Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
10/04/2008
Ban Biên Tập

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 15/02/2011

Giá trị nhân văn của các đạo giáo

Ngày nay trên thế giới, hầu hết các nhà khoa học của các ngành Khoa Học Nhân Văn như Lịch sử học, Khảo cổ học, Tôn giáo học, Xã hội học, Nhân chủng học, Tâm lý học, Triết học . . . đều phát hiện và xác nhận giá trị nhân văn của các đạo giáo xuất hiện trên địa cầu.

Chính tính nhân văn của các đạo giáo, trước nhất làm cho người theo đạo từ bỏ mặc cảm là kẻ thấp hèn, không còn lệ thuộc vào tha lực. Kế đến, giá trị nhân văn ấy cũng sẽ xóa tan thành kiến cho rằng đạo giáo đều là huyền hoặc, là ảo tưởng.

Nhân ngày khánh đản của Đức Thái Thượng Đạo Tổ, chúng tôi xin trích đọc một đọan huấn từ của Ngài vào một mùa xuân, liên quan đến đề tài hôm nay:

" Đã học đạo, hành đạo, tất biết đạo hằng có trong vạn vật. Vạn vật sinh tồn trong lý đạo. Những phương pháp, phương châm, bí quyết để con người được biết rõ chính mình và biết sống trong lý đạo để bảo trì nhân bản trên xã hội nhân loại này đều tóm vào một ý nghĩa của mùa xuân, bởi xuân là mùa lập lại qua cuộc sanh trưởng thâu tàng, biết hòa dịu để lưu hành trưởng dưỡng. [. . .]
"Nếu toàn thể những người được đứng trong khuôn viên tôn giáo đạo đức, đều đồng lòng hòa hợp lại trong tinh thần vô cố, vô chấp, vô ngã, vô công, vô danh thì có lo chi không giải được sự cộng nghiệp của chúng sanh, đem lại thanh bình an lạc chung cho thế giới nhân loại"

I.  ĐỊNH NGHĨA NHÂN VĂN

Nhân văn : Nhân là con người; Văn : 文 văn vẻ; văn từ; cái dấu vết do đạo đức lễ nhạc giáo hóa mà có vẻ đẹp đẽ rõ rệt gọi là "văn", như văn minh, văn hóa . . .(Hanosoft Dictionary )

Tính nhân văn: phẩm chất tốt đẹp, đạo đức, sáng tạo của con người.

Tính nhân văn được thể hiện trong những lãnh vực như lịch sử, văn hóa, triết học, tâm lý học . . .

Chủ thuyết nhân văn: bao gồm tất cả những cố gắng, tư tưởng và trào lưu lấy con người tiến lên tự do làm trung tâm, _xuất phát từ sự tôn trọng giá trị con người, tin vào sức sáng tạo vô biên của con người, yêu con người và cuộc sống trần gian. Chủ trương phát triển mọi khả năng con người và xã hội.[1]

Khoa học nhân văn: Theo tác giả Đỗ Duy Minh [2]Khoa học nhân văn là những bộ môn nghiên cứu hàn lâm có liên quan trực tiếp và thiết thân đến việc tự phản tỉnh về bản thân (self reflexivity).

Theo Kourganoff [3], Khoa học nhân văn gồm những môn nghiên cứu về thái độ, cử chỉ của con người khi sống với cá nhân mình và xã hội.

Theo các học giả Trung Quốc, từ ngữ "humanities" hay "nhân văn" 人文,  được đề cập sớm nhất trong Kinh Dịch, trong đó chữ "nhân văn" được đứng kế chữ "thiên văn" 天文, (những nguyên lý trong trời đất) hay thiên nhiên; thánh nhân khảo sát "những nguyên lý của trời đất" và do đó thấy được sự biến dịch trong thời gian; khảo sát "nhân văn" (principles of heaven) hay " những nguyên lý nơi con người" (human principles)  và từ đó học cách chế ngự thế gian bằng văn hóa.

II.  GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CỦA CÁC ĐẠO GIÁO

Nếu quy chiếu những định nghĩa vừa kể vào thánh ngôn của Đức Thái Thượng Đạo Tổ trên đây, chúng ta sẽ nhận thức rõ ràng rằng các đạo không đòi hỏi người giữ đạo những gì khác hơn là những tiêu chuẩn của nhân văn như:

_tự biết mình,

_bảo trì nhân bản của nhân lọai

_và phục vụ cho hạnh phúc chung cho nhân lọai.

Như thế, có thể nói một câu rốt ráo rằng các mối đạo chân chính đều nhắm mục đích thiết thân của con người là quay về với chính mình, với chính phẩm chất nhân tính của xã hội loài người.

A-  ĐẠO LÃO

Trước hết, xin giới thiệu tính nhân văn của Đạo Lão qua Đạo Đức Kinh (ĐĐK) của Đức Lão Tử.

Đạo Đức Kinh là một học thuyết triết học mà các học giả kim cổ Đông Tây đều rất bái phục về vũ trụ luận và đạo đức luận. Đặc điểm của học thuyết là không đề cập các giáo điều hay tín ngưỡng, mà chủ yếu dạy cho con người lối sống tự chủ phù hợp với qui luật vũ trụ. Tính tích cực của Đạo Đức Kinh là ứng dụng các nguyên lý vận hành của Đạo (vũ trụ) để phát huy thành Đức, tức là thực hành các nguyên tắc trị thân (cá nhân con người) và trị thế (xã hội nhân lọai).


Trước hết, ĐĐK khẳng định Con người là một chủ thể lớn trong trời đất, trong đó mối tương quan giữa người với trời đất là cái Đạo Tự Nhiên: "Cố đạo đại, thiên đại, địa đại, nhân diệc đại. Vực trung hữu tứ đại, nhi nhân cư kỳ nhất yên. Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên." (ĐĐK.Ch.25) ( Cho nên đạo lớn, trời lớn, đất lớn, người cũng lớn. Trong vũ trụ có bốn cái lớn mà người là một. Người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước đạo, đạo bắt chước tự nhiên. – Nguyễn Hiến Lê [NHL] dịch)

Lão Tử chú trọng cách xử thế vô tư , hòa hợp, bao dung với mọi người: " Thánh nhân vô thường tâm, dĩ bách tính tâm vi tâm. Thiện giả ngô thiện chi, bất thiện giả ngô diệc thiện chi, đức thiện. Tín giả ngô tín chi, bất tín giả ngô diệc tín chi, đức tín." (ĐĐK.Ch.49) (Thánh nhân không có thành kiến, lấy lòng  thiên hạ làm lòng mình. Thánh nhân tốt với người tốt, tốt cả với người không tốt, nhờ vậy mà mọi người đều hóa ra tốt; tin người đáng tin mà tin cả những người không đáng tin, nhờ vậy mà mọi người đều hóa ra đáng tin._NHL.dịch)


B-   ĐẠO PHẬT

Đạo Phật thường nhắc đến tuyên ngôn bất hủ của Đức Thế Tôn Thích Ca: "Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn". Nếu hiểu đó là câu nói tự tôn của Ngài thì thật là sai lầm. Cái "ngã" ở đây chính là "con người lớn" mà Đức Lão Tử đã đề cập. Đó là con người đang mang cái Đạo nội tại, là bất cứ ai làm người đều là một chủ thể đáng được đề cao, suy tôn; là đối tượng cần phải chú trọng phát huy bản thể tức là khả năng tự tiến hóa và tác động vào cuộc tiến hóa của mọi người. Nói cách khác, "cái ngã độc tôn" là đầu mối duy nhất để phăng ra chân lý tự do tự chủ của con người trong trời đất.

Chỉ với một câu nói đó cũng đủ xác định giá trị nhân văn của Phật đạo.

C-  ĐẠO KHỔNG

Tính nhân văn rõ nét hơn cả đạo Lão và đạo Phật, đạo Khổng khiến chúng ta có cảm nhận rất gần gũi với con người trong đời sống thực tiễn. Rốt ráo nhất là lý luận về đức Nhân trong sách Luận Ngữ.

Luận Ngữ IV:02: " Nhân giả an nhân, trí giả lợi nhân" ( Người có đức nhân vui lòng làm điều nhân, người thông minh sáng suốt biết rằng đức nhân có lợi cho mình và cho người nên làm điều nhân.- NHL dịch)

Luận Ngữ X:08 "Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân." (Người sĩ có chí và người có đức nhân không cầu sống mà làm hại điều nhân, mà có khi hi sinh tính mạng để làm điều nhân.- NHL dich)

Nghiên cứu học thuyết nhân văn Nho giáo cổ điển, giáo sư Đỗ Duy Minh đại học Haward viết:

". . .Khổng Tử tìm thấy Đạo trong các tiềm năng nội tại của con người được định nghĩa từ góc độ vũ trụ nhân sinh luận. . . .Sự  tập trung vào tính chất quan trong hàng đầu và tính đa diện phong phú của khái niệm NHÂN  仁  trong Luận Ngữ là một biến cố vĩ đại trong vũ trụ biểu tượng của tư duy Trung Quốc thời cổ [ . . .].Niềm tin của Khổng Tử vào khả năng hoàn thiện (perfectibility) trong bản tính nhân lọai thông qua sự tự nổ lực, như một câu trả lời cho những khuynh hướng phi nhân trong thời đại lịch sử đang bủa vây ông. Niềm tin đó hướng dẫn toàn bộ năng lực của ông vào việc chuyển hóa thế giới nhân lọai từ bên trong. Thái độ tập trung này đạt căn bản trên niềm xác tín rằng giá trị tối hậu của tồn tại nhân sinh nằm kề sát bên cạnh con người và ước muốn đạt đến nhân tính sẽ dẫn đến sức mạnh cần thiết cho việc hiện thực hóa.[4]"

D-  ĐẠO THIÊN CHÚA

Mặc dầu khác hơn Nho Thích Lão (mà giáo thuyết được đánh giá là những học thuyết triết học hơn là tôn giáo độc thần hay đa thần), đạo Thiên Chúa vẫn có tính nhân văn rất sâu sắc: đề cao con người vì con người và Chúa là một, con người là phản ảnh của Thiên Chúa.

Thánh Paul đã viết: «Anh em chẳng biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Linh, đấng ngự trong anh em sao?» [5] Thánh Augustine viết trong tập Tự Thú: «Con đã tìm Chúa ở ngoài con, nên đã không gặp Chúa của lòng con.»[6]

Xin kể câu chuyện thiền thú vị liên quan đến đạo Thiên Chúa :

Thiền sinh hỏi: Thưa thầy, thầy có từng đọc Kinh Thánh ?

Thiền sư đáp: Chưa, con đọc cho ta nghe với.

Thiền sinh mở cuốn Tân Ứơc theo thánh Mat-thêu ra và đọc:

_ Còn về áo mặc cũng thế, các ngươi lo lắng làm chi? Cứ xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên như thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng không kéo sợi; thế mà ta bảo cho các ngươi biết: ngay cả vua Sa-lo-mon, dù vinh hoa tột bực, cũng không đẹp bằng một bông hoa ấy . . .

Thiền sư nói:

_Dù người nói ra lời ấy là ai đi nữa, ta xem đó là đấng đã giác ngộ.

Đạo lý của câu chuyện là lời khuyên hãy sống theo đạo tự nhiên mà chính Đức Lão Tử cũng đã nêu lên trong Đạo Đức Kinh.

E-  ĐẠO CAO ĐÀI

Trong khuôn khổ bài nói chuyện hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với quí vị một cảm quan hết sức thiết thân về tính nhân văn của đạo Cao Đài, trong sinh họat đạo bình thường.

Nguyên là mỗi lần tôi được phân công lên lớp bồi dưỡng giáo lý cho các em ở đây, tôi hết sức định tâm nghe lớp học đọc bài Kinh vào học, mà lần nào cũng cảm thấy vừa hân hoan vừa cảm động theo từng lời khấn nguyện chân thành cầu tiến và chan chứa nghĩa nhân. . .

Kính mời quí vị nghe bài kinh nầy để có sự đồng cảm với chúng tôi.

Thật vậy, còn gì thiết thân, thực tiễn đối với người tu học cho bằng:

"Dò đường thánh khó khăn chẳng nại,

Tùng khuôn hồng, nhỏ dại lớn khôn;

Buộc yêu thương bạn đồng môn,

Nghĩa nhân vẹn giữ xác hồn trăm năm"

Và:

"Nguyện nên hương hỏa tông đường,

Nguyện thương lê thứ trong trường công danh."

Bởi thế, giáo lý Cao Đài khẳng định: "Tấm lòng của nhân loại mới chính là nơi chân lý cứu rỗi phát sinh tạo thế an bình cho nhơn loại."[7].

Một điển hình nữa về giá trị nhân văn trong Đạo Cao Đài là bức họa Tam Thánh ở tiền sảnh Tòa Thánh tây Ninh và một số Thanh thất.

_Ba nhân vật trên bức tranh tiêu biểu cho ba nền văn hiến của ba dân tộc Pháp, Hoa, Việt. Ngài Victor Hugo ( 1802-1885) là văn hào nước Pháp, TK 19;Ngài Tôn Dật Tiên ( 1866-1925) là nhà cách mạng dân chủ của nước Trung Hoa, TK 20; Ngài Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1565) là một hiền triết-đạo gia của Việt Nam, TK 16.

Những chữ viết trên bức tranh có hai phạm trù kép:

* Thiên thượng (Dieu) – Thiên hạ (Humanité)

* Bác ái (Amour) – Công Bình (Justice)

_ Thiên thượng và Thiên hạ là hai thực tại thiêng liêng và hiện sinh của vũ trụ

_ Bác ái và Công bình là hai nguyên tắc thương yêu và bình đẳng của vũ trụ và chúng sanh.

_Nếu Thiên thượng và Thiện hạ "Hiệp nhất" để thực hiện Bác ái và Công bình tức là thực hiện được Đạo lý trong trời đất bao gồm cả chúng sanh, đó là mục đích cứu độ của Đức Chí Tôn Thượng Đế khai minh Đại Đạo cho Tam Kỳ Phổ Độ.

_Vậy bức tranh "Tam thánh ký hòa ước"  nhằm  kêu gọi các dân tộc trên thế giới phát huy nền Nhân văn sẳn có trong lịch sử loài người để tiến đến "Thế giới đại đồng" và "Thiên nhân hiệp nhất", tức là xây dựng đời thánh đức hay thiên đàng tại thế.

_Nếu các dân tộc trên thế giới (được ba nhân vật trên bức tranh tiêu biểu) đều xóa bỏ những quá khứ tranh chấp, hận thù với nhau, để cùng nhau hợp tác xây dựng hòa bình thịnh vượng và tiến bộ cho thế giới nhân loại, thì vô hình chung đã tham gia vào Sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ mà Đức Thượng Đế Cao Đài đặt để bước đầu tại nước Việt Nam

_Do đó, có thể nói Đạo Cao Đài đã tổng hợp tính nhân văn của các đạo giáo xưa nay trên thế giới để xây dựng một hệ tư tưởng hết sức tiến bộ, khẳng định cương vị quan trọng của con người trong trời đất, đồng thời đề cao tinh thần đại đồng nhân loại, đặt loài người trước lý tưởng chung là xây dựng một thế giới nhân bản-an lạc-tiến bộ.

Về mặt tôn giáo, Cao Đài dứt khoát phủ nhận sự lệ thuộc của tín đồ vào hình tướng tôn giáo để khỏi tự đánh mất nhân bản.:

"Nầy chư hiền ! Thượng Đế không ngự trên vật thể vô tri, mà trái lại Thượng Đế ngự trong tâm tháp ngà của tâm hồn nhân loại. Hình thể Đạo chỉ mượn đó để  thể hiện thánh Thể Chí Tôn tại thế.

"Thượng Đế không là một hình bóng của thần tượng, nhơn tượng hay vật tượng. Chính biểu tượng Thiên Nhãn cũng chỉ là tạm mượn  để gởi gấm chơn lý trong  một cụ thể  chủ quan mà  thôi. Chính vì vậy, kiến tạo hình thể Đạo có  được giá trị cùng chăng là phải có nhơn tâm làm chứng thị.

"Giá trị của nhơn sanh giác ngộ  sẽ định vị cho hình thể đạo của từng địa phương."[8]

III.  KẾT LUẬN

Nếu ngày nay, qua góc độ khoa học nhân văn, một nhà nghiên cứu của đại học Haward phát biểu rằng "Khoa học nhân văn là những bộ môn nghiên cứu hàn lâm có liên quan trực tiếp và thiết thân đến việc tự phản tỉnh về bản thân (self reflexivity).", nghĩa là giúp cho, khiến cho người ta phải xem xét lại mọi quan điểm của vũ trụ-nhân sinh quan, trong đó đặt chủ thể "Con người" làm trung tâm. Thì tôn giáo học cũng có thể chứng minh các bậc giáo tổ, thánh nhân từ ngàn xưa đã dạy nhân sanh lấy phương châm "phản tỉnh nội cầu" làm chìa khóa mở đường giải thoát hay quy nguyên phản bản.

Và nếu các học giả Trung Quốc nhận định rằng hai chữ "nhân văn" đã được đề cập sớm nhất trong Kinh Dịch bên cạnh hai chữ "thiên văn", theo nghĩa những nguyên lý của con người và những nguyên lý của trời đất; thì ngày nay Đại Đạo TKPĐ nêu lên nguyên lý "Thiên nhân hiệp nhất" chính là mở ra cơ hội để "Đông Tây kim cổ lập thành tương lai"[9]mà vai trò của con người được đề cao thành "Sứ mạng vi nhân." Nên Đức Vô Cực Từ Tôn  từng dạy:

"Kìa con ! Đời đang loạn lạc, người  người mong vọng hòa bình, tôn giáo đang chia rẽ, tín đồ  đạo hữu mong vọng điều hiệp  nhứt, mà hòa bình do nơi  đâu hỡi con ? Hòa bình  hay hiệp nhứt, Đức  Thượng Đế đã ban  cho mỗi con từ  khi mới đến trần gian. Con hãy tìm đem ra mà sử dụng. Tâm con hòa bình, thế giới sẽ hòa bình, tâm con hiệp nhứt, tôn giáo sẽ hiệp nhứt. Các thứ ấy con không thể cầu ở tha lực tha nhân mà có đâu con ![10]

Sau cùng có một điều quan trọng chúng ta cần phân biệt là: Giá trị nhân văn của các đạo giáo khác hơn chủ nghĩa nhân văn theo nghĩa triết học. Vì chủ nghĩa nhân văn đề cao con người đến mức phủ nhận Thượng Đế hay Tuyệt đối thể của vũ trụ. Còn các đạo giáo chủ trương phát huy giá trị nhân văn từ cá thể đến toàn thể đến mức hiệp nhất với Thượng Đế hay Bản thể vũ trụ để thúc đẩy con đường tiến hóa của chúng sanh đến tuyệt đích.

"Non sông tình vẫn đồng tình,

Điểm tô chỉ có còn mình với ta,

Thiên nhơn hiệp nhứt chan hòa,

Tam Kỳ Phổ Độ Long Hoa khai tràng."

Ban Biên Tập









CAO DAI AT A GLANCE / BAN BIÊN TẬP

ÁNH SÁNG và BÓNG TỐI / Ban Biên Tập

XUÂN AN NHIÊN TỰ TẠI / Ban Biên Tập


KHÔN ĐẠO THUẬN NHU / Ban Biên Tập




TIẾNG CHUÔNG HÒA BÌNH / Ban Biên Tập



Giấc mộng lớn / Ban Biên Tập

Cao Đài Nhứt Bổn / Ban Biên Tập




Câu chuyện đầu năm / Ban Biên Tập

Hẹn ước với Xuân / Ban Biên Tập


Giao cảm / Ban Biên Tập


Thắp đuốc Đại Đạo / Ban Biên Tập






SÁNG KIẾN HÒA BÌNH / Ban Biên Tập

Người Được Chọn / Ban Biên Tập




Mong sao em mến hiểu lòng này,
Sắp xếp gia đình cho khéo tay,
Dành để ngày giờ hành đạo sự,
Tô bồi âm chất mới là hay.

Đức Vân Hương Thánh Mẫu, Chơn Lý Đàn, 26-01 Quý Sửu, 28-02-1973

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây