Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.
-
Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, mùng 7 tháng 6 Tân Dậu (8.7.1981) Quảng Đức Chơn Tiên: Mừng chư hiền hữu Thiên ...
-
Sống tự nhiên không phải sống xa rời xã hội nhân lọai; không chỉ uống nước lã, thở khí trời ...
-
“Khi các con đã thật lòng bác ái, các con không còn thấy người sang kẻ hèn, người dại kẻ ...
-
(Đàn cơ tại Nữ Đầu Sư Đường, 21giờ,16-8-Canh Tý; 06-10-1960) Phò loan: Cao Thượng Sanh, Trương Hiến Pháp. Hầu đàn: Bảo Thế, Nữ ...
-
Qua hơn 40 năm học Đạo và hành đạo tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, nhứt là qua những ...
-
CƠ QUAN PHỔ THÔNG GIÁO LÝ ĐẠI ĐẠO HUỆ NHẪN 12/2006 NGŨ CHI ĐẠI ĐẠO (Năm chi Đạo họ Minh) VÀ NHỮNG LIÊN HỆ VỚI ...
-
Đa số chúng ta đã tìm hiểu các triết lý đông tây kim cổ để tìm ánh sáng cho cuộc ...
-
Tóm tắt:Đạo Cao Đài là tôn giáo nội sinh ra đời tại vùng đất Nam Bộ vào năm 1926 với ...
-
THÁNH GIÁO tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời, 14-02 Giáp Dần (07-3-1974)
-
TÌM HIỂU PHÁP CHÁNH TRUYỀN Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chánh thức ra mắt nhân sinh vào ngày ...
-
Đức tin Cao Đài = Đức tin nơi Thượng Đế + Giác ngộ Luật tiến hóa hoàn nguyên + Sứ ...
-
Nhân dịp sắp đến ngày giỗ của Ngài Minh Thiện, Nguyên Tổng Lý Minh Lý Thánh Hội (Minh Lý ...
Huệ Nhẫn
Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 31/03/2012
Ông Năm Nhà Đèn - Nhân chứng sống từ thời Khai Đạo
Nội ô Tòa Thánh Tây Ninh trời đã về chiều.
Trong khung cảnh im ắng của khu vực phía sau Đầu Sư Đường, tôi vòng Honda vào bên hông nhà máy đèn, dừng lại cạnh cội me. Một đạo hữu trẻ đang ngồi xếp củi gần đó ngước lên nhìn, tôi gật đầu chào và hỏi:
-Ông Năm khỏe không em?
-Dạ, cụ vẫn khỏe. Huynh vào đi, cụ vừa ngủ dậy.
-Cảm ơn em.
Tôi bước qua bậc cửa, căn phòng hơi tối. Ông Năm đang cởi trần nằm trên võng như mọi khi, mắt nhắm nhưng tay vẫn phe phẩy quạt. Kéo nhẹ chiếc ghế đến cạnh cái giá võng cũ kỹ, xộc xệch theo nhịp đưa, tôi im lặng ngồi ngắm những vết nhăn trên làn da rám nắng của cụ. Làn da đã trải qua hơn một trăm mùa mưa nắng cuộc đời. Như cảm nhận có người lạ, cụ từ từ mở mắt.
-Chào ông Năm, ông Năm nhớ cháu không?
-Cậu Sáu đó mà. Bữa nay ghé đây chắc có hỏi gì nữa hả?
-Cháu ghé thăm ông Năm, sẵn dịp ghi thêm mấy chuyện xưa.
-Kỳ trước cậu có hỏi mấy việc, tôi rán nhớ hoài mà vẫn thấy mù mờ. Lúc này già rồi cậu Sáu ơi!
Tôi bật cười:
-Đâu phải, qua năm 2006 này ông Năm mới có một trăm lẻ bảy tuổi thôi chớ già gì! À! Mà ông Năm quê ở đâu vậy?
-Trước nay không có ai tìm hiểu nhiều chuyện chi tiết như cậu đó. Quê tôi ở Gò Dầu Thượng , làng An Thạnh, tổng Mỹ Ninh, Trảng Bàng; bây giờ không biết đổi tên gì. Lâu quá rồi tôi không về quê vì đâu còn ai.
Nhân đà câu chuyện tôi hỏi thêm:
-Bận trước, ông Năm có cho biết cha ông Năm tên Trần Văn Đại, mất năm Mậu Thân 1968, cháu quên hỏi năm ấy ông cụ bao nhiêu tuổi, còn bà cụ thân mẫu ông Năm…?
-Cha tôi mất lúc 98 tuổi, hình trên bàn thờ kìa, còn mẹ tôi tên Nguyễn Thị Thia, không nhớ mặt vì mất lúc tôi mới chừng 5-7 tuổi.
-vậy ông Năm còn anh em nào không?
-Tôi có ba người anh trai, anh hai Trần Văn Pho, kế là Trần Văn Ứng và Trần Văn Đăng. Đến thứ năm Trần Văn Khoa là tôi đây. Hai người em kế mất sớm không có tên. Bây giờ cũng chết hết rồi.
Tôi xoay sang chuyện Đạo:
-Ông Năm kể lại chuyện cha ông Năm nhập môn đi. Ông Năm có ghi ngày tháng vô sổ không ?
-Tôi không quen ghi chép sổ sách gì, nhưng nhớ. Đó là ngày 20 tháng Chạp năm Bính Dần. Hôm ấy nhằm chuyến thứ tư cha tôi chèo ghe mướn cho mấy người ở nhà máy đường Thanh Điền lên viếng lễ "Đạo mới" bên chùa Gò Kén. Cha tôi cũng chưa tin tưởng lắm nên nằm dưới ghe. Bỗng nghe có người chạy xuống bến kêu:
-"Ông Đại lên hầu đàn mau, Ơn Trên gọi tên ông đó."
Vậy là cha tôi lên cúng, được Ơn Trên ban cho bốn câu thơ với chức Giáo Hữu phái Thượng.
-Ông Năm nhớ 4 câu đó không?
-Nhớ chớ! Dường như tôi đọc cho Cậu Sáu nghe rồi mà!
Thật ra, do muốn kiểm lại trí nhớ của ông Năm về bài thơ, tôi giả lả:
-Cháu có ghi đây nhưng có mấy chữ viết tháu đọc không ra.
-Bốn câu Ơn Trên cho cha tôi như vầy:
"Đại công khá lập độ nhơn sanh,
Cải ác mà theo mối Đạo lành;
Chức Giáo Hữu phong cho đáng mặt,
Bỏ đời theo Phật gẫm nên đành."
-Hôm sau cha tôi may Thiên phục, vô Đạo luôn. Tôi cũng nhập môn theo cha.
-Bộ Thiên phục đó ai may? Mất bao nhiêu tiền ông Năm?
-Tám đồng, gởi cho mấy bà lãnh may công quả, không nhớ tên. Giá ngang cỡ 10 giạ lúa. Đó, rồi cha tôi nhận lệnh Hội Thánh đi "khai Đạo" vùng Giồng Dây, Bến Trúc, Trảng Bàng, đến khi mất.
Cầm ly nước do em trai ban nãy rót mời, tôi trao qua cho ông Năm. Đợi ông hớp được hai ngụm, tôi hỏi tiếp:
-Trước khi nhập môn vô đạo Cao Đài, ông Năm đã là đệ tử của Hòa Thượng Như Nhãn ở chùa Gò Kén, ông năm chắc có tâm đạo từ nhỏ?
-Không phải tâm đạo gì. Nhà nghèo quá, tôi xin cha cho qua phụ chùa để kiếm đồ cúng, xin về cả nhà cùng ăn.
-Ông Năm biết tại sao Hòa Thượng Như Nhãn lên chọn Gò Kén cất chùa?
-Hòa thượng Như Nhãn có sư phụ tên Đạt ở chùa Thiền Lâm Tự trong thị xã Tây Ninh. Hòa Thượng lâp ngôi chùa gần gần đặt cùng tên để mời Thầy qua cho rộng rãi. Bởi vậy tên chùa cũng là Thiền Lâm Tự. Nhiều người gọi Từ Lâm Tự là không đúng. Chùa cất chưa xong thì Sư cụ mất.
-Cháu có ghé thăm ngôi chùa trong thị xã rồi, gần cầu. Hòa Thượng Sư phụ ấy tên là Minh Đạt Thích Trí Lượng. Chữ Minh (Đạt) qua chữ Như (Nhãn) theo tịch: "Minh như hồng nhựt lệ trung thiên". Câu thứ hai trong Lâm Tế Gia Phổ Thiên Đồng Pháp Phát.
-Mấy chuyện cậu nói tôi không biết, nhưng tôi biết nhánh tu đó kỹ lắm. Hồi phục vụ cho Hòa Thượng Như Nhãn, như khi ông tắm phải để 2 cục xà bông, 2 cái khăn. Một cái xài từ thắt lưng trở lên, cái kia trở xuống. À! Mà tôi kể cho cậu nghe lễ cúng khởi sự xây chùa Gò Kén chưa?
Mặc dù nghe rồi nhưng tôi vẫn muốn cụ kể lại nên nói chưa nghe.
Đêm hôm đó, nhằm ngày nào không nhớ, trên cuộc đất định xây chùa, Hòa Thượng Như Nhãn bày bông trái, nhang đèn ra cúng. Cúng xong là đến khoảng nửa đêm, Hòa Thượng lấy một khung nhà nhỏ đan bằng tre dài chưa tới một thước, đặt lên giữa cuộc đất, rồi làm phép gì đó. Hòa Thượng nói với chúng tôi là sáng mai tiến hành xây chùa giờ nào cũng được.
-Chùa xây bao lâu? Lúc đó ông Năm làm thợ gì?
-Thợ gánh đất gánh gạch chớ thợ gì. Biết làm gì đâu mà thợ. Làm khoảng hơn năm mới xong. Chuyển đồ vô hơi xa. Hồi đó từ lộ vô bờ đắp đi bộ thôi. Sau ông Thái Thơ Thanh đổ đá làm đường xe chạy như bây giờ.
Câu chuyện của ông Năm và những câu hỏi của tôi, trải dài lại việc xây chùa Gò Kén qua đến cuộc lễ Khai Minh Đại Đạo; rồi đến việc dời chùa về đất mới lập Tòa Thánh. Là người có mặt tham dự, ông năm giải thích cụ thể nhiều tình tiết xảy ra lúc ấy. Thí dụ như khi được hỏi "cây ba nhánh" ghi trong Đạo Sử là cây gì? Ông cho biết đó là cây trâm "quần"; sau nhiều người lấy vỏ cây làm thuốc nên cây chết.
Cứ mỗi lần nhắc đến một vị Tiền Khai nào, ông Năm đều có chuyện để kể. Khi thì một kỷ niệm có liên quan trực tiếp với ông, hay hoặc một bài Thánh giáo dài về vị Tiền Khai ấy. Tôi phải thầm phục trí nhớ của cụ già đã trên trăm tuổi, ăn chay trường rất đạm bạc suốt năm bảy chục năm qua.
Những câu chuyện ông kể, tôi cho rằng đúng. Một số đã được đối chiếu khớp với các sử liệu chính thức. Sự tin tưởng của tôi còn do ở cử chỉ, giọng nói rõ ràng của ông; do ở đôi mắt luôn sáng và nhìn thẳng người đối diện. Nhiều khi cụ trả lời không nhớ hoặc không biết đối với những câu hỏi khá chi tiết của tôi.
Trời đã nhá nhem. Ông Năm đứng lên sửa soạn đốt lò dầu hâm lại thức ăn đựng trong chiếc nồi nhỏ, tôi vớt vát hỏi thêm vài câu:
-Ông Năm lên nhà đèn Tòa Thánh năm nào?
-Năm 1947, có người cho cái máy đèn, phải xuống sài Gòn học cách sử dụng rồi chở lên đây. Đức Hộ Pháp thấy tôi biết máy móc nên giao công việc này làm đến bây giờ. Trước đó, khoảng năm 1930, tôi có đi làm nhà máy đường Thanh Điền hơn 10 năm, làm chỗ phòng máy, nên biết.
-Rồi ông Năm có lên chức gì không?
-Có nhiều tên gọi nhưng không biết có phải là chức không. Còn chức sắc như Lễ sanh, Giáo Hữu thì không có.
-Vậy chức Tổng Giám nhà máy đèn, ông Năm có từ năm nào?
-Năm 1986, ngày 22 tháng 5 năm 1986. Giấy tờ tôi còn cất trong tủ kia.
-Đối phẩm Tổng Giám là Giáo Hữu, có khi nào ông Năm tính cầu thăng lên hay chưa?
-Từ hồi cha tôi, rồi đến tôi cũng vậy, được giao nhiệm vụ gì thì cố làm cho tròn, cho tốt, không nghĩ đến chuyện chức này chức kia. Phần thì trình độ cũng hạn chế. Mình được như bây giờ thì tốt rồi.
Khi ông Năm chuẩn bị hâm lại nồi cơm, tôi cảm thấy đã đến lúc ra về, nhưng cố hỏi thêm câu cuối:
-Lúc này ông Năm còn đi cúng trên Đền Thánh mỗi buổi sáng nữa không?
-Cái đó là chuyện hệ trọng của mình. Ai cũng cần đi cúng thường. Mình được may mắn ở trong này lại càng phải cố gắng hơn. Chỉ trừ mấy hôm bịnh nằm liệt giường thì thôi. Đã khỏe thì tôi đi cúng. Người bình thường đi trước 15 phút, mình chậm chạp đi sớm nửa tiếng, 45 phút. Gặp ai có xe chạy ngang chở dùm thì đỡ bữa đó; nếu không, đi bộ cũng tốt.
Câu chuyện với ông Năm "Nhà Đèn" đã đến lúc dừng. Cầm tay ông chào từ biệt, hình như tôi còn vướng víu chút gì đó, không phải vì chưa cảm ơn về những tư liệu sống động mà ông Năm đã giúp tôi thêm vào những dòng Sử Đạo, mà có lẽ, do sự kính mến đối với một con người hầu như đã dành trọn cuộc đời gắn bó với Đạo, không có gia đình riêng, chỉ lo việc tu hành.
Lái xe ra đến cửa Số Hai, trong lòng tôi thầm mong lần sau lên Tòa Thánh Tây Ninh vẫn thấy ông Năm "Nhà Đèn" chống gậy từng bước đi cúng thời sáng.