Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
13/09/2011
Cố Đại Tỉ Diệu Chơn Minh

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 20/09/2011

Ý Thu

(Trích bài viết của Bà Diệu Chơn Minh, Nguyên Chủ tịch Thập Nhị Nữ Đồ, Nguyên Chưởng Lý Nữ giới Minh Lý Thánh Hội)

Ảnh bên: Bà Diệu Chơn Minh, đắc vị Lợi Kiến Thiền Cô (2002)

Mùa Hạ Chí đợt tu vừa qua, lật đật đã Thu sang. Miền Nam ta thật có Thu không? Hay chỉ “ Miền Nam mưa nắng hai mùa”? Mà có hay không có, khi ta đã chấp nhận “Lập Thu”, “Thu Phân”, mùa lễ Vô Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu thì đối với ta có Thu, có mùa Thu với tất cả ý Đạo mà mùa Thu đem tới cho ta. Bao nhiêu giọng kèn, tiếng trống thúc giục, khiến mỗi bận Thu về, lòng ta không khỏi nôn nao thổn thức, nhớ lại bao rộn rịp tính toán, quyết định, dứt khoát vì chống ngoại xâm.
Chống ngoại xâm, bảo vệ nội tình. Nội tình của ta là cái Tâm mà cổ đức đã định nghĩa :

"Tam điểm như tinh tượng,
Hoành câu tợ nguyệt tà.
Phi mao tùng thử xuất,
Tác Phật giả do tha.
"

Ngoại xâm. Ngoại là gì ? Là không phải tâm, là cảnh. Bảo vệ tâm không phóng ra theo cảnh, không bị cảnh chi phối, không bị cảnh đắm nhiễm. Cái Tâm bao la như Tâm Trời Đất kia, không ngằn mé, không ranh giới mà bị cảnh xâm lăng thì trở thành hạn hẹp, đóng khung, đê tiện, bần cùng, vốn thanh tịnh trở thành ô nhiễm. Vậy phải làm cách mạng để chỉnh đốn lại tình trạng điên đảo của tâm hồn : Khổ mà cho là vui, bất tịnh cho là tịnh, vô thường cho là thường, vô ngã cho là hữu ngã, và mãn chấp ngã là có thật rồi mê luyến mà quẩn quanh xuống lên ba cõi sáu đường. Phương pháp hàng phục hay cách mạng cái tâm không ngoài quán chỉ, và tọa thiền. Quán chiếu là công phu không gián đoạn của kẻ quyết chí chống ngoại xâm, làm cách mạng bản thân.

Bắt đầu dụng công vào nơi yên tịnh, để lòng được yên tịnh hòng luyện lọc trần cầu, tẩy trừ cặn bả phàm mê, cốt yếu là đem tâm trở về Vũ Trụ Hư Không, khiến cho Tâm trải đầy Trời đất, bao la dung chứa tất cả, không sót một hào ly nào nằm ngoài Tâm ấy. Nếu còn biên cương ranh giới thì chưa phải là Nó. Vậy trong tham thiền đạt đến cảnh giới tịch nhiên trầm mặc, đồng cùng đại thể lâng lâng mầu nhiệm. Thiền viên quán chiếu mở thông tâm địa vô tận vô cùng , hòa tan tâm mình trong khối Vô Cực, trong tự tánh thanh tịnh của mười phương pháp-giới chúng sanh, mà cũng là nhứt chơn Pháp giới bình đẳng.

Đạo mầu thể dụng không hai,
Nhứt chơn bình đẳng trong ngoài một Tâm.
Chỗ cứu cánh cầu tầm ở đó,
Pháp tu hành không ngỏ nào hơn;
Phật Tiên kiến Tánh qui chơn,
Nho gia Trung thứ nghĩa chơn cũng là.
Cũng dạy trừ cái Ta tham vọng,
Cho biển lòng gió sóng lặng yên;
Lặng yên : cảnh giới của thiền,
Lặng yên : Tam ngũ triều huyền phục sơ.
Lặng yên thì sinh cơ phát xuất,
Lặng yên Tâm Trung Nhứt đồng Thiên;"


( Trích Thi bài “Phản bổn huờn nguyên” của Đức Bác Nhã Thiền Sư giáng dạy đàn ngày 12/11/77 tại chùa Tam Tông Miếu)

• Hòa tan Tâm mình trong lòng Vô Cực Từ Tôn Kim Mẫu. Ôi ! Bao vinh quang tuyệt vời. Thật tuyệt ! Hòa tan làm một Tâm siêu việt thời không, nằm ngoài công lệ, chỉ có một Tâm đại thể, thoát khỏi hai gông kềm âm dương ngũ hành, hoàn toàn độc lập, tự do. Đây là cái độc lập thật sự, tự do thật sự, dầu ngoại cảnh gọi là thực tế há dễ so sánh được !

