Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Đời là một trường tiến hoá, người là một thí sinh, nhập môn là vịn thang, nhập tịnh là leo ...
-
Khai Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn phán rằng : "Thầy sắp cuộc dinh hoàn tái tạo, Dụng huyền linh Đại ...
-
“Bởi quyền Đạo còn yếu nên thế quyền mới lấn được; dầu phải thế quyền cao rộng đến bao nhiêu ...
-
Đức Lão Tử viết : “Ngũ sắc làm cho người ta mờ mắt; ngũ âm làm cho người ta ù tai; ...
-
Nhắp chén trà sen vị ngạt ngào, Hương xuân nồng ấm thú tiêu dao, Kìa hoa hoa nở vì ai đó, Theo luật ...
-
Tại Thảo Lư: Thánh Đức Tổ Đình. Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô vi Ngày 15/10 Mậu Tý, ...
-
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, Rằm tháng 9 Giáp Dần (29.10.1974) KIM QUANG ĐỒNG TỬ, Tiểu Thánh chào chư Thiên ...
-
Lòng từ huệ bao la lớn rộng Đem tình thường sự sống sẻ chia Trần gian vạn khổ còn kia Lòng người Bồ ...
-
TEILHARD DE CHARDIN Nhà bác học - cũng là linh mục- Teilhard de Chardin đã chứng minh rằng sự sống đánh ...
-
Lời dạy của đức Chí Tôn về sứ mạng của Giáo Tông Đại Đạo
-
Biết tiềm thức còn chôn đủ nghiệp, Khi móng lên mau kịp ngăn phòng; Ma ngoài hiệp với ma trong, Ngơ đi chớ ...
-
Đạo Cao Đài là một tôn giáo mới, được Đức Chí Tôn khai sáng vào đầu thế kỷ XX tại ...
Thanh Mai
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 30/12/2009
Cái \'dũng\' của người tu
"Sự tu hành cam go khổ hạnh (…) trọn kiếp này, ví như con đường quanh co hiểm trở, (…) phải bền gan, dũng chí vượt qua lắm chướng ngại, chông gai (…) quyết tiến tới ngày đắc thành cũng như một dũng sĩ xông pha ngoài trận chiến, chỉ có tiến mà không có lùi cho đến ngày đắc thắng cuối cùng."
Có điều mặt trận chiến đấu của người tu không phải là chốn tên bay đạn lạc mà chính là mặt trận nội tâm của mỗi người. Cuộc chiến đấu nội tâm của người tu cũng không kém phần gay go, gian khổ như lời của Đức Quan Âm Bồ Tát đã cho chúng ta biết:
"Chư hiền đệ muội đã từng ca ngợi kính trọng những bậc đại giác Chơn Tiên hoặc những hàng chơn tu đắc đạo, trong đó có những bậc Giáo Chủ các tôn giáo cổ kim. Sự ca ngợi kính trọng công đức duyên hạnh ấy là những sự nghiệp đạo đức còn để lại hậu thế, chớ chư hiền đệ muội chưa chứng kiến những nỗi gian nan lận đận cam go thử thách của các bậc đó trong thời gian tu thân hành đạo. Ngôi vị Tiên Phật mà các hàng ấy đã đạt được không phải là việc ngẫu nhiên hoặc dễ dàng, mà chính những bậc ấy đã dày công cam khổ khắc phục nội tâm để thắng ngoại cảnh do mọi sự vật buồn vui may rủi đưa đến." (23-6 Canh Tuất – 25-7-1970)
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn cũng dạy:
"Thử kiểm điểm lại những vị chơn tu đắc đạo, có phải dễ dàng như món đồ vật từ trong túi lấy ra đâu? Những vị ấy đã trải qua bao phen khắc kỷ để làm chủ bản tâm chơn tánh, điều khiển mọi hoàn cảnh sự vật chung quanh, kiên tâm, can đảm, khắc phục mọi nỗi khó khăn, từ y phục, ẩm thực, cư trụ, danh vị, sự nghiệp, tình cảm chật hẹp đến mọi nỗi lạc thú ở đời. Tuy thấy bên ngoài những vị đó nét mặt trầm ngâm, thân hình đơn giản, một mảnh bô vải che đậy xem qua thiệt là giản dị, sự thật ra nào ai biết được bên trong nội tâm những vị đó hoạt động rất nhiều, tranh đấu rất gay go với mọi tư tưởng bên ngoài đưa đến, mọi sự khảo thí chung quanh rào đón. Khó có một điều là tâm phải vững, trơ trơ như đá như đồng, sự vật là sự vật, nội tâm là nội tâm, không vì sự vật mà làm cho lay chuyển nội tâm, đó là một điều bí yếu thành công trong thời kỳ tạo Tiên tác Phật." (29-9 Đinh Mùi – 01-11-1967)
"Sự vật là sự vật, nội tâm là nội tâm, không vì sự vật mà làm cho lay chuyển nội tâm", đó chính là trạng thái như như bất động, thản nhiên bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh mà Phật Giáo gọi là "Tâm vô quái ngại", Lão Giáo gọi là "vô vi điềm tĩnh", tất cả đều chỉ về trạng thái điềm tĩnh của nội giới tâm linh mà người xưa cho đó là tinh thần đại dũng của Thánh Nhân. Cổ nhân bảo: "Bất dĩ ngoại vật động kỳ tâm giả nguyên" nghĩa là người mà không để cho ngoại vật chi phối tâm mình là người đứng đầu.
Tô Đông Pha, một thi sĩ nổi tiếng đời nhà Tống bên Trung Hoa nhận định rằng:
"… Kẻ thất phu gặp nhục, tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh. Cái đó chưa đủ gọi là dũng. Kẻ đại dũng trong thiên hạ trái lại thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cớ bị điều ngang trái cũng không giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chỗ lập chí của họ rất xa vậy."
Chuyện xưa kể rằng: Tokiyori là một tay kiếm lừng danh ở Nhật Bản, sức mạnh ít người địch nổi, thế mà lúc mới xin vào làm đệ tử của phái thiền môn, đã bị sư phụ bất ngờ đánh cho một bạt tai để trắc nghiệm lòng tự chủ của ông, ông vẫn thản nhiên không biết giận.
Ông nói: "Trước kia, tôi vẫn tưởng tôi là người đại dũng, lúc mà trong tay cầm mấy vạn tinh binh đánh Nam dẹp Bắc, trước tôi không có một người nào dám cản đường. Thế mà khi bị đánh một bạt tai, tôi trầm tĩnh được ngay, quả tim tôi không đập mạnh, lòng tôi yên lặng như không có việc gì, bấy giờ tôi mới cảm thấy cái khí độ hùng dũng trước kia sánh với bây giờ rất còn nhu nhược, hèn thấp đến bực nào. Tự chủ được với lòng tự đại của mình mới là đại dũng đó."
Một khía cạnh khác của tinh thần đại dũng là tự chiến thắng mình. Đức Mẹ Diêu Trì đã dạy con cái của Người rằng:
Muốn giải thoát con phải giải trừ nghiệp chấp,
Muốn huyền đồng, con phải vô ngã vô nhân,
Muốn phối Thiên phải gột rửa lòng trần,
Muốn tịch diệt phải đủ đầy nhân, trí, dũng.
Và Đức Mẹ đã định nghĩa chữ Dũng của người tu như sau:
Dũng là dám chế kềm vọng tính,
Dám đoạn trừ bất chính nơi tâm,
Dám hy sinh vì đạo nghiệp mà làm,
Dám chuyển hóa lòng tham sân si dục.
(13-8 Kỷ Mùi)
Có thể nói rằng, tự thắng được mình là trình độ cao nhất của lòng dũng cảm. Bởi lẽ, có lắm người anh hùng dũng sĩ chiến thắng được vạn hùng binh nhưng lại không tự thắng được lòng mình. Thật vậy, Đức Đông Phương Chưởng Quản đã dạy rằng:
"Chư hiền đệ muội thử nghĩ, trên thế gian có rất nhiều người anh hùng có thể chiến thắng trăm trận, đoạt thành cướp lũy, kiến quốc tạo nghiệp, nhưng cũng chưa hẳn làm anh hùng để chiến thắng những trận giặc bất chính ở cá nhân nội tâm. Vì thế nên người hành sự hay tu luyện cũng phải tự lập chí anh hùng để chánh kỷ mới hóa được nhơn. Chẳng lẽ người tu lại không làm được người anh hùng sao?" (24-7 Bính Ngọ – 08-9-1966)
Kinh Pháp Cú còn ghi lại lời dạy của Đức Phật Thích Ca: "Chiến thắng vạn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất."
Đạo Đức Kinh cũng ghi lời dạy của Đức Lão Tử:
"Thắng nhơn giả hữu lực, tự thắng giả cường." Nghĩa là: Người thắng được kẻ khác chỉ là người có sức mạnh, người tự thắng được mình mới là người kiên cường. Thật vậy, chiến thắng kẻ khác thì không khó bằng tự chiến thắng mình.
Đức Tiếp Pháp Trương Văn Tràng xác nhận:
Giặc ngoài dầu loạn mấy mươi năm,
Không ngại cho bằng giặc nội tâm.
Ngoài có thiên binh đem thạnh trị,
Trong đành tuyệt vọng bởi sai lầm.
(22-8 Đinh Mùi – 25-9-1967)
Thật vậy, giặc nội tâm đây chính là giặc thất tình lục dục phá hại người tu hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, không bao giờ dứt. Kinh Đại Thừa Chơn Giáo đã ghi lại lời dạy của Đức Chí Tôn về mối hại khôn cùng của đám giặc nội tâm này như sau:
"Thất tình lục dục là mối loạn hằng ngày ở trong tâm trí, khôn phương trừ khử. Một đám giặc liệt cường tài trí đánh phá ruồng trong núi cao non thẳm còn dễ trừ dẹp đặng, chớ mối loạn nơi tâm khó mà diệt đặng cho yên, nhứt là ma lục dục: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý, nó phá hại hằng ngày.
Nhãn thì ưa màu sắc tốt đẹp.
Nhĩ thì thích nghe những giọng nói tao nhã, thanh bai.
Tỉ thì ưa mùi thơm, hơi ngọt.
Thiệt thì thích nếm vật lạ, món ngon.
Thân thì mến vợ đẹp, hầu xinh, cả dục tình cùng dâm niệm.
Ý lại tư tưởng vất vơ quấy quá. Mà nhứt là ý, là mối đại hại cho con người. Nó tư tưởng sự này sang sự nọ, chuyện ấy hết chuyện kia. Nó xẹt vô nhảy ra lẹ làng không chi ngăn đón nó đặng. (…)
Còn thân. Cái thân thể muốn sự dâm dục quá độ mới hao tán nguơn tinh, nguơn khí, nguơn thần.
Thiệt là lưỡi. Miệng ham ăn món ngon vật lạ, đồ mỹ vị cao lương, nên phạm tội sát sanh mà sa đọa vào đường lục đạo.
Tỉ là mũi. Mũi ưa thơm tho mới khiến lòng ham muốn.
Nhĩ là tai. Tai nghe điều phi lễ.
Nhãn là mắt. Mắt ngó thấy sự tốt đẹp màu sắc thì lòng dục dấy lên.
Vậy thì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm, thân ham đều xúm làm cho thân xao động sanh lòng quấy quá." (16-8 Bính Tý – 01-10-1936)
Muốn chiến thắng được giặc nội tâm này, Thầy dạy người tu cần phải lập chí, mạnh bạo, cương quyết hay cũng là ý chí dũng mãnh vậy: "Làm người phải lập chí cho cao thượng, đừng để thất tình cám dỗ, lục dục khiến sai. Mình phải mạnh bạo cương quyết mà làm chủ nó, chớ đừng yếu ớt lôi thôi để nó làm chủ mình, rồi muốn chi cứ phải vừa theo ý nó mãi hay sao?" (16-8 Bính Tý – 01-10-1936)
Một nhà trí thức tiến bộ có tiếng tăm vào đời nhà Thanh bên Trung Hoa là Lương Khải Siêu đã nói: "Phàm xưa đến nay, những người thành được những việc vĩ đại, đều nhờ thắng được mình một cách mạnh mẽ."
Nói tóm lại, cái dũng của người tu là ở chỗ giữ được tâm thản nhiên bất động trước ngoại cảnh biến thiên và kềm chế được bản tâm, không để cho thất tình lục dục sai khiến. Vậy, muốn đạt đến cái dũng này, người tu cần phải tập luyện như thế nào? Từ lời dạy của các Đấng Thiêng Liêng và những lời khuyên trong quyển "Cái Dũng Của Thánh Nhân" của tác giả Nguyễn Duy Cần, xin đúc kết thành một số phương pháp rèn luyện sau đây:
Thứ nhất, muốn giữ được tâm thản nhiên bất động trước ngoại cảnh biến thiên, người tu cần phải quán triệt lẽ vô thường của cuộc đời. Trang Tử viết: "Sanh tử tồn vong, cùng đạt, bần phú, người hiền và kẻ dữ, khen chê, lạnh ấm, đó là cái biến của sự đời, cái hành vận của cái Mạng. Nó tương tiếp nhau, hết ngày tới đêm, hết sống tới chết, hết vinh tới nhục… ta không thể biết được nguyên nhân vì đâu.
"Những điều ấy, ta chớ nên bận tâm mà làm gì, đừng bao giờ để cho nó chen vào phá hoại cái yên tĩnh ấy nơi lòng, đừng để cho bất kỳ là vật gì chao động được, dầu là sự vui sướng cũng vậy. Đó gọi là toàn đức.
"Bực chân nhân không ham sống, không sợ chết. Sanh ra không mừng, chết đi không sợ. Thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi, không bận mắc vào đâu cả.
"Người thông đạt ở đời thấy được không vội mừng, thấy vinh không vội sướng. Làm mà như không làm, lo lắng mà như không lo lắng; lớn nhỏ, nhiều ít đều xem như nhau; khen không mừng, chê không bận, đó là cái hạnh của Thánh Nhân vậy."
Còn đối với thế thái nhân tình ở đời thì Mạnh Tử bảo: "Người ta ở đời, nếu gặp phải kẻ dữ đối với mình một cách ngang ngược, thì nên coi như mình đi trong bụi rậm, vướng phải gai, chỉ nên thong thả đứng lại gỡ dần ra thôi. Gai góc kia có biết gì mà đáng giận? Xử được như thế thì tâm mình sẽ không phiền não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan…
Ta nên coi những sự ngang ngược phạm đến ta như chiếc thuyền không người lái, lỡ đâm phải ta, như cơn gió dữ tự lỡ tạt nhằm ta. Ta nghĩ cho cùng có gì đáng giận?"
Cách Socrate xử sự với người vợ hung dữ của ông cũng như thế. Một ngày kia, có bạn rủ Socrate đi sớm, bà la lối gầm hét om sòm. Ông vẫn thản nhiên. Khi ông bước ra đi, bà lại đứng trên lầu đổ trút thau nước dơ lên đầu ông. Các bạn ông tỏ vẻ bất bình. Ông cười và bảo: "Có gì là lạ, hễ trời hết gầm thì có mưa." rồi thản nhiên trở vô thay áo.
Một lần khác ông mời các bạn dùng cơm tại nhà. Không biết có việc gì, bà vô bưng cả thức ăn (ông ăn toàn rau trái) quăng ra ngoài cửa sổ. Ông vẫn bình tĩnh, tươi cười bảo: "Thì bà ấy muốn chúng mình ra sân cho mát mẻ hơn."
Quá sức tức tối, bà bèn vác chổi ra sân quơ luôn các thứ ông lượm sắp vô mâm, dĩa… Các bạn ông giận đỏ mặt, muốn gây sự. Ông biết trước đã nắm tay áo các ông bạn lại và ôn tồn bảo: "Ví dụ các anh em ta đang ngồi ăn, rủi bị một con gà mái nhảy xổ vào làm văng cả bát đĩa. Các anh có đi gây sự với nó không?"
Thứ hai, về phương diện làm chủ bản tâm, Đức Bảo Pháp Chơn Quân đã dạy:
"Bước vào lãnh vực nội giới tâm linh, hành giả phải là người biết chủ động và tìm mọi cách để bảo trì quyền chủ động của chính mình. Có như vậy mới chiến thắng, sai sử được quần ma nội tại hầu hóa dục thăng hoa như trời đất. Hành giả suốt thấu ý nghĩa này mới hoàn thành được phương tu luyện kỷ." (12-11 Tân Dậu)
Vậy, muốn bảo trì quyền chủ động của chính mình, người tu phải bắt đầu bằng sự kiểm soát từng hành vi nhỏ nhặt trong đời sống thường ngày. Trong quyển "Cái Dũng Của Thánh Nhân", tác giả Nguyễn Duy Cần viết: "Phải bắt đầu bằng sự kiểm soát từng hành vi vụn vặt mà vô tâm của mình, để cho cái thần của mình thường làm chủ được cái khí lực và cái thân thể của mình. Bấy lâu nay ta vẫn hành động vô tâm, tha hồ cho dục vọng muốn làm gì thì làm. Có việc ta biết là sai, nhưng dục vọng ta không nghe, ta cũng tuân theo mà làm sai. Ta đã vô tình để cho nó làm chủ ta một lần, rồi nhiều lần khác như thế…
"Trong những hành vi vụn vặt trong đời hằng ngày của ta, ta phải kiểm tra kỹ lưỡng và phải dụng ý thức mà điều khiển nó. Ta phải tập sai khiến nó từ cái ăn, cái ngủ, cái làm… Ví như ta muốn ăn đồ ngon, ấy là cơ thể ta, dục vọng ta muốn sự sung sướng… Ta phải lấy lý mà suy, và nếu thấy không có lợi gì cho xác thịt, hãy ra lệnh cho nó đừng ăn. Và dẫu có thèm cho mấy, ta cũng không để cho nó bỏ qua cái mệnh lệnh đầu tiên của ta. Ta đã thắng được nó, nó đã bị thua và tuân lệnh theo ta rồi. Cứ mỗi một cái nhỏ nhặt như thế, ta cứ tập cho nó quen sự vâng lời, thì đến khi việc lớn, không bao giờ nó dám cãi.
"Đừng đi kiếm những việc khó làm, lớn lao làm gì. Cứ những chuyện vụn vặt nhỏ nhít ấy mà làm, đừng thấy nhỏ mà dễ khinh, vì chính những hạt cát ấy hiệp lại thành bãi sa mạc."
Đức Diêu Trì Kim Mẫu cũng thường khuyên chúng ta hãy tập làm những việc tầm thường để trở nên phi thường.
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn thì căn dặn người tu cần phải gìn giữ lục căn cho cẩn mật, biến lục căn thành sáu vị tướng oai hùng ngăn chận lũ ma vương. Ngài dạy:
Chính mình luyện cường binh chiến thắng,
Chính mình làm cho đặng chủ nhân,
Trong tay nắm giữ thời thần,
Sáu căn chớ để sáu trần nhiễm ô.
Sáu căn ấy ra vô đúng tiết,
Là tướng hùng oanh liệt sáu phương,
Dưới trên ngăn lũ ma vương,
Đông Tây Nam Bắc biên cương giữ gìn.
(29-3 Mậu Ngọ)
Đức Quan Âm Bồ Tát khuyến nhủ người tu phải luôn tự kiểm điểm bản thân không giây phút nào ngừng nghỉ và phải can đảm loại trừ những điều xấu cho dù có ảnh hưởng đến quyền lợi, lòng tự ái hay thân nhân của mình:
"… người tu thân muốn hoàn thiện bản thân, phải cần hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, kiểm điểm phân tách chọn lọc, từ sự nhìn, ý nghĩ, lời nói, hành động của mình, xem cái nào là thiện, cái nào là ác. Hễ điều nào thiện thì hãy hoan hỉ tiếp tục mà làm, trái lại, điều nào ác hãy can đảm loại trừ ngay, mặc dầu có đụng đến quyền lợi bất chánh và tự ái nhỏ hẹp của mình, hoặc có liên hệ đến thân nhân cũng vậy." (14-6 Kỷ Dậu – 27-7-1969)
Tác giả quyển "Cái Dũng Của Thánh Nhân" khuyên chúng ta: "Muốn đi đến một tinh thần đại dũng thì cần phải nghiêm khắc với chính mình, nghĩa là mình đừng bênh vực sự yếu đuối, lầm lạc của mình. Nếu có rủi ro sa ngã một đôi khi thì hãy có can đảm và thành thật mà trở về con đường mà mình đã định."
Thứ ba, người tu cần phải có đức kiên trì nhẫn nại như lời của Đức Đông Phương Chưởng Quản đã dạy:
"… không phải một sớm một chiều mà hàng phục được vọng tâm, chế ngự tập tánh phiền tạp. Do đó, đòi hỏi người hành giả phải có đức kiên trì nhẫn nại trước mọi nghịch cảnh. (…)
Tu hành là phải thung dung tự tại. Dầu là người hay làm Tiên Phật cũng thế, đã quyết chí vào con đường của chính mình trong sự giác ngộ thì phải tập luyện tâm bất biến trước ngoại cảnh biến thiên.
Tâm bất biến là tâm định. Tâm định thì huệ sanh. Huệ sanh thì ngộ nhận cái bất như ý, thần sắc cũng không đổi, không mất vẻ tự nhiên." (8-4 nhuần Nhâm Tuất)
Đức Quan Âm Bồ Tát ví người hướng đạo với một người lái xe đang trải qua đoạn đường nguy hiểm để leo lên đỉnh núi, nếu không có đủ dũng khí để vượt khó thì sẽ không lập được công trạng gì. Ngài dạy:
"Những người hướng đạo lập công trong lãnh vực hành đạo giúp đời, ví như lái một chiếc xe trọng tải, khởi hành từ chơn núi để đến chót núi, là mục phiêu cuối cùng. Trên khoảng đường leo dốc uốn quanh ngoằn ngoèo lên xuống theo triền núi, người tài xế cảm thấy khó khăn nguy hiểm hơn khi lái xe dưới bình nguyên. Tuy khó, nhưng trải qua được một đoạn đường nào thì người tài xế ấy đã vượt được một cấp cao hơn. Ngược lại, nếu muốn dễ dãi ít nguy hiểm thì quày xe trở xuống chơn núi, là một việc mà bất cứ người tài xế dở nào cũng có thể làm được." (23-6 Canh Tuất – 25-7-1970)
Đức Quan Âm Bồ Tát cũng nêu rõ cho chúng ta thấy ích lợi của sự kiên tâm trì chí như sau:
"… ma quỉ luôn luôn vui mừng hỉ hạ trước sự thối chí ngã lòng chùn chân trở bước của những hàng hướng đạo chơn tu.
Người phát huệ, tánh dễ lãnh hội liền mỗi khi thấy nghịch cảnh đưa đến, hoặc những chướng ngại cản ngăn bước đường hành đạo. Trước hoàn cảnh đó, họ hoan hỉ tự thấy mình sắp trỗi thêm một phẩm cao, nên gặp sự ngăn cản của ma vương ác quỉ, thay vì than trách hoặc thối chí ngã lòng, họ càng kiên tâm trì chí phấn khởi tiến lên để vượt khỏi khúc quanh ấy.
Có câu ‘Đức trọng quỉ thần khâm’. Tuy bản tánh của ma vương ác quỉ hay phá rối người tu, nếu chúng thấy phá không được, trước sự kiên tâm trì chí của hành giả, thì chúng cũng tự thẹn, nhường bước thối lui vì xét rằng không thể phá được hành giả ấy nữa." (23-6 Canh Tuất – 25-7-1970)
Đức Chí Tôn cũng đã từng khuyên các con cái của Người đừng nên thối chí ngã lòng trước những khảo thí mà hãy phấn chấn tinh thần để vượt qua hầu có thể rút ngắn đoạn đường trở về hội hiệp cùng Thầy:
"Đường đi Tây Phương có nhiều chúa động ngăn cản đón đường. Các con hãy phấn khởi tinh thần, qua đặng một ải là đặng gần Thầy một đỗi đường." (15-5 Ất Hợi -15-6-1935)
Thứ tư, trong quyển "Cái Dũng Của Thánh Nhân" tác giả Nguyễn Duy Cần khuyên: "Mỗi người cần phải đặt cho mình những phép tắc có chừng mực và làm theo đó luôn luôn không sai chạy, bởi lẽ, khéo tiên liệu một cách chu đáo những công việc làm hằng ngày, định cho mỗi công việc một thời giờ riêng và thi hành theo đó một cách quả quyết không sai chạy, tức là đã tập làm chủ được thời gian và hoàn cảnh, thắng được tập tục lười biếng cẩu thả hoặc những quyến rũ thường tình."
Ơn Trên vẫn thường dạy chúng ta phải đều đặn mỗi ngày cúng tịnh tứ thời, dành ra một giờ để đọc thánh kinh hiền truyện và làm vô ngã kiểm. Hơn nữa, Đức Mẹ đã từng dạy rằng: "Thánh ngôn thánh giáo là những tiếng gọi thiêng liêng khi các con bị thất tình lục dục bao vây." (15-8 Bính Ngọ – 29-9-1966)
Thứ năm, cũng theo tác giả Nguyễn Duy Cần, muốn luyện rèn dũng khí, chúng ta "phải nói thật và chỉ biết nói thật mà thôi, đó là tập cho mình có một tinh thần bất úy (không biết sợ).
Người ta sở dĩ nói không thật là vì sợ: sợ oai quyền, sợ hình phạt, sợ thất lợi, sợ chê cười… Dám nói sự thật là biểu hiện của một tấm lòng dũng cảm. Hay nói một cách khác, chỉ người nào có một tinh thần bất úy mới có đủ can đảm nói sự thật mà thôi. Mỗi một khi ta nói dối, tinh thần ta giảm bớt dũng khí đi một ít. Mỗi khi ta nói dối là mỗi khi ta nuôi dưỡng tính hèn nhát của ta.
Washington lúc còn trẻ, một hôm đẽo cây quý của cha trồng. Lúc cha của ông đang hầm hầm giận dữ, ông vẫn có đủ can đảm thú tội của mình, không sợ hình phạt gì cả. Cha thấy con như thế, đổi giận làm vui, ôm con và nói: "Tất cả tài sản của cha không quý bằng cái tính ngay thật của con." Thật vậy, cái tinh thần ấy làm cho ông sau này trở nên một bậc anh hùng cái thế."
Đức Hiển Thế Đạo Nhơn có lần dạy rằng: "Thánh xưa nói một lời thiện để cải hóa kẻ khác, dầu tán gia vong mạng cũng vẫn hoan hỉ chấp nhận chớ không nỡ làm thinh để nhìn thấy kẻ khác đi vào nẻo sa đọa." Quả thật đó là cái dũng của bậc Thánh.
Thứ sáu, người tu cần phải có ý chí và nhứt tâm. Thầy dạy:
"(…) ý chí và nhứt tâm, đó là hai đức tính căn bản tối ư quan trọng suốt đời tu hành của các con. Thầy ví dụ: các con đi thuyền vượt biển trong cơn bão táp mà lòng các con luôn luôn nao núng vì thiếu ý chí, cứ co ro lo sợ trước lượn sóng ba đào dồn dập hoặc tấn thối lưỡng nan vì tâm bất nhất, nửa muốn tiến, nửa muốn lui thuyền thì thử hỏi các con có đi đến nơi đến chốn chăng?"
Câu chuyện sau đây do Ngài Trang Tử kể lại trong thiên Đạt Sanh đã cho thấy rằng một khi con người quyết tâm dồn tất cả nghị lực của mình vào một việc thì việc ấy ắt phải thành:
"… Lúc Trọng Ni đi qua nước Sở, vừa ra khỏi rừng, thấy một người đang bắt ve bằng một cây sào dài, rất lẹ và rất chắc chắn cũng như bắt bằng tay.
Trọng Ni nói với người ấy: "Anh thật là tài, xin cho tôi biết cái bí quyết của anh."
Người ấy trả lời: "Bí quyết của tôi là đây: Trong năm, sáu tháng, tôi tập để viên đạn đứng thân bằng trên ngọn sào của tôi mà không hề rớt. Khi tôi để đứng đặng hai viên thì ít con ve nào thoát khỏi tôi. Khi tôi để đứng đặïng ba viên thì mười con trật có một mà thôi. Khi tôi để đứng đặng năm viên, tôi không hề trật con nào hết. Cái bí quyết của tôi là tập trung hết tinh thần vào chỗ chí hướng mà tôi mong đạt đó. Tôi trị cái tay tôi, cả thân thể tôi, cho đến chừng nào nó thành một khúc gỗ, không còn biết cảm động, không còn xao lãng nữa. Tuy trời đất là lớn, vạn vật là nhiều, nhưng tôi chỉ thấy có con ve mà tôi muốn bắt đó thôi. Không gì có thể làm cho tôi xao lãng ngoài cái ý tôi muốn đó."
Đây cũng chính là tinh thần "chuyên tâm bảo nhất" mà người tu cần phải có vậy.
Đức Hưng Đạo Đại Vương cũng dạy người tu phải lập chí cho dũng mãnh. Ngài dạy:
"Muốn làm Tiên làm Phật phải lập chí cho dũng mãnh, có gan đoạn cắt những tương quan nhỏ hẹp giữa tình đời ân ái lợi danh, làm người đại nhơn quân tử, vì đời nên Đạo."
Câu chuyện về Thiền Sư Huệ Tịch đời nhà Đường bên Trung Hoa là một tấm gương về lòng quyết chí tu hành. Năm lên chín tuổi, Thiền Sư được cha mẹ đưa đến chùa Hòa An ở Quảng Châu để xuất gia. Đến mười bốn tuổi, cha mẹ lại đột nhiên bắt Sư về nhà để lấy vợ. Thiền Sư Huệ Tịch hỏi rõ nguyên nhân mới biết cha mẹ hồi đầu cho đến chùa xuất gia vì thầy bói nói mạng của sư phạm hung sát, nếu không đi tu, cầu sự gia hộ của Bồ Tát thì không cách gì nuôi dưỡng đến lớn. Nay ách vận đã qua, cha mẹ liền muốn Sư hoàn tục. Thiền Sư Huệ Tịch rất cảm động trước ân tình sâu nặng của cha mẹ, tuy nhiên, sau một thời gian xuất gia, Sư đã thấm nhập được vị đạo mùi thiền, lại không muốn cha mẹ lãnh lấy nghiệp báo do hành vi ngụy tín, tự tư tự lợi nên Sư quyết tâm không chiều theo tâm nguyện của cha mẹ. Biết rằng tranh chấp trên ngôn ngữ thì không ích lợi gì nên nhằm lúc người nhà không thấy, Sư dùng dao chặt củi chặt đứt hai ngón tay út và áp út của bàn tay trái, máu tươi tuôn dầm dề xuống mâm. Sư bưng đi gặp cha mẹ và quỳ mãi không dậy, cầu khẩn cha mẹ cho phép hoàn thành tâm nguyện cầu Phật Đạo của mình.
Cha mẹ Sư thấy rõ ý chí quyết tâm tu hành của con mình không dễ gì lay chuyển nên đã bằng lòng cho Sư trở lại tăng môn. Về sau Thiền Sư Huệ Tịch trở thành đại đệ tử nổi tiếng nhất của Quy Sơn Linh Hựu, thành tựu hệ phái tông Quy Ngưỡng trong Thiền Tông Trung Quốc và được mọi người gọi là Tiểu Thích Ca.
Trong đạo Cao Đài của chúng ta cũng có những tấm gương về lòng nhứt tâm và đức tin dũng mãnh, thà hy sinh thân mình chứ nhất định không chối bỏ đạo, trong đó có tấm gương tử vì Đạo của Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn Hoàng Ngọc Trác.
Thứ bảy, người tu cần phải siêng năng công phu tham thiền tịnh định vì đây là phương pháp hữu hiệu nhất giúp người tu an định nội tâm và chiến thắng được thất tình lục dục một cách dũng mãnh. Đức Mẹ đã dặn dò các con cái của Người như sau:
"Hỡi các con! Với tinh thần hành đạo dũng mãnh của các con Mẹ rất vui. Còn một việc là các con rán công phu tịnh định để thần an, trí huệ được khai thông mới khỏi lạc lầm điều quyến rũ của ma vương rấp ranh bên ngõ đạo. Mẹ vẫn biết các con đứa nào cũng đã lỡ mang duyên trần nghiệp tục sớm liệu chiều lo, nhưng các con phải luôn luôn giữ vững tinh thần trong mọi hoàn cảnh đang chi phối, ngõ hầu đạt đến mục đích cứu cánh cho các con và hoàn thành sứ mạng mà ngày nào các con đã lãnh lịnh ra đi." (01-01 Canh Tuất – 05-02-1970)
Tham thiền tịnh định chính là phương pháp giúp người tu mài thanh gươm trí huệ cho thật bén để chặt lìa oan gia trái chủ. Một khi gươm huệ chưa mài thì hành giả không mong gì chiến thắng thập tam ma đang vây chặt lấy người hành giả nơi chốn diêm phù. Thật vậy, Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy:
Muốn thử can trường kẻ học tu,
Còn chăng lưu luyến cõi Diêm Phù;
Chưa rèn gươm huệ chưa toàn thắng,
Phải phải làm sao đáng sĩ nhu.
(28-5 Tân Hợi – 20-7-1971)
Đức Lê Đại Tiên cũng khẳng định rằng:
Chỉ có tu thân thoát ngục tù,
Ngục tù thế sự quá âm u;
Tham sân si dục bền vây chặt,
Gươm huệ không mài nhốt vạn thu.
(22-5 Kỷ Dậu – 06-7-1969)
Trong quyển "Cái Dũng Của Thánh Nhân", tác giả Nguyễn Duy Cần cũng đã đề cao phương pháp tĩnh tọa để rèn luyện tinh thần đại dũng:
"Đạo gia hay Phật gia cũng dùng phương pháp tĩnh tọa bồ đoàn, lấy cái tịnh làm gốc cho công phu tu luyện để đạt đến tinh thần đại dũng.
Cái tâm trạng thanh cao mầu nhiệm và hùng dũng ấy đã được người xưa mô tả trong câu chuyện đắc đạo của Đức Phật sau bốn mươi chín ngày ngồi tham thiền tịnh định dưới gốc cây bồ đề. Chuyện kể rằng:
"Phật khi ngồi dưới gốc bồ đề, giác nhiên ngộ đạo, tâm trí sáng suốt, hào quang tủa khắp bốn phương… làm rung động cả vạn vật chung quanh.
Thần Mara, chúa tể các lực lượng của vật chất, của tội lỗi, của tối tăm… không thể chịu nổi khi biết có người vừa thoát khỏi cái vòng kiềm tỏa của mình, bèn đem cả đoàn binh ma tướng quỷ đi kiếm Phật.
Thần Cây, Thần Đất, cùng các vị thần của lực lượng tư nhiên đều nói với Mara: "Người ấy đã đắc đạo rồi. Ấy là người sáng suốt nhất, không còn một sự tối tăm nào ẩn được bên Người. Đi làm gì đó? Ngươi sẽ phải thất bại ngay. Người ấy là người không còn ai trong trời đất này thắng nổi nữa…"
Thần Mara tức giận, bèn hóa phép, nổi giông gió, làm cho cát bay đá chạy, đất nẻ, núi nghiêng… để khiếp hoảng Phật.
Thản nhiên, Phật ngồi như khúc gỗ, trong tâm lặng lẽ như không có việc gì.
Túng thế, Mara bèn nghĩ qua lấy danh, lợi, nữ sắc cùng những cái mà lòng người dễ xiêu động nhất để lay chuyển lòng Phật.
Lấy danh lợi để gợi lòng tham dục; lấy nữ sắc để gợi lòng luyến ái.
Nhưng cũng không làm cho Phật mảy may động lòng.
Đã đến lúc dùng đến oai vũ. Mara bèn ra lệnh cho binh ma tướng quỷ cầm gươm giáo xông vào, lấy tên lửa bắn vào mình Phật. Phật cũng vẫn thản nhiên, trong lòng bất động. Tên giáo vô gần tới là đã biến thành những đóa hoa thơm rớt chung quanh mình Phật.
Bấy giờ, Mara xấu hổ nổi trận cuồng phong bay về động phủ.
Văng vẳng nghe hai bên đường các vị thần của các lực lượng tự nhiên bàn bạc với nhau: "Người ấy là người không còn một sức mạnh nào trong đời thắng được nữa. Người ấy đã làm chủ cả sự vật trong trời đất rồi."
Mặt khác, tham thiền tịnh định cũng là một phương pháp dưỡng sinh giúp cho người tu có được một sức khỏe tráng kiện. Người xưa thường nói: "Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện." Do đó, nếu để cơ thể bạc nhược thì người tu cũng không thể nào đạt được một tinh thần dũng mãnh để tinh tấn tu hành.
Thứ tám: cầu nguyện.
Nếu như đã dùng mọi cách mà người tu vẫn chưa có được đầy đủ dũng khí để vượt qua những trở ngại thử thách thì cầu nguyện sẽ là phương cách giúp hành giả nhận dược sự trợ giúp từ Thiêng Liêng. Cầu nguyện và hướng thượng hằng ngày là phương cách tốt nhất để tự đặt mình trong vòng tay che chở, hộ trì của các Đấng. Đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã dạy:
"Nên nhớ rằng: mỗi một người tu hành trong lúc này đều có một bậc Chơn Linh hoặc Thiêng Liêng âm phù mặc trợ. Mỗi ngày nên tưởng niệm để nhắc nhở tâm thức, liên lạc thông công với phần Thiêng Liêng hộ trì. Nếu để trống không, Bần sĩ e khó tránh khỏi những tà quái ngạ quỷ giựt giành. Hãy nhớ câu truyền khẩu từ xưa rằng: Buổi hạ ngươn mạt kiếp, hễ con Phật, Phật rước; con ma, ma dẫn."
Sau cùng, để duy trì tinh thần dũng mãnh trên bước đường tu học, tự độ, độ tha, người môn đệ Cao Đài cần phải luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo:
Chư đệ muội nêu cao dũng khí,
Dứt bớt đi hệ lụy trần tình,
Thời gian sức lực để dành,
Lo thêm cho Đạo, chuyên cần quả công.
(17-02 Mậu Thìn)