Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
06/12/2009
Kim Dung

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 31/12/2009

Nhứt tâm nhứt đức điểm tô Đạo Trời

Thánh thất hay Thánh tịnh vẫn là một hình thức, một mục đích, một tổ chức, khác nhau tịnh hay thất chỉ là vì: Tịnh là nơi ôn dưỡng của các bậc xuất gia hành đạo; Thất là nơi hội đàm của các hàng đạo hữu Thánh tâm trong Đại Đạo. Vị trí duy nhứt trên đường tu thân học Đạo của con người không ngoài Thánh thất, Thánh tịnh và không ngoài Cửu Phẩm Tam thừa.

Về ý nghĩa:

• Thánh thất cũng là tượng trưng cho hình thể Chí Tôn Đại Từ Phụ, trong đó có cả Thượng Đế và vạn linh → Thánh Thể.

• Thánh Thể của Đức Chí Tôn gồm có 3 phần: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài. Ba Đài hiệp lại thành một Thánh Thể chung.

• Thánh Thể hữu hình (còn) tượng trưng cho guồng máy Đại Đạo xoay vần trong Càn Khôn thế giới.

• Thánh Thể Chí Tôn là một Ngôi phô bày Tạo Hóa siêu nhiên ẩn tàng một cái Lý Duy Nhứt vô cùng tận của Tạo Hóa. Trong cái Lý Duy Nhứt gồm cả Vô Vi và hữu hình.

• Thế nên Vô Vi tâm truyền là cơ vận hành chuyển luân vũ trụ để vạn vật thừa tiếp khí Tiên Thiên cho mưa thuận gió hòa, cho hóa sanh trưởng dưỡng, Trời cũng đó mà người cũng đó, nên gọi là ĐẠO.

• Thánh thất cũng tượng trưng cho lớn nhứt là vũ trụ, nhỏ nhứt là bản thân cá thể của con người cho đến từ cá thể côn trùng, thảo mộc, bò bay máy cựa nữa.

• Tịnh thất là một phương tiện giáo hóa nhơn sanh ở từng địa phương và cũng là các nguồn lạch của Tòa Thánh, Hội Thánh.

• Thánh thất là trường giáo dân. Đức Lý Giáo Tông dạy:

Đừng quan niệm xây dựng Thánh thất và kiếm được một người thủ tự để bốn thời quỳ hương cúng nước là đủ. Thượng Đế Chí Tôn không bảo làm việc quá nghèo nàn ít oi như vậy. Vì, như đã nói: Thánh thất là trường giáo dân, ngoài chỗ thờ phượng tôn nghiêm đơn giản, nếu mỗi Thánh đường dùng mọi trang trí lộng lẫy huy hoàng tôn nghiêm tráng lệ mà chung quanh vùng đó chưa có nhiều người vào đạo, hiểu đạo, thậm chí đến con em trong gia đình hướng đạo cũng không được sự dạy dỗ đạo lý, đó là trái với mục đích mở Đạo của Thượng Đế Chí Tôn. Vì loài người còn đối tệ với nhau, còn độc ác hung dữ, xử sự với nhau trái với đạo lý, nên Thượng Đế mới mở Đạo để cải tạo tư tưởng.

Do đó từ trong gia đình (gia đình là tế bào của xã hội, là trung tâm chăm sóc tâm hồn trẻ, gia đình cũng là cái nôi giáo dục con người lúc đầu đời), nếu bậc làm cha mẹ thiếu chăm sóc, dạy dỗ con em mình, thiếu đường lối học hỏi giáo lý Đại Đạo hướng về tôn chỉ, mục đích, thì làm sao chúng biết Thầy hiểu Đạo được.

Vì không hướng dẫn, dạy dỗ chúng, làm sao chúng không trái ý mình hoặc phá Đạo. Đức Lý dạy:

Bần Đạo muốn thấy mỗi một Thánh thất Thánh tịnh ý thức thể hiện được một hình thể tạm gọi là trường giáo dân. Trước nhứt là giáo dục con em trong gia đình đạo hữu để làm đà tiến cho các lãnh vực rộng rãi khác trong khuôn viên đạo đức.3

Đạo lý không chỉ trọn vẹn trong giáo điều, kinh sách mà phải tràn lan trong sự thế, trong nhựt dụng thường hành của nhân loại. Chấp nhận điều ấy, con người học Đạo, hiểu Đạo, hành Đạo sẽ ý thức việc tạo lập một xã hội được an lạc, trật tự để thực hiện hạnh phúc cho nhơn sanh.

– Một tổ chức, một xã hội lớn hay nhỏ đều là những tập hợp gồm nhiều cá nhân.

– Mỗi cá nhân là một đơn vị cơ bản cho tập thể, ảnh hưởng đến tập thể.

– Do đó một xã hội an lạc, trật tự có được là do tự lòng người, tự mỗi cá nhân có được mà xây dựng nên.

Mọi hành động của con người đều do nội tâm xuất phát.

Nếu đem Đạo cải tạo tư tưởng con người thì những thói hư tật xấu, những điều độc ác thất đức bất nhân sẽ bị tiêu diệt ngay từ trong trứng nước ở nội tâm, thì còn đâu mà bộc phát những hành động.

Thế nên Thánh thất, Thánh tịnh phải là trường Đạo giáo dân, dạy cho nội tâm con người hướng thiện, biết làm thiện, con người biết bảo vệ sự sống cho nhau, thương yêu nhau thì không còn sát hại nhau nữa.

Mỗi tín đồ (hiện thân Thầy tại thế gian) luôn luôn giữ cho mình là những viên gạch tốt, những hạt cát tốt, những hạt xi măng tốt, sẵn sàng chuẩn bị để xây một lâu đài chắc chắn nguy nga tráng lệ. Ngôi nhà ấy là tòa lâu đài Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là tòa Cao Đài nội tại trong mỗi người, là hiện thân Thánh Thể của Đức Chí Tôn tại thế.

Mỗi một tín hữu hay chức việc, chức sắc là một điển hình cho Đại Đạo.

Mỗi một tín đồ của Đại Đạo là một Thiên ân. Mỗi một Thiên ân là một sứ mạng phải được hoàn thành khi đã được Đấng Chí Tôn Thượng Đế ban trao.

Một tín đồ là một động cơ của công cuộc tương lai cho nền chánh pháp.

Điểm tô Đạo Trời về mặt tâm linh

Như thế, điểm tô Đạo Trời, làm đẹp về mặt hình thể Thánh thể Đức Chí Tôn đó là điều kiện cần, mà điều kiện đủ là điểm tô về mặt tinh thần (tâm linh), làm sáng cái Đạo tự hữu nơi tâm linh của mỗi người tín đồ như lời Ơn Trên dặn dò. Bởi vì Thượng Đế khai mở Đại Đạo là khai sáng mối Đạo trước nhơn sanh để con người được khai sáng tâm linh nơi tự mỗi con người, sau đó phổ truyền đến nhơn sanh. Đó chính là Khai Minh Đại Đạo cần và đủ nhứt.

Đức Đông Lâm Tiên Trưởng dạy rằng: "Biết soi sáng vào mình thì mới thấy cơ năng hoạt động, sẽ hòa theo nhịp điệu Hóa Công mà phát huy cho công năng của nhân sinh, của vũ trụ. Đó gọi là Khai Minh Đại Đạo vậy."


Chúng ta ý thức điểm tô làm đẹp hình thể của Thầy tại thế gian thì cũng ý thức điểm tô làm đẹp tâm hồn người tu hành học Đạo. Đó là tự mình khai minh Đại Đạo nơi mình và đó cũng là làm sáng danh Thầy danh Đạo về mặt tinh thần. Đây là điều cốt lõi nhất vì nếu hình tướng đẹp mà đạo hữu nơi tịnh thất lại khảo đảo nhau, gây gỗ, không thương yêu nhau, tranh giành, ganh hiền ghét ngõ, hại nhau không khác ngòai đời, thì sẽ không còn ý nghĩa gì là nơi kính bái tôn nghiêm tu học nữa.

Tại sao con người phải hành đúng Đạo? Vì:

"Người sinh ra bởi Đạo, thì Đạo tức là người, thì người phải làm sáng cái Đạo, tức là người phải ra người để tự cứu cánh và ảnh hưởng đến vạn vật."


Muốn hiểu Đạo con người phải học giáo lý, thường xuyên đến môi trường Đạo là trường giáo dân.

"Đến chùa thất rửa lần tội lỗi,

Nghe kệ kinh tắm gội linh hồn."

Nhờ học giáo lý chúng ta mới hiểu được bổn phận rất quan trọng nơi người tín đồ Đại Đạo. Đức Lý Giáo Tông dạy phẩm chất cần có của người tín đồ Cao Đài:

Người đạo Cao Đài là gương mẫu, là chiếc đò, là nhịp cầu đưa khách từ bến mê sang bờ giác, là điện đài thu phát động năng thúc đẩy sự thống hợp giáo lý, là tính chất của Tạo Hóa kết hợp sự thương yêu cho toàn diện thế giới nhơn loài."

Một bổn phận không nhỏ của người tín đồ theo yêu cầu trên, từ đó chúng ta thấy được sứ mạng của trường giáo dân nơi tịnh thất quá quan trọng để tô điểm cho nền Đạo cũng không nhỏ chút nào.

Hơn thế nữa, các Đấng còn dạy người tín đồ Đại Đạo luôn đứng trên lập trường thuần chơn vô ngã và tràn đầy tình yêu thương nhân loại, không còn cái ta mà nhìn mọi người là anh em.

Đức Ngô Đại Tiên dạy về bản thân:

"Người tín đồ của Thượng Đế

–Không phân chấp ngã nhĩ.

–Chẳng luận sắc tóc màu da.

–Không chia chi rẽ phái.

–Không nhìn nhận sự chia rẽ giữa các hình thức tôn giáo.

Vì chỉ có một bàn tay của Thượng Đế, tùy thời kỳ, tùy trình độ địa phương, tùy duyên nghiệp, đến mở Đạo cứu đời."


Đức Ngô Đại Tiên dạy khi đối với mọi người, mọi tôn giáo:

Người tín đồ Cao Đài:

"–Luôn luôn tôn trọng các xu hướng tín ngưỡng.

–Đem tình thương hòa đồng khắp cả mọi giới.

–Đem thiện cảm gieo rắc mọi nơi để người người đều nhìn nhận cái lý duy nhứt là cứu thế qua khỏi cơ tận diệt, hầu xây dựng hòa bình hạnh phúc nhân loại dưới ngưỡng cửa Đài Cao."

Điểm tô Đạo Trời về mặt phổ độ chúng sanh

Kỳ Ba này, với chủ trương tận độ quần sanh, cả chư Thần Thánh Tiên Phật đều phụ tá Đức Thượng Đế dạy Đạo.

Đức Quan Thế Âm:

"Thánh Thần Tiên Phật nhộn nhàng

Đồng vâng Ngọc Sắc cứu an cõi trần."


Phần hữu hình phục vụ cho hữu hình, người tín đồ Đại Đạo cũng đóng góp phần mình vào sứ mạng Kỳ Ba để lập công bồi đức. Bởi vì theo lời Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy:

"Trong thời Hạ nguơn mạt kiếp, mỗi người Thiên ân, mỗi vị tín hữu đều có sứ mạng tận độ quần sanh, kịp đến kỳ Thánh đức, sau Hội Long Hoa và tiến đến chỗ vô sanh bất diệt."

Ngài tiếp một đoạn khác:

"Đã là một Thiên ân Hướng đạo, đã là tín đồ của Đức Thượng Đế Chí Tôn phải chấp nhận sứ mạng Phổ Độ Kỳ Ba."


Đức Đông Phương:

"Hiện giờ đây, các em là những tín hữu, những Thiên chức, dầu muốn dầu không cũng đã là những người có nhiệm vụ làm sáng tỏ ngọn đèn Đạo để cho chúng sanh nhìn vào đó cùng hòa cùng tiến."


Việc thực hiện Sứ mạng Phổ độ Kỳ Ba này, người tín đồ Đại Đạo, ai cũng có thể làm sáng tỏ ngọn đèn đạo lý.

Đức Vạn Hạnh Thiền Sư:

"Là hàng tín hữu, tùy theo hoàn cảnh, sở năng sở hữu, sở trường của mình mà đem Đạo giúp đời, ai ai cũng có thể làm được.

–Một lời nói hữu ích sẽ cứu mạng người không cần đến quyền lực của cải.

–Một lời nói phải thời, đúng lúc sẽ thay đổi cuộc diện vĩ đại.

–Một cái nhìn hiền hòa sẽ gây được bao nhiêu thiện cảm thành được đại sự.

–Một cái nhìn khả ố có thể làm vong mạng không cần gì đến gươm đao súng đạn.

–Một cái nhìn sẽ là một an ủi vô biên cho người sa cơ bất hạnh bạc phước.

Như vậy muốn làm được việc góp bàn tay vào trong việc độ dẫn quần sanh mà người tín đồ Đại Đạo phải có nhiệm vụ tự rèn luyện bản thân mình cho nên Đạo."

Đức Đông Phương dạy:

Là người tín đồ Đại Đạo của Trời, phải noi theo hành động của Trời mà làm theo, khi làm được tức thị đã thể hiện, đã hoằng khai được Đạo vậy. Và khi đã thực hiện được Lẽ Đạo ấy rồi, sự phổ độ chúng sanh rất dễ dàng."

Đức Chí Tôn dạy:

"Muốn sửa lòng ngắm lòng Từ Phụ,

Tu thân nhìn vũ trụ là thân

Thái Sơn, biển cả, vi trần

Tình thương chứa đựng trong phần vô tư."

Thêm nữa, là người tín đồ Đại Đạo, lại là người Việt Nam được đặc ân của Đức Thượng Đế trong Kỳ Ba này là dân tộc được chọn, nên đã mang mặc Sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Một sứ mạng trọng đại và gian khổ.

Một trách nhiệm lớn lao và cao thượng, Thượng Đế đã giao cho dân tộc nhỏ bé này.

Đức Lê Đại Tiên bảo rằng :

"Dầu muốn hay không nhận, sứ mạng vẫn được giao phó. Dù muốn hay không, để được sinh tồn giữa dòng nước lũ, con người phải cố gắng vượt lên.

Người giáo đồ Đại Đạo mấy mươi năm qua, sự hy sinh không phải là ít, nếu không nói là to tát ở giai đoạn đã làm cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hiện thành thật tướng."

Sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Sứ mạng Cao Đài giáo là làm hạt nhân để vận dụng huyền linh Đại Đạo giúp các tôn giáo lập thành thực thể Đạo Cứu Thế Kỳ Ba này. Quan trọng như thế.

Đức Lý Giáo Tông dạy:

"Đại Từ Phụ dựng Cao Đài nơi vùng Đông Nam Á này để làm Quyền pháp. Chính sứ mạng quyền pháp này thúc đẩy mọi sở vật thực tại tôn giáo kết thành thực thể Đạo Cứu thế trong Tam Kỳ Phổ Độ cũng như cái ngòi gà trong quả trứng vậy."


Đức Chí Tôn dạy:

T"hầy sắp cuộc dinh hoàn tái tạo,

Dụng huyền linh Đại Đạo vận hành.

Quyền Thầy hiệp cả vạn sanh,

Đông Tây kim cổ lập thành tương lai.

Trước xây đắp Cao Đài Thánh Đức,

Dụng Nam bang làm mức phóng khai,

Dân Nam Sứ mạng Cao Đài,

Năm châu bốn bể hòa hài từ đây."


Có phải chăng lời dạy ngắn gọn trên của Đức Chí Tôn cho chúng ta thấy cả kế hoạch cứu độ của Ngài.

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là công cuộc tái tạo dinh hoàn, nghĩa là công cuộc phục hưng cơ Đạo vào cuối chu kỳ tiến hóa của nhân loại.

Trước hết Đức Chí Tôn lập đạo Cao Đài (hình tướng là Thánh Thể Ngài thể hiện qua Hội Thánh, Thánh thất, Thánh tịnh…) Ngài ban trao sứ mạng cho dân tộc Việt Nam phát khởi đại cuộc dung hòa tổng hợp tinh hoa nhân loại từ xa xưa đến hiện đại, từ văn hóa đạo đức Đông phương đến Triết học Tây phương để thực hiện mục đích Thế đạo Đại đồng nhân loại.

Chúng ta đang ở thời Tam Kỳ Phổ Độ, đây là một giai đoạn cực kỳ quan trọng trên lịch sử diễn tiến của nhân loại trong kỳ hạ nguơn.

Đức Lý Giáo Tông dạy (1986):

"Đây là thời kỳ có một không hai trong quá trình diễn tiến tâm linh nhân loại. Vì được diễm phúc hồng ân lớn lao duy nhứt Thượng Đế giáng lâm lập Đạo cứu độ và tận độ, nhơn loại cũng đang thời kỳ tiến đến cơ mạt kiếp, ác nghiệp chồng chất bao đời cũng đến hồi tác động với muôn ngàn tai họa khủng khiếp.

[…] Trong giai đoạn lịch sử này không làm tròn sứ mạng có một không hai này thì vĩnh viễn không còn cơ hội nào khác để thực hiện."


Tóm lại, thời điểm đặc biệt thời Hạ nguơn, sứ mạng quá trọng đại cho dân tộc được chọn. Hồng ân Thượng Đế quá to tát cho nhân loại. Là người Thiên ân sứ mạng, là người tín đồ Cao Đài cần suy nghĩ.

Đức Cao Triều Phát dặn dò:

"Nếu người hướng đạo lãnh đạo không lưu ý về điểm đó, vị tất đã hoàn thành sứ mạng. Người Thiên phong Chức sắc không lưu ý điểm đó vị tất đã xứng đáng với chức vị của mình. Người tín đồ đạo hữu không lưu ý đến điểm đó, vị tất độ được bản thân."


Chúng ta điểm tô trụ tướng Thánh Thể tốt đẹp, khang trang, cũng nhớ điểm tô cho tâm linh mình sáng đẹp như vậy (làm sáng cái Đạo tự hữu của chính mình). Rồi sau đó đủ thần lực để phổ độ nhơn sanh thoát khỏi cơ mạt kiếp mà hạnh hưởng đời Thượng nguơn Thánh đức.

Ai là người nhứt tâm nhứt đức đem hết tâm thành điểm tô đạo Trời cho hoằng dương chánh pháp?

Chúng ta nguyện "quyết tâm nắm cờ Đại Đạo, cắm khắp mọi nơi ngõ hầu cứu độ toàn nhân loại."

Đức Đông Phương:

"Tay nào đắp Đài Cao đất Việt,

Tay nào xây Thánh triết Nam Bang,

Làm cho mối Đạo huy hoàng,

Làm cho rạng rỡ họ hàng Rồng Tiên.
Kim Dung

Là môn đệ Cao Đài Thượng Đế,
Phải dặn lòng phước huệ song tu,
Ấy là công quả công phu,
Thương người mến vật vận trù nội tâm.

Đức Giáo Tông Đại Đạo, CQPTGL, 29 tháng Chạp Mậu Ngọ

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây