Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Hôm nay, tuy là buổi thuyết đạo ngày rằm như thông lệ, nhưng đặc biệt, Rằm tháng Giêng là Lễ ...
-
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 10 giờ đêm ngày 29 tháng 8 Quí Hợi (5.10.1983)
-
Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau có thể chiến thắng bóng tối, chiến tranh, khủng bố, cái ác ...
-
TỔNG QUAN VỀ VŨ TRỤ LUẬN ĐẠI ĐẠO 1. Nguồn gốc vũ trụ 1.1. Khái niệm về vũ trụ 1.2. Bản Thể Vũ ...
-
Tối nay 4-5, tại Nhà hát Bến Thành, trong chương trình văn nghệ chào mừng đại lễ Phật đản PL ...
-
LẼ MỘT (The Unity – The Oneness ) LẼ MỘT TRONG GIÁO LÝ ĐẠI ĐẠO * * * Ngọc Hoàng Thượng Đế Kim Viết ...
-
Các núi linh thiêng của Trung Quốc được chia thành hai nhóm gắn liền chủ yếu với Lão giáo và ...
-
1. * Ngọc Trì là ai? Trong việc hành công, miệng con người không gọi là khẩu mà gọi là Ngọc ...
-
Bát Bửu Phật Đài, Ngọ thời Rằm tháng 7 năm Tân Sửu (25 8 1961) LỄ AN VỊ ĐỨC THẾ TÔN. THI PHỔ ...
-
Qua một kiếp Ngài giáng trần bên Trung Quốc dưới triều đại nhà Đường, Ngài đã để lại cho hậu ...
-
”Đạo là con đường duy nhất của vạn linh sanh chúng, từ Thầy ban phát đến thế gian và từ ...
-
"Ðắc nhứt tâm rồi thế mới yên, Muốn tâm đắc nhứt phải tham thiền; Tham thiền tâm sẽ hoà muôn vật, Hoà ấy ...
Thanh Mai
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009
Lá rụng về cội
Gia đình tôi được xem là gia đình đạo gốc: cả hai bên nội ngoại đều theo đạo Cao Đài từ đời ông bà cố và đã có một số vị đắc quả vào hàng Tiên Thánh. Vì ông bà nội mất sớm nên mỗi dịp lễ tết hoặc nghỉ he, gia đình tôi đều về với ông bà ngoại. Từ thuở bé, mỗi khi về Sài Gòn, tôi đều được mặc áo dài theo Ngoại đi "chùa" và dự những buổi hầu đàn thâu đêm suốt sáng. Nhiều lúc mỏi mệt quá, tôi nằm lăn quay ra đất mà ngủ.
Hằng ngày ở nhà, mỗi khi bận việc, má thường bảo tôi thay má châm nước cúng Thầy. Nhờ vậy mà lên tám, lên chín, tôi đã thuộc nằm lòng tất cả các bài kinh Thiên đạo cúng tứ thời mặc dù không hiểu nghĩa lý chi cả. Tôi còn nhớ, mỗi khi đang chơi mà bị má bảo đi cúng thì đúng là như "cóc bị bắt bỏ dĩa"; tôi đọc kinh với tốc độ của máy bay phản lực để mau chóng quay trở lại cuộc chơi. Má biết được thường mắng yêu: "Con đọc kinh kiểu gì mà như xe lửa chạy vậy, Trời Phật không chứng cho đâu!" Tuy nhiên, cũng có lúc tôi thành tâm lắm và đức tin nơi lòng một đứa trẻ lên tám nhiều lúc thật buồn cười ngộ nghĩnh: thuở ấy, mỗi khi quì trước Thiên Bàn đọc kinh, tôi thường tưởng tượng: "Giả dụ như lúc tôi đang cúng mà có hỏa hoạn xảy ra thì chắc chắn là phòng thờ nơi tôi đang quì kia sẽ không bao giờ bị ngọn lửa xâm phạm". Và tuy còn bé xíu, tôi cũng ăn chay mười ngày một tháng như ba má.
Thế rồi đến năm tôi mười hai tuổi, đất nước có nhiều thay đổi và đời sống của người dân miền Nam cũng có lắm đổi thay cả về vật chất lẫn tinh thần. Như phần đông các thanh thiếu niên khác, tôi tham gia sinh hoạt đội Thiếu Niên Tiền Phong rồi trở thành đoàn viên Thanh Niên Cộng Sản. Tôi được giáo dục về lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng mà tôi nhận thấy rất cao đẹp qua biết bao tấm gương của các anh hùng liệt nữ dân tộc đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc chống ách ngoại xâm. Nhưng đồng thời tôi cũng được giáo dục về chủ nghĩa vô thần. Tôi về nhà nói với ba tôi: "Ba ơi, làm gì có Thần Thánh Tiên Phật và cũng làm gì có cuộc sống sau khi chết. Con người chết là hết".
Khi ấy, ba tôi không trả lời mà chỉ mỉm một nụ cười hiền từ và cứ mỗi lần dắt chiếc xe đạp ra cổng để đi hành đạo tại Cơ Quan, ba tôi đều nói: "Ba đi hành đạo kiếm phước cho các con." Bây giờ tôi mới hiểu vì sao ba không hề phản bác hay la mắng tôi về câu nói ngu xuẩn ấy: chắc chắn trong lòng ba có một niềm tin mạnh mẽ rằng "Lá xanh rồi cũng có ngày rụng trở về cội."
Trong khoảng thời gian ấy, tôi không còn giữ thập trai như trước. Lý lịch học sinh phần tôn giáo, tôi đề "Không".
Đến năm mười bảy tuổi, tôi thi đậu vào đại học nhưng chỉ học được vài ba tháng thì bị bệnh. Sau khi nằm bệnh viện một tháng, tôi bình phục trở lại nhưng vẫn không thể tiếp tục đi học vì đã mất quá nhiều bài vở nên phải nghỉ ở nhà một năm. Thời gian rãnh rỗi, tôi chỉ biết đọc sách, làm việc nhà...đôi lúc cũng thấy buồn chán. Ba tôi đề nghị: "Hay con đi sinh hoạt thanh thiếu niên trong chùa với ba đi!" Tôi nghe theo ba và ngày Chủ Nhật hôm ấy, hai cha con tôi cùng đạp xe đến Cơ Quan.
Tôi được các anh chị trong Thanh Niên Vụ đón tiếp niềm nở. Tôi thấy sao ai cũng nói chuyện hiền lành dễ thương. Chị Kim Dung mời tôi đến dự một buổi sinh hoạt của vườn Vạn Thảo, khu vườn ươm cây của Đại Đạo với đủ các sắc hoa màu cây mang những cái tên thật hay ho và dễ thương: nào là Sao Nháy, Tường Vi, Phong Lan, Phi Lao, Trắc Bá, v.v... Các anh chị ấy đã truyền cho tôi ngọn lửa nhiệt thành tâm đạo và đã làm sống lại đức tin trong tôi, đức tin mà Ông bà và cha mẹ đã truyền cho tôi từ thuở ấu thơ. Buổi tối sinh hoạt hôm ấy đã làm cho lòng tôi rưng rưng tỉnh thức. Một may mắn khác lại đến với tôi: chỉ vài ngày sau đó, Thanh Niên Vụ mở lớp Tu Sĩ khóa mới. Chị Kim Dung lại kêu tôi đi học rồi còn giao cho tôi làm lớp trưởng nữa chứ! Thế là tôi đã gắn bó với Thanh Niên Vụ, với Cơ Quan từ ngày ấy.
Ngày Rằm tháng Sáu năm đó tôi nhập môn Cao Đài và trong lòng thầm nguyện giữ trọn thủy chung như lời thệ ước với Đức Đại Từ Phụ. Tôi thầm tạ ơn Trời Phật đã cho tôi được bệnh, tạ ơn Đấng sinh thành đã dìu dắt tôi trở về nguồn cội và cảm ơn các anh chị giáo sĩ Cơ Quan đã truyền cho tôi ngọn lửa nhiệt thành tâm đạo. Ngày nay, tôi lại dìu dắt các con tôi đi theo con đường đạo đức của Cha Ông với ước mong các cháu sẽ là người nối tiếp đạo nghiệp trong tương lai, để mối đạo Cao Đài được hoằng khai rộng khắp năm châu như lòng mong mỏi của Đức Đại Từ Phụ.