Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
22/11/2008
Huệ Nhẫn

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 31/12/2009

Hoàng cực

I.Nhận thức ban đầu về Hoàng Cực:

Trong nhiều Kinh sách Nho Giáo, từ Hoàng Cực đã được trân trọng nhắc đến. Hoàng Cực được xem như Vương đạo, chuẩn mực trị nước của những minh quân Trung Quốc thời xưa.

Hoàng Cực đầu tiên được đề cập trong Hồng Phạm Cửu Trù, ứng dụng của Lạc Thơ.

Kinh Thư đã ghi rõ sự tích xuất hiện Lạc Thơ: Đại Vũ thay cha trị thủy thành công, được Trời ban cho 9 số trên mai thần qui trên sông Lạc, nên gọi là Lạc Thơ. Thánh Đại Vũ từ đó luận ra Cửu Trù của Hồng Phạm. Hồng Phạm là phép lớn. Cửu Trù là 9 điều, 9 mục gồm:

1. Ngũ hành ; 2. Ngũ sự ; 3. Bát chính ; 4. Ngũ kỷ ; 5. Hoàng Cực ; 6. Tam đức ; 7. Kê nghi ; 8. Thứ trưng ; 9. Ngũ phúc Lục cực.

Nội dung Hồng Phạm Cửu Trù bao gồm hết sức rộng, từ vũ trụ, đến nhân sinh quan. Hồng Phạm Cửu Trù là cái dụng đầu tiên của Lạc Thơ.

Hoàng Cực lúc này là nền tảng của chế độ chính trị thời quân chủ, chánh danh cho vua;  định ra nguyên tắc, đường lối để cai trị theo vương đạo, không thiên lệch, chí công.

Một số Nho gia sau đó đã đi xa hơn khi nhận định về Hoàng Cực (chiếm số 5 ở trung ương Lạc Thơ). Xem Trung ương là tâm vũ trụ. Thiệu Khang Tiết, Từ Nguyên, Chúc Bật...đều định nghĩa Hoàng Cực là Thái Cực, là Đại Đạo hoặc là Trung Dung.

Đặc biệt, trong Đại Tạng Kinh Phật Giáo (tập 104) Minh Giáo Đại Sư viết Hoàng Cực Luận, phần kết luận sách ghi rõ:" Ai đặng có (HC) thì làm Thánh, ai noi theo đó thì làm hiền. Bằng bỏ mà không học đó là kẻ tiểu nhơn".

Đến Tam Kỳ Phổ Độ, nhiều kinh sách đã lý giải Hoàng Cực rõ ràng và nhiều phần về hình nhi thượng hơn. Các quyển: Trổi Tiếng Chuông Vàng, Chơn Pháp Lưu Truyền, Đạo Học Chỉ Nam...và nhất là Thánh Giáo Sưu Tập của Cơ Quan chúng ta khẳng định Hoàng Cực là một trong Tam Cực, cửa ngõ biến sinh vạn pháp và là "Ngôi Hội Đồng Phán Xét, là ngôi của Tòa Tam Giáo" mà"Đức Di Lạc Thiên Tôn là Hoàng Cực Chủ Nhơn, chủ trì Long Hoa Đại Hội thời Hạ ngươn mạt kiếp này".

II. Hoàng Cực trong Tam Cực:

Minh giải Hoàng Cực là một "thể" trong Tam Cực, tức, muốn nói đến chiều sanh, chiều phóng phát của vũ trụ. Đây cũng là Vũ trụ quan Cao Đài Giáo.

Tam Cực gồm Vô Cực - Thái Cực - Hoàng Cực. Có thể gọi chung là Đạo, là Pháp (theo Phật), là nguồn đầu của vũ trụ vạn vật.

Tổng hợp các kinh sách, Thánh giáo trong Đại Đạo giảng về thời kỳ tạo lập vũ trụ, chúng ta "tạm" hiểu rằng:

1. Vô Cực là thời kỳ Lý Chơn Nguyên còn bàng bạc, vắng lặng im lìm "...trong thời ấy, khí hồng mông đang hỗn độn, mờ mờ mịt mịt, lặng lẽ vô vi, thanh trược hỗn hiệp, kêu là Tiên Thiên Hư Vô Chi Khí". (Đại Thừa Chơn Giáo).

2. Trong biến chuyển nào đó " Vô Cực gom tụ Chơn Nguyên làm một điểm tại trung tâm" và "Một vật hồn nhứt nằm trong Hư Vô đang vươn lên hiện thể, đó là Thái Cực" (Đạo Học Chỉ Nam).

Khí Chơn Nguyên gom tụ ứng thành thể động, gọi là dương. Hết động lại trở về thể tịnh. Khí Chơn Nguyên tịnh trở lại Hư Vơ Chi Khí, nên gọi là trở về Vô Cực.

" Tuy có hai tên Vô Cực và Thái Cực nhưng không phải là hai ngôi riêng biệt, mà đó là hai trạng thái của một tự thể (hai mặt của một vật)"(Đạo Học Chỉ Nam).

Có thể gọi Thái Cực là thời thứ hai. Trong thời kỳ này tuy đã có âm dương tương đối, nhưng chưa đủ mức để phối hợp " – đang vươn lên hiện thể" – để qua đến thời kỳ thứ ba.

3. Khí âm (Vô Cực) hiệp đúng mức với khí dương (Thái Cực) thành thể thứ ba là Hoàng Cực. Hoàng Cực hỗn hiệp âm dương, từ đó xuất phát vạn pháp.

Xưa Đạo Đức Kinh và nay Đại Thừa Chơn Giáo đều dạy:"Một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật", sanh đây phải hiểu nghĩa theo Dịch lý là biến (sanh giả biến dã).

Có thể dùng một từ khác thay từ hỗn hiệp bên trên, đó là chữ  "Hòa" (hòa hiệp, hòa đồng).

"Trung là thể của Hòa,

Hòa là ngôi Hoàng Cực.

Hoàng Cực là tổng hợp của hai thể âm dương" (Đạo Học Chỉ Nam).

Một đoạn khác, kinh viết:"Có thể nói Trung cũng là Đạo, cũng là Thần, cũng là Vô Cực, cũng là Chơn Tâm...muốn đạt lý ấy phải chứng cho được động cơ Tạo Hóa là ngôi Thái Cực và hai thể âm dương".

Như vậy, ta có thể khẳng định Vô Cực - Thái Cực và Hoàng Cực tuy phân ra ba thời kỳ: một – hai – ba, nhưng đều là một khí Chơn Nguyên. Tam Cực đồng ngôi, đồng thể, khác nhau do động thái chuyển biến mà thôi. Hoàng Cực là thời điểm âm dương tác động, phóng phát, sanh sanh hóa hóa vũ trụ vạn vật. Nói đến Vô Cực - Thái Cực không thể quên Hoàng Cực được.

Đạo có phần thuận, phần nghịch. Phần thuận là chiều sanh hóa đã bàn trên. Cuối chu kỳ sanh hóa là đến con người. Và vì Hoàng Cực có "trách nhiệm" sanh hóa, nên cũng có "trách nhiệm" phần nghịch, hướng dẫn con người phản bổn hườn nguyên. Một phần trong nhân sinh luận.

III. Tam Cực và Tam Tài:

Tam tài đồng đẳng là yếu điểm giáo lý của Tam Giáo và nay của Tam Kỳ Phổ Độ, Tam tài là ba ngôi: Trời - Đất - Người. Người, như trên đã nói, nằm cuối chu kỳ sanh hóa. Ở con người Tiểu Linh Quang (được coi như là hạt giống phóng phát từ Hoàng Cực) đã thu thập, trưởng dưỡng, trở nên tối linh hơn muôn loài. Tiểu Linh Quang lc có đủ điều kiện, giúp cá thể ấy thăng hoa một cách tự do (tự do đây hiểu theo nghĩa trong kinh Đạo Học Chỉ Nam - mất tự do là vô minh) nên mới "tạm" được xếp đồng đẳng cùng Trời đất. Có thể dùng hình tượng một tam giác đều, có đỉnh phía dưới là Nhân, hai đỉnh trên là Thiên Địa. Thiên Địa có "với" xuống và Nhân phải "Vươn" lên (cở phẩm vị Thánh) mới có thể gọi đồng đẳng.

Về Tam Cực và Tam Tài, trí óc phàm phu làm sao dám bàn đến sự ứng hợp giữa Vô Cực - Thái Cực và Thiên - Địa, mặc dù mường tượng có thấy. Nhưng có thể nói đến một phần nào sự liên hệ Hoàng Cực và Nhân. Nhân phải học đức của Hoàng Cực để nhập thế và xuất thế.

Đầu tiên, khi nhận được "ma phương" Lạc Thơ, Thánh Nhân dụng trí siêu việt của mình định ra Hồng Phạm Cửu Trù, trong đó trung cung số 5 là Hoàng Cực. Hoàng Cực trong Cửu Trù trước hết dạy vua phải làm"người tiêu biểu mực thước, làm đầu muôn dân,đại diện cho Trời tại thế. Có thể nói là bậc hoàn toàn coi dân như con đỏ, chăm lo gầy dựng lo dạy dân, lo nuôi dân cho no ấm. Khác nào cha mẹ đem cả tình thương san xẻ, tạo lập sự nghiệp tương lai cho nó. Không phải vì ngai vàng, ngồi trên nhung lụa hút máu đồng loại nhân dân, mà vì dân vì nước, vì sự nghiệp lâu dài. Quên thân gánh vác khó khăn cho muôn họ..."(Đạo Học Chỉ Nam).

Trong quyển Hoàng Cực Luận. Minh Giáo Đại Sư viết:"Thiên hạ trung chánh chi vị Hoàng Cực" nghĩa là: Thiên hạ đặng trung chánh thì gọi là Hoàng Cực. Đại Sư giải: "Thánh Nhân xưa lấy Hoàng Cực so đo, suy luận với hàng vua chúa chẳng vì cớ nào khác hơn là muốn trị yên thiên hạ. Đem Hoàng Cực dạy dân là muốn thiên hạ đặng trị yên".

Đặng trung chánh từ việc nhỏ đến việc lớn thật khó lắm. Minh Giáo Đại Sư viết:"Người bán hàng dùng cái cân để chánh, người thợ mộc dùng cây thước để chánh. Đến khi dùng cái chi để chánh thân, chánh quốc gia thiên hạ, lại không biết đem Hoàng Cực ra để mà sửa cho chánh, thế thì không lẽ trí của Thánh hiền, hào kiệt lại thua các thợ thầy sao?"

Đó là bước một: học Nhơn Đạo trị thế. Bước hai vừa thời Nhị Kỳ Phổ Độ. Tiên Đạo, Đạo Đức Kinh giảng:"Nhân Pháp Địa, Địa Pháp Thiên, Thiên Pháp Đạo, Đạo Pháp tự nhiên" "pháp" là một động từ có nghĩa là bắt chước theo, học theo, làm giống như.

Tìm lý này ở đâu nếu không ở trong Kinh Dịch. Soán truyện quẻ Khôn (Địa): " Chí tại Khôn nguyên, vạn vật tư sanh nãi thuận thừa thiên..." Nãi thuận thừa thiên tức là vâng theo Trời, rõ là Địa pháp Thiên. Còn Nhân pháp Địa, con người học ở Đạo Khôn điều gì? Tiếp Soán truyện:"..Khôn hậu tái (tải) vật, đức hiệp vô cương..." Nghĩa là: Đức dày của Khôn chở hết các vật. Đức Khôn không bờ không bến.

Đi sâu thêm, ta chọn hai hào đắc Trung quẻ Khôn là Lục nhị, lục ngũ: Hào lục nhị "Trực phương đại" Trực nghĩa là chánh, ngay thẳng. Phương là vuông vức, không tà vạy méo mó. Có trực, có phương lớn rồi không hẹn mà đức nó tự lớn. Đức Thánh Trần dạy thêm:" Đọc hào lục nhị dầu không học Trung Dung, Đại Học cũng nhứt quán được thành ý, thận độc. Ý nghĩ ra phải thành thật đúng đắn. Cẩn thận những ý nghĩ ở chỗ cơ vi, nơi mà một mình mình biết..."

Đó là Nhân học khắc kỷ phục lễ. Đến hào lục ngũ quẻ Khôn mới thật đặc sắc:"Hoàng thường nguyên cát". Đức Thánh Trần giảng: "Hoàng là sắc vàng trong năm sắc, là ngôi Trung trong Hà Lạc đồ thơ...Thường là cái xiêm, Hoàng thường là cái xiêm vàng để choàng ở dưới, nghĩa là: đức Trung tỏ ra khiêm tốn, đặt mình trong đạo nhu thuận...Ôi! thử tượng bằng cái xiêm vàng, đó là lành tốt. Nguyên là lành mà thêm cát là tốt. Thật 64 quẻ trong nội ngoại Dịch Kinh không có hào nào ví được với hai chữ nguyên cát...Đạo Trời vận chuyển bằng Khí, Đạo Đất kết cấu nên Hình mà vạn vật được trọn đủ nên cát. Vả lại, Hoàng Cực ngôi Trung làm khu nữu sanh thành tạo hóa, Hình Khí bởi đó mà ra...Hoàng l Trung mà thường là hạ. Nhờ cái thấp kia mà sông rạch đổ về. Nhờ cái Trung này mà bốn mùa trật tự, vạn hữu sống còn. Nên tôn ngôi là Hoàng Cực..."

Thật là kỳ diệu ! Rõ ràng Hoàng Cực không chỉ có trong Kinh Thư mà còn có trong Kinh Dịch.

Tiếp qua phần văn ngôn cũng của hào lục ngũ:"Quân tử hoàng trung thông lý, chính vị cư thể, mỹ tại kỳ trung nhi sướng ư tứ chi..." dịch nghĩa: Đấng quân tử ở trung ương (thổ) màu vàng, thông suốt mọi lẽ. Tuy ở ngôi vua mà giữ thể dưới. Những cái tốt đẹp bên trong phát xuất ra tận ngoài tay chân.

Giải được "hoàng trung thông lý, chánh vị cư thể" là bước thêm một bước dài "qui nguyên". Phải mượn Đạo Học Chỉ Nam chương Hoàng Cực Đại Trung:

"Đường phục mạng qui căn theo nhứt dương sơ phục, trở về với chơn tâm Kiền đạo, lòng được sáng trọng, lấy dương chế âm, để hoàn phản về ngôi Thái Nhứt mà muốn đạt ngôi Thái Nhứt phải thấu rõ Đạo Hoàng Cực qui Trung". Xin nhấn mạnh lại, thấu rõ Đạo ở chỗ Hoàng Cực qui trung phải chăng là "Hoàng Trung thông lý" còn "chánh vị cư thể" rõ l phải trở về với chơn tâm Kiền đạo. Chánh vị là Kiền Khôn phải định vị trong thân theo Tiên Thiên - Kiền trên Khôn dưới. Không thể chánh vị nếu Ly - Khảm hậu thiên chiếm lĩnh trục này.

Muốn được "chánh vị cư thể" phải chiết hào dương của Khảm dưới, điền vào hào âm của quẻ Ly. Để Khảm Ly đắc thành Kiền Khôn.

Đạt được như vậy, đương nhiên cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái, trong người thấy vui sướng "mỹ tại kỳ trung nhi sướng ư tứ chi". Lúc này đã có thể bắt chước Phật Di Lạc, ngồi tĩnh tọa mà miệng luôn cười mĩm.

IV. Thế pháp Hoàng Cực:

Tam Kỳ Phổ Độ, nhân loại được may duyên biết rõ Đức Di Lạc Thiên Tôn là Hoàng Cực chủ nhân. Phần thế pháp Hoàng Cực, chúng tôi xin được trích Thánh Giáo Sưu Tập lời dạy của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư tại Trúc Lâm Thiền Điện ngày 7-4 Canh Tuất:

"...Hỡi chư hướng đạo lãnh đạo! Hỡi dân tộc Rồng Tiên!...

Đời mạt kiếp đã đến, Long Hoa Đại Hội đã gần kề, cuộc luân chuyển Hạ Nguơn đang xoay vần biến ci. Bất cứ một công việc dù to lớn hay nhỏ nhoi cũng đều là một tiến trình nối đuôi nhân quả. Chiếc vòng sàng sảy cuối cùng chung kết đang diễn biến giữa toàn thể cuộc diện nhân sanh trong các cuộc thi đua, ngày giờ sau rốt mới định được ai bại ai thành...

Những thành phần vô ích cho sự tái lập dinh hoàn, xây dựng đời Thượng Nguơn Thánh Đức sẽ lần lượt nối chân nhau tự diệt. Những cái hữu ích cho chánh đạo cứu đời, những cái còn sử dụng cho giai đoạn kết quả cuối cùng, những cái dùng để lập  lại Thượng Nguơn mới hy vọng sống còn.

Cái tính chất bảo tồn, cái bản chất giữ lại, cái nguyên nhân xây dựng thế cuộc an bình là Đạo, là Hoàng Cực, hãy thi hành Vương Đạo. Hoàng Cực hay Vương Đạo là ngôi Di Lạc Thiên Tôn...

Hỡi thế nhân! Di Lạc Thiên Tôn Hoàng Cực Chủ Nhơn là ngôi Thánh Thần, là ngôi Hội Đồng Phán Xét, là ngôi của Tòa Tam Giáo, cũng là ngôi của cuộc đời...

Di Lạc Hạ Nguơn là thế pháp sửa loạn thành trị, đồi cùng thành thông, chuyển bỉ thành thới. Như vậy, với nụ cười phúng thích mà chư đạo hữu đã tạo nên pho tượng Di Lạc Thiên Tôn...

Bần Tăng bảo cho: Muốn biết Long Hoa Đại Hội khai diễn như thế nào? Muốn biết Di Lạc Thiên Tôn của thời Hạ Nguơn mạt kiếp, hãy dừng chân lại tất cả trước bao nhiêu dục vọng ươn hèn. Hãy bình tĩnh để tìm thấy ánh sáng huy hoàng của Chủ Nhơn Hoàng Cực. Hoàng Cực tức là ngôi Trung Hòa giữa Thiên Địa Vạn vật vậy..."

Thánh giáo  của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy quá rõ ràng, tưởng không cần nói thêm chi nữa.

Tạm kết:

Qua phân tích chi tiết, tự nhiên một bố cục tổng quát lại hiện lên khá rõ ràng:

Theo chiều Sanh, Hoàng Cực phóng phát vạn hữu. Vạn hữu tiếp tục theo chiều thuận, tiến hóa đến con người. Đến đây vòng tiến hóa bắt đầu "nghịch hành phản bổn". Thời gian càng lâu về sau, càng kéo dài, sự thôi thúc phản bổn càng tăng nhanh, ban đầu Hoàng Cực dụng Vương Đạo dể trị thế, tiếp đến dạy con người biết trị thân "khắc kỷ phục lễ" và sau đó dạy đạo pháp xuất thế.

Đến Tam Kỳ, Hoàng Cực dụng thế pháp tận độ kèm theo đặc ân " Đại ân xá". Linh quang nào không vượt qua được đợt khảo thí cuối cùng phải chịu phán xét, cũng do Hoàng Cực chủ trì.

Hoàng Cực "Quán tam tài chi nhứt" đầy đủ cả Thiên Đạo - Địa Đạo - Nhơn Đạo.

Bên trên Hoàng Cực là "cửa thu phát mệnh lệnh, thông công cùng Tam Cực". Nơi người là "Trung tâm mầu nhiệm, đồng thể cùng Trời đất. Người nương đó mà chứng quả thoát kiếp luân hồi".

Học Hoàng Cực, người Cao Đài chúng ta lại được thêm một minh chứng, minh chứng rằng Tam Giáo Đạo hội tụ về Đại Đạo. Khởi thủy Nho gia phát kiến Hoàng Cực, đến Hạ Nguơn, Long Hoa Đại Hội lại do một vị Đại Phật chủ trì.

Lại khởi đầu tại Việt Nam.
Huệ Nhẫn

Xuân đến con vui với tiết xuân,
Hãy đem đạo lý độ người trần,
Trong cơn mê muội xa ngôi vị,
Thức tỉnh lên đường học thánh nhân

Đức Chí Tôn, Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ, 08-02-1967

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây