Thống Kê Newsletter
Lần đầu đến với Nhịp Cầu Giáo Lý?

Những liên kết dưới đây có thể hữu ích với bạn.

 
14/04/2011
Đức Ngô và Chư Tiên

Bài viết được cập nhật lần cuối vào ngày 15/04/2011

Chánh đạo - chánh tâm - chánh tín



CAO ĐÀI HỘI THÁNH (Dương Đông Phú Quốc)
Tuất thời 14 tháng 3 năm Đinh Mùi (23.4.1967)
- Lễ Kỷ niệm ĐỨC NGÔI HAI GIÁO CHỦ NGÔ ĐẠI TIÊN


THI

GIÁC thế hồi tâm học Đạo Trời,
MINH tường giáo lý độ người đời;
KIM thân muốn đặng thay phàm thể,
TIÊN ý cần trau chớ đổi dời.

GIÁC MINH KIM TIÊN chào chư Thiên mạng, chào mừng chư hiền hữu, hiền muội.

Vâng lịnh NGÔI HAI GIÁO CHỦ NGÔ ĐẠI TIÊN dạy hiền hữu Tựu và Truyện hãy sắp đặt một bàn rượu trà hoa quả, vì NGÔ ĐẠI TIÊN có thỉnh chư Tiên Phật giáng đàn chứng lễ. Vậy được phép xả đàn 15 phút để chư hiền hữu chuẩn bị cho được nghiêm chỉnh. Hiền muội điển ký giùm bình lại...

Chào chư Thiên mạng và chư hiền hữu hiền muội, xin kiếu ./.
-------

TÁI CẦU

THI

Cảnh trí thiên nhiên trước sắp bày,
Huyền vi lố bóng đạo hoằng khai;
Non sông bốn mặt Trời soi sáng,
Nhơn vật mười phương đất chuyển xoay.
Sứ mạng Tam Kỳ trao Việt quốc,
Chủ quyền nhứt thống lập Cao Đài;
Hạ Nguơn sĩ tử mau mau bước,
Ổn định càn khôn đã đến ngày.

NGÔ MINH CHIÊU - Tiên Huynh chào chư Thiên mạng, chào mừng chư hiền hữu hiền muội. Thầy mừng chư đệ tử.


Hôm nay, chư đệ tử thiết lễ kỷ niệm để nhớ ơn Thầy, và thay mặt Thầy mời chư đồng đạo các nơi quy tụ đến mảnh đất nhỏ hẹp nầy để đánh dấu lịch sử ngày Thượng Đế ban biểu hiệu cho Đạo Cao Đài trong kỳ ba ân xá. Thầy rất mừng và cảm động vô cùng trước nỗi ưu tư của chư đệ tử đối với tiền đồ nền Đại Đạo Cao Đài.

Kỳ lễ năm nay có phần đặc biệt hơn hết là Thầy có thỉnh chư Tiên Phật và đạo hữu tiền bối quá vãng đến chung vui với Thầy, với chư hiền đệ hiền muội và chư đệ tử.

Chư hiền đệ hiền muội ! Trong những ngày qua chí đến ngày nay, Tiên Huynh nhận thấy lòng ưu tư và thiết tha đến ngày kỷ niệm nầy của chư hiền đệ hiền muội, nên chư hiền đệ hiền muội từ các phái đoàn các nơi, đến thành phần cá nhơn, đã vượt sóng ngàn khơi đến để tưởng nhớ và hân hoan ghi nhận nơi đã phát sinh di tích Đạo Cao Đài. Để long trọng hóa buổi lễ hôm nay, hầu tưởng thưởng đáp lại lòng ưu tư và gian khổ đó, nên Tiên Huynh có thỉnh chư Tiên Phật và đạo hữu tiền bối quá vãng trong Đạo Cao Đài đến chứng lễ và chung vui với chư hiền đệ hiền muội cũng như các hàng đệ tử trong tình Thiêng Liêng và lý đạo.

Đây Tiên Huynh tạm nhường bút các vì Tiên Phật, rồi sau đó sẽ đàm đạo thêm, ngưng điển ./.

Tiếp Điển

THI

Thiên quang vũ trụ ánh muôn màu,
Quyền pháp Tam Kỳ một túi thâu;
Chuốc chén kim tương cùng thế sự,
Có ai theo Lão đến vườn Đào.

ĐỘNG ĐÌNH TIÊN TRƯỞNG.
Hòa nguyên vận

Nước trí non nhân đẹp sắc màu,
Thiều quang nhặt thúc nhẹ tay thâu;
Vị lòng Tiên Trưởng lâm trần thế,
Mở ngõ nguyên nhân đến động Đào.

NAM CỰC TIÊN ÔNG.
Hòa nguyên vận

Muôn cành sen thắm trổ muôn màu,
Lơ lửng dòng đời chọn khách thâu;
Ai có chánh tâm gìn chánh đạo,
Kề chơn ghé bước lại nguồn Đào.

TỪ HÀN CHƠN NHƠN.

Hòa nguyên vận

Trời nước bao la vẻ một màu,
Quần Tiên hội yến giữa canh thâu;
Soi lằn quang điển cho trần thế,
Rước khách chơn tu đến động Đào.

ĐÔNG LÂM TIÊN TRƯỞNG.

Hòa nguyên vận

Tòng bá thanh thanh đẹp sắc màu,
Chuyển luân nhựt nguyệt bóng hoàng thâu;
Dòng đời ít kẻ toan đi ngược,
Hưởng thú tiêu dao chốn động Đào.

CÁI THIÊN CỔ PHẬT.

Hòa nguyên vận

Tử phủ Tiên cung chẳng nhạt màu,
Cuộc cờ thạch thất dễ chi thâu;
Hỏi ai có biết chàng Trương Tử ?
Rủ áo công khanh đến động Đào.

HUỲNH THẠCH CÔNG.
Hòa nguyên vận

Tiên Thiên ai muốn vẽ nên màu,
Danh lợi hồng trần chớ tóm thâu;
Chánh đạo không gìn e phải đọa,
Đọa sa vì bởi hố mình đào.
LIỄU NHỨT CHƠN NHƠN.

Hòa nguyên vận

Sắc nước trùng dương vẽ một màu,
Vạn Thần hải đảo tóm tay thâu;
Thuyền từ chực rước người tu niệm,
Hưởng thú thiên nhiên chốn động Đào.

HẢI TRIỀU THÁNH NHƠN.

Hòa nguyên vận

Chín từng mây bạc ánh muôn màu,
Vạn kiếp tu trì mới đặng thâu;
Nặng túi lợi danh đừng lấp lửng,
Không tu chớ mộng đến vườn Đào.

PHẠM CÔNG TẮC.

Hòa nguyên vận


Ngàn năm một thuở trổ hoa màu,
Đất Việt Cao Đài rộng mở thâu;
Khuyên chớ bôn ba tranh giả cuộc,
Quày chưn kẻo trễ hội Bàn Đào.

NGUYỄN NGỌC TƯƠNG.

Hòa nguyên vận

Chiếc áo Thiên phong chửa bạc màu,
Con đường sứ mạng dễ chi thâu;
Hỡi ai, ai đó, ai tri kỷ,
Quảy gánh đồ thơ đến động Đào.

NGUYỄN BỬU TÀI.

Đồng viết

Cao Đài Hội Thánh Hội Quần Tiên,
Chứng chiếu trần gian lễ kỉnh thiền;
Giá hạc trập trùng nâng rượu cúc,
Tường vân phấp phới nhắm trà sen.
Ngâm câu chánh đạo soi đường sáng,
Mở lối chơn tu dắt bạn hiền;
Ban bố hồng ân cho tất cả,
Giã từ đệ muội lại Cung Thiên.

Tiếp điển

NGÔ MINH CHIÊU - Chư hiền muội hiền đệ và các đệ tử hãy đọc bài đưa Tiên... Tiên Huynh miễn lễ chư hiền đệ hiền muội, và Thầy cho phép các hàng đệ tử an tọa đẳng đẳng.

Chư hiền đệ hiền muội ! Sở dĩ cách xưng hô có khác nhau là Tiên Huynh hay Thầy, đó là do nơi lòng người nơi thế gian, và cũng để thể hiện lòng ưu ái thâm tình với nhau. Thật ra, trước ĐẤNG CHÍ TÔN, chúng ta tất cả là anh em. Mỗi người đều có một sứ mạng chung, đó là: tu thân hành đạo, làm sáng danh đạo, đem đạo độ đời từ chỗ tội lỗi hung ác trở lại đường thuần lương thiện mỹ, để có thể biến cảnh thế gian nầy trở thành cõi Thiên Đường Cực Lạc, lập lại đời Thương Nguơn Thánh Đức. Chừng đó, giữa con người và con người đều lấy tình thương yêu ruột rà đối xử với nhau trong tình tương thân tương trợ.

Ngày nay, chư hiền đệ hiền muội đã vì Thầy vì Đạo, vì nhơn sanh, vượt sóng đến đây, cũng như Tiên Huynh đã vì sứ mạng năm xưa còn đeo đẳng, nên đến ngày nay, thay vì an hưởng lạc thú thanh nhàn, rượu cúc trà sen nơi Non Bồng Nước Nhược, ngày tháng tiêu dao nơi Bồng Đảo, lại phải vì sứ mạng đó còn vương vấn, với nhiệm vụ là đem đạo độ đời, trùng hưng chánh pháp để kịp ngày Long Hoa Đại Hội.

Chư hiền đệ hiền muội ! Bốn mươi hai năm khai đạo và giáo đạo vừa qua, chính Đức CHÍ TÔN đã bổn thân xuống trần, cũng như các hàng Phật Tiên Thần Thánh đều giáng bút, phát ban nhiều kinh điển, nhiều giáo lý; chư hiền đệ hiền muội và các hàng đệ tử đã đọc qua nhiều lắm rồi. Giờ đây chỉ còn có một điều là thực hành chơn pháp, rèn luyện chánh tâm, giữ gìn chánh tín, để tu chánh đạo, hầu tự cứu trong cơ sàng sảy đào thải của định luật.

Tiên Huynh rất buồn và tiếc cho các hàng hậu học ngày xưa không lãnh hội được đạo lý uyên thâm và trọng tâm khai đạo của các Đấng Giáo Chủ. Do đó đã quan niệm đạo lý trong phạm vi chật hẹp, cách ngỏ ngăn tường, đã đóng khung đạo lý trong phạm vi độc tôn, độc đoán, đã gây bao lần thất kỳ truyền.

Rất đỗi đến ngày nay, cũng còn có nhiều cấp lãnh đạo đã quan niệm đạo lý dường ấy, tưởng rằng đạo lý là của riêng một người hay một nhóm. Do đó đã bày ra bao nhiêu hình thức độc tôn. Đó là một tệ hại rất lớn cho cấp lãnh đạo, giáo đạo.

Thử nghĩ lại mà xem, đạo lý đối với vạn vật như ánh sáng bủa khắp muôn loài, không vì sang hèn giàu nghèo lớn bé, từ nhân loại đến thú cầm thảo mộc bò bay máy cựa, mỗi mỗi đều gội nhuần ánh sáng trong luật hóa sanh, trưởng dưỡng và bảo tồn. Chỉ phi trừ loài nào muốn trốn không thụ hưởng ánh sáng thì thôi, còn loài nào muốn, đương nhiên được ban bố đồng đều. Đạo lý cũng dường ấy.

Chính người đời đã quan niệm sai lầm nên mới nẩy sanh độc tôn. Hễ độc tôn lại nẩy sanh mê tín, rồi đem cái mê tín ấy ban rải cho lớp người mê tín khác. Tiên Huynh cần nhắc lại chư hiền đệ hiền muội về điểm chánh tâm chánh tín mới gặp được chánh lý, chánh đạo hầu thoát khỏi luân hồi. Trên cõi Thiên Đình không có một vị Phật Tiên Thần Thánh nào mà thiếu nhân nghĩa, không trung hiếu, mất liêm sỉ.

THI

Chánh đạo thành do bởi chánh tâm,
Chánh tâm chánh tín khỏi sai lầm;
Lầm theo dục vọng rồi chia rẽ,
Chia rẽ sau nầy hối vạn năm.

THI BÀI

Năm Đinh Mùi tháng ba, mười bốn,
Hội đạo đồng giữa chốn Dương Đông;
Nhứt tâm hoài niệm bóng hồng,
Sáng soi vũ trụ trong vòng tang thương.
Trên mặt biển buồm trương thấp thoáng,
Giữa lưng Trời cánh nhạn tung bay;
Ôi ! non sông đẹp đẽ thay,
Tranh kia ai họa, cảnh nầy ai tô.
Dựa ven gành nhấp nhô cần hạc,
Cuối triền non thảnh thót giọt châu;
Phải chăng Khương Tử ngồi câu ?
Hay là Sào Phủ đuổi trâu trên dòng ?
Nhịp vó ký Tái Ông đắc thất,
Tiếng chày kình nhà Phật thu không;
Trăm năm gẫm khéo bận lòng,
Rủi may âu cũng sắc không đó là.
Lửa phiền cháy Ma Ha rưới tắt,
Nước triều dưng thuyền bát sẵn chờ;
Tiên Ông có bộ Thiên thơ,
Ai người sứ mạng huyền cơ mở màn.
Học phải hiểu hành tàng hư thiệt,
Hành cần tri bí quyết nhiệm mầu;
Con đường đạo lý cao sâu,
Cứu nhơn cứu vật trong bầu trần gian.
Tài Nghiêu Thuấn trị an thiên hạ,
Đức Trọng Ni chứng quả Thánh nhơn;
Là do nhứt quán lý chơn,
Lập đời trị nước giáo dân thái bình.
Nào phải cậy phù linh phép lạ,
Có màng chi hoán võ hô phong;
Văn Vương cầm tội vẽ vòng,
Phải chăng lý đạo ở trong lòng người.
Đồng linh tánh đất Trời ban phú,
Cũng hình hài phụ mẫu sở sanh;
Người xưa có khác chi mình,
Phật Tiên Thần Thánh trong hình phàm phu.
Muốn đắc quả cần tu chánh đạo,
Muốn độ đời hoài bão chánh tâm;
Xét xem cơ chỉ chớ lầm,
Làm người cho vẹn mới tầm vị ngôi.
Đại Linh Quang giống Trời gieo xuống,
Tiểu linh quang kiết chưởng hóa sanh;
Càn khôn tóm một thân hình,
Chuyển luân thuận nghịch vận hành tương tri.
Hằng nói đạo vô vi vô tướng,
Lại vô hình vô tượng vô danh;
Hữu vô lý đạo suy rành,
Mới mong thấu triệt máy linh nhiệm mầu.

Cơ sinh dục quát bao Trời đất,
Ở đất Trời phân đặt tượng hình;
Chở che khắp cả vạn linh,
Ấy là hình đạo dưỡng sinh muôn loài.
Bóng nhựt nguyệt vần xây ngày tháng,
Tiếng sấm vang mưa thuận gió hòa;
Một hàn một thử lại qua,
Đó thiệt tình đạo chan hòa nhơn gian.
Nam, chỗ đặt ngôi càn dương vị,
Nữ, gọi là khôn, lý âm dương;
Cảm giao biến hóa khôn lường,
Phải chăng danh đạo biểu dương cơ mầu.
Luận vô hữu cao sâu huyền bí,
Tìm hữu vô yếu lý thậm thâm;
Chủ nhơn ông thử kiếm tầm,
Cho thông chỗ hữu, khỏi lầm chỗ vô.
Đuốc chơn lý viễn đồ soi sáng,
Ngọn tâm đăng chói rạng bổn nguyên;
Thiên Đình có Phật Thánh Tiên,
Đều do hạt giống nhơn duyên cõi trần.
Linh hồn mượn xác thân ẩn trú,
Xác thân cần phụ mẫu dưỡng nuôi;
Thâm ân ví tợ đất Trời,
Ngọn rau tấc đất trên đời nặng mang.
Đó là hữu trong toàn vũ trụ,
Còn lý vô là thú tuần huờn;
Khuyên người học hiểu căn duơng,
Thực hành lý đạo lập trường tu thân.
Lý đạo vốn muôn phần sáng tỏ,
Bạch Ngọc Kinh một ngỏ đi về;
Độ đời nhờ đạo giác mê,
Đạo không tư kỷ, không vì cá nhân.
Lập Hội Thánh tinh thần cao cả,
Dựng nền nhân công quả dạn dày;
Việt Nam lịch sử hậu lai,
Công phu lớn nhỏ trong ngoài đạo tâm.
Bảng Cao Đài nghìn năm rạng rỡ,
Cõi Dương Đông muôn thuở thái bình;
Ban ơn cậy có huyền linh,
Cho toàn dân chúng trong tình thương yêu.

Giữa canh thâu tỏ nhiều tâm sự,
Chúc chư hiền một chữ thành công;
Chư đệ tử hưởng ân hồng,
Nhớ lời Thầy dặn hợp đồng lo tu.

Chư hiền đệ hiền muội ! Cuộc lễ, sau phần chư Tiên chứng chiếu, kể như đã hoàn tất viên mãn. Tiên Huynh nghĩ vì cuộc hội ngộ hôm nay, tuy giữa kẻ Tiên người tục, nhưng đã đánh dấu quí báu vô cùng. Để kỷ niệm một ngày đoàn viên, nên Tiên Huynh đã luận đàm có nhiều khía cạnh, để chư hiền muội hiền đệ cũng như đệ tử ghi lấy, suy nghiệm, làm tài liệu học tập trên bước đường tu thân hành đạo. Trước sự xả thân giúp đời của chư đệ muội, Thiêng Liêng đều theo dõi hộ trì, bên cạnh đã có Tiên Huynh cùng các hàng Tiền Bối quá vãng dắt dìu.

THI:

Canh khuya lời dạy cũng vừa xong,
Chứng chiếu đàn trung đã trọn lòng;
Từ giã ban ơn chung tất cả,
Tiên Huynh trở gót lại non bồng. (thăng)
------------
Đã kiểm duyệt :
T.U.N. ĐỨC ĐÔNG PHƯƠNG CHƯỞNG QUẢN VÔ VI C.Q.H.T.Đ.T.N.
BẢO PHÁP CHƠN QUÂN TỔNG LÝ MINH ĐẠO

Huỳnh Chơn Huệ Lương

[ Hình trên: Trên nền Thảo lư, nơi Đức Ngô Minh Chiêu nhập diệt, Tổ đình Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (Cần Thơ) dựng tượng thờ Ngài]

___________________________________________________

DẤU ẤN LỊCH SỬ



Kể từ mồng 1 Tết Tân Dậu (08-02-1921), Đức Ngô Văn Chiêu vâng lệnh dạy của Đức Cao Đài Tiên Ông trường trai ba năm và trở thành người học trò đầu tiên thọ giáo Đức Cao Đài Thượng Đế và được lập những đàn cơ riêng do đồng tử Lê Văn Ngưng phò ngọc cơ, chỉ một mình Đức Ngô hầu đàn để học đạo lý và đạo pháp.
Để kỷ niệm nơi Đức Ngô được Đức Cao Đài nhận làm đệ tử đầu tiên, năm 1961 một số đệ tử Chiếu Minh ở đàn Long Hoa (Sài Gòn) gồm các ông: Nguyễn Văn Truyện, Bùi Thiện Hùng, Trần Minh Trí, cất Cao Đài Hội Thánh trên nền cũ của Quan Âm Tự bị bỏ phế. ( trích Thánh sở Cao Đài tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc / Soạn giả Đạt Truyền và Đạt Linh)
_____________________________________________________


Đức Ngô và Chư Tiên
Chánh đạo - chánh tâm - chánh tín / Đức Ngô và Chư Tiên

Đạo có gì đâu, đạo ấy Trời,
Trời là Tiên Phật, cũng là người,
Người hay giác ngộ thành Tiên Phật,
Tiên Phật vọng tâm cũng xuống đời.

Đức Quan Âm Bồ Tát, Trúc Lâm Thiền Điện, 20-10 Quý Sửu

Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của bạn để phát triển Nhịp Cầu Giáo Lý ngày một tốt hơn.


Hãy gửi góp ý của bạn tại đây