Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
09/09/2014
DAT TUONG

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 09/09/2014

TRUNG THU HỘI YẾN HIẾN DÂNG LÊN ĐỨC MẸ


TRUNG THU HỘI YẾN
HIẾN DÂNG LÊN ĐỨC MẸ


Hằng năm, cứ đến ngày Trung Thu Hội Yến, nhìn lễ phẩm được chuẩn bị dồi dào trang trọng để hiến dâng lên Đức Mẹ và các Đấng Thiêng Liêng, chúng ta hân hoan nhận thấy tấm lòng thành kỉnh hiến dâng của bổn đạo rất to lớn. Tuy nhiên, cũng có gợi lên một ít suy tư khi chúng ta nhìn thấy có một số dĩa quả tử có thêm mảnh giấy đề tên một cá nhân hay gia đình nào đó.
Vấn đề đáng để suy gẫm là:
- Có sự so đo vị trí đặt lễ phẩm: Phần đông ai cũng muốn “dĩa bánh trái” của mình được đặt ở vị trí tốt nhất trên Thiên Bàn. Vì quá nhiều phần riêng mà diện tích bàn thờ lại ít nên có sự xê qua dịch lại, từ đó nảy sinh lời qua tiếng lại, buồn phiền lẫn nhau!
- Sau khi cúng xong, việc nhận lại phần riêng và thọ lộc cũng tạo ra hình ảnh không hay bởi sự mất trật tự và bởi không khí thể hiện tâm lý vị kỷ cầu mong ân phước chi đó! Đã có vị xin được uống rượu trong Hội Yến đến mấy lần!
Nhân mùa Hội Yến, chúng ta hãy ôn lại lời dạy của Đức Mẹ và các Đấng Thiêng Liêng xoay quanh chủ đề “Hiến dâng lên Đức Mẹ” đặng làm hành trang trên bước đường tu tiến.
“Các con ôi! các con từ các phương hướng quy tụ về đây để rồi chia tay về mọi phương hướng. Các con sẽ học được những gì và mang theo những gì về địa phương mình? Đó là điều đáng kể, chớ không phải chỉ đến đây với mục đích tầm thường là hiến dâng lễ phẩm cho trang trọng để tỏ lòng kính yêu Đức Mẹ vô vi và nhờ sự hộ trì dìu dắt bằng an trên bước nhân thế cho bản thân, cho gia đình. Nếu như vậy thì không đúng nghĩa và không ý thức được ngày lễ này đâu đó các con.
Vì ngày thường, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào và bất cứ giai tầng xã hội nào trong đó các con vẫn luôn luôn có tình thương Từ Mẫu chở che. Khi các con tưởng đến Mẹ là đã có Mẹ nơi tâm con rồi, lựa là phải đến đây làm chi cho tốn công hao của và phí thời giờ. Trong lúc đó có những con hàn vi, thiếu hụt, vay mượn đó đây làm lộ phí.
Như vậy, trọng tâm của cuộc lễ nầy là chi hỡi các con? Vì Đạo đã sinh ra các con đâu đòi các con phải đền ơn đáp nghĩa. Vì sự sống của các con mới hóa sanh hoa quả thảo mộc cùng ngũ cốc để bảo dưỡng các con, đâu đòi các con phải đem lễ phẩm hiến dâng. Vì sự quên gốc, quên nguồn, quên tình thương giữa nhau nên khai minh các tôn giáo để dạy dỗ các con nên người đạo hạnh, đâu đòi các con thành kỉnh đọc kinh chúc tụng tôn xưng... Cũng không đòi hỏi các con phải làm những gì để gọi là đền ơn Tạo Hóa.” 1
Như vậy, Mẹ dạy các con cái của Ngài phải thấy: tấm lòng luôn tưởng nhớ đến Mẹ mới là điều chánh yếu. Tất nhiên để làm một người con ngoan, hiếu thảo với Mẹ thì khi tưởng nhớ đến đối tượng kính yêu của mình, không gì thiết thực hơn là phải làm vui lòng Mẹ. Làm vui lòng không chỉ bởi lòng thành kính qua lễ phẩm hiến dâng mà hơn hết là bằng hành động đúng theo những lời đạo lý của Đức Mẹ và các Đấng Thiêng Liêng hằng khuyên nhủ.
Thế thì nếu đã hiến dâng lễ phẩm đến Mẹ, rồi sau đó lại mang về lại cho riêng mình thì làm sao có thể được gọi là chí thành tâm đạo hiến dâng! Bởi vì một ý nghĩa của hiến dâng là cho mà không đòi hỏi được đáp trả lại. Đã mang lễ phẩm đến cúng, rồi sau khi Thiêng Liêng ban ân điển, lại mang về hết cho mình thì có lẽ chẳng có được công quả chi! Trái lại xét theo lý thì chúng ta lại vay nợ Thiêng Liêng.
Ơn Trên thường nhắc nhở: “Đạo lấy nhơn sanh làm trọng” do đó “Nền tảng căn bản là phổ độ nhơn sanh” có nghĩa là p hải tập mở rộng tấm lòng đến với mọi người, hướng về việc chung hơn là biểu hiện để làm nổi bật cá nhân. Chính vì thế khi “chung lo” một đạo sự và cùng “lo cho cái chung”; xem nhẹ cá nhân mình trước tập thể, xem trọng lợi ích chung hơn lợi ích của một nhóm người thì chính là chúng ta đang rèn luyện tâm hạnh đại thừa. Có như vậy chúng ta mới hiểu sâu sắc để thực hành theo lời dạy của Mẹ:
“Con ôi! con hãy dành tất cả tình thương cho đồng loại. Hãy quên mình vì cứu độ, quay bánh xe đại thừa vào khắp chốn. Đừng buồn khi gặp chướng ngại, có vào lửa đỏ mới cứu được kẻ hỏa tai, có chịu sóng gió bão bùng mới vớt được người chết đuối, có hòa mình cùng nhân thế mới độ được thế nhân. Tùy khả năng, tùy duyên cứu độ, đó là đại lễ các con hiến dâng lên Mẹ mỗi độ trung thu... Mỗi người mỗi việc, sứ mạng nào cũng phải hoàn thành.” 2
Về tinh thần thực hiện lễ phẩm Hội Yến đã được Ơn Trên dạy như sau:
▪ “Về lễ phẩm hiến dâng, Đức Từ Tôn muốn mỗi em nên sắm sanh một món, dầu nhỏ nhứt như nải chuối, chùm dâu, dĩa bánh, v.v... để sau khi hiến dâng rồi các lễ phẩm ấy sẽ chia làm 4 phần: một phần tư quà thiếu nhi; một phần tư dùng vào đại yến; còn hai phần tư dùng vào việc quà tặng thương bệnh binh, v.v...
Tại sao Đức Từ Tôn lại có ý muốn cho các em, mỗi em sắm sanh lễ vật như vậy? Đó cũng là một dụng ý để các em lưu ý đến sự hoạn dưỡng chăm sóc mầm non của thế hệ đang lên và lòng từ ái của Đức Mẹ chan rưới khắp các giới bị thiệt thòi trong xã hội. Không phải bảo mỗi em làm quá sức của mình để hiến dâng Đức Mẹ về vật chất đâu!
Đó là mẫu mực ở phần tinh thần, để những năm khác các em đều làm như vậy. Vì khi ngồi nặn ra một món bánh hoặc mua sắm một trái cây thì đã để tâm vào đấy rồi, sau đó sẽ chan rưới mọi người khác trong tình thương không giới hạn.” 3
▪ “Khi đến mùa thu, lòng các con nôn nao rộn rịp, hội họp bao lần, mục đích để tạo ra một lễ hiến dâng lên cho Mẹ trong kỳ trung thu bán ngoạt... Vì động lòng các con nên Mẹ hạ trần bày giãi, để các con suy tư hội ý hầu thực hiện theo ý của Mẹ nơi cõi vô hình.
Này các con! Một cành hoa đơm đầy ngũ sắc cặm nơi ngân thủy bình, một ngọn hương, đó là lòng trọng đại của các con để cung hiến lên bậc Chưởng quyền càn khôn Tạo hóa ...
Các con thương Mẹ, mến Mẹ vô hình, các con nên nhìn vào đoàn sau của các con từ thành thị đến thôn quê tinh thần rách nát, thân thể tả tơi, cơm chẳng no lòng, nước đà cặn bã, lửa cháy khô khan. Đó là điều mà Mẹ mong cho các con được làm tròn bổn phận. Các con mến Mẹ, các con phải thực hiện điều này để chia sẻ nỗi khổ buồn của các con hẩm hiu bạc phước. Như vậy điều mong ước của Mẹ, các con nên lưu tâm chia sớt nỗi khổ đau.
THI BÀI
Giờ thu đến gió mùa tạt mạnh,
Thổi vào thân ngộ cảnh trống lòng;
Hỏi con sao cũng trần hồng,
Con vầy, con khác não nồng Mẹ đây.
Vì kiếp số đọa đày theo mạng,
Bởi kiếp tu nông cạn trước kia;
Luật Trời phân phối để chia,
Chung nhau thụ hưởng chớ lìa đoạn nhau.
Nạn củi quế con thì đã rõ,
Cùng gạo châu mắc mỏ đơn cô;
Khổ thân thêm chỗ trần ô,
Biết ai cậy dựa đặng nhờ tấm thân...
Kỳ đại hội con thời lo liệu,
Nên lưu tâm tiêu biểu lòng thương;
Giúp nhau trong cảnh đoạn trường,
Đó là xây dựng Tây Phương trở về.
Chớ vì quá bộn bề lo Mẹ,
Mà quên đi những trẻ bơ vơ;...
Chén cơm manh áo là đề,
Thương nhau tương trợ, sắc phê con trần.
Nên giản dị, tinh thần là trọng,
Bề hữu hình dù lọng mà chi,
Biết chăng Vô Cực Diêu Trì,
Thương con hạ thế quản gì trần nhơ...
Này các con trong kỳ Nguơn Hạ,
Vải nâu sồng áo bả hài gai;
Cùng chung kinh sử miệt mài,
Giúp đời trợ thế nam tài nữ nhi.
Đừng suy nghĩ, nghĩ suy mất hết,
Hết quả công, sơn phết được đâu;
Tâm trung con vẫn lo âu,
Đó là thương Mẹ công đầu đó con.” 4

Một tuần lễ sau, Đức Trưng Trắc dạy thêm:
“Đàn vừa qua, Đức Mẹ sắc lệnh kêu gọi các em hãy tiết kiệm ngân khoản để dự phòng vào cơn khổ nạn… Các em cần tổ chức ngày kỷ niệm lễ Bàn Đào đơn giản nhưng đầy đủ tinh thần là ý của Mẹ mong muốn. Các em nên hiểu điều quan trọng nội tâm tinh thần là cao quý… Vậy các em cần lưu ý, tổ chức ngày kỷ niệm với tinh thần đoàn kết, chu đáo trên phương diện tinh thần để diễn tả được sự hiểu Đạo của các em.” 5
Tuần sau nữa, Đức Trưng Nữ Vương nhắc lại:
“Này các em, chiếu lịnh Mẫu Từ đã ban hành cùng các em trước điện, lòng từ bi của Đức Mẹ vô biên giới... vì lòng từ bi ấy nên Mẹ hạ lịnh cho các em nên giản dị hóa chương trình đại lễ. Đó là Đức Mẹ vì các em... các em tuân theo Thánh ý Mẫu Từ về phần vật chất. Về phần tinh thần, các em đồng tâm với chị để hiến dâng lòng thành kỉnh, cả thảy các con tại trần dâng lên cho Mẹ, để tỏ lòng tri ân hiếu thảo của mình.” 6
Như vậy Ơn Trên không dạy chúng ta, mỗi người hay mỗi gia đình hiến dâng riêng lễ phẩm với tấm lòng vị kỷ mà ngược lại dạy chúng ta phải góp sức chung tay và đặt tâm từ ái vào đó, luôn nghĩ đến thế hệ tiếp nối và những người khốn khó. Nếu chỉ chăm lo cho phần lễ phẩm của riêng mình thì chắc chắn sẽ có hiện tượng phàm tâm, so đo, muốn chứng tỏ mình không thua kém ai và cố gắng thể hiện qua hình thức như: mua trái cây ngoại, dĩa quả cho lớn... để cầu mong nhận được nhiều phước lộc! Nếu là người đã nhập môn hành đạo lâu năm mà còn như thế, quả là đáng buồn vì đang tu theo chiều mê tín thì làm sao phổ thông chánh đạo đến với mọi người! Chúng ta suy nghĩ gì về lời dạy:
“Nếp sống ngoài đời người ta hay chú trọng nhìn vào bề hào nhoáng bên ngoài như: giàu sang, địa vị, quyền quý khôn ngoan thông thái mà đánh giá trị. Còn nếp sống trong tôn giáo đạo đức tu hành, hãy chú trọng vào phần tâm đức, đạo hạnh, tác phong làm trước... Hơn nữa, em nào có ưu thế hơn, cần phải có đức độ khiêm tốn hầu đỡ nâng dìu dắt các em còn yếu thế. Đó là tình thương hiến dâng Đức Mẹ vậy.” 7
Chúng ta hãy nghe tiếp những lời dạy sau:
“Về phần thi công lập quả, không phải người có vật chất hiến cúng mà đặng công quả, không phải người dày công nhọc sức mà đặng lập vị. Cả hai đều do ở chỗ chí thành tâm linh mới kết quả được. Khi chí thành đã có thì tâm linh phát hiện tự nhiên, Đạo lý sẽ do nơi ấy mà xuất phát cho người. Ví như Lương Võ Đế ngày xưa cất bảy mươi hai cảnh chùa, sao lại còn đài thành ngạ tử thì vật chất có ích chăng?” 8
Sự chí thành tâm linh dâng hiến lên Đức Mẹ và các Đấng Thiêng Liêng trong mùa Hội Yến là chi? Chúng ta hãy nghe Đức Quan Âm dạy:
“Chư hiền muội! Bần sĩ thiết tưởng trước cảnh đời đang khổ nạn đau thương, mục đích đạo là để cứu độ người đời thoát vòng trầm lụy. Đại hội Yến Bàn Đào là phép nhiệm mầu từ ngôi Vô Cực hiện bày thực tướng để cứu độ vạn linh. Nên khi tổ chức một lễ hội nào, người Thiên ân hướng đạo, người tu hành cần phải ý thức đến mục đích cứu cánh của Đạo và tinh thần trách nhiệm thiêng liêng đối với niềm đau khổ chung của nhơn loại. Có như vậy cuộc lễ mới có ý nghĩa, hình thức long trọng tôn nghiêm mới được hiển hích anh linh và sự cực nhọc tốn hao mới xứng đáng…
Lễ Trung thu năm nay, Bần Sĩ ước mong chư hiền muội với chương trình thường thức nầy gây được ý thức tốt đẹp, hữu ích cho sứ mạng nữ phái Đại Đạo, cho hiện tại và tương lai. Phải góp tay vào xây dựng thái hòa an lạc thì liên tòa sẵn để, cực lạc sẵn dành cho những bước chân thanh cao về cực lạc... Chư hiền muội ôi! Đời còn nhiều khổ nạn, nhiều mặt trái giả chơn, mắt phàm ý tục khó dò xét để tránh cho qua. Chỉ có đạo tâm, Thiên tâm mới không bị lỡ lầm sa đọa. Nói về đạo tâm, chơn tâm thì chư hiền muội hay mỗi người đều sẵn có nhưng khi bị che phủ bởi tư dục thì có cũng như không.
Hễ vọng niệm lớn thì nghiệp quả nhiều, ma quỷ sẽ tùy theo vọng niệm của con người mà dìu dắt.” 9
Cũng trong tinh thần kêu gọi hãy hướng về nhân sinh đang đau khổ, Đức Vân Hương Thánh Mẫu dạy:
“Này các em! Đại lễ hiến dâng Đức Mẹ không nhứt thiết phải tổ chức linh đình. Đức Mẹ chỉ muốn cho nữ phái kết hợp tinh thần đồng nhứt cứu thế kỳ ba, dù ở đâu, nơi nào, Tòa Thánh, Hội Thánh, Thánh Thất, Thánh Tịnh đều có một sự liên quan với nhau trên phương diện tu thân hành đạo độ đời.
Nữ phái là một thực lực hữu hiệu trong việc từ thiện xã hội. Người tu hành có đem được tình thương cho mọi người mọi kẻ, có tạo một niềm tin cho thực lực cứu cánh, thì mới tận độ họ về nhân bản, đạo pháp và tâm linh. Hai điểm trên nếu được thực hành đúng mức thì quyền pháp Đại Đạo sẽ mở rộng, do đó những người Thiên phong chức sắc hoàn thành sứ mạng to tát Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.” 10
Bao giờ cũng vậy, trước một cuộc lễ quan trọng, bổn đạo cùng chung lo đóng góp công của để xây dựng sửa chữa Thánh đường, tạo nên hình thức trang trọng huy hoàng qua đó thể hiện tâm thành hiến dâng. Về khía cạnh nầy, Đức Mẹ cũng dạy dỗ chúng ta:
“Hỡi các con nam nữ! Các con đã xây dựng xong về mặt hình thức đối với sở hữu các con, tuy rằng khó mà còn có thể làm được, còn xây dựng về mặt tinh thần đạo đức thì lại càng khó hơn. Hôm nay, các con hãy tô đậm hai chữ xây dựng để làm bài học hàng ngày trên bước Đạo.
Về mặt hình thức cũng kể tạm yên, rồi đây các con còn phải mất nhiều thì giờ để xây dựng về mặt tinh thần đạo đức.
Sở dĩ ngày hôm nay có một ngôi hữu hình đồ sộ là do các con đã gia công ruồng bỏ, phá vỡ những gì gọi là xấu xa, mục nát, hư hoại. Vậy thì về mặt tinh thần, trước khi muốn xây dựng cũng phải ruồng bỏ những gì gọi là xấu xa, ích kỷ, chia rẽ, xuyên tạc, nhỏ nhen, cố chấp mà phải xây dựng lại tinh thần tốt đẹp, vị tha, quảng đại, khoan dung, phá chấp. Xây dựng từ bản tâm, bản thân, cá tính đến xây dựng gia đình, phu thê, tử tôn, lần hồi xây dựng đến tình đồng đạo bạn hữu gần xa...
Một người là một đơn vị nhỏ, được xây dựng kiện toàn về mặt đạo đức. Mười người được xây dựng như vậy, trăm ngàn muôn triệu triệu người được xây dựng như vậy thì lo chi nhà chẳng yên, đạo chẳng thạnh, nước chẳng quyền, nhân loại chẳng an cư lạc nghiệp...
Bài học xây dựng Mẹ đã ban cho vừa rồi, đó cũng là một phần thưởng các con, món quà quý giá.
Mùa thu sang năm, các con hãy hành đạo cách nào để tăng trưởng về mặt tinh thần, xây dựng Đạo Trời, để làm món quà dâng lên cho Mẹ. Các con đã thấm nhuần bài học hôm nay thì cõi lòng mỗi con như ngọn đèn sáng tỏ, tự soi đường lối cho con đi.” 11
Để kết luận, chúng ta hãy nghe lời Mẹ dạy cũng trong một mùa thu, năm Canh Tuất 1970, tại Thánh thất Tân Định:
“Mùa thu này, trong mưa thu ảm đạm… Mẹ đến với các con không phải để vui hưởng những lễ vật trang trọng mà các con ưu tư dành dụm để sắm sanh, cũng không phải để cùng các con hưởng cảnh: xem mây trong gió mát trăng thanh với linh đình lễ vật. Cũng không phải đến với các con trong bửu điện nguy nga sơn son phết vàng đèn hương sáng lòa nghi ngút trong lúc mà đồng đạo các con có nhiều đứa còn điêu linh khổ sở, có nhiều đứa còn quên Đạo, quên nguồn gốc, đang chạy theo những thị dục sở tế, tranh giành với nhau vì miếng ăn đất ở, vì chỗ đứng nơi ngồi, vì tiếng hơn lời thiệt, vì cách đối xử chẳng ngó được ngay.
Mùa thu này, Mẹ đến với các con trong tình thương trìu mến, trong giáo dục đạo đức, trong cảnh mê tâm, để nhắc nhở giác ngộ các con trong cảnh chia ly để họp đoàn cùng nhau tu học, dìu dắt trở lại với chơn Thầy Chí Tôn Thượng Phụ.” 12
Và Đức Mẹ cũng lặp lại:
“Đêm Trung Thu Bàn Đào Hội Yến,
Cuộc tương phùng u hiển tình thâm;
Chứng lòng Mẹ mới giáng lâm,
Nương huyền linh điển âm thầm nhủ khuyên.
Giác ngộ phải nhớ đàng quay lại,
Bằng muội mê khổ hải trầm luân;
Con ôi! Thế lộ trông chừng,
Noi theo chánh đạo chớ dừng bến mê.
(…)
Bàn Đào các trẻ hiến dâng,
Mẹ cùng Tiên Phật lâm trần chứng minh.
Nào quả tốt hoa xinh bánh ngọt,
Nào trà sen rượu cúc bỉ bàng;
Thấy lòng con trẻ hân hoan,
Một câu bí pháp Mẹ ban thu này.
Các hình thức đã gây ý thức,
Ý thức cùng vọng thức không xa;
Tâm con là trái hay hoa,
Tâm con là rượu hay trà ngọt thơm?
Hay bạch lạp bừng bừng ánh sáng,
Hay trầm hương nhẹ thoảng hư không;
Hay là do ở tấm lòng?
Lòng con là một hiến dâng nhiệm mầu.
Mẹ Hội Yến ban trao bí pháp,
Gọi Bàn Đào thu nạp vạn sanh;
Lòng con nếu thật chí thành,
Thương đời cứu khổ quên mình con nghe.” 13
Vậy chúng ta lấy cái chi để làm lễ phẩm dâng lên Từ Mẫu? Không gì khác hơn là phải cố gắng thực hành rốt ráo Tam Công.
Với bên ngoài, chúng ta đã thường xuyên tham gia các đạo sự mang tình thương chân thật đến với mọi người nhất là với thiếu nhi và những giới bị thiệt thòi trong xã hội, tích cực “phổ độ chúng sanh”.
Còn bên trong, bản thân mỗi tín đồ “tu tâm sửa tánh” thực hiện thế “nhân hòa - tình thương” trong nội bộ, và “xây dựng tăng trưởng về mặt tinh thần, xây dựng Đạo Trời”, “xây đắp cho thế hệ tiếp nối” thì đó là những món quà hiến dâng trang trọng lên Từ Mẫu.
DAT TUONG

Phổ là rộng khắp cùng thế giới,
Thông là nguồn suối tới muôn phương,
Giáo là dạy nẻo chỉ đường,
Lý là lẽ thật chủ trương thới bình.

Đức Lý Giáo Tông, 20-5 Ất Tỵ, 19-6-1965

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây