Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Hội ý bài kệ “Nhãn thị chủ tâm” của Đức Chí Tôn, thì Chánh pháp này cũng đặt tại Tâm ...
-
CUNG TÝ là cung khởi đầu, cho nên trong Dịch Học phân ra ngôi TAM TÀI như sau : THIÊN ...
-
ĐH Quốc gia TPHCM vừa thành lập Trung tâm Xuất sắc John von Neumann (JVN). Đây là trung tâm xuất ...
-
Ảnh: Humanity :Artist's notes: "Even when there is no one else to see, God watches us. One aspect of Buddhist ...
-
. . .Đại Đạo nói đây là “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”. Chính danh hiệu rất hàm súc, rất ...
-
"Văn hóa là tất cả những cố gắng của con người để cải thiện nội tâm, gia đình, quốc gia, ...
-
I. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ II. ĐƯỜNG LỐI và CHỨC NĂNG HÀNH ĐẠO CỦA CƠ QUAN III. MỤC ĐÍCH CƠ QUAN (trích ...
-
Đừng quan niệm xây dựng Thánh Thất và kiếm được một người thủ tự để bốn thời quỳ hương cúng ...
-
Có thể nói "Sứ mạng Nho tông chuyển thế" trong giáo lý Cao Đài là một ý niệm không đơn ...
-
Vào năm 875, một vương triều mới xuất hiện tại vương quốc Champa cổ : Vương triều Indrapura, do vua ...
-
Cuộc sống trên độ cao tới 4.900 m buộc người Tây Tạng phải tiến hóa rất nhanh để tồn tại. Tại ...
-
“Bởi quyền Đạo còn yếu nên thế quyền mới lấn được; dầu phải thế quyền cao rộng đến bao nhiêu ...
Lê Anh Dũng
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009
Đạo Đức Học Môi Trường
Đạo đức học ứng dụng khảo sát các vấn đề cụ thể như: phá thai, sát hại trẻ em (infanticide), quyền lợi của thú vật, quan hệ tính dục đồng giới, tội tử hình, chiến tranh nguyên tử, v.v... Như vậy, thay vì chỉ là những nguyên tắc chung chung hướng dẫn hành vi con người, từ rất lâu xã hội đã đặt ra yêu cầu đạo đức cho một số ngành nghề cụ thể. Chẳng hạn, người thầy thuốc thì có y đức (medical ethics), người hoạt động trên thương trường thì có đạo đức kinh doanh (business ethics). Trước kia, các trường Sư phạm tại miền Nam còn giúp giáo sinh trau giồi đạo đức nhà giáo qua một môn học gọi là Luân lý chức nghiệp...
Đạo đức học ứng dụng tiếp tục phát triển thêm khi mà con người từ nửa sau thế kỷ 20 lại phải bận tâm đến vấn đề môi trường. Thực vậy:
- Trong thời đại ngày nay, con người đang tự mình không ngừng phá hủy môi trường sinh sống của chính mình. Chất thải độc hại làm ô nhiễm các nguồn nước trên mặt đất, những sự cố tràn dầu phá hủy các vùng biển, các loại chất đốt như dầu hỏa, than đá, khí đốt (fossil fuels) thải ra carbon dioxide làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, và việc dùng khí fluorocarbon làm hỏng tầng ozone bảo vệ trái đất... Ngần ấy thứ chỉ mới là một vài thí dụ hiển nhiên, quen thuộc đến mức không thể phủ nhận.
- Với tiến bộ khoa học kỹ thuật vượt bực, các tập đoàn kinh tế khổng lồ ở quy mô đa quốc gia không ngừng tìm mọi cách gia tăng quy mô sản xuất để càng tăng nhanh quá trình vắt cạn kiệt nguồn tài nguyên không hề là vô tận của trái đất. Đồng thời các chương trình quảng cáo đồ sộ đã không ngừng khuyến khích con người mặc sức tiêu dùng, gia tăng ham muốn lãng phí... Các tập đoàn kinh tế đó càng giàu lên bội lần thì trái đất càng suy kiệt đi vạn bội lần. Chua chát thay, điều đó có thể là một nhân tố quan trọng góp phần phá hoại môi trường một cách trầm trọng nhưng hầu như rất ít người thấy rằng nó là hiểm họa giấu mặt.
- Chiến tranh, đặc biệt là mấy cuộc chiến cuối thế kỷ qua và ngay đầu thế kỷ này đã dùng tới những vũ khí tối hiện đại, cực kỳ đắt giá. Các vũ khí này vừa sát hại sự sống hàng loạt nhanh hơn và tàn khốc hơn, vừa tàn phá dữ dội môi trường sinh thái trên quy mô rất lớn với ảnh hưởng di hại lâu dài vài chục năm trở lên!
Vì vậy, mấy thập niên gần đây đã có tương đối khá nhiều lương tâm trong sáng của nhân loại cùng đồng thanh lên tiếng kêu gọi, thức tỉnh con người phải có trách nhiệm đối với môi trường. Trách nhiệm đối với môi trường chính là nền tảng đạo lý của con người, nhằm hướng con người quan tâm tới môi trường mình đang sống, và phải có ý thức trách nhiệm đối với sự sinh tồn của cái hành tinh đang dưỡng nuôi và dung chứa con người.
Thế là ngoài các ngành đạo đức học ứng dụng hiện có, đã phát sinh nhu cầu cấp thiết phải thành lập thêm một ngành đạo đức học ứng dụng mới, dành cho tất cả những ai đang sống trên hành tinh. Đạo đức học môi trường (environmental ethics) dần dần hình thành. Thực ra, lúc đầu, người ta chưa xác lập một thuật ngữ chính thức làm tên gọi cho chuyên ngành quá mới mẻ này, nhưng cuối cùng đã thống nhất sử dụng thuật ngữ Environmental Ethics, mượn nguyên văn tên gọi tập san Environmental Ethics do Eugene C. Hargrove sáng lập năm 1979. Trong quá trình hình thành chuyên ngành mới này, đã có sự "đan xen" tự nhiên giữa triết học và tôn giáo, để rồi ngày nay tôn giáo và đạo đức học môi trường là một mối quan hệ được các giới triết học, khoa học và tôn giáo, v.v... cùng quan tâm khảo sát.
Phần trình bày sau đây trước hết nhằm vạch lại mấy điểm mốc chính trong quá trình hình thành mối quan hệ ấy.
Ngay từ lúc manh nha những ý tưởng đầu tiên về Đạo đức học môi trường trong thập niên 60 của thế kỷ 20, các nhà khoa học hoạt động bảo vệ môi trường đã sớm kêu gọi các nhà triết học hãy nhập cuộc. Nhưng chính các nỗ lực đầu tiên nhằm khai phá lãnh vực mới mẻ này lại mang tính sử học, thần học và tôn giáo.
Quá trình hình thành ngành Đạo đức học môi trường trong nửa sau thế kỷ 20 có một số sự kiện ý nghĩa được khái quát như sau:
1. THẬP NIÊN 60
Một bầu không khí trí thức đã phát triển trong mấy năm cuối của thập niên 60 phần lớn vì tập san Science (Khoa học) đăng hai bài báo sau đây:
- 1967: bài "The Historical Roots of our Ecologic Crisis - Căn cội lịch sử cuộc khủng hoảng sinh thái của chúng ta" của Lynn White (số tháng 3.1967).
- 1968: bài "The Tragedy of the Commons - Bi kịch của chúng dân" của Garett Hardin (số tháng 12.1968).
Tuy nhiên, gây ảnh hưởng nhất trong tư duy về lãnh vực này là một tiểu luận của Aldo Leopold đăng trên niên giám A Sand County Almanac, nhan đề "The Land Ethic - Đạo đức về đất". Trong bài viết này Leopold khẳng định rằng căn cội cuộc khủng hoảng sinh thái thuộc về lãnh vực triết học.
2. THẬP NIÊN 70
- 1970:
Ngày trái đất (the Earth Day) lần thứ nhất tổ chức năm 1970 đã là nguồn cảm hứng cho ngành Đạo đức học môi trường ra đời. Khi ấy các nhà môi trường học bắt đầu thúc giục các nhà triết học có tham gia vào hoạt động của các nhóm bảo vệ môi trường hãy làm một điều gì đó cho Đạo đức học môi trường.
Trong thập niên 70 diễn ra những tranh luận về luận điểm của Lynn White và về "bi kịch của chúng dân". Các tranh luận này ban đầu mang tính sử học, thần học và tôn giáo, không mang tính triết học.
Gần suốt thập niên này các nhà triết học ở ngoài cuộc tranh luận, họ quan sát và cố xác định xem cái lãnh vực được gọi là Đạo đức học môi trường có thể mang một diện mạo ra sao.
- 1972:
a. William Blackstone tổ chức một hội nghị triết học đầu tiên tại Viện đại học Georgia.
b. John B. Cobb xuất bản "Is It Too Late? A Theology of Ecology - Có quá muộn màng không? Một nền thần học về sinh thái". Lần đầu tiên có một tác giả viết hẳn một quyển sách về lãnh vực này. Tác giả lại là nhà triết học mặc dù sách tập trung vào thần học và tôn giáo.
- 1973:
Tại Hội nghị Triết học Thế giới lần thứ 15, một nhà triết học người Úc là Richard Routley trình bày một tham luận nhan đề "Is There a Need for a New, an Environmental, Ethic? - Có cần không một nền đạo đức mới, đạo đức môi trường?"
- 1974:
a. Sau Richard Routley, một người Úc khác là John Passmore viết quyển Man's Responsibility for Nature (Trách nhiệm con người đối với thiên nhiên), trong đó ông chống lại Routley, bảo rằng con người chẳng cần chi đến một nền đạo đức môi trường.
Phần lớn sự tranh cãi trong giới triết học cho tới giữa thập niên 80 tập trung vào việc chứng minh rằng Passmore đã sai lầm.
b. Các bản tham luận trong hội nghị triết học đầu tiên tại Viện đại học Georgia do William Blackstone tổ chức năm 1972 được in thành quyển Philosophy and Environmental Crisis (Triết học và cuộc khủng hoảng môi trường).
- 1975:
Đạo đức học môi trường trở thành mối quan tâm của triết học khi Holmes Rolston đệ Tam cho đăng trên tập san Ethics (Đạo đức học) bài viết "Is There an Ecological Ethic? - Có một nền đạo đức sinh thái không?"
- 1979:
Trước kia, một nhà triết học người Na Uy là Arne Naess làm chủ biên sáng lập tập san Inquiry (Truy vấn). Suốt thập niên 70 Inquiry là tập san triết học đầu tiên giải quyết vấn đề đạo đức học môi trường. Bấy giờ đạo đức học môi trường thường bị coi là một sự hiếu kỳ và các tập san triết học mỗi năm cũng chỉ đăng một bài về lãnh vực này.
Những cơ hội đăng tải được phát triển ngoạn mục vào năm 1979 khi Eugene C. Hargrove thành lập tập san Environmental Ethics (Đạo đức học môi trường). Tên gọi tập san đã trở thành tên gọi cho lãnh vực này.
Robin Attfield, một nhà triết học xứ Wales, viết quyển The Ethics of Environmental Concern (Đạo đức học về nỗi lo môi trường). Đây là sự trả lời "dài hơi" đầu tiên dành cho Passmore, tác giả quyển Man's Responsibility for Nature (Trách nhiệm con người đối với thiên nhiên, 1974), vì Passmore đã cho rằng đạo đức môi trường là không cần thiết.
Donald Scherer và Tom Attig chủ biên hiệp tuyển Ethics and the Environment (Đạo đức học và môi trường).
3. THẬP NIÊN 80
- 1988:
Đánh dấu một bước ngoặt khi bắt đầu xuất hiện thêm nhiều quyển sách do một tác giả đứng tên:
a. Respect for Nature (Tôn trọng thiên nhiên) của Paul Taylor;
b. Environmental Ethics (Đạo đức học môi trường) của Holmes Rolston;
c. Foundations of Environmental Ethics (Những cơ sở của đạo đức học môi trường) của Eugene C. Hargrove; và
d. In Defense of the Land Ethic (Bảo vệ đạo đức về trái đất), một tuyển tập các bài viết của J. Baird Callicott, v.v...
- 1989:
Trong thập niên 80 ở Canada ra đời tập san chuyên về sinh thái mang tên The Trumpeter (Người loan tin).
Năm 1989 có thêm một ấn phẩm về môi trường có tính phổ thông hơn là quý san Earth Ethics Quarterly (Đạo đức học trái đất, ba tháng một số). Ngày nay nó là ấn phẩm của the Center for Respect for Life and Environment (Trung tâm tôn trọng sự sống và môi trường).
4. THẬP NIÊN 90
- 1992:
Sau quý san Earth Ethics Quarterly (Đạo đức học trái đất, 1989), một tập san triết học thứ hai chuyên về đạo đức học môi trường đã ra số đầu tiên ở Anh với tên gọi Environmental Values (Các giá trị môi trường).
- 1996:
Thêm một tập san mới được Viện đại học Georgia xuất bản mang tên Ethics and the Environment (Đạo đức học và môi trường). Năm 2001, tập san này trở thành một ấn phẩm của Nhà xuất bản Viện đại học Indiana.
- 1997:
Trong thập niên 90 the International Society for Environmental Ethics (Hội đạo đức học môi trường quốc tế) được thành lập, chủ yếu do nỗ lực của Laura Westra và Holmes Rolston đệ Tam. Ngày nay hội này có hội viên khắp thế giới.
Đến năm 1997, một đoàn thể thứ hai có tính quốc tế được thành lập mang tên the International Association for Environmental Philosophy (Hội triết học môi trường quốc tế).
Điều đáng lưu ý là bất chấp các nỗ lực trí tuệ đầy lương tri diễn ra trong khoảng bốn mươi năm như thế, bất chấp các công ước quốc tế về vấn đề môi trường, bất chấp các tổ chức phi chính phủ đang ra sức tìm mọi cách ngăn cản sự tàn hại môi trường, v.v... nhiều tập đoàn kinh tế đa quốc gia cũng như những nước công nghiệp lớn mạnh trên hoàn cầu cho tới nay vẫn tiếp tục ngang nhiên và cố tình phá hủy hành tinh này trên quy mô ngày càng rộng để thỏa mãn lợi ích riêng, tham vọng riêng ngày càng lớn!
Khi tham vọng và quyền lực càng lấn át lương tri, thì sinh mệnh của trái đất càng bị đe dọa thảm thương hơn bao giờ hết. Đối diện với thực trạng phũ phàng này, đã có lúc các nhà triết học và các nhà bảo vệ môi trường thế giới cảm thấy gần như tuyệt vọng và bất lực. Thế rồi người ta nghĩ tới tôn giáo.
Như Charles Wells đã nói: "We can only change the world by changing men. - Chúng ta chỉ có thể thay đổi thế giới bằng cách thay đổi con người." Giáo lý các tôn giáo chân chính đều có chung một mục đích là chuyển hóa con người cho hoàn thiện hoàn mỹ. Nhiều tôn giáo đề cao con đường nhập thế, đem đạo giúp đời. Vì vậy khi nghĩ đến sự trợ giúp của tôn giáo, các nhà khoa học hy vọng rằng khả năng giáo dục luân lý của tôn giáo có thể tác động hiệu quả vào tâm thức con người, sửa đổi hành vi con người, hướng dẫn con người sống có ý thức trách nhiệm bảo tồn một hành tinh xanh trường cửu cho chính con người.
Ý tưởng tìm cách giải quyết vấn đề môi trường theo góc cạnh tôn giáo vào cuối thế kỷ 20 mới nảy sinh phải chăng là trở lại vấn đề mà John B. Cobb đã nghĩ tới vào đầu thập niên 70? (Năm 1972 Cobb xuất bản "Is It Too Late? A Theology of Ecology - Có quá muộn màng không? Một nền thần học về sinh thái.)
Trong cố gắng tìm đến giải pháp tôn giáo cho vấn đề đạo đức môi trường, một loạt hội nghị quốc tế về Các tôn giáo thế giới và sinh thái (The Religions of the World and Ecology) kéo dài trong hơn ba năm (1996-1998) do Trung tâm Nghiên cứu các Tôn giáo Thế giới (CSWR) của Đại học Harvard (Harvard University Center for the Study of World Religions) chủ trì thực hiện với sự đồng bảo trợ của Đại học Bucknell và Trung tâm tôn trọng sự sống và môi trường (Center for Respect for Life and Environment).
Từ đầu tháng 5.1996 tới cuối tháng 10.1998, loạt hội nghị này đã có sự tham gia trực tiếp và cộng tác của khoảng 700 học giả, lãnh tụ tôn giáo và các chuyên gia môi trường của nhiều nước. Phật giáo, Nho giáo, Thần đạo Nhật Bản, Ấn giáo, Do Thái giáo, Ki Tô giáo, Hồi giáo, Đạo giáo (Lão giáo), Kỳ na giáo (Jainism), v.v... đã có tiếng nói tại diễn đàn hội nghị.
------------
Bổ sung [tháng 5-2004]:
Đạo đức học môi trường có lẽ vẫn còn là một chuyên ngành khá mới mẻ đối với phần lớn nhân loại thậm chí ở vào đầu thiên niên kỷ thứ ba. Cho nên chẳng trách tại nhiều nơi trên thế giới, tuy vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng tỏ ra bức thiết thế mà đạo đức học môi trường vẫn chưa phải là lãnh vực quen thuộc, và nếu không lầm thì dường như chưa có nhiều người quan tâm đến khả năng và vai trò của tôn giáo trong mặt trận bảo vệ môi trường, dẫu rằng nền luân lý sẵn có trong giáo lý một số lớn tôn giáo nếu biết khai thác, vận dụng đúng mức và đúng hướng chắc chắn sẽ có khả năng góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường sống của hành tinh cho toàn thể con người và sinh vật khác.
Cao Đài là một nền đạo hướng tới những yêu cầu bức bách cứu khổ nhân sinh trong phạm vi toàn cầu (bằng mục đích "Thế đạo đại đồng"). Các nguyên tắc luân lý sẵn chứa trong giáo lý Cao Đài thực sự sẽ có nhiều khả năng góp phần thay đổi nếp nghĩ và hành vi những cư dân trên trái đất để từ đó môi trường sẽ được ý thức tôn trọng và bảo vệ tốt hơn. Chẳng hạn:
- Với nguyên lý (principle) Thiên địa vạn vật nhất thể (The universe and all creatures of its are one), người đạo Cao Đài ý thức rằng bản thân mình là một phần của vũ trụ, rằng con người là vũ trụ vi mô (microcosmos) có tương quan ảnh hưởng mật thiết với vũ trụ vĩ mô (macrocosmos), do đó, tàn hại môi trường chính là tàn hại con người.
- Cao Đài cũng nói đến tương quan giữa biệt nghiệp (individual karma) và cộng nghiệp (collective karma). Như thế, không ai có thể mơ hồ rằng mình có thể an ổn đứng ngoài hành vi phá hoại môi trường do người khác gây nên. Thái độ làm ngơ, tuy tự thân là một trách nhiệm gián tiếp, nhưng tiếc thay người làm ngơ vẫn không tránh khỏi một hậu quả trực tiếp.
Luật pháp không thể hoàn toàn thay thế luân lý, đạo đức. Bao lâu còn con người, thì tôn giáo và đạo đức do tôn giáo truyền giảng vẫn còn vai trò không thể thay thế. Nhờ luân lý tôn giáo, vấn đề bảo vệ môi trường thay vì chỉ thụ động là một bó buộc trách nhiệm do tác động ngoại lai (external compulsion), thì nó sẽ mang tính chủ động là một tự giác ý thức trách nhiệm phát sinh tự nhiên từ nội tâm (internal impetus) của mỗi người dân. Khi ấy, con người tự giác bảo vệ môi trường không phải vì sợ hãi luật pháp chế tài, mà vì tự nhiên thâm tâm người ta thấy cần phải làm như vậy.
Đạo Cao Đài càng ngày càng được cộng đồng trí giả tiến bộ của kỷ nguyên mới quan tâm tìm hiểu. Người ta đang chờ đợi và không sớm thì muộn sẽ chính thức lên tiếng đòi hỏi Cao Đài minh chứng, thị hiện được giá trị cứu thế của mình một cách cụ thể và toàn diện. Do đó, giả dụ, nếu một hội nghị thế giới về môi trường sẽ có mặt đại biểu Cao Đài, thì vị phát ngôn đầy vinh dự và cũng nặng nề trách nhiệm ấy sẽ hãnh diện phát biểu điều gì một cách cô đọng mà thiết thực, thay vì những khẩu hiệu sáo mòn dễ làm nản lòng nhau?
Và, không còn sớm nữa cho một quan tâm chuẩn bị nghiêm túc với đủ đầy ý thức trách nhiệm của người trí thức Cao Đài hôm nay.
Tham khảo:
"A Very Brief History of the Origins of Environmental Ehtics for the Novice"
(http://www.cep.unt.edu/novice.html.)
"Applied Ethics" (The Internet Encyclopedia of Philosophy, 1997.)