Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Những năm gần đây, dư luận thế giới rất sôi nỗi về “Thuyết âm mưu”. Những “thế lực” vận dụng ...
-
Ngày 17-5-Bính Dần, Ngài được Ơn Trên phong phẩm Phối Sư phái Thượng (Thượng Tương Thanh), đến 3-7-Bính Dần Ngài ...
-
Bài thuyết minh giáo lý nội bộ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 01-12 Bính Tý (27-12-2008) Nếu được ...
-
BỘ THIẾT GIÁP CỦA NGƯỜI TU Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển 1, Thầy đã dạy như sau: "Bởi vậy cho ...
-
CAO thượng bổn nguyên Đạo chí thành , ĐÀI tiền chực rước đám lương sanh. GIÁO minh chơn lý ...
-
Yếu tố quyết định của hạnh là tâm. Sau khi nhập môn, chúng ta phải có ngôn ngữ, cử chỉ khác ...
-
Thời kỳ Tam Quốc (Hoa phồn thể: 三國, Hoa giản thể: 三国, Pinyin: Sānguó) là một thời kỳ trong lịch ...
-
Đại Đạo là con đường rộng lớn nhứt để đưa nhân loại đến đại đồng thế giới, không kỳ thị ...
-
Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy: "Bần Đạo bảo chư Thiên ân đệ muội hãy ý thức về Tâm ...
-
Phan Thanh Giản ra Kinh, vào triều lãnh chức Hàn Lâm Viện Biên Tu, rất lo lắng thấy bọn nịnh ...
-
Theo Larousse, "thiền" có nghĩa là "trải qua sự quán tưởng sâu sắc, khảo sát, suy tư sâu sắc." Theo ...
-
Thứ Bảy, 14/04/2007, 05:01 (GMT+7) Thân phận, quê hương và tình yêu trong ca khúc Trịnh Công Sơn TTO - Trịnh Công Sơn ...
Huệ Chơn
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 15/07/2010
Sống Đạo
Cửa đạo luôn luôn rộng mở, hay nói một cách khác, ngưỡng cửa tôn giáo lúc nào cũng sẵn sàng mở rộng để đón tiếp và độ dẫn thế nhân vào đường chơn cánh. Người hành giả vào cửa đạo để học hỏi giáo lý, tu sửa thân tâm để trở nên hiền nhân thánh trí, Thần Thánh Tiên Phật.
Thủ tục dành cho người hành giả mới vào cửa đạo, trước hết là quy y (nói theo Phật Giáo) rửa tội (nói theo Ki Tô Giáo) nhập môn (nói theo Cao Đài Giáo) v.v… Cách nói tuy có khác chung qui cũng chỉ là thủ tục sơ khởi vào cửa Đạo mà mỗi hành giả nào cũng phải trải qua.
Đang ở trong trường danh lợi vật chất… mà giác ngộ để vào Đạo đã là việc khó rồi, học Đạo có phần khó hơn, hiểu Đạo cho rốt ráo lại càng khó hơn trăm phần, đến thực hành đạo lý lại càng khó nhứt. Bởi vì cái bản ngã phàm tục của con người thì luôn luôn cố chấp cái sai biệt, ích kỷ, tham lam, sân si… còn bản chất của việc thực hành đạo lý thì lúc nào cũng đòi hỏi hành giả phải có đức khoan dung, đại đồng vị tha, bác ái, từ tốn, khiêm cung, v.v…
Bởi nó trái ngược nhau giữa bản ngã và chơn như đường ấy cho nên mới nói thực hành đạo lý là khó nhứt.
Tuy nhiên, trong xã hội tôn giáo cũng đã có biết bao nhiêu những trang tu sĩ, giáo sĩ… thực hành đạo lý một cách tích cực. Người ta dám phế đời để hiến dâng cho đạo, dám chiết một phần hoặc cả tài sản của mình, sự nghiệp cá nhân để hiến cho giáo hội, cho Thánh Đường…
Nhưng chỉ còn có một điều mà ít ai để ý hầu khai thác đúng nghĩa và thực hành đúng lý, đó là Sống Đạo.
Vậy Sống Đạo là gì?
Có thể nói vắn tắt vài dòng: Sống Đạo, là đời sống thuận với thiên nhiên, thuận với Trời đất, thuận với Đạo lý mà không giây phút ngưng nghĩ. Hay nói cách khác, người có đời sống đạo thì mọi ý nghỉ, mọi lời nói và mọi hành động phải luôn luôn chơn chánh, hữu ích, dễ thương và tiến bộ. Sự tiến bộ đó phải liên tục không phút giây ngừng nghỉ, ví như cơm ăn, áo mặc, khí trời…
Người có căn lành, khi mới chợt tỉnh giác ngộ thì hay tìm gần lãnh vực đạo lý thiện từ… Kế đó họ mới xin cầu đạo, nhập môn học Đạo, phần đông, người ta lúc ban đầu chỉ mới tu bên ngoài với hình thức đi chùa thất, hiến dâng lễ vật, tiền bạc để tạo thất cất chùa, in kinh, lên cốt Phật… kế đó học cách trì trai, giữ giới, sám hối, tụng niệm, làm công quả giúp đời như bố thí, từ thiện, xã hội… để bòn móng âm chất.
Tu ngoài vừa nói đây gọi là tu phước, là lấy công sức, của cải vật chất để xây dựng nền tảng âm chất ngõ hầu trừ bớt lần nghiệp dữ tiền khiên đã gây ra từ trong lịch kiếp mà mình không hay không nhớ…
Tu trong là tu tâm sửa tánh, đoạn trừ tánh tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố… để tập các thiện hạnh như bố thí, khoan dung, tha thứ, bác ái, vị tha, từ bi, hỉ sả, phá chấp đối với tha nhân.
Tu trong đây còn gọi là công trình, công trình là khắc kỷ phục lễ, khép mình theo nếp sống Đạo. Chế ngự mọi tư dục, tư lợi, tư kỷ để mở rộng tìn thương đối với mọi người, mọi vật. Tâm Đạo sẽ nhờ đó mà phát triển dần dần lớn rộng. Tâm Đạo có phát triển lớn rộng thì có thể sánh bằng tâm của Hiền Thánh Tiên Phật.
Tu huệ hay là tánh mạng song tu, tu tại tâm can cốt tuỷ, tu tại chiều sâu thâm thẩm của tâm hồn.
Trải qua hai giai đoạn trước: tu ngoài, tu trong, đó chỉ mới là giai đoạn luyện tâm an định, cho lắng đọng những phiền trượt rối ren, những buông lung phóng túng dong ruổi của con tâm lặn hụp nơi biển trần đầy vọng thức… Tâm có được an định thì Thần Khí sẽ nương đó mà điều hoà giao lưu, minh linh mẫn tuệ…
Đến giai đoạn này thì kể ra hành giả cũng đã đi được một đoạn đường khá dài hướng về chơn trời Đạo pháp. Tuy nhiên, nơi đây cũng chưa thể gọi là sống đạo, bởi vì tâm hành giả còn bị chi phối bởi ngoại cảnh của đời sống giao tế, áo cơm… Khi nhớ khi quên, khi còn khi mất… không liên tục… Khi đến chùa Thất thì tâm đạo vẹn gìn, lúc bước ra thế tục thì nhiễm ô lem lấm…
Trước kia, hành giả tự coi mình với Đạo là hai đối tượng cá thể khác nhau. Bởi thấy mình với Đạo khác nhau cho nên mới đi tìm Đạo, cầu Đạo, vào Đạo, giữ Đạo, học Đạo, hiểu Đạo, rồi hành Đạo. Hành Đạo bằng cách tu ngoài, tu trong, tu phước tu huệ, pháp môn nầy, pháp môn nọ… đủ thứ… Do đó mà gặp lúc thuận thời, có đủ phương tiện, sức khoẻ, ngày giờ thì siêng năng gần gủi với chùa với Đạo nhiều hơn, lỡ không may, gặp lúc nghịch cảnh, thiếu phương tiện, sức khoẻ, kẹt ngày giờ thì xa chùa, xa Đạo và có thể xa luôn đến tánh mạng của mình nữa…
Do đó mà trong giới tu hành, có những vị giữ Đạo thật lâu năm, tốn công, tốn của tiền, tốn cả ngày giờ, sức khoẻ rất nhiều mà cuộc đời vẫn còn lận đận lao đao trong vòng trần cấu… Đó là tại vì chưa sống đạo.
Sống Đạo là nhập cuộc với Đạo, mình là Đạo, Đạo là mình, như hình với bóng, chớ không phải mười bước tới mà hết tám chín bước lui… Người tu hành mà bị lận đận lao đao là bởi vì sục sùi, lui tới, trừ cộng, nhơn chia. Tuy giữ Đạo lâu năm mà tiến xa chưa mấy bước.
Vậy phải thực sự sống đạo thì đời sống mới được chân thật an vui.
Đạo nào đâu ở đâu xa mà tìm mà kiếm. Đạo chính là Tâm, là Thần, là tư tưởng, là ý nghĩ, là hơi thở, là sự sống mà ai ai cũng có. Tâm, Thần, Tư Tưởng, Ý nghĩ, Hơi thở, Sự sống luân lưu chẳng dứt, hể dứt là thân chết.
Thế nên, người tu hành cần phải giữ cho Tâm định, Thần trụ thì mới gọi là Tồn Tâm. Tâm cố định, Thần có trụ thì những Tư Tưởng, Ý Nghĩ mới không bị ô nhiễm, mê lầm, nhờ đó mà được sáng suốt minh linh. Đó gọi là Dưỡng Tánh. Tâm có tồn, Tánh có dưỡng đó là thành trì kiên cố nội tại của người sống đạo. Bất cứ ở đâu, chẳng luận nơi nào, Thất, chùa, sang hèn, bần phú…
Người thật sự sống đạo thì mọi ý nghĩ, lời nói, hành động xuất phát đều hoàn toàn chơn chánh, hữu ích, và dễ thương, có lợi nhơn lợi vật. Sự xuất phát có tự nó hồn nhiên chớ không phải cượng cầu gượng ép, bởi vì bản chất tự nhiên của nó là như vậy.
Thế nên người xưa có câu: An bần lạc đạo, hay: lạc tại kỳ Trung, hay: Vỗ bụng ngậm cơm thung dung tiêu sái, là vậy đó.
Người được sống đạo lúc nào cũng an vui, cái thế giới ngoại cảnh đối với họ, có thuận tiện thì cũng tốt, nếu không thuận tiện thì cũng chẳng sao, bởi vì họ đã có một thế giới nội tại rồi, thế giới đó không có gì làm ô nhiễm hay lay chuyển nó đặng.
Người có tinh thần sống đạo, không mưu sự cho riêng mình mà hay mưu sự hữu ích cho tha nhân. Lấy cái vui của thiên hạ làm cái vui của mình. Hạnh phúc trong cái nhìn thấy hạnh phúc của kẻ khác. Nhưng có một điều là hành giả lúc bấy giờ không thấy mình tu, không thấy mình giúp đời, không thấy mình mưu sự lợi ích cho tha nhơn, không thấy mình chứng… mà tự nhiên những hành động chơn chánh, hữu ích và dễ thương đó tự xuất phát trong hồn nhiên không gượng ép…
Vậy Đạo không phải là nơi Thất, Chùa, Am, Tự, hay ở nơi rừng thẩm, núi cao, hay ở nơi sang giàu địa vị. Đạo cũng không ở tại pháp môn: tu ngoài, tu trong, tu phước, tu huệ, những thứ đó chỉ là phương tiện mà thôi. Người hành giả chỉ tạm mượn phương tiện để tu cứu cánh chớ không ôm chầm lấy phương tiện để làm cứu cánh. Cứu cánh đó là Tâm.
Vậy nên, người sống đạo không giây phút rời Tâm và hơi thở của mình. Tâm mà phóng tán ruổi dong thì thân như vườn hoang nhà trống. Hơi thở mà không ý thức là hơi thở mất chớ chẳng đi đến đâu.
Vậy trong lúc xuân về, là khách biết thưởng Xuân, có mấy ai chịu khó kiểm điểm lại coi trong một năm qua, mình có được mấy thời gian thật sự Sống Đạo. Hay nói gần hơn, ngày đêm 24 tiếng, có được mấy giờ thật tình Sống Đạo?
Có kiểm điểm, có biết được, mới thật là khách biết thưởng Xuân, một mùa Xuân bất tận, mùa Xuân Sống Đạo!