• Cho hay chung qui chỉ quán tâm mà đạt đạo, lý ấy thông suốt, nhưng Kinh lại nói các Đại Bồ Tát nhờ giữ giới tu tịnh, thực hành sáu độ mới thành Phật Đạo, phải hiểu thế nào? Xét ra chư Bồ Tát giữ giới tu hành, phát ba thệ nguyện là :
- Nguyện đoạn tất cả điều dữ, nên luôn luôn giữ giới, đối trị tham độc;
- Nguyện tu tất cả điều lành, nên luôn tập định, đối trị sân độc;
- Nguyện độ tất cả chúng sanh, nên luôn tu huệ, đối trị si độc.
• Điều dữ dứt mất, gọi là đoạn, điều lành sẳn đủ, gọi là tu. Đã đoạn dữ tu lành, muôn hạnh thành tựu, lợi ta lợi người, cứu khắp chúng sanh, gọi là độ. Đạt được bao nhiêu, nhờ tu giới hạnh mà không thể lìa tâm quán chỉ.

• Nói sáu độ tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ, cũng nói là tịnh sáu căn. Vì muốn tu sáu độ, nên tịnh sáu căn, hàng sáu tên giặc :
- Xã được tên giặc mắt, là lìa hết cảnh sắc, tức là bố thí
- Cầm được tên giặc tai, không buông lỏng theo thanh trần, tức là trì giới;
- Cầm được tên giặc mũi, tự tại giữa hương thơm, tức là nhẫn nhục;
- Ngăn được tên giặc lưỡi, không ham mùi vị, ngâm vịnh giảng văn, tức là tinh tiến;
- Hàng được tên giặc thân, như nhiên chẳng xúc động tức là thiền định;
- Phục được tên giặc ý, chẳng buông theo vô minh, thường tu theo giác huệ, tức là trí huệ.
Thuyền Bác Nhã sáu ba la mật có khả năng chuyển vần chúng sanh đến bờ bên kia, nên gọi là sáu độ.

Nay rõ lẽ, không chấp cầu ở ngoài mà phải tự hành nơi trong, không loanh quanh đêm ngày chuốc nỗi nhọc nhằn vô lối, không ích gì cho chân tánh cả.
Cho tới trì trai, lễ bái, niệm Phật, cũng cần hiểu rõ, nếu không thông đạt ắt uổng công tu.
Nói “trai” là chay, tức nói “tề” là sắp xếp. Sắp xếp cái chi ? Sắp xếp thân tâm cho thẳng, đừng cho cong rối : tề chánh. Nói “trì” là giữ, tức nói “hộ” là giúp vậy. Ở nơi giới hạnh, cứ theo pháp mà hộ trì, thiết tha ngoài cấm sáu tình, trong ngăn ba độc, siêng năng tỉnh xét thân tâm thanh tịnh. Đó là chay lạt, thật không có đâu được. Chưa kể thức ăn có 5 thứ là : pháp hỉ thực, thiền duyệt thực, niệm thực, nguyện thực và giải thoát thực.

Còn việc lễ bái, phàm nói lễ tức nói kính, nghĩa là coi nặng vậy; phàm nói bái tức là phục nghĩa là cúi xuống vậy. Lễ bái là vì có cung kính chân tánh, khuất phục cái vô minh, mới gọi là lễ bái. Lễ bái là dứt hẳn được ác tình, hằng gìn thiện niệm, tuy chẳng xứng tướng, tướng ấy tức pháp tướng đó vậy. Đức Thế Tôn muốn khiến thế tục tỏ lòng nhún thấp mới dạy lễ bái tức là ngoài thân sụp xuống, trong thì lòng kính thêm, ngoài thì giác, trong thì sáng, tánh tướng cùng hợp. Nếu không làm theo lý pháp mà chỉ chấp trước hình dạng, đội lốt uy nghi, trong buông lung theo tham si, mãi gây nghiệp dữ, ngoài nhọc nhằn thân xác mà chẳng ích gì, há thành công đức được sao?

Còn nói niệm Phật, cốt cần niệm chánh : rõ nghĩa là chánh, không rõ nghĩa là tà. Nói Phật là nói giác tức là tỉnh biết vậy. Tỉnh biết để thấy rõ thân tâm, đừng khiến niệm dữ lừng khởi dậy. Niệm Phật để gìn nhớ giới hạnh, lấy thân làm lò, lấy pháp làm lửa, lấy trí huệ làm tay thợ khéo, lấy ba giới tu tịnh, sáu ba la mật làm khuôn phép, nấu chảy và rèn đúc chất Chơn Như Phật tánh ở trong thân, chẳng quên tinh tiến. Cho nên niệm Phật cốt ở nơi tâm, chẳng ở lời nói. Chư Thánh ngày xưa tu niệm Phật phải đâu nói ngoài miệng, chính là tìm xét trong tâm.

Tìm xét tâm ta để ngộ tâm Vô Cực, đó là chỗ đến của Ý Thu.
Rất lòng thành kính
Diệu Chơn Minh
M.L.T.H
(Đặc san 1982)
Cố Đại Tỉ Diệu Chơn Minh
Ý Thu / Cố Đại Tỉ Diệu Chơn Minh

Các con tuân lịnh của Thầy ban,
Độ thế qua cơn thế khổ nàn,
Đem tiết xuân gieo cùng khắp chốn,
Để đời tận hưởng thú vinh quang.

Đức Chí Tôn, Ngọc Minh Đài, 29-12 Bính Ngọ, 08-02-1967

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây