Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
VẠN HẠNH THIỀN SƯ, Bần Tăng chào mừng chư hiền đệ hiền muội lưỡng ban đàn nội. THI Chuỗi dài ý hệ ...
-
"Bần Tăng muốn chư đạo hữu tự hỏi lại lòng có khi nào lưu tâm đến cái lý xác thực ...
-
Quyển kinh Đạo Nam do nhà xuất bản Lao Động xuất bản năm 2007. Nguồn gốc: " Hưng thiện đàn" ở ...
-
Thiện thư 善書 hay khuyến thiện thư 勸善書 (books of edification; morality tracts) là một đặc chủng trong thư tịch ...
-
Từ xưa nữ lưu tùy tùng nam giới, ấy là lẽ âm dương đạo pháp tôn ti. Nay trong cơ ...
-
Trong kinh nhựt tụng Cao Đài, bài Tiên giáo Chí Tâm Quy Mạng Lễ, xưng tụng Đức Thái Thượng Đạo ...
-
Phan Thanh Giản ra Kinh, vào triều lãnh chức Hàn Lâm Viện Biên Tu, rất lo lắng thấy bọn nịnh ...
-
Bồ Tát Hạnh thể hiện bằng tâm hạnh và công đức, từ lời nói, việc làm, tụng niệm . . ...
-
Giáo lý Cao Đài dựa trên căn bản nào ? Giáo lý Cao Đài xây dựng dựa trên hai nguyên ...
-
Trong lịch sử nhân loại, từ mấy ngàn năm, do nhu cầu tâm linh của con người, các tôn giáo ...
-
Quan Phổ Thông Giáo Lý. Tuất thời, 14 tháng 8 Đinh Tỵ (26-9-1977) Gác áng tường VÂN gót lãng du, Ngút trầm ...
-
“ Thầy mong con biết Thầy hiểu Đạo, Cho thế gian cải tạo thanh bình; Lòng Thầy thương cả chúng sanh, Trong tình ...
Đạt Tường sưu tầm
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 02/01/2010
Thâu nhận sanh linh theo thiên thơ
Để kỷ niệm 80 năm thời điểm hoàn tất, đánh dấu một giai đoạn lịch sử có một không hai trong Tam Kỳ Phổ Độ, chúng ta hãy ôn lại trang sử diệu kỳ qua những câu chuyện thú vị trong những tháng năm thuở bình minh ấy của nhà đạo.
I. GIAI ĐOẠN cơ bút thâu nhận sanh linh theo Thiên thơ
1. Cơ bút thâu nhận môn đệ trong 8 tháng đầu năm Bính Dần (1926):
Kể từ khi Đức Chí Tôn ra lệnh phát khởi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vào đêm giao thừa Bính Dần với 12 môn đệ, sau đó các buổi đàn cơ tiếp xúc học đạo với các Đấng Thiêng Liêng vẫn diễn tiến đều đặn.
Trong lễ Thiên Phong lần thứ nhứt được tổ chức tại nhà tiền bối Lê Văn Trung vào đêm 14 rạng 15 tháng 3 Bính Dần, buổi lễ nhập môn đầu tiên của cơ phổ độ đã diễn ra qua hình thức chấp bút nhan" với 19 người tham dự tất cả.
Ông Nguyễn Thế Phương (nhà báo Nam Đình) trong bức thư gởi đến Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, từ địa chỉ 22 rue Lambardie (Paris 12è), ngày 02-02-1955, có viết:(CQPTGLĐĐ, Đạo Sử 1: Khai Đạo, Nxb Tôn Giáo, 2005, tr. 239)
"Kính Ngài, ba mươi năm qua, hôm nay tôi mới dám trịnh trọng nhắc lại đêm đàn long trọng không tiền khoáng hậu tại nhà ông Quyền Giáo Tông ở đường Tổng Đốc Phương trong Chợ Lớn. Đêm ấy tất cả là 19 người, tôi lấy làm vinh hạnh được dự.
(…) Sau khi Thầy nhập vào ông Cao Thượng Phẩm rồi, Thầy cầm nhang bước lên bàn thờ (…). Chính Thầy cầm nhang vẽ bùa lên đầu mỗi người quỳ xuống tuyên thệ. (…)
Tôi được danh dự tuyên thệ trong đêm ấy, dầu đến chết tôi cũng không quên."
Nội dung của bức thơ giúp cho hậu thế có thể tái hiện hình ảnh sự kiện lịch sử buổi lễ nhập môn và bái mạng có Đức Chí Tôn thâu nhận các môn đệ đầu tiên ngay trong buổi đàn cơ qua hình thức chấp bút nhang.
Chi tiết này cũng giúp cho chúng ta hiểu được trong nghi thức lễ nhập môn hiện nay vì sao vị chức sắc chủ lễ họa bùa Tam Thiên trên đầu mỗi tân tín hữu.
Cho đến buổi tối lịch sử chuẩn bị văn kiện Khai Tịch Đạo, số lượng chư vị tiền bối được khoảng 245. Sau đó là giai đoạn chuẩn bị cho đại lễ Khai Minh Đại Đạo. Một việc quan trọng khi đó là chuẩn bị nhân lực hậu thuẫn.
2. Qua Cơ bút thâu nhập môn đệ trong lần đi phổ độ đầu tiên cùng với việc phát hành quyển Phổ Cáo Chúng Sanh, số lượng tín hữu Cao Đài tăng vọt lên hơn 10 lần.
Trong khoảng thời gian từ trung tuần tháng 9 đến hết thượng tuần tháng 10 Bính Dần (1926),(Từ mùng 10 tháng 9 đến mùng 10 tháng 10 Bính Dần (1926)) khắp Lục Tỉnh Nam Kỳ mỗi đêm số lượng người đến hầu đàn cơ xin nhập môn rất đông.
Ngài Cao Thượng Sanh kể lại:
"Một đêm có thể đi phổ độ hai tỉnh gần nhau như Tân An, Mỹ Tho hoặc Vĩnh Long, Sa Đéc... Mấy chỗ khác đi từ tỉnh trở về tới nhà thường là 6 giờ sáng.
Nghĩa là ngồi cầm cơ từ 9 giờ tối tới 4 giờ sáng. Đức Chí Tôn giáng cho thi cầu đạo mỗi người một bài, hoặc tám câu hoặc bốn câu. Có khi cho thi tới 100 hay 150 bài một đêm..." (Đại Hội Ban Đạo Sử ngày 15-12.1968)
Kết quả là có được mấy ngàn tín hữu Cao Đài vào thời điểm chính thức ra mắt nền thánh thể của Đức Chí Tôn (lễ khánh thành thánh thất đầu tiên cùng lễ bái mạng của chư vị Thiên Phong lưỡng đài Hội Thánh).
3. Tiếp tục thâu nhập môn đệ sau lễ Khai Minh Đại Đạo
Sau ngày khai mạc, Đức Chí Tôn ban cho Pháp Chánh Truyền và dạy chư vị Tiền Khai soạn Tân Luật. Sau đó, Ơn Trên tiếp tục thâu nhập môn đệ từ người Việt cho đến Tần nhơn (Thổ nhơn, người Khmer), Đường nhơn (người Hoa), người Pháp, v.v.
3.1. Thâu người Việt (Trích Hương Hiếu, Đạo Sử Xây Bàn, quyển 2)
Chúng ta lướt qua vài đàn trong những tháng cuối năm Bính Dần.
* 2 giờ sáng, Mardi 23 Novembre 1926 (rạng 19-10 Bính Dần)
"Ngọc Hoàng Thượng Ðế viết Cao Ðài giáo Ðạo Nam phương
Cười ... Chư thiện nam cầu Ðạo thượng sớ. (…) (thâu 19 vị nam)
(…) Chư ái nữ cầu Ðạo. Thầy thâu hết.
Ca thị, con lấy tên hết rồi mai Thầy cho thơ."
* Mardi 11 Janvier 1927 (08-12 Bính Dần)
"Thái Bạch
Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội, chư chúng sanh. Bình thân.
Thổ nhơn nam và nữ nhập nội đồng quì.
Chư Sơn trước... toàn thâu... lui.
Nữ phái thượng sớ.
(Sau khi cho 7 bài thơ tứ tuyệt cho mỗi người và thâu nhận, đến người thứ 8 tên Bảy lại không được.)
Bảy:
Bảy mươi chưa biết trọn mình lành,
Ðừng thị khi đời ỷ miệng lanh.
Lui.
(Từ người thứ 9 đến 11 được thâu.)
Toàn thâu nữ phái. Nam thượng sớ.
(4 người nam đầu được thâu, đến hai người thứ 5 và 6 không được.)
Sơn:
Sơn là cao đã có lời rằng,
Ta thấy tên ngươi ... nghiến răng.
Học hỏi chưa thông ngoài chái bếp,
Nhẫng lo cỡi phụng với đua tranh.
Lui.
Thay:
Thay đời chẳng phải một tên ngươi,
Thấy phách lối kia bắt nực cười.
Lui
Hào:
Hào phú chưa ai dám sánh bằng,
Dầu nghèo mà giữ đạo làm ăn.
Trời soi dạ thẳng trăm oan thoát,
Có lúc vinh huê bỏ nhọc nhằn.
Thâu. Sau trọng dụng.
Toàn thâu, bỏ tên: Thiện, Ðào, Ðài."
Đến đây, chúng ta hãy tham khảo một câu chuyện bền chí cầu đạo.
"Ông tên Dương Văn Hoài, nguyên quán làng Long Hiệp, tỉnh Chợ Lớn, thời Pháp thuộc. Ông đến quỳ cầu xin nhập môn tại một đàn cơ ở Cần Giuộc. Đức Chí Tôn giáng cho một bài thi mà mỗi câu có ba chữ:
"Tu là khó,
Đừng ló mó.
Đặng thì mừng,
Cực rồi bỏ.
Lui."
Một tháng sau, ông đến tại đàn lập ở chùa Hội Phước Tự, thuộc làng Long Trạch (Chợ Lớn) xin nhập môn nữa, lần thứ nhì. Qua thứ tự mấy chục người, đến phiên ông Đức Chí Tôn lại giáng cho một bài thi mà mỗi câu có bốn chữ :
Tu hành rất quý,
Làm biếng quá quỷ.
Về khá ăn năn,
Sau Ta sẽ chỉ.
Lui."
Cách một tháng nữa ông lại đến cầu xin nhập môn tại đàn cơ ở tư gia ông Hội Đồng Lai, làng Tân Kiển (Chợ Lớn). Đức Chí Tôn ban cho một bài thi mà mỗi câu có năm chữ:
"Thường bữa đừng than trách,
Ta thương nên chỉ cách.
Lâm thời tự hối lần,
Ráng giữ cho trong sạch.
Lui."
Khoảng nửa tháng sau, ông nhẫn nại đến quỳ cầu xin nhập môn lần thứ tư, tại một đàn lập ở chùa Hội Phước Tự (làng Long Trạch, Chợ Lớn). Lần này Đức Chí Tôn thâu ông làm môn đệ với một bài thi tứ tuyệt, bảy chữ:
"Tưởng dễ hay sao hỡi bớ trò,
Ráng công tu luyện thế đừng lo;
Cửa Tiên muốn dựa trau lòng tục,
Đàn nội từ đây để bước dò."
Thời mới khai Đạo mỗi buổi đàn cơ có đến mấy trăm người dự chật cả trong và ngoài tại chùa hay tại tư gia. Thế mà ông Dương Văn Hoài, được Đức Chí Tôn lần lượt bốn lần ban ân cho thơ. Khởi đầu từ bài thơ ba chữ mỗi câu, rồi bốn chữ đến năm chữ sau rốt bảy chữ, làm cho mọi người kinh ngạc cúi đầu trước huyền diệu của Đức Đại Từ Phụ.
Ông Hoài nhờ bền chí mới đạt được phẩm vị thanh cao. Từ tín đồ ông lập công quả đến phẩm Giáo Hữu, được vài năm ông mới qui vị." (Nguyễn Lộc Thọ kể)
Để chuẩn bị nhân lực cho việc khai phá rừng xây dựng Tòa Thánh Tây Ninh, Ơn Trên thâu nhận người Khmer (Tần nhơn, đàng Thổ, Thổ nhơn) xin nhập đạo.
3.2. Thâu Tần nhơn: tín đồ và chức sắc
a. Buổi đàn đầu tiên có hai người đàng Thổ được Đức Chí Tôn điểm danh là ngày Samedi, 4 Décembre 1926 (30-10 Bính Dần): hai vị tên là Trì Chia và Hòa Rấu.
b. Chức sắc đầu tiên của Tần nhơn là vị cựu mẹ sóc tên Gồng:
"Thái Bạch
Thượng Trung Nhựt, hiền hữu kêu Gồng và Niên.
Gồng, Lão phong cho hiền hữu chức Giáo Hữu đặng phổ độ Thổ nhơn nghe à. Tuân mạng. (…)
Niên, Lão phong cho chức Giáo Hữu, tuân mạng.
Nhị vị hiền hữu lui ra ngoài lấy tên người Thổ chẳng kịp cầu đạo. Niên lui đi. Nữ phái toàn thâu." (Hương Hiếu, Đạo Sử Xây Bàn, quyển 2, 07-01 Ðinh Mão (1927))
3.3. Thâu Đường nhơn:
Tài liệu Đạo Sử Xây Bàn của bà Hương Hiếu cho thấy Xiếu Ngó là người Hoa đầu tiên được thâu nhập trong đàn ngày Samedi, 18 Décembre 1926 (14-11 Bính Dần).
"Xiếu Ngó:
Xiếu Ngó mà nên bởi có người,
Dắt dìu rồi lại dạy thông đời;
Lửa hương ví bẳng ngày sau đượm,
Phải nhớ công ơn của đất trời.
Thâu.
Khá phổ độ con cái Trung Huê của Thầy nghe."
3.4. Thâu người Pháp:
Trong thời gian này, có một số người Pháp tìm đến hầu đàn rồi cũng xin nhập môn và được thâu nhận.
Thí dụ: đêm Noel năm 1926.
Thứ bảy, 25-12-1926 (21-11 Bính Dần) (Thánh Ngôn Sưu Tập 1 số41, Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng)
"Thái Bạch,
Frère Latapie,
Je vous nomme Evêque d’équipe Française, c’est au rang des Giáo Sư que vous êtes placé.
(Hiền đệ Latapie. Lão phong cho đệ là Evêque trong nhóm người Pháp. Vậy, đệ được đặt ngang hàng các Giáo Sư.)
Tình hình thâu nhập môn đệ sau một tháng Đại Lễ Khai Minh Đại Đạo rất khả quan. Vào cuối tháng 11 Bính Dần, một hôm, Thầy cho biết số lượng tín đồ được thâu qua cơ bút sắp "gần đủ số": (Thánh Ngôn Sưu Tập 1 số46. Năm 1926)
"Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài giáo đạo Nam phương.
(…) Vậy các con muốn cho chúng sanh cầu đạo thì Thầy cho phép, song từ đây phải làm sớ như minh thệ mà xin nhập môn đặng có thế phổ độ cứu vớt chúng sanh thêm một chút ít nữa.
Thầy cho các con hay trước rằng Đại Đạo tại Nam Kỳ gần đủ số rồi, hễ đủ số rồi thì phải bế lại mà hành đạo.
Còn một phần thì đi ngoại quốc phổ thông nền chánh đạo.
Thầy toàn thâu cả chúng sanh nam nữ."
Trong đàn giao thừa đầu năm Đinh Mão (1927), theo lời dạy của Thầy, số tín hữu Cao Đài đã vọt lên hơn 40 ngàn (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 1, xb 1928, tr. 71).
Đến cuối tháng 2 Đinh Mão, sau khi dời thánh thất Gò Kén về vùng đất mới mua ở làng Long Thành (Tây Ninh). Trong khi bắt đầu xây dựng thánh địa và tổ đình, việc phổ độ thâu nhận tín đồ vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương.
Vào ngày mùng 2 tháng 5 năm Đinh Mão (1927),(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 1, xb 1928, tr. 84, thánh ngôn ngày 1 Juin 1927) khi khuyến khích chư chức sắc áp dụng Tân Luật để phổ độ nhân sanh, một thánh ngôn của Đức Chí Tôn về sau đã trở thành đề tài có nhiều ý kiến khác biệt nhau ngay trong nội bộ nhà Đạo Cao Đài:
"Còn cuối kỳ tháng sáu đây thì Thầy phải ngưng hết cơ bút truyền Đạo".