Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
  • Cụm từ Tam Kỳ Phổ Độ bao hàm hai ý nghĩa: Ý thứ nhất:  Diễn tả lần lượt cho ba lần  ...


  • Nhân loại đang ở giữa hai cực đoan của khoa học và đạo giáo.


  • Cách đây đúng 12 năm, thời điểm lịch sử của sự ra đời của Khối Liên Giao các Hôi Thánh ...


  • Dịch Học Nhập Môn / Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ

    Học Dịch có thể chia ra làm hai đường lối: 1. Một là học gốc Dịch tức là chuyên khảo về ...


  • Đừng quan niệm xây dựng Thánh Thất và kiếm được một người thủ tự để bốn thời quỳ hương cúng ...


  • "...Tôi không quen ghi chép sổ sách gì, nhưng nhớ. Đó là ngày 20 tháng Chạp năm Bính Dần. Hôm ...


  • Tứ vô lượng tâm Tứ vô lượng tâm là bốn phẩm hạnh cao thượng (Brahma Vihara) mà các vị Bồ tát ...


  • Cửu Nương Cao Thọai Kiết / Đạt Truyền & Đạt Linh

    Trong một kiếp giáng sanh xuống trần gần đây nhứt tại Bạc Liêu, Cửu Nương có tên là CAO THOẠI ...


  • GIUĐA HAY LÀ TÔI …? / Simon Hoa Da Lat

    Nói đến Giuđa Iscariốt, ai cũng biết, Oâng là kẻ phản bội Chúa Giêsu, là kẻ bán đứng Thầy mình. ...


  • Quê Mẹ (thơ) / TN Liên Hoa

    "Mẹ già như chuối ba hương Như xôi nếp một như đường mía lau" Từ thuở nào xa xưa, Câu ca dao vời ...


  • Chư hiền đệ hiền muội ! Bần Đạo vừa mới nói đến hướng về mục đích tối cao, ...


  • THẤY TÁNH / Nhip cầu Giáo lý

    Những người tu theo Chánh Pháp Đại Đạo trong buổi Tam Kỳ cần ý thức sâu xa, đừng thiên đừng ...


01/10/2005
Lê Anh Dũng

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 23/02/2010

Nhận thức về đạo Cao Đài

I. Cao Đài là Phật giáo chấn hưng (canh tân) – một nhận thức phiến diện phát sinh do hoàn cảnh lịch sử.

A. Thoạt kỳ thủy, các tiền bối khai đạo Cao Đài chưa từng nói tới Phật giáo chấn hưng hay Bouddhisme rénové.
Trong Tờ khai Đạo ghi ngày 07-10-1926 (nguyên văn bằng tiếng Pháp), được tiền bối Lê Văn Trung gửi cho Quyền thống đốc Nam kỳ Le Fol, đã không thấy nhắc tới "Bouddhisme rénové" hay "Phật giáo chấn hưng". Trong văn bản bấy giờ có nói tới Cao Đài, nhưng chỉ giải thích Cao Đài là Đại đạo(1). Thực vậy, sau khi nói tới tình trạng suy thoái của Tam giáo, Tờ khai Đạo viết:
"Ecœurés de cet état de choses, un groupe d’Annamites, fervents tradi-tionalistes et religieux, ont étudié la refonte de toutes ces religions, pour n’en former qu’une seule et unique appelée CAODAÏSME ou ĐẠI ĐẠO." (Đau lòng trước những trạng huống này, một nhóm người Việt Nam, gồm những người có nhiệt tâm với truyền thống và việc tu hành, đã nghiên cứu canh tân tất cả các tôn giáo này, để hiệp nhất thành đạo Cao Đài hay Đại đạo.)
Như vậy canh tân hay chấn hưng nếu có nhắc tới, là cho chung cả Tam giáo chứ không riêng gì Phật giáo.
Liền sau đó, một ấn bản của buổi đầu mở Đạo là Phổ cáo chúng sanh Đại đạo Tam kỳ Phổ độ, (in tại Imprimerie de L'union, ở Sài Gòn, ghi ngày 15 Octobre 1926, 14 trang khổ 18x24cm) cũng không hề có dòng chữ nào nói tới Phật giáo chấn hưng hay Bouddhisme rénové.(2)

B. Nhiều năm sau này mới thấy các tiền bối nói tới Phật giáo chấn hưng hay Bouddhisme rénové.
Hiện tại chưa thể xác định được các tiền bối đã dùng mấy chữ này lần đầu tiên trong văn bản nào. Trước mắt tạm nêu ra vài trường hợp sau đây:

