Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Kỷ niệm 80 năm hoàn tất một giai đoạn lịch sử độc đáo nhứt trong thời Tam Kỳ Phổ Độ: ...
-
Chứng đạo hay đắc đạo được không đều do một chữ Tâm. Hành giả phải giữ tâm chuyên nhứt thanh ...
-
Ngoài cuốn ĐẠO ĐỨC KINH, Đức còn để lại cho đời nhiều cuốn kinh khác : KINH CẢM ỨNG dạy về ...
-
Thi văn Đức Bồ Tát trong Kinh Tam Nguơn Giác Thế Nhựt hoành nhị thập kiến giai thì Lục nhựt đạo thành ...
-
Đa số chúng ta đã tìm hiểu các triết lý đông tây kim cổ để tìm ánh sáng cho cuộc ...
-
Ấn giáo nêu lên bốn phương pháp giải thoát (moksha) gọi là yoga hay mârga.
-
Xuân là mùa hội tụ tinh hoa, hương sắc đất trời ; xuân mang nét thanh tân, hương vị ngạt ...
-
Đạo Cao Đài (tên gọi tắt của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ) được khai minh trên mảnh đất Việt ...
-
Sáng tinh mơ, khách dạo quanh vườn hoa kiểng, chợt bước vào nếp cỏ xanh, thấy lớp sương còn đọng ...
-
1) Trươc các tầng trời Ngài rạng rỡ uy nghi, Rộng lớn vô cùng và tế vi khôn tả Kìa, áo khoác ...
-
Có một lần, tôi cùng một người bạn đạo về dự lễ Trung Thu Hội Yến Diêu Trì tại Tòa ...
-
. . .Vũ trụ, quần sinh, và con ngưười có hai bình diện: - Một là bình diện Bản thể, duy ...
Nhịp cầu giáo lý
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 06/10/2006
Bản thể đại đồng nhân loại
Ví như nước biển là bản thể của hơi nước, của mây, của nước mưa, của suối, sông rạch . . .
Ví như cái phôi đầu tiên của sinh vật, là bản thể của tất cả các tế bào, của tất cả các mô, các cơ quan trong cơ thể sinh vật đó.
Còn bản thể nhân loại theo nghĩa "tính người" mà nói, là cái nhân bản phát sinh trước nhứt khi nhân chủng tiến hóa đến một nấc thang nhất định nào đó .
Nhưng xa hơn nữa, bản thể của vũ trụ vạn vật là gì ?
Bản thể vũ trụ vạn vật đã có từ lúc vũ trụ chưa hình thành, vạn vật chưa phát sinh, là Tuyệt đối thể. Phật gọi là Chân như. Lão gọi là Hư vô (Đạo). Dịch gọi là Vô cực.
Phật tánh nằm trong Chân như,
Chân tánh ở trong Hư vô,
Thiên tánh nằm trong Vô cực.
Chân như, Hư vô, Vô cực là một, là Bản thể tuyệt đối của vũ trụ vạn vật.
Phật tánh, Chân tánh, Thiên tánh là một. Tánh ấy ví như tâm điểm của một vòng tròn làm biểu tượng Bản thể tuyệt đối.
Cũng như Thái cực phát sinh từ Vô cực. Vô cực là Bản thể, Thái cực cũng là Bản thể vì Thái cực là động năng nguyên thỉ sinh ra vạn vật. Đến khi vạn vật tiến hóa do một quyền năng chủ sử, thúc đẩy tiến hóa, gọi là Hoàng cực, thì Hoàng cực cũng là Bản thể đối với chúng sanh đang trong quá trình tiến hóa.
Vậy tuy bản thể là Tuyệt đối thể, nhưng tùy giai đoạn vận động, biến dịch của vũ trụ vạn vật mà bản thể có một danh xưng tương ứng.
Nếu xét trên bình diện lịch sử tiến hóa của nhân loại, thì tuy mỗi dân tộc có một nền văn minh hay bản sắc văn hóa riêng, nhưng cái chung của những nền văn minh văn hóa ấy là những giá trị chân thiện mỹ được toàn nhân loại chấp nhận và nâng cao trên từng nấc thang tiến hóa. Tất cả đúc kết thành Bản thể đại đồng nhân loại. Bởi vậy, những gì gọi là tiến bộ, là tối tân, là phát minh, chỉ có giá trị thực sự khi nào nó thực sự phù hợp với Bản thể đại đồng nhân loại. Nghĩa là ở đâu và lúc nào, người ta cũng chấp nhận, cũng đồng cảm với mọi bản sắc biểu hiện được Bản thể đại đồng hàm ẩn trong văn minh văn hóa của các dân tộc.
Do vậy, Bản thể còn có ý nghĩa là cái tổng thể làm điều kiện cho sự phát sinh, biến dịch của mọi cá thể mà vẫn luôn luôn có mối tương quan với tổng thể ấy. Nên Bản thể đại đồng nhân loại là Bản thể trong lĩnh vực nhân sinh, dưới cái nhìn tổng thể thực tại nhân loại. Và Bản thể đại đồng này, truy nguyên vẫn có mối tương quan sâu xa bất biến với Bản thể tuyệt đối của vũ trụ.
Khi Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ dạy Cơ Quan PTGLĐĐ về việc nghiên cứu giáo lý, Ngài đã nhấn mạnh đến điều kiện Nhân bản-Đại đồng của nền giáo lý Đại Đạo :
" ... Hai hướng chính để chư hiền phát huy là :
- Xây dựng nền tảng giáo lý theo kịp trình độ văn minh khoa học hiện đại để phổ độ khắp thế giới nhân loại.
- Mặt khác làm xiển dương thánh ý: dân tộc Việt nam là dân tộc được chọn làm nền móng khai sáng cơ Đạo. Nên cần phát huy truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc theo đường lối Tam giáo qui nguyên, Vạn giáo nhất lý và Thiên nhơn hiệp nhứt, làm nổi bật thuần túy tính chất của dân tộc mà luôn khế hợp với Bản thể đại đồng nhân loại."
Thế nên nói cho cùng, Bản thể đại đồng chính là Nhân bản. Nhân bản có giá trị trường cửu và phổ quát nhưng những biểu hiện của nó, những nội dung hình thức phát huy từ nó thì vô vàn và nảy nở không ngừng ở khắp nơi và trong mọi dân tộc, mọi con người. Tất cả được xem là thuộc về Bản thể đại đồng nhân loại bởi vì đó là tinh hoa của loài người, vừa đánh dấu mức tiến hóa vừa thúc đẩy con người tiến hóa.
Ngược lại, những khuynh hướng phi nhân bản trá hình dưới lớp vỏ "hiện đại", "khoa học", "phát minh", để kích thích dục vọng con người, chỉ tồn tại nhất thời, đương nhiên không thuộc về Bản thể đại đồng nhân loại.
Lịch sử loài người đang đến thời kỳ phân hóa cùng cực, mối quan hệ giữa người và người, giữa các đoàn thể, giữa các quốc gia dân tộc, ngày càng rạn nức do trở nên vị kỷ, độc tôn, kỳ thị, thù địch, không còn nhìn nhận nhau bằng một giá trị đại đồng nào. Hậu quả đưa đến bạo lực, tội ác, chiến tranh. Thế nên , muốn lập lại hòa bình an lạc cho thế giới nhân loại, giáo lý Đại Đạo đã nêu rõ con đường qui nguyên phản bổn, khẳng định không còn con đường nào khác.
Qui nguyên là trở về gốc.
Cái gốc của các chủ thuyết chính trị chân chính là vì dân, tức lấy dân làm gốc.
Cái gốc của các giáo thuyết chân chính là sự hoàn thiện hóa con người, tức lấy sự hoàn thiện làm gốc.
Cái gốc của mỗi dân tộc là truyền thống văn hóa đạo đức, vậy văn hóa đạo đức là gốc.
Cái gốc của mỗi cá nhân là lòng thương người, vậy nhân ái là gốc.
Tóm lại, con đường qui nguyên sẽ đưa con người trở về lương tâm để gặp nhau trong tình nhân ái, trên nền tảng văn hóa đạo đức của cộng đồng dân tộc và nhân loại.
Vậy Bản thể đại đồng nhân loại có thể biểu diển bằng sự kết hợp các cấu thể :
Lương tâm (Nhân bản) + Văn hóa đạo đức dân tộc + Văn minh nhân loại
Cuối cùng Bản thể đại đồng nhân loại cũng nằm trong Đạo, tức trong Bản thể của vũ trụ vạn vật.
* * *
Tham Khảo :
Đạo Học Chỉ Nam ( Minh Lý Thánh Hội ): Nguồn gốc vũ trụ, người vật, đông tây, nay và xưa, ai cũng công nhận trong kiền khôn thế giới có một Bản nguyên Chủ tể làm trung tâm điều lý. Người vật bởi đó mà ra, vạn đức bởi đó mà vào. Thái cực chủ tể tự thân gồm cả các pháp vô lậu, nghĩa là Tự thể của Đạo chơn thiệt, hằng hữu truyệt đối. Về phần dụng (thì cái Bản nguyên đó) hiện ra vũ trụ, người vật, sự mầu nhiệm cực kỳ thâm vi, cực kỳ xảo diệu, không thể lấy ngôn ngữ để diển tả, lấy tư tưởng mà hình dung. ( CH. I,Tiết II,Mục A/2.)
Tư Tưởng Phương Đông ( Cao Xuân Huy, Nxb. Văn Học, tr.103) : Vì bản thể là cái gì rất phổ biến, rất rõ rệt mà đồng thời lại là cái gì rất cô quạnh, rất sâu thẳm, rất bí mật, cho nên nó là đối tượng nghiên cứu đầu tiên mà cũng là đối tượng nghiên cứu cơ bản của triết học chủ toàn. Chu Dịch, Lão Tử , Trang Tử, Mã Minh, Long Thụ . . . đều tư tưởng trong quỷ đạo của Bản thể (Thái cực, Đạo, Chân như ) . . . Họ cống hiến tinh lực cả một đời để nhận thức và tri giác cái Bản thể và để làm cho người học đạo thể nghiệm được, xúc mô ( tiếp xúc ) được, "mó xát" được cái Bản thể.
Dịch : Soán truyện Quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhơn :
" Đồng nhơn vu dã, hanh, lợi thiệp đại xuyên, kiền hành dã. Văn minh dĩ kiện, trung chính nhi ứng, quân tử chính dã. Duy quân tử nhi năng thông thiên hạ chí."
Người quân tử thực hiện được chính sách đại đồng với thiên hạ thì làm được việc lớn, nhờ ở sự sáng suốt , dũng mãnh, đem lòng trung chính mà tương ứng tương hiệp với người đồng tâm. Đó là bậc quân tử thông suốt được chí hướng của thiên hạ.
Thánh giáo giảng: " . . . Truyện của Trình Di nói : Chí của thiên hạ muôn thứ khác nhau, lý thì có một. Đấng quân tử biết rõ về lý, cho nên có thể thông được chí của người thiên hạ. Đấng thánh nhơn coi lòng của ức triệu người cũng như một lòng, là thông về lý mà thôi.
" Văn vẻ sáng suốt thì có thể thông về lý, cho nên mới rõ về nghĩa Đại đồng; lại mạnh mẽ sáng suốt thì có thể thắng được lòng riêng tây của mình, nghĩa là quên lòng cá nhơn , để chung lo việc của toàn thể đồng bào, cho nên làm xong trọn được hết cái đạo Đại đồng. Như thế rồi mới có thể trung chính, hợp với sự đi của Trời, cùng là chí của người thiên hạ bốn phương. " (Minh Lý Thánh Hội, Quẻ THĐN, Soán truyện, Giải nghĩa rộng.)
Chú thích :
[1] CQPTGL 19.02.Bính Dần