Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Bài nói chuyện của ĐH Phạm Văn Liêm ( Phó Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế HT. Truyền Giáo Cao ...
-
HỘI THOẠI TỰ TRI GIẢ MINH Thời Mạt Pháp : Trước diễn biến bất nhân vô đạo, sức phá tán ...
-
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư cũng có lần dạy về sự thắng và thua trong kiếp người: Một người tướng có ...
-
Hôm nay chúng ta qui tụ về đây tham dự lễ kỷ niệm ngày tái thiết Vĩnh Nguyên Tự cùng ...
-
Đạo Cao Đài là một tôn giáo nội sinh tại Việt Nam, được khai sáng vào đầu thế kỷ XX ...
-
Đang lộ dần những bí ẩn từ thánh địa Cát Tiên 10:56' 15/04/2004 (GMT+7) (VietNamNet) - 20 năm, với nhiều đợt điều ...
-
Tôn giáo cổ kim trên hoàn cầu luôn luôn tự nhận vai trò bảo tồn nhân loại tức là cứu ...
-
Huờn Cung Đàn Tý thời mùng 8 tháng 4 Tân Sửu (21.05.1961) (Lễ Phật Đản ) THI HỒI tâm tu niệm hưởng ơn ...
-
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Tuất thời, Rằm tháng 2 Đinh Tỵ
-
Tóm lược. Bài viết này chủ yếu diễn giải lời dạy của Đức Lý Giáo Tông về việc cần phát ...
-
Tại Việt Nam, bản kinh này xuất hiện trong một đàn cơ ở Thiên Thơ Đài (Phước Hải, tỉnh Bà ...
-
Những công trình nghiên cứu khảo cổ Kim Tự Tháp Ai Cập đã cung cấp cho nhân loại những khám ...
Tự Điển Cao Đài-Nguyễn Văn Hồng
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 24/07/2011
Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân
Quan Thánh: vị Thánh họ Quan.
Đức Quan Thánh Đế Quân, hay gọi đầy đủ là: Đức Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân, là Đệ Tam Trấn Oai Nghiêm, đại diện Đức Khổng Tử, cầm quyền Nho giáo trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Trên tấm diềm trước Bát Quái Đài Tòa Thánh, tượng của Đức QuanThánh Đế Quân với tư thế đang ngồi xem sách Xuân Thu, ở bên dưới tượng của Đức Khổng Tử, gần bìa phía trái thuộc bên Nam phái.
Trên Thánh Tượng Ngũ Chi thờ tại tư gia, hình Đức Quan Thánh Đế Quân ở về phía trái của Thiên Nhãn, dưới hình Đức Khổng Tử. Ngài mặt đỏ, râu đen năm chòm, đầu đội mão có ngù đỏ, tay mặt vuốt râu, tay trái cầm Kinh Xuân Thu.
Ngài có nhiều danh hiệu, xin kể ra sau đây các danh hiệu thường gặp: Quan Công, Quan Thánh, Quan Đế, Nhân Đức Thánh Quân, Phục Ma Đại Đế, Thần Oai Viễn Trấn, Phật Già Lam, Cái Thiên Cổ Phật,....
Ngài giáng trần nơi nước Trung Hoa vào cuối thời nhà Hán, họ Quan, tên Võ (hay Vũ), tự là Thọ Trường, sau đổi lại là Vân Trường, người đất Giải Lương, tỉnh Hà Đông (có sách chép Ngài sinh tại Bồ Châu).
Theo Trung quốc Sử lược, Ngài bị giết chết năm 219 sau Tây lịch, và theo truyện Tam Quốc Chí, Ngài bị Tôn Quyền xử trảm, năm đó là năm Kiến An thứ 24, hưởng được 58 tuổi. Do đó, ta có thể suy ngược ra năm sanh của Đức Quan Thánh là: 219 - 57 = 162 sau Tây lịch.
Vậy, Đức Quan Thánh sanh năm 162 và mất năm 219 sau Tây lịch, hưởng thọ 58 tuổi.
Theo sách Minh Thánh Kinh, thân phụ của Quan Võ là Quan Nghị, tự là Đạo Viễn, ông nội là Quan Thẩm tự là Vân Chi, và ông cố là Quan Long Phùng.
Theo truyện Tam Quốc Chí, Quan Võ đi đến Trác Quận, thì gặp Lưu Bị và Trương Phi. Lưu Bị nhìn Quan Võ thấy Quan Võ mình cao 9 thước, mặt đỏ như thoa son, mắt phượng mày ngài, tướng mạo đường đường, oai phong lẫm lẫm, liền mời nói chuyện để làm quen.
Quan Võ tự giới thiệu: Tôi họ Quan, tên Võ, tự là Vân Trường, người đất Giải Lương, tỉnh Hà Đông. Nhân vì vùng tôi có một tên thổ hào ỷ thế hiếp đáp dân lành, tôi nổi giận giết nó, rồi bỏ đi lánh nạn. Tôi phiêu bạt giang hồ đã hơn 5 năm, nay nghe có giặc Khăn Vàng (Huỳnh Cân) nổi lên quấy nhiễu, nên muốn đầu quân trừ giặc, cứu an bá tánh.
Lưu Bị và Trương Phi cũng đem chí nguyện của mình tỏ bày, thì ba người rất hợp chí hướng, đồng kéo nhau về nhà Trương Phi gần đó. Trương Phi nói:
- Muốn làm nên việc lớn, cốt phải hiệp sức đồng tâm. Sau nhà tôi có một Vườn Đào đang tiết nở hoa rất nhiều, ngày mai chúng ta đến đó tế cáo Trời Đất, kết nghĩa làm anh em (Đào viên kết nghĩa).
Lưu Bị (Lưu Huyền Đức) và Quan Võ (Quan Vân Trường) đều cho lời nói của Trương Phi (Trương Dực Đức) là phải. Ngày hôm sau, Trương Phi sai gia nhân mổ trâu đen, ngựa trắng, bày đủ lễ nơi Đào Viên, ba người đứng trước hương án, vái mỗi người hai vái, rồi cùng nhau thề rằng:
"Ba chúng tôi là Lưu Bị, Quan Võ, Trương Phi, tuy khác họ, nhưng kết làm anh em, quyết đồng tâm hiệp lực cứu khổn phò nguy, trên báo đáp quốc gia, dưới giúp yên bá tánh. Chúng tôi không mong được sanh cùng năm cùng tháng cùng ngày, chỉ nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm. Hoàng Thiên Hậu Thổ chứng giám lời thề nầy, ai bội nghĩa có Trời Đất tru diệt."
Thề xong, ba người so tuổi nhau, Lưu Bị lớn tuổi nhứt nên làm anh cả, Vân Trường làm thứ và Trương Phi làm em út.
Trương Phi sai gia nhân bắt trâu dê trong chuồng làm thịt đãi tiệc lớn tại Vườn Đào, tập trung tất cả các tráng sĩ trong vùng đến ăn uống. Các tráng sĩ tề tựu có tới 300 người, vui say một bữa no nê. Hôm sau, mọi người chia nhau đi thu thập khí giới. Mọi việc tạm yên, chỉ hiềm còn thiếu ngựa trận để cỡi.
Trong lúc lo tính, bỗng có người chạy vào báo: Có hai người khách thương cùng đoàn tùy tùng dẫn theo bầy ngựa khá đông đang đi về hướng trang trại nầy.
Lưu Bị nói: Đây là Trời giúp ta.
Ba anh em vội ra khỏi trại. Hai vị khách thương nầy chính là thương gia lớn ở đất Trung Sơn, một người tên là Trương Kế Bình, một người tên là Tô Song, hàng năm thường lên mạn Bắc mua giống ngựa khỏe đem về bán ở Trường An. Nay vì miền nầy có giặc, nên không thể đem ngựa đi được.
Lưu Bị hối dọn tiệc đãi đoàn khách thương, rồi đem ý muốn chống giặc cứu dân của mình ra bày tỏ. Hai vị khách thương vui lòng hiến cho 50 con ngựa khỏe, lại tặng thêm 500 lượng vàng bạc, và 1000 cân thép tốt để rèn binh khí và làm giáp trụ. Khách cáo từ. Lưu Bị tạ ơn, và tiễn chân khách đến mấy dặm đường mới trở về.
Sau đó, Lưu Bị cậy thợ rèn giỏi chế tạo một đôi Song Cổ kiếm; Quan Võ thì một cây đại đao Thanh Long Yển Nguyệt, còn gọi là Lãnh Diệm Cứ nặng 82 cân (Thanh Long là Rồng xanh, Yển nguyệt là trăng khuyết nửa vành), Trương Phi rèn một cây Xà Mâu gọi là Bát Điểm Cương Mâu.
Ai nấy đều trang bị cương giáp, rồi kéo hơn 300 quân dũng sĩ đến ra mắt Thái Thú Lưu Yên. Lưu Yên hỏi danh tánh, ba anh em đều xưng rõ tên họ, riêng Lưu Bị còn nói cho Lưu Yên biết rằng mình là tông phái Hoàng gia. Lưu Yên mừng rỡ, nhận Lưu Bị tức là Lưu Huyền Đức làm cháu.
Vào thành được vài hôm thì có tin quân thám thính về báo: Tướng giặc Khăn Vàng là Trình Viễn Chí thống lãnh 5 vạn quân kéo đến quấy nhiễu Trác Quận.
Lưu Yên liền sai Châu Tỉnh dẫn ba anh em Lưu Bị cùng 300 quân dũng sĩ đi trước phá giặc. Anh em Lưu Bị không hề ngần ngại, lãnh quân đi tiền đạo trực chỉ đến chân núi Đại Hưng, vì vừa thấy quân giặc kéo tới đó.
Lưu Bị thúc ngựa ra trận, bên tả có Quan Võ, bên hữu có Trương Phi yểm hộ. Lưu Bị giơ roi mắng giặc: Đồ phản loạn, đừng hòng múa rối, hãy xuống ngựa đầu hàng cho sớm.
Tướng giặc Khăn Vàng Trình Viễn Chí nổi giận, sai Phó tướng ra đánh. Phó tướng Đặng Mậu vừa xông ra thì Trương Phi thình lình lướt tới, đâm cho một xà mâu trúng ngay ngực, ngã lăn xuống ngựa chết liền.
Thấy Phó tướng của mình chưa ra tay đã bị hại, Trình Viễn Chí liền múa đao xông tới đánh Trương Phi. Quan Võ liền vung đao cản lại. Uy lực của Quan Võ rất mạnh khiến Trình Viễn Chí sợ hãi, trở tay không kịp, bị Quan Võ vớt một đao đứt làm hai đoạn.
Đó là lần đầu tiên ba anh em Lưu Bị, Quan Võ và Trương Phi ra trận chiến thắng vẻ vang.
Nhờ công tham gia dẹp giặc Khăn Vàng, vua Hán Hiến Đế triệu ba anh em vào cung khen thưởng, nhận Lưu Bị là chú họ của vua, và phong chức là Tả Tướng Quân, còn Quan Võ và Trương Phi thì không kể đến. Do đó, nhiều người gọi Lưu Bị là Lưu Hoàng Thúc.
Bấy giờ, nơi triều đình, Đổng Trác chuyên quyền, phế vua Hán Thiếu Đế, lập Trần Lưu Vương lên làm Hán Hiến Đế lúc mới 9 tuổi, Đổng Trác làm Tướng Quốc, nắm hết binh quyền. Các trấn chư Hầu không phục. Tào Tháo nhân cơ hội nầy, phát hịch kêu gọi các trấn chư Hầu đến họp binh tại Đức Châu, bàn việc trừ Đổng Trác. Các chư Hầu đồng tôn Viên Thiệu lên làm Minh Chủ.
Đổng Trác sai một dõng tướng là Hoa Hùng cất quân đánh chư Hầu. Các tướng của chư Hầu không ai đánh lại Hoa Hùng, còn đang lúng túng, thì bỗng có tiếng nói: Kẻ bất tài nầy xin lấy đầu của Hoa Hùng về dâng dưới trướng.
Mọi người nhìn lại thấy người mới nói đó là Quan Võ, em của Lưu Bị, đang đứng hiên ngang chờ lịnh.
Tào Tháo sai quân rót một chén rượu nóng thưởng Quan Võ trước khi lên ngựa ra trận.
Quan Võ nói: Xin cứ rót rượu, tôi sẽ trở về ngay.
Dứt lời, Quan Võ bước ra ngoài, cầm Thanh Long đao phi thân lên ngựa bay ra mặt trận.
Các trấn chư Hầu ngồi trong trướng, nghe bên ngoài trống trận vang rền, quân sĩ hò hét như sấm dậy. Các quan đều lo sợ định cho người ra thám thính xem sao thì bỗng nghe tiếng nhạc ngựa trở về reo lên trước trướng. Quan Võ hiện ra uy phong lẫm liệt, tay cầm thủ cấp Hoa Hùng ném xuống đất, rồi đưa tay cầm lấy chén rượu còn nóng hổi, uống một hơi.
Tào Tháo mừng rỡ vô cùng, liền bàn kế tấn binh.
Đổng Trác hay tin Hoa Hùng tử trận, liền cử đại binh tiếp ứng đánh các chư Hầu, Lữ Bố dẫn binh đi tiên phong nhằm nơi Thái Thú Công Tôn Toản đóng binh khiêu chiến.
Công Tôn Toản buộc phải thúc ngựa ra đánh với Lữ Bố, nhưng chỉ được vài hiệp là Công Tôn Toản đuối sức, sắp nguy đến nơi, Trương Phi thúc ngựa chạy ra tiếp cứu.
Trương Phi cùng Lữ Bố đánh nhau được 50 hiệp vẫn chưa phân thắng bại, Quan Võ liền giục ngựa xông ra tiếp chiến. Lữ Bố vẫn không nao núng, ba người đánh vùi. Lưu Bị nóng lòng múa cặp song cổ kiếm xông ra trợ chiến với hai em. Ba người vây đánh Lữ Bố, xoay tròn như đèn kéo quân.
Lữ Bố biết sức mình không cự nổi ba người nên hoành kích nhắm Lưu Bị đâm một nhát, Lưu Bị né tránh thì Lữ Bố liền giục ngựa Xích thố nhảy vọt khỏi vòng chiến, chạy trở về thành cố thủ.
Cuối cùng Tào Tháo cũng diệt được phe Đổng Trác, Tào Tháo lên làm Thừa Tướng và cũng chuyên quyền y như Đổng Trác. Ba anh em Lưu, Quan, Trương, rất bất bình, kéo quân đến chiếm Từ Châu, chống lại Tào Tháo. Lưu Bị sai Quan Võ giữ thành Hạ Bì, Tôn Càng, Giản Ung, My Trúc giữ Từ Châu, còn Lưu Bị và Trương Phi đóng binh ở Tiểu Bái.
Tào Tháo đem binh đánh Tiểu Bái, Lưu Bị thua chạy sang nương náu với Viên Thiệu, Trương Phi chạy lạc đến Cổ Thành, giết chết quan Huyện, thu lấy ấn tín, chiếm đóng thành trì làm chỗ an thân.
Quan Võ ở Hạ Bì cũng chịu thất thủ, bỏ chạy lên đỉnh núi Thổ San đóng binh. Trương Liêu, tướng của Tào Tháo, đến gặp Quan Võ tỏ bày hơn thiệt. Trương Liêu nói:
- Tôi vì cảm nghĩa ngày trước anh cứu tôi, nay tôi đến đây đem tin cho anh rõ: Lưu Bị hiện lưu lạc ở đâu chưa rõ, còn Trương Phi chẳng biết mất còn. Hôm qua, Tào Tháo đã chiếm thành Hạ Bì, dân chúng trong thành đều không bị hại, gia quyến của Lưu Bị được Tào Tháo bảo vệ tử tế.
Quan Võ nổi giận hét lớn:
- Trương Liêu dám đến đây dụ ta hay sao? Ta thà chết chớ không đầu hàng ai cả. Hãy về đi, nếu không ta chém đầu bây giờ.
- Anh nói thế không sợ người ta chê cười anh sao? Tôi vì sợ thiên hạ chê cười anh nên mới đến đây nói cho anh rõ, chớ đâu dám đến dụ hàng.
- Ngươi nói thiên hạ cười ta việc gì?
- Tôi biết anh dũng lực có thừa, song hiện nay thế binh của anh tan vỡ, nếu liều chết thật là có tội.
- Ta bình sanh không chịu nhục, nay ta ra trận quyết sống thác với địch, nay chẳng may thất cơ thì liều chết mà đền nợ nước, sao lại có tội?
- Nếu anh liều chết, anh sẽ phạm 3 tội. Anh thử nghĩ xem, Lưu Bị hiện nay thất lạc, nhưng chí cả chưa đoạt, thế nào cũng cần người nghĩa dũng, nếu sau nầy LưuBị cần đến anh mà không có anh tức là anh có tội thứ nhứt. Lưu Bị lại phó thác gia quyến cho anh mà anh chết rồi thì ai bảo vệ giaquyến ấy, đó là tội thứ nhì. Anh là kẻ võ nghệ siêu quần, há lại không khuông phò nhà Hán để danh muôn thuở, lại liều chết như thế phỏng có ích gì, đó là tội thứ ba.
Quan Võ nghe Trương Liêu phân tách như thế thì dịu xuống, thở dài nói:
- Ngươi nói ta ba tội, vậy ngươi bảo ta bây giờ phải làm thế nào?
- Nay bốn phía đều có binh của Tào Tháo, nếu chống cự cũng không thoát khỏi, chi bằng hãy tạm đầu hàng để nghe ngóng tin tức của Lưu Bị. Nếu người còn ở nơi nào thì anh sẽ đến đó tìm. Như vậy, một là anh bảo vệ được hai vị phu nhân của Lưu Bị, hai là chẳng phụ lời ước thệ ngày xưa, ba là để dành cái thân hữu dụng ngày sau giúp cho nhà Hán. Ba điều ấy, anh nên suy nghĩ.
Quan Võ nói:
- Ngươi nói ba điều ấy, ta lại có ba điều ước: nếu Tào Thừa Tướng bằng lòng khứng chịu, ta sẽ cởi giáp hàng đầu, còn thiếu một điều ta quyết liều chết mà thôi.
Một là ta với Lưu Bị có thề với nhau một lòng giúp nhà Hán, nay ta đầu là đầu Hán Đế chớ không phải đầu Tào.
Hai là xin lấy lương bổng của Lưu Hoàng Thúc cấp cho nhị tẩu của ta, lại không một ai được bén mảng đến chỗ ở của nhị tẩu của ta.
Ba là khi nào hay tin anh ta ở đâu thì ta lập tức đến đó, dù đường xa ngàn dặm.
Trương Liêu ưng chịu trở về ra mắt Tào Tháo và nói rõ ba điều ước của Quan Vân Trường. Tào Thừa Tướng đành chấp nhận vì rất mến nghĩa khí của Quan Võ.
Hôm sau, Tào Tháo truyền lịnh thâu binh về Hứa Xương. Quan Võ thỉnh nhị tẩu lên xe, tự mình đi theo hộ vệ. Khi quân đến trạm dịch, Tào Tháo truyền quân đóng lại nghỉ ngơi, lại truyền Quan Võ ở chung một nhà với nhị tẩu: Cam Phu nhân và My Phu nhân, hai bà vợ của Lưu Bị, tức là hai chị dâu của Quan Võ.
Đêm ấy, Quan Võ cầm đuốc đứng trước cửa nhà suốt đêm để canh cho hai chị dâu an giấc, đồng thời lấy Thanh Long đao chém sạt một góc tường để người ngoài nhìn vào thấy rõ lòng quang minh chánh đại của Quan Võ. Tào Tháo biết được đem lòng kính phục vô cùng.
Tào Tháo dắt Quan Võ vào triều yết kiến vua Hán Hiến Đế, được vua phong cho chức Thiên Tướng Quân.
Quan Võ có bộ râu 5 chòm rất đẹp, được vua khen là Mỹ Nhiêm Công (Mỹ là đẹp, Nhiêm là râu mọc, Công là Ông).
Kể từ đó, Quan Võ và hai chị dâu nương nhờ nơi dinh của Tào Tháo. Tào Tháo hết sức trọng đãi để chiêu dụ Quan Công, ba ngày đãi một tiệc nhỏ, bảy ngày đãi một tiệc lớn, lên ngựa thưởng vàng, xuống ngựa thưởng bạc.
Tào Tháo lại đem ngựa Xích thố bắt được của Lữ Bố tặng cho Quan Công. Quan Công phục xuống lạy tạ ơn. Tào Tháo ngạc nhiên hỏi:
- Ta đã bao phen trao tặng nào mỹ nữ, nào vàng bạc, nào gấm vóc, sao chẳng thấy Vân Trường vui, nay tặng cho con ngựa nầy Vân Trường lại tạ ơn hậu như vậy?
Quan Công nói:
- Tôi biết con ngựa quí nầy ngày đi ngàn dặm. Nay được Thừa Tướng ban ơn, nếu biết anh tôi ở đâu thì tôi có thể đi một ngày là gặp, nên tôi cảm ơn Thừa Tướng rất nhiều.
Tào Tháo nghe nói như vậy thì hối hận, nhưng đành thôi.
Lúc đó Viên Thiệu hưng binh đánh Tào Tháo. Tướng Tiên phuông của Viên Thiệu là Nhan Lương rất tài giỏi, các tướng của Tào Tháo không ai cự nổi. Tào Tháo phải vời Quan Công đến cự địch. Tào Tháo nói:
- Nhan Lương giết luôn hai tướng của ta, chẳng ai dám ra đánh nên phải mời Vân Trường đến đây bàn định.
Quan Công liền nói:
- Tuy tôi bất tài, song cũng xin ra trận lấy đầu Nhan Lương đem về nạp cho Thừa Tướng.
- Giữa chốn ba quân không nên nói đùa.
Quan Công hăng hái nhảy phóc lên ngựa xích thố, chạy bay đến chỗ Nhan Lương, vẹt quân Nhan Lương ra hai bên, thấy Nhan Lương đang đứng dưới cây lọng. Nhan Lương thấy Quan Công vừa muốn hỏi thì ngựa xích thố đã đến trước mặt rồi, Nhan Lương chưa kịp trở tay, bị Quan Công vớt một đao, Nhan Lương ngã lăn xuống ngựa. Quan Công nhảy xuống cắt lấy thủ cấp, rồi phi thân lên yên, vung đao lướt ra khỏi trận. Binh Tướng của Nhan Lương nhốn nháo cả lên, thừa dịp binh Tào tràn sang chém giết tơi bời.
Quan Công phi ngựa đến trước Tào Tháo dâng nạp thủ cấp của Nhan Lương. Tào Tháo hết sức khen ngợi:
- Tướng quân là Thần nhân đó.
Tào Tháo làm biểu tâu với Hán Đế, phong thưởng cho Quan Công làm chức Hán Thọ Đình Hầu, sai đúc ấn ban cho Quan Công.
Sau đó, Viên Thiệu sai Đại Tướng Văn Xủ lên thay cầm quân đánh Tào Tháo.
Tướng Tào là Trương Liêu chống cự không nổi phải bỏ chạy, Quan Công lướt tới, Văn Xủ mắng:
- Mi đã giết Nhan Lương là bạn của ta, lẽ nào ta không trả thù được hay sao?
Nói rồi cầm thương xốc ngựa đến đánh Quan Công. Hai bên cự địch được ba hiệp, Quan Công giục ngựa Xích thố bay đến bất ngờ chém Văn Xủ rơi đầu xuống đất.
Trần Chấn đem tin đến cho Quan Công biết, hiện Lưu Bị đang ở Hà Bắc. Quan Công vào cho hai chị hay để chuẩn bị ra đi tìm Lưu Bị. Quan Công sai gia nhân thu thập hành trang, sửa soạn xe ngựa. Tất cả những thứ gì mà Tào Tháo đã ban cho phải để lại hết, vàng bạc thì niêm phong cất vào kho, còn cái ấn Hớn Thọ Đình Hầu thì buộc treo lơ lửng nơi xà nhà. Quan Công đến dinh Tào Tháo từ biệt, ba lần mà không gặp mặt, liền viết một bức thơ để lại từ tạ Tào Tháo, đại lược như sau:
"Võ nầy tự thiếu thời thờ Lưu Huyền Đức, thề sống chết có nhau, lẽ đâu dám phụ. Trước đây, thành Hạ Bì thất thủ, có ước hẹn với Thừa Tướng ba điều. Nay được biết chủ cũ hiện đang ở nơi Hà Bắc. Hồi tưởng lời thề năm xưa, lòng nầy há dám phụ phàng. Vậy xin dâng thư nầy cáo biệt Thừa Tướng. Còn ơn nào thiếu sót chưa đền, xin đợi ngày mai báo đáp."
Quan Công sai niêm phong kho tàng cẩn mật, rồi mời nhị tẩu lên xe, Quan Công cỡi ngựa Xích thố, cầm Thanh long đao, dẫn vài mươi đứa tùy tùng, nhắm hướng Hà Bắc tiến tới.
Quá Ngũ quan trảm Lục tướng:
. Quan Công đến ải Đông Lĩnh, tướng giữ ải là Khổng Tú không cho qua. Quan Công đành phải giết chết Khổng Tú mới qua ải được.
. Đến ải Lạc Dương, Thái Thú Hàn Phúc và tướng Mạnh Thản ngăn chận, 2 người đều bị chết dưới ngọn Thanh long đao.
. Quan Công tiếp tục bảo hộ hai chị dâu đi đến ải Nghi Thủy. Tướng giữ ải là Biện Hỷ cho quân đao phủ mai phục nơi Trấn Quốc Tự, rồi dụ Quan Công đến nghỉ ở đó. Trong Chùa Trấn Quốc nầy có Đại Sư Phổ Tịnh, người cùng quê với Quan Công, báo cho Quan Công biết âm mưu của Biện Hỷ. Quan Công kịp thời đối phó, giết chết Biện Hỷ, quân đao phủ chạy tán loạn. Quan Công tạ ơn Phổ Tịnh:
- Nếu không nhờ Đại sư, chắc tôi bị hại rồi.
- Bây giờ tôi cũng không thể ở chùa nầy được nữa, phải đi vân du để tránh bè đảng của chúng, xin Tướng quân rán giữ mình, ngày sau chúng ta còn dịp gặp gỡ.
Quan Công từ giã Phổ Tịnh, rồi hộ tống xe của hai chị dâu đi thẳng đến ải Huỳnh Dương.
. Tại ải Huỳnh Dương, quan Thái Thú giữ ải là Vương Thực, sui gia với Hàn Phúc, nên lập kế giết Quan Công trả thù cho Hàn Phúc.
Vương Thực chuẩn bị hỏa công đốt quán dịch, nơi Quan Công và hai chị dâu tạm nghỉ. Nhờ có Hồ Bang báo cho biết, Quan Công vội phò nhị tẩu thoát đi. Vương Thực dẫn quân rượt theo, bị Quan Công vớt cho một đao bay đầu.
. Đến ải Hoàng Hà, Tần Kỳ xông đến ngăn lại, đánh với Quan Công được vài hiêp rồi cũng bay đầu.
Quan Công vội lấy thuyền đưa nhị tẩu qua sông Hoàng Hà, tới địa phận Hà Bắc. Tôn Càng đón Quan Công, báo tin Lưu Hoàng Thúc đã qua Nhữ Nam, nên Quan Công bỏ đường đi Hà Bắc, rẽ qua Nhữ Nam.
Khi đi ngang qua Ngọa Ngưu Sơn thì thâu phục được một bộ tướng là Châu Thương.
Châu Thương, quê ở Quan Tây, hai tay xách nổi ngàn cân, râu quai nón, hình dung dữ tợn, trước đây theo giặc Khăn Vàng. Khi giặc Khăn Vàng tan rã thì Châu Thương ẩn nơi núi rừng làm thảo khấu, nhưng rất hâm mộ uy danh của Quan Công, nên khi gặp được Quan Công thì cải tà qui chánh, theo hầu Quan Công. Nhưng Quan Công bảo Châu Thương hãy tạm ở lại đây, chờ sau sẽ đến rước.
Châu Thương nói với Quan Công:
- Trước mặt có một Cổ Thành rất kiên cố. Cách đây không bao lâu, có một người tên là Trương Phi đến chiếm cứ, tập hợp được hơn 4000 binh mã, bốnphía không ai dám cự địch.
Quan Công đưa nhị tẩu vào Cổ Thành giao cho Trương Phi bảo vệ, rồi cùng với Tôn Càng đi Nhữ Nam tìm Lưu Bị.
Dọc đường, Quan Công đến một túp lều tranh xin trọ đỡ, gặp một Cụ già chống gậy bước ra, xưng danh là Quan Định, cùng họ với Vân Trường. Quan Định có đứa con trai tên là Quan Bình mới vừa 10 tuổi, cho theo hầu Quan Công, được Quan Công nhận làm con nuôi.
Tôn Càng đến gặp Lưu Bị, rồi lập kế ra đi thoát khỏi tay Viên Thiệu, thẳng đến Ngọa Ngưu Sơn, để hiệp với binh của Châu Thương ở đó, nhưng khi đến nơi thì binh của Châu Thương đã bị Triệu Tử Long đánh tan và chiếm cứ nơi đó.
Thế là một nhà xum hiệp, trở lại Cổ Thành, lại có thêm được Triệu Tử Long; Quan Công thì có thêm được Châu Thương và Quan Bình. Anh em mừng rỡ, mở tiệc ăn mừng.
Trải qua một thời gian, thế nước chia ba, Lưu Bị liên kết với Ngô Tôn Quyền chống lại Tào Tháo.
Tào Tháo đem đại binh 83 vạn quân xuống đóng dọc theo sông Trường giang, tập luyện binh sĩ thủy chiến, chuẩn bị đánh Đông Ngô. Khổng Minh, Quân sư của Lưu Bị, sang Đông Ngô bày kế giúp Chu Du, Đại Đô Đốc của Ngô Tôn Quyền, lập trận Xích Bích, dùng hỏa công đánh tan 83 vạn quân Tào. Tào Tháo thảm bại, dắt tàn quân chạy qua Hoa Dung Đạo để về Hứa Đô. Khổng Minh toán quẻ biết trước việc đó, nên sai Quan Công đem binh đón bắt Tào Tháo.
Khổng Minh nói với Lưu Bị:
- Sở dĩ tôi sai Vân Trường đón bắt Tào Tháo nơi Hoa Dung Đạo là để Vân Trường trả nghĩa Tào Tháo, vì tôi xem Thiên văn biết mạng Tào Tháo lớn lắm, chưa chết được.
Đúng như lời của Khổng Minh, Tào Tháo đại bại ở trận Xích Bích, kéo tàn quân chạy qua Hoa Dung Đạo về Hứa Đô
Giữa đường bị Vân Trường chận đường, Tào Tháo chết đứng, hối các tướng xuống ngựa năn nỉ:
- Tôi đã bị bại binh, thế nguy đến đây cùng đường. Xin Quan Hầu nghĩ tình tôi ngày trước mà tha cho.
Quan Vân Trường đáp:
- Ngày trước, tôi tuy mang ơn Thừa Tướng rất hậu, song công tôi chém Nhan Lương và Văn Xủ cũng đủ trả rồi. Hôm nay Thừa Tướng lại lấy việc tư mà bỏ việc công sao?
Tào Tháo năn nỉ tiếp:
- Thế lúc Quan Hầu qua năm ải, chém chết sáu tướng, Quan Hầu còn nhớ không? Hễ là đại trượng phu thì phải lấy ơn làm trọng. Quan Hầu đã từng đọc Kinh Xuân Thu há chẳng nhớ việc Du Công Chi Tư đuổi theo Tử Trạc Nhu Tử đó sao? Hôm nay, với mấy tên tàn quân ở bước đường cùng, đã xuống ngựa để cầu an mà Quan Hầu không niệm tình thì đâu phải là đại trượng phu.
Vân Trường nhìn thấy Tào Tháo xác xơ, quân sĩ tả tơi như muốn khóc, bắt động lòng, không nỡ ra tay, liền quay ngựa bảo quân tránh ra mở đường sanh lộ cho Tào Tháo.
Tào Tháo hối quân sĩ chạy thoát qua chỗ ấy. Vân Trường ngó theo, hét lên một tiếng, bao nhiêu quân Tào đều khóc lạy dưới ngựa. Vân Trường thấy vậy càng thêm bất nhẫn. Lại thấy Trương Liêu giục ngựa chạy đến, tình cố cựu động tâm, Vân Trường than dài rồi tha cho cả bọn đi hết.
Sau đó, Vân Trường được lịnh đi đánh Trường Sa. Thái Thú Trường Sa là Hàn Huyền bất tài nhưng có Lão tướng Hoàng Trung tài giỏi phò tá.
Hoàng Trung ra đánh với Quan Võ cả trăm hiệp mà sức cầm đồng, bỗng con ngựa của Hoàng Trung quỵ hai chân trước làm ông ta té ngã xuống đất. Quan Võ dừng đao hét: Ta tha chết cho ngươi, mau trở về thay ngựa khác ra đây đánh với Ta."
Nhờ nghĩa khí đó mà Hoàng Trung tâm phục Quan Võ. Ngụy Diên nổi lên chém chết Hàn Huyền rồi cả hai mở thành rước Quan Võ vào chiêu an bá tánh. Thế là bên cánh Lưu Bị có thêm được hai đại tướng nữa là Hoàng Trung và Ngụy Diên.
Lưu Bị và Khổng Minh đem đại binh đi đánh Tây Thục, giao Kinh Châu cho Quan Võ gìn giữ.
Phía Đông Ngô, Lỗ Túc bàn kế với Tôn Quyền: Nay tôi ra đóng binh ở Lục Khẩu, sai người qua mời Quan Võ phó hội. Nếu hắn chịu đến, tôi sẽ dùng lời lẽ phải chẳng mà bảo hắn trả đất Kinh Châu cho ta, nếu hắn không nghe thì tôi hô quân đao phủ ùa ra giết hắn.
Tôn Quyền bằng lòng kế ấy, liền cho sứ giả qua Kinh Châu mời Quan Võ qua Đông Ngô phó hội. Quan Võ nhận lời
Quan Bình can nghĩa phụ:
- Sao nghĩa phụ xem thường tấm thân muôn trượng, dấn thân vào hang hùm ổ sói, nếu rủi ro có bề nào có phải phụ lòng bá phụ không?
Quan Võ nói:
- Ta từng xông pha nơi rừng tên mũi giáo, một đao một ngựa tung hoành, có sá gì lũ chuột Giang Đông. Đời Chiến Quốc có Lạn Tương Như nước Triệu, tay trói gà không chặt, mà giữa Hội Dân Trì, còn coi vua nước Tần như cỏ rác, huống chi ta là người có sức địch nổi muôn người. Một lời đã hứa không thể thất tín.
Bên Đông Ngô, Lỗ Túc bàn với Lữ Mông: Lữ Mông và Cam Ninh lãnh vài ngàn quân chia nhau phục nơi bờ sông, nếu thấy QuanVõ đem binh đội theo thì đổ ra chận đánh. Còn Quan Võ không đem quân theo thì cho phục sẵn 50 quân đao phủ sau đình, hễ nghe hiệu lịnh thì nhảy ra giữa tiệc giết chết Quan Võ.
Đến giờ ước hẹn, Lỗ Túc thấy Vân Trường ngồi trên thuyền nhỏ, có Châu Thương cầm đao đứng hầu, có 10 đại hán đất Quan Tây đeo mã tấu đứng hầu hai bên, trên thuyền có một lá cờ đỏ đề chữ Quan rất lớn. Vân Trường mặc áo bào lục, đầu đội khăn xanh, ngồi oai vệ giữa thuyền.
Lỗ Túc ra bến đón Vân Trường vào dự tiệc nơi Thủy Đình. Vân Trường nét mặt như hoa, nói cười sang sảng, không chút sợ sệt. Sau một hồi dự tiệc, Lỗ Túc đem chuyện đòi đất Kinh Châu nói với Vân Trường. Vân Trường đáp:
- Việc đó của anh tôi, tôi không tự ý quyết định được.
Châu Thương đứng hầu phía sau xen vào nói lớn:
- Đất đai của thiên hạ, ai có tài đức thì chiếm cứ, đâu phải của riêng Đông Ngô mà các ông đòi.
Vân Trường sa sầm nét mặt, đứng phắt dậy, bước tới giật lấy cây đao trong tay Châu Thương nạt:
- Đó là việc quốc gia đại sự, sao mày dám xen vào. Hãy cút đi mau lên.
Châu Thương hiểu ý, lập tức lui ra bờ sông, phất cờ đỏ ra hiệu. Quan Bình thấy cờ hiệu, vội lướt thuyền như bay qua sông, đến bờ bên Đông Ngô để tiếp ứng.
Bấy giờ Vân Trường đang ở trong Đình, tay mặt cầm đao, tay trái nắm chặt Lỗ Túc, giả bộ say lè nhè nói:
- Hôm nay Ngài mời tôi sang đây dự tiệc, xin đừng nhắc chuyện Kinh Châu làm mất vui. Tôi say rồi, nếu xảy ra điều gì sẽ tổn thương đến tình cố cựu. Để hôm nào tôi rảnh, tôi sẽ cho người sang mời Ngài qua Kinh Châu họp mặt.
Lỗ Túc bị Vân Trường nắm chặt cánh tay, hồn phi phách tán, không còn biết xoay sở thế nào được. Vân Trường giả say, nắm chặt Lỗ Túc từ từ đi xuống bờ sông. Lữ Mông cùng với Cam Ninh phục sẵn nơi bờ sông, nhưng chẳng dám động thủ vì Vân Trường đang kềm chế Lỗ Túc.
Vân Trường bước lên thuyền, buông tay Lỗ Túc, nói lời từ biệt. Lỗ Túc lúc nầy như người mất vía, đứng trân nhìn đoàn thuyền của Vân Trường rẽ sóng lướt nhanh trở về Kinh Châu.
Từ khi Lưu Bị sai Vân Trường trấn thủ Kinh Châu, Lưu Bị có cưới vợ cho Vân Trường, sanh được một trai đặt tên là Quan Hưng, và một gái đặt tên là Quan Ngân Bình.
Gia Cát Cẩn bàn kế với Tôn Quyền là đi cầu hôn con gái của Vân Trường cho Thế tử của Đông Ngô. Vân Trường nặng lời từ chối và đuổi Gia cát Cẩn trở về.
Vân Trường được lịnh đi đánh Phàn Thành, chém chết Bàng Đức, bắt sống Vu Cấm, oai danh lừng lẫy. Trong khi đánh phá Phàn Thành, Vân Trường bị Tào Nhơn bắn một mũi tên có tẩm thuốc độc, trúng vào cánh tay mặt. Quan Bình điều binh rút về trại để chữa trị vết thương cho Vân Trường. Thần y Hoa Đà nghe tin liền tìm đến nơi để điều trị vết thương.
Vân Trường cởi áo bào ra, đưa cánh tay bị tên cho Hoa Đà xem vết thương. Hoa Đà xem kỹ rồi nói:
- Ấy là tên ná, có tẩm thuốc độc, chất độc đã thấm tới xương, nếu không trị sớm thì cánh tay nầy sẽ trở nên vô dụng. Bây giờ phải lựa một chỗ vắng vẻ, trồng một cây trụ cho thật chắc, đóng vào đó một cái khoen. Tôi phải cột tay tướng quân vào đó, bịt mắt tướng quân lại, rồi tôi mổ vết thương ra, lóc thịt đã thấm chất độc bỏ đi, cạo bỏ chất độc đã thấm vô xương, rồi rịt thuốc may lại, để tướng quân trông thấy chắc không chịu nổi.
Vân Trường cười nói:
- Như vậy có chi mà không chịu nổi.
Liền bày tiệc rượu thết đãi. Vân Trường uống mấy chén, rồi bày cờ ra đánh với Mã Lương, tay trái đánh cờ, tay mặt đưa ra cho Hoa Đà mổ.
Hoa Đà cầm dao mổ lên nói:
- Nào, tôi xin bắt đầu, Ngài chớ giựt mình.
- Ta không phải là kẻ phàm phu nhút nhát đâu.
Mọi người thấy Hoa Đà làm mà rùn mình, nhưng Vân Trường vẫn thản nhiên ngồi đánh cờ. Hoa Đà làm xong, rịt thuốc may lại, nói:
- Tôi chưa bao giờ thấy một người khí phách như thế nầy, tiếng đồn thật chẳng sai.
Quan Vân Trường đứng dậy nói:
- Cánh tay nầy bây giờ hết đau nhức rồi, co dãn được như thường. Tiên sinh là Thần y đó.
Quan Công sai đem 100 lượng vàng thưởng công cho Hoa Đà, nhưng Hoa Đà từ chối, nói:
- Tôi nghe Vân Trường là người trung nghĩa, nên đến trị bịnh, chớ đâu phải để lấy tiền. Xin Ngài chớ nhọc lòng.
Nói xong từ giã Vân Trường ra về.
Một hôm, Vân Trường vào trướng phủ ngủ trưa, bỗng chiêm bao thấy một con heo lớn đen thui chạy đến cắn nơi chân mình. Vân Trường thét lên định rút gươm ra chém, liền giựt mình tỉnh dậy. Vân Trường trong lòng nghi ngại không yên, nói với Quan Bình:
- Ta nay đã gần 60 tuổi rồi, làm tướng xông pha trong ba quân đã lâu, giá như nay chết đi cũng không ân hận gì nữa.
Sau đó, Quan Vân Trường lầm mưu của Lữ Mông và Lục Tổn để mất Kinh Châu, lại bị quân Tào phía Bắc đánh xuống, lưỡng đầu thọ địch, nên thua trận chạy về Mạch Thành chống giữ. Quan Công lại sai Liêu Hóa vượt vòng vây chạy đến Thương Dung kêu Lưu Phong (con nuôi của Lưu Bị) và Mạnh Đạt đem binh tới giúp, nhưng Lưu Phong và Mạnh Đạt sợ chết nên từ chối.
Liêu Hóa thấy không xong, liền nhắm Thành đô chạy riết để cầu cứu với Hán Trung Vương Lưu Bị.
Tôn Quyền cho Gia Cát Cẩn qua dụ hàng Quan Công, nhưng lòng Quan Công như sắt đá, không thể dụ được.
Lữ Mông dâng kế:
Quan Công cố thủ Mạch Thành, không chịu hàng đầu, chẳng bao lâu lương thực hết thì phải bỏ thành tìm đường trốn về Tây Thục. Phía Bắc Mạch Thành có một con đường nhỏ rất hiểm trở, nếu Vân Trường bỏ thành ắt phải theo con đường đó mà đi. Phải sai Chu Nhiên đem quân đến phía Bắc Mạch Thành mai phục, gặp Vân Trường kéo quân đi ra thì chớ đánh vội, cứ phía sau rượt nà, để hắn chạy qua ngã Lâm Thư. Lại sai Phan Chương dẫn 500 binh hùng phục nơi đường Lâm Thư, chỗ núi non chật hẹp, dùng dây giăng ngang đường và câu móc mà giựt thì các ngựa chiến té quị, binh túa ra bắt sống Quan Công.
Quan Công trông mãi không thấy binh cứu viện, kiểm điểm binh mã chỉ còn được 300, lương thực hết sạch, ba mặt thành Đông, Tây, Nam, đều bị quân Đông Ngô công phá rất ngặt, chỉ còn mặt Bắc là ít hơn.
Quan Công truyền Châu Thương và Vương Phủ ở lại thủ thành, còn Quan Bình với Triệu Lụy và vài chục quân đi theo Quan Công vượt trùng vây để đi Tây Thục theo cửa Bắc Mạch Thành tiến ra.
Đi được vài dặm thì gặp phục binh, Triệu Lụy tử trận. Quan Công đi trúng vào mưu kế của Lữ Mông, ngựa Xích thố bị vấp chân ngã nhào, Quan Công té xuống đất, bộ tướng của Phan Chương là Mã Trung bắt sống được Quan Công cùng với Quan Bình và toàn bộ mấy chục tên quân đi theo.
Phan Chương giải Quan Công và Quan Bình đến Tôn Quyền. Tôn Quyền chiêu dụ nhiều lần nhưng Quan Công nhứt định không chịu đầu hàng. Tôn Quyền ra lịnh đem cha con Quan Công ra pháp trường xử trảm. Quan Công thọ 58 tuổi.
Quân Đông Ngô đem thủ cấp của Quan Công và Quan Bình đến Mạch Thành để gọi Châu Thương và Vương Phủ đầu hàng. Châu Thương thấy chủ tướng đã chết, nên khóc lóc rồi tự vận chết theo, Vương Phủ thì nhào đầu xuống chơn thành tự tử.
Còn con ngựa Xích thố của Quan Công được Tôn Quyền thưởng công cho Mã Trung, nhưng ngựa bỏ ăn và vài ngày sau thì chết, linh hồn bay theo chủ.
Tôn Quyền mở tiệc khao thưởng các tướng và quân sĩ. Tôn Quyền nói:
- Nay nhờ mưu của Lữ Mông mới bắt được Quan Công và giết đi, lấy được đất Kinh Châu, công ấy rất lớn.
Nói rồi rót một chén rượu, bưng đến thưởng Lữ Mông. Lữ Mông tiếp lấy chén rượu toan uống, bỗng dưng ném chén rượu xuống đất, nhảy lại thộp ngực Tôn Quyền, mắng lớn:
- Thằng mặt xanh râu đỏ và bọn chuột kia có biết ta là ai không?
Chư tướng thất kinh, vừa muốn bước lại gỡ Tôn Quyền và xô Lữ Mông ra thì Lữ Mông đã xô Tôn Quyền té nhào xuống đất, rồi nhảy vọt lên ghế của Tôn Quyền ngồi, trợn đôi mắt tròn vo, hét lớn:
- Hán Thọ Đình Hầu Quan Vân Trường là ta đây.
Tôn Quyền và các tướng hoảng sợ, quì lạy lia lịa. Bỗng Lữ Mông té nhào xuống đất, hộc máu chết tươi.
Tôn Quyền và các tướng Đông Ngô phải một phen hoảng vía trước sự hiển linh báo thù của Quan Công.
Mưu thần của Tôn Quyền nói:
- Quan Công chết rồi, thế nào Lưu Bị và Khổng Minh cũng kéo đại binh đến đánh Đông Ngô báo thù. Bây giờ ta phải đem thủ cấp của Vân Trường gởi qua Tào Tháo, để cho Lưu Bị nghĩ rằng Tào Tháo chủ mưu trong vụ nầy. Như vậy, Lưu Bị sẽ căm giận Tào Tháo, giải được mối nguy cho Đông Ngô.
Tôn Quyền nghe theo, đóng một cái thùng đựng thủ cấp của Quan Công, rồi sai sứ đem dâng cho Tào Tháo.
Tư Mã Ý nói với Tào Tháo:
- Quan Công cùng Lưu Bị và Trương Phi kết nghĩa anh em với nhau. Nay Quan Công đã chết, thế nào Lưu Bị và Trương Phi cũng đem binh báo thù. Đông Ngô lo sợ cái họa ấy nên đem đầu của Quan Công đến đây gieo họa cho ta.
Tao Tháo hỏi:
- Như thế ta phải làm sao?
- Đại Vương nên hết lòng tử tế, sai quân tạc một hình gỗ trầm hương, đem đầu Quan Công chắp vào, rồi tẫn liệm, làm lễ an táng theo hàng vương hầu. Lưu Bị hay được ắt cho Đại Vương là người ơn, còn Đông Ngô chính là kẻ tử thù.
Tào Tháo mừng rỡ làm y theo kế ấy, lại nhìn thủ cấp của Quan Công nói đùa một câu:
- Quan Hầu mạnh giỏi đấy chứ?
Bỗng cái đầu của Quan Công trợn mắt tròn vo, tóc râu dựng ngược. Tào Tháo thất kinh té nhào xuống đất. Chư tướng đỡ lên. Sứ giả Đông Ngô lại đem chuyện Lữ Mông bị Quan Công bắt hộc máu chết kể lại cho Tào Tháo nghe nữa.
Tào Tháo khiếp vía, làm y theo lời Tư Mã Ý, dùng Vương lễ an táng Quan Công. Tào Tháo bổn thân quì tế, đặt quan giữ mộ và cúng tế 4 mùa.
Về phần linh hồn của Quan Công, uất khí chưa tan, linh hồn bay lơ lửng về phía núi Ngọc Tuyền, trên núi có một ngôi chùa mà Đại Sư Phổ Tịnh đang tu tại đó.
Đêm ấy trăng sáng, vừa mãn canh ba, bỗng nghe trên không có tiếng kêu lớn: Trả đầu cho ta. Phổ Tịnh ngước mặt nhìn lên mây, thấy một người cỡi ngựa Xích thố, cầm cây Thanh long đao, bên tả có một tướng mặt trắng khôi ngô, bên hữu có một tướng mặt đen râu quai nón, theo hầu.
Phổ Tịnh lấy đuôi chủ gõ vào cửa nói:
- Vân Trường ở đâu?
Hồn Vân Trường liền đáp xuống trước chùa, hỏi:
- Sư Cụ là ai? Xin cho biết pháp hiệu.
Phổ Tịnh đáp:
- Lão Tăng là Phổ Tịnh, khi trước nơi chùa Trấn Quốc, Quan Hầu quên rồi sao?
- Trước kia tôi nhờ ơn Ngài cứu cho, nay tôi đã thác, xin Ngài chỉ đường mê muội cho tôi.
- Nay Quan Hầu bị Lữ Mông làm hại, kêu lên: Trả đầu cho ta , thế còn Nhan Lương, Văn Xủ, sáu tướng qua năm ải, và biết bao nhiêu cái đầu khác nữa, họ đòi vào đâu?
Quan Công nghe Đại Sư Phổ Tịnh nói câu ấy thì chợt tỉnh ngộ, liền biến mất. Phổ Tịnh biết Quan Công hiển Thánh. (Viết theo truyện Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa)
Khi Quan Công đã hiển Thánh rồi, Ngài trừ tà diệt quỉ, cứu độ sanh linh, và từ đó đến nay, Ngài không tái kiếp, mà dùng quyền hành thiêng liêng để lập công, đạt được Phật vị, gọi là Cái Thiên Cổ Phật.
Trong Đạo Cao Đài, Hội Thánh lấy ngày 24 tháng 6 âm lịch hằng năm làm ngày Đại lễ Vía Đức Quan Thánh. Khi đến ngày nầy, tại Tòa Thánh và các Thánh Thất địa phương đều thiết lễ Đại đàn cúng Vía Đức Quan Thánh Đế Quân, có Chức sắc thuyết đạo nhắc lại công đức của Ngài.
Để bổ túc cho phần Tiểu sử trên của Đức Quan Thánh, xin chép ra sau đây bài Thuyết đạo của Đức Phạm Hộ Pháp vào thời Tý ngày 24-6-Mậu Tý (dl 30-7-1948) tại Đền Thánh nhân Lễ Vía Đức Quan Thánh:
"Hôm nay là ngày Vía Đức Cái Thiên Cổ Phật Quan Thánh Đế Quân, tức là Hớn Thọ Đình Hầu Quan Vân Trường nhà Hớn, đời Tam Quốc. Một vị hiển Thánh đời Hớn thời Tam Quốc, ngày nay đạt phẩm vị đến Tam Trấn Oai Nghiêm trong nền Chánh giáo của Đức Chí Tôn, sự vinh hiển cao trọng đó, ta thấy gía trị vô đối.
Với một Đấng thiêng liêng mà lập vị mình một cách oai quyền vinh hiển, ta thường thấy rất ít, thảng có chăng trong nước Việt Nam ta, Đức Trần Hưng Đạo gọi là có thể đương đầu với Ngài được mảy may chút ít mà thôi, chớ phần đông từ thử đến giờ, kể cả các nước Á Đông nầy hiếm có.
Vậy ta nên khảo cứu coi Ngài làm thế nào đạt được Thiên vị vinh diệu đặc biệt dường ấy.
Hớn Thọ Đình Hầu Quan Vân Trường buổi nọ là một vị tướng của Thục, tức Lưu Bị. Ta thấy đại nghĩa của Ngài, trung can nghĩa khí của Ngài, nhứt là về bằng hữu chi giao, tình nghĩa đối với bạn hữu của Ngài, dám chắc dầu chúng ta, dân tộc Việt Nam hằng chịu ảnh hưởng văn hóa Nho Tông, chưa có được người nào giống như Ngài vậy. Tâm trung nghĩa, chẳng vì sang mà theo Tào, chỉ chuộng Hớn, nghĩa chẳng vì bạn buổi khổ não truân chuyên mà phụ rãy tình nhau. Trung và nghĩa ấy hy hữu.
Nói đến chí khí của Ngài, Bần đạo tưởng luận không hết: Ngài bất sát hạ mã chi nhơn. Truyện sách lưu lại rằng Ngài suýt bị Hạ Hầu Đôn giết vì nó biết cái sở yếu của Ngài mà lợi dụng, nếu không có Trương Liêu đến cứu. Mỗi khi Ngài trở cây Yển Nguyệt Thanh long đao định vớt nhà nớ thì nhà nớ nhảy xuống ngựa. Chí khí đó, thế gian hy hữu. Ngài lập chí với bộ sách Xuân Thu mà thôi.
Người sau có tặng Ngài đôi liễn:
Chí tại Xuân Thu, công tại Hớn,
Trung đồng nhựt nguyệt, nghĩa đồng Thiên.
(Chí hướng lập ở Kinh Xuân Thu của Đức Khổng Tử, công lao lập với nhà Hán. Lòng trung sáng như vừng mặt trời mặt trăng, cái nghĩa cao như trời.)
Trọn đời Ngài không lúc nào rời bộ sách Xuân Thu nầy, đọc để lấy tinh thần của sách, suy luận làm tinh thần của mình.
Kể từ Đào Viên kết tình bằng hữu cùng nhau, từ thuở bần hàn cho đến khi vinh hoa phú quí sang trọng, Ngài vẫn một mực không hề thay đổi tâm đức bao giờ.
Tinh thần của người ấy là tinh thần đứng riêng biệt một mình, một cảnh giới mà thôi. Thế gian khó tìm thấy một kiểu vở thứ hai nữa đặng. Tinh thần của Ngài có oai quyền đặc sắc. Ta thử tìm coi Ngài làm sao mà đặng như vậy?
Nguơn linh của Ngài là Xích Long Tinh. Buổi nọ dân Bắc Hớn phạm Thiên điều, bị Ngọc Hư Cung phạt, hạn không cho mưa, đặng cho dân ấy phải đói. Dân làng biết mà cầu nguyện nơi Ngài cứu nạn.
Ngài cũng thừa biết dân ấy bị Thiên điều hành pháp, nhưng vì lòng ái tuất thương sanh, không nỡ để dân chết đói, nên Ngài làm mưa. Ngọc Hư Cung bắt tội, sai Ngũ Lôi tru diệt. Ngài chạy trốn vào một cái chùa, nhờ ông thầy chùa lấy chuông úp lại. Vị sư căn dặn bổn đạo trong chùa đừng ai dở chuông cho đến ngày nào Ngài hết nạn. Chư Đạo trong chùa tọc mạch dở chuông ra xem coi vật gì. Thành thử Ngài phải chịu đầu kiếp, kiếp ấy là Hạng Võ. Hạng Võ thì ai cũng biết.
Nếu ta quan sát trong Trọng Tương vấn Hớn, thì rõ tiền căn Hạng Võ, hậu kiếp Quan Công.
Bởi Hớn Bái Công khi lập quốc rồi, nghe lời Lã Hậu, diệt công thần, giết Hàn Tín. Án ấy nằm dưới Phong Đô mấy đời mà không ai xử đặng.
Buổi ấy có thầy Trọng Tương là học trò khó, nhà nghèo nhưng rất hiếu hạnh. Cha chết, Trọng Tương cất nhà mồ thờ cha mà ở. Thường hay buồn than thân trách phận, biết mình hữu tài mà vô dụng, nên viết một bài thi có ý than rằng: Thiên địa hữu tư, Thần minh bất công. (Trời Đất có lòng riêng, Thần minh không công bình), dụng ý trích điểm cái án nhà Hớn mà dưới Phong đô xử chưa có nổi. Vì vậy mà mắc tội phạm thượng, bị bắt hồn dẫn đến Phong đô, đem cho Thập Điện Diêm Vương vấn tội.
Trọng Tương bình tỉnh trả lời rằng: Nếu cho tôi ngồi làm Thập Điện Diêm Vương, tôi sẽ xử án ấy cho mà coi.
Thập Điện Diêm Vương bằng lòng.
Ngài xử: Tiền căn báo hậu kiếp:
Như Bành Việt, cho đi đầu thai làm Lưu Bị,
Anh Bố làm Ngô Tôn Quyền,
Hàn Tín làm Tào Tháo,
Hạng Sư làm Nhan Lương, Hạng Bá làm Văn Xủ,
Hạng Võ làm Quan Công . . .
Ta thấy 6 tướng của Hạng Võ đem lòng phản bội, đầu nhà Hớn, rượt Hạng Võ đến bến Ô Giang, phải cắt đầu trao cho Đình trưởng. Chú của Hạng Võ là Hạng Bá, trở lại phản cháu, đã đầu lụy Hớn Bái Công, còn trở lại phạt Sở.
Tiền căn hậu kiếp vay trả, quả báo y nhiên.
Có một điều lạ là với Lữ Mông, oan nghiệt có khác.
Tiền kiếp của Lữ Mông là ông thợ rèn, Quan Vân Trường đến mướn rèn Thanh long đao với một kiểu đặc biệt. Khi rèn xong, Ngài cầm ra sân thử đao, chẳng ngờ vô tình làm chết oan ông thợ rèn.(1)
Ông thợ rèn sau đầu kiếp làm Lữ Mông. Cho nên buổi Ngài xuất thần qui vị, là trả cái ngày làm chết ông thợ rèn là Lữ Mông đầu kiếp, trả báo giết lại Ngài.
Khi chơn linh của Ngài xuất ngoại, Châu Thương và Quan Bình cùng tự tử chết theo, ba người ấy bay giữa không trung, đi ngang ngôi chùa, kêu ông thầy chùa là Phổ Tịnh, đòi ông nọ trả đầu, ông bèn lấy cái quạt gõ trên cửa, tụng ba biến Vãng Sanh. Ngài hạ xuống tiếp đòi đầu nữa. Ông nọ nói rằng: Nhan Lương, Văn Xủ kia mới đòi đầu với ai? Ấy là tiền căn báo hậu kiếp thôi chớ.
Đức Quan Thánh tỉnh ngộ, xin ông Phổ Tịnh cho Ngài ở đó đặng tu. Chơn linh Ngài ở nơi chùa đó mà hiển Thánh.
Khi hiển Thánh rồi, Ngài trừ tà diệt quỉ, cứu độ sanh linh, và từ đó đến bây giờ, Ngài không tái kiếp lần nào nữa, duy dụng cái quyền hành thiêng liêng hành đạo mà thôi. Với quyền thiêng liêng ấy mà Ngài lập được Phật vị là Cái Thiên Cổ Phật, nhờ Vạn linh tôn trọng Ngài lên.
Bần đạo dám quả quyết Ngài không phải là Thiên phong mà chính là người của Vạn linh bầu cử.
Cho nên Đức Chí Tôn mở Đạo là cơ quan hiệp nhứt Vạn linh, để Đấng ấy là Tam Trấn Oai Nghiêm đặng làm quan Trạng sư cho Vạn linh đạt kiếp."
(1) Theo Tam Quốc Ngoại Truyện, cái chết của ông thợ rèn xảy ra như sau: Khi Quan Võ ra sân múa thử đường đao, ông thợ rèn biết cây Thanh long đao nầy oai lực rất mạnh nên chạy núp trong bọng của một cây đại thọ gần đó. Quan Võ thử đao, muốn chém một vật nào đó xem đao thế nào, thấy có cây đại thọ ở gần liền múa đao chém thử, thân cây đại thọ bị đứt ngang ngã nhào, ông thợ rèn núp trong đó cũng bị đứt đầu chết theo.
Đức Quan Thánh không thường giáng cơ dạy Đạo như Đức Lý Đại Tiên, thỉnh thoảng Ngài mới giáng cho một bài.
Sau đây, chúng tôi xin chép lại bài giáng cơ của Ngài tại Minh Thiện Đàn, làng Phú Mỹ, Mỹ Tho, ngày 19-6-Tân Mùi (1931) với 4 câu thi đầu, khoán thủ là: CÁI THIÊN CỔ PHẬT:
CÁI thế công danh thế quí oai,
THIÊN tào kim phụng lịnh Cao Đài.
CỔ kim độ chúng lao hà nại,
PHẬT Thánh đạo tông tạo thế lai.
Ta chào Giáo Hữu, cùng chư Nhu. Biết Lão không?
- Quan Thánh Đại Đế. Nay chư Nhu cầu chi?
Bạch: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
- Việc ấy chẳng cần nói.
Chư nhu nhẹ tánh lắm âu lo,
Lo vậy càng xa Thánh ý trò.
Trò cứ một lòng vâng thửa lịnh,
Lịnh trên nào để dễ gì cho.
Vậy chư Nhu tuân mạng nghe! Giáo Hữu khá nghe, bởi tiên tri của Lý Đại Tiên dạy trước rằng, phải coi chừng Quỉ vương chen lấn vào mà thử thách chư Chức sắc Thiên ân, cùng cả Đạo lưỡng phái.
Ta nói vậy khá kiếm hiểu, chớ chẳng khá ... ... trọn phận.
THI:
Huỡn vì việc Đạo ở nơi nào?
Nhưng cũng tại lòng chẳng phải cao.
Sung sướng càng quen càng giả dối,
Gây nên oan nghiệt, tội dường bao!
Nay Lão cũng vì cơ chuyển phục cũng cần, nên còn chưa tỏ cho cùng Thánh ý đặng. Vậy Lão xin chư Nhu ráng lo cùng Lão mà chấn hưng Minh Thiện chuyển phục các nơi nghe!
Lão mong cho chư Nhu trọn lời phú thác.
Lão mừng chư Nhu. Lão thăng.
TNHT: Hai bài thi của Đức Quan Thánh trong TNHT:
Hớn Thọ Đình Hầu
Tiết nghĩa trung can Hớn đảnh xây,
Phò lưu dựng Thục một lòng ngay.
Kinh Châu Thất thủ nơi Thiên định,
Khiến Hớn vận suy phải đổi thay.
QUAN thành tái hiệp Hớn triều phong,
THÁNH đức mạc vong hám thế trần.
ĐẾ thất nhứt tâm trung khí dõng,
Thanh y xích diện hảo vinh phong.