Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
01/06/2004
Lê Anh Dũng

Tư tưởng Tam giáo đồng nguyên của dân tộc Việt Nam qua các thời đại

Ngay từ thế kỷ II, tư tưởng Tam giáo đồng nguyên đã xuất hiện ở Việt Nam, mà bấy giờ tên gọi là Giao Chỉ Bộ (từ năm 111 trước công nguyên) rồi là Giao Châu (từ năm 203). Giao Chỉ thời Sĩ Tiếp (sử Việt Nam viết là Sĩ Nhiếp) là nơi giao lưu văn hóa Việt-Ấn-Hán, là nơi hội tụ và dung hòa các luồng tư tưởng Ấn-Hán (Phật, Nho, Đạo) với văn hóa bản địa.

Một bằng chứng là MÂU BÁC, cũng gọi Mâu tử (sinh khoảng năm 165 hay 170, mất khoảng 230). Ông tên là Dung, tự Tử Bác, người gốc Thang Ngô (Thương Ngô), Giao Chỉ,. từ Trung Quốc sang Việt Nam tỵ loạn vào thế kỷ II, tài kiêm văn, võ. Về văn, ông viết Lý hoặc luận nổi tiếng. Lúc đầu nhan đề tác phẩm này là Trị hoặc luận, nhưng từ đời Đường Cao tông (tức Lý Trị, tại vị 650-633) vì kiêng húy của Lý Trị mà tác phẩm đổi nhan đề thành Lý hoặc luận. Lê Mạnh Thát khẳng định sách này được viết khoảng năm 198.

Trong Lý hoặc luận, Mâu tử cho biết: sau khi mẹ mất, không muốn làm quan, ông đắm mình học Tam giáo. "Từ đó, dốc chí vào đạo Phật, gồm ngẫm Lão tử năm ngàn chữ, ngậm huyền diệu làm rượu ngon, xem Ngũ kinh làm đàn sáo." [1] Điều này cho thấy rằng Tam giáo đã hiện diện đề huề trong thời Sĩ Tiếp làm thái thú Giao Chỉ. Tinh thần hòa đồng từ buổi ban sơ đó đã là yếu tố để tư tưởng Tam giáo đồng nguyên trở thành môït nét bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam trong những thế kỷ sau, được nhiều danh gia phát biểu qua các triều đại. Sau đây là một số trường hợp tiêu biểu:

1. VIÊN CHIẾU (999-1091).

Viên Chiếu sống dưới đời Lý, thế danh là Mai Trực, quê làng Phúc Đường, huyện Long Đàm, là thiền sư đời thứ bảy dòng thiền Quan Bích (Việt Nam). Tác phẩm của ông có: Dược Sư thập nhị nguyện văn, Tán Viên giác kinh, Thập nhị bồ tát hành tu chứng đạo tràng, Tham đồ hiển quyết.[2]

Khi được hỏi về ý nghĩa của Phật và Thánh (Nho), Thiền sư Viên Chiếu đáp:

Trú tắc kim ô chiếu,
Dạ lai ngọc thố minh.[3]
(Ngày thì mặt nhựt sáng soi,
Đêm về vằng vặc khung trời ánh trăng.)
Sư ngụ ý bảo tuy ứng dụng của Phật và Thánh (Nho) trong đời khác nhau, nhưng đều nhằm đem lại cho đời ánh sáng (giác ngộ), ví như ngày cần ánh sáng mặt trời (kim ô: quạ vàng), đêm cần ánh sáng vầng trăng (ngọc thố: thỏ ngọc).

2. TRẦN THÁI TÔNG (1218-1277).

Vua tên thật là Trần Cảnh, quê làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định sau này). Tác phẩm có: Kiến trung thường lễ, Quốc triều thông chế, Khoá hư lục...[4].
Khi viết bài Tựa cho Thiền tông chỉ nam, vua ám chỉ rằng trách nhiệm độ đời của Phật hay Nho vẫn là một:

"Lục tổ có nói: ‘Bậc đại thánh và đại sư đời trước không khác gì nhau.’ Như thế đủ biết đại giáo lý của đức Phật ta lại phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời." [5]

Trong bài Phổ khuyến phát bồ đề tâm, vua viết:

Vị minh nhân vọng phân Tam giáo,
Liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm.[6]
(Chưa tỏ ngộ, người đời lầm lẫn phân biệt Tam giáo,
Khi đạt chỗ gốc cội rồi thì cùng ngộ một tâm.)