1. Tại Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, cùng ngày 01-12-1931, khi gởi thư đến các ông Chủ tịch Nghiệp đoàn báo chí toàn thế giới (les Présidents des Syndicats de la Presse du monde entier), và một thư khác gởi đến các vị hoàng đế, quốc vương, nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tôn giáo trên toàn thế giới (les Empereurs et Rois, leurs Excellences les Chefs d'Etats, les Ministres de toutes les Religions du monde entier), tiền bối Lê Văn Trung (Thượng Trung Nhựt) đã gọi tôn giáo của mình là "Caodaïsme ou Bouddhisme rénové".

2. Tiếp dẫn Đạo nhơn của Cao Đài Tây Ninh là Gabriel Gobron (3), tên gọi thân mật là Gago, khi viết lịch sử đạo Cao Đài 1925-1937 đã đưa hai chữ "Bouddhisme rénové" lên bìa sách, ngay dưới nhan đề "Histoire du Caodaïsme" (Paris: Dervy, tháng 6-1948), và sau này cũng vậy với quyển "Histoire et philosophie du Caodaïsme" (Paris: Dervy, tháng 7-1949).
Vài năm sau sách được Phạm Xuân Thái dịch sang tiếng Anh, trên trang bìa xuất hiện mấy chữ "Reformed Buddhism" (4). Gần đây, Hiền tài Nguyễn Văn Hồng chuyển bản tiếng Pháp sang tiếng Việt, thay vì dịch là "Phật giáo chấn hưng" đã viết là "Phật giáo canh tân". Nói "chấn hưng" hay "canh tân", ý nghĩa chẳng khác nhau là mấy (5).
3. Theo tập "Lời thuyết đạo của đức Hộ pháp", tại Đền Thánh đêm 07-4 Kỷ Sửu (thứ Tư, 04-5-1949), tiền bối Phạm Hộ pháp đã nói: "Khi đức Chí tôn mở đạo Cao Đài tức nhiên Phật giáo chấn hưng đó vậy." (6)
Cuối thế kỷ 20, soạn tiểu sử bà Đầu sư Hương Thanh (thế danh Lâm Ngọc Thanh, 1874-1937), Hiền tài Nguyễn Văn Hồng cũng nhắc lại bốn chữ Phật giáo chấn hưng trong lời thuyết đạo nói trên của Phạm Hộ pháp.(7)
Có lẽ chịu ảnh hưởng câu nói ấy của Phạm Hộ pháp, Hiền tài Hồng viết trong tiểu sử này rằng: "Ðức Chí tôn giáng trần lập Ðại đạo Tam kỳ Phổ độ là để chấn hưng Phật giáo lại cho hoàn toàn…" (8)

C. Ngày nay, cần khẳng định rằng Cao Đài là Phật giáo chấn hưng chính là một nhận thức phiến diện, phát sinh do hoàn cảnh lịch sử cần có một biện pháp tình thế.
Ngày trước, lớp tiền bối khai Đạo từng có vị thận trọng nhắc nhở đời sau đừng ngộ nhận rằng Cao Đài là Phật giáo chấn hưng.
Trong "Lời dẫn" cho "Công đức đức Phật mẫu", Trần Văn Rạng viết: "Vào cuối tháng 11 năm 1970, sau khi gởi tặng đức Cao Thượng sanh quyển Đại đạo sử cương, tôi có đến yết kiến Ngài để xin lời chỉ giáo." Nhân đó, tiền bối Thượng sanh Cao Hoài Sang (1901-1971) lưu ý: "… hầu hết các sách viết trước, do hạn chế về lý luận và nguồn gốc Đạo mà họ theo trước khi gặp đạo Tam kỳ, nên họ chỉ viết cái mà họ biết được. Người gốc theo đạo Phật thì cho đạo Cao Đài là ‘Phật giáo chấn hưng’ …" (9)

Lời nói rất ý nghĩa của Cao Thượng sanh gợi cho thấy rằng "đạo Cao Đài là Phật giáo chấn hưng" là một nhận thức phiến diện.
Thực vậy, trong quá khứ, nếu có tiền bối nào nhắc tới mấy chữ này, phải hiểu rằng đấy chẳng qua chỉ là một biện pháp đối phó tình thế. Lịch sử đã sang trang, đã ngót 80 năm Đạo rồi mà ngày nay vẫn còn lập lại nhận thức phiến diện này thì phải chăng còn thiếu ý thức? phải chăng chưa hiểu thực tướng Cao Đài?
Tại sao đấy là một biện pháp đối phó tình thế? Một tiền bối của Cơ quan Phổ thông Giáo lý, một vị đã từng gần gũi nhiều tiền bối khai Đạo là đạo trưởng Huệ Lương Trần Văn Quế (1902-1980). Thuở sinh tiền đạo trưởng từng nói rằng sở dĩ lớp tiền bối phải quyền biến giải thích Cao Đài là Bouddhisme rénové để tránh sự nghi kỵ của chính quyền thuộc địa.
Trở lại với tiểu sử bà Đầu sư Hương Thanh, Hiền tài Hồng viết: "Bà Lâm Hương Thanh lãnh lịnh của Ngài Ðầu sư Thượng Trung Nhựt, lo việc giao thiệp với chánh quyền Pháp, xin mở cửa những thánh thất nào bị chánh quyền áp chế đóng cửa trước đây. Bà làm đơn cam kết đạo Cao Ðài là Phật giáo chấn hưng, thuần túy tu hành, không làm điều gì sai luật của chánh phủ." (10)
Tiếc rằng Hiền tài Hồng không cho biết việc làm đơn này xảy ra năm nào. Tuy nhiên, chi tiết này gợi cho thấy ngày xưa khi phải nói tới bốn chữ Phật giáo chấn hưng là các tiền bối muốn "lách" hay "né" những ràng buộc của thủ tục hành chánh giữa thời thuộc địa. Nói cách khác, chi tiết này cũng góp phần củng cố lời giải thích trên đây của đạo trưởng Huệ Lương.
Tóm lại, hãy trả Bouddhisme rénové, trả Phật giáo chấn hưng về cho dĩ vãng. Đừng tiếp tục gắn nó với hai chữ Cao Đài.

II. "3ème Amnistie de Dieu en Orient" là một nhận thức phiến diện do hoàn cảnh lịch sử.

Trong Tờ khai Đạo ngày 07-10-1926 gởi Quyền thống đốc Nam Kỳ Le Fol, các tiền bối có giải thích "Le nom ‘Đại đạo Tam kỳ Phổ độ’, qui signifie la troisième Amnistie générale…" (Danh xưng ‘Đại đạo Tam kỳ Phổ độ’ có nghĩa là đại ân xá kỳ Ba…)(11)
Ra đời sau Tờ khai Đạo tám ngày, ấn bản Phổ cáo chúng sanh Đại đạo Tam kỳ Phổ độ có chỗ viết (tr. 6): "Còn nay giáng thế bằng huyền diệu đặng chuyển Phật giáo, chuyển Phật pháp, chuyển Phật tăng, thì lại lập Đại đạo Tam kỳ Phổ độ (Troisième Amnistie générale) (Đại ân xá lần thứ Ba) thì Ngọc Hoàng Thượng đế tá danh Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát, giáo đạo Nam phương."
Dĩ nhiên giải thích Đại đạo Tam kỳ Phổ độ là Troisième Amnistie générale, là Đại ân xá lần thứ Ba thì chưa sát nghĩa, nhưng có lẽ dễ hiểu đối với nhà cai trị và quần chúng đương thời.
Từ lúc nào thì Troisième Amnistie générale (Đại ân xá lần thứ Ba) bị thu hẹp lại còn "3ème Amnistie de Dieu en Orient" (Đại ân xá lần thứ Ba của Thượng đế ở phương Đông)? Tạm thời chưa đủ tài liệu để xác định.
Tuy nhiên, hãy trở lại với hai văn thư làm tại Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh ngày 01-12-1931, một thư gởi đến các ông Chủ tịch Nghiệp đoàn báo chí toàn thế giới, và một thư khác gởi đến các vị hoàng đế, quốc vương, nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tôn giáo trên toàn thế giới. Cuối hai văn thư này tiền bối Lê Văn Trung (Thượng Trung Nhựt) đã hai lần ký tên với cương vị là "Chef de la Religion" của Đại đạo Tam kỳ Phổ độ’ mà ông dịch sang tiếng Pháp là "3ème Amnistie de Dieu en Orient".
"3ème Amnistie de Dieu en Orient" cũng tìm thấy trên con dấu tròn của Đầu sư Thượng Trung Nhựt chưởng quản Tòa thánh:
Trung tâm là chữ Thượng 上 ; vòng ở giữa là sáu chữ Đại đạo Tam kỳ Phổ độ 大 道 三 期 普 度 . Vòng thứ ba bao ngoài cùng là tiếng Pháp: "3ème Amnistie de Dieu en Orient".

Xuất phát từ sự kiện này, cho tới ngày nay vẫn còn thấy trên một số sách vở cách dịch sáu chữ Đại đạo Tam kỳ Phổ độ là 3ème Amnistie de Dieu en Orient. Rồi từ đó lại tiếp tục phát sinh ra cách dịch sang tiếng Anh là the Third Amnesty of God in the Orient.
Amnesty/amnistie có nghĩa là đại ân xá (a general pardon). Mặc dù đại ân xá kỳ Ba là một nội dung của đạo Cao Đài, nhưng chắc chắn không thể dịch Đại đạo Tam kỳ Phổ độ là Đại ân xá kỳ Ba của Thượng đế ở phương Đông.
Trên đây đã xác định Bouddhisme rénové chỉ là một biện pháp đối phó tình thế để lách một hoàn cảnh lịch sử, để lách một cơ chế hành chánh thuộc địa tại Nam Kỳ thì cũng y hệt như thế, phải nhận thức rằng 3ème Amnistie de Dieu en Orient nếu từng xuất hiện ở buổi đầu lịch sử khai Đạo thì chỉ vì hoàn cảnh bấy giờ buộc phải miễn cưỡng mà nói như thế.
Hãy trả lại cho quá khứ ấy mấy chữ 3ème Amnistie de Dieu en Orient. Ngày nay, muốn dịch lại cho đúng ý nghĩa sáu chữ Đại đạo Tam kỳ Phổ độ, tiên quyết phải xác định sáu chữ này thực sự nghĩa là gì.

III. "Đại đạo Tam kỳ Phổ độ" – một danh xưng cần giảng, dịch lại.

A. Danh xưng "Đại đạo Tam kỳ Phổ độ" gồm sáu từ Hán-Việt. Ngay khi xuất hiện năm 1926, danh xưng này đã gây ngộ nhận.
Kể từ năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn, 1832), Lục Tỉnh gồm có sáu tỉnh Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Hai năm sau (Giáp Ngọ, 1834), Lục Tỉnh được gọi chung là Nam Kỳ. Thời Pháp thuộc, thực dân giữ lại hai chữ Nam Kỳ, gọi là Cochinchine, phân biệt với Bắc Kỳ là Tonkin, Trung Kỳ là Annam. Vậy, nghe nói tới Tam kỳ người ta dễ liên hệ tới ba kỳ Nam, Trung, Bắc như trên.
Sự ngộ nhận này càng tăng thêm khi lớp tiền bối của Đại đạo Tam kỳ Phổ độ cho xuất bản Thánh ngôn hiệp tuyển (Bổn thứ nhứt. Đinh Mão niên. Dakao Sài Gòn: Imprimerie Tam thanh, 108-110 Place Maréchal Foch, 1928, 102 trang). Trang 42 của ấn phẩm có bài thánh ngôn ngày 15-9 Bính Dần (21-10-1926); đức Thượng đế Cao Đài (Thầy) dạy rằng:
Từ đây nòi giống chẳng chia ba,
Thầy hiệp các con lại một nhà.
Nam, Bắc cùng rồi ra ngoại quốc,
Chủ quyền Chơn đạo một mình Ta.

Ai đời thực dân đang áp dụng chính sách chia để trị thì Cao Đài lại nói ngay tới vấn đề "nhạy cảm" là thống nhất ba kỳ!
Tương truyền, vì nghi ngờ Cao Đài làm "quốc sự", chánh sở mật thám Nam Kỳ là Nadau (?) đã hỏi tiền bối Trương Hữu Đức (1890-1976) ý nghĩa hai chữ Tam kỳ trong danh xưng của Đạo. Bấy giờ, Trương tiền bối bèn trưng ra bản Phổ cáo chúng sanh Đại đạo Tam kỳ Phổ độ, trên bìa có chữ Hán và giải thích Tam kỳ 三 期 là kỳ thứ Ba hoàn toàn khác với tam kỳ 三 圻 là Nam, Trung, Bắc Kỳ.

B. Danh xưng "Đại đạo Tam kỳ Phổ độ" gồm sáu từ Hán-Việt. Không chú ý tới trật tự từ Hán-Việt, nhiều tín đồ Cao Đài thường giảng "Đại đạo Tam kỳ Phổ độ" là Đạo lớn mở ra vào thời kỳ thứ Ba để cứu vớt toàn thể chúng sanh.
Giống như tiếng Anh, một từ ghép Hán-Việt thường gồm hai thành phần theo trật tự sau:

từ bổ nghĩa ............> từ chánh
modifier .................> head word

Mũi tên ....>cho thấy chiều bổ túc ý nghĩa. Chẳng hạn:

tân 新 .....> thư 書
New ........> book

Trái lại, đối với một từ ghép thuần Việt, trật tự như sau:
từ chánh <................ từ bổ nghĩa
sách <.................... mới

Mũi tên cho thấy chiều bổ túc ý nghĩa.
Như thế, trật tự từ trong danh xưng Đại đạo Tam kỳ Phổ độ là:
Đại đạo ....> Tam kỳ ......> Phổ độ
từ bổ nghĩa 2 .........>từ bổ nghĩa 1 ........>từ chánh

Danh xưng này nghĩa là: Công cuộc Phổ độ lần thứ ba của Đại đạo

Công cuộc Phổ độ<.... lần thứ ba<...... của Đại đạo
từ chánh<.... từ bổ nghĩa 1 <..... từ bổ nghĩa 2

Từ ý nghĩa này, để thay thế "3ème Amnistie de Dieu en Orient", nên dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp ra sao?
Thông thường, sách vở quen dịch Đại đạo là the Great Way hay la Grande Voie. Ngày nay, căn cứ theo âm Bắc Kinh, rất nhiều sách ở Anh, Mỹ thay vì dịch Đạo là Tao, đã đổi Tao thành Dao, và vì thế Đại đạo đổi thành the Great Dao hay Dadao.
Với sự ra đời của đạo Cao Đài ở Việt Nam, tiếng Việt mặc nhiên đã mang vai trò thiêng liêng của chữ Nho đối với hai đạo Lão và Khổng; chữ Sanskrit hay Pali đối với đạo Phật, chữ Hebrew đối với đạo Do Thái, chữ Ả Rập đối với đạo Islam (đạo Hồi), v.v… Thế thì cứ "dịch" Đại đạo là Daidao; và dịch Đại đạo Tam kỳ Phổ độ là the Third Universalism (12) of Daidao hay le Troisième Universalisme du Daidao.

IV. Đạo Cao Đài là "giáo phái", là "phong trào yêu nước", là "tập hợp quần chúng yêu nước"… – những nhận thức phiến diện.

Có thời gian dài, đạo Cao Đài bị phê phán là đi ngược lại lợi ích dân tộc. Về sau, như một "điều chỉnh, sửa chữa", người đời lại nói đại loại rằng Cao Đài ra đời để làm phong trào quần chúng, tập hợp lực lượng gồm những người yêu nước chờ thời cơ đánh đuổi ngoại xâm, v.v…
Những nhận thức phiến diện này đã khiến cho trong thời gian sáu, bảy mươi năm, nhiều sách vở trong và ngoài nước thường không nhìn đúng thực chất Cao Đài là một tôn giáo (a religion as it is). Người ta gọi Cao Đài là một giáo phái (a sect or a religious sect) tức là một phong trào mang màu sắc chính trị (a political movement) hay một phong trào chính trị-xã hội (a socio-political movement), v.v…
Trong hoàn cảnh như thế các tiền bối khai Đạo rất dễ dàng bị đồng hóa với các lãnh tụ chính trị (political leaders). Vì những ngộ nhận đó mà mọi sinh hoạt tu học, hành đạo của tôn giáo Cao Đài sẽ bị đồng hóa với sinh hoạt của một hội đoàn (an association). Hệ quả không tránh khỏi là các thể chế cầm quyền sẽ "quản lý" tôn giáo Cao Đài theo kiểu quản lý các hội đoàn. Một bằng chứng lịch sử là Dụ số 10 của Bảo Đại (13), vì theo đúng nội dung của Dụ thì đạo Cao Đài đã không được coi là một tôn giáo!
Tại sao nói đạo Cao Đài ra đời làm phương tiện để tập hợp lực lượng quần chúng yêu nước là một nhận thức phiến diện?
Yêu nước, yêu dân tộc là một nội dung lớn nằm trong giáo lý Cao Đài. Nội dung này gắn liền với đạo hiếu. Ngay từ khi mở Đạo (1926), hằng ngày vào bốn thời cúng (tý, ngọ, mẹo, dậu), người tín đồ Cao Đài mặc nhiên đã tự nhắc nhở nhau hai chữ hiếu-trung khi đọc kinh tới bài xưng tán Nho giáo có hai câu rằng: Khai nhơn tâm tất bổn ư đốc thân chi hiếu; thọ quốc mạch tất tiên ư trí chúa chi trung (14).
Chính vì nội dung yêu nước thương nòi tràn chảy khắp cả giáo lý Cao Đài cho nên rất nhiều nhà ái quốc đã tìm đến đạo Cao Đài trong suốt chiều dài lịch sử lập giáo. Tuy nhiên không vì thực tế hiển nhiên này mà có cái nhìn phiến diện về yếu tố yêu nước trong tổng thể đạo Cao Đài. Phải đặt yếu tố yêu nước thương nòi trong tổng thể bài học thương yêu của Cao Đài.
Theo quan điểm Cao Đài, một giáo chủ là vị có sứ mạng thiêng liêng từ Thượng đế đến trần gian để cứu khổ ban vui cho chúng sinh. Khi từ cõi thiên thượng đi vào trần thế đương nhiên phải mượn xác phàm bằng cách sinh vào một đất nước trong một thời kỳ lịch sử nhất định, và do đó ngài buộc phải mang một quốc tịch, một căn cước. Nhưng không vì hạn chế của phương tiện xác phàm và hạn chế của hoàn cảnh địa lý, lịch sử mà đối tượng cứu độ của vị giáo chủ ấy bị hạn chế theo. Đối tượng của giáo chủ vẫn là chúng sinh (all living beings) trên cõi địa cầu chứ không riêng một dân tộc nào, một chủng tộc nào.
Người lãnh đạo một đất nước có thể vì nhiệt thành yêu đất nước mình, yêu dân tộc mình mà sẵn sàng tìm mọi cách để tăng trưởng quyền lợi cho đất nước và dân tộc mình. Do đó người ấy dễ dàng đi đến những chính sách có lợi cho nước mình, lợi cho dân mình nhưng cùng lúc lại làm tổn hại dân tộc khác, tàn phá đất nước khác. Lịch sử thế giới xưa nay đã không thiếu những bằng chứng cho điều ấy. Thế cho nên, làm sao tránh khỏi một vị anh hùng dân tộc của quốc gia X, được nhân dân nước X tôn sùng bao nhiêu thì cũng đồng thời là người bị nhân dân quốc gia Y, Z kết án bấy nhiêu.
Nhận thức cho đúng yếu tố yêu nước ở Cao Đài.
Lão Tử (Đạo đức kinh, chương 64) có một phương pháp luận rất hay:
Cây to một ôm sinh ra từ gốc nhỏ xíu.
Đài cao chín tầng phát khởi từ mô đất.
Cuộc viễn hành ngàn dặm bắt đầu từ dưới chân. 合 抱 之 木 、生 於 毫 末 。
九 層 之 臺 、起 於 累 土 。
千 里 之 行 、始 於 足 下 。
(Hợp bão chi mộc, sinh ư hào mạt.
Cửu tằng chi đài, khởi ư lũy thổ.
Thiên lý chi hành thủy ư túc hạ.)

Nói gọn lại là đi xa thì bước từ nơi gần, trèo cao thì leo từ chỗ thấp. Do đó, trước khi dạy cho con người tình yêu nhân loại bát ngát mênh mông (quá sức con người vốn dễ có lòng ích kỷ) thì Cao Đài phải "giới hạn chương trình" bằng cách nói đến tình yêu dân tộc yêu đồng bào, thương nước thương non.
Nhưng thương nước non, yêu đồng bào hãy còn "rộng" quá, Cao Đài lại phải tiếp tục "điều tiết" bằng cách dạy con người yêu nhà mình, thương gia đình mình (bởi lẽ con người vốn dễ vị kỷ). Đức Lê Đại tiên dạy:
Ơn dân chớ phụ ơn nguồn gốc,
Nghĩa nước đừng quên nghĩa tổ tiên. (15)

Phương pháp này cũng rất thực tế. Một kẻ đã không biết yêu thương chính cha mẹ đã sinh thành ra hắn thì ai dám tin rằng hắn có thể thành thực yêu thương được cái cộng đồng người vốn không hề dây mơ rễ má gì với hắn!
Sau khi đã dạy cái khởi điểm của tình yêu thương ở chỗ gần (gia đình, thân thích) thì Cao Đài mới tập cho con người phát triển, mở rộng tình thương ấy ra xa hơn và cao hơn là đất nước, là đồng bào dân tộc. Cuối cùng sẽ hướng con người đi từ ái quốc tiến tới viễn đích là ái vật, ái nhân, yêu thương chúng sinh vạn loại. Đức Phan Thanh Giản dạy:

Tình non đi với tình nhân loại,
Nghĩa nước chung nguồn nghĩa chúng sinh. (16)

Phương pháp luận của bài học thực hành tình yêu như nói trên phản ánh hai mối quan hệ:
- quan hệ vi mô (micro-relationships), lấy gia đình làm địa bàn, và ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng làm đối tượng.
- quan hệ vĩ mô (macro-relationships), lấy cộng đồng làm địa bàn và đồng loại làm đối tượng. Trong quan hệ vĩ mô này, địa bàn và đối tượng có ba bước phát triển:
a. láng giềng và xã hội chung quanh;
b. đất nước với đồng bào, dân tộc;
c. thế giới, thế gian với nhân loại, chúng sinh.

Hai mối quan hệ vi mô và vĩ mô nêu trên không đối chọi nhau. Có thể tìm thấy tư tưởng này ẩn tàng trong lời dạy của đức Giáo tông Đại đạo Thái Bạch Kim tinh: "… người tu hành còn có bổn phận vi nhơn: nếu rộng ra thì vũ trụ là nhà, nhơn loại là anh em, mà tình là non sông cây cỏ; thâu hẹp lại là gia đình, xã hội, dân tộc." (17)

Tóm lại, luôn luôn khẳng định rằng yếu tố yêu nước, yếu tố dân tộc bao giờ cũng rất phong phú, rất sống động trong dòng chảy Cao Đài, nhưng cũng đừng vì thế mà nỡ lấy cái "thúng" dân tộc giống nòi để toan úp chụp lên Đại đạo Tam kỳ Phổ độ.
Nhận thức được điều này tức khắc cũng sẽ thấy cần phải thận trọng mỗi khi muốn đem hai chữ Cao Đài gắn vào hai chữ "bản địa" hoặc "nội sinh".

V. Cao Đài là tôn giáo bản địa, tôn giáo nội sinh, tôn giáo dân tộc – một nhận thức làm giới hạn tầm kích của Đại đạo Tam kỳ Phổ độ

Thay vì du nhập từ bên ngoài biên cương lãnh thổ, đạo Cao Đài đã sinh ra và phát triển từ chính mảnh đất Việt Nam. Xuất xứ này khiến cho phần đông các nhà nghiên cứu thường có thói quen nhấn mạnh Cao Đài là "tôn giáo bản địa". Khoảng mười năm nay, loại bỏ từ bản địa, người ta mượn một thuật ngữ sinh học (biology) và gọi Cao Đài là "tôn gíáo nội sinh".
Bản thân ý nghĩa của hai thuật ngữ này không sai khi xét về nguồn gốc địa lý của nền tôn giáo.
Bản địa (indigenous) tức là bắt nguồn và phát triển hoặc tồn sinh trong một vùng hay một môi trường. (Originating and growing or living in an area or environment.)
Nội sinh (endogenous) tức là bắt nguồn hoặc được sinh ra trong phạm vi một cơ thể, một mô, hay một tế bào. (Originating or produced within an organism, a tissue, or a cell.)(18)
Ý nghĩa căn bản của thuật ngữ bản địa và nội sinh nêu trên cho thấy rằng, nếu chỉ nhấn mạnh yếu tố nội sinh hay bản địa của Cao Đài và dừng lại ở điểm này tức là đã vô tình tự đóng khung, tự bó buộc Cao Đài trong giới hạn cương vực lãnh thổ một quốc gia. Giáo lý Cao Đài sớm chỉ ra rằng chiều kích hay tầm vóc của Đại đạo Tam kỳ Phổ độ (tức là Cao Đài) trải khắp năm châu trong thất ức niên (khoảng 700.000 năm). Như vậy, chỉ nên xem Việt Nam là cái nôi (cradle) của đạo Cao Đài. Một đứa trẻ lành mạnh nào rồi cũng đến ngày phải rời khỏi chiếc nôi xinh đẹp, êm ái nhất của nó để bước ra ngoài thế giới bao la.
Vì thế, riêng đối với những người Cao Đài đang nghiên cứu tôn giáo của mình, họ đang có một thách đố song trùng (double): đó là vừa nỗ lực làm sáng giá trị dân tộc của tôn giáo Cao Đài, vừa phải kịp thời khai phóng chính mình để ý thức hệ của người Cao Đài siêu vượt lên cho đúng với tầm kích Đại đạo.
Hai câu thơ của Quảng Đức Chơn tiên vì thế cũng trở thành kim chỉ nam cho những ai đang trên đường nhận thức đạo Cao Đài:

Cao Đài là cái đài cao,
Vượt lên tất cả đón rào ngăn che. (19)


(LAD,Phú Nhuận, 16-8-2004)
______________

(1)Thanh Mai dịch (Lê Anh Dũng, Lịch sử đạo Cao Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920-1926. Huế: Nxb Thuận Hóa, 1996, tr. 167, 170.)
(2) www.caodaifrance.net/Trangdaidao/Html/ Danh nhan_daidao/Texte/Tieusu_Levantrung_02.htm.
(3) Gabriel Gobron sinh tại Bayonville (Pháp) ngày 05-7-1895, từ trần ngày 08-7-1941 tại Rethel (Pháp).
(4) History and philosophy of Caodaism. Sài Gòn: Tứ Hải, tháng 9-1950.
(5) www.personal.usyd.edu.au/~cdao/booksv/lsdcd /nvhlsdcd1.htm.
(6)Lời thuyết đạo của đức Hộ pháp: năm Kỷ Sửu - Canh Dần (1949-1950). In lần thứ nhất, năm Giáp Dần (1974). [www.caodaism.org/6003/14-tdhp3.htm.]
(7)Nguyễn Văn Hồng, Danh nhân Đại đạo. Không năm xuất bản, tr. 82. [www.caodaifrance.net/ Trangdaidao/Html/Danhnhan_daidao/Texte/ Tieusu_Lamhuongthanh.htm.]
(8) Nguyễn Văn Hồng, Danh nhân Đại đạo, tr. 78.
(9) www.personal.usyd.edu.au/~cdao/booksv/tvr cddpmcenter.htm.
(10) Nguyễn Văn Hồng, Danh nhân Đại đạo, tr. 79.
(11)Thanh Mai dịch (Lê Anh Dũng, Lịch sử đạo Cao Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920-1926, tr. 167, 170.)
(12)Trong tiếng Anh, universalism có nghĩa tương đương với phổ độ. The American heritage dictionary (Houghton Mifflin Co., 3rd edition, 1994, CD-rom) giảng: "Universalism. Theology. The doctrine of universal salvation."
(13)Dụ số 10 gồm 5 chương, 45 điều, do Quốc trưởng Bảo Đại ký tại Vichy. Dụ này được hướng dẫn ở Thông tư số 34-PTT/CP ngày 20-9-1950 của Phủ Thủ tướng, lại được hướng dẫn ở Thông tư số 1036PC ngày 07-11-1950 của Thủ hiến Trung Việt gởi các tỉnh trưởng và thị trưởng ở Trung Việt. Xem Công báo Việt Nam xuất bản ngày thứ Bảy, năm thứ 3, số 33, ngày 19-8-1950, tr. 434-437; hoặc hồ sơ J.337 và J.678 lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2, quận 1, TpHCM.
(14) Đại ý hai câu kinh như sau: Giáo dục đạo đức cho con người đặt trên căn bản là hết lòng hiếu kính cha mẹ; làm con dân một nước đã thọ ơn đất nước và ơn đồng bào thì trước tiên phải hết lòng trung thành với tổ quốc. (Lê Anh Dũng. Tìm hiểu kinh cúng tứ thời. Huế: Nxb Thuận Hóa, 1995, tr. 105-107.)
(15)Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 10-5 Giáp Dần, 29-6-1974.
(16) Trúc Lâm thiền điện, 08-4 Tân Hợi, 02-5-1971.
(17) Cơ quan Phổ thông Giáo lý Cao Đài giáo Việt Nam, 15-01 Đinh Tỵ.
(18) The American heritage dictionary (Houghton Mifflin Co., 3rd edition, 1994, CD-rom.
(19) Minh Lý Thánh hội, 07-6 Tân Dậu.
Lê Anh Dũng

Cảnh khổ mà lòng vẫn phải vui,
Có vui mới thấy đạo say mùi,
Say mùi đạo hãy xa phàm tục,
Cho lặng lòng trần đắc vị ngôi.

Đức Chí Tôn, Thiên Lý Đàn, 30-10 Mậu Thân, 19-12-1968

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây