như vậy đạo phục Cao Đài thể hiện một sự dung hòa tổng hợp giữa bản sắc dân tộc với văn hóa đạo đức của tôn giáo. Mặt khác, màu trắng, trong ý nghĩa nội tại, tượng trưng cho sự thuần khiết, trong sạch của bản chất thiện lương con người vốn có từ thuở sơ sinh, nhắc nhở người tín đồ Cao Đài phải luôn giữ gìn, rèn luyện một đời sống nội tâm thánh thiện như lời Đức Đệ nhị Giáo Tông Thượng Trung Nhựt:
Mặc một bộ bạch y để nhắc nhở người giáo đồ cũng như hàng tín hữu luôn luôn phải trong trắng, phải mát dịu, phải hiền hòa nội tâm. (…) Màu trắng cũng là màu dễ lấm và nổi bật những vết nhơ. Dầu lớn dầu nhỏ, khi đã dính vào, người ngòai dễ trông thấy và đánh giá người chủ sử dụng bộ đồ. Các em nên lưu ý điều đó mà hành đạo.”

Trong ý nghĩa ngọai tại, màu trắng tượng trưng cho sự đại đồng. Bởi lẽ, màu trắng là tổng hợp của tất cả các màu sắc mà con người có thể nhìn thấy được. Giáo lý Đại Đạo dạy rằng mỗi tôn giáo, mỗi hệ tư tưởng, chủ nghĩa… trong nhân lọai là mỗi màu sắc làm nên sự phong phú cho đời sống tòan cầu. Do vậy, màu trắng của ĐĐTKPĐ chính là tượng trưng cho sự dung hòa, tổng hợp mọi màu sắc tư tưởng trong nhân loại. Sự dung hòa, tổng hợp này là tiền đề cần thiết để tạo nên một thế giới đại đồng trong tương lai.

Như vậy, tự thân bộ áo dài VN màu trắng cũng là đạo phục của tôn giáo Cao Đài đã nhắc nhở người tín đồ mối liên hệ giữa bản sắc văn hoá dân tộc với tính bổn thiện trong mỗi con người ở thế gian và tương lai đại đồng nhân lọai mà dân tộc được chọn phải trang bị để nắm bắt vận hội duy nhất đưa đất nước mình tiến đến vị thế một cường quốc về đạo đức.

2- Mỗi tín đồ là một Thiên ân:
Tôn giáo Cao Đài nhắm đến việc khai phóng con người, dùng thế Thiên Nhân hiệp nhất vận dụng con người vào công cuộc kiến tạo đời Thánh đức. Thượng Đế trao cho con người giác ngộ sứ mạng phụng sự kỷ nguyên đại đồng thánh đức, góp phần vào đại cuộc cứu độ quần sinh, tức là người tín đồ Cao Đài đã được Đức Thượng Đế ban trao sứ mạng để bước vào hàng Thiên ân Sứ mạng, thấy chính mình là Đạo, Đạo là mình; biết ý thức hiệp nhân lực với thiên cơ để vận hành công cuộc tiến hoá không ngơi nghỉ. Đối với vũ trụ, đó là người huyền đồng cùng tạo vật. Đối với thế gian, đó là người có thể làm cho thù thành bạn, ghét trở nên thương, là người xem mình là mọi người, mọi người là mình, để cùng nhau kiến tạo một xã hội đại đồng Thánh đức.

Tôn giáo Cao Đài vẫn có hàng ngũ xuất gia, hiến dâng cuộc đời cho lý tưởng Đại Đạo, không màng danh lợi, chức quyền, tiền tài, sự nghiệp, nhưng Thánh giáo Cao Đài dạy:
Người vào đạo tu thân không có nghĩa là trốn lánh việc đời, mà phải hòa mình trong việc đời để trước hoàn thiện hóa bản thân mình, rồi hoàn thiện hóa những người khác (…) đừng bao giờ có ý nghĩ này: vào đạo để độc thiện kỳ thân, đóng cửa tự luyện phép mầu để chấp cánh bay bổng cung Tiên, hoặc vào hang sâu rừng thẳm tịnh luyện nội ngoại công phu để làm tướng Trời dẹp loạn. Nếu trong khi đó, quốc gia mất chủ quyền, non nước suy vi, cửa nhà tan nát, xóm làng tan hoang, dân tộc nô lệ, thì sự tu ấy không có nghĩa gì hết.”

Bởi vì Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chủ trương phương tu nhập thế, người tu không cách biệt với xã hội nhân sinh để chỉ lo cho riêng mình, mặc cho cuộc đời đau khổ, mà phải đem Đạo vào đời để hoán cải cuộc đời bằng những giá trị đạo đức chân chánh. Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo đã dạy:
“Những tiếng chuông đơn độc lẻ loi trong cửa thiền nơi hoang vắng không khêu gợi âm vang được khắp khu rừng thăm thẳm trùng trùng. Nếu Đạo không thực liên với xã hội đời, thì làm sao nhắc lại cho Đời biết Đời là Đạo .”
Ngược lại, người tín đồ Cao Đài khi nhập môn vào đạo là đã chọn lựa con đường tu hành, lấy giới quy làm khuôn mẫu, sửa tánh tu tâm, học hỏi giáo lý để mở mang tâm thức, lúc hướng ngoại thì công quả giúp đời, khi quay về nội tâm thì luyện kỷ tu đơn, thực hành sống Đạo, tập đức hy sinh để làm tròn vai trò của người Thiên ân, là người đã thọ nhận sứ mạng thay Trời hoằng giáo.
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy::

"Thế nào là đức hy sinh ?
Có phải chăng hy sinh là bỏ hẳn tất cả cuộc sống đơn giản cần thiết của mình mà đi tìm một phương hướng vô định, một đường lối không tuyệt đích, một phương pháp không tưởng chăng ? Không phải vậy.Đức hy sinh bao trùm mọi mặt trong sự sống hằng ngày của nhân thế,dầu lớn dầu nhỏ cũng có đức hy sinh.Thí dụ như chư nhu, chư muội, phế những cao lương mỹ vị, tìm thú rau tương, dưa muối, cũng là một đức hy sinh. Hy sinh đó cho bao mạng sống, dành bao ngày giờ thụ hưởng vật chất xa hoa để sưu tầm giáo lý, nghiền ngẫm, tham thiền, tìm lẽ Đạo của đất Trời hầu phổ truyền cho sanh chúng cũng là một đức hy sinh; nhẫn nhục khoan dung với người tội lỗi, bướng bỉnh, để tìm cách giác ngộ họ cũng một đức hy sinh. Tạm gác những quyền lợi riêng tư cho cá nhân cho gia đình mình, mưu cầu hạnh phúc cho đa số cũng là một đức hy sinh; trấn áp tiêu diệt lòng ham muốn bất chánh, thói hung hăng, vị kỷ để phục thiện cũng là một đức hy sinh. Nhưng không phải hy sinh để phú mặc cho người tội lỗi tự tung, tự tác; hy sinh để cầu an hầu dung túng ký sinh trùng cho xã hội, đó là lòng hy sinh không đúng chỗ .
"

Như vậy, trong tôn giáo Cao Đài, không có sự phân biệt trong đời sống giữa người xuất gia và người tín đồ. Người tín đồ Cao Đài cũng chính là người giác ngộ, quyết tâm chọn con đường tu hành để giải thoát. Con đường tu hành của người tín đồ Cao Đài cũng là con đường sứ mạng tự độ - độ tha: vừa trau sửa thân tâm, hoàn thiện bản thân, vừa giúp người tiến hóa tâm linh, để cùng chung tay xây dựng một xã hội đại đồng thánh đức nơi cõi thế gian, đồng thời giải thoát linh hồn khỏi luân hồi sanh tử sau khi rời bỏ xác thân tứ đại.

Trong ý nghĩa đó, người tín đồ Cao Đài phải là người thắp sáng được cái điểm Đạo tự hữu của mình để soi đường cho chính mình hành đúng thiên lý, dẫn lối cho tha nhân, thể hiện được cái Đạo như lời Thánh giáo:

“Người tu theo Đại Đạo không phải chỉ mang mặc một hình thức, một danh từ cao siêu vô hồn ấy thôi. Còn phải nhờ những cố gắng tu tập hành đạo để cái Minh Đức hay cái đức sáng trong con người được luôn luôn sáng suốt để soi đường dẫn lối cho mình, cho thiên hạ. Đó là điều kiện tất yếu phải có của người tự nhận là tín đồ Đại Đạo.”.

III- VAI TRÒ CỦA NGƯỜI TÍN ĐỒ CAO ĐÀI

Đức Thượng Đế khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ với tôn chỉ “ Tam giáo qui nguyên- Ngũ chi phục nhất” nhằm phục hưng chơn truyền ba nền tôn giáo lớn và lâu đời nhất ở phương Đông là Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo, chắt lọc tinh hoa Tam giáo, sử dụng chánh pháp bất biến qua mọi thời kỳ cứu độ của Đại Đạo để đưa con người trở về hiệp nhất cùng Thượng Đế theo một phương cách phù hợp với căn trí của chúng sanh thời đại ngày nay như lời dạy của Đức Quan Âm Bồ Tát:

Hạ ngươn mạt pháp, Đại Đạo hoằng dương, gồm Tam giáo vào một Lý duy nhứt để phục hưng chánh pháp, cứu rỗi toàn linh trong cơn lặn hụp xa vời trên dòng bể khổ, lập lại đời Thương ngươn Thánh đức cho trăm họ hòa bình, càn khôn an tịnh.

Người tín đồ Cao Đài mỗi ngày đọc bài Khai Kinh:

“Trong Tam giáo có lời khuyến dạy,
Gốc bởi lòng làm phải làm lành.
Trung Dung Khổng Thánh chỉ rành.
Từ bi Phật dặn: lòng thành lòng nhơn.
Phép Tiên Đạo : tu chơn dưỡng tánh
Một cội sanh ba nhánh in nhau


-“Một cội sanh ba nhánh in nhau”. Đó là cội Đại Đạo của Thượng Đế sanh ra ba nhánh là ba tôn giáo: Nho – Thích – Lão; và chỗ “ in nhau” là “ làm phải làm lành”
- Làm lành là thực hiện đạo Công bình của Nho giáo. Làm phải là thực hiện tâm Bác ái của Lão giáo và đức Từ bi của Thích giáo.

Thực hiện tôn chỉ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, người tín đồ Cao Đài vâng lời Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo:
Khêu tỏ lý đồng nguyên và qui nguyên, khai sáng tâm linh, đưa con người lên tầm vóc Đại Đạo. Ngước mắt nhìn lên bầu trời to rộng, vượt ra đại dương trời nước bao la, chắp cánh bay bổng khắp 4 phương trời để phục vụ nhân loại, phụng sự Thiên cơ, phụng sự Đại Đạo, làm theo lòng Trời Đất.”

Nhưng để phục vụ nhân loại, để phụng sự Thiên cơ, phụng sự Đại Đạo, làm theo lòng Trời Đất, người tín đồ Cao Đài phải là hình ảnh :

1-Người quân tử của Nho giáo:

“Người quân tử” là mẫu người tài đức vẹn toàn trong xã hội nhân sinh được giáo lý Khổng giáo xây dựng trên nền tảng Ngũ đức: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
- Nhân: lòng yêu thương con người và muôn vật.
- Nghĩa: sự cư xử tốt lành, công bằng giữa người với người.
- Lễ: các hình thức tạo nên tương quan tốt đẹp giữa con người với nhau.
- Trí: sự hiểu biết sáng suốt để chọn điều tốt, tránh điều xấu, tìm điều phải, xa điều trái.
- Tín: là giữ lời hứa để tạo niềm tin nơi mọi người, cũng là lòng chung thủy với đạo lý.

Người Quân tử hành động theo đạo Dịch, tùy Thời mà thuận, theo Thời mà chống để giữ cái đạo Trung Dung, nên còn gọi là đạo Thời Trung, cũng gọi là đạo của Người Quân tử. Người Quân tử biết thời mà hành động hợp đạo Trung Dung để bảo toàn chính mình và làm nên việc lớn.
Có thể nói, toàn bộ giáo lý Khổng giáo tập trung dẫn dắt con người đạt đến đích điểm là trở nên Người Quân tử, con người đúng nghĩa trong mọi vai trò của mình trên cõi thế, thể hiện được vị thế " cùng với Trời đồng thể Linh quang", đã được Đức Văn Tuyên giải thích:
“ Quân tử là gì? Nghĩa là vua con, đúng theo nghĩa từ chữ, chẳng khác nào hai chữ thiên tử của nhà vua. Đến thời kỳ nầy thực hiện rõ rệt của tôn giáo, vì chính chư môn đồ nam nữ đây đều là Thiên tử, chớ không phải một vị Thiên tử như thời xưa . Thiên tử đây đồng nghĩa với Phật tử, Tiên tử, Thánh tử của Tam giáo đó vậy. Thánh Sư giải rõ chữ Quân tử là tự mình làm vua lấy mình. Cũng như Đức Từ Phụ làm chủ trong đại vũ trụ này, thì mỗi chư hiền đồ cũng được là chủ cái tiểu vũ trụ, là xác thân của mỗi môn đồ. Nếu vị nào biết làm một vị minh quân cai trị được thân tâm có đủ quần thần bá quan văn võ, cùng lê dân ở trong thể xác của môn đồ được rồi thì đối với việc gia đình xã hội quốc gia thiên hạ xử sự về đường chánh trị có khó chi.
Qua lời dạy này, người Quân tử có một ý nghĩa vô cùng to lớn, đồng nghĩa với Thiên tử là nhà vua cai trị tiểu vũ trụ nhân thân chính mình. Để làm tròn vai trò này, con người cần phải cải tạo toàn diện bản thân mình bằng cách tu thân, mà muốn tu thân thì phải học. Học là học đạo Thánh hiền để cầu nghĩa lý, biết phải trái mà sửa mình chứ không phải chỉ học để làm nghề sinh sống. Ngài dạy, muốn Nhân mà không muốn học thì bị cái che mờ là cái ngu; muốn Trí mà không muốn học thì bị cái che mờ là cái kiêu kỳ thái quá; muốn Tín mà không muốn học thì bị cái che mờ là hại nghĩa; muốn Trực mà không muốn học thì bị cái che mờ là ngang ngạnh; muốn Dũng mà không muốn học thì bị cái che mờ là loạn; muốn Cương mà không muốn học thì bị cái che mờ là táo bạo, khinh suất.
Trong việc học để sửa mình tức tu thân, thì trước phải cố giữ cái tâm của mình cho ngay chính, cái ý của mình cho thành thực. Tâm đã chính, ý đã thành thì tự nhiên cái lương tri, lương năng của mình sáng suốt, xem xét điều gì cũng hiểu rõ chỗ sâu xa, dù ở trong hoàn cảnh nào cũng ứng xử hợp với đạo lý. Từ đó dẫn tới chữ Tín trong các mối quan hệ xã hội.
Thánh giáo Cao Đài cũng khẳng định tư cách của người Quân tử:

"Quân tử là một người đức tài xuất chúng, phẩm hạnh nhân cách hoàn toàn, tánh tình cao thượng. Người Quân tử bao giờ cũng ung dung thư thái, ưa làm sự phải điều hay, thuận thiên lý lưu hành, đem chơn đạo mà khuyên đời tùng lương cải ác. Tấm lòng bao giờ cũng quãng đại, vô vi thanh tịnh, không phóng túng bôn chôn mà đẩ lòng dục sai khiến uốn bẻ, đến phải bước lầm vào nẻo quấy. Mỗi việc đều xét suy đáo để, tính trước lo xa, thương người ích chúng, ham nghĩa ưa nhân, chuộng trung mến chánh. Bao giờ cũng vẫn tùy thời quyền biến mà giữ cho được hai chữ Trung Dung, chớ không thái quá, không bất cập. Dầu gặp cảnh ngộ nào thì tâm chí cũng an vui không để thất tình loạn động, vì người Quân tử là thực vô cầu bảo, cư bất cầu an."

2- Học trò Tiên của Lão giáo:-

Người tín đồ Cao Đài còn phải khắc họa được chân dung của người học trò của Tiên gia. Đức Lão Tử dạy môn sanh phải tu dưỡng cái chơn tánh của mình cho được thuần chơn vì cái Tánh của con người do Trời ban vốn hồn nhiên, chơn như, thanh tịnh, không chút ô nhiễm mùi trần, nên phải giữ cho cư trần bất nhiễm trần. Tu chơn là tu Tánh luyện Mạng hay tánh Mạng song tu. Trước khi luyện Mạng (luyện Kim đơn), hành giả phải luyện kỷ là sửa trau cái bản tánh của mình cho được tốt đẹp.

Người học trò Tiên biết giữ lòng khiêm tốn, vong kỷ tức quên mình để làm lợi cho người, luôn hòa nhập, cư xử bình đẳng với mọi người. Sống đúng Đạo là sống tự nhiên, luôn ở mức quân bình, không thái quá, không bất cập, diệt lòng tham dục vì theo Đức Lão Tử « cái họa lớn là ở chỗ chưa biết đủ » (Họa mạc đại ư bất tri túc) bởi vì « biết đủ là giàu » ( tri túc giả phú)
Để thực hiện vai trò của người học trò Tiên, người tín đồ Cao Đài phải biết cách phục hưng chánh lý « Lão tông ». Đó là thực hành đạo pháp tức công phu tịnh luyện, mà muốn tịnh luyện có kết quả thì trước hết phải lo luyện kỷ tức là chế ngự bản thân, làm chủ thất tình lục dục như tâm niệm của Lão giáo tự ngàn xưa : « Luyện kỷ tối nan, hoàn đan thậm dị »

Đại Thừa Chơn Giáo dạy : « Luyện kỷ là lập cái tâm cho dứt sự thương yêu trìu mến, thê thiếp, tử tôn, cùng ham muốn mọi sự ở thế gian. Hễ tạo đặng như thế thời cái nhơn tâm dứt rồi đạo tâm mới sanh. Người có chí thành, chí kỉnh, tầm sư học Đạo, một lòng cung kỉnh, chẳng vong mộc bổn thủy nguyên, thiệt hành Thiên Đạo sẽ đến bực hườn hư.Hườn hư là yên tịnh thân tâm »

Luyện kỷ rồi hoàn đan tức công phu « qui Tam bửu Ngũ hành » để đắc thành Tiên Phật. Đức Cao Đài đã chỉ rõ :

« Như con người lo lắng vọng tưởng điều này sự nọ thì lao Thần ; còn ham muốn mơ mộng phú quý vinh hoa thì tản Khí ; bằng say đắm mê sa trường tình dục hải thì tổn Tinh.
Hễ Tam bửu hao mòn thì khác chi ngọn đèn tàn, dầu hao tim lụn, leo lét canh khuya, khi mờ, khi tỏ , tất nhiên một hồi phải tắt ngay . Vả như Tam bửu hư hoại thì tự nhiên Ngũ hành, Ngũ tạng cũng phải xiêu bè suy nhược theo nhau.
Nguyên con người trong buổi thiếu thời , còn giữ tánh thiên nhiên thì đâu biết lo rầu buồn giận. Mãi đến lớn lên lần lần nhiễm lấy mùi trần , rồi ham giàu, ham sang, mới rắp ranh trù nghĩ kế nọ mưu kia , phương này chước khác, báo hại phải hại cái chơn Tâm ( thuộc Hỏa)
Đến khi mưu kế định rồi, lại còn phấn đấu tranh đua để đạt sao cho kỳ được mục đích mới nghe, thì báo hại tới phải lao Can ( thuộc Mộc)
Bây giờ mục đích đạt xong, đã sang, đã giàu thì lại đâm ra muốn vui xác thịt, nên bể dục sóng tình tha hồ đắm đuối ngày đêm, báo hại thêm ra hao Thận (thuộc Thủy)
Đã vui sắc dục thì phải khoái ngọt bùi, nên lại kiếm tầm hải vị sơn trân, sát mạng thượng cầm hạ thú để làm cho khoái đã sự thèm ngon của miệng lưỡi, mà lắm khi chất độc món khác cũng chẳng hề từ, thành ra bệnh tùng khẩu nhập mà báo hại cho phải hao Tỳ (thuộc Thổ).
Lại khi ăn uống no say ngon khoái rồi thì bị những vật thực bằng huyết nhục kia nó phát sanh ra tánh người táo bạo, hung hăng, ganh gổ, độc ác và háo thắng, tự phụ, máu nóng ham sân mà báo hại hao thêm cho phế (thuộc Kim)
Đó là Ngũ hành đã suy mà Ngũ tạng đã nhược.
Vậy nên người tu phải không ham giàu, không ham sang, không ham dục, không không, không hết ráo, thế mới thành công.
»

3-Đệ tử của Phật gia

Người tín đồ Cao Đài không chỉ là người Quân tử của Khổng giáo, người học trò Tiên của Lão giáo, mà còn là Đệ tử của Đức Phật với lòng yêu thương thành thật, lòng nhân ái bao dung mở rộng đến toàn thể chúng sanh để ban vui cứu khổ.

Phật dạy phải mở tứ vô lượng tâm là 4 cái tâm rộng rãi không phân biệt thượng hạ, giai cấp, giàu nghèo, thương ghét, thân thù là tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỉ và tâm Xả đối với chúng sanh, tức là tất cả các loài có sự sống, trong đó có cả loài cây cỏ.
Người tu theo Phật phải hiểu Bát chánh đạo là tám đoạn đường ngay thẳng đưa đến Niết bàn. Tám đoạn đường đó là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn , Chánh niệm, và Chánh định.
Chánh kiến là nhận định đúng đắn chân chánh. Muốn có nhận định đúng đắn trước hết phải học kinh tức lời Phật, Tổ dạy thấm nhuần giáo pháp chân chánh, từ đó nhận định mới đúng, tư duy mới đúng. Nhờ có chánh kiến nên mới có Chánh tư duy. Suy nghĩ đúng rồi, nói năng đúng với chánh pháp của Phật dạy đó là Chánh ngữ. Hành động đúng như chánh pháp là Chánh nghiệp. Sống cuộc đời an lành giải thoát không bị các nghiệp ác trói buộc là Chánh mạng. Từ Chánh mạng cố gắng tinh tấn tiến lên là Chánh tinh tấn. Từ Chánh tinh tấn, chuyên tâm niệm các pháp là Chánh niệm. Có Chánh niệm mới đi tới Chánh định. Trong chánh định, định cuối cùng là Diệt tận định. Ðược Diệt tận định, cũng gọi là Diệt thọ tưỏng định, tức giải thoát sanh tử chứng Niết bàn.
Người đệ tử của Phật còn lấy Lục độ làm căn bản. Lục độ tức sáu điều giải thoát: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ . Sáu điều này có công năng chuyển dở xấu thành hay tốt nên gọi là Lục độ. Vì vậy dùng Lục độ để độ Lục tệ. Lục tệ tức là sáu điều xấu: Xan tham, Phá giới, Sân nhuế, Giải đãi, Tán loạn, Ngu si.
- Tâm bố thí độ xan tham, phát nguồn từ lòng từ bi. Tu hạnh bố thí, để tiêu diệt lòng tham lam.
- Trì giới độ phá giới. Nghĩa là giữ giới, là để khuôn mình trong vòng đạo đức,
- Nhẫn nhục độ sân nhuế tức để trị bệnh nóng giận.
-Tinh tấn độ giải đãi để diệt trừ bệnh lười biếng, giải đãi Tinh tấn là gốc để tu hành đạt được Đạo.
-Thiền định độ tán loạn, đạt tâm vô niệm tức dẹp hết loạn tưởng, không nghĩ thiện, không nghĩ ác, tức tâm không còn sanh diệt để cái chân thật bất sanh bất diệt hiện tiền. Đó là Phật tánh, Chân tâm.
-Trí tuệ độ ngu si . Muốn hết luân hồi sanh tử phải có trí tuệ. Bởi chỉ có trí tuệ mới phá tan mê lầm, không mê lầm thì không còn đi trong sanh tử nữa.

Cuối cùng, để trở thành người đệ tử thuần thành của Phật, người tín đồ Cao Đài lắng nghe lời Phật dạy trong Tam Kỳ Phổ Độ để diệt trừ chấp ngã là cội nguồn của Tham sân si, dẫn đến biệt phân rẻ chia, độc tôn, ngã mạn hầu thoát khỏi chiếc vỏ tôn giáo, bước lên tầm vóc Đại Đạo:

Bổn Sư ban ân lành tất cả.
Bổn Sư nhắc những lời vàng đá,
Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn.
Ngã là mầm móng căn bản của sự mê hôn,
Tham, sân,si, chấp tướng độc tôn hữu sắc.
Chư thiện tín phải hiểu tường mạch lạc,
Vượt ra ngoài khuôn khổ vị tông,
Đặt mình lên cơ hội đại đồng,
Tầm chánh pháp, đi đến ngày Hoa Long Đại Hội.


4- Thế Thiên hành hóa trong Tam Kỳ Phổ Độ:

Nếu đã thực hành theo đúng chơn truyền giáo lý Tam giáo, người tín đồ Cao Đài đã thực hiện được tôn chỉ quy nguyên Tam giáo để đạt đến tầm vóc con người Đại Đạo với đầy đủ công năng thế Thiên hành hóa như lời của Đức Di Lạc Thiên Tôn mô tả:

Con người biết tìm cửa đạo, nên phân biệt lẽ chánh điều tà. Tâm trung thường trụ điều khiển bản thân, chuyển thất tình thành thất bửu, chuyển lục dục ra lục thông. Lúc bấy giờ nhãn quan nhìn vạn vật như tay chơn đầu cổ thân xác của mình. Từ đó phát khởi Tình thương Vô Cực, nảy sanh lòng mến yêu, chăm sóc, dưỡng dục tất cả mọi người. Tình thương phát khởi tại tâm trung sẽ thể hiện lên gương mặt, tướng đứng, hình ngồi, đi, nằm, đều lộ vẻ khả ái, đức độ từ bi. Từ đó sẽ hiện lên một nhị xác thân để bảo tồn nhục thể. Vì vậy nên người tu hành đúng mức độ, đúng lý đạo Đất Trời, dầu ở trong biển lửa không thấy nóng, ở chót Hy Mã Lạp Sơn không thấy lạnh, ở trong khám đường thế tục không thấy gò bó, ở trong thời đao binh khói lửa không nghe tiếng động khí cụ chiến tranh, không còn cảm thấy sự khổ, ma không bắt, thú không ăn, kẻ hung ác không nỡ giết hại."

Con người được đến mức độ đó thì còn cầu mong gì lên chốn thiên đường cực lạc vô tận xa xăm, mà chỉ ở thế gian này cũng đã tại hưởng đầy đủ các điều kiện đó rồi. Một ưu điểm hơn nữa là được gần gũi cùng chúng sanh để có nhiều dịp thế Thiên hành hóa, để được công dày đức trội, hầu vượt lên phẩm vị Phật Tiên .

KẾT LUẬN:

Tóm lại, vị thế, đặc điểm và vai trò của người tín đồ Cao Đài trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã được Đức Thượng Đế Chí Tôn xác nhận:

“Con là một Thiêng Liêng tại thế,
Cùng với Thầy đồng thể Linh quang;
Khóa chìa con đã sẵn sàng,
Khi vào cõi tục , khi sang Thiên đình.”


Và con thuyền cứu độ Kỳ Ba của Đức Cao Đài đang được Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo cập bến đợi chờ cho người khách trần ai áo trắng quay bước, lên thuyền trở lại quê xưa:

"Ai qua bến giác đến thiên đàng,
Sẵn có thuyền Ta kíp quá giang;
Nghiệp chướng oan khiên tua để lại,
Gươm linh đuốc tuệ khá cầm sang.
Rửa lòng cậy có dòng thanh thủy,
Thoát xác nhờ nơi ánh đạo vàng;
Của tạm ta hoàn cho cõi tạm,
Không không về hiệp khối linh quang"
Hồng Phúc

Sau trước nếu một lòng tự quyết,
Thì đạo, đời, muôn việc do ta,
Chánh tâm thành ý đó là,
Tu thân xử thế tề gia vẹn toàn.
Lỡ một kiếp đâu còn cơ hội,
Trễ một ngày khó đổi ngàn vàng,
Đừng rằng thế sự đa đoan,
Ví như một giấc mộng tràng rồi thôi.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 14-3 Quý Hợi

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây