Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
28/09/2014
Trần Ngọc Như Quỳnh

TÍNH CHẤT DÂN TỘC VÀ SỰ KHẾ HỢP BẢN THỂ ĐẠI ĐỒNG NHÂN LOẠI


TÍNH CHẤT DÂN TỘC VÀ SỰ KHẾ HỢP
BẢN THỂ ĐẠI ĐỒNG NHÂN LOẠI

Trần Ngọc Như Quỳnh (1)
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo – Tập Đoàn Giáo Sĩ

Tóm lược. Dựa trên những nét đẹp đạo đức trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, kết hợp với thánh giáo dạy về nhân bản của Đức Đông Phương Chưởng Quản, bài viết cố gắng đưa ra những lập luận hướng đến mục đích khẳng định nhân bản là yếu tố căn bản, cốt lõi của tính chất dân tộc, quyết định sự hình thành và phát triển của truyền thống văn hóa dân tộc. Đồng thời, đề xuất một phương thức giúp tuổi trẻ Đại Đạo có thể giữ gìn, phát huy, “làm nổi bật thuần túy tính chất của dân tộc mà luôn khế hợp với bản thể đại đồng nhân loại” .(2)
Từ khóa: văn hóa, đạo đức, văn hóa đạo đức, nhân bản, đại đồng, bản thể đại đồng nhân loại.
DẪN NHẬP
Văn hóa, theo Edward Burnett Tylor – một nhà nhân học người Anh – có nghĩa là một chỉnh thể phức hợp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, tập tục và bất kỳ năng lực thói quen nào khác mà con người cần có với tư cách là một thành viên của xã hội. (3)
Theo giáo lý Đại Đạo, văn hóa là “sản phẩm tinh thần của xã hội dân tộc. Văn hóa có ảnh hưởng một phần rất to tát trong xã hội nhân loại… Bản chất của văn hóa là đạo đức. Hình thức của nó là ngôn từ chương cú, giáo dục...”
Có thể nhận thấy, dù trong lãnh vực nhân học hay đạo học, văn hóa cũng được nhìn nhận là một thành phần không thể thiếu trong sự hình thành và phát triển của một xã hội; từ xã hội dân tộc, xã hội tôn giáo, hay rộng lớn hơn là xã hội nhân loại. Hơn hết, trong cả hai định nghĩa về văn hóa vừa nêu trên, yếu tố đạo đức không chỉ được đề cập, mà còn được nhấn mạnh như một yếu tố căn bản, trọng yếu trong việc xác lập và tạo nên những bản sắc tuyệt mỹ nhất cho một nền văn hóa của một xã hội.
Ở lãnh vực nhân học, Edward Burnett Tylor cho rằng: văn hóa bao gồm một chỉnh thể phức hợp, trong đó có đạo đức, mà con người cần có với tư cách là một thành viên của xã hội. Ở lãnh vực đạo học, giáo lý Đại Đạo khẳng định: bản chất của văn hóa là đạo đức. Như vậy, đạo đức không chỉ là một phạm trù không thể thiếu của văn hóa, mà còn là bản chất của văn hóa. Khi nói: đạo đức là bản chất của văn hóa, ta hiểu điều này đồng nghĩa với: đạo đức là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của văn hóa. Mà văn hóa “có ảnh hưởng một phần rất to tát trong xã hội nhân loại”, do đó, đạo đức là yếu tố không thể thiếu của một xã hội, và có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn trong sự hình thành và phát triển của xã hội đó.
Đối với xã hội dân tộc Việt Nam, yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của dân tộc là gì? Có phải là đạo đức? Bản chất của văn hóa dân tộc Việt Nam là gì? Có phải là văn hóa đạo đức? Và tuổi trẻ Đại Đạo phải làm những gì để giữ gìn, phát huy và làm nổi bật thuần túy tính chất dân tộc ấy theo đường lối mà Đức Giáo Tông Vô Vi đã dạy, tức luôn khế hợp với bản thể đại đồng nhân loại. Lời đáp cho tất cả những câu hỏi này đều đã được giáo lý Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ giải đáp qua những lời thánh ngôn, thánh giáo của các Đấng Thiêng Liêng. Và bài viết này sẽ mượn những lời dạy ấy để lần lượt làm sáng tỏ những vấn đề vừa nêu. Từ đó, khẳng định giá trị đạo đức, hay văn hóa đạo đức dân tộc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sứ mạng thực hiện cứu cánh đại đồng nhân loại mà mỗi mỗi con người Việt Nam phải trân trọng và giữ gìn.
I. TÍNH CHẤT DÂN TỘC VIỆT
1. Tính chất dân tộc thể hiện qua ngàn năm lịch sử.
Khởi đầu có lẽ nên là sự quay ngược dòng lịch sử, trở về nguồn cội xa xưa của dân tộc Việt Nam từ thời vua Kinh Dương Vương, vị quốc tổ của dân tộc. Từ thời Kinh Dương Vương, đến Lạc Long Quân, và mười tám đời Hùng Vương, đời sống của dân tộc Việt Nam xưa (thời Hồng Bàng) có lẽ được xem là “đời Thượng Ngươn Thánh Đức” thật sự của dân tộc. Ở giai đoạn này, đời sống người dân được ấm no, hạnh phúc, cuộc sống an lạc, thái bình trong suốt khoảng thời gian gần 2500 năm. Bởi có sự ấy là do ở đạo đức cao trọng của các bậc quốc tổ xưa, xem dân chúng là gốc, dùng đức trị mà xây dựng được một xã hội đại đồng dân tộc. Dân chúng tôn sùng và kính trọng các vị quốc tổ trong sự kính ngưỡng về đạo đức cao tột.
Từ những điển tích xưa, những câu truyện cổ, những truyền thuyết hay những câu truyện huyền thoại được nhân gian truyền lại, chúng ta dường như được gieo vào ý thức từ khi còn bé về dòng máu rồng tiên, về nguồn cội “con Rồng cháu Tiên” của mình; về những cuộc chiến huyền thoại đầy phép lạ của các vị Thần thời Hùng Vương (Sơn Tinh – Thủy Tinh),… tất cả đều như cho ta cảm giác về một thế giới, một thời đại mà nơi đâu cũng có sự hiện diện của Thần, Tiên có nhiều phép nhiệm mầu; đời sống thánh đức mà muôn dân được hưởng là do đó mà có được, và chúng ta đây là những thế hệ con cháu của các vị Thần, Tiên uy hùng ấy. Nghe có vẻ thật kiêu hãnh thay. Nhưng không! Ngược lại, theo những lời văn được viết trong các quyển sách lịch sử xưa như “Lĩnh Nam chích quái” hay “Đại Nam Quốc Sử diễn ca” thì điều khiến tổ tiên ta – hay muôn dân sống trong đời đại đồng thánh đức ấy – kính trọng các bậc quốc tổ đó chính là do ở đạo đức cao thượng, những phẩm hạnh, đức độ và tài năng vượt trội, vượt bậc hơn hẳn người thường, có thể ví như các bậc thánh nhơn. Các sách này còn ghi lại, các bậc quốc tổ xưa còn là những con người ham cầu tu theo đường thiên đạo, hướng đến giải thoát, siêu phàm nhập thánh. Có lẽ chính những phẩm chất đạo đức sáng ngời ấy, mà các vị quốc tổ xưa mới có thể duy trì được một xã hội đại đồng dân tộc mà cho đến đời nay, muôn dân còn kính ngưỡng.
Như thế, sự quay ngược dòng lịch sử về đời Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và 18 đời Hùng Vương không phải chỉ để là một chuyến du ngoạn thường tình, mà là để khẳng định một sự thật lịch sử đó là: điểm quan yếu đem đến cuộc sống an bình thịnh trị của dân tộc Việt Nam xưa trong suốt một khoảng thời gian rất dài, là do: các vị quốc tổ có phẩm hạnh, đức độ hơn người, dùng đức trị để cai trị thiên hạ; và người dân hạnh hưởng đạo đức cao trọng ấy, kính phục và đối đãi với mỗi một người trong dân tộc mình cũng y theo đường lối đạo đức.
Trở về với những gì thường gần gũi hơn khi nhớ về truyền thống dân tộc, đó là những câu ca dao, tục ngữ, truyện cười,… mà ông cha ta đã truyền lại. Những câu ca dao, tục ngữ bàng bạc đa dạng các chủ đề trong cuộc sống nhân thế nào là về tình phụ - tử, nghĩa vợ - chồng; nào là lòng yêu quốc gia, yêu dân tộc; nhưng, không thời đại nào, không giây phút nào thiếu vắng những câu tục ngữ hướng về đời sống đạo đức của con người, như:
Đường mòn nhân nghĩa không mòn.
hay
Người còn thì của cũng còn
Miễn là nhân nghĩa vuông tròn thì thôi.
hoặc
Dù ai nói ngược nói xuôi
Ta đây vẫn giữ đạo Trời khăng khăng.
Chắc hẳn, mỗi khi đọc hay ngân nga những câu ca dao - tục ngữ này, bất kì một con người nước Việt, trong khoảnh khắc, cũng cảm thấy như được khai sáng điều gì đó sâu thẳm bên trong tâm hồn, khiến cho bản thân muốn làm điều nhân nghĩa, giữ trọn sự nghĩa nhân, học theo điều đạo lý để xứng là một người con đất Việt, noi đúng theo những tấm gương đạo đức thanh cao mà cha ông bao đời truyền lại. Nhưng tất cả những điều ấy, có gọi là truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc chăng?
Hai trọng điểm vừa nêu, nếu thật sự có là hai trọng điểm đủ để chúng ta có thể khẳng định phần nào đạo đức là một phần dân tộc tính của mình, thì sự kết luận ấy cũng hoàn toàn là sự khẳng định cảm tính của mỗi con người Việt Nam, dựa trên những giai thoại, sự kiện lịch sử, cũng như văn hóa dân tộc. Và như thế, thì cơ sở thuyết phục vẫn còn thiếu sự vững chắc. Vậy thì, cần phải có thêm những trọng điểm khác, có độ tin cậy và sức thuyết phục cao hơn để bảo vệ sự khẳng định này; và những trọng điểm ấy nằm ở nơi thánh giáo Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
2. Tính chất dân tộc qua lời dạy của Đức Thượng Đế về nguyên nhân khai đạo tại Việt Nam
Trong một lần giáng đàn dạy đạo tại Thiên Lý Đàn, Tuất thời 30-10 Mậu Thân (19-12-1968), Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đã dạy như sau:
“Các con là dân tộc Việt cũng như các dân tộc khác sanh trưởng tại quả địa cầu này. Tình thương Tạo Hóa cũng ban đồng cho các con cũng như các con khác, nhưng dân tộc các con đã đau khổ quá nhiều. Non sông Tổ Quốc các con đã bị giày xéo lâu đời, nhưng các con được trội hơn chúng về đức tin, về lòng đạo đức ngưỡng mộ Thượng Đế và các Đấng trọn lành. Tình thương các con không thiếu, lòng hiếu hòa các con có thừa, do đó dân tộc các con mới hạnh ngộ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.” (4)
Ở lời dạy trên, chúng ta cần lưu ý các cụm từ quan trọng: đức tin, lòng đạo đức, tình thương, lòng hiếu hòa. Xét về mặt từ ngữ, tất cả những cụm từ này, đều là những cụm từ thể hiện đời sống tâm linh, tinh thần của con người; hoặc thể hiện yếu tố nội tâm bên trong hoặc thể hiện phương cách mà con người đối đãi với nhau ngoài đời sống. Còn xét về mặt giá trị, tất cả những cụm từ này đều là những cụm từ có giá trị cao đẹp, có khả năng đem lại cho mỗi cá thể nhân sinh một đời sống an lạc, tiến bộ và hạnh phúc trên phương diện tinh thần. Và tất cả những cụm từ này được Đức Cao Đài nhắc đến và khẳng định như những tính chất riêng biệt hoặc nổi trội của xã hội dân tộc Việt. Ngoài ra, tuy có khác nhau về mặt từ ngữ, nhưng nếu xét tận cùng chơn lý, ý nghĩa của mỗi từ-cụm từ trên, có thể thấy chúng đều xuất phát từ một nguồn cội duy nhất, đó là đạo đức.
Như vậy, qua lời dạy của Đức Thượng Đế, đạo đức một lần nữa được khẳng định có vị trí quan trọng trong truyền thống văn hóa dân tộc, là bản chất; hay là điểm quan yếu hình thành và phát triển bản sắc dân tộc. Và, do giá trị cao đẹp của đạo đức đem đến cho mỗi con người, cũng như vị trí chưa bao giờ có thể thay thế được của đạo đức trong lòng mỗi người con đất Việt qua ngàn năm lịch sử, nên nó đã trở thành một nét đẹp trong nét đẹp tổng thể của Văn hóa dân tộc Việt Nam, gọi là văn hóa đạo đức dân tộc.
Vậy thì, một câu hỏi khác được đặt ra: bản chất của đạo đức hay bản chất của văn hóa đạo đức ấy là gì? Lời đáp cho câu hỏi này, Phật giáo gọi là Chơn Tâm, là Như Lai, là Phật Tánh; Nho Giáo gọi là Thiên Tâm; và giáo lý Đại Đạo gọi đó là Nhân Bản.
II. NHÂN BẢN – BẢN CHẤT VĂN HÓA ĐẠO ĐỨC
DÂN TỘC
Vì sao Nhân bản là bản chất, là nguồn cội của đạo đức dân tộc? Vì Nhân bản “là gốc của con người… Khái quát là như vậy.” (5)
Gia đình là tế bào của xã hội, mỗi thành viên trong một gia đình là tế bào của gia đình ấy, vì thế, vai trò của con người trong sự thành bại của xã hội là rất quan trọng. Một quốc gia hưng thịnh khi và chỉ khi mỗi một xã hội gia đình trong quốc gia ấy hưng thịnh. Một gia đình hưng thịnh khi và chỉ khi mỗi một thành viên trong gia đình ấy đều có ý thức tưởng nhớ, giữ gìn và phát huy nguồn cội – cái gốc của mình.
Với chữ Nhân là con người – tiểu vũ trụ, nhân bản là cội nguồn, nền móng, cốt lõi và khuôn mẫu cho con người. (6) Ở khía cạnh này, nhân bản – hay cái gốc của con người – chính là điểm Tiểu Linh Quang phát xuất từ khối Đại Linh Quang, là Bản Linh Chơn Tánh, là những gì Chơn chánh, Thiện, Mỹ nhất. Con người Nhân Bản là con người luôn không ngừng hướng nội, tìm về điểm Nhân bản trong lòng mình, giữ gìn và phát huy điểm Đạo tự hữu sáng ngời ấy để tư tưởng ngày một hướng thượng, vượt trên lục dục thất tình, tiến lên những nấc thang tiến hóa cao hơn về tâm linh; nhìn nhận mọi việc theo như chính bản chất của chúng, thông tường, sáng suốt mọi lý mọi lẽ.
Với chữ Nhân là nhân sinh – đời sống cộng đồng của nhân loại, nhân bản có nghĩa là cội nguồn, nền móng, cốt lõi và khuôn mẫu cho đời sống cộng đồng ở bất kỳ quy mô xã hội nào, từ gia đình cho đến toàn nhân loại. (7) Ở khía cạnh này, nhân bản là cội nguồn, nền móng, khuôn mẫu chung cho tất cả, cho bất kỳ một xã hội, một hình thức đời sống nào trên thế giới này, từ gia đình, đến xã hội, tôn giáo, đến thế giới nhân loại. Cụ thể hơn, Nhân Bản ấy là những quy tắc, điều luật, những trật tự, những phong tục thuần chơn, thiện, mỹ; giúp nhân loại có thể dễ dàng nhận ra, dễ dàng hòa đồng với sự phát triển tự nhiên của tâm linh, của Tự Tánh; không đi ngược lại với đạo lý, thiên nhiên; giúp con người có thể hòa thuận, gắn bó với nhau ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh; được nhân loại chấp nhận, đồng cảm, trân trọng và thừa hành.
Tổng quát chung là thế, còn sâu sắc hơn nữa sẽ tùy thuộc vào quy mô của từng mô hình xã hội cụ thể. Như đối với quy mô xã hội là gia đình, nhân bản ấy thể hiện rõ nét nhất ở lòng luôn tưởng nhớ đến nguồn cội Tổ tiên sanh thành của mình, ghi nhớ công ơn dưỡng dục của ông bà cha mẹ. Đối với quy mô xã hội đời sống, nhân bản ấy thể hiện rõ nét nhất ở sự tưởng nhớ về công ơn dựng nước và giữ nước của các vị quốc tổ, các vị anh hùng dân tộc, v.v…
Đến đây, chúng ta đã hiểu rõ được Nhân Bản là gì. Vậy thì, Nhân Bản há chẳng phải là cái quyết định dân tộc tính? chẳng phải là nguồn gốc, bản chất tạo nên tất cả những điểm, hay, tính chất đạo đức của một xã hội, một dân tộc?
Nhân bản là gốc của con người, là Bản Thể Tự Tánh, cũng chính là TÂM của con người. Do đó, con người noi theo đường đạo đức, tức là quay về với cái CHƠN TÂM đủ đầy sự tốt đẹp, anh linh, là tìm lại Nhân Bản của mình vậy. Vì thế mà từ cổ chí kim, các bậc Thánh Nhân xưa, cũng như các vị giáo tổ Tam giáo từ thời Nhứt Kỳ, Nhị Kỳ đều khuyên con người phải luôn nhớ về sứ mạng vi nhơn – sứ mạng phục hồi nhân bản của mình, như lời dạy của Đức Lục Tổ Huệ Năng:
“Này đại chúng! […] Tâm là đất, Tánh là vua, vua ở trên đất Tâm, Tánh còn thì vua còn, Tánh đi thì vua mất, Tánh ở thì thân tâm còn, Tánh đi thì thân tâm hoại. Phật nhằm ở trong Tánh mà tạo, chớ hướng ra ngoài mà cầu. Tự Tánh mê tức là chúng sanh, tự Tánh giác tức là Phật.” (8)
Hay lời dạy của Đức Đạt Ma Tổ Sư – vị khai sáng phái Thiền-tông của Phật-giáo ở miền Đông-độ: “Phái ta không phải dạy dông dài, cứ chỉ ngay cái tâm của con người; hễ ai thấy được tánh ở trong tâm thì thành Phật.” (Trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật) .
Chúng ta cũng có thể thấy sự hiện diện của Nhân Bản, của Bản Tánh, của Chơn Tâm trong triết lý Nho Giáo qua cụm từ “Đạo Tâm”, như trong Kinh thơ có viết: “Nhơn Tâm duy nguy, Đạo Tâm duy vi”, tức lòng nhơn dục rất nguy hại, lòng Đạo đức rất tinh vi.
Và một điều chắc chắn, đến Tam Kỳ Phổ Độ, giáo lý Đại Đạo tiếp tục hướng con người quy phục Nhân Bản:
“Cái tâm con người sáng suốt, quán cổ, tri kim, hay khiến con người làm điều hay, sự phải, giục con người mến đạo đức, chuộng tinh thần, biết thuận theo thiên lý.
[…] Cái tâm thì là thiện, là sáng suốt, nhưng bị vật dục ngoài đưa đẩy vào làm cho choán cái thanh quang, sanh lòng quấy phá, mà cái tâm thì tức là TÁNH, TÁNH tức TÂM. Người quân tử bao giờ cũng giữ cái tâm cho thanh bạch tịnh an” .(9)
Như vậy, Nhân Bản thật đóng vai trò trọng yếu trong việc gìn giữ dân tộc tính cũng như phát huy truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc. Sự khuyên dạy phải phục hồi nhân bản mà con người được mặc khải từ các bậc thánh nhơn, các vị Giáo Tổ hay các Đấng Thiêng Liêng cũng là điều không thể chối từ. Và nếu như thế, khi đã ý thức được tầm mức quan trọng của Nhân Bản, mỗi người tín đồ đạo Cao Đài nói chung, hay tuổi trẻ Đại Đạo nói riêng phải có những suy nghiệm gì, những hành động thiết thực như thế nào để làm nổi bật thuần túy tính chất của dân tộc mình trong nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đạo đức của dân tộc?
III. TUỔI TRẺ ĐẠI ĐẠO VÀ SỨ MẠNG LÀM NỔI BẬT THUẦN TÚY TÍNH CHẤT DÂN TỘC KHẾ HỢP BẢN THỂ ĐẠI ĐỒNG NHÂN LOẠI
Qua sự phân tích ở hai mục trên, chúng ta biết rằng “tính chất dân tộc” của con người đất Việt là Tâm, là Tánh, là Nhân Bản, là đạo đức, là những gì thúc giục con người phải hướng theo đường thiên lý, hành sự, suy nghĩ thuận theo lẽ Trời, đúng với sứ mạng vi nhơn. Hiện thực hóa được những điều trên trong cuộc sống nhân thế thường ngày, là con người đang làm nổi bật thuần túy tính chất dân tộc của mình. Còn thế nào là Bản thể đại đồng nhân loại?
Bản thể đại đồng nhân loại, trong mục đích mà chúng ta đang muốn làm sáng tỏ ở mục ba này, thì cụm từ “bản thể đại đồng” là một cụm từ đóng vai trò chính yếu. Hơn hết, từ “đại đồng” ở đây, không chỉ đơn thuần là một sự kêu gọi tinh thần đoàn kết giữa con người với con người trong sự chia rẽ, tranh chấp, phân biệt hiện nay; mà là một sự xác định tính bình đẳng giữa con người và con người trên căn bản đồng nhất về Bản thể.
Mỗi con người khi hiện diện ở thế gian này, đều đã có một điểm Tiểu Linh Quang đồng nhất từ khi mới chào đời, hay cũng chính là Nhân bản. Do đó, mỗi con người khắp trong toàn nhân loại, không phân biệt sắc tộc, không phân biệt giai cấp, khi hiện diện trong cõi đời này đều đã được mang gắn cho một nhiệm vụ, một trách nhiệm, một sứ mạng như nhau đó là:
• Quay về, phục hồi và phát huy nhân bản tính của chính mình; cũng là phát huy dân tộc tính của quốc gia dân tộc.
• Mở rộng hơn ở tầm mức nhân loại, là đón nhận, tán thưởng những giá trị, những công trình hướng về Chân Thiện Mỹ phát xuất từ bất kì nơi đâu trên địa cầu; và đồng nhất trong sai biệt, nghĩa là sự thống nhất tinh thần nhân loại trên cơ sở nhận thức được sự hiện hữu của nhân loại tính (nhân bản tính) trong tất cả những biểu hiện đa dạng của dân tộc tính (10), tức là sự khế hợp với bản thể đại đồng nhân loại.
Phục hồi nhân bản tính, từ đó phát huy tính chất dân tộc, cuối cùng mở rộng ra toàn thể nhân sanh trên khắp cả địa cầu. Đây chính là ý nghĩa kiếp sống làm người: phụng sự xã hội, dân tộc, đất nước cho đến thế giới nhân loại; trong đó, ở mọi phương diện đều biểu lộ sự bình đẳng, tình thương và nhân bản.
Hai chữ khế hợp, ta có thể hiểu đó là sự kết hợp một cách thật hài hòa. Sứ mạng của tuổi trẻ Đại Đạo là phải hòa quyện tính chất quốc gia, dân tộc với bản thể đại đồng nhân loại với nhau để cuối cùng là đạt đến cứu cánh đại đồng nhân loại. Loại trừ những gì về hình thức, lễ nghi, phong tục văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền thì phần còn lại, tức bản chất của dân tộc tính chính là đạo đức, là Nhân bản; và bản thể đại đồng nhân loại cũng là Nhân bản. Do đó, để có thể hòa quyện cùng nhau, nhân loại chỉ có thể gặp nhau ở yếu tính duy nhất, phổ quát và trường cửu tự trong bản thân mình, tức Nhân bản.
Vậy là, muốn làm nổi bật thuần túy tính chất dân tộc khế hợp với bản thể đại đồng nhân loại, hay, đạt đến cứu cánh đại đồng nhân loại; không thể nào không có Nhân Bản Tính. Muốn đạt được mục đích trên, chỉ có một con đường duy nhất đó là khai sáng Nhân bản tính trong lòng mình và trong lòng khắp cả nhân loại.
Thế thì, điểm giáo lý, kinh kệ, lễ nhạc hoặc bất kỳ một hình thức nào khác trong giáo lý Đại Đạo có đề cập về điều này? Để giúp mỗi người tín đồ Đại Đạo nói chung, tuổi trẻ Đại Đạo nói riêng có thể vận dụng, khai triển ở gia đình, xã hội, dân tộc mình; sau đó là lan rộng ra toàn nhân loại.
1. Thuộc lòng và hiểu rõ ý nghĩa nội dung kinh Thiên Đạo và Thế Đạo.
Một đơn cử câu trả lời cho câu hỏi trên trong giáo lý Đại Đạo, chúng ta có bộ kinh Thiên Đạo và Thế Đạo. Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo là bộ kinh quen thuộc, gần gũi với hầu hết người tín đồ Cao Đài. Bộ kinh này bao gồm hầu hết các bài kinh trong nghi lễ đạo Cao Đài, từ các bài kinh tụng đọc hằng ngày (nhựt tụng kinh), các bài kinh trong việc tang lễ, cho đến các bài kinh xưng tụng các Đấng Thiêng Liêng,… Có thể nói, kinh Thiên Đạo và Thế Đạo là một loại hình văn hóa trong văn hóa Cao Đài, gắn liền với yếu tố lễ - nhạc của một tôn giáo; và vì thế cũng gắn liền với văn hóa lễ - nhạc của dân tộc Việt.
Ở nơi mỗi bài kinh trong bộ kinh này, từ nhóm kinh thuộc phần kinh Thế Đạo, đến nhóm kinh thuộc phần Thiên Đạo, đều ẩn hiện đa dạng các yếu tố nhân bản bên trong, nơi từng câu kinh, lời kệ của mỗi bài. Mỗi khi tụng đọc các bài kinh Thiên Đạo hay Thế Đạo trong các hoạt động thường nhựt của mình, là lại một lần mỗi người tín hữu Cao Đài, hay mỗi thế hệ tuổi trẻ Đại Đạo có dịp nhớ lại những yếu tố nhân bản ấy, suy gẫm, nhắc nhở mình nhớ về nguồn cội nhân bản, thực hành và phát huy nhân bản đối với bản thân và đối với xã hội nhân loại.
Bên dưới đây, là một số yếu tố Nhân bản đã được tìm hiểu và diễn giải chi tiết trong một số bài kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, được trích lục từ một công trình nghiên cứu khác:
(a) Yếu tố Nhân bản trong bài kinh Tắm Thánh
Trong bài kinh “Tắm Thánh”, với câu kinh “Nửa người nửa Phật nơi mình anh nhi.” (11), yếu tố Nhân bản thể hiện ý nghĩa: con người vừa có phàm tánh vừa có Phật Tánh. […] Phật Tánh – là cái Tánh tối sơ, là điểm Tiểu Linh Quang của Đức Thượng Đế chiết ban từ khối Đại Linh Quang cho vạn vật, trong đó có con người, trước khi vào cõi thế gian. Tánh đó lương thiện, sáng suốt, anh minh. Và vì Tánh ấy đã có từ trước cả khi con người còn là một bào thai trong bụng mẹ nên còn được gọi là Bản (12) tánh hay Nhân Bản, tức cái Tánh gốc của con người. Tánh ấy không bao giờ bị biến đổi nên tánh ấy mang tính chất tuyệt đối. Nếu con người biết gìn giữ, phát triển thêm lên hoặc không để cho Phàm Tánh ngày một che lấp, phủ mờ thì sẽ thành Thần, Thánh, Tiên, Phật. Lập luận này được khẳng định qua lời dạy của Đức Đông Phương Chưởng Quản về Nhân Bản: “Nhân Bản, cội nguồn của con người chơn nhơn, con người hiền thánh tiên phật.” . (13.14)
Hay, trong câu kinh “Xin gìn giữ Thánh hình thanh bạch” (15), ta có thể hiểu: “Thánh hình” ở đây chính là điểm Tiểu Linh Quang, điểm Nhân Bản thiêng liêng có trong mỗi cá thể nhân sinh. Theo nghĩa đó, mỗi khi một đứa bé vừa chào đời và được cha mẹ cho Tắm Thánh; cha mẹ của đứa bé hi vọng và cầu nguyện các Đấng Thiêng Liêng phò hộ cho đứa bé luôn giữ được điểm Tiểu Linh Quang được sáng ngời, thanh khiết hầu gìn trọn bổn phận vi nhân, nên trang đạo đức, trở thành con người muôn thuở muôn phương hay con người nhân bản. (16)
Qua một vài yếu tố Nhân bản trên của bài kinh Tắm Thánh, chúng ta thấy rằng khi tham gia công quả tụng đọc bài kinh Tắm Thánh cho một hài nhi mới chào đời, chúng ta không chỉ cầu nguyện cho hài nhi vừa chào đời ấy, mà còn nhắc nhở chính bản thân nhớ về cội nguồn nhân bản của bản thân; cố gắng giữ gìn “mảnh hình trong sạch”, luôn hướng về quy phục điểm nhân bản hằng hữu.
Các yếu tố Nhân Bản vừa trích ở trên trong bài kinh Tắm Thánh, trọng điểm đều nói về yếu tố nhân bản ở khía cạnh cá thể nhân sinh, hướng nội; có ý nghĩa nhắc nhở con người luôn phải hướng thượng, trau dồi điểm Linh Quang anh linh, rèn luyện tâm tánh, để dần tiến lên những mức thang tiến hóa cao hơn của tâm linh.
(b) Yếu tố Nhân bản trong bài Kinh Thuyết Pháp
“Trường phổ tế khó khăn lắm nỗi,
Cậy Thánh tâm sửa đổi tánh phàm.
Dìu đời với sức không kham,
Mượn quyền thuyết pháp đặng làm cơ quan.

Đại Từ Phụ hồng ân rưới khắp,
Trợ giúp con đặng lập nên công.
Muốn cho thiên hạ đại đồng,
Lấy câu cứu khổ dụ lòng thương sanh.” (17)
Nơi bốn câu kinh đầu tiên, có hai cụm từ thể hiện ý nghĩa nhân bản qua đời sống nhân loại của bài kinh là “Cậy Thánh tâm” và “Mượn quyền thuyết pháp”. Chúng ta đều biết rằng, đến thời Hạ Hạ Ngươn này, con người đang dần xa lánh Nhân Bản Tánh của chính mình, xa rời “Thánh tâm” vốn Thánh thiện, anh minh của mình; thay vào đó là ngày một để cho “phàm tính” chi phối. Vì vậy, những bậc Thiên ân hướng đạo nói chung, những con người nhận lãnh sứ mạng nói riêng đều cố gắng nuôi dưỡng tâm chí, rèn luyện tâm hạnh đức tài, mong muốn có thể mượn “quyền thuyết pháp” thiêng liêng để phổ thông, phổ truyền giáo lý đến nhân loại, hi vọng những lời kinh, những lời đạo lý có thể đi sâu vào lòng nhân thế mà vực dậy Thánh tâm, loại bỏ tánh phàm, sớm thăng tiến trên con đường tiến hóa. Trong Đại Thừa Chơn Giáo có nói:
“GIÁO là dạy cho người đời biết rõ căn bản, linh tánh phục hồi. Chữ Giáo là giáo hóa, giáo dục cho nhơn quần xã hội, phá mê những kiếp đã mang tội lỗi nặng nề. Nhờ cái cơ Giáo mà loài người được tấn hoá một cách lẹ làng, bước đến nấc thang văn minh, tinh thần đạo đức đời nọ sang đời kia, liên tiếp mãi nhau, không bao giờ ngừng nghỉ.” (18)
Việc thuyết pháp hay truyền giảng giáo lý có thể nói là một phương cách quan trọng và chính yếu nhất trong vô vàn phương cách khác nhau của việc phổ thông, phổ truyền giáo lý Đạo mầu, đem điều Đạo lý vào lòng nhân thế. Vì thế, những hành động hay tư tưởng thể hiện việc làm này chính là những hành động và tư tưởng mang ý nghĩa Nhân bản, chứa đựng tinh thần nhân bản ở mức cao tột nhất, ở mức vị nhân loại, vị nhân sanh, ở mức độ tự độ và độ tha. (19)
Như vậy, việc thuộc lòng và hiểu rõ ý nghĩa, nội dung của các bài kinh Thiên Đạo và Thế Đạo là một việc làm, một hành động vô cùng cần thiết, hữu ích cho bản thân mỗi người thanh thiếu niên Đại Đạo; và là một trong những phương cách vô cùng thiết thực để tuổi trẻ Đại Đạo thực hiện được sứ mạng “làm nổi bật thuần túy tính chất dân tộc khế hợp với bản thể đại đồng nhân loại”. Vì tất cả những nội dung nhân bản trong kinh Thiên Đạo và Thế Đạo đều phù hợp với lời Thánh Ý:
“Tuy những dân tộc loài người trên quả đất được phân biệt, an định ở mỗi khuôn khổ, vị trí và hoàn cảnh xã hội xa nhau, khác nhau, song sự xa cách, sự khác biệt ấy không phải là vấn đề cho con người quên mất nguồn gốc mình vốn một, quên mất bản chất mình là nhân từ như Thượng Đế, [để] che chở lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau giữa người và người, đồng thời săn sóc gìn giữ sự yên ổn cho bao loài hạ tiện khác đang sống dưới tầm mắt trí khôn của nhân loại.” (20)
Muốn làm nổi bật thuần túy tính chất dân tộc, không cách nào khác là con người phải sớm đánh thức điểm nhân bản trong chính mình và khuếch đại điểm nhân bản ấy lan rộng cho tất cả mọi người trong quốc gia, dân tộc mình; từ đó, mở rộng hơn nữa ra tầm mức nhân loại.
2. Vận dụng nội dung Nhân bản trong kinh Thiên Đạo và Thế Đạo vào đời sống nhân sinh.
Để thực hiện thành công phương cách trên, đòi hỏi mỗi một người thanh thiếu niên Đại Đạo phải có một sự kiên trì, bền bỉ theo thời gian. “Mưa dầm thấm đất”, qua thời gian, những gì trong trí nhớ, trong tâm tưởng của con người Đại Đạo không chỉ là những câu kinh, lời kệ đơn thuần, mà là một tinh thần, một tiềm thức, một tư tưởng – hành động theo phản xạ. Tinh thần ấy, tiềm thức ấy chính là tư tưởng luôn suy nghĩ và hành động vì tha nhân, vì xã hội dân tộc, vì nhân loại một cách vô điều kiện, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, trong bất kì hoàn cảnh nào; từ những việc nhỏ nhất, tầm thường đến phi thường; không phân biệt quốc gia dân tộc, không phân biệt địa vị, giai cấp.
Thử hỏi, nếu mọi thành viên trong một gia đình, mọi gia đình trong xã hội quốc gia, mọi quốc gia dân tộc trên thế giới đều luôn tâm niệm và làm được như vậy thì thế giới có sớm đại đồng nhân loại? Mỗi con người có đang làm nổi bật tính chất sáng ngời của quốc gia, dân tộc?! Chính là như vậy.

IV. KẾT LUẬN
Qua những gì đã cùng nhau phân tích ở các mục trên, bài viết đã từng bước trả lời những câu hỏi đã đặt ra ở đầu bài về vấn đề “Tính chất dân tộc và khế hợp bản thể đại đồng nhân loại”. Muốn làm nổi bật thuần túy tính chất dân tộc, hay, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, không cách gì khác là mỗi con người Việt Nam nói chung, và nhất là chúng ta – tuổi trẻ Đại Đạo – nói riêng phải nhận thức đúng đắn, gìn giữ và phát huy được bản sắc văn hóa đạo đức của dân tộc, vì “bản chất của văn hóa là đạo đức”. Bản chất của văn hóa đạo đức ấy, cũng không gì khác, chính là Nhân Bản, là Bản Tính, là những gì đẹp đẽ, Chơn Chánh, Thiện, Mỹ nhất của đạo đức con người.
Có quay về và gìn giữ được điểm nhân bản trong mình, con người mới có hi vọng tiến lên được cấp độ cao hơn đó là lan rộng điểm nhân bản này ra cho xã hội, dân tộc mình và cấp độ cao tột nhất là lan rộng ra toàn nhân loại. Ý nghĩa của hai từ “lan rộng” ở đây, có nghĩa là khai sáng điểm nhân bản trong lòng mỗi cá thể nhân sanh trong cả nhân loại; để tất cả nhân loại đều nhìn thấy điểm Đạo tự hữu của mình, nhìn nhận bản thể đại đồng nhân loại và cùng góp tay trong việc hoát khai điểm Đạo tự hữu ấy khắp toàn nhân loại.
Nếu mỗi con người Việt Nam nói chung, tuổi trẻ Đại Đạo nói riêng đều biết hoát khai điểm Linh Quang tuyệt đẹp, tuyệt mỹ của mình ra khắp quốc gia, dân tộc; và rộng lớn hơn là ra toàn nhân loại trong tinh thần đồng nhất trong sai biệt, không câu nệ vào hình thức, bản sắc văn hóa riêng ở mỗi dân tộc; trong tinh thần đại đồng nhân loại, đó là chúng ta đang mỗi ngày mỗi làm nổi bật thuần túy tính chất dân tộc mình khế hợp với bản thể đại đồng nhân loại vậy. 

__________________________

1-tranngocnhuquynh91@gmail.com
2-Đức Đông Phương Chưởng Quản. Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 19-02 Bính Dần.
3-E.B. Tylor – Văn Hóa Nguyên Thủy, I, 1871
4-Thánh Giáo Sưu Tập 1968-1969. Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Vì sao Đức Thượng Đế gieo mối Đạo tại Việt Nam, tr.97.
5-Đức Đông Phương Chưởng Quản; Trúc Lâm Thiền Điện, Tuất thời, 17-7 Tân Hợi.
6-Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 2008, tr.207.
7-Ibid, tr.208.
8-Đức Lục Tổ Huệ Năng. Pháp Bảo Đàn Kinh.
9-Đại Thừa Chơn Giáo. Luận về chữ Tâm, tr. 343-344
10-Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 2008, tr.237.
11-Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Kinh Tắm Thánh, tr.39.
12-“Bản” là cơ bản, là gốc
13-Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo, Chương Nhân Sinh, Mục 2 – Nhân Bản, tr.218.
14-Trần Ngọc Như Quỳnh, Luận văn Tốt nghiệp lớp Tu Sĩ – Nhân Bản trong kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, 2012.
15-Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Kinh Tắm Thánh, tr.39.
16-Trần Ngọc Như Quỳnh, Luận văn Tốt nghiệp lớp Tu Sĩ – Nhân Bản trong kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, 2012.
17-Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, Kinh Thuyết Pháp, tr. 95.
18-Đại Thừa Chơn Giáo, Giải nghĩa bốn chữ “Đại Thừa Chơn Giáo”, tr. 52.
19-Trần Ngọc Như Quỳnh, Luận văn Tốt nghiệp lớp Tu Sĩ – Nhân Bản trong kinh Thiên Đạo và Thế Đạo, 2012.
20-Thánh Giáo Sưu Tập 1970 - 1971, Quan niệm về Nhân bản, tr. 267.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý. Yếu điểm giáo lý Đại Đạo. Nxb.Tôn Giáo, 2008, bản in.
[2] Tòa Thánh Tây Ninh. Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo. 1992, bản in.
[3] Phái Chiếu Minh. Đại Thừa Chơn Giáo. Nxb. Tôn Giáo, 2006, bản in.
[4] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý. Thánh Giáo Sưu Tập 1968 – 1969. Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, bản in.
[5] Trần Ngọc Như Quỳnh. Nhân bản trong kinh Thiên Đạo và Thế Đạo. Luận văn Tu sĩ, 2012.

Trần Ngọc Như Quỳnh

Là môn đệ Cao Đài Thượng Đế,
Phải dặn lòng phước huệ song tu,
Ấy là công quả công phu,
Thương người mến vật vận trù nội tâm.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 29 tháng Chạp Mậu Ngọ

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây