Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Khai Minh Đại Đạo là một trong vài lễ trọng hàng năm của Cao Đài giáo. Như lời hướng dẫn ...
-
Đây là chuyện tôi nghe. Ngày nọ người ta kháo nhau quỷ sứ đang bán hàng đại hạ giá. Mọi ...
-
Ý NGHĨA CỦA NGUYÊN LÝ Sự khảo sát các mối tương đồng tương quan giữa các phạm trù THIÊN ĐỊA, VẠN ...
-
THẦN TIÊN THI DIỆU BÚT (20 ) Kỳ này, chúng ta hãy thưởng thức sự phối hợp thi thơ giữa Đức ...
-
CÁC VĂN KIỆN “LUẬT ĐẠO”căn bản áp dụng cho Cơ Quan khi thành lập CQ: ...
-
Thanh An Tự là tên ngôi chùa của đàn Minh Thiện. Tọa lạc trên đường Hùng Vương, thị xã Thủ ...
-
Trước khi những bộ sách về lịch sử của dân tộc được biên soạn thì trong dân gian đã lưu ...
-
Xướng : " Thiều quang vũ trụ ánh muôn màu, Quyền pháp Tam Kỳ một túi thâu; Chuốc chén kim tượng cùng thế ...
-
Đường hoa Nguyễn Huệ đã "khắc" vào tết Sài Gòn một nét đẹp mới, dân dã mà hiện đại, vật ...
-
Thương thay cho nhơn loại trong thời kỳ mạt kiếp này, cộng nghiệp đến giờ nên dịch bệnh lan tràn ...
-
Sinh ra làm người, không ai có thể vượt ra ngoài định luật sinh tử. Và con người vẫn hỏi: ...
-
Tân Ước /
Tân Ước, còn gọi là Tân Ước Hi văn hoặc Kinh thánh Hi văn, là một phần của Kinh Thánh ...
SƯU TẦM
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/07/2014
TÌM HIỂU ĐỨC TIN TÔN GIÁO (tiếp theo)
CON NGƯỜI CẦN TRỞ VỀ ĐỨC TIN
Tôi thật sự tin rằng, con người cần trở về với đức tin, với tôn giáo, bởi không thể giải quyết mọi chuyện bằng khoa học kỹ thuật được. Càng phát triển khoa học kỹ thuật, tâm hồn chúng ta càng cần niềm tin để giữ được sự cân bằng. Cuộc sống vẫn luôn tồn tại những bí ẩn.
Sáng 16/5/2010 (tức ngày 3/4 năm Canh Dần), Tuần Văn hóa Phật giáo 2010 đã chính thức khai mạc tại Huế. Tuần Việt Nam vừa có cuộc trao đổi với Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba nhân sự kiện này.
Người Việt rất chăm thực hành tôn giáo, tín ngưỡng
- Sau hơn 2 năm sống và làm việc với rất nhiều chuyến đi đến mọi miền đất của Việt Nam, ấn tượng của ông về văn hóa Việt Nam có thay đổi nhiều so với khi ông mới đến đây không?
Chừng ấy năm tiếp xúc với con người Việt Nam, tôi thật sự bị thu hút bởi 3 khía cạnh của văn hóa Việt.
Đầu tiên là âm nhạc và những điệu múa, Quan họ là một ví dụ. Các bạn có rất nhiều loại hình âm nhạc truyền thống, sử dụng những nhạc cụ rất Việt Nam khiến người nước ngoài như tôi bị cuốn hút.
Thứ đến là cộng đồng dân tộc. Tôi đã đến nhiều vùng miền, và rất thích thú với sự hiện diện mạnh mẽ của rất nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số tôi có dịp tiếp xúc. Họ giữ được những nét văn hóa rất riêng, không bị trộn lẫn. Người nước ngoài chắc chắn bị "cuốn" bởi những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ với rất nhiều màu sắc (trang phục đàn ông thì không đẹp như thế!)
Điểm cuối cùng chính là sự thực hành tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Không chỉ Phật giáo và Thiên chúa giáo mà tín ngưỡng dân gian được người Việt thực hành rất thường xuyên. Người Việt không chỉ đến chùa, mà còn đến rất nhiều đền, miếu, phủ... để cầu hạnh phúc, cầu có thêm nhiều tiền, cầu vượt qua được kỳ thi. Tôi rất bất ngờ với việc tôn giáo, tín ngưỡng hiện diện mạnh mẽ trong cuộc sống hàng ngày ở đất nước các bạn. Nhiều người đến chùa, nhưng cũng chính những người đó cùng lúc cũng đến đền, phủ nữa. Thậm chí rất nhiều nhà không chỉ có bàn thờ ông bà mà cả bàn thờ Phật, thờ thổ địa. Người dân cũng cầu ông bà, cầu Phật, cầu thổ địa để có sức khỏe, có tiền tài... .
Điều này hoàn toàn khác biệt với việc thực hành tôn giáo, tín ngưỡng ở Nhật Bản. Đa số người Nhật theo Đạo Phật và Thần Đạo - tín ngưỡng dân gian của người Nhật - nhưng chúng tôi rất ít khi đến chùa hay đền, chỉ khi có dịp gì đó quan trọng chúng tôi mới đến. Chính sự khác biệt này khiến tôi rất muốn tìm hiểu sâu hơn về đời sống tinh thần của người Việt.
Người Nhật rất ít lên chùa
- Thưa đại sứ, nhiều người đã biết đến những nét văn hóa độc đáo của Nhật Bản như tinh thần võ sĩ đạo, trà đạo, hay tình yêu của người Nhật với hoa anh đào... nhưng không nhiều người biết Phật giáo đã ảnh hưởng đến văn hóa Nhật Bản, đến con người Nhật Bản ra sao?
95% người Nhật được xem là theo Đạo Phật, nhưng chúng tôi không thực hành đạo Phật trong đời sống hàng ngày. Nhiều người còn chẳng hiểu gì mấy về đạo Phật, dù vẫn được xem là theo đạo Phật. Chúng tôi đến chùa chỉ 1, 2 lần trong năm để cầu mong điều gì đó hoặc đến đóng góp chút tiền.
Bởi thế, câu hỏi đạo Phật có ảnh hưởng thế nào đến văn hóa Nhật Bản, con người Nhật Bản, thì chỉ có thể nói rằng: sâu thẳm trong tâm hồn chúng tôi, chúng tôi tin mình theo đạo Phật, theo giáo lý của đạo Phật. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi thực hành Phật giáo trong đời sống hàng ngày. Ở Nhật cũng không có nhiều nhà sư sống ở chùa, còn phần lớn chúng tôi chỉ đến chùa 1, 2 lần trong năm.
99% người Nhật được xem là theo Thần đạo. Thật ra, Thần đạo trong suy nghĩ của nhiều người Nhật không hẳn là một tôn giáo với hệ thống triết lý bài bản, mà giống như cách sống, cách nghĩ của người Nhật nhiều hơn.
Chúng tôi cũng không thực hành Thần đạo hàng ngày, thậm chí còn ít hơn thực hành Đạo Phật, bởi số lượng đền thờ còn ít hơn số chùa nữa. Chúng tôi có thể đi bộ 10, 15 phút đến một ngôi chùa, nhưng chúng tôi phải lái xe 1, 2 tiếng mới đến được đền.
Trong trái tim của phần lớn người Nhật, đạo Phật và Thần đạo cùng hiện diện, không có sự mâu thuẫn nào.
Vào những thời điểm quan trọng trong cuộc đời như đám cưới, đám ma, chúng tôi sẽ tiến hành các nghi lễ theo cách của đạo Phật, hoặc Thần đạo.
Ít mộ đạo vì ngày càng nhiều lựa chọn hơn
- Còn khi một đứa trẻ mới sinh ra thì sao, thưa ông?
Ồ, đây là một câu hỏi thú vị. Cũng là một truyền thống, dù không phải bắt buộc, người Nhật sẽ đưa con đến chùa trong tháng đầu tiên để làm lễ cảm tạ Phật, để cầu mong đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc. Đứa trẻ sẽ mặc kimono trong nghi lễ đặc biệt này.
Có thể nói, người Nhật chỉ thực hành đạo Phật trong những nghi lễ quan trọng của cuộc đời. Điều này có vẻ khác với đạo Phật nguyên gốc, không có nghi lễ truyền thống nào của đạo Phật dành cho đám cưới, đám ma cả. Nhưng đó chính là cách đạo Phật ở Nhật song hành với đời sống hiện đại.
Ảnh: bacgiangonline.net
Chúng tôi cũng có những nghi lễ theo phong cách của Thần đạo, theo phong cách Thiên chúa giáo, và mỗi người sẽ chọn phong cách mà mình muốn. Nước Nhật khá cởi mở về phương diện tôn giáo, chúng tôi chấp nhận nhiều tôn giáo khác nhau.
- Phật giáo Nhật Bản đương đại có khác nhiều so với Phật giáo Nhật Bản cách đây 50 năm không?
Tôi vẫn còn nhớ cha mẹ tôi thực hành đạo Phật nhiều hơn bây giờ. Cha mẹ tôi mời các nhà sư đến nhà để làm lễ trong 1, 2 tiếng, và trả tiền chọ họ. Điều này không diễn ra trong đời sống hiện tại nữa. Có 5, 6 tông phái Phật giáo khác nhau ở Nhật, 50 năm trước người Nhật biết rõ họ theo tông phái nào, nhưng hiện nay lớp trẻ không biết, điều đó cũng không còn quan trọng với họ. Nhìn từ góc độ này, có thể thấy người Nhật ít mộ đạo hơn trước đây.
Cuộc sống vẫn luôn tồn tại những bí ẩn
- Ông lý giải thế nào về việc người Nhật ít tin vào tôn giáo hơn?
Dường như người hiện đại tin và phụ thuộc nhiều hơn vào khoa học, kỹ thuật. Dường như đây là tôn giáo mới của chúng ta, khi chúng ta được học về những thành tựu khoa học, kỹ thuật từ trong nhà trường, nên ta cảm thấy không còn nhiều "bí mật" trong cuộc sống nữa. Ít bí mật hơn nên cũng ít niềm tin hơn chăng?
Riêng tôi thật sự tin rằng, con người cần trở về với đức tin, với tôn giáo, bởi không thể giải quyết mọi chuyện bằng khoa học kỹ thuật được. Càng phát triển khoa học kỹ thuật, tâm hồn chúng ta càng cần niềm tin để giữ được sự cân bằng. Cuộc sống vẫn luôn tồn tại những bí ẩn. Tôi không dám chắc sẽ có những tôn giáo mới ra đời, hay chúng ta sẽ trở lại với những tôn giáo truyền thống. Nhưng chúng ta sẽ không thật sự thỏa mãn nếu chỉ phụ thuộc vào khoa học kỹ thuật.
Giới trẻ ngày càng ít tin vào bản thân mình
- Phải chăng giờ đây chúng ta tin vào bản thân nhiều hơn, nên không cần đến niềm tin tôn giáo nữa?
Tôi lại nghĩ ngược lại. Chẳng hạn ở Nhật Bản bây giờ, giới trẻ ít tin vào bản thân hơn trước rất nhiều.
Họ không tự tin khi sống một mình, mà phải tham gia các hội, nhóm, họ luôn phải nói chuyện với những người bạn, gọi điện, gửi và nhận tin nhắn... Người Nhật Bản hiện đại, nhất là giới trẻ, sợ cô đơn, họ cảm thấy không yên ổn. Họ cần chia sẻ thông tin, chia sẻ cảm xúc với ai đó.
Hiện tượng này đang ngày càng nghiêm trọng, tôi nghĩ không chỉ ở Nhật Bản. Đó có lẽ là sự yếu đuối trong con người, nhất là trong cuộc sống hiện đại. Chúng ta cần nhiều hơn những mối quan hệ để cân bằng cuộc sống. Về điểm này, tôi cảm thấy người Việt rất giỏi đấy.
Chúng tôi đã có nhiều nỗ lực để quảng bá
- Nhật Bản luôn được nhắc đến với vai trò là đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Còn vai trò của một đối tác văn hóa thì sao? Trong nhiệm kỳ làm đại sứ, ông có nghĩ văn hóa sẽ đóng vai trò lớn hơn không? Ông đang và sẽ làm gì để hai nước hợp tác sâu hơn về văn hóa?
Chúng tôi đã có nhiều nỗ lực để quảng bá văn hóa Nhật Bản ở Việt Nam qua những đêm nhạc, nghi lễ trà đạo, lễ hội hoa anh đào... Nhưng nguồn tài chính dành cho các sự kiện này còn hạn chế nên chưa được quảng bá nhiều như các sự kiện kinh tế. Dù thế các bạn trẻ ngày càng đến các lễ hội văn hóa Nhật Bản nhiều hơn.
Tôi nhận thấy còn rất thiếu những phim truyện hay phim truyền hình Nhật Bản được trình chiếu trên truyền hình Việt Nam. Rất nhiều phim Trung Quốc, phim Hàn Quốc được trình chiếu, nên người Việt Nam biết nhiều về văn hóa của hai quốc gia này hơn văn hóa Nhật Bản. Nhiều người Việt Nam còn kể với tôi họ rất thích phim truyền hình "Osin" được chiếu trên truyền hình hàng chục năm trước. Đó là cách giới thiệu văn hóa, đời sống Nhật Bản rất hữu hiệu. Hiện chúng tôi vẫn có nhiều phim truyền hình, phim truyện hay, nhưng lại thiếu nguồn tài chính để đưa những bộ phim này sang giới thiệu với Việt Nam.
Tôi rất hạnh phúc vì hai bộ phim Nhật sẽ được giới thiệu trong Tuần văn hóa Phật giáo lần này, "Quái đàm" và "Người đưa tiễn". Một phim truyền thống, một phim hiện đại, hy vọng sẽ đem đến cho khán giả một cái nhìn thú vị về văn hóa Nhật.
Tác giả: Khánh Linh (Tuanvietnamnet)
Bài đã được xuất bản.: 16/05/2010 13:30 GMT+7
“Đức tin không trở thành văn hóa là đức tin chưa lĩnh hội đầy đủ, chưa chín chắn và là một đức tin chưa sống một cách trọn vẹn.” (Đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II)
DẪN NHẬP
Trong thiên nhiên, bất cứ sinh vật nào muốn tồn tại và phát triển cũng phải thích ứng với môi trường, nếu không ắt sẽ bị đào thải đi đến chỗ diệt vong. Đây là một quy luật sinh tồn và phát triển của muôn loài. Tương tự, Giáo hội cũng vậy, việc thích ứng với môi trường văn hóa và những tương giao giữa Giáo hội và thế giới là việc sống còn của Giáo hội.
Nhưng thế giới luôn biến đổi và biến đổi nhanh chóng, nếu Giáo hội không thích ứng kịp sẽ bị cô lập, tụt hậu và tự đào thải chính mình[i]. Có thể nói: hội nhập văn hóa là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của Giáo hội ngày hôm nay. Do đó, để đức tin, của Giáo hội nói chung và của mỗi cá nhân nói riêng, lớn mạnh và phát sinh hiệu quả trong các nền văn hóa đòi hỏi Giáo hội, các nhà truyền giáo và ngay cả mỗi cá nhân phải học hỏi và hiểu thấu đáo giá trị của mỗi nền văn hóa nơi mình được sai tới, nơi mình sinh sống để xây dựng cho đức tin và văn hóa một mối tương quan hỗ tương bền vững.
1. ĐỨC TIN VÀ VĂN HOÁ
Đức tin và văn hóa là hai phạm trù, hai khái niệm khác nhau nhưng rất phong phú và có liên quan với nhau nên để có được một khái niệm gọn gàng và súc tích về đức tin hay về văn hóa quả là khó khăn. Cái khó của định nghĩa về một vấn đề phong phú như văn hóa hay đức tin chẳng khác gì “bắt con voi mặc cái quần của con chuột” hay “lấy bao nilông đựng gió”; vậy, định nghĩa ngắn gọn thì thiếu, định nghĩa dài để diễn tả cho đầy đủ yếu tính của nó lại xem ra rườm rà và có khi trở thành một sự mô tả. Tuy nhiên, cho dù khó khăn, chúng ta cũng cần có một vài khái niệm về văn hoá và đức tin để thấy rõ yếu tính cũng như mối tương quan của chúng trong cuộc sống của mỗi người, mỗi dân tộc, và của Giáo hội.
a. Một Vài Khái Niệm Về Văn Hóa
“Văn hóa là những giá trị tương đối ổn định thể hiện dưới những khuôn mẫu xã hội được tích luỹ và tái tạo trong cộng đồng người qua không gian và thời gian và được cố định hóa dưới dạng ngôn ngữ, phong tục , tập quán, nghi lễ, luật pháp, dư luận…”[ii]
“Văn hóa là địa hạt sống còn, trong đó con người đến mặt giáp mặt với Tin mừng. Đúng như văn hóa là thành quả của sự sống và hoạt động của một nhóm người, thì người nào thuộc nhóm đó cũng được uốn nắn trong phạm vi rộng rãi bởi nền văn hóa trong đó họ đang sống.”[iii]
Giáo hội Công giáo, cụ thể Công Đồng Vatican II, nhìn nhận con người là tác giả của tất cả các nền văn hóa. Theo nghĩa rộng, từ văn hóa chỉ tất cả những gì con người dùng để học hỏi, để trau dồi và phát triển các khả năng của tâm hồn và thể xác, nỗ lực chế ngự thiên nhiên bằng trí óc và lao động, để làm cho cuộc sống con người trở nên trọn vẹn hơn trong mọi mặt. Văn hóa nhân loại mang theo nhiều sắc thái lịch sử và xã hội, từ văn hóa thường mang ý nghĩa xã hội và sắc tộc. Văn hóa là tổng thể các phong tục, tín ngưỡng, luật lệ, cơ chế, nghệ thuật thẩm mỹ, cư ngụ, ăn uống, cuối cùng và trên hết là ngôn ngữ và hành trang kiến thức mà một người thu thập được khi sống trong xã hội đó. Công Đồng còn nhấn mạnh ngôi vị con người chỉ đạt được nhân tính đích thực và trọn vẹn nhờ văn hóa.[iv]
Như vậy, chúng ta có thể đi đến một định nghĩa chung: Văn hóa là hệ thống các ý tưởng về giá trị của mọi lãnh vực trong cuộc sống được diễn tả qua những biểu tượng, những cử chỉ, những quy ước, những phong tục, những tôn giáo, những kiến thức mà qua đó chúng ta đón nhận cũng như chia sẻ với người khác trong cộng đồng chúng ta sống để chúng ta trưởng thành trong tiến trình thành nhân..
b. Một Vài Khái Niệm Về Đức Tin
Đức tin là một ân sủng của Thiên Chúa, là nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa phú bẩm trong con người. Điều này được chứng minh khi thánh Phê-rô tuyên xưng Đức Giê Su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống “Phàm nhân không ai có thể mạc khải cho anh biết điều ấy được, nhưng chính là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời đã mạc khải cho anh biết điều ấy” (Mt 16,17). Đức tin là một hành vi nhân linh nhưng cũng là một hành vi đích thực của con người không đi ngược lại tự do và trí khôn của con người. Đức tin là một hành vi của trí khôn chấp nhận chân lý mặc khải theo lệnh của của ý chí được ân sủng Thiên Chúa tác động.[v]
Đức tin là một hành vi nhân linh và cá nhân nhưng đức tin không phải là một hành vi riêng rẽ. “Không ai có thể tin một mình cũng như không ai có thể sống một mình. Không ai tự ban cho mình đức tin cũng như không ai tự ban cho mình sự sống. Người tin nhận đức tin từ người khác và lại truyền đức tin đó cho người khác.”[vi] Điều này có nghĩa là đức tin không chỉ tồn tại nơi mỗi cá nhân mà còn tồn tại nhờ cộng đồng. Cộng đồng đó chính là Giáo hội và cũng là môi trường văn hóa, nhưng đức tin lại là trung tâm và nguồn gốc của đời sống tôn giáo.
c. Tương Quan Giữa Đức Tin Và Văn Hóa
Như đã trình bày ở trên, văn hóa là tổng thể các phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo, luật lệ, cơ chế, nghệ thuật thẩm mỹ, cư ngụ, ăn uống, ngôn ngữ, hành trang kiến thức và niềm tin mà mỗi một người, mỗi một cộng đồng thu thập được khi sống trong nền văn hóa đó. Như vậy, trong tổng thể văn hóa đó bao gồm cả đức tin. Và như đã nói, đức tin là nguồn gốc và là trung tâm của cả đời sống tôn giáo mà tôn giáo không thể và không bao giờ tách rời khỏi các nền văn hóa, tôn giáo luôn tồn tại trong các nền văn hoá. Điều này thật rõ ràng khi một tôn giáo nhưng lại tồn tại và biểu lộ niềm tin một cách sinh động trong nhiều nền văn hóa khác nhau.
Nói cách khác, không có tôn giáo nào có thể tồn tại ngoài các nền văn hóa, không có một tôn giáo nào không cần đến một nền văn hóa. Ngược lại, có thể có những nền văn hóa không cần có sự hiện diện của tôn giáo. Đức tin được coi như là thành phần của văn hóa, làm cho văn hóa phong phú hơn, sinh động hơn và ý nghĩa hơn vì nó mang lại cho nền văn hóa những chiều kích tâm linh mạnh mẽ và những khát vọng hướng tới chân thiện mỹ. Có thể nói vận mạng của Giáo hội phụ thuộc vào mối tương quan, phụ thuộc vào cách thức Giáo hội đưa đức tin vào văn hóa như thế nào, phụ thuộc vào việc Giáo hội đối thoại với các nền văn hóa.
Văn hóa gắn liền với mỗi cá nhân, mỗi dân tộc như hình với bóng. Người ta có thể loại bỏ đức tin ra khỏi cuộc sống của họ nhưng không thể loại bỏ văn hoá, nếu loại bỏ văn hóa thì một dân tộc, một cộng đồng không còn là một dân tộc hay một cộng đồng nữa. Như Công đồng Vatican II đã nói ngôi vị con người chỉ đạt được nhân tính đích thực và trọn vẹn nhờ văn hóa. Chính vì thế, Đức Gioan Phao lô II muốn Giáo hội, muốn mỗi người Kitô hữu sống đức tin một cách cụ thể hơn để tỏ rõ mối tương quan giữa đức tin và văn hóa qua lời phát biểu trên.
Thomas HOÀNG NGỌC AN, MS
ĐỨC TIN
Tổ chức Liên Giao các Hột Thánh
Bài giảng Hạnh Đường Sơ Cấp
I. DẪN NHẬP
Nói đến tôn giáo là nói đến đức tin, vì tự tính tôn giáo tiềm ẩn năng lực vô hình khơi gợi được lòng tin và sự ngưỡng mộ ở con người. Đạo Cao Đài là tôn giáo của đức tin; do đức tin mà nền đạo hình thành; do đức tin mà nền đạo phát triển. Vậy đức tin là gì? Tạm thời, ta có thể hiểu đức tin qua vài ý nghĩa:
1.Tự tin hoặc tin tưởng vào một người hay một vật. Như ta hoàn toàn tin tưởng rằng mình có khả năng làm được một việc tốt nào đó trong một giai đoạn hoặc trong suốt cuộc đời. Tin tưởng vào một người với tính lịch sử cao đẹp của người đó, đáng được noi gương như những vị tiền khai Đại Đạo. Tin vào vật biểu tượng tâm linh như Thánh tượng Thiên Nhãn giúp ta gom thần hiệp thông cùng Đức Cao Đài.
2.Niềm tin mà không dựa trên bằng chứng. Như tin tổ tiên mà không thấy hình ảnh tổ tiên; tin có cảnh giới Thần Tiên mà chưa thấy cảnh giới Thần Tiên.
3.Tin vào các Đấng Thần linh hoặc tin vào các học thuyết, giáo lý tôn giáo. Như các vị khai quốc công thần, anh hùng dân tộc đã hiển Thánh hiển Thần giáng cơ dạy đạo. Tin tưởng học thuyết Thương Yêu của Đức Chí Tôn và tinh hoa giáo lý công bình, bác ái, từ bi của Đại Đạo.
4. Đặt niềm tin bất cứ điều gì thuộc phạm vi tôn giáo, như là một quy tắc đạo đức; hoặc sự xuất hiện của một sự kiện trong tương lai. Đó là luật nhân quả và trường thi Long Hoa tuyển phong Thiên vị, chuyển lập đời Thượng nguơn Thánh đức.
5.Việc chấp hành nghĩa vụ, lòng trung thành với lời hứa, lời minh thệ để hành động trong đức tin tốt.
6. Sự tin tưởng vào Đức Thượng Đế, các Đấng và thánh ngôn của Ngài.
Tóm lại, đức tin là niềm tin được xác lập chín chắn theo chiều hướng thượng để phát triển tâm linh và hoàn thiện đời sống xã hội. Do đó đức tin thuộc về chánh tín hay giác tín được sàng lọc qua trí tuệ. Ngược với giác tín là mê tín. Mê tín không gọi là đức tin.
II.TỪ NIỀM TIN ĐẾN ĐỨC TIN:
Không phải ai sanh ra từ cõi đời nầy đều tự dưng có đức tin (belief), nhưng niềm tin (faith) thì hầu như ai cũng có. Người không có niềm tin vào tự thân, vào tha nhân và xã hội sẽ không có ý chí phấn đấu để tiến bộ, và cuộc sống khống có mục tiêu định hướng.
Niềm tin ở đời được bắt đầu từ thời niên thiếu và niềm tin ấy được chuyển hóa thành niềm hy vọng. Những thanh thiếu niên cố gắng học tập chỉ vì hy vọng đổ đạt thành tài mà trước đó các em tự tin vào thành quả của sự nổ lực nơi bản thân. Khi vào đời, cũng với niềm tin vào năng lực của mình, các em hy vọng có được việc làm tốt, hợp với năng lực của mình. Khi lập thành gia thất, ai cũng hy vọng gặp được ý trung nhân đồng tâm hợp ý.
Dù lâm vào hoàn cảnh khốn cùng hay thất cơ lỡ vận, người ta sở dĩ vượt qua và ngoi lên được là nhờ vào niềm tin, tin vào lẽ biến dịch của tự nhiên: “Vật cùng tắc biến, biến tắc thông”[1]; tin vào sự nhẫn nại của mình trước làn sóng thời gian: “Hết cơn bỉ cực tới hồi thới lai” [2].
Có người còn đi xa hơn, mặc dù vẫn có
______________________
[1] Hệ Từ - Hạ truyện viết: "Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu".物窮則變, 變則通通則久(quy luật của sự vật khi phát triển đến cùng cực thì sẽ biến hóa, khi đã biến hóa thì sẽ thông suốt, khi đã thông suốt thì sẽ lâu bền)
[2]Bỉ cực Thới(Thái) lai: Hết mức của vận Bỉ, tức vận quá xấu (thuộc quẻ Thiên Địa Bỉ) thì vận Thái tức vận rất tốt (thuộc quẻ Địa Thiên TháI.
niềm tin vào đời sống vật chất để nuôi sống thân mạng, nhưng họ nghĩ niềm tin đó không phải là điểm đích cuối cùng của cuộc đời, hơn nữa trong niềm tin ấy có pha lẫn nỗi thất vọng vì cuộc đời chẳng qua là một chuỗi ngắn của bọt biển phù du, của mạnh được yếu thua, của nhân tình thế thái, của quả báo nhãn tiền nên họ bèn tìm đến ngưỡng cửa tôn giáo để hàm dưỡng tâm linh và vun trồng cội đức. Đức tin được sản sinh từ đó.
III.TÍNH BẨM SINH CỦA ĐỨC TIN:
Chúng ta thường nghe lời động viên nhắn nhũ với nhau: “Hãy tạo cho mình một đức tin vững chắc”. Thật sự thì đức tin không phải là một vật có thể tạo ra được, mà nó vốn là một đặc tính hằng hữu trong mỗi tâm thức con người. Sở dĩ nó bị vùi lấp dưới đáy sâu của vọng thức là vì con người mãi rượt đuổi theo những ước vọng xa hoa phù phiếm, tâm thức bị phủ đầy những lớp bụi tham lam, thù hận và tương tranh.
Đức tin được khơi gợi khi tự tâm con người thức tỉnh và sáng soi bằng trí tuệ. Trí tuệ quan sát cả cảnh giới vô thường và cảnh giới chơn thường, khiến con người cảm nhận được sự mầu nhiệm thông qua ân điển thiêng liêng từ Đức Đại Từ Phụ, Chúa tể Càn Khôn, giáng trần bằng linh điển, phổ độ lần thứ ba trong nền Đại Đạo.
Nếu nói đức tin do Đức Thượng Đế ban mà có thì không hẳn đúng với lối suy tư của người đạo Cao Đài. Thượng Đế chiết ban cho mỗi con người cái Thiên tánh thuần lương và trong tự tánh ấy có tàng ẩn đức tin. Vậy đức tin thuộc về yếu tố tiên thiên như nhờ cùng huyết thống mà con cái nhận biết và tìm về cha mẹ của mình.
Như thế, đức tin không phải do con người cố gắng tạo ra, con người chỉ có thể làm mọi cách để bồi dưỡng đức tin thêm lớn thêm mạnh hơn để giúp nguồn sống đạo được dồi dào, và cuối cùng: sống đạo là sống đức tin.
IV.KẾT QUẢ CỦA SỰ SỐNG ĐỨC TIN:
Phần nầy, chúng ta học tập lời dạy của Đức Chí Tôn trong Đại Thừa Chơn Giáo về “Đức Tin”.
Đức tin là cái làm sao?
Đức tin là cái đấp cao Đạo Trời!
Thầy dùng chỉ định đại danh từ “cái” để hỏi thử chúng ta về đức tin hình thù nó ra làm sao, và Thầy giải đáp luôn: Đó là “cái” để “đấp cao Đạo Trời”. Vậy Đạo Trời được ví như Kim Tự Tháp để có thể đấp cao lên, hình ảnh nầy ám chỉ Thiên Đạo được thành toàn ở cảnh giới cao nhất đều nhờ vào đức tin.
Đức tin chở núi như chơi,
Cho hay Thần lực muôn người khó đương.
Thần lực của đức tin có thể di sơn đảo hải và sức mạnh của nó muôn người khó địch nỗi. Cường điệu hóa năng lực của đức tin dựa trên sự tinh tấn dũng mãnh; sự kiên định lập trường với niềm tin tuyệt đối không gì lay chuyển được.
Đức tin bày tỏ Thiên đường,
Phân rành Địa ngục, đôi đàng cách xa.
Đức tin với sự sáng soi của tuệ giác, người tu có thể thấy đâu là Thiên đàng, đâu là Địa ngục. Nơi thế gian, người tu tin rằng thân tâm thanh tịnh, vô ngã là Thiên đàng; thân tâm trọng trược, phiền não, mê chấp là Địa ngục. Nơi cõi Âm quang, thiện nghiệp là Thiên đàng, ác nghiệp là Địa ngục. Hai cảnh giới nầy không gần nhau được.
Đức tin gây dựng Đạo nhà,
Đường ngay chỉ đến, nẻo tà tránh dang.
Bằng vào đức tin, người ta có thể lập chí gây dựng nên mối “Đạo nhà”, yên nơi chánh đạo và tránh nẻo tà gian. Đạo nhà ở đây bao gồm truyền thống đạo đức của Nhà Nam và Đạo Thầy khai sáng tại phương Nam nước Việt.
Đức tin đánh đổ dị đoan,
Khỏi điều lãng phí, tiền ngàn bạc muôn.
Đức tin cốt ở sự chánh tín, nên không phải bị lãng phí tiền bạc vào những giấy tiền vàng mã, nhà kho hàng mã…cho vong linh người quá cố hay cho những phách chiếc hồn đơn.
Đức tin chớ để lung lay,
Một phen lâm vấp, ngàn ngày ăn năn.
Thế nào là đức tin bị lung lay? Đức tin lung lay là đức tin không vững vàng, hoặc nói cách khác là đức tin bị lu mờ nên trong suy tư còn mơ hồ, nửa tin nửa ngờ rồi liều lĩnh làm càn. Về sau có hối cũng muộn.
Ðức tin như cái đèn dầu,
Ðèn mà không cháy tại dầu khô khan.
Đức tin còn được ví như dầu của ngọn đèn. Dầu khô cạn thì đèn tắt. Đức tin yếu ớt như dầu lửa bị pha nước, đèn cháy không đều và bị trùng tim và cuối cùng cũng bị tắt. Đức tin yếu không đủ chan hòa vào tâm, nên có khi tu hành có vẻ tích cực, có khi lại “xả giới” không tu.
Ðức tin là chiếc pháp thuyền,
Ðưa ta cho đến tận miền Bồng Lai.
Đức tin còn ví như chiếc “pháp thuyền” tức con thuyền đạo pháp, có đưa ta đến bến bờ giải thoát, vượt khỏi trần ai bước vào Tiên giới.
V. KẾT LUẬN:
Người sống với nếp sống đạo bằng sự trợ lực của đức tin nên mới nói “sống đức tin là sống đạo”. Sống Đạo là tự trong tâm mình lúc nào cũng có sự hiện hữu của Đạo, cho nên đức tin bẩm sinh vì thế được nổi bật lên:
- Tin trên có Đấng Chí Tôn và các Đấng đã dùng huyền cơ diệu bút giáng điển lâm phàm khai sáng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
- Tin vào luật tuần hoàn báo ứng chí công của Tạo hóa.
- Tin vào Thánh ngôn và Luật Đạo, giúp làm phương tiện cho mình đạt tới cứu canh.
- Tin vào năng lực tu tiến của mình cộng với sự hộ trì của Thiêng liêng.
Đức Chí Tôn dạy:
“Thầy lại khuyên nhủ các con rằng: Thầy đã đến chung cùng với các con, các con duy có tu mà đắc đạo, phải đoái lại bá thiên vạn ức nhơn sanh còn phải trầm luân nơi khổ hải, chưa thoát khỏi luân hồi, để lòng từ bi mà độ rỗi. Nay tuy các con chẳng thấy đặng hành vi mầu nhiệm mà chính mình Thầy đã đến nói, các con cũng nên tin nơi Thầy mà cho rằng lời Thầy dạy là chơn thật. Nếu các con đợi đến buổi chung qui, hồn ra khỏi xác, mới thấy cơ mầu nhiệm đặng thì chừng ấy đã muộn rồi.
Các con liệu phương thế mà nâng đỡ đức tin của môn đệ cao lên hằng ngày, ấy là công quả đầu hết."[ Đàn cơ: Samedi 7 Aout 1926, 29.6 Bính Dần)
____________________
CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Đức tin khác với niềm tin như thế nào?
2. Thế nào là “Đức tin bẫm sinh”?
3. Tác dụng của đức tin đối với người giữ đạo và trong quá trình hành đạo như thế nào?
(www.nhipcaugiaoly.com)
Trong một lần giáng cơ, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư đã nêu lên câu hỏi về đức tin như sau : "Chỉ có một Thiên nhãn trong sự sùng bái của dân tộc này dưới bảng hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Như vậy thì tất cả những người Thiên ân chức sắc, tín đồ, đạo hữu nhắm vào hình thức nào, ảnh hưởng nào, để biết được Đấng mà chư Thiên ân chức sắc, tín đồ, đạo hữu đặt niềm tin trọn vẹn với bao sự hy sinh cao cả từ buổi sơ khai?" (Trúc Lâm Thiền điện, Tuất thời, 07-5 Quý Sửu, 07-6-1973)
Câu hỏi đột ngột của Đức Thiền sư lúc ấy có lẽ đã khơi dậy những suy tư vể đức tin của chư vị thiên ân trước sứ mạng Tam kỳ phổ độ. Đó là thời điểm sau 47 năm khai Đạo. Còn hiện nay, câu hỏi đã được đặt ra cách 30 năm, liệu chúng ta có thể trả lời dễ dàng chăng
_Đức tin Cao Đài không chỉ để sùng kính hằng ngày;
_Đức tin Cao Đài không chỉ để cầu nguyên cho bản thân;
_Đức tin Cao Đài không chỉ để ngưỡng mộ công đức của các đấng Giáo tổ hoặc chư Phật Tiên Thánh Thần;
Vậy đức tin Cao Đài phát xuất từ cơ bút là một huyền diệu hi hữu, nhưng ý nghĩa của nó hẳn nhiên không chỉ để chứng tỏ sự huyền diệu của cõi vô hình hay sự hiện hữu của Thượng Đế.
Chính vì Đức Thượng Đế không muốn lập ra một tôn giáo trong thời kỳ nầy để chúng sanh có một đức tin như thế nên Ngài chỉ thị hiện Thiên nhãn làm biểu tượng Cao Đài mà thôi.
Ở phương diện hữu hình, con mắt là cơ quan đồng nhất giữa nhân sanh, biểu thị tâm hồn của mọi nguời.
Về mặt tâm linh, Thiên nhãn là Thượng Đế, mà cũng là tâm linh con người.
Nhưng tượng Thiên nhãn vẫn là vật hữu hình, nên Thiên nhãn phải có nhân tâm làm chứng thị, nghĩa là người tín đồ phải nhận được mạc khải từ Thiên nhãn thì mới đạt đến đức tin thật sự.
Tuy nhiên, có ấn chứng nơi Thiên nhãn, nơi cơ bút, mới chỉ đạt đến đức tin Cao Đài như một tôn giáo bình thường; chưa đạt đến đức tin Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Thế nên tuyệt đích của đức tin Cao Đài phải gắn liền với Sứ mạng kỳ ba.
Bởi chính Sứ mạng kỳ ba làm chứng thị cho Qui luật tiến hóa tuần hoàn bất biến của vũ trụ, đã đến thời kỳ qui nguyên những chủ thể tiến hóa và đào thải những chơn linh lầm lạc. Động năng tiến hóa chủ yếu của từng chủ thể chính là công đức góp phần giác mê khải ngộ chúng sanh. Và Đại Đạo TKPĐ là cơ hội tu học , là trường huấn luyện, là trường thi mà Đức Chí Tôn đặc ân mở ra để chúng sanh tiến hóa kịp thời, càng đông đảo, càng vinh diệu cho cơ đạo. Sự cứu độ của Chí Tôn là giáo hóa để chúng sanh tự lực tiến hóa. Nên thánh giáo Đức Vân Hương Thánh Mẫu có dạy :
"Các em từng đặt trọn niềm tin vào Thượng Đế, vào các Đấng. . . . Đã tin thì chính mình là Đạo, phải thay Trời mà vận hành tự cường bất tức. Có như vậy các em mới thực hiện được sứ mạng, hay nói rõ hơn là các em mỗi người thiên ân hướng đạo phải tự nhận trách nhiệm của mình." ( VHTM, 13-08-Kỷ Mùi, 1979 )
Vậy có thể tóm tắt :
ĐỨC TIN CAO ĐÀI = ĐỨC TIN NƠI THƯỢNG ĐẾ + GIÁC NGỘ QUY LUẬT TIẾN HÓA HOÀN NGUYÊN + SỨ MẠNG TKPĐ.