Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Mỗi mùa tu vào ngày nhập khoá, chúng ta đều có dâng sớ trình danh sách tịnh viên nam nữ ...
-
Thực hiện đồng nhân chính là xây dựng thế nhân hòa trên nền tảng chân vạc: "nhân bản, an lạc ...
-
Dìu dắt cùng nhau buổi thế tàn, Đừng quên sứ mạng đến phàm gian, Tình thương vô cực trên dành sẵn, Dưới ...
-
1. Hiểu được tầm quan trọng của công phu thì cấp nào cũng siêng cúng, siêng tịnh nhờ đó ...
-
清 靜經 Thanh Tĩnh Kinh ● Lê Anh Minh dịch & chú thích Kinh này có tên gọi đầy đủ là «Thái ...
-
Hôm nay 18-7 (nhằm ngày 24 tháng 6 âm lịch) , BTC Năm Du lịch Quốc gia Quảng Nam tại ...
-
Từ Hà Nội xuôi về phía Nam 90 km là tỉnh Ninh Bình, nơi hội tụ nhiều di tích văn ...
-
Hội Ngộ Liên Tôn chúa nhật 27/10/2013,với chủ đề “Hiệp Tâm vun đắp An Hoà”; tại Trung Tâm Mục Vụ ...
-
Trong bài DI LẠC CHƠN KINH mà người tín đồ Cao Đài thường tụng đọc vào các ngày rằm lớn, ...
-
Từ thuở hoang sơ của địa cầu, loài người đã trải qua nhiều nỗi hãi hùng do biến động của ...
-
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Cao Đài giáo-cơ phổ độ đã hiện diện trên Nam bang Thánh địa ...
-
Mục tiêu tu luyện của Đạo giáo là trường sinh bất tử, là thành tiên 仙 hay chân nhân 真人, ...
Thu Lan sưu tầm
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 01/07/2010
BẢY DANH NHÂN ĐỜI NHÀ LÝ
Trong suốt chiều dài lịch sử, trải qua các triều đại Đinh Lê Lý Trần .v.v… có thể nói triều đại nhà Lý đã để lại những dấu ấn lịch sử sâu đậm, mở ra một thời kỳ vẻ vang cho dân tộc Việt, là một bước tiến mới rất quan trọng của tiến trình dựng nước và giữ nước, với những quyết định đúng đắn của các vị minh quân, cũng như những sự giúp đỡ đắc lực của những vị trung thần trung quân ái quốc và xứng đáng với mỹ từ “Việt Nam văn hiến ngàn năm”.
Dưới thời nhà Lý, nhiều bậc danh nhân lỗi lạc, từ những vị minh quân, đến những bậc trung thần, thậm chí cả những người phụ nữ đã phản ánh tinh thần của dân tộc, khát vọng và ý chí của nhân dân, những triết lý Phật giáo sâu sắc, để lại những dấu son sáng ngời có giá trị tinh thần to lớn. Dưới Vương triều nhà Lý trải qua 8 đời vua có 7 vị danh nhân ngày nay được dân tộc ca ngợi mà người có công đầu mở ra một thời kỳ lịch sử vẻ vang đó là vị minh quân Lý Thái Tổ.
1. Lý Thái Tổ (1010-1028) tên thật là Lý Công Uẩn, người làng Cổ Pháp, nay thuộc về huyện Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tục truyền Công Uẩn không có cha mẹ, mẹ là Phạm Thị đi chơi chùa Tiêu Sơn (làng Tiêu Sơn, phủ Từ Sơn), nằm mộng thấy đi lại với thần nhân rồi về có thai sinh ra đứa con trai, lên 3 tuổi đem cho người sư ở chùa Cổ Pháp tên là Lý Khánh Vân làm con nuôi, đặt tên là Lý Công Uẩn. Sau khi triều Tiền Lê suy thoái, Lý Công Uẩn được thiền sư Vạn Hạnh, cùng quan đại thần là Đào Cam Mộc đưa lên làm vua, lấy hiệu là Lý Thái Tổ, lập nên nhà Lý. Đây là vị vua hiền từ, hết lòng lo cho dân, ở ngôi được 19 năm. Là người đầu tiên có công lớn trong việc dời đô ra Thăng Long (1010) (nay là Hà Nội). Việc dời đô ra Thăng Long của nhà vua đã chứng tỏ một tầm nhìn chiến lược sâu rộng trong việc xây dựng một sự nghiệp lâu dài, phản ánh thế đi lên của vương triều và đất nước với biểu tượng rồng bay. Ngoài ra đích thân nhà vua tổ chức xây dựng kinh thành, cung điện, lập phố xá. Vua rất trọng đãi những người đi tu, xuất vàng bạc của triều đình dựng nên nhiều chùa tháp, đền miếu; nhà vua từng sai quan là Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang Tàu lấy Kinh Tam Tạng đem về để vào kho Đại Hưng. Nhà vua hết lòng chăm lo phát triển văn hóa dân tộc, kiện toàn bộ máy nhà nước, đặt nền móng cho một triều đại tồn tại vẻ vang trên 200 năm.
2. Lý Thái Tông (1028 – 1054): Thái tử Phật Mã lên ngôi lấy niên hiệu là Thiên Thành. Vua là một người có thiên tư đỉnh ngộ, thông lục nghệ, tinh thao lược, và là người rất tinh thông Phật học, là một vị vua nhân từ, hết lòng thương dân. Hễ năm nào đói kém hay là đi đánh giặc về thì lại giảm thuế cho dân hàng hai ba năm. Ngay đối với kẻ làm nội loạn, nhà vua cũng dùng chữ nhân để đối xử như trường hợp Nùng Trí Cao, sau khi nổi lên cát cứ, bị bắt, vua không những tha tội làm loạn mà còn phong tước cho nữa. Vua luôn tăng cường tổ chức quân đội, quan tâm củng cố nhà nước pháp quyền nên ban hành bộ Hình thư, bộ luật thành văn đầu tiên của thời đại quân chủ. Nhà vua trị vì 27 năm thì mất.
3. Lý Thánh Tông (1054 - 1072) : Thái Tử Nhật Tôn lên ngôi năm 1054, đổi tên nước Đại Cồ Việt thành Đại Việt. Ông cũng là một vị vua nổi tiếng nhân từ, yêu dân như yêu con. Có một năm trời rét lắm, nhà vua bảo những quan hầu rằng : “ Trẫm ở trong cung ăn mặc thế này còn rét, nghĩ những tù phạm giam trong ngục, phải trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc, vả lại có người xét hỏi chưa xong, gian ngay chưa rõ, nhỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm”. Nói xong, vua truyền lấy chăn chiếu cho tù nằm và mỗi ngày cho hai bữa ăn. Lại có một hôm khi vua ngự ở điện Thiên Khánh xét án, có Động Thiên Công Chúa đứng hầu bên cạnh. Thánh Tông chỉ vào công chúa mà bảo các quan rằng : “Lòng trẫm yêu dân cũng như yêu con trẫm vậy, hiềm vì trăm họ ngu dại, làm càn phải tội, trẫm lấy làm thương lắm. Từ rày về sau tội gì cũng làm nhẹ bớt đi”. Thật là tấm lòng của một vị minh quân hết lòng thương yêu dân chúng. Vì thế dưới triều này trong nước ít có nội loạn, cuộc sống thanh bình. Ngài còn là người có công khai hóa văn học, lập Văn Miếu, làm tượng Chu Công, Khổng Tử và thất thập nhị hiền để thờ. Nước ta có Văn Miếu thờ Khổng Tử và chư hiền khởi đầu từ đấy. Vua còn chú trọng xây cất chùa Tháp, nổi tiếng là tháp Bảo Thiên, khuyến khích nông nghiệp, có công mở rộng bờ cõi.
4. Lý Nhân Tông (1072 -1127) : Vua Thánh Tông mất vào năm 1072, thái tử Càn Đức, là con của Vua Lý Thánh Tông cùng bà Ỷ Lan, mới 7 tuổi lên làm vua, lấy hiệu là Lý Nhân Tông, có Quan Thái sư là Lý Đạo Thành làm phụ chính. Nhà vua trị vì 52 năm, lập được nhiều công trạng. Đây là một vị vua sống cần kiệm, chăm lo việc sửa sang trong nước, ham chuộng văn hóa, tổ chức khoa cử. Năm Ất Mão 1075 nhà vua cho mở khoa thi tam trường để tuyển chọn người văn học vào làm quan. Đây là kỳ thi đầu tiên ở nước ta, chọn được 10 người. Ngoài ra, nhà vua còn sáng lập trường đại học để tuyển mộ, đào tạo nhân tài. Vào năm Bính Thìn (1076) nhà vua cho lập Quốc Tử Giám để bổ những người văn học vào dạy (đây được xem như là trường Đại Học đầu tiên của nước ta). Đến năm 1086 nhà vua cho mở khoa thi chọn người văn học vào Hàn Lâm Viện. Vua vừa là một nhà thơ đề cao cả Phật giáo lẫn Lão giáo, mà còn là một nhạc sĩ, tiếp thu tinh hoa âm nhạc Champa để làm phong phú thêm âm nhạc Việt.
5. Lý Thường Kiệt (1019-1105) : là một danh tướng nổi tiếng nhất dưới triều nhà Lý. Ông là một người ham học, tinh thông võ nghệ được Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông tin dùng. Từ năm 1069-1076 đánh tan quân Champa và quân Tống, góp phần lớn vào sự nghiệp bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ Đại Việt. Ông là người lãnh đạo quân sự rât tài giỏi, nổi tiếng với bài thơ bất hữu “Nam quốc san hà” để cổ vũ quân sĩ, thôi thúc lòng quân hăng hái đánh giặc.
Ngày nay, tại Thanh Hóa và Hà Nam có đền thờ Lý Thường Kiệt. Đặc biệt ở Hà Nam, vùng Thi Sơn, Kim Bảng nhân dân còn lưu hành điệu hát dậm và múa dậm ở Quảng Sơn, là những điệu dân ca, dân vũ nổi tiếng được biểu diễn hằng năm tại Hội Đền Quyến Sơn để vinh danh ông.
Ngoài các bậc nam nhân được tôn vinh trên, còn có hai phụ nữ cũng không kém tài xuất chúng được lưu danh, đó là :
6. Lý Ngọc Kiều (1041-1113) : pháp hiệu là Diệu Nhân, là cháu nội của Lý Thái Tông. Theo Thiền Uyển Tập Anh, trước khi xuất gia, Ngọc Kiều đã có nhiều trăn trở, công chúa từng than : “ Ta xem thế gian, hết thảy các pháp cũng như mộng huyễn, huống gì bọn sang quý tạm bợ lại có thể nương dựa được sao?”. Nàng vốn là một công chúa được nuôi dưỡng trong cung, sống cuộc đời vương giả được yêu chiều, nên khi trở thành “phu nhân” của một thủ lĩnh ở núi rừng xa lạ, công chúa đã phải trải qua mọi nổi sinh ly tử biệt, thấu hiểu những khổ đau mà chúng sinh phải gánh chịu trong cuộc đời. Chính vì sự trải nghiệm ấy, nên vào năm 21 tuổi, khi chồng mất, công chúa đã có một thái độ dứt khoát : “Đem cho hết các đồ trang sức, xuất gia, đến thụ giới với Thiền sư Chân Không tại hương Phù Đổng, học hỏi tâm yếu”. Nhờ tinh thông Phật học, bà trở thành vị nữ thiền sư nổi tiếng điều khiển Ni viện Hương Hải. Là một bậc thầy nhiệt thành đem tâm yếu Đại thừa chỉ dẫn cho những ai muốn cầu học, Sư bà thường giảng giải cho các đệ tử rằng : “Chỉ trở về nguồn tự tính thì dù phương pháp “đốn” hay “tiệm” đều có thể tùy đó mà nhập. Hãy luôn tĩnh lặng trong sạch, tránh xa thanh sắc, ngôn ngữ”. Diệu Nhân coi Kinh Kim cương là bộ kinh chủ yếu dẫn dắt quá trình tu tập của mình. Khi có người hỏi một câu trong Kinh Duy Ma Cật “ Tất cả chúng sinh bệnh nên ta cũng bệnh, vậy sao gọi là khi nào cũng tránh xa thanh sắc?”, Sư bà đã giảng giải rằng nếu lấy sắc và thanh mà cầu Phật thì là theo “tà đạo”, bởi vì “Đạo vốn không lời”, người tu hành “Xưa nay không đi” phải ngồi tĩnh lặng suy tư.
Diệu Nhân là một thiền gia uy tín đương thời, trước khi về cõi vĩnh hằng bà đã để lại một chỉ dẫn về cách tu tập và cũng có thể xem là tuyên ngôn của bà về quan niệm sống chết, về quy luật tự nhiên của cuộc sống con người . Sư bà cũng quan niệm : Thiền vốn là vô ngôn ! Điều chính yếu là mọi người phải phá bỏ mọi “chấp trước”, như thế sẽ đạt tới giác ngộ. Diệu Nhân đã góp vào một cái nhìn sáng suốt, một thái độ ung dung tự tại góp phần làm nên tinh thần lạc quan, trí tuệ và cứng cáp của văn học thiền thời Lý, một trong những đặc sắc riêng của thơ thiền thời Lý Trần mà văn học thiền qua các giai đoạn sau không thể đạt đến được. Sau này, bà trở thành người đứng đầu thế hệ thứ 17 của dòng Thiền phương Nam.
7. Ỷ Lan ( ? 1117) : quê ở hương Thổ Lỗi, lộ Bắc Giang. Xuất thân từ một cô gái hái dâu chăn tằm, nhờ thông minh, tài sắc, nết na được Lý Thánh Tông đón về cung lập làm nguyên phi, về sau là mẹ của Vua Lý Nhân Tông, được tôn là Thái hậu Linh Nhân. Năm 1069, khi vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh giặc ngoại xâm, Bà ở nhà góp phần cai quản việc nước, chăm lo quốc sự, thu phục nhân tâm, trị nước có kỷ cương khiến thần dân thán phục, nước nhà được yên vui, tạo điều kiện cho vua Lý Thánh Tông đánh thắng Champa.
Bà vốn xuất thân là một thôn nữ, nên rất thông cảm và thấu hiểu nổi đau của người phụ nữ nông dân vì nghèo khổ phải đem thân gán nợ cho nhà giàu, nên cho xuất của trong kho chuộc về, và xây dựng chồng con hạnh phúc cho họ. Ngô Sĩ Liên đã có lời bàn : “Con gái nghèo đến nỗi phải đợ mình làm mướn, con trai nghèo đến nỗi không vợ đó là cùng dân của thiên hạ. Thái hậu (tức Ỷ Lan) đổi mệnh cho họ cũng là việc nhân chính vậy”. Bà không những sửa sang việc quốc chính, tăng cường quân đội, bố phòng, chăm lo việc mở mang dân trí, việc thi cử học hành và còn ban hành nhiều điều ích quốc lợi dân. Bà còn khuyên vua làm điều thiện, trị điều ác, quan tâm hiểu thấu những việc gian nan của người nông dân. Tuy sống trong lầu son gác tía, nhưng bà thường chăm sóc đến đời sống cùng cực của nông dân lao động, phát chẩn thóc lúa cho người nghèo. Bà là người sùng đạo Phật, ưa làm việc từ thiện, lập nhiều đình chùa, thường lui tới các đình chùa, trao đổi với các tăng ni thuyết giáo đạo Phật. Bà cũng có làm những bài kinh, câu kệ còn truyền lại đến ngày nay. Vì là một nữ nông dân nghèo, được hưởng phú quý vinh hoa, nên bà vẫn cho là điều “sắc sắc, không không” là phù vân … Sau này, mặc dù trở thành một phụ nữ vương giả, với cuộc sống vàng son, nhưng không làm vẫn đục tâm hồn bà, thật là một phụ nữ hiếm có trong lịch sử nghìn năm trước. Bà mất vào ngày 25 tháng 7 năm Đinh Dậu, Hội tường đại khánh năm thứ 8 (1117) đời Lý Nhân Tông. Khi bà mất, được phong thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng thái hậu, mai táng ở Thọ Lăng, phủ Thiên Đức. Hiện nay còn miếu thờ bà ở hai xã Cẩm Đới và Cẩm Cầu huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
Tóm lại : Các danh nhân đời Lý vốn thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, luôn lấy Đạo, lấy tình thương trong việc trị nước an dân, phát huy truyền thống ngàn đời với ý thức xây dựng ý chí và niềm tin dân tộc bằng đạo lý nhân nghĩa; lấy sự anh minh, thanh bạch, trung chính, yên dân như những giá trị chung để tạo nên bộ mặt của thời đại. Mỗi ngôi nhà của người Việt đều có một bàn thờ tổ tiên để tưởng nhớ đến nguồn cội, để tìm về Nhân bản.
Tìm về nhân bản chính là sứ mạng vi nhân mà người tín đồ Cao Đài nói riêng, toàn thể dân tộc Việt nói chung phải thực hiện để trở về với Đạo, với tình thương, như lời Đức Đông Phương Lão Tổ đã dạy tại Trúc Lâm Thiền Điện, Tuất thời 17.7.Tân Hợi (06.9.1971) :
Sông kia nước vẫn nhớ về nguồn,
Tâm đạo con người chẳng dễ buông,
Cội rễ bao giờ xa vẫn đoái ,
Công trình xây dựng bởi tình thương.