Trong bài Tọa thiền luận, vua so sánh Tam giáo về pháp môn tu luyện và nêu lên sự tương đồng như sau:

"Thích-ca Văn phật vào núi Tuyết sơn, ngồi ngay ngắn trong sáu năm, chim bồ các làm tổ trên đầu, cỏ mọc xuyên qua bắp vế mà thân tâm vẫn bình thản. Tử Cơ [Đạo gia] ngồi tựa ghế, thân như cây khô, lòng như tro nguội. Nhan Hồi [Nho gia] ngồi quên, chân tay rời rã, thông minh dẹp bỏ, lìa xa cả trí cả ngu để hòa chung với Đạo lớn. Ba bậc thánh hiền của Tam giáo đời xưa đó đều nhờ ngồi định mà có thành tựu." [7]

Tuyết sơn tức là Hy-mã-lạp-sơn (Himalayas). Chim bồ các có sách dịch là chim thước, hoặc dịch là chim khách. Tử Cơ tức là Nam Quách Tử Cơ, được chép trong Nam hoa kinh của Trang tử.

Trong bài Giới sát sinh văn, vua nêu lên chỗ tương đồng của Tam giáo về mặt hành thiện:

"Sách Nho dạy làm điều nhân đức, kinh Lão dạy thương yêu người và vật, Phật chủ trương hãy giữ gìn giới cấm sát sinh…" [8]

3. HƯƠNG HẢI (1631-1718).

Thiền sư thế danh là Tổ Cầu, người làng Áng Độ, huyện Chân Phúc (sau là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Lúc đầu ông làm tri phủ Triệu Phong (sau là tỉnh Quảng Trị), đời Hậu Lê, rồi tu ở cù lao Chàm (Quảng Nam), hiệu Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự là Minh Châu Hương Hải, trứ tác nhiều.[9]

Trong một bài thơ Sư viết: Nguyên lai Tam giáo đồng nhất thể.[10] Như vậy, Sư khẳng định Tam giáo cùng một bản thể, nghĩa là cùng một nguồn gốc phát sinh.

So sánh Nho với Phật, ở một bài thơ khác, Sư kết luận:

Nho nguyên đãng đãng đăng di khoát,
Pháp hải trùng trùng nhập chuyển thâm.[11]
(Nguồn Nho bát ngát lên thêm rộng,
Biển Phật trùng trùng vào càng sâu.)

Trong bài Lý sự dung thông, Thiền sư Hương Hải đã lấy hình ảnh xe, thuyền làm ví dụ để so sánh hai khía cạnh phương tiện và công dụng của Tam giáo trong đời. Sư kết luận Tam giáo ví như ba cỗ xe cùng đi đến một đích. Đối chiếu ba cặp phạm trù tam cương, ngũ thường (của Nho) với tam nguyên, ngũ khí (của Lão), và với tam quy, ngũ giới (của Phật) Sư có bài thơ hay như sau:

Trong nơi danh giáo có ba,
Nho hay giúp nước, sửa nhà, trị dân.
Đạo thời dưỡng khí an thần,
Thuốc trừ tà bệnh, chuyên cần luyện đan.[12]
Thích độ nhân miễn tam đồ khổ,[13]
Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương.
Nho dùng tam cương, ngũ thường,
Đạo gìn ngũ khí, giữ giềng ba nguyên.
Thích giáo nhân tam quy, ngũ giới,
Thể một đường xe phải dụng ba.[14]

4. LÊ QUÝ ĐÔN (1726-1784).

Ông tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, quê làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ. Ông làm quan đời Hậu Lê, giữ lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng. Tác phẩm rất nhiều, riêng khảo về đạo Nho có: Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền phạm lục, Âm chất văn chú, Vân đài loại ngữ, Xuân thu lược luận, Dịch kinh phu thuyết, Thư kinh diễn nghĩa …

Trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục, quyển IX: Thiền dật, Lê Quý Đôn đã bày tỏ lòng tôn kính Tam giáo bình đẳng và khuyến cáo một số nhà nho thiển cận như sau:

"Đạo giáo của họ Phật, họ Lão thanh tĩnh hư vô, cao siêu tịch diệt, không hệ lụy đến sự vật, đấy cũng là đạo giáo của bậc cao minh dùng để tu dưỡng bản thân; đến những lời bàn luận sâu rộng về đạo đức, về hình thần, không điều gì là không có ý nghĩa mầu nhiệm. Nhà nho chúng ta, cứ giữ thành kiến kia khác, thường thường bác bẻ, như thế có nên không?" [15]

5. NGÔ THÌ SĨ (1726-1780).

Ông là cha của Ngô Thì Nhiệm, nhạc phụ của Phan Huy Ích. Ông tự là Thế Lộc, hiệu Ngọ Phong Tiên sinh, đạo hiệu Nhị Thanh Cư sĩ. Ông làm quan đời hậu Lê, trứ tác nhiều tác phẩm như: Ngọ Phong văn tập, Bảo chướng hoành mô, Anh ngôn thi tập, Việt sử tiêu án, Quan lan thập vịnh, Nhị Thanh động tập... Cùng các con, ông hợp thành Ngô gia Văn phái.[16]

Năm 1760, nhân trùng tu chùa Tam giáo (làng Kim Bảng), Ngô Thì Sĩ làm bài văn bia nêu lên ý kiến của ông về Tam giáo như sau:

"Lời khuyên về tịnh độ của nhà Phật, lời bàn về cảnh tiên của nhà Đạo, thuyết tích chứa điều lành có thừa điềm tốt của nhà Nho, thảy đều đúng cả. Đạo Phật chủ trương từ bi, Đạo gia thanh tịnh, Nho gia lấy thuyết nhân nghĩa, trung chính mở đường cương thường của Trời để dựng nên một trật tự cho người. Điều thiết yếu là hợp thế giới hữu hình vào một hư không siêu hình, thu tất cả thiên hình vạn tượng khác nhau vào một chỗ nhất quán. Nhập thế và xuất thế, tác dụng khác nhau mà thể tính thì cũng một. Tôi cho rằng đạo lý chỉ có một mà thôi. Tự do, sáng suốt, không có phân chia đạo nọ đạo kia vậy. Liễu ngộ chỉ có bản tính yên lặng, giữ lấy chỉ là tâm. Chỗ tịch diệt của Như lai, chỗ hư vô của Lão quân, chỗ không muốn nói của Phu tử đều là gom cái tâm mình về chỗ chánh mà thôi." [17]

Ngoài bài văn bia trên, xu hướng đề cao Tam giáo cùng một nguồn của Ngô Thì Sĩ còn bộc lộ trong các bài Ký động Nhị Thanh, Sớ hợp Tam giáo… [18]

6. NGÔ THÌ NHẬM (1746-1803).

Ông người làng Thanh Oai, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, là con của Ngô Thì Sĩ, tự Hi Doãn, hiệu Đạt Hiên, lại có hiệu hải Lượng Thiền sư. Làm quan hai đời Hậu Lê và Tây sơn, giữ nhiều chức vụ quan trọng.

Ông cũng chủ trương Tam giáo một nguồn (nhất nguyên), và bày tỏ quan điểm của ông trong các tác phẩm như Thiên quân thái nhiên, bài Ký đình Thủy Nhất… [19]

7. PHAN HUY ÍCH (1750-1822).

Ông là con rể Ngô Thì Sĩ, em rể Ngô Thì Nhiệm. Ông tự Chi Hòa, hiệu Dụ Am và Đức Hiên. Làm quan chức hàn lâm thừa chỉ, đốc đồng Thanh Hóa, v.v... Đời Tây Sơn, ông làm tả thị lang Bộ Hộ, tước Thụy nham hầu, đi sứ Trung Quốc về thăng thị trung ngự sử. Ông lập Bảo chân quán để tu dưỡng. Trứ tác nhiều.

Phan Huy Ích cũng theo thuyết Tam giáo một cội nguồn. Năm 1796, khi viết lời Tựa cho tác phẩm Trúc Lâm đại chân viên giác thanh của Ngô Thì Nhậm, ông bày tỏ quan điểm của ông về Tam giáo như sau:

"Giáo lý Thích-ca tuy nói là không tịch hư vô, nhưng đại yếu vẫn là trừ bỏ hết mọi chướng lũy, thấy rõ chân như. Cho rằng ‘minh tâm kiến tính’ là việc cần kíp nhất, nếu đem so sánh với học thuyết ‘thành ý trí tri’ của nhà Nho ta, thật chẳng có gì là trái ngược."

Do cùng quan điểm với Ngô Thì Nhậm nên trong bài Tựa nói trên, Phan Huy Ích đã ca ngợi Ngô Thì Nhậm:

"Tận tính nhi cùng lý (thấu triệt được thiên tính, hiểu rõ được đạo lý), khu Thích dĩ nhập Nho (đưa đạo Phật vào đạo Nho), ông đã khiến cho tám bộ Phạn vương (Phật) không ra ngoài cung tường của Tố vương (Khổng tử)." [20]

8. TRỊNH TUỆ (thế kỷ XVIII).

Trịnh Tuệ thi đậu trạng nguyên, làm quan tể tướng thời vua Lê chúa Trịnh. Ông vẫn xưng là Trúc Lâm Cư sĩ. Trình bày quan niệm Tam giáo một nguồn, trong bài Tam giáo nhất nguyên thuyết, có đoạn ông viết:

"Nhà Nho có tam tài, nhà Phật có tam thế, nhà Đạo có tam thanh, cũng chẳng khác gì trời có mặt trời, trăng, sao, như vạc ba chân, quan hệ mật thiết với nhau và không tách rời nhau được. Nói cho rõ là lễ nhạc, hình, chính của nhà Nho dùng để ngăn ngừa lòng người khiến cho người ta xu hướng về điều thiện và cấm chỉ các điều ác, xa rời cái xấu và tăng thêm cái đẹp, hiển nhiên là như vậy. Thanh tĩnh, từ bi của nhà Phật, trừ bỏ nghiệp chướng cứu người độ vật, cùng đi đến chỗ giác ngộ, thì đó lại là uyên vi trong uyên vi. Nhà Nho chủ trương chỉnh đốn luân thường, duy trì giáo hóa, làm cho người ta đổi thói bạc làm thói hậu, bỏ điều bạo chăm điều nhân. Đó là công việc rõ ràng. Nhà Đạo chủ trương rửa sạch lụy trần, từ bỏ tham dục, vượt cõi phàm vào cõi thánh, cùng chung duyên lành thì đó lại là huyền diệu trong huyền diệu. Sách Đại học nói ‘Sáng tỏ đức mình, làm mới đức dân, dừng ở chỗ chí thiện.’ Kinh Phật nói ‘Bát nhã ba la mật’, nói ‘Bồ đề tát đóa’, nói ‘Ma ha tát’. Về ý nghĩa, hai đằng có trái ngược nhau đâu … Cho nên Tam giáo vẫn là một môn, ba dòng vẫn là một lý, vốn không phải như nước lửa, đen trắng, ngọt đắng có tính chất chống lại nhau … Thế mới biết Nho tức là Thích mà Thích tức là Nho. Đạo cũng là Nho mà Nho cũng là Đạo."

Cuối bài, Trịnh Tuệ kết luận:

Ai hay Tam giáo bất đồng,
Thích Ca, Lão Tử cùng dòng Nho Gia.[21]

9. TOÀN NHẬT (1750? -1832?).

Thiền sư sống khoảng đời Tây Sơn. Sư coi Tam giáo cũng chỉ một nhà, tuy công dụng ở đời có khác nhưng lại hỗ trợ cho nhau trong việc giáo hóa, cứu độ, trị an dân chúng. Sư ví Tam giáo như ba ngả đường mà cùng dẫn về một đích điểm. Sư còn quan niệm Tam giáo không thể thiếu một, vì thiếu một thì sẽ nguy hiểm, cũng như chiếc vạc phải đủ ba chân, bầu trời phải đủ mặt trời, mặt trăng và các vì sao (tam quang: nhật, nguyệt, tinh). Xã hội phải vững vàng ba mối giềng trung chánh giữa quan hệ của bậc trị nước với dân, giữa cha với con, giữa vợ với chồng (tam cương: quân thần cương, phụ tử cương, phu thê cương).

Trong tác phẩm Hứa Sử truyện vãn, Thiền sư Toàn Nhật mượn lời Diêm vương nói với thầy tăng Hứa Sử để gián tiếp bày tỏ quan điểm của Sư đối với Tam giáo như sau:

Phép xưa gầy dựng roi truyền,
Nho ra sửa trị đời nên thanh bình.
Thích ra độ tử cứu sinh,
Đạo ra tẩn diệt mị tinh yêu tà.
Thánh hiền phân chế làm ba,
Tam giáo so lại nhất gia khác gì.
Cùng nhau tá trợ phò trì,
Ra đời giáo hóa ích thì lợi dân.
Cũng như vạc có ba chân,
Trên trời thì có tam quang tỏ tường.
Trong đời thì có tam cương,
Nếu mà khuyết một ghê đường gian nguy.
Nói cho Thầy rõ kẻo nghi,
Đường tuy ba ngả cùng về một nơi.[22]

Trong tác phẩm Tam giáo nguyên lưu ký, Thiền sư viết:
Cho nên Tam giáo Thánh nhân,
Tùy cơ thuyết pháp, ứng thân cứu nàn.
Hễ trời thì có tam quang,
Đời có Tam giáo ba giềng tương thân.
Ví như cái vạc ba chân,
Nếu mà khuyết một ngả nghiêng đâu còn.
Vật trong vạc ấy chẳng toàn,
Ắt là trút đổ chỉn liền hư hao.
Nho gia tỏ rõ như sao,
Chói lòa tinh đẩu ai nào chẳng hay.
Đạo gia dường nguyệt tròn thay,
Bắc nam ánh giải, đông tây sáng ngời.
Thích gia ví tợ mặt trời,
Đâu đâu soi thấu đời đời quang minh.[23]

10. GIÁC LÂM (thế kỷ XIX).

Tì Kheo Giác Lâm sống dưới triều Minh Mệnh (1820-1841), tu ở chùa Hồng Phúc, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Sư sáng tác Hồng mông Tạo hóa chư lục bản hạnh (gọi tắt Hồng mông hạnh), trong đó đã nhận định về Tam giáo như sau:

Ba đạo cây cối một nhà,
Chi chi diệp diệp hằng hà vô biên.
Những người thiểu học thất truyền,
Ngỡ là Nho giáo, Phật, Tiên khác dòng.[24]

11. NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (1822-1888).

Ông hiệu Trạch Phủ, quê làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Bị mù, ngồi nhà dạy học, nên còn được gọi là Đồ Chiểu. Sau về Ba Tri, tỉnh Bến Tre dạy học, bốc thuốc. Tác phẩm chính gồm có: Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp.

Trong truyện thơ Lục Vân Tiên Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác ra chàng Nho sinh họ Lục rất đặc biệt.
Câu 9-12 tả họ Lục xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, theo nghiệp Nho gia:

Đặt tên là Lục Vân Tiên,
Tuổi vừa hai tám nghề chuyên học hành.
Theo thầy nấu sử sôi kinh,
Tháng ngày bao quản sân Trình lao đao.
Sau khi thọ nạn, mù mắt, chàng thư sinh họ Lục nương thân cửa chùa (Phật) và được ông tiên (Lão) ban thuốc tiên chữa cho mắt được sáng lại. Câu 1665-1668 tả:
Đoạn này tới thứ ra đời,
Vân Tiên thuở ấy ở nơi chùa chiền.
Nửa đêm nằm thấy ông tiên,
Đem cho chén thuốc mắt liền sáng ra.

Như vậy, dù Nguyễn Đình Chiểu không phát biểu về Tam giáo đồng nguyên hay đồng tông, tác giả qua cách hư cấu một truyện thơ đã cho thấy tinh thần Tam giáo đề huề, không có giới hạn, thành kiến, ngăn ngại.

------------------------------------

Tóm lại trải qua các triều đại, trong mười chín thế kỷ, tuy sử sách không còn lưu giữ được nhiều, nhưng bằng những tư liệu văn học còn sưu tập được, với các tác giả tiêu biểu, đã thấy rõ rằng ở Việt Nam đã được xác lập sớm và rất lâu dài các quan điểm trong sáng về:
- Tam giáo đồng nguyên hay Tam giáo nhất nguyên (cùng một nguồn phát sinh),
- Tam giáo đồng tông (cùng một ông tổ sinh ra),
- Tam giáo nhất gia (cùng một nhà),
- Tam giáo đồng quy (cùng đi về một đích).
Các dẫn chứng văn học trên đây cũng cho thấy từ xưa dân tộc Việt Nam đã biết đối chiếu Tam giáo để tìm đến chỗ đồng nhất lý. Trong khi đó ở châu Âu, mãi đến nửa cuối thế kỷ XX người ta mới biết đến khoa tôn giáo đối chiếu (comparative religions), khởi sự từ năm 1939 tại Viện đại học Oxford, nước Anh.

Nói cách khác, ở Việt Nam ngay từ xa xưa đã sẵn có con đường Tam giáo đồng nguyên để rồi sẽ dẫn đến hệ luận là vạn giáo nhất lý. Nghiên cứu con đường Tam giáo Việt Nam trong tinh thần đồng nguyên và nhất lý cũng là để sau này góp phần tìm hiểu diễn trình Dịch hóa, chu nhi phục thủy: Từ Đại đạo phát sinh Tam giáo đạo; từ Tam giáo đạo trở về nguồn gốc Đại đạo.

CHÚ THÍCH
[1] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu tử. Tp.HCM: Tu thư Vạn Hạnh, 1982, tr. 133, 508.

[2] Thơ văn Lý – Trần. Tập I. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1977, tr. 266.

[3] Thơ văn Lý – Trần. Tập I, 1977, tr. 274, 281.

[4] Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. Tập II. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1990: tr. 56, 57.

[5] "Lục tổ hữu ngôn vân: ‘Tiên đại thánh nhân dữ đại sư vô biệt.’ Tắc tri ngã Phật chi giáo hựu giả tiên thánh nhân dĩ truyền ư thế dã." Thơ văn Lý – Trần. Tập II. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1989, tr. 26-27.

[6] Thơ văn Lý – Trần. Tập II, 1989, tr. 60, 62, 65.

[7] "Thích-ca Văn phật nhập vu Tuyết sơn, đoan tọa lục niên, thước sào vu đỉnh thượng, thảo xuyên vu bễ, thân tâm tự nhược. Tử Cơ ẩn kỷ nhi tọa, hình như khô mộc, tâm tự tử hôi. Nhan Hồi tọa vong, huy chi thể, truất thông minh, ly ngu trí, đồng ư Đại đạo. Thử cổ giả Tam giáo thánh hiền, tằng dĩ tọa định nhi thành tựu giả." Thơ văn Lý – Trần. Tập II, 1989, tr. 86-88.

[8] "Nho điển thi nhân bố đức, Đạo kinh ái vật hiếu sinh, Phật duy giới sát thị trì…" Thơ văn Lý – Trần. Tập II, 1989, tr. 93.

[9] Lê Quý Đôn toàn tập. Tập II: Kiến văn tiểu lục. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1977, tr. 402-403.

[10] Lê Quý Đôn toàn tập. Tập II, 1977, tr. 409.

[11] Lê Quý Đôn toàn tập. Tập II, 1977, tr. 410.

[12] Luyện đan: Các đạo sĩ Lão giáo nắm được bí quyết ứng dụng lý thuyết âm dương, ngũ hành để tu luyện ngõ hầu biến cải con người từ phàm phu chịu sự chi phối của luật sinh tử luân hồi trở thành bậc chân nhân siêu sinh thoát tử. Họ tạo thành một trường phái thanh tĩnh vô vi, chuyên luyện nội đan, tức là phái tu tiên, tu chân. Phái này chủ trương bên trong thân người đã sẵn có những yếu tố thần minh và nếu biết khai phóng đúng phương pháp, con người sẽ đạt được trường sinh bất tử. Để luyện thuốc trường sinh bất tử, họ chỉ sử dụng những vị thuốc, dược liệu tạo hóa đã dành cho mỗi người, ai ai cũng sẵn có trong thân (nội dược).

Đối lập với họ là phái ngoại đan, chủ trương tìm kiếm các dược liệu ở ngoài thân (ngoại dược) để luyện thuốc trường sinh bất tử; như từng dùng các chất độc là chì (diên), thủy ngân (hống), chu sa (thần sa)...

Chu, thần và đan (đơn) đều là màu đỏ thắm như son; sa là cát. Đạo Lão có môn phái thần tiên đan đỉnh dùng một thứ đá cát quến thành cục (sa thạch), lấy tay bóp vụn ra thành bột được. Đá cát này không mùi, vị lạt, có màu đỏ thắm như son, nên được gọi tên là chu sa, thần sa, đan sa. (Cũng có sách cho rằng thần sa là chu sa của Thần châu.) Đông y cho rằng chu sa có nhiều sắc đỏ khác nhau, càng thẫm màu càng tốt. Để thử, lấy tay bóp chu sa vụn thành bột, nếu màu đỏ không dính tay (không ăn da), đó là loại hảo hạng. Chu sa (cinnabaris) là hợp chất trong đó chứa 86,2% thủy ngân (Hg: hydragyum) và 13% lưu huỳnh (S: sulfur). Khi đun chu sa, khí độc SO2 bốc ra, còn lại thủy ngân cũng là chất độc. Vì vậy, sách y cổ chỉ định phải dùng chu sa sống (mài với nước, không được đun nấu); những người lạm dụng chu sa có thể hóa ra si ngốc. (Lê Anh Dũng, Tìm hiểu kinh cúng Tứ thời. Huế: Nxb Thuận hoá, 1995, tr. 82-83.)

[13] Tam đồ khổ: Cái khổ khi bị hồn người chết phải đi vào ba đường dữ để chịu hình phạt đền bù tội lỗi. Đó là: Hỏa đồ (bị lửa thiêu đốt); Huyết đồ (bị sát hại và đổ máu); Đao đồ (bị dao kiếm đâm vào cơ thể).

[14] Nguyễn Đăng Thục, "Vạn Hạnh với quốc học", Tư tưởng, số 1, năm thứ Tư. Sài Gòn: Viện đại học Vạn Hạnh, 15-3-1971, tr. 26.

[15] Lê Quý Đôn toàn tập. Tập II, 1977, tr. 363.

[16] Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. Tập I. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1984, tr. 324.

[17] "Thích gia tịnh thổ chi khuyến, Đạo gia tiên đô chi đàm, Nho gia tích thiện dư khương chi thuyết, giai thị dã. Thích từ bi, Đạo thanh tịnh, Nho định dĩ nhân nghĩa, trung chính dĩ khai Thiên thường nhi lập nhân kỷ. Yếu kỳ hợp vạn hữu vu nhất hư, hội vạn thù vu nhất quán. Kinh thế xuất thế, dụng dị nhi thể đồng. Dư duy Đạo nhất nhi dĩ, hoạt bát bát tĩnh tĩnh, vô bỉ thử dã. Liễu ngộ vô phi tính, mặc thủ vô phi tâm. Như lai chi tịch diệt, Lão quân chi hư vô, Phu tử chi dục vô ngôn dã, quy chính kỳ tâm nhĩ hĩ." Nguyễn Đăng Thục phiên âm theo bản chữ Hán trong microfilm BEFEO A.364, số hiệu 569.

[18] Theo Hà Thúc Minh. Xem Thơ văn Ngô Thì Nhậm. Tập I. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội, 1978, tr. 31.

[19] Theo Hà Thúc Minh. Xem Thơ văn Ngô Thì Nhậm. Tập I, 1978, tr. 32.

[20] Thơ văn Ngô Thì Nhậm. Tập I. Hà Nội: 1978, tr. 47-50.

[21] Một số vấn đề lý luận về lịch sử tưởng Việt Nam. Hà Nội: Viện triết học, 1984, tr. 145.

[22] Lê Mạnh Thát, Toàn Nhật Thiền sư toàn tập. Tập I (ronéo). Tp.HCM: Viện Phật học Vạn Hạnh, 1979, tr. 189-190.

[23] Toàn Nhật Thiền sư toàn tập. Tập II (ronéo), 1979, tr. 22.

[24] Nguyễn Văn Thọ, "Ít nhiều cảm nghĩ suy tư về thiền học Việt Nam", nội san Cao Đài giáo lý (ronéo). Tp.HCM: 15-02 Kỷ Mùi (1979).
Lê Anh Dũng

Cõi trần thế bể dâu lắm lúc,
Vòng trái oan câu thúc bao lần,
Sắc tài danh lợi ái ân,
Trăm năm ràng buộc tấm thân đọa đày.
Sớm giác ngộ con quày bước lại,
Phá vô minh đoạn máy luân hồi,
Đạo là lẽ sống con ôi,
Trong con thì Đạo, đất trời là tâm.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGL, 14-8 Nhâm Tuất

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây